Dàn nhạc đỏ - Phần II - Chương 31

Trung tâm giành chủ động

Ngày 23 tháng hai năm 1943, ngày hai bức điện của Trung tâm gửi đến, Leopold nói chuyện rất lâu với Giering. Hắn cho Leopold biết hắn đã báo cáo ngay cho cấp trên ở Berlin biết nội dung các điện đó; cảm tưởng của các sếp đó giống như của hắn là giai đoạn khó khăn nhất của kế hoạch như thế là đã vượt qua và nhu vậy có thể tiếp tục Trò Cao Thủ như đã định. Là tên cáo già trong nghề cho nên Giering đã cho kiểm tra những tin tức chứa đựng trong hai bức điện. Búc thứ nhất là cần quan tâm nhất: hắn hỏi Kent xem Cục có thói quen gửi điện mừng nhân ngày lễ Hồng quân không. Kent lúc này một mặt lo sợ Leopold bằng cách này hay bằng cách khác đã báo cho Moscow và mặt khác bắt đầu thấy cần tìm cơ hội chuộc lại tội lỗi, cho nên hắn đã khẳng định việc mừng đó là chuyện đã thành thói quen. Thời gian đó Kent còn lộ ra những biểu hiện thiện chí như cố giữ khoảng cách đối với bọn Đức và thái độ này hắn giữ cho đến khi Leopold biến mất.

Giering rất xúc động thấy Leopold được đề xuất khen thưởng. Hắn nhận định đó là dấu hiệu Trung tâm tin tưởng Leopold, đó là điềm lành và làm cho hắn có thêm uy tín đối với cấp trên của hắn vì Berlin phải công nhận ràng ý kiến đề xuất của hắn Leopold vào cuộc chơi là đúng. Nhưng về điểm thứ hai thì hắn ngập ngừng: Leopold đã đề nghị Trung tâm cắt quan hệ trong một tháng với Đảng cộng sản Pháp, và Cục trưởng quyết định cắt hẳn!

Biết tỏng thâm ý của Giering (lần ra tận Jacques Duclos và lãnh đạo bí mật của Đảng cộng sản Pháp qua trung gian là Juliette) cho nên Leopold rất hiểu nỗi thất vọng của tên cớm này. Tên chống cộng điên cuồng này thế là hết hi vọng đánh rất đau Đảng của Jacques Duclos và có thể bắt ngay lãnh tụ này nữa. Khó có cái gì làm cho hắn đỡ đau. Leopold phải khuyên giải hắn:

- Dù sao nêu ông đứng vào địa vị của Cục trưởng, ông cũng sẽ không thể làm khác được, ông cũng phải ra lệnh như thế mà thôi. Ngay từ đầu phải cấm quan hệ với Đảng Cộng sản, chỉ vì điện đài của DNĐ thiếu cho nên mới vi phạm điều cấm đó. Còn bây giờ điện đài đủ rồi, ông muốn liên lạc lúc nào cũng được, thế thì chúng ta cần gì đến đường liên lạc của Đảng cộng sản Pháp nữa?

Vài hôm sau, điện mới của Cục trưởng gửi đến chỉ dẫn mở rộng tối đa cơ sở của các điện đài và quy định chức năng rõ ràng cho từng đài, giới hạn chặt chẽ trong lĩnh vực thông tin quân sự mà thôi. Cục trưởng cũng yêu cầu cho biết tình hình về Simex và Simexco. Giering quyết định trả lời hai hãng đó đã bị Gestapo phá rồi nhưng DNĐ vẫn tồn tại không bị thiệt hại gì vì những cuộc bắt bớ đó. Trả lời như vậy là tên trùm ĐĐN có thể tự do trừng trị những người phụ trách hai công ty đó nhưng vẫn tiếp tục tiến hành kế hoạch Trò Cao Thủ với Moscow. Vậy là số phận của các đồng chí Simex đã bị bắt rất đáng lo ngại. Tên Manfred Roeder khát máu đến Paris vào tháng ba năm 1943 để tổ chức các vụ xét xử giả vờ, thực chất đó chỉ là một vụ tàn sát đã được dự tính từ trước. Những “tên thẩm phán” không thu thập được những chứng cứ quyết định là những bị cáo đó có trong tổ chức DNĐ, nhưng chúng vẫn kết án tử hình Alfred Corbin, Robert Breyer, Suzanne Cointe, Kaethe Voelkner và Podsialdo. Keller bị kết án tù. Đối với Robert Breyer là người không tham gia DNĐ mà bị kết án tử hình thì thật là một vụ giết người không hơn không kém. Nhờ những lời khai tại dự thẩm của Leopold và Grossvogel mà cứu được Ludwig Kainz, kĩ sư của hãng Todt tại Paris. Sau chiến tranh mới biết tin Alfred Corbin, Robert Breyer, Griotto, Kaethe Voelkner, Suzanne Cointe, Podsialdo và Nazarin Drailly đã bị hành hình cùng với các thành viên DNĐ ở Berlin, trong nhà tù Plotzensee vào ngày 28/7/1943. Giering đã trao đổi bức điện đầu tiên với Trung tâm từ khi Leopold báo cáo được tới Moscow về việc lưới bị đánh phá… ĐĐN lao hết sức vào cuộc tấn công đầu độc. Chúng tìm mọi cách bịt tin đã bắt được Grossvogel, Katz, Maximovich, Robinson, Efremov, và Kent. Chúng cũng chuyển Leopold từ trụ sở phố Saussaies sang trụ sở Neuilly… Ngay giữa trụ sở Gestapo, Leopold đã làm được bản báo cáo cho Trung tâm. Giering và bè lũ vẫn kể những gì chúng muốn, chuyển điện theo chủ trương của chúng với mục đích mờ ảo về hòa bình riêng rẽ, nhằm đầu độc Moscow bằng cách thu lượm trong tủ những tin tức cũ kỹ, cố đào bới óc tưởng tượng của những tên cớm và khiêu khích đồi bại: chẳng cần. Vì đối mặt với chúng là Moscow đã biết tỏng âm mưu của chúng rồi.

Ở góc phố Victor Hugo và phố Rouvray ở Neuilly, trùm Gestapo Paris tên là Boemelburg, có một khách sạn riêng đã nhốt những tù nhân đặc biệt. Nơi đây có mười buồng, mặt trang trí bằng những hàng cột trắng, có một bãi cỏ ở phía trước và một vườn rau ở phía sau, trông thật là sang. Xung quanh là hàng rào sắt bao bọc và những hàng cây to xanh tốt che khuất được mắt người qua lại hình bóng của những tù nhân nổi tiếng nhốt trong đó. Với tính hợm hĩnh điển hình, Boemelburg và những tên quốc xã dưới quyền rất hãnh diện được tiếp nhận những “vị khách” có tiếng như Albert Lebrun, tổng thống cuối cùng của nền cộng hòa thứ ba của Pháp. Andre Francois-Poncet, nguyên đại sứ Pháp tại Đức, đại tá de la Rocque, trùm đảng Chữ Thập Lửa, Largo Caballero, cựu tổng thống nước cộng hòa Tây Ban Nha. Ngoài những nhân vật đó, còn một đại tá tình báo Anh đang bị Gestapo sử dụng. Boemelburg tiệc tùng suốt ngày. Người gác cổng kiêm nấu bếp cùng hai cô con gái cũng ra vẻ hãnh diện với những vị khách quý.

Leopold bị giam ở tầng hai trong một căn phòng trang trí kiểu cổ; cửa sổ không có lưới thép, cửa ra vào luôn luôn bị khóa chặt. Khi anh muốn đi ra ngoài phải báo cho lính gác, mỗi ngày được đi dạo hai giờ trong vườn sau, tuyệt đối không được nói chuyện với tù nhân khác. Ngôi nhà này do một đơn vị lính Slovak canh gác, cũng giống như bọn chủ, số lính này say sưa tối ngày. Chúng hò hét, hát hỏng ầm ỹ… Leopold nảy ra ý trốn, nhưng nghĩ đến vai trò trong Trò Cao Thủ lại thôi. Trong những đêm không ngủ, anh đã hình dung mình phải phá cửa ra, đập chết tên lính gác và chuồn thẳng…

Vài ngày sau khi chuyển sang khách sạn Neuilly, Berg báo cho Leopold rằng sẽ đưa Katz sang ở cùng Leopold. Anh rất vui khi được tin này, nhưng thục ra chúng đưa Katz nhốt ở tầng hầm cùng với tên phản bội Schumacher thì Leopold hiểu ngay Gestapo định để Schumacher điều tra về ý đồ thực sự của Leopold. Bắt đầu, tên phản bội kể với Katz rằng y nhận xét Leopold không thực sự đầu hàng, mà chỉ tìm cách đánh lừa bọn Đức. Leopold liền phàn nàn với Berg về thủ đoạn kể trên sẽ đem lại những sự nghi kị trong khi thực hiện kế hoạch. Thế là chúng đưa Schumacher đi nơi khác ngay.

Katz được phép thăm Leopold và cùng đi dạo trong vườn sau khách sạn. Biết chắc có máy nghe trộm gài trong phòng, nên hai người tìm cách làm yên lòng Gestapo khi họ cùng ở trong phòng, nhưng chỉ khi ra vườn họ mới dùng tiếng Yiddish hoặc tiếng Hebrew để bàn về công việc. Katz đau buồn về số phận của những đồng chí bị bắt và lo lắng về tình trạng gia đình các đồng chí đó đều bị coi là những con tin. Đến tháng 3 năm 1943, Kent và vợ được chuyển đến khách sạn Neuilly. Kent suốt ngày mã những điện Giering gửi về Trung tâm. Những bức điện này đều ký tên Leopold mặc dù anh đã tuyên bố không liên quan gì đến vì anh không hay biết tí gì về những bức điện đó. Giering hỏi ý kiến Leopold về những điện của Trung tâm gửi cho hắn và về những trả lời của hắn cho Trung tâm. Thỉnh thoảng Berg đến để dẫn Leopold sang trụ sở phố Saussaies. Anh thường gặp Boemelburg. Tuy Boemelburg là đồng nghiệp lâu năm với Giering và Berg nhưng ba tên này ghét nhau, nhất là khi Berlin báo cho Boemelburg không được nhúng mũi vào công việc của ĐĐN thì tên này phát khùng lên. Berg dặn Leopold:

- Ông cần xa lánh Boemelburg, nhất là khi tên đó say rượu. - Lời khuyên này vô ích vì Boemelburg có mấy khi tỉnh.

Có một buổi chiều Leopold cùng Berg từ Saussaies trở về khách sạn thì có nhiều tiếng nổ. Thấy Leopold ngạc nhiên, Berg dẫn Leopold ra vườn. Boemelburg đang ở đó, người lảo đào, say khướt, súng lục trong tay… Leopold hỏi Berg:

- Hắn bắn vào ai đó?

- Ông cứ nhìn, nhìn kĩ vào, - Berg trả lời.

Boemelburg đã làm một số bia toàn là hình các lãnh đạo Liên Xô và Đảng cộng sản Pháp; cạnh đó là loạt ảnh vẽ hình tượng trưng cho người Do Thái. Đó là những mục tiêu của tên trùm Gestapo Paris sau những giờ đi nốc rượu và đi trấn áp.

Boemelburg tiếp tục tập bắn… Cứ mỗi làn nó bắn là con chó ngao sủa ầm lên. Bỗng Boemelburg đập vào đầu con chó và thét:

- Câm ngay, Stalin, câm ngay!

Thấy Leopold, nó nói:

- Ông đã thấy tôi đặt cho con chó này cái tên đẹp chưa: Stalin?

- Ồ, ông ơi, - Leopold trả lời. - Tôi cho rằng đặt tên như thế xấu lắm, vì tôi cũng thấy ở Moscow những con chó có tên là Hitler…

Điên tiết, lại say, Boemelburg chồm vào Leopold, súng chĩa vào anh.

Berg nhảy xổ vào lấy thân che cho Leopold:

- Tròi ơi, Otto! - Berg kêu lên.

Sau đó Berg mắng Leopold:

- Suýt nữa thì tai vạ, Trò Cao Thủ suýt nữa thất bại một cách vớ vẩn!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3