Tâm lý vợ chồng - Phần I - Chương 4 phần 1
CHƯƠNG IV
1. ĐỜI SỐNG TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI CON GÁI
Những điểm then chốt trong tâm hồn người phụ nữ.
Người đàn bà mang nhiều tâm sự thầm kín, phức tạp hơn hẳn người đàn ông. Nếu trong tâm hồn người con trai càng dễ dàng bao nhiêu thì ngược lại trong tâm tình người phụ nữ càng thêm tế nhị và phiền phức bấy nhiêu.
Không một ai có thể hiểu nổi người đàn bà muốn gì và đang làm gì. Tâm tình người phụ nữ là một thứ tâm tình thầm kín và nhiều phức tạp. Một đôi vợ chồng chung sống với nhau từ ngày còn trẻ cho đến lúc tuổi già, chưa hẳn người đàn ông đã hiểu nổi người vợ mình muốn gì và đã làm gì trong những ngày chung sống.
Thế giới tình cảm của người con gái là cả một chuyện phức tạp, phức tạp không những đối với người khác mà họ còn phức tạp đối với chính mình. Có nhiều người đàn bà khi làm một chuyện hay quyết định một điều gì đó chưa chắc họ đã hiểu nổi họ, có lắm lúc tự mâu thuẫn ngay với chính con người họ nữa. Tình cảm của người con gái khác biệt người con trai là ở chỗ đó. Họ không bao giờ tự chủ lấy mình mà trái lại luôn hướng về kẻ khác. Người đàn bà thích làm cho người khác thỏa mãn. Trong nếp sống tình cảm của người con gái thường thường có những cố tật thường xuyên.
Nói những cố tật thường xuyên không phải là chúng tôi muốn nói người con gái nào cũng giống nhau ở những điểm mà tôi sắp trình bày, nhưng chiếm phần đông là như thế. Con người mỗi người một sở thích, một khác biệt cá nhân. Không ai có thể bảo rằng người này hoàn toàn giống người kia nguyên vẹn, nhưng có thể nói những điểm mà tôi sắp trình bày có thể đại diện cho 9 phần 10 tâm tình người phụ nữ trong quá khứ cũng như ở tương lai.
2. QUẢ TIM NƠI XUẤT PHÁT TÌNH CẢM
Hầu hết người con gái nào cũng giống nhau ở điểm là đặt quả tim mình vào một vị trí quan yếu nhất nhì trong tình cảm. Người đàn bà đều có thể coi trái tim là một trung tâm cửa ngõ của ái tình. Tất cả mọi thứ tình mẫu tử thiêng liêng đến tình vợ chồng chung chăn gối hay tình bạn, tình thân mật gia đình. Những điểm đó đều nằm trong giới hạn và quyền lực của con tim.
Người đàn bà tính chung là đa tình, đa cảm. Họ chỉ sống vào lòng tin và tình thương. Tình thương và lòng tin tưởng là những chất liệu cần thiết để nuôi dưỡng tâm tình người phụ nữ. Chắc chắn không một người đàn bà hay con gái nào coi nhẹ tình yêu. Họ có thể đánh đổi tất cả để chạy theo tiếng gọi của con tim. Họ có thể chấp nhận những gian truân, mưa gió phũ phàng mà cả cuộc đời mang lại bằng cửa ngõ tình yêu. Tình yêu đóng một vai trò thiết thực nhất trong nếp sống tâm tình người phụ nữ. Họ coi nặng vấn đề tình cảm. Đơn cử một ví dụ cụ thể nhất là từ một chuyện không đâu của một người ngoài cuộc cũng làm cho họ mủi lòng, thương xót.
Một người không quan hệ gia tộc, khi người đó có chuyện đau khổ tự nhiên những người đàn bà khác cũng cảm thấy đau khổ lây cho cảnh ngộ hiện hữu của người bạn xấu số. Xem một cuốn phim tình cảm mà nhân vật trong phim chịu nhiều điều bất hạnh cũng khiến họ đau lòng.v.v… Nói chung người đàn bà thường bị con tim hướng dẫn, từ một vai trò phụ thuộc tiến lên vị trí dẫn đạo, người con gái luôn luôn đặt tình cảm của mình vào chỗ bị lệ thuộc của con tim, ngoại giới và nội tâm luôn luôn chi phối họ. Không bao giờ họ có thể tự nhiên khi gặp những cảnh khổ từ bên ngoài đưa đến cho một người nào đó cũng làm họ đau đớn, xót xa và thương cho người đóng vai chủ chốt. Nói tóm lại con tim đã hướng dẫn người đàn bà hoàn toàn. Hành động của người đàn bà do con tim khởi động và hậu quả là do con tim làm ra. Tình yêu trong lòng người phụ nữ chịu trách nhiệm vì quả tim.
Người đàn bà nào cũng coi quả tim là vấn đề hệ trọng nhất cho cuộc đời. Họ dám sống, dám chết vì tiếng gọi của con tim, họ chỉ hành động theo những xúc cảm do con tim mang đến.
3. LÒNG VỊ THA
Tâm hồn người phụ nữ nào cũng giống nhau. Họ chịu trách nhiệm về con tim nhưng khổ một điều là chính con tim họ không phải là chỗ khai thác cho bản thân họ mà là nơi dùng để dung dưỡng tình cảm. Nói một cách khác, trái tim người đàn bà là nơi dùng để chất chứa, cùng cung ứng tình thương cho những người khác, những người mà họ thương yêu.
Điều này họ đã có một điểm dị đồng với tâm tình người con trai là tâm tình người con trai là một thứ tâm tình ích kỷ, tình yêu người con trai có tính cách cá nhân dùng để yêu một người nào đó thì trái tim lại tình cảm trong lòng người đàn bà lại dùng để yêu thương nhiều người mà họ xét thấy liên hệ hơn là một người.
Người đàn bà thích làm cho người mình thương yêu hạnh phúc hơn mình, đầy đủ hơn mình và luôn luôn toàn vẹn hơn mình, như vậy là người đàn bà thỏa mãn. Họ sẽ đau khổ xót xa khi thấy người họ thương yêu thiếu thốn, cơ cực, thua sút mọi người. Họ không bao giờ chịu chỉ cho những người họ yêu lại phải đau khổ, mà trái lại họ chỉ mong sao người mà họ tin tưởng hoặc gói ghém tình thương đừng bao giờ đau khổ, có như thế họ mới an lòng và lấy làm sung sướng, hãnh diện với tình thương của họ. Tình yêu của người đàn bà là một thứ tình yêu bị lệ thuộc vào kẻ khác, lệ thuộc vào những người mà họ yêu thương, họ lo lắng cho những người đó hơn là lo cho chính bản thân họ.
Trong tình yêu lứa đôi, người con gái cũng mong cho người yêu của mình thành công trên một khía cạnh nào đó, muốn cho người mình yêu luôn luôn là người sung sướng, họ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của họ cho người yêu mà không suy nghĩ đắn đo.
Trong tình mẫu tử, một thứ tình thương thiêng liêng và nặng nề nhất trong nếp sống tinh thần của người con gái, họ chỉ mong muốn sao cho con được hoàn toàn sung sướng là đã mãn nguyện lắm rồi. Không một người đàn bà nào có con mà không hy sinh cho con, có lắm người mẹ còn quyết hy sinh tất cả vì con, mạng sống của con đã được coi như mạng sống của chính bản thân của người mẹ, cái khổ của con là cái khổ của mẹ, cái hạnh phúc của con là hạnh phúc của chính mẹ.
Người đàn bà lại giàu lòng hy sinh, họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho những người thân yêu của họ. Họ luôn luôn là một kẻ sống cho người khác, họ luôn luôn chịu mọi thiệt thòi cho kẻ khác sung sướng, niềm sung sướng của người thân yêu họ là niềm sung sướng và hãnh diện của chính họ. Họ tràn trề lòng hy sinh và tự nhiên là họ sẽ đau khổ khi kẻ chịu ân lại bạc bẽo đối với họ.
Tình yêu trong lòng người đàn bà là một thứ tình yêu bị chi phối và luôn luôn chịu lệ thuộc vào người khác. Vì lý do đó cho nên đời sống tình cảm của người đàn bà không được người đàn ông khai thác, bồi bổ tự động nó sẽ lịm dần và tắt hẳn trong một thời gian nào đó mà thôi. Ngược lại tình yêu đó nếu được một người chồng biết cách khai thác và nuông chiều cũng như khai thác đúng chỗ lòng tự ái, tình yêu đó sẽ bền chặt và vĩnh cửu muôn đời.
Bản tính tự nhiên của người đàn ông là thường hay quan trọng cá nhân, coi chuyện mình làm là hệ trọng, mưu cầu hạnh phúc cho chính cá nhân mình hơn là lo cho người khác, ngược lại người đàn bà thì thích sống cho người khác nhiều hơn là cho mình, coi hạnh phúc của kẻ khác quan hệ hơn hạnh phúc cá nhân, tình yêu trong lòng người đàn bà hướng về vị kỷ hơn là ích kỷ, trái với đàn ông. Đối với người đàn bà chỉ biết hướng đời sống vào kẻ khác mà coi thường mình, họ luôn luôn đặt lòng tin vào kẻ mà họ thương yêu, suy nghĩ nhiều về người ngoài hơn là suy nghĩ cho chính mình, nỗi khắc khoải ưu tư trong đời sống tình cảm trong tinh thần người con gái là những việc của người ngoài.
Họ bao giờ cũng đặt hạnh phúc vào trong tay người khác. Họ bắt buộc kẻ khác phái phải sống chết với họ. Tình yêu người đàn bà là thứ tình yêu lệ thuộc vào người khác ở chỗ đó. Hạnh phúc trong gia đình người đàn bà thường hay hướng vào chồng, vì thế tình thương gia đình là tình yêu phải là người chồng mang đến mà người vợ không thể nào gây dựng nên.
Một điều khác nữa là ngay trong lúc tuổi còn nhỏ cho đến lúc tàn tạ, người đàn bà luôn luôn hướng tình thương vào trong tay người khác. Đơn cử một bằng chứng là một gia đình giàu có thì trong nhà người đàn ông không thích bận bịu vào đàn con, đám cháu, mà người đàn ông muốn sống an nhàn sung sướng riêng mình, nhưng người đàn bà thì trái lại dù cho cuộc sống vật chất có đầy đủ bao nhiêu, cuộc đời có đãi ngộ bao nhiêu họ vẫn luôn luôn hướng về con, cháu, lúc nào cũng bận bịu gia đình nhiều hơn, tình thương lúc ấy đem cho con cháu mà không nghĩ tới mình. Trong trường hợp này nếu người đàn bà nào không có mục đích nào để yêu thương như không chồng con, gia đình thì nhất định lúc tuổi già người đàn bà đó là người gay gắt khó chịu vô cùng, đôi lúc còn hành động những chuyện tày trời nữa là khác.
Nói tóm lại, tình cảm của người đàn bà là một thứ tình yêu bị lệ thuộc và chi phối mà đối với người đàn bà là một điều cần thiết và kèm theo lòng hướng vào người khác là lòng vị tha không nuôi óc ích kỷ, mà trái lại người đàn bà nào cũng chủ trương tình yêu của mình là một thứ tình yêu lấy lòng vị kỷ làm cứu cánh, lấy đức tính khoan dung, bao la, làm mục tiêu cho cuộc song với chính bản than mình. Đặt tin tưởng vào người khác làm sở thích.
4. TÍNH THÍCH LÀM DÁNG
Trong tất cả nhưng người đàn bà sống trên cõi đời có một thiên tính độc đáo nhất là thích làm dáng. Không người đàn bà nào không ưa làm dáng, cốt là làm sao mình trở thành cái đích cho những kẻ khác dòm ngó. Tâm lý sâu xa nhất của phụ nữ ngày xưa cũng như ngày nay là họ luôn coi mình là quan trọng, quan trọng hóa ngay trong câu nói, giọng cười, dáng đi, tướng đứng, từng cử chỉ, từng hành động đều hướng về làm dáng. Đi đường cũng như lúc ở nhà, những cô gái đến tuổi cập kê, thời kỳ ái tình chính thức lên tiếng, trái tim họ hoàn toàn rung động vì ân tình, thì lúc đó chính là lúc ưa làm dáng hơn ai hết. Những người con gái bao giờ cũng tự cho rằng tính làm dáng là một bẩm tính. Làm dáng là cả một nghệ thuật, từ cái áo cái quần đến những cử chỉ xã giao hằng ngày.
Nếu bản tính tự nhiên của người đàn bà là làm đẹp lòng kẻ khác, sống thiên về lòng vị kỷ thì tính đó không phải là tính nết xấu, nhưng cũng không phải là không thiệt hại, nếu người đàn bà không ý thức được vai trò lòng vị kỷ của mình thì nó sẽ mang đến cho người đàn bà nhiều tai hại không ít.
Từ bản tính thích làm đẹp lòng kẻ khác, người đàn bà dần dần vượt quá giới hạn hiện hữu của mình và họ tiến đến một phạm vi bao quát hơn. Tính đó là tính ham xã giao. Từ ý mở rộng lòng ham xã giao đi đến mức muốn làm hấp dẫn và khiêu gợi người khác đang sống chung quanh mình. Những đức tính đó, người đàn bà thường hay biểu lộ bằng lời nói bằng cử chỉ và bằng hành động. Tất cả những thái độ đó được gọi chung thành một danh từ là làm dáng.
Những đức tính làm dáng, ưa xã giao rộng rãi là những sự ham muốn chung và là một trong những đức tính cốt yếu nhất của người đàn bà trong đời sống tình cảm. Người đàn bà luôn luôn muốn coi mình là quan trọng, trong sự quan trọng đó người đàn bà thấy lòng tự ái của chính mình được vuốt ve, nâng niu, chiều chuộng và từ những thái độ tiến đến quan niệm quan trọng bằng cách làm dáng. Không một người đàn bà nào không thấy hãnh diện khi ở những chỗ đông người, trên một địa hạt nào đó như chính trị, văn chương, nghệ thuật mà nơi đó người đàn bà được coi như có khả năng, được nhiều người ngưỡng mộ, mến chuộng tài nghệ mình, tỏ vẻ săn đón, chiều chuộng mình. Lúc đó người đàn bà tự coi như mình đã tạo được một sức hấp dẫn làm say đắm lòng người, có thể tùy ở hoàn cảnh, tùy ở phương diện sẵn có của mình mà lòng tự ái và tính làm dáng nảy nở và phát triển.
Trong người đàn bà, nếu những tính tình đó không được kìm hãm, tự nhiên lòng tỵ hiềm, óc ganh ghét, lòng tự ái chiếm ngự và làm cho người đàn bà trở thành độc ác và mất nết.
Tính tự ái là một bản tính đi đôi với bản tính làm dáng, hầu hết các cô gái đều ưa làm dáng, làm dáng vì mong mỏi có người khác chú ý, làm dáng vì người đàn bà muốn cho những người chung quanh hiểu mình biết sống theo thời đại và chạy theo thị hiếu, tuy nhiên tính làm dáng không phải là một đức tính tốt, nếu tính làm dáng cho người con gái tạo thành cho mình một đức tính cá nhân khác biệt hẳn đàn ông, thì trái lại tính làm dáng tạo cho người đàn bà một đức tính kiêu căng, khó chịu.
Người đàn bà khi nào ưa làm dáng, tự nhiên người đàn bà trở thành cá tính coi thường người khác và tự cho mình là quan trọng, là cao cả hơn người. Có nhiều người đàn bà cuộc sống vật chất không đầy đủ bao nhiêu cũng như cuộc sống tinh thần không vượt được người chung quanh là bao, nhưng người đàn bà đã coi mình là một thứ người đáng cho người khác đề cao. Người con gái nào có trong người tính làm dáng nhiều, nhất định người con gái đó không bao giờ chiếm được lòng kính yêu của mọi người.
Cổ nhân đã từng nói: “Cái nết của người đàn bà xấu nhất là làm dáng”. Nói như vậy thôi đủ thấy là làm dáng của người con gái chính là một cái hố trên đường đời mà ít người con gái nào thoát khỏi. Trong mười người con gái, thì chín người thất bại trên đường đời do tính làm dáng tạo nên. Nếu người đàn ông coi thường chính mình thì trái lại người đàn bà thường coi mình là quan trọng so với người khác.
5. QUAN TRỌNG HÓA VẤN ĐỀ ĂN MẶC
Người con gái nào cũng có một tính thiết yếu khác nữa ngoài lòng vị tha và tính làm dáng là thích ăn mặc.
Theo quan niệm ngày xưa và cũng là quan niệm chung là người đàn bà nào thích ăn mặc lả lơi, ưa phô trương là người đàn bà không đứng đắn.
Sự thật có đúng như thế không?
Tâm lý chung của người đàn bà không phải là người nào ăn sang mặc đẹp là không đứng đắn. Tính không đứng đắn là chỉ có với một số người nào thôi chứ không phải là tất cả. Có nhiều người ăn mặc thật đơn sơ, đứng đắn nhưng thiếu thủy chung, ngược lại có những người hay ăn mặc diêm dúa nhưng vẫn một mực chung tình, một lòng một dạ với chồng. Đặt ra vấn đề như vậy cho chúng ta thấy rằng cách ăn mặc không phải là điều tối hệ trong tình nghĩa vợ chồng, điểm quan hệ được đặt ra có thành vấn đề hay không là tính tình mà con người có thể có trong đời sống tinh thần. Vì vậy chúng ta chớ bao giờ có một quan niệm khắt khe trong tình vợ chồng là đặt trọng tâm vào vấn đề ăn mặc của người vợ mà làm thành một cái mức để xác định giá trị con người.
Người đàn bà, con gái nào cũng đều thích ăn mặc sang, mặc đẹp, thích trang điểm, thích chưng diện những gì mình có. Đó là một trong những đức tính phụ thuộc trong thiên tính làm vui lòng người khác mà nên. Cách ăn mặc của người đàn bà không phải chỉ chú trọng vào tính cách kiêu kỳ mà thôi. Tính thích ăn mặc sang trọng là một cái tính phức tạp trong đời sống tâm tình của người đàn bà, vì nó chiếm một vai trò quan trọng trong tính tự ái của người đàn bà.
Sở dĩ người người đàn bà chú trọng vào cách ăn mặc là vì theo người đàn bà thì quần áo, vàng vòng, đồ trang sức là một dấu hiệu chứng tỏ sự sung túc, sự giàu sang, quyền lợi và địa vị hiện hữu của mình trong xã hội, đồng thời nó còn là một bằng chứng cụ thể chứng tỏ sự yêu thương của chồng, của cha mẹ nhà chồng trong gia đình đối với họ.
Một điều nữa khiến người đàn bà quan trọng hóa vấn đề ăn mặc là vì theo họ thì sự ăn mặc sạch sẽ, sang trọng có thể coi như là một sức sáng tạo, một người đàn bà có thân hình mảnh dẻ, ăn mặc một bộ đồ hợp thời trang hay mang trên người một món trang sức quý giá làm cho họ hãnh diện vì sự có mặt của mình. Bất cứ người đàn bà, con gái nào cũng coi mình là quan trọng. Sự ăn mặc sang trọng làm cho người đàn bà thấy mình đẹp thêm, cao quý thêm.
Sự ăn mặc đẹp làm cho người đàn bà coi mình như là một công trình sáng tạo tuyệt kỹ, sự sáng tạo đó có thể coi như là một thành công lớn về mặt tinh thần. Họ so sánh sự thành công đó như một họa sĩ thành công với một bức họa vừa hoàn thành, một nhà văn thành công với một tác phẩm mà họ coi là kiệt tác, hay một nhà kiến trúc thành công với một ngôi nhà mới thành hình.v.v… Đối với người đàn bà cũng thế, mặc một cái áo, một cái quần được người ngoài chú ý và khen tặng, họ lấy làm sung sướng và hãnh diện tự coi cách trang sức đó là của mình là một sự sáng tạo và thành công về phương diện tinh thần.
Cách ăn mặc được người đàn bà chú trọng không kém bất cứ một vấn đề gì, từ lựa chọn một màu áo, một mẫu hàng thích hợp với chính mình hay may một bộ đồ bởi một người thợ khéo tay. Tất cả những điểm đó đều là những điểm khiến người đàn bà chú sung sướng và hãnh diện. Chính vì thế mà người đàn bà chú trọng vào vấn đề ăn mặc.
Khi mặc quần áo ra ngoài đường, được người ngoài nhìn xem, hoặc được khen tặng là đẹp, là sang, là hợp thời.v.v… Đối với người đàn bà thật không còn sự sung sướng nào bằng. Không một sự hãnh diện nào hơn. Họ cảm thấy lòng tự ái được ve vãn đúng chỗ và tính kiêu kỳ được dịp bộc lộ. Đối với người đàn bà khi được khen về cách ăn mặc làm cho họ ưa và coi như hoàn toàn thành công trên phương diện chinh phục và ngoại giao. Người đàn bà lấy làm đau khổ khi sự ăn vận của mình không lôi cuốn được lòng ham chuộng của kẻ khác. Không còn gì làm người đàn bà đau khổ hơn khi chính mình nghe người ngoài chỉ trích về lối ăn mặc không hợp thời của mình. Vì mỗi lần bị chỉ trích họ coi như là một thất bại lớn lao trên đường đời trong công cuộc làm đẹp lòng người khác.
Một điểm tâm lý nữa là trong người đàn bà không chú trọng nặng nề về ăn mặc, nhưng khi ra chỗ đông người, người đàn bà lại chú trọng vô cùng. Tâm lý người đàn bà thật là dễ hiểu vì họ tự nghĩ, khi trong nhà thì sự ăn mặc không quan trọng bao nhiêu vì tất cả những người trong nhà và thân cận đều hiểu rõ gia đình họ nên ít chú trọng. Ngược lại khi ra đường họ phải làm cho người ngoài chú trọng bằng cách ăn mặc vì họ muốn người ngoài nể họ và coi họ quan trọng hơn lúc ở nhà và để làm cho người khác biết được giai cấp và địa vị của họ trong xã hội.
Điểm thứ ba trong lối ăn mặc, là người đàn bà chú trọng vào chỗ cao sang hơn hiện tại. Đàn bà luôn luôn chú trọng cách ăn mặc và săn sóc áo quần một cách chu đáo tươm tất vì người ngoài hơn là trong gia đình. Trong một gia đình thuộc hạng thường, người đàn bà chứng tỏ điều đó bằng cách khi có đám tiệc thuộc vào giới của gia đình mình, khi tham dự tiệc tùng họ không mấy chú trọng đến cách ăn mặc, nhưng nếu có người ở giai cấp cao hơn mời đón, tự nhiên người đàn bà sẽ ăn mặc cao kỳ hơn, tươm tất hơn, diện nhiều hơn và điệu bộ thêm nhiều hơn. Điều này chứng tỏ người đàn bà nhắm vai trò ăn mặc của mình vào chỗ cao hơn, chức tước và quyền quý hơn. Sở dĩ làm như vậy là họ muốn giai cấp trên nể trọng hơn và chú ý hơn.
Cách trang sức chưng diện, bề ngoài sở dĩ có là do lòng kiêu sa mà có. Nhìn cách ăn mặc người ta có thể đánh giá được giá trị thực tại của người đàn bà. Có một điều cần lưu ý là tính ăn mặc kiêu sa đôi khi là để che giấu những nét xấu bên trong. Thói thường nếu người đàn bà ăn mặc diêm dúa bao nhiêu, kiêu sa bao nhiêu thì chính người đàn bà đó sống buông thả bấy nhiêu. Thêm một điều khác nữa là cách ăn mặc thường che giấu những sa sút. Nếu người đàn bà có đức hạnh thì không chú trọng đến cách ăn mặc, ngược lại người nào không hoàn mỹ ở tính tình thì thích chưng diện se sua. Đối với người đàn bà ăn mặc diêm dúa lòe loẹt là một đức tính phức tạp nhưng kết cuộc chỉ là do bản tính chú trọng bề ngoài mà ra.
Điểm cuối cùng trong việc quan trọng hóa vấn đề ăn mặc là do ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Người đàn bà nào có nhiều hạnh phúc thường không hay chú trọng đến ăn mặc, vì họ cảm thấy đời sống mình quá đầy đủ nên không cần chưng diện se sua làm gì. Chúng ta không lấy làm lạ khi thấy nhiều người đàn bà thích chưng diện, sau khi lấy chồng một thời gian tự nhiên không chú trọng về lối ăn mặc, ngược lại có người từ xưa đến nay không chú trọng về việc ăn mặc nay bỗng chưng diện một cách lạ lùng. Cuối cùng chỉ do lòng yêu thương có nhiều hay ít của chồng mà làm cho họ thích ăn mặc vì họ muốn làm cho họ được chồng yêu hơn, hoặc vì chồng thích lối ăn mặc của họ mà họ làm theo.
Tóm lại người đàn bà nào cũng thích quan trọng hóa vấn đề ăn mặc của mình, cốt mong cho mọi người chú ý đến mình và đó cũng là một phương thức bảo vệ hạnh phúc gia đình theo người đàn bà quan niệm.