Anna Karenina (Tập 2) - Phần 5 - Chương 03
5
Tất cả Moxcva, họ hàng và bạn bè, đều dự đám cưới. Trong cuộc lễ trao nhẫn tại nhà thờ, đèn nến sáng trưng giữa các bà, các cô điểm trang lộng lẫy và các ông thắt cà vạt trắng, mặc lễ phục, những câu chuyện kín đáo vẫn rì rầm tiếp tục, nhất là giữa các ông, vì các bà còn mải ngắm nghía mọi chi tiết hôn lễ vốn bao giờ cũng hấp dẫn đối với phụ nữ. Trong đám người thân đang vây quanh cô dâu, có hai bà chị: Doli, chị cả, và Lvova phu nhân, điềm đạm và xinh đẹp, vừa ở nước ngoài về.
- Tại sao Mari lại mặc áo hoa cà trong lễ cưới như vậy? Trông như áo tang ấy, - Corxunxcaia phu nhân nói.
- Với nước da cô ta thì chỉ trông cậy vào cách đó thôi, - Drubetxcaia phu nhân trả lời. - Nhưng tôi không hiểu sao họ lại cưới nhau vào buổi tối, thật sặc mùi lái buôn.
- Thế tuyệt hơn chứ. Tôi, tôi cũng cưới vào buổi tối. - Corxunxcaia phu nhân trả lời và thở dài hồi nhớ lại ngày hôm đó, bà mới xinh đẹp biết bao và ông chồng mới si tình một cách lố bịch làm sao. Mọi cái đều thay đổi hết rồi!
- Người ta nói ai đã làm phù rể hơn mười lần trong đời thì sẽ không lấy vợ nữa; tôi đã định dùng cách đó để bảo đảm khỏi phải kết hôn, nhưng cái chân phù rể đã bị người khác chiếm mất rồi, - bá tước Xiniavin nói với tiểu thư Tsecxkaia xinh đẹp đang thầm yêu ông. Tiểu thư chỉ mỉm cười không trả lời. Nàng nhìn Kitti và tự nhủ khi nào cùng bá tước Xiniavin ở vào trường hợp như thế này, nàng sẽ nhắc lại cho ông nghe câu nói đùa đó.
Công tử Tsiricov nói với cô phù dâu già Nicolaieva là chàng sẽ đặt vòng hoa lên độn tóc Kitti để cầu hạnh phúc cho nàng.
- Ai lại quấn độn tóc như thế bao giờ, - bà Nicolaieva nói, vốn từ lâu đã quyết định là nếu lão già góa vợ mà bà đang mồi chài ưng lấy bà, cuộc hôn lễ sẽ hết sức giản dị. - Tôi không thích cái trò hào nhoáng này. Xergei Ivanovitr pha trò với Daria Dimitrievna rằng sở dĩ tập quán đi du lịch sau khi cưới được phổ biến rộng rãi, vì những cặp vợ chồng mới cưới bao giờ cũng hơi xấu hổ về sự lựa chọn của mình.
- Em trai ông, anh ta hẳn có thể hãnh diện. Cô ấy đẹp lộng lẫy. Tôi chắc ông cũng thèm được như thế.
- Tôi đã qua cái thời đó rồi, Daria Dimitrievna ạ, - ông trả lời, vẻ mặt đột nhiên nghiêm lại và buồn rầu. Xtepan Arcaditr nói cho bà em vợ biết câu chơi chữ về li hôn.
- Phải sửa lại vòng hoa cho cô ấy, - bà này không nghe ông và trả lời.
- Thật đáng tiếc, cô ta xấu đi nhiều thế, - nữ bá tước Norxton nói với Lvova phu nhân. - Dù sao anh ta cũng không bén gót cô ấy, phải không?
- Không, tôi thích anh ta lắm. Và không phải chỉ vì anh ta là em rể2 tương lai của tôi đâu, - Lvova phu nhân trả lời. - Cử chỉ anh ta đàng hoàng lắm đấy chứ! Trong tình thế như thế này, thật khó mà giữ được cử chỉ đàng hoàng và khỏi bị lố bịch. Mà anh ta thì vừa không lố bịch vừa không điệu bộ gì cả, rõ ràng là anh ta xúc động.
2 Beau-frère (tiếng Pháp trong nguyên bản).
- Hình như chị vẫn chờ đợi chuyện này phải không?
- Kể cũng gần đúng như vậy. Cô ấy trước sau vẫn yêu anh ta.
- Ô, hãy xem ai sẽ đặt chân lên thảm trước nào. Tôi đã báo cho Kitti rồi đấy.
- Cái đó không quan trọng, - Lvova phu nhân trả lời, - chúng tôi toàn là những người vợ phục tùng chồng cả, nề nếp gia đình là thế.
- Còn tôi, tôi đã cố tình đi trước Vaxili. Thế còn chị, Doli? Doli đứng cạnh, nghe họ nói, nhưng không trả lời. Bà đang rất cảm động. Mắt bà rớm lệ, chắc bà không thể cất lời mà không òa khóc. Bà vui mừng cho Kitti và Levin; hồi tưởng lại đám cưới của mình, bà thỉnh thoảng lại nhìn Xtepan Arcaditr đang tươi cười rạng rỡ, bà quên hiện tại và chỉ nhớ tới mối tình đầu ngây thơ. Bà không chỉ nghĩ tới riêng mình, mà nghĩ tới tất cả những phụ nữ bà quen thân: bà hình dung họ trong giờ phút độc nhất và long trọng này, cũng như Kitti, họ đứng dưới vòng hoa, lòng tràn đầy tình yêu, hi vọng và lo sợ, khi đã đoạn tuyệt với quá khứ để đi vào một tương lai huyền bí. Trong số những cô dâu mới bà đang nhớ lại, có nàng Anna yêu kiều; bà vừa được tin về sự định li hôn của nàng. Bà từng mắt thấy chính nàng, cũng trong trắng như Kitti, phủ tấm voan trắng, vòng hoa cam đội đầu. Còn bây giờ thì sao? “Thật lạ lùng”, bà nghĩ thầm. Không phải chỉ riêng có chị em, bè bạn và họ hàng quan sát mọi chi tiết của buổi hôn lễ: những phụ nữ đứng xem, không quen thuộc, cũng cảm động, cố nín thở sợ bỏ sót bất cứ cử chỉ hoặc vẻ mặt nào của cặp vợ chồng mới cưới và họa hoằn họ mới miễn cưỡng trả lời những câu bông đùa hoặc nhận xét không đúng chỗ của bọn đàn ông thờ ơ mà nhiều lúc họ không thèm để ý nghe.
- Tại sao mắt cô dâu lại đỏ hoe thế nhỉ? Họ cưỡng ép cô ta lấy chồng chăng?
- Cưỡng ép à! Một người đẹp trai như thế kia! Chú rể là hoàng thân, phải không?
- Chị ruột cô dâu mặc xa tanh trắng đứng kia phải không? Này hãy nghe thầy sáu đang gào lên kia kìa: “Vợ phải sợ chồng!”.
- Hội hát ở T’rudov đến phải không?
- Không phải, ở tòa thánh đến đấy.
- Tôi đã hỏi gã đày tớ. Hắn bảo chú rể sẽ đưa cô dâu về ngay trang trại của mình. Hình như chú rể giàu ghê lắm thì phải. Vì thế nên họ mới gả cô ta.
- Ồ! Thật là đẹp đôi.
- Maria Vaxilievna, thế mà bà lại bảo là người ta không mặc váy phồng nữa. Bà hãy thử nhìn cái bà mặc áo nâu cánh dán kia xem, ở dưới váy có bao nhiêu là thứ... bà thấy rõ chưa!
- Cô dâu sao mà đáng yêu thế, trang điểm cứ như con cừu non ấy! Muốn nói thế nào thì nói chứ bọn đàn bà chúng ta đều đáng thương cả.
Đó là câu chuyện trao đổi giữa các bà đứng xem đã len vào được bên trong nhà thờ.
6
Sau lễ trao nhẫn, một người giúp lễ trải ra giữa nhà thờ, trước chiếc giá sách lễ, một tấm lụa hồng, hội hát cất tiếng hát một bài ca vịnh với lối trình diễn tinh tế, có giọng nam trầm và nam cao xen nhau, và linh mục quay lại chỉ cho đôi vợ chồng mới cưới tấm lụa hồng trải trên mặt đất. Mặc dầu cả hai đều nhiều lần nghe nói về điều mê tín cho rằng ai đặt chân lên thảm trước thì người đó sẽ là chủ gia đình, cả Levin và Kitti đều không thể nhớ ra điều đó khi họ đi mấy bước đó. Họ cũng không nghe thấy những điều người ta đang lớn tiếng nhận xét quanh họ: người này cho là chính chàng đặt chân lên thảm trước, kẻ khác lại bảo cả hai đều đặt chân lên cùng một lúc. Sau những câu hỏi theo thủ tục về ý nguyện thành hôn của đôi thanh niên, để đảm bảo chắc chắn họ chưa hề hẹnước với ai khác, và sau những câu trả lời mà chính họ nghe cũng thấy lạ tai, bắt đầu một nghi lễ mới. Kitti lắng nghe lời cầu nguyện và gắng tìm hiểu ý nghĩa nhưng không sao hiểu được. Một tình cảm đắc thắng và hoan lạc xâm chiếm tâm hồn nàng, mỗi lúc một mãnh liệt hơn theo diễn biến của hôn lễ và làm nàng không sao tập trung chú ý được. Người ta cầu nguyện Đức Chúa Trời “ban cho cặp vợ chồng mới cưới sự trong sạch và đầy ơn phúc”, và để cho họ “sung sướng khi nhìn thấy con cái”. Người ta nhắc lại là Chúa đã dựng lên người đàn bà bởi xương sườn cụt Adam cho nên người đàn ông đã từ giã cha mẹ mà gắn bó với vợ và họ sẽ là “hai người trong cùng một xương thịt” và “đó là một đại phép bí tích”; người ta cầu nguyện Chúa ban phước lành cho họ như Người từng ban phước lành cho Ixaac và Reberca, Jodev, Moiz và Xefora và để cho họ được nhìn thấy cháu chắt. “Mọi điều đó rất tốt, Kitti nghe kinh và thầm nghĩ, nhất định là phải thế”, và khuôn mặt nàng ngời lên một nụ cười rạng rỡ, nó bất giác lây sang tất cả những người đang nhìn nàng.
- Đặt hẳn vào đầu, - người ta nghe thấy tiếng linh mục nói khi ông chìa những vòng hoa lên trên đầu họ trong khi Tsiricov tay run bần bật trong chiếc găng ba khuy, đỡ lấy một vòng giơ lên đầu Kitti.
- Anh đặt đi, - nàng mỉm cười khẽ nói với anh trai. Levin quay lại và sững sờ vì vẻ vui sướng rạng rỡ hiện trên nét mặt nàng; tình cảm đó bất giác truyền sang chàng. Chàng cũng cảm thấy thanh thản và vui vẻ như nàng. Họ vui thích lắng nghe đọc Thánh thư, nghe cái giọng quyện đi của cha chánh lễ đọc đến điệp khúc cuối cùng mà tất cả cử tọa đang nóng lòng chờ đợi. Họ vui vẻ uống cốc rượu đỏ nóng pha nước và càng hoan hỉ hơn khi linh mục, vén áo chùng sang bên, nắm tay họ và dẫn đi vòng quanh giá sách lễ trong khi thầy sáu hát nguyện: “Tiên tri Ixaia, hãy hát ngợi Chúa”. Trerbaxki và Tsiricov, đang đi theo đỡ những vòng hoa vướng cả chân vào vạt xiêm cô dâu, cũng mỉm cười, như thích thú điều gì, và khi tụt lại sau, lúc xô cả vào cô dâu chú rể những lần linh mục dừng lại. Tia lửa vui sướng Kitti nhóm lên đã lan khắp hàng quan khách. Levin có cảm giác cả linh mục lẫn thầy sáu cũng mỉm cười như chàng. Sau khi nhấc vòng hoa khỏi đầu họ, linh mục đọc câu kinh cuối cùng và chúc mừng đôi vợ chồng mới. Levin nhìn Kitti: chưa bao giờ chàng thấy nàng đẹp như vậy. Vầng hào quang hạnh phúc mới nhen lồ lộ trên khuôn mặt đã tô điểm thêm cho nàng. Levin muốn nói vài câu nhưng không biết nghi lễ đã xong chưa. Linh mục đã gỡ cho chàng khỏi lúng túng. Ông mỉm cười hiền hậu và bảo chàng bằng một giọng dịu dàng:
- Hãy hôn vợ con đi, còn con, hãy hôn chồng con đi.
Và ông cầm lấy đôi nến trong tay hai người. Levin thận trọng hôn đôi môi tươi cười của Kitti, giơ cánh tay cho nàng khoác, và lòng cảm thấy họ đang nhích lại gần nhau một cách kì lạ, chàng bước ra khỏi nhà thờ. Chàng không tin, không thể tin đó là sự thật. Chỉ mãi khi hai cặp mắt ngỡ ngàng và rụt rè gặp nhau, chàng mới tin là thật vì thấy từ nay họ chỉ là một. Sau bữa ăn, cặp vợ chồng trẻ về quê ngay tối đó.
7
Anna và Vronxki đi du lịch châu Âu từ ba tháng nay. Họ thăm Vonize, Rom, Navl và vừa tới một thành phố nhỏ nước ý, họ định lưu lại đó ít lâu. Một gã đầu bếp bệ vệ, mái tóc dày chải sáp rẽ đường ngôi suốt đến tận gáy, mặc áo đuôi tôm và yếm sơ mi bằng vải nõn, bụng phệ, đầy dây chuyền, hai tay đút túi quần, đang hấp háy mắt ra vẻ khinh khỉnh trả lời một ông đang hỏi. Nghe tiếng chân trên thềm, hắn quay lại và thấy vị bá tước người Nga trọ ở phòng sang trọng nhất khách sạn. Hắn liền cung kính rút tay ra khỏi túi, cúi chào và thưa với bá tước là có thư gửi đến và viên quản lí cái biệt thự3 họ đang điều đình thuê, đã bằng lòng kí giao kèo.
3 Palazzo (tiếng Ý trong nguyên bản).
- Ồ! Tốt lắm, - Vronxki nói. - Phu nhân có nhà không?
- Phu nhân đi dạo chơi, nhưng vừa về xong, - gã đầu bếp trả lời. Vronxki bỏ chiếc mũ mềm rộng vành ra rồi lấy khăn tay lau trán đẫm mồ hôi và mớ tóc dài chải lật ra đằng sau để che chỗ đầu hói. Chàng lơ đãng đưa mắt về phía vị khách đang đứng đó nhìn chàng và định đi.
- Ông khách đây là người Nga và muốn hỏi ngài, - gã đầu bếp nói.
Với cái cảm giác pha trộn cả bực bội vì không sao thoát khỏi người quen lẫn mong muốn tìm một thú tiêu khiển cho đời sống đơn điệu của mình, Vronxki một lần nữa quay lại nhìn ông khách và cùng một lúc cặp mắt cả hai người đều sáng ngời lên.
- Golenicsev!
- Vronxki! - Đúng là Golenicsev thực, một người bạn học của Vronxki ở trường Hoàng Tộc thiếu sinh quân: hồi đó, ông ta gia nhập Đảng tự do rồi tốt nghiệp với một chức vụ dân sự và không chịu phục vụ trong quân đội. Từ khi ra trường, họ xa nhau và chỉ gặp nhau độc có một lần. Trong lần gặp đó, Vronxki hiểu Golenicsev đã chọn một công cuộc hoạt động tự do với khát vọng cao quý khiến ông ta thật tình khinh bỉ địa vị của Vronxki. Cho nên Vronxki đã đối phó lại bằng thái độ lạnh lùng và kiêu kì, bộc lộ rất khéo như muốn nói: “anh có thể thích hay không thích lối sống của tôi, cái đó tôi hoàn toàn không đếm xỉa tới. Nếu anh muốn chúng ta tiếp tục giao thiệp với nhau thì cần phải tôn trọng tôi.” Thái độ đó khiến Golenicsev coi khinh và dửng dưng. Cuộc gặp gỡ tưởng mãi mãi chia rẽ họ. Thế mà giờ đây khi nhận ra nhau, khuôn mặt họ sáng lên và họ buột miệng reo lên vui sướng. Vronxki hẳn không thể ngờ mình lại vui thích đến thế khi gặp lại Golenicsev, nhưng có lẽ đó là vì chính bản thân chàng không nhận ra mình đang sống chán ngấy đến mức nào. Chàng quên bẵng cảm giác nặng nề của lần gặp gỡ cuối cùng và chìa tay bắt tay người bạn cũ với vẻ mặt cởi mở, vui sướng. Cũng vẻ vui mừng đó làm nở nang nét mặt mới đó còn băn khoăn của Golenicsev.
- Tôi rất sung sướng được gặp lại anh! - Vronxki nói và thân ái mỉm cười, để lộ hàm răng trắng đẹp.
- Tôi nghe nói có một người tên là Vronxki, nhưng không ngờ lại là anh. Tôi rất mừng.
- Vào đây đã. Anh làm gì ở đây?
- Tôi ở đây được hơn một năm rồi. Tôi làm việc.
- Ồ! - Vronxki niềm nở nói. - Mời anh vào đây đã. - Và theo tập quán đặc biệt của người Nga, họ lại nói chuyện bằng tiếng Pháp để đầy tớ không hiểu được.
- Anh có biết Carenina không? Chúng tôi cùng đi du lịch với nhau. Tôi đến phòng bà ta ở đây, - chàng nói với bạn bằng tiếng Pháp, vừa chăm chú nhìn kĩ vẻ mặt Golenicsev.
- Ô, tôi không biết bà ta, - Golenicsev trả lời bằng một giọng hờ hững (tuyệt nhiên không phải ông không biết). - Anh tới đây lâu chưa? - ông hỏi thêm.
- Tôi ấy à? Được ba ngày rồi, - Vronxki trả lời, vẫn theo dõi vẻ mặt bạn.
“Phải, đây là người có học có thể nhìn sự việc đúng đắn được, Vronxki tự nhủ, bằng lòng về cách Golenicsev chuyển đầu đề câu chuyện. Có thể giới thiệu anh ta với Anna, anh ta là người trải đời”. Trong ba tháng vừa qua sống với Anna ở nước ngoài, mỗi lần có thêm người quen mới, Vronxki luôn tự hỏi không biết họ nhìn nhận sự dan díu của chàng với Anna như thế nào và chàng thường thấy mọi người đều hiểu thích đáng cả. Nhưng nếu người ta hỏi chàng cũng như các người đó rằng cách hiểu đó là thế nào, cả chàng lẫn họ hẳn sẽ rất lúng túng. Thực ra, những người hiểu sự việc “thích đáng” theo ý Vronxki, đều không hiểu gì cả, nhưng nói chung, họ đều xử sự như người lịch thiệp thường xử sự trước những vấn đề phức tạp và nan giải luôn vấp phải trên từng bước đi trong cuộc sống; họ giữ một thái độ dè dặt, kín đáo, tránh những lời bóng gió và câu hỏi khó chịu. Họ làm ra vẻ hiểu thấu đáo hoàn cảnh, thừa nhận và thậm chí còn tán thành nữa, nhưng đồng thời lại cho việc thanh minh là thừa và không hợp. Vronxki đoán ngay Golenicsev thuộc loại người đó, nên chàng càng vui lòng gấp bội được gặp lại ông ta. Và quả thực, khi được đưa vào gặp Carenina, Golenicsev đối xử với nàng đúng như Vronxki mong muốn. Rất thoải mái, ông ta tránh nói đến những chuyện phiền toái. Ông ta không quen Anna và sững sờ trước sắc đẹp của nàng, nhất là vì thấy nàng bằng lòng tiếp nhận hoàn cảnh một cách thật bình dị. Nàng đỏ mặt khi được Vronxki giới thiệu với Golenicsev và màu đỏ trẻ thơ ửng trên khuôn mặt đẹp và chân thật ấy làm ông càng vô cùng cảm mến. Nhưng ông thích nhất là thấy nàng gọi ngay Vronxki bằng Alecxei trước mặt ông như để tránh mọi hiểu lầm và nàng kể là hai người sẽ đến ở căn nhà vừa thuê xong mà ở đây họ gọi là palazzo. Thái độ giản dị và thẳng thắn đó đã chinh phục ông. Trước người đàn bà đầy nghị lực, hòa nhã và vui vẻ đó, Golenicsev, vốn quen cả Alecxei Alecxandrovitr lẫn Vronxki, cảm thấy mình đồng tình với nàng. Ông hình như hiểu được điều mà chính bản thân nàng không bao giờ hiểu nổi: là sau khi gieo tai họa cho chồng, sau khi bỏ chồng bỏ con và tự làm mất hết thanh danh, nàng vẫn có thể sung sướng, kiên nghị và vui vẻ được.
- Cái nhà đó có ghi trong quyển chỉ dẫn du lãm đấy, - Golenicsev nói, khi Vronxki nhắc đến tên biệt thự. - Ở đó có một bức họa tuyệt đẹp của Tantore4, phong cách rất mới.
4 Tintoret: họa sĩ ý (1518-1594)
- Này, trời đẹp lắm, hay ta đến đó xem qua lượt nữa? - Vronxki quay lại bảo Anna.
- Rất vui lòng, em đi đội mũ ngay bây giờ. Anh bảo trời nóng à? - nàng nói, dừng lại ở ngưỡng cửa và nhìn Vronxki, vẻ dò hỏi. Một lần nữa mặt nàng lại đỏ ửng lên. Qua cái nhìn, Vronxki hiểu nàng không biết chàng muốn nàng cần có thái độ như thế nào với Golenicsev và nàng sợ mình đã không cư xử đúng ý chàng.
Chàng trả lời bằng một cái nhìn âu yếm, đắm đuối.
- Không, không nóng lắm đâu, - chàng nói. Anna đoán là chàng đã vừa ý, nàng mỉm cười với chàng và nhanh nhẹn bước ra.
Hai người bạn nhìn nhau và nét mặt họ đều tỏ vẻ bối rối; Golenicsev rõ ràng là thích thú nhưng không tìm ra lời để nói lên sự thán phục của mình, còn Vronxki vừa muốn lại vừa sợ nghe ông nhắc tới Anna.
- Thế nào, - Vronxki nói, bắt sang chuyện khác, - thế ra anh ở đây à? Anh vẫn bận bịu với những chuyện đó đấy chứ? - chàng hỏi, sực nhớ có người bảo là Golenicsev đang viết lách gì đó.
- Phải, tôi đang viết phần hai của cuốn “Hai nguồn gốc”, - Golenicsev nói, mặt đỏ lên vui thích vì câu hỏi đó, - hoặc nói đúng hơn là tôi chưa viết mà đang chuẩn bị viết, đang thu thập tài liệu. Phạm vi của nó sẽ rộng hơn nhiều và bao quát hầu hết mọi vấn đế. ở nước Nga chúng ta, mọi người không muốn hiểu rằng chúng ta là những kẻ kế thừa của Bizance5, - ông nói, bắt đầu chứng minh dài dòng sôi nổi. Vronxki thoạt tiên thấy lúng túng, vì không hề biết tới phần đầu của cuốn “Hai nguồn gốc” mà tác giả nói tới như một tác phẩm nổi tiếng. Nhưng khi Golenicsev đã trình bày ý kiến và Vronxki theo dõi được rồi, tuy không biết gì về cuốn “Hai nguồn gốc”, chàng cũng thấy thích thích nghe ông vì Golenicsev nói giỏi. Nhưng chàng lấy làm ngạc nhiên và phiền lòng trước sự khích động bực dọc của Golenicsev trong khi trình bày vấn đề mình quan tâm. Mắt long lên, ông tuôn ra dồn dập những câu trả lời bọn địch thủ tưởng tượng và nét mặt lộ vẻ xao xuyến và xúc phạm. Nhớ lại trước kia, Golenicsev là một đứa trẻ nhanh nhẹn, gầy yếu, đầy thiện ý và tình cảm cao quý, bao giờ cũng đứng đầu lớp, Vronxki không sao hiểu nổi nguyên nhân nỗi bực bội đó và không tán thành thái độ của bạn. Điều làm chàng bực mình nhất là Golenicsev, một nhân vật của giới thượng lưu, lại tự hạ mình xuống ngang hàng với loại văn sĩ quèn đã làm ông tức tối và ông còn nổi giận với bọn họ nữa. Thật có bõ công không chứ? Việc này làm Vronxki không vừa lòng, nhưng chàng cảm thấy Golenicsev đang bị dằn vặt và thương hại ông ta. Sự khổ não, gần như điên khùng, lộ rõ trên khuôn mặt sinh động và khá đẹp trong khi ông vẫn tiếp tục trình bày thao thao bất tuyệt ý kiến mình, không để ý đến Anna đang đi vào. Khi Anna, mũ áo chỉnh tề, dừng lại bên, bàn tay đẹp thoăn thoắt xoay xoay chiếc dù, Vronxki nhẹ hẳn người, dứt khỏi cặp mắt bồn chồn của Golenicsev đang đăm đăm dán vào chàng để âu yếm nhìn người bạn tình kiều diễm ngời ngợi sức sống và hạnh phúc. Golenicsev cố trấn tĩnh và mấy phút đầu vẫn còn lầm lì và buồn rầu; nhưng Anna đang sẵn sàng niềm nở với mọi người (dạo này nói là những kẻ kế thừa chủ nghĩa quan liêu chuyên chế, những nghi lễ tôn giáo, bạo lực và đời sống xa hoa, nàng thường như vậy) trong chốc lát đã làm ông tươi tỉnh lại bằng thái độ giản dị và vui vẻ của nàng. Sau khi gợi nhiều chuyện linh tinh, nàng lái ông bàn tới hội họa mà ông nói rất giỏi và nàng chăm chú nghe. Họ đi bộ tới căn nhà mới thuê và dạo thăm xung quanh.
5 Bizance, tên cũ của Conxtantinople, tức Istambul hoặc Stamboul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ.
- Tôi thích nhất là Alecxei sẽ có một xưởng họa xinh đẹp, - Anna nói với Golenicsev trên đường về. - Nhất định mình phải dùng căn buồng đó, - nàng nói với Vronxki bằng tiếng Nga và gọi chàng là mình vì hiểu trong cảnh cô độc của họ, Golenicsev sẽ trở thành một người bạn thân thiết và không cần giấu giếm ông ta.
- Anh cũng vẽ à? - Golenicsev quay phắt lại hỏi Vronxki.
- Vâng, trước kia tôi có vẽ và nay định thử vẽ lại xem sao, - Vronxki đỏ mặt nói.
- Anh ấy nhiều tài năng lắm đấy, - Anna mỉm cười hớn hở nói. - Tất nhiên tôi nhận xét cũng chẳng tinh gì. Nhưng đó là ý kiến những người sành sỏi.