Dàn nhạc đỏ - Phần II - Chương 35

Một trận đấu căng thẳng với Gestapo

Mới ba mươi chín tuổi, thủ trưởng Dàn Nhạc Đỏ, nay Leopold buộc phải đóng vai về hưu ít nhiều lão suy tại một ngôi nhà yên tĩnh tên là Nhà Trắng (Maison Blanche) tại Bourg-la-Reine. Anh chẳng còn có cách lựa chọn nào khác và đành quyết định đóng vai một con người ốm yếu cần có sự trông nom của hộ lí. Không thể để bà Georgie có mặt ở đây, Leopold phải thuê bà May, vội góa của một ca sĩ ứng tác khá nổi tiếng, căm ghét phát xít và sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu bí mật. Anh biết ơn bà Georgie đã tìm được một con người hiếm có như thế vì trong hoàn cảnh nguy hiểm của anh có một người kiên quyết đối đầu với hiểm nguy thật là khó đấy. Bề ngoài bà May phải đóng một bà dì già nua rất tận tụy. Trên thực tế, bà là giao liên.

Ban đầu Leopold sống hình thản ở Nhà Trắng, nhưng dần dà anh nhận xét có nhiều khách trọ cũng khổ tâm là phải đóng vai của các ông già bình thản. Không nghi ngờ gì những biểu hiện mâu thuẫn với cùng độ tuổi cũng như tình cảnh thật của họ. Giống như anh, họ có dấu hiệu phải đóng kịch để khỏi bị bọn Đức chú ý… Không khí trong nhà ký túc là thân ái, nhưng ai cũng giữ kẽ hình như là không tin những người xung quanh nên thường mang cơm vào phòng riêng để ăn. Đúng, đây là một ngôi nhà dưỡng lão không bình thường…

Khả năng chống lại kế hoạch của Pannwitz không lớn nhưng Leopold vẫn tìm cách chống: cuối tháng chín, anh viết cho hắn bức thư thứ hai. Bức thư trước anh kể rằng hai nhân viên phản gián đã buộc anh sang Thụy Sĩ, nhưng Pannwitz đã lần ra được dấu vết của anh ở Saint Germain, Vesinet, và Suresnes… Nhằm cung cấp cho Pannwitz một giải thích có thể chấp nhận được, anh kể cho hắn rằng được phản gián Xô Viết đồng ý, anh đã trở về Paris.

Anh thấy ngay mâu thuẫn: người ta sẽ đặt ngay câu hỏi: “Thế bạn không còn cách gì hay hơn là báo cáo cho Đội Đặc nhiệm biết thành phố mà anh đang ở hay sao? Đối với một người đang trốn tù mà thú nhận như thế là tối kiến! Đơn giản việc đó giống như chỉ cho người đi săn những dấu vết của con mồi, thật là vô cùng liều lĩnh”. Anh thông cảm sâu sắc với sự ngạc nhiên đó, nhưng anh thấy tâm lí khá sơ lược của một tên Gestapo thường là ta nói ta ở Paris, thì nó sẽ truy tìm anh ở khắp bốn phương trời Châu Âu!

Leopold có một lí do nghiêm túc nữa: Paris là thiên đường của những lén lút và trong tình thế của một người bị truy lùng đã cắt được những quan hệ đã có thì người đó có nhiều khả năng chắc chắn chạy thoát khỏi những kẻ đang truy đuổi người đó.

Anh đã viết bức thư với giọng bình tĩnh, chắc chắn, tỏ lộ sự phẫn nộ về thái độ của ĐĐN, lên án ĐĐN đã cố tình gây sợ hãi khi bắt bớ những người không liên quan gì đến DNĐ. Anh viết thêm rằng anh sẽ đối lại với ĐĐN một cách thỏa đáng nếu ĐĐN tha những người đã bị đơn vị này bắt giữ.

Tưởng rằng ĐĐN chủ động ngay từ đầu trong Trò Cao thủ, Pannwitz phải bối rối vì bức thư kể trên. Hắn tự hỏi về ý đồ của Leopold, hắn không hiểu vì sao sau khi trốn thoát mà Leopold vẫn chưa báo cáo toàn bộ sự thật cho Trung tâm. Rõ ràng hắn mù mờ về việc Moscow đã nắm chính xác tình hình kể từ ngày xảy ra kế hoạch Juliette, vào tháng hai năm 1943.

Leopold trước hết lo lập lại liên lạc với Trung tâm qua trung gian là Đảng cộng sản Pháp; anh hi vọng sẽ lập lại được qua trung gian là chị Suzanne Spaak. Chị tuy không phải là Đảng viên nhưng chị hợp tác với bác sĩ Chertok, một thầy thuốc trẻ có quan hệ với một đảng viên cộng sản là luật sư Lederman. Luật sư là một trong những người có trách nhiệm chính trong lực lượng kháng chiến người Do Thái tại Pháp và Leopold đã gặp ngày trước, khi anh tham gia Đảng cộng sản Pháp. Trên bình diện cả nước, luật sư này có quan hệ với trưởng ban các chiến sĩ quốc tế là đồng chí Kowalski, phó thủ trưởng cơ quan Nhân công Di cư trong Đảng cộng sản Pháp.

Leopold quen Kowalski: Đây là một đồng chí anh rất cần vì đồng chí này vừa biết lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp vừa biết Michel, người liên lạc giữa anh với Đảng cộng sản. Liên hệ được với Kowalski không dễ dàng; cứ ngày một và ngày rằm, anh cử phái viên đến nhà thờ Buttes-Chaumont là một điểm liên hệ thường xuyên được qui ước từ lâu với Trung tâm. Liệu điểm này còn hoạt động không? Ngày 1/10 Georgie đến đó nhưng không thấy ai.

Anh chị Spaak đã đưa Georgie đi xa nhờ sự giúp đỡ của hai bạn nữ người Anh tên là Ruth Peters và Antonia Lyon-Smith, là hai người sống bí mật ở Paris. Antonia đề xuất sẽ viết thư cho bác sĩ De Joncker, một quan hệ của cô sống tại sát biên giới Thụy Sĩ, một người chống phát xít tận dụng vị trí chỗ đang ở để giúp đỡ những người tị nạn qua Thụy Sĩ. Trong khi chờ trả lời, anh quyết định đưa Georgie trốn ở một làng nhỏ vùng La Beauce, gần Chartres để khi có hiệu lệnh sẽ qua biên giới Thụy Sĩ. Nhưng Georgie không chịu chờ, ngày 14/10 bà lộn về Bourg-la-Reine. Anh đành phải thuyết phục bà quay về Beauce. Trước khi về đó, bà lén đưa mảnh giấy cho bà May có ghi địa chỉ của bà để tìm bà cho dễ. Bà May đã giữ địa chỉ này. Có dự kiến bà sẽ đến chỗ hẹn trong ngày hôm đó tại Buttes-Chaumont.

Leopold đã sửa soạn kĩ với bà May về cuộc hẹn đó. Bà phải đến xa nhà thờ một quãng, rất tránh đi qua nhà bà ở gần đó sau khi đã liên hệ được.

Denise là bạn học khiêu vũ ngày xưa với Georgie. Từ dạo đó, có dấu hiệu bà này quan hệ với ĐĐN. Có chứng cứ về việc này sau vụ khám xét ở Suresnes cho thấy bà ta đã từ từ phản bội. Mà Denise rất quen bà May và có địa chỉ của bà này.

Bà May là một bà già rất cởi mở, thông minh, rất ghét phát xít, độ lượng, hăng hái, nhưng chưa có kinh nghiệm công tác bí mật không hợp pháp, dễ sơ hở đối với bọn Gestapo nhà nghề. Bà tâm sự rằng bà có một cậu con trai mà bà rất yêu quý, nhất là từ sau khi chồng bà mất, đang bị bắt làm tù binh. Leopold suy nghĩ bà sẽ là một đối tượng ngon lành cho kẻ địch nếu bà bị bắt. Vì thế Leopold đã phải dặn bà gặp phải tình huống bị địch bắt thì ít nhất phải giữ im lặng trong hai đến ba tiếng đồng hồ.

Cuộc hẹn ở Buttes-Chaumont đã định vào giữa trưa. Leopold đợi bà một tiếng rưỡi là cùng. Thời gian trôi đi mà vẫn không thấy bà ta trở lại. Đến ba giờ cũng chẳng có ai. Không còn nghi ngờ gì hẳn là bà ta gặp trở ngại rồi đây và anh bắt đầu đưa ra các giả dụ.

Theo Leopold thì bà May chẳng có gì phải gặp phiền toái ở địa điểm hẹn mà chỉ có Georgie, Trung tâm và Leopold biết. Giả thiết thứ nhì: bà đã không nghe lời dặn của Leopold mà cứ qua nhà bà. Sau này Leopold biết đúng như thế. Bà đợi ở nhà thờ 15 phút, không thấy ai. Đáng lẽ bà phải trở về Bourg-la-Reine, bà lại qua nhà với hi vọng may ra có tin tức hoặc thư từ của đứa con đang bị bắt làm tù binh. Nhưng nhà của bà đã bị bọn mật thám ngụy của tên Lafont dùng làm cái bẫy. Chúng đã bắt được bà May, khám phá thấy trong túi có mẩu giấy ghi địa chỉ của bà Georgie ở vùng Beauce.

Denise đã cung cấp địa chỉ của bà May để mật thám Gestapo đặt bẫy.

Tức giận vì bị sa bẫy bà May đã đánh trả lại bọn mật thám. Lafont báo ngay cho Pannwitz biết thành tích của hắn và Pannwitz đã lệnh đưa bà May về trụ sở phố Saussaies. Bà đã bị chúng khai thác cái địa chỉ kia nếu không khai chúng sẽ trị con bà. Bà May đã im lặng được vài tiếng đồng hồ, đến 18 giờ bà suy sụp, khai ra địa chỉ của Leopold tại Nhà Trắng, địa chỉ của Spaak và khai ra việc bà là giao liên giữa vợ chồng Spaak và Leopold.

Tội nghiệp cho bà May, con người không có kinh nghiệm hoạt động bí mật… Trong vài giờ đồng hồ bọn truy nã Leopold đánh được một đòn rất nguy hiểm. Anh chị Spaak, Georgie và Leopold đều gặp nguy hiểm. Leopold phải xử lí thật nhanh. Lúc 15 giờ, không thấy bà May quay về, anh phải xin gặp ngay bà giám đốc Nhà Trắng để báo cáo cho bà biết tình hình vừa xảy ra, báo động cho bà biết bọn Gestapo sẽ đến và đề nghị bà cảnh báo cho những “khách trọ đặc biệt trong nhà”. Ngay tức khắc, bà khuyên các vị khách đó di chuyển ngay.

Về phần mình. Leopold quy ước với bà giám đốc Parrend rằng nếu có ai gọi điện thoại thì bà trả lời rằng Leopold đang đi dạo chơi và sẽ trở lại Nhà Trắng lúc 19 hoặc 20 giờ. Anh nghĩ rằng Pannwitz chưa tung ngay quân đến Nhà Trắng mà chỉ tìm cách làm yên lòng Leopold về việc bà May trở lại muộn. Còn Leopold thì tìm cách đánh lừa bọn ĐĐN rằng anh sẽ đi dạo và trở về lúc 19 giờ một cách vô tư; Pannwitz sẽ tập trung lực lượng vào điểm Bourg-la-Reine vì hắn không thể tung lực lượng ra cả hai điểm trong một lúc. Vào lúc 15 giờ rưỡi, anh rời Nhà Trắng sau khi hủy thẻ căn cước; nhưng giữ các giấy tờ do Đảng cộng sản Pháp cung cấp cho anh chứng nhận anh là Đức kiều, là loại giấy giúp anh tự do đi lại cả trong giờ giới nghiêm. Anh cố ý để lại hết hành lí, cửa buồng mở toang để gây cảm tưởng rằng anh không đi hẳn. Cố ý tăng thêm cảm tưởng đó, anh để thêm quyển sách mở trên bàn, chăn rũ tung, thuốc bệnh trên bàn ngủ. Tất cả những chi tiết đó nhằm thuyết phục bọn Gestapo ngồi chờ anh trở về Nhà Trắng.

Anh rất bình tĩnh. Đó là loại phản xạ khi anh gặp nguy biến. Anh khó còn khả năng cứu gia đình Spaak khỏi bàn tay tên Pannwitz và bè lũ. Anh bước thẳng đến Plessis-Robinson. Trời đẹp, khách bộ hành dạo chơi đông. Người qua lại có vẻ vui vẻ và vô tư, thật là trái ngược với tâm trạng trăm mối tơ vò trong anh.

Bỗng anh trông thấy đồng chí Michel, liên lạc viên giữa anh và lãnh đạo Đảng cộng sản Pháp.

Michel có người đi cùng. Anh rất muốn tiếp cận, báo tin bi thảm của tổ chức và xin đồng chí cho lời khuyên và giúp đỡ, nhưng anh không dám. Anh không có quyền làm hại Michel. Có thể anh đang bị theo dõi. Anh tự cấm một cách nghiêm khắc liên hệ với những người mà có thể bị vạ lây. Anh tìm cách tự thuyết phục rằng một người tù vượt ngục thì phải tự lực, nhưng điều này tuy có làm cho anh thấy thêm sức mạnh song không giải quyết được vấn đề: làm thế nào đây? Đi đâu bây giờ? Anh biết rồi: cứu anh chị Spaak. Nhưng đi đâu? Đó là vấn đề khác…

Màn đêm buông xuống. Nỗi cô đơn bị truy nã… Leopold tự nhắc câu hỏi: làm gì bây giờ? Đột ngột, anh gần như không suy nghĩ, gọi taxi và bảo người lái đưa anh tới địa chỉ nhà Spaak ở phố Beaujolais…

Thật là một ý nghĩ kỳ lạ và anh phân định lí lẽ phản bác: đến Spaak thật ra là nhảy vào miệng hùm! Đồng ý, đồng ý, nhưng anh còn cách khác để cứu anh chị Spaak cơ mà? Liều vậy, không còn cách nào khác.

Ít ra anh cũng có một điều chắc chắn: Gestapo đã hành động. Vào lúc 6 giờ tối, anh đã điện đến Nhà Trắng, có một người lạ trả lời anh:

- Bà Parrend không có nhà…

- Xin ông lên buồng của tôi và báo cho dì tôi là bà May rằng tôi sẽ trở về lúc 8 giờ tối, xin dì chờ tôi để ăn bữa đêm… - Leopold bình tĩnh trả lời tên lạ mặt đó.

Sau này Leopold được biết những lời của anh điện về khiến cho bọn ĐĐN khoan khoái. Bình tâm, ngày càng chắc mẩm sắp tóm được tên vượt ngục, chúng yên chí chờ. Chúng chờ Leopold tại Nhà Trắng, nhưng anh cũng lo lắng có thể chúng cũng chờ anh ở cả nhà Spaak nữa. Anh suy nghĩ rằng bọn mật thám Đức ngay từ đầu đã bắt được bà May khai hết dưới những đòn tra tấn man rợ của chúng, thì chúng chẳng khờ khạo gì mà không tận dụng những lời khai đó. Con người dưới sức ép tra tấn bắt đầu khai nhỏ giọt ra tên một người, một việc. Nắm được thắng lợi bước đầu, bọn chuyên gia về đau đớn của con người sẽ tiếp tục tra cho đến khi chúng khai thác được hoàn toàn. Chúng biết rằng chúng có đầy đủ khả năng thành công. Leopold không ảo tưởng: bà May đã già cho nên khó chịu nổi tra tấn so với người trẻ đầy sức sống, bà lại thiếu được đào tạo về hoạt động bí mật, không có những người như Hillel Katz, như Sokol… đã hi sinh dưới đòn tra tấn không một lời khai báo.

Taxi dừng trước nhà Spaak. Cuộc chạy đua nước rút bắt đầu. Anh có cảm tưởng như kiểu sĩ quan thời Nga hoàng dí súng ngắn vào thái dương với một viên đạn nhét hú họa vào ổ đạn. Đôi khi cò súng đập vào khoảng không, nhưng đôi khi nó đập đúng vào viên đạn.

Leopold xuống xe, từ từ thu hết sức lực. Anh lại một lần nữa, thêm một lần nữa sắp bước vào giới hạn của số phận. Không còn rút lui được, chắc như vậy. Anh bước lên cầu thang, tay lăm lăm viên nhân ngôn, bấm chuông. Vài phút chờ đợi, cánh cửa mở.

Thoáng nhìn, anh gặp ánh mắt bạn. Anh bạn đứng trước mặt anh, mạnh khỏe bình thường. Anh rất sung sướng, nhưng vì quá vội, không còn thời giờ hoan hỉ nữa. Qua ánh mắt dò hỏi của anh, Spaak hiểu ngay: trong nhà có ai nữa không? Qua thái độ của Spaak, anh hiểu ngay rằng anh có thể yên tâm; lúc này anh mới thấy tim anh đập lại bình thường. Anh nói ngay: Spaak ơi, phải rút khỏi nhà ngay đi!

Phản ứng của Spaak khá lạ lùng:

- Sao, khi nghe tiếng chuông bấm, tôi tưởng là bọn Đức. Số phận của người kháng chiến bao giờ cũng nằm trong tâm trạng như thế… Nhưng anh đang bị truy nã như thế mà dám đến đây báo động cho tôi như thế này thì thật là quá lạ lùng! - Spaak trả lời Leopold.

- Tôi không thể làm khác được sau khi khu Saint Germain bị vây, Leopold trả lời. Không thể để thêm một ai bị bắt nữa.

Phải, ý nghĩ đó đã ám ảnh Leopold. Tóm lại, giờ đây là giây phút cảm động nhất… Nhưng hai người không còn thì giờ để chờ đợi cho tâm trí trở lại bình thường. Phải hành động ngay, đối phó ngay. Phải xem gia đình Spaak có ai, làm thế nào để báo cho họ, đưa họ ra khỏi vòng vây của Pannwitz. Hai anh quyết định Suzanne, vợ Spaak, và hai con Spaak phải rút ngay về Orleans ngay hôm sau vào lúc chín giờ đêm. Spaak sẽ dẫn họ ra ga và về nhà bạn bè, sau đó chị Spaak và hai cháu sẽ rút sang Bỉ, còn Spaak ở lại và rút vào bí mật.

Đó là vấn đề gia đình Spaak. Nhưng còn vấn đề thứ hai khó chống trả, cần phải xử lí rất gấp: cuộc gặp của Leopold với Kowalski, đại diện Đảng Cộng sản, đã định vào ngày 22/10 tại Bourg-la-Reine, giờ chưa định rõ, bác sĩ Chertok sẽ điện trước hai ngày cho Spaak, nhưng ngày hẹn thì bà May đã nắm được trước khi bà bị bắt, vậy phải hủy hết!

Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến ngày hẹn rồi. Muốn liên hệ được với Kowalski phải qua bác sĩ Chertok và luật sư Lederman. Tìm được hai vị này trong bóng tối đâu phải dễ dàng. Thật là khó khăn, thậm trí không thể làm được. Nhưng nếu để Kowalski, người phụ trách trên qui mô toàn quốc những đơn vị chiến đấu ngoại quốc, có quan hệ với bộ tham mưu của lực lượng FTP(1), người tin cậy của Đảng cộng sản Pháp, rơi vào tay phát xít thì vô cùng tai hại.

(1) FTP là lực lượng du kích của ĐCS Pháp chống phát xít.

Vậy bằng bất cứ giá nào cũng phải cản đồng chí đó rơi vào tay Gestapo. Trước khi hai người chia tay. Leopold thỏa thuận với Spaak một số biện pháp và hẹn sẽ gặp lại nhau vào tối ngày 21/10 tại nhà thò Ba Ngôi (La Trinite).

Rồi hai người bước xuống cầu thang, không nói một lời. Hai người bắt tay nhau và khi sắp sửa chia tay, Spaak hỏi Leopold:

- Anh đi đâu bây giờ? Anh có chỗ trú ẩn chưa?

- Anh đùng lo, tôi có rồi.

Nơi trú ẩn của Leopold ư? Đó là lề đường Paris… Thật là cảnh tượng đau lòng khi hai người cùng bước vào đêm tối…

Leopold vào một quán rượu nhấm nháp vài li để điểm lại tình hình trong cái ngày 15 bi thương này: Georgie ra đi, anh chắc bà sẽ được an toàn, chờ bà May trở lại, rồi anh phải rút khỏi Bourg-la-Reine, đến gặp Spaak. Chỉ có một điều làm cho anh thêm sức mạnh là anh không bị động chịu đòn mà đã chống lại những miếng đòn của địch. Bằng cách giữ ĐĐN lại Nhà Trắng, anh đã cứu được vợ chồng Spaak.

“Ta đã thắng chúng nó”, tiếng hò chiến thắng của mọi người chống phát xít, nay anh có thể reo lên như vậy. Một mình ngồi trên chiếc ghế của quán cà phê nho nhỏ này, trước cái ly, bị Gestapo truy nã, anh mang tinh thần của kẻ chiến thắng. Nhưng chiến tranh chưa kết thúc. Anh vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Anh đã thắng chúng nó trong bao lâu? Làm gì? Đi đâu? Ngày mai?

Và sau đó?

Sau khi chia tay Spaak, anh buộc phải tính toán, kiểm điểm lại. Giành được một điểm quan trọng: bọn ĐĐN, Lafont, lúc này đây đang phải huy động tổng lực để truy tìm anh. Chỉ có một điều là bọn chó đó đang bị phải buộc mõm để rình rập anh. Tại sao Pannwitz và bè lũ lại im ắng như vậy? Vì chúng không biết Leopold đã hay chưa thông báo cho Moscow cho nên chúng phải dè dặt chưa đánh tiếng ầm ĩ được. Giả dụ Trung tâm chưa biết tin Leopold vượt ngục, mà Pannwitz báo động rầm rộ thì khác nào báo động cho Trung tâm biết tin đó.

Trên đường phố, trong quán cà phê hoặc chiếu bóng, anh cảm thấy tương đối an toàn. Hòa mình vào lẫn dòng người dân Paris, anh cảm thấy khá yên tâm. Ngoài ra anh còn tấm căn cước Đức kiều khiến anh có một số quyền cao hơn người Pháp, nhờ có nó, anh có thể đi lại ban đêm.

Một Đức kiều khi qua Paris vài ngày? Chắc là hắn sẽ tận hưởng các thú vui. Nhưng lúc này anh làm sao mà hưởng lạc được? Rời quán, anh vào một rạp chiếu bóng. Anh chẳng nhớ hôm đó rạp chiếu phim gì, anh chỉ nhớ ghế ngồi thật là thoải mái, bóng tối thật là thuận lợi cho nghỉ ngơi. Và thời gian trôi đi, thế là đã đủ đối với anh.

Hết phim, anh đi về phía ga Montparnasse. Đêm đã khuya. Anh lượn đi luợn lại các phố để chờ rạng đông. Một ngày mới bắt đầu. Sau những sự kiện sôi động hôm qua, thời gian trước mắt anh là một khoảng trống to lớn, anh phải đếm từng giờ, từng phút, cô đơn, bất chắc rình rập. Chưa có việc làm, anh gọi điện đến ĐĐN ở Nhà Trắng, qua điện thoại của một quán cà phê:

- Xin lỗi ông, Leopold nói với một người lạ, hôm qua tôi bị bạn giữ nên không về nhà được. Chiều nay sau khi đến bác sĩ tôi sẽ trở về…

Như vậy, chẳng phải chỉ có mình anh chờ đợi tối đến.

Anh lại bước chân đi trên các hè phố, thỉnh thoảng ghé vào quán cà phê, hoặc hiệu ăn. Rồi lại lang thang như chiếc vỏ ốc lăn trên bãi cát. Chân bước chậm, óc sôi động, mắt quan sát, thần kinh căng thẳng và cảnh giác. Khi đêm xuống, anh mới thấy rằng anh không thể lại qua đêm ngoài trời được nữa. Anh cần có chiếc giường để ngả lưng ít ra là vài tiếng. Một chiếc taxi chở anh ra ga Montparnasse rồi ga Orleans, anh thiu thiu ngủ. Khi đến ga, không thấy anh dậy, anh lái xe ngạc nhiên, đánh thức anh. Lúc đó vẻ mặt anh ra sao? Chắc là không bình thường. Anh lái xe là một người đã đứng tuổi, mặt có vẻ thiện cảm và thông minh, cúi xuống hỏi anh:

- Ông có lẽ không biết có chỗ nào để cư trú phải không? Nếu ống muốn tôi mời ông đến nhà tôi. Nhưng tôi cần phải chạy thêm một chuyến nữa rồi mới trở về nhà được.

Ông lái xe hiểu rằng anh đang trong cơn bĩ cực mặc dù anh không hề nói một lời nào với ông. Anh tin ông và xin trả tiền cước xe. Ông lái sống trong một tầng hầm mái một mình. Nếu ông ta sống trong một cung điện, chắc Leopold cũng chẳng sung sướng hơn. Sự có mặt của ông làm anh vui lên, anh không còn cô đơn nữa. Một ánh tình bạn lóe lên trong đêm tối của kẻ bị truy nã. Anh rất ngạc nhiên thấy ông không hỏi một ý tò mò nào. Hai người trò chuyện trong bữa cơm thanh đạm về chuyện chiến tranh, thiếu thốn, giới nghiêm, nạn bị chiếm đóng… Anh ngủ thiếp đi, sung sướng. Bốn giờ sáng, anh tỉnh dậy thấy như đổi đời. Ông lái đưa anh ra ga phía Bắc mà anh kể với ông rằng anh phải lên tàu sớm. Anh chia tay sau khi cảm ơn nhiệt liệt trong tình cảm như hai người bạn nối khố. Đối với ông lái xe Leopold là gì nhỉ? Có lẽ là người tỉnh khác trôi dạt lên thủ đô và nay trở lại quê hương.

Ông già thân mến! Leopold không biết ông là ai và có thể không bao giờ biết rõ về ông. Nếu ông còn sống và được đọc những trang trong hồi kí “Trò Cao thủ” của Leopold Trepper, ông sẽ thấy Leopold xin nhắn ông rằng anh không bao giờ quên được những gì ông đã giúp anh trong cái đêm hôm đó.

17 tháng mười, Leopold mong manh hi vọng nối lại liên lạc. Chị Spaak đồng thời với cuộc hẹn gặp đại diện Đảng Cộng sản, còn bố trí cho Leopold gặp một người bạn của chị tên là Grou Radenez thuộc toán kháng chiến quan hệ với London. Anh dự định thông qua quan hệ này để liên lạc với sứ quán Xô Viết tại Anh. Hẹn gặp tại cửa nhà thờ Auteuil vào buổi trưa. Anh đến chỗ hẹn đúng giờ. Thận trọng như mọi khi, anh đến gần khu vực nhà thờ thì trông thấy một xe Citroen đen mà bọn mật thám Đức thường dùng đậu trước cổng nhà thờ. Vừa còn chút thời giờ quay gót chuồn. Anh không bao giờ biết được vì sao lại có hiện tượng đó, hay là người hẹn đã bị bắt.

Georgie bị bắt chiều hôm 17/10 tại làng nhỏ xứ Beauce. Sau này Leopold mới biết tin đó. Chính bọn Lafont tóm được mẩu giấy ghi địa chỉ của chị trong túi bà May hôm 15 nên chúng bắt được chị. ĐĐN đã chờ hai hôm mới hành động.

Không thấy Leopold quay lại Nhà Trắng, Pannwitz cho rằng anh đã chạy trốn về Beauce. Làng nhỏ đã bị Gestapo vây chặt, chúng rình suốt hai ngày, đến tối mới hành động, Pannwitz và Berg lăm lăm súng ngắn xông vào nhà. Nắm được hai con bài là Georgie và con của bà, Pannwitz mừng rỡ là sẽ đánh phá tận cùng. Nhưng tra tấn, khống chế cũng có khi chẳng có tác dụng gì.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3