Tâm lý vợ chồng - Phần I - Chương 1

PHẦN THỨ NHẤT: NHẬN ĐỊNH VỀ QUAN NIỆM HÔN NHÂN

CHƯƠNG I

1. CHÂN GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

Từ khi lịch sử loài người chính thức phát sinh, con người đã biết kết hợp đời sống với nhau thành một nhóm gọi là bộ lạc. Sau khi kết hợp thành bộ lạc, mọi người phải cùng lo đến một giềng mối để tiếp nối đời sống gia tộc, người đàn ông đã tìm đến người đàn bà, và tiếp nối công cuộc di truyền nòi giống với nhau. Cứ như thế tiếp tục từ đời này sang đời khác, từng thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, con người vẫn cùng nhau tiếp tục duy trì nòi giống cho đến ngày nay.

Công việc kết hợp dòng giống ấy được gọi thành danh từ nôm na: VỢ CHỒNG.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Trong cuộc đời khi người đàn ông và đàn bà cùng gặp nhau trên một khía cạnh tinh thần để rồi thỏa thuận với nhau họ cùng làm bạn để nối tiếp những cuộc lưu truyền nòi giống cho nhau, họ cùng hiểu nhau và sống chung với nhau để chia sẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn, họ cùng gánh chịu những khổ đau mà trên đường đời sẽ đến với họ, cả hai người đàn ông và đàn bà đều liên đới cùng nhau nhận thức trách nhiệm trong giềng mối bảo vệ gia đình.

Tất cả những đôi vợ chồng chung sống với nhau ai cũng ai cũng đều mang một niềm hoài vọng duy nhất là thành thật mong muốn gia đình trong ấm ngoài êm, trên thuận dưới hòa để rồi cả hai cùng gánh chịu những gian lao hay sung sướng khi mà cuộc đời mang đến cho họ trong những ngày chung sống cùng nhau.

Nếu phân chia trách nhiệm giữa hai người chồng và vợ thì chúng ta thấy rằng không ai trách nhiệm nặng nề hơn ai, nếu người ta cho rằng trách nhiệm của người đàn ông là nặng vì phải lo những vấn đề cần yếu cho gia đình như tiền bạc chẳng hạn, người đàn ông phải chịu những nỗi cắn rứt của lương tâm vì vợ con mình không hoàn toàn như lòng mình mong muốn. Trái lại, người đàn bà không gánh chịu những nỗi cắn rứt về tài chánh mặc dù trách nhiệm của người vợ không vì thế mà nhẹ nhàng.

Người đàn bà nếu không bận tâm về tiền bạc lại phải bận bịu với công việc hằng ngày từ miếng ăn giấc ngủ của chồng của con, một tay người đàn bà phải gánh chịu trước hết. Trong một gia đình sự sung túc nếu có hay không đều do tay người vợ. Chính vì những lý do đó chúng ta thấy cả hai vợ chồng đều không có ai nặng và nhẹ, mà nếu có chỉ có trên một vài khía cạnh nào đó.

Trong công cuộc bảo vệ gia đình như đã trình bày ở phần trên thì cả hai vợ chồng cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm và bảo vệ lẫn nhau, chỉ có thể nền tảng gia đình mới mong đứng vững, ngược lại gia đình phải đi đến chỗ tiêu tan. Hằng ngày chúng ta nhận thấy không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình nối tiếp xảy ra mà nguyên nhân chỉ vì một trong hai người bạn đường coi thường trách nhiệm của mình.

Tuy nói rằng đời sống vợ chồng là hai nhưng một, người chồng cũng như vợ phải hiểu vai trò của mình như một con cờ trong một bàn cờ quyết định, không nên vì một lý do này hay một lý do khác biến mình trở nên nhu nhược, chịu khuất phục trước những áp lực từ bên trong hay bên ngoài đưa đẩy khiến phải thối thoát. Trong đời sống lứa đôi, nếu có một trong hai người lùi bước hai quên trách nhiệm nhất định gia đình sẽ suy vong.

Một gia đình êm ấm là một gia đình chồng vợ hiểu nhau, biết thương yêu nhau, biết tha thứ cho nhau và nhường nhịn lẫn nhau.

Giá trị gia đình là ở chỗ đó.

Từ xưa đến nay nhiều bậc danh tướng anh hùng thành công trên đường đời đều nhờ vào tay vợ, ngược lại trên thế gian này cũng không thiếu những trang liệt sĩ biết chiều chuộng vợ con, những người như thế chính là những con người tiêu biểu cho một trân giá trị vững chắc nhất trong đời sống gia đình.

2. GIA ĐÌNH, MỘT NỀN TẢNG TRONG XÃ HỘI

Trong đời sống cộng đồng xã hội, gia đình giữ một vai trò quan trọng không kém, một xã hội lành mạnh thì nhất định ở trong khu vực xã hội ấy phải có những nền móng vững chắc. Trái lại, nếu trong một quốc gia mà xã hội bị lung lay, nhất định đời sống gia đình cũng chịu chung một số phận do ảnh hưởng của xã hội. Những bằng chứng điển hình nhất có thể cho chúng ta một ý thức hệ về gia đình là ngay trong thời kỳ đệ nhị thế chiến vừa qua, như chúng ta đã biết Đức Quốc khai sinh ra đệ nhị thế chiến, kết quả là đế quốc này ngã gục trong ô nhục, dân tộc Đức phải gánh chịu những hậu quả khốc hại trong đời sống gia đình, cả một thế hệ Đức hiện tại phải điêu đứng vì những bước thối lui dễ sợ của xã hội họ. Trai gái không còn chú trọng vào gia đình nữa, họ chỉ sống theo những đòi hỏi cá nhân, tình chồng vợ bị coi thường và ý thức về sự thủy chung hầu như không còn nữa.

Với một bằng chứng vừa nêu, chúng ta đã hiểu được tình yêu lệ thuộc vào xã hội hay không.

Dẫn chứng thêm một bằng chứng khác mà chúng ta có thể nhận thức ngay được là một nơi nào trong xã hội mà nền tảng gia đình bị coi thường, trai gái không coi vấn đề cùng nhau chung sống mà chỉ coi những nhu cầu đòi hỏi cá nhân thì nhất định gia đình sẽ suy vong không chối cãi.

Mọi người sống trong xã hội giữa trai và gái phải nhận thức được thế nào là trách nhiệm, thế nào là lý tưởng gia đình. Có như thế xã hội mới mong đứng vững, châm ngôn: “Gia đình là nền tảng của xã hội” là như thế.

Trong một quốc gia, gia đình được bảo vệ tới mức tối đa bởi những khuôn thước của luật pháp giúp người dân an lòng thì nhất định nơi đó sẽ có một cuộc sống an lành. Nói như thế chúng tôi tin rằng nhiều người sẽ lên tiếng cho rằng luận điệu này không mấy đúng, nhưng chúng ta thử nghĩ gia đình không được bảo vệ thì những mầm mống tương lai sẽ như thế nào? Trong một quốc gia mà mọi cá nhân không đặt nền tảng gia đình lên hàng trọng yếu thì quốc gia ấy có mạnh được không? Nhất định là không.

Bởi thế, chúng ta thấy rằng gia đình là một nền tảng vững chắc trong xã hội, là một sự thật không thể chối cãi, chúng ta không thể phủ nhận những sự thực của nó. Đi từ một định nghĩa thông thường là nhiều người sống kết hợp thành một làng, nhiều làng hợp lại thành một tỉnh, nhiều tỉnh hợp lại thành một vùng hay miền và nhiều miền. Như vậy hợp nhau thành một khối và khối ấy gọi là quốc gia, mà kỷ cương của quốc gia là xã hội. Xã hội là một bộ mặt của cả một quốc gia mà nguồn gốc chính lại là gia đình, vì vậy chúng ta nhận định rằng gia đình chính là nền tảng của xã hội.

Một người ngoại quốc có thể nhìn vào nếp sống của một gia đình mà có thể đánh gia xã hội là như thế nào. Sở dĩ có chuyện như thế vì gia đình là một tế bào của xã hội.

3. YẾU TỐ CẤU TẠO THÀNH GIA ĐÌNH

Con người từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi khôn lớn, ai cũng mang trong người một tâm hồn. Trong tâm hồn con người nhất định phải có những đức tính tự nhiên: Mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn…

Những đức tính đó kết hợp thành tinh thần và trong tinh thần thì phần tình cảm là một vai trò quan trọng.

Nói đến tình cảm của con người quả thật là bao la vô tận, nhìn một cánh chim bay lòng người thấy lòng mình dào dạt, liếc mắt thấy một người bệnh qua đường lòng người cảm thấy xót xa, hay nhìn thấy một người ăn diện sang trọng ăn nói có duyên đem lòng ham thích.v.v… Tất cả ngần ấy thứ đều là tình cảm con người.

Nhưng…

Nhưng có một thứ làm con người suy tư, nghiền ngẫm… Đó là tình yêu lứa đôi.

Phải, chỉ có tình yêu lứa đôi làm con người phải suy tư ra chiều suy nghĩ, chỉ có tình yêu lứa đôi mới làm con người trở thành dày dạn với phong sương, mưa gió của đời.

Con người với bản tính tự nhiên, chỉ với bản tính tự nhiên khi khôn lớn đến tuổi trưởng thành, tự nhiên thấy lòng mình dâng lên một nỗi dạt dào bâng khuâng thương nhớ, khi đến tuổi lớn lên thoát khỏi thời thơ ấu tự động những chàng trai, cô gái đều thấy tâm hồn bắt đầu vương vấn những chuyện vu vơ, họ thường hay suy tư, thường hay mơ mộng, trong những sự suy tư mơ mộng đó bao giờ cũng chú ý đến những người khác phái để mong tìm cho mình một người cùng chung sở thích, cùng chung ước nguyện và khi được gặp nhau rồi đôi lứa thường hay lo nghĩ đến chuyện cùng nhau chung sống.

Đó chính là tư tưởng thành lập gia đình và ngưỡng cửa của cuộc đời bắt đầu mở ngỏ để chào đón họ. Trong đầu óc bắt đầu nẩy sinh tư tưởng thương yêu, để gọi là tình yêu đôi lứa, và khi đã gặp người cùng chung chí hướng trên đường tình cảm tự nhiên họ muốn sống chung với nhau và tình yêu khi ấy gọi là tình vợ chồng và quan trọng hơn là gia đình.

Một quan niệm chính yếu khác là khi trai gái tới tuổi trưởng thành, lo nghĩ tới nhau sau ái ân họ muốn cùng nhau chung sống và gây dựng một mái nhà, để rồi theo thời gian ở đó sẽ có những tiếng khóc ngây thơ của những đứa trẻ của hai người nối tiếp giống nòi cho họ, mối quan tâm chính là tình thương vợ chồng.

Không nói đến những mối tình bất chính của một trong hai người cố tình lợi dụng sự nhẹ dạ non lòng của người khác phái để cốt thỏa mãn thú tính tầm thường, còn lại hầu hết những người thanh niên khác khi muốn lập gia đình đều muốn kết hợp với nhau để cùng nhau chia vui xẻ buồn, chia sớt cho nhau những nỗi sướng khổ và cùng nhau chung sức gánh vác lấy những trách nhiệm mà cuộc đời sẽ giao phó cho họ.

Nói tóm lại, yếu tố tạo thành hạnh phúc gia đình là tình yêu thương thành thực và ý muốn sống chung cùng nhau gánh vác cho nhau những khó khăn của cuộc đời.

4. ÁI TÌNH VÀ HẠNH PHÚC

Định nghĩa đơn giản nhất về hạnh phúc là cái gì làm cho người ta sung sướng.

Trong những cái làm cho con người ta sung sướng trong cuộc sống là tiền tài, danh vọng, cơm áo và tình yêu. Gạt bỏ những quan niệm về vật chất cao sang một bên, phần còn lại của đời sống tinh thần trong con người là tình cảm. Con người sống với nhau có thể thiếu thốn vật chất phần nào nhưng chắc chắn cuộc sống tình cảm thì không.

Tại sao?

Lý do dễ hiểu, đời sống vật chất tuy làm cho con người túng thiếu ra mặt, nhưng con người có thể tìm thấy một cách dễ dàng, ngược lại đời sống tình cảm bị thiếu thốn tự nhiên con người đâm ra khô khan cằn cỗi.

Tagore, một thi hào danh tiếng Ấn Độ đã từng nói: “Tiền bạc con người có thể thiếu, nhưng tình cảm thì không, vật chất con người có thể đánh mất tìm lại được, tình cảm đánh mất khó mong tìm”.

Lời nói trên đã xác nhận được phần nào chân giá trị của tình yêu.

Trong cuộc sống con người hiện hữu tình cảm chiếm một phần quan trọng. Người ta có thể tìm ra tiền bạc dễ dàng nhưng cũng có thể suốt đời đánh mất một mối tình lý tưởng thì không bao giờ tìm được.

Nói đến tình yêu thì có lẽ tình yêu trai gái là thứ tình yêu quan trọng và mãnh liệt hơn mọi thứ tình cảm khác.

Đem ra phân tích, ta thấy tình yêu vợ chồng là một thứ tình nồng nàn say đắm, nó đứng sau tình non nước nhưng đứng trước mọi thứ tình cảm.

Napoléon đệ nhất từng viết thư cho Joséphine người tình của ông một câu đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Tình vợ chồng là một thứ tình đứng sau tình yêu tổ quốc và cha mẹ thiêng liêng, nhưng lại đứng trước mọi thứ tình thông thường khác. Tình yêu của lứa đôi bao giờ cũng nồng nhiệt đắm say”.

Mọi người dù trai hay gái, ai ai cũng theo đuổi. Ai ai cũng chầu chực đua đòi. Thứ tình yêu đó được người đời gán cho nó một hình dung từ “tình yêu đôi lứa”, nói nôm na là “ái tình”.

Chỉ mỗi một danh từ xưa cũ “ái tình”, nhưng ác hại thay nó lại không bao giờ lỗi thời, không bao giờ lạc hậu, ngược lại mỗi thời mỗi vẻ, người đời vẫn liên tục tán dương. Từ xưa đến nay trên thế giới đã có biết bao danh nhân, thi sĩ cố thêu hoa dệt gấm tô điểm cho hai tiếng “ái tình” ngày thêm lộng lẫy. Danh từ “ái tình” được liên tiếp diễn ra nhiều thế hệ, từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc. Ai ai cũng tô điểm thêu dệt cho hai tiếng ấy.

Từ những nhà văn thi sĩ cho đến những bậc anh hùng, đâu đâu cũng nói đến ái tình.

Napoléon đệ nhất nổi tiếng với mối tình của Désiré Clary, rồi đến một George Sand lại gây sôi nổi với Alfred de Musset, văn hào Victor Hugo nông nổi với nàng Juliete Drouet, tất cả chỉ vì ái tình.

Trên trường đời kẻ nào chiến thắng ái tình là được người đời ca ngợi có số đào hoa. Ai không may, lại bị cho rằng người vô duyên bạc số.

Không biết bao nhiêu văn sĩ trên quả đất này đã viết về ái tình và cũng không biết bao nhiêu người đã sướng, đã khổ chỉ vì tình đến hoặc tình đi.

Bà Staal de Launay đã bảo: “Ái tình là một kho tàng huyền bí của nhân loại”.

Thi sĩ Đức, Goethe lại nói: “Chỉ có ái tình mới làm con người khôn hơn”.

Hay như một Anna de Noaille tuyên bố: “Người nào sống không ái tình thật như cây khô sống không nước”.

Hoặc như Bergson: “Tình yêu là một kho vàng vô tận mà người đời là kẻ săn vàng”.

Tất cả những danh từ ấy chỉ dành cho một vấn đề, một câu chuyện mà sự thật chỉ có ái tình.

Trên những lập luận vừa qua của những người danh tiếng mà chúng ta chỉ học lại tư tưởng của họ, chúng ta có thể tìm được một lý thuyết đơn thuần là con người bị ái tình chi phối và chính ái tình làm cho con người sướng hoặc khổ mà thôi.

Chính vì chỗ không thể thiếu trong đời sống nên con người trở thành đua ghen giành giựt, có khi còn đổ máu chỉ vì một chuyện tình. Hằng ngày chúng ta thường nghe người qua đường lể lại những thảm kịch về tình, những vụ lưu huyết, những án mạng mà kết quả chỉ do những tình yêu gây nên.

Tuy nhiên, tình yêu là tình yêu, còn chuyện đáng được nói hay không là thuộc về một khía cạnh khác, khía cạnh đó là hạnh phúc. Chúng ta phải xác nhận rằng không phải trai gái yêu nhau là hoàn toàn hạnh phúc, hễ gặp nhau là tính truyện trăm năm, họ cũng có nhiều thứ tình, từ tình yêu chân thật đến tình hoa bướm, cả hai đều có cả hai đều xảy ra. Đứng ngoài nhìn vào chúng ta thấy tình yêu đổi thay muôn mặt từ chỗ thành thật đến chỗ giả dối điêu ngoa. Mỗi khía cạnh có những nét đặc biệt của nó, không phải yêu là đã tìm được hạnh phúc, có nhiều người yêu rất nhiều nhưng hạnh phúc chỉ là ảo tưởng, vì sự thật hạnh phúc còn tùy thuộc vào con người có thành thật hay không. Nếu gặp một người không thành thật thì mối tình ấy biến thành một mối tình hão huyền mà hạnh phúc không bao giờ đến. Hạnh phúc chỉ đến khi cả hai đều có những tư tưởng thành thật không lừa dối nhau, không phản bội nhau, chính vì chỗ đó mà nhà hiền triết đã phải nói: “Tình yêu và hạnh phúc là hình với bóng, thấy nhau nhưng không phải để bắt được nhau”.

Hạnh phúc được đặt thành vấn đề là ở chỗ đó. Chỗ thành thật hay giả dối, ngay thẳng hay bất chính? Một mối tình chỉ tìm được hạnh phúc khi hai trái tim cùng chung nhau một nhịp, biết cảm thông và yêu thương lẫn nhau, có như vậy thì tình yêu mới không đi xa chiếc bong hạnh phúc. Ngược lại có một người trong hai rắp tâm phản bội lừa dối, điêu ngoa thì bóng hạnh phúc càng ngày càng xa và viễn ảnh tan vỡ ngày càng đến gần. Cái khó của tình yêu là ở chỗ đó, vấn đề có được đặt thành hay không cũng chính ở chỗ đó.

Một điều nữa, một điều mà người đời thường hay nhầm lẫn là không phải sống chung nhau là đã hạnh phúc với nhau. Có nhiều đôi vợ chồng đã từng sống chung nhau thật lâu, sinh con đẻ cái thật nhiều nhưng không bao giờ tìm thấy cái chân giá trị của hạnh phúc là gì, cũng có kẻ ăn ở với nhau suốt cuộc đời, nhưng đến khi nhắm mắt buông xuôi vẫn không bao giờ thấy được ánh bình minh hạnh phúc. Tất cả mọi thứ ấy mới là những điều đáng nói, đáng làm cho người đời suy nghĩ hoài nghi. Có những cặp vợ chồng thật chung tình nhưng không thể bảo chung tình là hạnh phúc, hoặc êm ấm nhưng không thể nào vội vã kết luận êm ấm tức là hạnh phúc với nhau.

Nếu những câu chuyện như trên đều cho là hạnh phúc thì chắc chắn tôi không lo ngại, không hoài nghi và nhất định không có những tư tưởng để viết những dòng này.

Sự thật của hạnh phúc là một thứ suy tư trong tâm não, sống đời vợ chồng mà hạnh phúc phải là sống bằng tinh thần, mọi việc phải thông cảm với nhau, mọi việc phải được cả hai đồng ý, mọi sự đồng ý thoải mái không chịu những áp lực bên trong cũng như bên ngoài ép buộc, một sự chấp thuận thỏa đáng mà không buồn phiền cũng như phải có sự thành tâm thiện chí và nhường nhịn của đôi bên, tình chồng vợ phải biết dung hòa. Có như thể hai tiếng hạnh phúc mới diễn tả đúng nghĩa của nó mà sự thực không bị méo mó, bất cứ vì một lý do này hay một lý do khác. Không chịu những chi phối từ bên trong lẫn bên ngoài và phải có sự thỏa mãn của chồng cũng như vợ.

Nói tóm lại, tình yêu và hạnh phúc là một danh từ chung cho hai vấn đề khác nhau tuy cùng trên một khía cạnh tình cảm nhưng hạnh phúc khác tình yêu ở chỗ thành thật và tự do, nếu tình yêu không được tự do, nhất định không bao giờ tạo dựng được hạnh phúc cũng như hạnh phúc mà không có sự nhiệt tình của tình yêu thì cả hai không bao giờ có điểm tương đồng và nhất định muôn đời không thêt nào kết hợp thành chuyện vợ chồng lý tưởng cho nhau.

Cuối cùng ta có thể kết luận: Tình yêu và hạnh phúc là hai vấn đề tương quan lẫn nhau nhưng phải biết phân biệt có như thế mới tìm được một tình thương yêu lý tưởng cho vợ lẫn chồng.