Anna Karenina (Tập 2) - Phần 5 - Chương 12

29

Một trong những mục đích đã định của Anna khi trở về Nga là thăm con trai. Kể từ hôm rời khỏi Ý, ý định gặp gỡ đó không ngừng khuấy động lòng nàng. Và càng về đến gần Peterburg, niềm vui và tầm quan trọng của việc đó càng tăng lên trước mắt nàng. Nàng thấy việc đến thăm con là rất giản dị và tự nhiên, một khi ở cùng thành phố với nó; nhưng sau khi đến Peterburg, nàng đột nhiên nhìn thấy rõ cương vị hiện tại của mình trong xã hội và nàng hiểu việc bố trí gặp gỡ sẽ khó khăn. Nàng đến Peterburg đã được hai ngày. Lòng thương nhớ con không lúc nào nguôi nhưng nàng vẫn chưa gặp được nó. Nàng cảm thấy mình không có quyền về thẳng nhà, nhỡ ra chạm trán với Alecxei Alecxandrovitr ở đó. Người ta có thể cự tuyệt không tiếp nàng, làm nhục nàng. Viết thư cho chồng, bắt liên lạc với ông ta, chỉ nghĩ vậy nàng đã không chịu nổi: nàng chỉ bình tĩnh khi nào không nghĩ tới chồng. Gặp con lúc dạo mát, sau khi hỏi dò được giờ giấc đi chơi của nó, nàng thấy chẳng thấm tháp gì: nàng đã bao lâu chờ đón cuộc gặp gỡ này, có bao nhiêu chuyện cần nói với nó, vô cùng thèm khát ghì nó trong tay, hôn nó. Bà vú già của Xerioja có thể giúp đỡ và mách nước cho nàng. Nhưng bà ta không còn ở nhà Alecxei Alecxandrovitr nữa. Nàng mất đứt hai ngày loay hoay và tìm kiếm bà vú già. Được biết quan hệ khăng khít giữa Alecxei Alecxandrovitr và nữ bá tước Lidia Ivanovna, sang ngày thứ ba, Anna quyết định viết thư cho bà ta, việc này đòi hỏi nàng hết sức cố gắng; trong thư, nàng chủ tâm nói việc cho phép đến thăm con trai tùy thuộc vào lòng cao thượng của chồng. Nàng biết nếu chồng xem thư, ông ta sẽ không từ chối nàng để tiếp tục đóng cho trọn vai trò cao thượng của mình. Người mang thư đem về cho nàng câu trả lời độc ác và bất ngờ nhất, khi hắn nói người ta không phúc đáp thư nàng. Nàng chưa bao giờ cảm thấy nhục nhã bằng lúc gọi người đưa thư lên phòng, nghe hắn kể lại tỉ mỉ việc người ta bắt hắn chờ đợi ra sao để rồi bảo là không có thư trả lời. Anna cảm thấy bị sỉ nhục, nhưng hiểu rằng, đứng về quan điểm bà ta, nữ bá tước Lidia Ivanovna đã làm đúng. Nỗi đau buồn càng khốc liệt vì nàng phải chịu đựng một mình. Nàng không thể và cũng không muốn chia sẻ với Vronxki. Nàng biết mặc dầu là nguyên nhân chủ yếu của đau khổ này, chàng vẫn có thể coi nhẹ cuộc gặp gỡ của nàng với con trai. Nàng biết không bao giờ chàng có thể hiểu nổi tất cả tầm sâu sắc nỗi đau của nàng: biết đâu, khi nhắc đến chuyện đó, chàng lại chẳng dùng một giọng hờ hững khiến nàng có thể đâm ghét chàng. Đó là điều nàng sợ nhất trên đời, cho nên nàng giấu chàng tất cả những gì dính dáng đến con trai. Nàng ở nhà suốt ngày, nghĩ cách gặp con và cuối cùng quyết định viết thư cho chồng. Nàng bắt đầu viết thì có người đem thư của Lidia Ivanovna đến. Sự im lặng của nữ bá tước đã làm nàng nguôi đi, cam chịu, nhưng bức thư của bà ta, với tất cả ẩn ý trong đó, khiến nàng tức giận đến cực độ, nàng thấy sự tàn nhẫn đó đối với lòng thương yêu con tha thiết và chính đáng của mình thật đáng phẫn nộ đến nỗi nàng đâm bất bình với mọi người khác và thôi không tự kết tội mình nữa. “Thật là vô tình và đạo đức giả! Nàng thầm nghĩ. Họ chỉ muốn làm nhục mình, làm khổ con mình, thế mà mình lại chịu khuất phục ư! Không đời nào! Mụ ta còn xấu xa hơn mình. Mình đây, ít nhất, mình cũng không nói dối.” Và nàng lập tức quyết định ngay hôm sau, sinh nhật Xerioja, nàng sẽ đến gặp kì được con trai và chấm dứt sự dối trá kinh tởm mà họ đang vây quanh đứa bé tội nghiệp. Nàng đến cửa hàng đồ chơi, mua rất nhiều thứ và bố trí cả một kế hoạch hành động. Sáng mai, nàng sẽ đến vào hồi tám giờ: Alecxei Alecxandrovitr chắc chắn vẫn chưa dậy. Nàng sẽ sắp sẵn tiền giúi cho lão gác cổng và gã hầu phòng để họ cho nàng vào nhà, và không nhấc mạng che mặt, nàng sẽ nói bố đỡ đầu Xerioja phái nàng đến chúc mừng chú và ông ta dặn nàng phải đặt đồ chơi ngay cạnh giường chú bé. Nhưng nàng không chuẩn bị trước những lời sẽ nói với con. Nàng suy nghĩ mãi, nhưng không tìm được câu nào. Hôm sau, hồi tám giờ sáng, Anna một mình trên xe ngựa thuê bước xuống và giật chuông trước bậc thầm chính ngôi nhà cũ của nàng.

- Ra xem người ta hỏi gì. Có một phu nhân đấy, - Capitonitr, mặc áo bành tô, đi ủng cao su nói vậy sau khi ghé nhìn qua cửa sổ thấy một bà mặt che mạng đứng trước cửa ra vào. Người giúp việc lão, một gã thanh niên Anna không quen, vừa mở cửa thì nàng đã bước luôn vào và rút trong bao tay ra tờ giấy bạc ba rúp, nhét vội vào tay gã.

- Xerioja... Xergei Alecxeiêvich, - nàng nói và định đi xộc vào nhà trong. Nhưng sau khi liếc nhìn tờ giấy bạc, gã trai trẻ liền ngăn nàng lại trước cửa kính thứ hai.

- Bà hỏi ai ạ? - nó hỏi. Nàng không nghe gã hỏi và không trả lời gì. Thấy vẻ bối rối của bà khách lạ, Capitonitr đích thân ra khỏi buồng cánh cửa, mời khách vào và hỏi bà muốn gì.

- Hoàng thân Xcorodumov phái tôi đến thăm Xergei Alecxeievitr, - nàng nói.

- Cậu ấy chưa dậy, - lão gác cổng trả lời và chăm chú nhìn nàng.

Anna không ngờ gian phòng chờ vẫn y nguyên của căn nhà này, nơi nàng đã sống chín năm, lại tác động tới nàng đến thế. Từng kỉ niệm vui sướng hoặc đau buồn lần lượt nổi dậy trong tâm hồn và trong giây lát, nàng quên bẵng tại sao mình đến đây.

- Xin bà chờ cho một lát, - Capitonitr nói và cởi áo khoác cho nàng.

Ngay lúc đó, lão nhận ra nàng và lẳng lặng không nói gì, cúi rạp xuống chào.

- Xin mời bà lớn vào, - lão nói.

Nàng muốn nói gì đó, nhưng nghẹn lời không thốt ra được tiếng nào; sau khi liếc nhìn ông già với một vẻ phạm lỗi và van lơn, nàng thoăn thoắt nhẹ nhàng bước lên thang gác. Capitonitr cúi gập người, đôi ủng cao su vấp vào bậc thang, chạy theo sau, gắng đuổi kịp nàng.

- Ông giáo có lẽ vẫn chưa mặc quần áo. Tôi xin đi báo trước.

Anna vẫn tiếp tục leo lên chiếc cầu thang thân thuộc, không hiểu ông già bảo gì mình.

- Xin mời bà đi về phía này, bên trái kia ạ. Xin bà tha lỗi cho nhà cửa bừa bộn. Cậu hiện nay ở phòng khách nhỏ cũ, - lão gác cổng thở hổn hển nói. - Thưa bà lớn, xin bà chờ cho một lát, để tôi đi ngó qua một cái, - lão vượt lên trước, mở chiếc cửa lớn và đi khuất. Anna dừng bước và đứng chờ.

- Cậu vừa dậy xong, - lão gác cổng lại hiện ra ở cửa và nói.

Ngay khi lão gác cổng nói câu đó, Anna nghe thấy tiếng trẻ con ngáp. Nàng nhận ra tiếng con trai và hình dung rõ ràng như nó đứng ngay trước mặt.

- Để tôi vào, để tôi vào, nào! - nàng nói và bước vào phòng. Bên phải cánh cửa, kê một chiếc giường và ngồi trên đó là một đứa trẻ mặc sơ mi không cài khuy, cái thân hình bé nhỏ cúi về đằng trước, vừa vươn vai ngáp xong. Đôi môi vừa mím lại thoáng mỉm cười ngái ngủ và nó lại uể oải, khoan khoái gieo mình xuống gối.

- Xerioja! - nàng khẽ gọi, bước lại gần êm như ru.

Suốt thời gian hai mẹ con xa nhau và những ngày gần đây, khi lòng yêu thương con trào lên dào dạt, nàng vẫn hình dung nó như hồi lên bốn, cái tuổi nàng yêu nó nhất. Giờ đây, nó không còn như hồi nàng bỏ đi; nó lớn thêm và gầy đi. Trời! Sao mặt nó gầy thế! Sao tóc nó ngắn thế! Sao hai cánh tay nó dài thế! Nhưng dù sao, vẫn là nó, hình dáng cái đầu, đôi môi, cái cổ mảnh dẻ và đôi vai rộng của nó.

- Xerioja! - nàng nhắc lại bên tai đứa bé.

Nó chống khuỷu tay nhỏm dậy, quay cái đầu rối bù sang trái như tìm ai và mở mắt. Trong một vài giây, nó nhìn mẹ đứng trước mặt, vẻ dò hỏi, rồi mỉm cười ngây ngất, và lại khép đôi mi mắt dính vào nhau, gieo mình vào cánh tay mẹ.

- Xerioja! Con trai bé bỏng yêu quý của mẹ! - nàng hổn hển nói, ôm tấm thân bé nhỏ mũm mĩm.

- Mẹ ơi! - nó vừa gọi, vừa cựa quậy trong tay mẹ để mọi bộ phận thân thể đều cảm thấy sức ghì vòng tay đó.

Vẫn mỉm cười và ngái ngủ, mắt nhắm nghiền, nó buông thành giường và vòng hai cánh tay tròn trĩnh ôm lấy vai mẹ, nép vào người mẹ, phả ra cái mùi thơm âm ấm, dìu dịu của trẻ con đang ngủ bao bọc lấy nàng rồi dụi mặt vào vai và cổ nàng.

- Con biết ngay mà, - nó nói và mở mắt ra. - Hôm nay là sinh nhật con. Con biết thể nào mẹ cũng đến. Con dậy ngay bây giờ đây. - Và vừa nói xong, nó lại ngủ luôn. Anna đắm đuối nhìn con; nàng thấy nó đã lớn và thay đổi rất nhiều trong thời gian nàng vắng mặt. Nàng nửa nhận ra nửa bỡ ngỡ với đôi cẳng chân để trần giờ đây dài ngoẵng; đôi má gầy gò, mái tóc cắt ngắn xoắn lại ở gáy, chỗ nàng hay hôn trước đây. Nàng sờ nắn tất cả thân hình con và không nói nên lời: nàng nghẹn ngào nước mắt.

- Tại sao mẹ lại khóc, mẹ? - nó tỉnh hẳn và nói. - Mẹ ơi, sao mẹ lại khóc? - nó hỏi, giọng ảo não.

- Mẹ không khóc nữa đâu... mẹ khóc vì vui sướng đấy thôi. Bao nhiêu lâu mẹ không được trông thấy con! Mẹ không khóc nữa, không khóc nữa, - nàng nói, nuốt nước mắt và quay mặt đi. - Bây giờ, đến lúc con mặc quần áo rồi đấy, - nàng nói thêm khi trấn tĩnh lại sau một phút im lặng, và vẫn nắm tay nó, nàng ngồi xuống chiếc ghế tựa xếp sẵn quần áo, kê cạnh giường.

- Vắng mẹ, con mặc lấy quần áo như thế nào hả? Làm thế nào... - Nàng muốn chuyện trò vui vẻ, bình thường, nhưng không được và một lần nữa, lại quay mặt đi.

- Bây giờ, con không tắm nước lạnh nữa đâu, ba cấm con không được tắm thế. Mẹ chưa gặp Vaxili Lukic à? Thầy ấy sắp đến đấy. Mẹ ngồi lên quần áo của con rồi!

Và Xerioja cười khanh khách. Nàng nhìn nó mỉm cười.

- Mẹ ơi, mẹ yêu quý ơi! - nó kêu lên và lại lăn vào trong tay mẹ. Dường như mãi đến lúc này, nhìn thấy mẹ cười, nó mới hiểu rõ sự việc xảy ra. - Mẹ cất cái này đi, - nó nói và bỏ mũ nàng ra. Và như đã hoàn toàn nhận ra mẹ với cái đầu để trần, nó lại hôn nàng.

- Con đã nghĩ như thế nào về mẹ hả? Con không tin là mẹ chết chứ?

- Không đời nào.

- Có thật không, con yêu quý của mẹ?

- Con biết lắm chứ, con biết lắm chứ! - nó nói, nhắc lại câu nói ưa thích. Và cầm bàn tay đang vuốt ve tóc mình, nó úp lòng bàn tay vào miệng và hôn khắp lên đó.

30

Trong khi đó, Vaxili Lukic thoạt đầu không hiểu vị phu nhân đó là ai, nhưng rồi qua lời trò chuyện của gia nhân, mới biết đó chính là người mẹ trẻ đã bỏ chồng, ông vào làm ở đây sau khi nàng đi nên không biết, ông bối rối không biết nên vào phòng hay nên đi báo cho Alecxei Alecxandrovitr. Sau khi suy nghĩ, ông quyết định cứ triệt để thi hành đúng bổn phận là đến giờ quy định thì vào đánh thức Xergei dậy, không cần biết người ngồi trong phòng đứa bé là mẹ nó hay người nào khác, và ông mặc quần áo bước đến mở cửa phòng. Nhưng thấy hai mẹ con âu yếm vuốt ve nhau, nghe giọng họ và những lời nói với nhau, ông bèn thay đổi ý định. Ông lắc đầu và khép cửa lại. “Ta hãy chờ thêm mươi phút nữa”, ông tự nhủ, vừa đằng hắng vừa lau mắt. Cùng lúc đó, đám gia nhân xôn xao cả lên. Tất cả đều biết bà chủ đã đến, Capitonitr để bà vào nhà, và bà hiện đang ở trong buồng Xergei; ông chủ bao giờ cũng đến đó hồi chín giờ và tất cả đều hiểu phải tránh đừng để cho hai vợ chồng gặp nhau. Cornei, gã hầu phòng, chạy xuống buồng canh cửa và khi biết chính Capitonitr đã tiếp đón và đưa Anna vào nhà, hắn liền mắng ông lão tàn tệ. Lão gác cửa vẫn giữ vẻ lặng thinh ương bướng, nhưng khi Cornei bảo lão thật đáng tống cổ đi, Kapitônnich bèn chồm lên và vung hai tay trước mặt Cornei nói rằng:

- Thế còn mày, dễ mày không để bà ấy vào chắc? Sau mười năm hầu hạ người ta, lĩnh lương cao bổng hậu bỏ túi, bây giờ mày lại đi nói: “Xin bà ra cho tôi nhờ!”. Mày là thằng mật thám chính trị xảo quyệt, thế đấy! Nhưng mày vẫn không quên ăn cắp của ông lớn và đánh thó cả áo khoác ngoài của ông ấy!

- Đồ tốt đen! - Cornei khinh bỉ nói và quay lại phía bà vú đang đi vào. - Maria Efimovna, bà cứ thử nghĩ xem. Lão ta để bà ấy vào, chẳng bảo ai cả. Alecxei Alecxandrovitr sắp sửa bất chợt đi sang phòng chú bé.

- Chao ôi! Cơ sự đến là rắc rối! - bà vú nói. - Cornei Vaxilievitr, anh hãy tìm cách nào giữ ông lớn lại, còn tôi, trong lúc đó, tôi sẽ chạy lại dẫn bà ra. Chao ôi! Cơ sự rắc rối quá! - Khi bà vú bước vào buồng, Xerioja đang kể cho mẹ nghe nó và Nadenca, hai đứa đã ngã khí trượt trên núi ngã xuống và vấp lộn ba lần liền như thế nào. Anna nghe giọng con, nhìn khuôn mặt và những sắc thái thay đổi, sờ nắn bàn tay nó, mà không hiểu nó nói gì. Nàng phải đi, phải rời nó bây giờ. Nàng chỉ còn nghĩ đến điều đó. Nàng đã nghe thấy tiếng chân Vaxili Lukic vừa ho vừa lại gần cửa ra vào, rồi tiếng chân bà vú già, nhưng nàng vẫn ngồi lì ra đó, như đã hóa thành tượng đá, không đủ sức nói năng hoặc đứng dậy nữa.

- Bà lớn thân yêu! - bà vú nói, bước đến gần Anna và hôn vai, hôn tay nàng. - Đây là niềm vui Chúa gửi đến cho cậu bé nhà ta. Bà vẫn thế, không thay đổi chút nào.

- Ồ! Vú già thân yêu, tôi không biết vú vẫn ở đây, - Anna nói, sau một lát trấn tĩnh lại.

- Tôi hiện không ở đây nữa, tôi ở với con gái tôi, nhưng tôi đến để chúc mừng cậu Xerioja. Anna Arcadievna, bà lớn hiền hậu của tôi! - Bà lão đột nhiên òa lên khóc và hôn tay Anna. Xerioja tươi cười, cặp mắt long lanh, một tay nắm lấy mẹ, tay kia nắm lấy vú già, đôi chân trần nhỏ bé giậm giậm lên thảm. Thái độ trìu mến của vú già với mẹ làm chú vui thích.

- Mẹ ơi! Vú già vẫn đến thăm con luôn và khi vú tới... - chú nói, nhưng dừng lại khi thấy bà vú ghé vào tai mẹ nói thầm và thấy mặt mẹ tỏ ra sợ hãi cùng một vẻ gần như xấu hổ không hợp với mẹ chút nào. Nàng bước lại gần con.

- Con yêu quý của mẹ! - nàng nói. Nàng không thể nói từ biệt được, nhưng nhìn vẻ mặt mẹ, nó hiểu thế.

- Con thân yêu của mẹ, Kutich bé bỏng thân yêu của mẹ! - nàng nói, gọi nó bằng cái tên hồi nhỏ, - con sẽ không quên mẹ chứ? Con... - nàng không nói nổi hết câu. Về sau, nàng nghĩ ra biết bao lời đáng lẽ có thể nói với nó! Nhưng lúc này, nàng không thể thốt ra được tiếng nào. Nhưng Xerioja hiểu tất cả những điều mẹ muốn nói. Nó hiểu mẹ đau khổ và mẹ yêu nó. Nó hiểu tất cả những điều vú già đã nói thầm. Nó nghe thấy: “Bao giờ cũng vào hồi chín giờ”, nó đoán là nói ba nó, và ba mẹ nó không nên giáp mặt nhau. Có một điều nó không hiểu nổi. Đó là vẻ sợ hãi và xấu hổ nó thấy hiện trên nét mặt mẹ, mẹ không có tội, tuy nhiên mẹ vẫn sợ ba, mẹ xấu hổ. Nó muốn hỏi mẹ một câu có thể xua tan mọi nghi ngờ, nhưng không dám. Nó thấy mẹ đang đau khổ và nó thương mẹ. Nó im lặng ghì chặt lấy mẹ rồi khẽ nói:

- Mẹ đừng đi vội! Ba chưa đến ngay đâu.

Mẹ kéo nó nhích ra xem nó có nghĩ đúng như nó nói không, và thấy vẻ mặt nó hoảng sợ, nàng biết không những nó nhắc đến bố mà hình như còn muốn hỏi nàng xem nó nên nghĩ thế nào về bố.

- Xerioja, con của mẹ, con hãy yêu ba, ba tốt hơn mẹ và mẹ có tội với ba. Lớn lên, con sẽ nhận xét lấy.

- Không ai tốt hơn mẹ được, - đứa trẻ tuyệt vọng kêu lên qua hàng nước mắt và nó nắm lấy vai mẹ, ráng hết sức ghì chặt vào người đến nỗi đôi cánh tay run lên.

- Con bé bỏng xinh đẹp của mẹ! - Anna nói và òa lên khóc như nó, như một đứa con nít. Trong lúc đó, cánh cửa mở ra, Vaxili Lukic bước vào. Có tiếng chân ở gần cánh cửa đằng kia. Bà vú nuôi thì thầm, vẻ sợ hãi: “Ông đến đấy”, và đưa mũ cho Anna. Xerioja nằm lăn ra giường khóc nức nở, hai tay ôm lấy mặt. Anna gỡ tay nó ra để hôn lần nữa lên đôi má đẫm nước mắt và thoăn thoắt bước ra cửa. Alecxei đang đi tới. Thoáng thấy nàng ông dừng lại và cúi đầu chào. Mặc dầu vừa nói là ông tốt hơn nàng, nhưng khi đảo mắt nhìn khắp người ông ta, đến tận những nét nhỏ nhất, lòng nàng bỗng tràn đầy một cảm giác ghê tởm, căm thù và ghen tức vì con trai. Nàng vội kéo mạng che mặt xuống và rảo bước gần như chạy ra khỏi phòng. Trong lúc hấp tấp, nàng đã để quên trong xe những đồ chơi mà hôm qua nàng chọn với biết bao thương yêu, sầu tủi! Nàng đành mang về khách sạn.

31

Mặc dù khao khát sôi nổi và từ lâu chờ đón cuộc gặp gỡ đó. Anna vẫn không ngờ nó lại gây cho nàng những xúc động mãnh liệt như vậy. Về tới căn buồng cô độc của mình, trong một lát, nàng vẫn chưa hiểu nổi tại sao mình ở đây? “Phải, thế là hết và ta lại chỉ còn một mình ở đây”, nàng thầm nhủ, và không bỏ mũ, ngồi xuống ghế bành gần lò sưởi. Đôi mắt đăm đăm nhìn chiếc đồng hồ bằng đồng đặt trên chiếc bàn kê giữa hai cửa sổ, nàng suy nghĩ.

Cô hầu phòng người Pháp đưa từ nước ngoài về bước vào và hỏi nàng có thay quần áo không. Anna ngỡ ngàng nhìn cô ta và nói:

- Lát nữa. -Một gã bồi khách sạn đến mời nàng đi ăn sáng, nàng nhắc lại. - Lát nữa.

Chị vú nuôi người ý bế đứa con gái nhỏ vừa mặc quần áo xong vào cho nàng. Cũng như mọi khi, trông thấy mẹ, đứa bé hé cái miệng chưa mọc răng mỉm cười, úp sấp hai bàn tay xinh xắn và bắt đầu vẫy vẫy như con cá quẫy vây, vỗ vào những nếp hồ cứng trên chiếc váy thêu. Không thể không mỉm cười, không thể không hôn con gái, không thể không chìa ngón tay cho nó níu lấy, vừa la hét vừa nhảy cỡn lên, không thể không chìa môi để cái miệng nó đớp lấy như hôn vậy. Anna làm mọi cái đó: nàng bế con trong tay cho nó nhún nhảy, hôn đôi má tươi mát và cánh tay trần nhỏ bé; nhưng vừa nhìn thấy đứa con này, nàng càng thấy rõ tình cảm đối với nó không thể so với lòng nàng yêu thương Xerioja. Con bé xinh đẹp mọi vẻ, nhưng tất cả cái đó không hề làm lòng nàng rung động. Nàng đã trút tất cả sức mạnh của mối tình chưa thỏa vào đứa con đầu lòng, dù không yêu bố nó; còn đứa con gái đã sinh ra trong hoàn cảnh đau buồn nhất, lại không được hưởng tới một phần trăm sự nâng niu săn sóc dành cho đứa đầu lòng. Vả lại con bé mới chỉ là niềm hi vọng, trong khi Xerioja đã gần thành người lớn rồi; ở nó, tư tưởng và tình cảm đã có xung đột, nó hiểu nàng, yêu nàng, nhận xét nàng, nàng thầm nghĩ khi nhớ tới lời nói và cái nhìn của nó. Thế mà phải vĩnh viễn xa nó, không những về thể xác mà cả về tinh thần, và không có cách nào cứu vãn cả! Nàng trao trả con gái cho vú nuôi, bảo chị ta đi ra và mở chiếc huy hiệu hình trái tim, trong có chân dung Xerioja hồi bằng đứa con gái hiện nay. Nàng đứng dậy và bỏ mũ, cầm quyển an bum đặt trên bàn tròn, trong đó có dán ảnh con trai ở các thời kì khác nhau. Nàng muốn so sánh những ảnh đó, và lấy tất cả ảnh ra khỏi an bum. Chỉ còn lại một cái, đó là cái đẹp nhất: nó đang cưỡi lên ghế tựa, mặc áo choàng, lông mày nhíu lại và miệng tươi cười. Đây là vẻ mặt có cá tính nhất của nó. Bằng đôi bàn tay nhỏ nhắn và mềm mại với những ngón lóng ngóng, đặc biệt co quắp lại lúc này, nàng định nạy những góc bức chân dung ra; nhưng ảnh bị rách và không bóc ra được. Không sẵn dao rọc giấy trong tay, nàng bèn cầm bức ảnh bên cạnh, (đó là bức chân dung Vronxki đội mũ vành mềm, tóc để dài chụp ở Rôm) và dùng để gỡ ảnh con trai ra. “À! Đây!”, nàng nói, nhìn ảnh Vronxki và đột nhiên nhớ tới người đã gây ra mọi đau khổ cho mình. Suốt buổi sáng nay, không lần nào nàng nhớ tới chàng. Nhưng nhìn thấy bộ mặt thân yêu, quý phái, anh tuấn, xiết bao quen thuộc, nàng bỗng cảm thấy dào dạt yêu thương chàng. “Chàng đang ở đâu nhỉ? Tại sao chàng lại bỏ ta một mình với nỗi đau khổ thế này?”, nàng bỗng thầm nghĩ với ý trách móc, quên bẵng là chính nàng đã giấu chàng mọi cái dính dáng đến con trai. Nàng sai người mời chàng lên ngay; rồi ngồi chờ chàng, lòng thổn thức, tưởng tượng tới những lời mình sẽ nói để thổ lộ mọi nỗi niềm cùng những lời âu yếm chàng dùng để an ủi nàng. Người hầu trở lại báo là chàng đang tiếp khách, và hỏi nàng có thể tiếp chàng cùng hoàng thân Yasvin vừa mới đến Peterburg không? “Chàng không tới một mình; từ bữa ăn chiều qua đến giờ chàng chưa gặp mình; và mình sẽ không thể nói hết với chàng, vì có cả Yasvin nữa”. Đột nhiên nàng nảy ra một ý nghĩ kì lạ: “Nhỡ chàng không yêu mình nữa?”. Nghĩ lại những việc trong mấy ngày gần đây, nàng có cảm tưởng tất cả đều chứng thực cho cái giả định kì quái đó: hôm qua, chàng không ăn ở nhà, chàng đã khăng khăng đòi thuê hai buồng riêng ở Peterburg, và bây giờ chàng lên buồng nàng lại có người đi cùng như sợ phải đối diện tay đôi. “Nhưng chàng phải nói cho mình hay chứ! Mình phải được biết điều đó. Nếu quả thực thế, mình sẽ biết phải làm nốt những gì, nàng thầm nhủ, không dám hình dung tới hoàn cảnh sẽ lâm vào khi biết chắc chàng đã nhạt tình. Đinh ninh là chàng không yêu mình nữa, nàng gần như tuyệt vọng và xao xuyến lạ lùng. Nàng giật chuông gọi cô hầu phòng và sang phòng thay quần áo. Nàng mặc hết sức chải chuốt, tưởng như Vronxki dù lạnh nhạt với nàng cũng sẽ trở lại say mê khi trông thấy chiếc áo dài và mái tóc đặc biệt hợp với nàng.

Nàng chưa chuẩn bị xong thì chuông đã réo.

Khi bước vào phòng khách, thoạt tiên nàng bắt gặp cái nhìn của Yasvin chứ không phải của Vronxki. Vronxki đang xem những tấm ảnh con trai nàng để quên trên bàn và chưa vội ngước mắt nhìn nàng.

- Chúng ta đã quen biết nhau, - nàng nói và đặt bàn tay bé nhỏ vào bàn tay to lớn của Yasvin đang rất lúng túng (dáng điệu này trái ngược kì lạ với vóc người đồ sộ và khuôn mặt hơi thô của chàng). Năm ngoái chúng ta đã gặp nhau tại trường đua. Lại đây anh, - nàng nói và nhanh nhẹn giằng lấy những ảnh Vronxki đang xem, đôi mắt long lanh nhìn chàng đầy ý nghĩa. - Những cuộc đua năm nay có thành công không? Còn tôi, tôi đã được xem những cuộc đua ở Rom, ở Coocx. Nhưng hình như ông không ưa sống ở nước ngoài thì phải, - nàng nói với một nụ cười thân mật. - Tôi biết ông và biết cả mọi sở thích của ông, mặc dù chúng ta ít gặp nhau.

- Rất tiếc là phần lớn thị hiếu của tôi đều quê kệch, - Yasvin nói và nhấm nhấm hàng ria mép trái.

Trò chuyện một lúc, thấy Vronxki xem đồng hồ, Yasvin hỏi Anna có định ở lại Peterburg lâu không, và vươn cái thân hình đồ sộ đứng dậy, chàng cầm lấy mũ lưỡi trai.

- Tôi chắc cũng không ở lại đây lâu, - nàng nói và nhìn Vronxki bằng con mắt ngơ ngác.

- Nếu thế chúng ta sẽ không gặp nhau nữa? - Yasvin quay lại hỏi Vronxki: - Anh ăn ở đâu?

- Mời ông lại ăn với chúng tôi, - Anna nói, giọng quả quyết. Nàng hình như bực mình vì đã tỏ ra lúng túng, đồng thời lại đỏ mặt xấu hổ như mỗi lần để lộ hoàn cảnh mình trước người thứ ba. - Ăn ở đây không khá lắm đâu, nhưng ít nhất các ông cũng được gặp nhau. Trong tất cả các bạn ở trung đoàn, ông là người Alecxei mến nhất.

- Rất hân hạnh, - Yasvin nói với một nụ cười tỏ cho Vronxki biết chàng rất hài lòng về Anna. Yasvin cúi chào và đi ra, Vronxki nán lại sau.

- Anh cũng đi chứ? - nàng hỏi.

- Anh bị muộn giờ rồi đấy! - chàng trả lời. - Cứ xuống đi, tôi sẽ ra ngay bây giờ! chàng nói to với Yasvin.

Nàng cầm tay chàng và vẫn ngước mắt đăm đăm nhìn chàng.

Nàng đang tìm cách nói thế nào để giữ chàng lại.

- Khoan đã, em có việc này muốn nói với anh, - và nàng cầm bàn tay ngắn của Vronxki áp lên má mình. - Em mời ông ta đến ăn như thế có được không?

- Em làm như thế là phải lắm! - chàng nói với một nụ cười bình thản, để lộ hàm răng đều đặn và hôn tay nàng.

- Alecxei, anh không thay đổi gì đối với em chứ? - nàng nói, dùng cả hai tay bóp chặt tay chàng. - Alecxei, ở đây em không chịu nổi nữa rồi. Bao giờ chúng mình đi?

- Sắp thôi, sắp thôi. Em không thể hình dung cuộc sống của chúng ta ở đây cũng làm anh khó chịu đến mức nào, - chàng nói và chìa tay cho nàng.

- Thôi được, anh đi đi! - nàng nói giọng dằn dỗi và vội vã bỏ đi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3