Anna Karenina (Tập 2) - Phần 6 - Chương 11
24
- Chính vì thế càng cần phải bình thường hóa hoàn cảnh cô, nếu có thể được, - Doli nói.
- Vâng, nếu có thể, - Anna đáp, giọng đột nhiên đổi khác, trầm tĩnh và buồn bã.
- Phải chăng không thể li dị được? Nghe nói là chồng cô đồng ý mà.
- Chị Doli, em muốn ta đừng nói chuyện đó.
- Ừ thôi, không nói chuyện ấy nữa, - Daria Alecxandrovna vội nói khi thấy vẻ đau đớn trên mặt Anna. - Nhưng chị thấy hình như cô coi chuyện đó quá bi thảm.
- Em ấy à? Tuyệt nhiên không. Em hoàn toàn bằng lòng và mãn nguyện. Chị thấy đó: em khiến người ta mê mệt, Vexlovxki...
- Phải, nói thật tình, điệu bộ Vexlovxki làm tôi khó chịu. – Daria Alecxandrovna nói, định chuyển sang chuyện khác.
- Tại sao vậy? Điều đó chỉ khiến Alecxei khoái chí thôi, không có gì khác cả; đó là một chú bé, em nắm gọn hắn trong tay; em muốn làm gì hắn thì làm. Y như thằng cháu Grisa.. Chị Doli! - nàng nói tiếp, đột nhiên đổi giọng, - chị bảo em nhìn sự việc quá bi thảm. Chị không hiểu được đâu. Thật ghê sợ quá. Em cố để khỏi nhìn thấy...
- Tuy nhiên, cần phải thấy! Phải làm tất cả những gì cô có thể làm.
- Nhưng cái gì là cái em có thể làm? Chẳng có gì cả. Chị bảo em phải kết hôn với Alecxei, tưởng như em không nghĩ đến chuyện ấy. Em không nghĩ đến chuyện ấy! - nàng nhắc lại, mặt đỏ dừ. Nàng đứng dậy, dướn thẳng người, thở dài và nhẹ nhàng dạo quanh phòng, thỉnh thoảng lại dừng bước. - Em không nghĩ đến chuyện đó ư. Không ngày nào, giờ nào em không nghĩ đến rồi lại tự trách mình về ý nghĩ đó... vì nó có thể làm em phát điên. Làm em phát điên lên, - nàng nhắc lại. - Cứ nghĩ đến chuyện đó là em không tài nào ngủ được nếu không uống moóc phin. Nhưng thôi được. Ta hãy bình tĩnh nói chuyện. Người ta bảo em li dị. Trước hết, lão ta không thuận đâu. Hiện nay, lão ta đang bị nữ bá tước Lidia Ivanovna mê hoặc.
Daria Alecxandrovna, ngồi rất thẳng trên ghế tựa, ái ngại nhìn Anna đi ngang đi dọc.
- Cần phải thử xem, - bà dịu dàng nói.
- Cứ cho là thế đi. Chị có biết thế nghĩa là thế nào không? – nàng nói, rõ ràng đang phát biểu một ý nghĩ đã nghiền ngẫm hàng nghìn lần và thuộc lòng. - Thế nghĩa là em sẽ phải hạ mình viết thư cho lão ta, trong khi vẫn ghét lão mà lại phải nhận lỗi với lão... Nhưng cứ giả sử là em cố làm thế. Hoặc giả em sẽ được lão ưng thuận. Giả sử em nhận được sự đồng ý... - Lúc này Anna dừng bước ở đầu phòng đằng kia, sửa lại rèm. - Em được lão ta đồng ý: còn... còn con trai em thì sao? Họ sẽ không trả nó cho em đâu. Nó sẽ lớn lên trong nhà bố nó mà em đã bỏ, vừa lớn lên vừa khinh miệt em. Chị nên hiểu em yêu hai người như nhau, mà cả hai, em đều yêu hơn chính bản thân mình: Xerioja và Alecxei. - Nàng đến giữa phòng và dừng lại trước mặt Doli, hai tay ép chặt vào ngực. Trong chiếc áo choàng trắng, vóc dáng nàng có vẻ cao lớn lạ thường. Nàng cúi đầu, cặp mắt ướt long lanh nhìn Doli, gầy bé, yếu ớt, run run xúc động trong chiếc áo ngắn vá víu, với chiếc mũ đêm chùm đầu.
- Trên đời, em chỉ yêu hai người đó và có người này thì không thể có người kia. Em không thể liên kết hai người lại được, mà đó lại là mong ước duy nhất của em. Và nếu không đạt được điều đó thì mọi cái khác đối với em đều chẳng quan trọng. Tất cả, tất cả đều không quan trọng gì đối với em. Chuyện này trước sau sẽ kết thúc bằng cách này hay cách khác, cho nên em không thể, em không muốn nói đến nó. Chị đừng trách em, đừng chỉ trích em. Chị trong trắng quá nên không thể hiểu hết những đau khổ của em.
Nàng lại gần Doli, ngồi xuống cạnh và vừa cầm tay vừa nhìn bà, vẻ phạm lỗi.
- Chị nghĩ thế nào? Chị nghĩ thế nào về em? Đừng khinh em nhé. Em không đáng khinh đâu. Em chỉ là một kẻ bất hạnh. Trên đời này, nếu có ai bất hạnh thì đó chính là em, - nàng nói và quay đi, nước mắt giàn giụa. Còn lại một mình, Doli cầu kinh và đi nằm. Bà thương hại Anna hết lòng trong khi nói chuyện với nàng; nhưng bây giờ, bà không thể buộc mình nghĩ đến nàng. Gia đình bà, các con bà hiện lên trong kí ức với một sức quyến rũ mới, một ánh hào quang mới. Cái thế giới riêng của bà ấy, giờ đây sao mà thân thiết, êm đềm đến nỗi bà không muốn xa nó thêm ngày nào nữa; cho nên bà quyết định hôm sau phải ra về. Trong khi đó, Anna đã trở về phòng riêng. Nàng lấy một cái cốc nhỏ, rót vài giọt thuốc gồm chủ yếu là moóc phin, rồi sau khi uống xong và nằm yên không động đậy một lúc, nàng sang buồng ngủ, bình thản và thư thái. Khi Anna bước vào, Vronxki chăm chú nhìn nàng. Chàng dõi tìm dấu vết của câu chuyện mà chàng biết nàng đã trao đổi với Doli vì thấy nàng nán lại phòng bà ta lâu đến thế. Nhưng trên vẻ mặt bừng bừng một nỗi xúc động cố nén và hơi bí ẩn của nàng, chàng không thấy gì ngoài cái sắc đẹp tuy đã quen thuộc, đã biết rõ cùng niềm dục vọng do nó gợi lên, mà bao giờ cũng vẫn làm chàng say đắm. Chàng không muốn hỏi hai chị em nói chuyện gì, hi vọng nàng sẽ nói ra trước. Thế nhưng nàng chỉ bảo:
- Em thật hài lòng thấy chị Doli làm mình vừa ý. Có đúng thế không mình?
- Anh quen chị ấy đã lâu. Đó là một người đàn bà rất tốt, nhưng quá đỗi tầm thường. Dù sao, anh cũng rất mừng khi thấy chị ấy đến chơi.
Chàng cầm tay Anna và đăm đăm nhìn nàng, vẻ dò hỏi.
Nàng hiểu cái nhìn ấy theo một nghĩa khác và trả lời bằng một nụ cười.
Sáng hôm sau, mặc dầu chủ nhân năn nỉ giữ lại, Daria Alecxandrovna vẫn sửa soạn lên đường. Gã xà ích của Levin, mặt lầm lầm và quả quyết, mình mặc áo choàng cũ và đầu đội mũ giống như của cánh giữ ngựa trạm, đánh chiếc xe có những cái chắn bùn vá víu với cỗ ngựa thắng xộc xệch đi vào con đường rải cát dẫn đến thềm nhà phủ thảm. Cuộc chia tay với Vacvara và toán đàn ông thật khó chịu cho Daria Alecxandrovna. Sau một ngày, cả khách lẫn chủ đều cảm thấy rõ họ không hợp nhau và tốt hơn hết là nên chia tay nhau. Duy chỉ có Anna là buồn. Nàng biết sau khi Doli về, sẽ chẳng còn ai đến đánh thức dậy những tình cảm mà cuộc gặp gỡ này đã khuấy động trong tâm hồn nàng. Những tình cảm đó thật đau xót nhưng nàng biết đó là phần tốt đẹp nhất của tâm hồn mình và chẳng bao lâu nữa, phần tâm hồn đó sẽ bị cảnh sống hiện thời tràn lấn mất. Khi tới giữa cánh đồng, Daria Alecxandrovna cảm thấy khoan khoái như trút được gánh nặng. Bà vừa định hỏi những người đồng hành xem họ có vừa ý khi ở nhà Vronxki không, thì gã xà ích Filip đã lên tiếng trước.
- Nói là trọc phú thì họ quả là trọc phú đấy, nhưng họ chỉ cho tôi tất tần tật có ba đấu lúa mạch. Tội nghiệp mấy con ngựa, gà chưa gáy sáng, đã ngốn hết sạch. Ba đấu, thật có cũng bằng không! Vừa đủ để bắt đầu thấy ngon miệng! Hiện nay, ở các trạm thay ngựa, người ta tính bốn lăm kôpêch một đấu lúa mạch. ở ta, tôi chắc chả ai chi li từng đấu lúa với ngựa của khách.
- Phải, vị lãnh chúa quả có khắt khe thật, - gã thủ hạ tán thành.
- Còn đàn ngựa, anh thấy có đẹp không? - Doli hỏi.
- À, ngựa của họ thì không chê vào đâu được. Và đồ ăn thức uống cũng tốt. Tuy vậy, cháu vẫn thấy không thoải mái, bà Daria Alecxandrovna ạ; cháu không biết bà có nghĩ như cháu không, - gã nói, bộ mặt đẹp và đôn hậu quay về phía bà.
- Ừ, tôi cũng thế. Này anh, liệu ta có tới nơi trước khi trời tối không?
- Chúng cháu sẽ cố hết sức.
Về đến nhà, Daria Alecxandrovna thấy các con mạnh khỏe và xinh xắn hơn bao giờ hết. Bà sôi nổi tả lại chuyến đi, nào người ta đón tiếp bà ra sao, nào sự tráng lệ, sang trọng, những trò tiêu khiển của gia đình Vronxki và bà không cho phép ai bình phẩm họ.
- Phải hiểu Anna và Vronxki - và bây giờ tôi hiểu họ kĩ hơn - mới thấy họ dễ mến, dễ thương biết bao, - bà nói, lần này hết sức thành thật, quên bẵng cái cảm giác bất mãn và khó chịu không xác định nổi đã xâm chiếm bà khi ở nhà họ.
25
Vronxki và Anna sống cả mùa hè và một phần mùa thu ở nông thôn, vẫn trong những điều kiện như vậy, Anna và chồng nàng vẫ chưa hề li dị. Họ quyết định không rời khỏi nhà; nhưng sau thời gian dài sống cô độc, nhất là trong mùa thu khách khứa đi cả rồi, cả hai đều cảm thấy không thể chịu đựng được cuộc sống đó và cần có sự thay đổi.
Nhìn bề ngoài, với cuộc sống như thế, tưởng như họ chẳng cần mong muốn gì hơn nữa: giàu có, khỏe mạnh, có một đứa con, người nào việc ấy. Anna, ngay cả lúc vắng khách, vẫn tiếp tục chăm chút thân thể và đọc rất nhiều tiểu thuyết và những trước tác nghiêm túc hợp thời. Nàng gửi mua tất cả những sách được khen trên báo chí nước ngoài và đọc tất cả những thứ đó với sự chăm chú chỉ có thể thấy trong cảnh cô đơn. Ngoài cái đó, nàng còn nghiên cứu trong sách hoặc chuyên san mọi vấn đề Vronxki quan tâm thành thử chàng thường hay hỏi nàng về những vấn đề nông học, kiến trúc, hay thậm chí cả vấn đề nuôi ngựa hoặc thể thao nữa. Ngạc nhiên về sự hiểu biết và trí nhớ của nàng, thoạt đầu chàng còn nghi ngờ và yêu cầu dẫn chứng: nàng liền tìm trong sách những đoạn chàng hỏi và chỉ cho chàng xem. Việc sắp đặt bệnh viện cũng khiến nàng quan tâm. Không những nàng góp phần trông coi, mà còn bắt tay làm thật sự và tìm ra cách bố trí mới. Nhưng dù sao, lo lắng chủ yếu của nàng vẫn tập trung vào bản thân: bản thân nàng được Vronxki yêu thương đến mức nào và có thể thay thế đến chừng mực nào tất cả những gì chàng đã từ bỏ. Vronxki tôn trọng lòng mong muốn giờ đây đã trở thành mục đích duy nhất của đời nàng, là không những làm vui lòng mà còn phục vụ chàng, nhưng đồng thời lại khó chịu vì những sợi dây tình ái nàng tìm cách bao quanh chàng. Thời gian càng trôi qua, chàng càng luôn thấy vướng víu vì những sợi dây đó, càng muốn kiểm tra xem chúng có cản trở tự do của mình không, tuy chưa đến nỗi muốn thoát khỏi chúng. Nếu không có cái khao khát càng ngày càng tăng, muốn được tự do, không phải lời đi tiếng lại mỗi khi chàng lên tỉnh họp hay dự đua ngựa, thì hẳn Vronxki đã hoàn toàn mãn nguyện về cuộc sống. Vai trò chàng đã chọn - vai trò một điền chủ giàu có làm hạt nhân cho giới quý tộc Nga - không những hoàn toàn hợp với sở thích của chàng mà còn mang lại những mãn nguyện ngày một lớn, giờ đây khi chàng đã sống sáu tháng như vậy. Công việc tiến hành đúng hướng, ngày một thu hút chàng. Bất kể những món tiền kếch sù bỏ vào xây bệnh viện, những máy móc, gia súc đặt từ Thụy Sĩ và bao nhiêu khoản mua sắm khác, chàng vẫn đinh ninh rằng mình không hề phá tán cơ nghiệp mà trái lại còn củng cố thêm là khác. Đụng tới vấn đề lợi tức, vấn đề bán gỗ, bán hoa màu, bán len hoặc cho phát canh ruộng đất, Vronxki cứng rắn như đá tảng và biết giữ giá. Đối với nông nghiệp, chàng ưng những phương pháp đơn giản nhất, bảo đảm nhất và tỏ ra khôn ngoan, tiết kiệm trong từng chi tiết nhỏ. Mặc dầu viên quản lí người Đức cơ mưu và lọc lõi trình bày mỗi khoản mua sắm mới như một món tiết kiệm có thể thu lãi tức khắc để thuyết phục chàng, Vronxki vẫn không chịu nhượng bộ. Chàng lắng nghe đến cùng, chất vấn và chỉ đồng ý khi công việc dự định thật hoàn toàn mới mẻ ở Nga và có thể gây dư luận. Chàng chỉ quyết định tiêu những món lớn khi có khoản thừa ra và mỗi lần tiêu như vậy, chàng điều tra từng chi tiết nhỏ, lo sao mua được những gì tốt nhất xứng đáng với đồng tiền bỏ ra. Bằng cách ấy, rõ ràng chàng tuyệt nhiên không làm tổn hại đến tài sản mà còn vun đắp thêm. Vào tháng mười, có cuộc bầu cử đại biểu quý tộc tỉnh Casin, nơi có trại ấp của Vronxki, Xviajxki, Coznưsev, Oblonxki và một phần nhỏ của Levin. Do những hoàn cảnh đặc biệt và những nhân vật tham gia, cuộc bầu cử đã được giới thượng lưu lưu ý, được mọi người bàn tán xôn xao và chờ đón. Những người ở Moxcva, Peterburg, ở nước ngoài, chưa bao giờ dự bầu cử, cũng đổ về tỉnh.
Từ lâu, Vronxki đã hứa với Xviajxki là sẽ có mặt.
Trước đó ít bữa, Xviajxki, thường qua lại Vozdvijenxcoie luôn, đã ghé thăm Vronxki.
Vừa mới hôm trước, Vronxki và Anna đã suýt cãi nhau về chuyến đi này. Bây giờ là vào giai đoạn buồn tẻ nhất của mùa thu ở nông thôn; Vronxki sẵn sàng nghênh chiến, đã báo cho Anna biết mình sắp đi bằng một vẻ lạnh lùng và nghiệm nghị chưa từng thấy trong những lần nói chuyện trước đây. Chàng rất ngạc nhiên thấy Anna đón tin đó một cách rất bình tĩnh và chỉ hỏi chàng bao giờ về. Chàng chăm chú nhìn nàng, không hiểu được vẻ thản nhiên ấy. Nàng đáp lại cái nhìn ấy bằng một nụ cười. Chàng vốn biết Anan có tài giấu kín tâm sự và chỉ sử dụng tài đó khi quyết định một điều gì không muốn cho chàng hay. Chàng sợ tình trạng đó; nhưng vì muốn tránh cãi cọ, nên chàng làm ra vẻ tin, thậm chí có phần thành thực tin là nàng đã biết điều hơn.
- Anh mong mình sẽ không buồn.
- Em cũng thế, - Anna nói. - Hôm qua, em vừa nhận được một hòm sách từ hiệu Gochie gửi đến. Không, em sẽ không buồn đâu.
“Cô nàng muốn đổi giọng đây, chàng nghĩ thầm. Càng tốt, nếu không lại như mọi lần trước.”
Thế là chàng đi dự bầu cử, không ép nàng phải cắt nghĩa tỏ tường. Kể từ buổi đầu dan díu, đây là lần đầu tiên hai người tạm biệt nhau, không phân giải ngọn ngành. Một mặt, chàng cũng áy náy nhưng mặt khác, lại thấy thế là ổn hơn. “Mới đầu, như bây giờ chẳng hạn, thì có một cái gì mập mờ, khuất tất nhưng rồi sau, nàng sẽ quen đi thôi. Dù sao, vì nàng, mình cũng sẵn sàng hi sinh hết thảy, trừ sự độc lập”, chàng tự nhủ.
26
Vào tháng chín, Levin đến Moxcva trông nom Kitti đẻ. Chàng ăn không ngồi rồi ở Moxcva được một tháng thì Xergei Ivanovitr chuẩn bị đi Casin (ông có một trang trại ở tỉnh này và rất quan tâm đến cuộc bầu cử sắp tới). Ông mời em trai cùng đi, chàng cũng có một khu đất ở quận Xelezniev. Hơn nữa, Levin cũng cần đến Casin giải quyết giúp bà chị đang ở nước ngoài một việc cấp thiết về bảo trợ và thu nợ. Levin ngần ngừ, nhưng Kitti thấy chồng đang chán ngấy Moxcva, bèn khuyên chàng nên đi và bí mật đặt may một bộ đồng phục đại biểu quý tộc hết tám mươi rúp. Món chi này khiến Levin quyết định lên đường. Thế là chàng đi Casin.
Levin ở Casin đã năm hôm, hàng ngày đi họp và chạy chọt công việc cho bà chị vẫn chưa thu xếp ổn thoả. Tất cả các đại biểu quý tộc đều bận chuẩn bị bầu cử và ngay đến vấn đề đơn giản nhất thuộc thẩm quyền hội đồng bảo trợ, lúc này cũng không thể giải quyết được. Việc thứ hai: thu nợ bồi hoàn, cũng gặp trở ngại. Sau những cuộc vận động dài đằng đẵng để bãi lệch sai áp25, tiền đã sẵn sàng nạp nhưng quản lí văn khế, một người rất ân cần, không giao phiếu cho chàng đến Ngân khố lĩnh được, vì cần có chữ kí của vị thủ chỉ, mà ông này chưa giải chức, còn đang mắc dự hội nghị. Tất cả những rầy rà, đi đi lại lại ấy, tất cả những cuôc trò chuyện với những người rất tốt, rất thông cảm cái phiền toái của địa vị người đi cầu cạnh, nhưng không giúp đỡ gì được, tất cả sự căng thẳng không đi đến đâu ấy gây cho Levin một cảm giác dằn vặt, tương tự như nỗi bất lực đến uất máu thường cảm thấy trong mơ khi muốn dùng sức mạnh cơ thể vậy. Chàng luôn luôn cảm thấy điều đó khi nói chuyện với viên đại tụng đôn hậu của mình. Ông này hình như làm tất cả những gì có thể làm và vận dụng tất cả sáng kiến của trí thông minh để giúp Levin ra khỏi bước gay go. “Ngài thử làm thế này, ông ta bảo chàng, ngài hãy đến nơi này, nơi nọ xem”, và viên đại tụng dựng lên cả một kế hoạch để nghiên cứu những cản trở toàn bộ công việc còn lại. Nhưng ngay sau đó, ông lại nói thêm: “Cách này rồi cũng chẳng ăn thua gì đâu, nhưng ngài cứ thử coi”. Và Levin lại thử, lại đến gặp người khác. Ai nấy đều tốt và đáng yêu, nhưng cái chướng ngại vật chàng đã phải đi vòng để tránh, lại trồi lên chắn ngang đường. Điều bực mình nhất là Levin không tài nào hiểu mình đang đương đầu với ai và công việc của mình lở dở thì lợi cho ai. Và điều đó, hình như không ai biết cả; cả viên đại tụng cũng vậy. Nếu Levin hiểu được cũng như chàng vẫn hiểu chỉ có xếp hàng mới lại gần được cửa bán vé ở ga, thì hẳn chàng sẽ không bực mình; nhưng chẳng ai có thể cắt nghĩa cho chàng hay tại sao lại có những trở lực đó.
25 Thuật ngữ pháp lí có nghĩa là lệnh quan tòa cho phép chủ nợ được giữ lại của cải của một người khác đang nắm tiền bạc hoặc đồ đạc của người mắc nợ chung cả hai bên.
Levin đã thay đổi nhiều từ khi lấy vợ, chàng trở nên kiên nhẫn, và mặc dầu không hiểu tại sao mọi sự lại sắp đặt ra như thế, chàng vẫn cố không phẫn nộ mà chỉ tự nhủ rằng nếu chưa biết đầy đủ thì không có quyền phê phán, rằng có lẽ cần phải thế. Giờ đây, trong khi dự bầu cử và tham gia vào đó, chàng cũng cố không bình phẩm, không tranh cãi và cố hết sức hiểu cho được cái sự kiện ấy mà những người trung thực và đáng trọng chàng hằng kính nể, đang bận tâm đến một cách hết sức nghiêm chỉnh và nhiệt thành. Từ khi lấy vợ, Levin đã khám phá trong cuộc đời nhiều khía cạnh trọng đại mà trước kia, vì khinh suất, chàng cho là nhỏ nhặt, vì vậy chàng đồ chừng cuộc bầu cử này có một ý nghĩa thật sự mà chàng cần tìm cho ra. Xergei Ivanovitr giảng giải cho chàng ý nghĩa và tầm quan trọng của cái gọi là cách mạng đó. Vị đại biểu quý tộc trong tỉnh này, theo luật pháp, nắm trong tay nhiều tổ chức quan trọng, kể cả những ban bảo trợ (chính những ban bảo trợ đã làm tình làm tội Levin), nắm những món tiền kếch xù, những trường trung học, việc giáo dục công cộng và sau hết là nắm quyền cai trị ở tỉnh, vị đại biểu quý tộc đó là Xnietcov, một nhà quý tộc lâu đời, từng phung phí một tài sản rất lớn, một người trung trực, lương thiện theo kiểu ông ta, nhưng hoàn toàn không biết đến những yêu cầu của thời đại. Trong mọi vấn đề, ông ta luôn bảo vệ giới quý tộc, dứt khoát chống lại việc phát triển giáo dục công cộng và gán cho hội đồng tự trị địa phương một tính chất đẳng cấp, chính ra nó phải có tầm quan trọng rất lớn. Cần thay thế ông ta bằng một người hoạt động, trẻ tuổi, hợp thời, hoàn toàn mới và phải cầm cân nẩy mực thế nào để khai thác ở những quyền lợi giành cho giới quý tộc - không phải với tư cách quý tộc mà với tư cách thành viên Hội đồng tự trị địa phương - tất cả những gì có thể khai thác với lợi ích của “chế độ tự quản”. Tại tỉnh Casin giàu có bao giờ cũng đi tiên phong này, hiện nay tập trung nhiều lực lượng to lớn đến nỗi một hành động hợp thời tiến hành ở đây có thể làm gương cho những tỉnh khác và cho toàn nước Nga. Vì vậy khóa họp này rất quan trọng. Người ta đoán trước người thay thế Xnietcov sẽ là Xviajxki hoặc hơn thế nữa là Neviedovxki, một giáo sư cũ, một người đặc biệt thông minh và bạn rất thân của Xergei Ivanovitr. Viên thống đốc đọc diễn văn khai mạc khóa họp đề nghị các nhà quý tộc khi chọn lựa các chức sắc, không nên dựa theo cảm tình mà phải dựa theo giá trị con người và vì lợi ích Tổ quốc; ông hi vọng giới quý tộc Casin sẽ làm tròn nghĩa vụ một cách tôn nghiêm như trong những cuộc bầu cử trước, và, do đó, chứng minh lòng tin cậy của đức vua. Đọc xong diễn văn, viên thống đốc rời khỏi phòng và các nhà quý tộc ồn ào, náo nhiệt ra theo, một số còn mừng rỡ nữa, họ vây quanh thống đốc trong khi ông mặc áo lông và thân mật chuyện trò với vị đại biểu quý tộc. Muốn dự tất cả không bỏ sót cái gì, Levin cũng xen vào đám đông và nghe hấy viên thống đốc nói: “Xin ông chuyển lời tới bà Maria Ivanovna rằng nhà tôi rất lấy làm tiếc vì phải đến an dưỡng đường”. Đến đây, các nhà quý tộc vui vẻ khoác áo lông và tất cả đến nhà thờ. ở đây, Levin cùng mọi người giơ tay lên, lặp lại lời đức giám mục, tuyên thệ bằng những lời nguyền kinh khủng nhất là sẽ đáp ứng mọi hi vọng của thống đốc. Những tế lễ tôn giáo bao giờ cũng tác động đến Levin cho nên khi thốt lên những tiếng: “Tôi hôn thánh giá” và quay lại nhìn đám người cả trẻ lẫn già cũng đang đọc câu ấy, chàng bỗng thấy nao nao trong lòng. Ngày hôm sau và hôm sau nữa, người ta bàn về ngân sách và trường nữ trung học, những vấn đề chẳng có gì lí thú, theo lời Xergei Ivanovitr; cho nên Levin đang bận chạy vạy công việc, không dự họp. Ngày thứ tư, người ta kiểm tra các tài khoản của tỉnh. Và lần đầu tiên nẩy ra va chạm giữa phái mới và phái cũ. Tiểu ban chịu trách nhiệm kiểm tra tài khoản báo cáo với hội nghị là mọi sự đều hợp lệ. Ngài đại biểu quý tộc đứng dậy, rưng rưng nước mắt, cám ơn hội nghị đã tỏ lòng tin cậy ông. Các nhà quý tộc hoan hô và bắt tay ông. Nhưng giữa lúc đó, một người trong phái Xergei Ivanovitr tuyên bố rằng ông ta nghe nói tiểu ban nọ không hề tiến hành kiểm tra vì cho thế là xúc phạm đến ngài đại biểu. Một ủy viên trong tiểu ban dại dột xác nhận điều đó. Bấy giờ, một người thấp bé, rất trẻ nhưng rất chanh chua bèn nói bóng gió rằng chắc ngài đại biểu quý tộc sẽ vui lòng tường trình công việc trị dân, nhưng sự tế nhị quá đáng của tiểu ban đã tước mất của ngài sự thỏa mãn tinh thần đó. Thế là các vị kiểm tra rút lời tuyên bố và Xergei Ivanovitr liền nêu những điểm cần báo cáo cho hội nghị biết: hoặc các tài khoản đó đã được kiểm tra, hoặc là chưa, và ông phát triển mãi cái lí luận hai mặt đó. Một nhà hùng biện của phe đối lập vặn lại Xergei Ivanovitr. Sau đó Xviajxki lên tiếng, rồi lại đến lượt cái ông chanh chua. Cuộc tranh luận kéo dài mãi không sao chấm dứt được. Levin rất ngạc nhiên thấy người ta tranh luận vấn đề này lâu đến thế, nhất là khi chàng hỏi Xergei Ivanovitr có nghi Xnietcov thụt két không, ông này đã trả lời:
- Ồ, không! Ông ta là người lương thiện. Nhưng cần phải lay chuyển nề nếp điều khiển công việc theo kiểu gia trưởng ấy.
Ngày thứ năm, cuộc bầu cử đại biểu quận diễn ra. ở một số quận, ngày hôm đó khá là vũ bão. Trong quận Xelezniev, Xviajxki được nhất trí bầu lên và hôm đó ông mở tiệc chiêu đãi.