Anna Karenina (Tập 2) - Phần 7 - Chương 05
14
Bác sĩ chưa dậy, và gã hầu phòng nói chủ mình đi ngủ muộn, yêu cầu đừng ai gọi, nhưng chắc cũng sắp dậy rồi. Gã đang lau bóng đèn, xem vẻ như hoàn toàn tập trung vào công việc. Việc gã đầy tớ này chăm chút những cái bóng đèn và thờ ơ với sự kiện vừa xảy đến trong gia đình Levin, thoạt tiên làm chàng sửng sốt, nhưng sau một lúc suy nghĩ, chàng hiểu ra là không ai biết hoặc cần biết tới tình cảnh của mình, nên cần hành động bình tĩnh, từ tốn và kiên quyết để chọc thủng bức thành lạnh nhạt này và đạt đến mục đích. “Không vội vàng và cũng không sao nhãng điều gì”, chàng tự nhủ; chàng cảm thấy dồn lên trong người sức dự trữ ngày càng lớn của thể lực và tâm trí, sẵn sàng trước tất cả những việc còn phải làm. Khi được biết bác sĩ chưa dậy, chàng liền quyết định chọn một trong những kế hoạch nảy ra trong đầu, cụ thể như sau: Kuzma sẽ đem ngay thư đến một thầy thuốc khác, còn chàng đến hiệu bào chế mua thuốc phiện và nếu khi quay lại mà bác sĩ vẫn chưa dậy, chàng sẽ hối lộ cho tên hầu phòng hoặc giả, trong trường hợp hắn từ chối, sẽ dùng bạo lực để đánh thức bác sĩ bằng bất kì giá nào. ở hiệu bào chế, một người pha chế gầy giơ xương đang đóng thuốc bột vào bao đựng bánh thánh cho một xà ích đang đợi. Hắn cũng dửng dưng như gã hầu phòng mải lau bóng đèn. Hắn không chịu bán thuốc phiện. Levin phải tự kiềm chế, cố bình tĩnh và kiên nhẫn, ra công thuyết phục bằng cách nói tên tuổi thầy thuốc và bà đỡ, và giải thích tại sao chàng cần mua thuốc phiện. Người pha chế bàn bạc bằng tiếng Đức với một người ngồi đằng sau vách ngăn; sau khi được phép bán thuốc, hắn bèn đi tìm hai cái lọ, một cái phễu, chậm rãi lấy lọ lớn đổ đầy thuốc vào lọ con, dán nhãn rồi đóng dấu lên trên, mặc cho Levin giục, và còn định gói lại nữa. Nhưng lần này Levin không đủ kiên nhẫn nữa: chàng quả quyết giật lấy cái lọ trong tay người pha chế, và chạy đi. Bác sĩ vẫn chưa dậy và gã hầu phòng lúc này đang quét thảm, không chịu lên đánh thức. Levin bèn từ tốn móc ra một tờ giấy bạc mười rúp và vừa chìa cho hắn, vừa nói liền một hơi tách bạch rõ ràng từng tiếng, giải thích rằng Piot’r Dmitrievitr (cái nhân vật gầy yếu đến thế mà giờ đây đối với Levin mới to lớn và quan trọng làm sao) đã hữa sẵn sàng đến nhà chàng vào bất kì giờ nào, cho nên gã có thể đánh thức ông dậy ngay lập tức mà không sợ ông cáu.
Gã hầu phòng nhận lời, lên gác và mời Levin vào phòng đợi.
Levin nghe tiếng ông thầy thuốc ho, đi lại, rửa mặt và nói ở sau cánh cửa ra vào. Chừng ba phút trôi qua, mà Levin tưởng đến hơn một tiếng đồng hồ. Chàng không đợi thêm được nữa.
- Piot’r Dimitrievitr, ông Piot’r Dimitrievitr! - chàng gọi giọng van lơn và mở hé cánh cửa. - Vì lòng kính Chúa, hãy thứ lỗi cho tôi! Cứ thế mà tiếp tôi luôn cũng được. Trở dạ hơn hai tiếng đồng hồ rồi.
- Xong ngay, xong ngay đây, - có tiếng đáp lại và Levin kinh ngạc thấy bác sĩ vừa nói vừa mỉm cười.
- Tôi chỉ cần gặp một phút thôi.
- Xong ngay đây. - Hai phút nữa lại trôi qua trước khi bác sĩ xỏ xong ủng, và lại thêm hai phút nữa trước khi ông ta mặc được áo nịt và chải đầu.
- Ông Piot’r Dimitrievitr! - Levin lại gọi, giọng thảm thiết, nhưng vừa lúc đó, bác sĩ bước vào, chỉnh tề và chải chuốt. “Bọn này thật không có lương tâm, Levin nghĩ thầm. Còn đi chải đầu khi người ta sắp chết!”.
- Chào ông! - bác sĩ nói và bắt tay chàng, vẻ thản nhiên như muốn trêu tức. - Có chuyện gì vậy? Cứ thong thả.
Levin liền kể hết sức tỉ mỉ một loạt chi tiết vô ích về tình hình sức khỏe của vợ, chàng luôn ngừng lại vẻ giục bác sĩ đi ngay với chàng.
- Thôi nào, đừng cuống lên thế. Hình như ông chưa có kinh nghiệm thì phải. Tôi nghĩ sự có mặt của tôi không cần thiết, nhưng đã hứa thì tôi sẽ đến, nếu ông muốn. Không có gì phải vội vàng. Mời ông ngồi, tôi cho pha cà phê hầu ông nhé?
Levin nhìn ông ta, như muốn hỏi có phải ông giễu mình không.
Nhưng bác sĩ thậm chí không hề có ý định ấy.
- Tôi biết lắm, - bác sĩ mỉm cười nói. - Chính tôi cũng đã có vợ. Những kẻ làm chồng như chúng ta lúc này thường vác bộ mặt đến là thiểu não. Tôi có bà khách hàng cứ đến lúc sắp đẻ, ông chồng bao giờ cũng trốn vào chuồng ngựa.
- Ông Piot’r Đimitriêvitr, ông nghĩ thế nào? Liệu ông có tin là sẽ êm đẹp không?
- Mọi điều ông cho biết đều hứa hẹn kết quả tốt đẹp.
- Vậy ông tới ngay nhé? - Levin vừa nói, vừa gườm gườm nhìn tên đầy tớ bưng cà phê vào.
- Trong vòng một giờ nữa.
- Lạy Chúa tôi!
- Thì cũng phải để tôi kịp uống cà phê chứ. - Bác sĩ rót cà phê. Cả hai người im lặng.
- Này ông, bọn Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như bị quất nên thân. Ông đọc bản thông cáo cuối cùng chưa? - bác sĩ hỏi, miệng đầy cà-phê.
- Chao! Tôi không chịu nổi nữa! - Levin nói và bất thình lình đứng dậy. - Khoảng mười lăm phút nữa ông có tới được không?
- Nửa giờ nữa.
- Lời hứa danh dự đấy chứ? - Về tới nhà, Levin xuống xe cùng một lúc với quận công phu nhân.
Cả hai lên phòng ngủ. Phu nhân nước mắt vòng quanh và tay run lẩy bẩy. Thấy Levin, bà cụ ôm lấy chàng khóc.
- Thế nào bà? - bà vừa nói, vừa khoác tay bà đỡ đang bước ra đón hai người, vẻ mặt nửa mừng nửa lo.
- Chiều hướng tốt đấy, - bà nói. - Cụ dỗ cô ấy nằm thẳng ra cho dễ chịu hơn.
Từ phút tỉnh dậy và hiểu rõ sự tình, Levin đã chuẩn bị đón nó không suy nghĩ, cũng không dự đoán gì hết, khép chặt mọi cảm nghĩ, kiên quyết không làm cho vợ hoang mang, không những thế còn giữ vững nghị lực cho nàng và động viên nàng. Thậm chí, Levin còn cấm mình không được hình dung chuyện gì sẽ xảy đến và tình hình sẽ đi tới đâu, chàng tin vào sự đánh giá thông thường để chuẩn bị tinh thần kiên nhẫn và đem hết tâm lực ra chịu đựng trong vòng năm tiếng đồng hồ: chàng thấy đủ sức làm được như thế. Nhưng khi ở nhà bác sĩ về và lại phải chứng kiến những đau đớn của Kitti, chàng cứ luôn miệng: “Lạy Chúa, tha thứ cho chúng con, cứu giúp chúng con”, luôn miệng thở dài, chốc chốc lại ngửa mặt lên trời và đâm sợ khéo không chịu đựng nổi cảnh tượng này, đến òa khóc mà chạy trốn mất; chàng đang chịu đựng một cực hình thực sự. Thế mà, mới chỉ có một giờ trôi qua. Sau cái giờ ấy, lại một giờ khác, rồi hai, rồi ba giờ, năm giờ quy định như thời hạn tối hậu cho lòng kiên nhẫn của chàng trôi qua, vậy mà tình hình vẫn chưa thay đổi: và chàng phải cắn răng chịu đựng, vì không còn cách gì khác là cắn răng chịu đựng, mỗi phút trôi qua, chàng đều cảm thấy không còn sức chịu đựng và trái tim sắp sửa vỡ tung vì thương xót.
Nhưng từng phút rồi từng giờ theo nhau qua, và cảm giác đau đớn, sợ hãi của chàng mỗi lúc một lớn dần.
Tất cả những điều kiện bình thường của cuộc sống, mà người ta không thể hình dung được điều gì bên ngoài phạm vi đó, lúc này không còn tồn tại với Levin. Chàng mất cả ý niệm về thời gian. Có lúc chàng thấy một phút dài bằng một giờ, như lúc Kitti gọi đến đặt bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vào tay chồng rồi riết chặt với một sức mạnh chưa từng thấy, để sau đó lại đẩy ra ngay: cũng có lúc, một giờ chỉ ngắn bằng một phút. Khi bà Elizaveta Petrovna nhờ chàng thắp một ngọn nến đằng sau tấm bình phong, chàng bỗng kinh ngạc nhận thấy lúc đó đã năm giờ chiều. Nếu có ai nói mới mười giờ sáng hẳn chàng cũng sẽ không kém kinh ngạc. Chàng không biết trong thời gian đó, chàng ở đâu và sự thể đã đến đâu. Dưới mắt chàng là khuôn mặt đỏ dừ của Kitti: khi thì nàng như ngạc nhiên thấy mình đau, lúc lại mỉm cười như động viên chàng yên tâm. Chàng nhìn thấy phu nhân nuốt nước mắt và cắn môi, mắt đỏ lên, ứ máu, những búp tóc hoa râm rũ rượi. Chàng cũng thấy cả Doli, cả ông thầy thuốc đang hút những điếu thuốc lá to tướng, cả bà Elizaveta Petrovna vẻ mặt kiên nghị và vỗ về, cả lão quận công đang cau mày đi đi lại lại trong phòng khách. Nhưng họ ra, vào làm sao, họ đứng đâu thì chàng không rõ. Phu nhân khi đứng ở phòng ngủ với bác sĩ, khi đứng ở phòng giấy đã dọn sẵn bàn ăn; có lúc Doli lại thế chỗ bà cụ. Về sau, Levin nhớ lại người ta có phái chàng đi làm một việc: kê lại một cái bàn và một cái đi văng. Chàng tận tâm thi hành, tưởng đó là kê cho Kitti và một lúc sau mới vỡ lẽ là chuẩn bị giường cho chính mình. Sau đó, người ta bảo chàng đến phòng giấy hỏi bác sĩ một điều gì đó. Bác sĩ trả lời xong liền huyên thiên nói sang những sự lộn xộn ở Hạ nghị viện. Rồi người ta lại nhờ chàng đến phòng phu nhân lấy một cái tượng thánh sơn son thiếp vàng; chàng phải nhờ bà cụ hầu phòng của mẹ vợ giúp sức trèo lên nóc tủ đựng ảnh và đánh vỡ một cây đèn ngủ: mụ hầu hết lời an ủi chàng về cả chuyện vợ đẻ lẫn việc đánh vỡ cây đèn ngủ: chàng cầm tượng thánh đi và thận trọng đặt lên đầu giường Kitti, sau chồng gối. Nhưng những việc này xảy ra ở đâu, lúc nào và tại sao thì chàng không biết gì hết. Chàng cũng không hiểu tại sao phu nhân lại cầm lấy tay chàng, động viên nên bình tĩnh và nhìn chàng bằng cặp mắt đầy thương cảm, tại sao Doli cố kéo chàng ra khỏi phòng, dỗ đi ăn và cuối cùng tại sao ông thầy thuốc lại cứ ngắm chàng một cách vừa nghiêm trang vừa thương hại và đề nghị chàng uống thuốc. Chàng chỉ biết giờ đây đang diễn ra một cái gì tương tự như điều đã xảy ra một năm về trước, trong cái khách sạn tỉnh lẻ, cạnh giường lâm chung của Nicolai - anh chàng. Có điều là cái vui đã thay cho cái buồn. Nhưng cả hai cái buồn kia lẫn cái vui này đều vượt ra ngoài những điều kiện thông thường của cuộc sống; có thể nói khác nào một lỗ hỏng hé ra trong cuộc đời bình dị để cho ta trông thấy một cái gì cao quý hơn. Điều đang diễn ra thật nặng nề, đau đớn, và chiêm ngưỡng sự kiện siêu đẳng này, tâm hồn ta bay lên những đỉnh cao tuyệt vời mà trước kia lòng ta không ngờ đến, ở đấy lí trí không thể theo kịp được tâm hồn. “Lạy Chúa, hãy tha thứ và cứu giúp chúng con!”, chàng khẽ nhắc mãi không biết mệt, và mặc dầu cảm thấy cả một thời gian cách biệt đằng đẵng và tưởng như dứt khoát với tôn giáo, chàng vẫn kêu gọi Thượng đế với một niềm tin trong trắng y như hồi còn thơ và đang độ hoa niên. Suốt thời gian này, chàng trải qua hai tâm trạng khác nhau. Một tâm trạng khi ở ngoài phòng Kitti, cùng ngồi với Doli, với lão quận công, với ông bác sĩ luôn miệng hút thuốc hết điếu này sang điếu khác rồi dập thuốc vào thành cái gạt tàn đầy ụ; họ nói chuyện về bữa ăn chiều, về chính trị, về bệnh tình bà Maria Pet’rovna, và có lúc, Levin hoàn toàn quên mọi việc đang xảy ra và tưởng vừa tỉnh dậy sau một giấc mộng; tâm trạng thứ hai là khi chàng ngồi ở đầu giường vợ: trái tim Levin lúc đó muốn vỡ ra vì thương xót mà không được, và chàng cứ cầu nguyện không ngừng. Và mỗi khi có tiếng kêu từ phòng ngủ vọng tới, kéo chàng ra khỏi phút quên lãng, chàng như rơi vào cái hoảng loạn kì lạ đã xâm chiếm chàng từ phút đầu: vừa nghe thấy tiếng rên la, chàng đã nhảy chồm khỏi ghế và chạy đi để thanh minh, rồi được nửa đường, mới nhớ ra mình không có lỗi; chàng chỉ muốn bảo vệ và cứu giúp vợ. Nhưng khi thấy nàng, một lần nữa chàng lại hiểu mình hoàn toàn bất lực, đâm hoảng và nói: “Lạy Chúa, hãy tha thứ và cứu giúp chúng con!”. Thời gian càng trôi qua, hai tâm trạng kia càng rõ nét: những lúc không ở bên vợ, Levin càng bình tĩnh, thậm chí quên bẵng hẳn nàng, thì khi đứng trước Kitti đang quằn quại, cảm giác bất lực của chàng lại càng sâu sắc. Chàng bèn đứng dậy với ý định trốn đi bất cứ chỗ nào nhưng lại chạy đến bên vợ. Đôi khi, thấy Kitti gọi liên hồi, chàng đâm giận nàng. Nhưng đến lúc nhìn thấy khuôn mặt cam chịu, tươi cười của vợ và nghe nàng nói: “Em làm tội anh”, thì chàng lại oán Chúa: nhưng ngay khi nghĩ đến Chúa, chàng lại cầu xin Chúa tha thứ và mở lượng từ bi.
15
Chàng không biết lúc đó là đêm hay sáng nữa. Nến đã cháy hết. Doli vừa vào phòng giấy để mời bác sĩ đi nghỉ một chút. Levin ngồi trong ghế bành, vừa nghe bác sĩ kể chuyện một tên lang băm chữa bệnh bằng miên thuật, vừa ngắm mẩu tàn thuốc lá của ông. Đây là một phút nghỉ ngơi và chàng thả mình vào đó... Chàng hoàn toàn quên bẵng mọi chuyện xảy ra. Chàng nghe bác sĩ nói huyên thuyên và hiểu cả. Thốt nhiên, một tiếng kêu vang lên hoàn toàn khác tiếng người. Tiếng kêu nghe ghê sợ đến nỗi Levin ngồi ngây như tượng, nhưng chàng thở hổn hển và đưa mắt nhìn bác sĩ, vẻ hốt hoảng và dò hỏi. Ông thầy thuốc bèn nghiêng đầu, lắng nghe và mỉm cười ra vẻ bằng lòng. Mọi sự đều kì dị đến nỗi không còn gì khiến Levin ngạc nhiên nữa. “Có lẽ là phải như thế”, chàng tự nhủ và cứ ngồi im. Nhưng ai kêu vậy? Chàng đứng phắt lên, nhón chân chạy vào phòng, vượt lên trước Elizaveta Pet’rovna và quận công phu nhân, và đến ngồi vào đầu giường Kitti. Tiếng kêu rên đã im bặt, nhưng vừa có một sự gì thay đổi. Đó là gì, chàng không nhìn ra, không hiểu được và cũng chẳng muốn nhìn, muốn hiểu làm chi. Nhưng chàng đọc thấy nó trên mặt bà Elizaveta Petrovna: mặt bà tái đi, nghiêm lại và vẫn kiên quyết nhưng quai hàm hai rung lên và mắt trân trân nhìn Kitti. Bộ mặt đỏ nhừ và mệt rã rời của Kitti, với mớ tóc dính bết mồ hôi, đang quay về phía Levin và ngóng cái nhìn của chàng. Tay nàng sờ soạng tìm tay chồng. Nàng nắm trong tay bàn tay nhớp mồ hôi tay lạnh toát của Levin, áp vào mặt. - Anh đừng đi, anh đừng đi, em không sợ đâu! - nàng luýnh quýnh nói. - Mẹ ơi, tháo đôi hoa tai ra cho con, vướng quá. Mẹ không sợ chứ? Nhanh lên, nhanh lên, Elizaveta Petrovna... - Nàng nói rất nhanh và cố mỉm cười. Nhưng thốt nhiên nàng nhăn mặt và đẩy chồng ra.
- Chao ôi! Kinh khủng quá! Tôi chết mất! Anh đi đi! - nàng thét to và một lần nữa tiếng kêu như thú vật lại cất lên. Levin đưa hai tay lên ôm đầu, chạy ra khỏi phòng.
- Không sao, không sao cả, mọi việc đều tốt đẹp! - Doli nói vớichàng.
Nhưng, mặc họ nói, chàng biết bây giờ thế là hỏng hết. Chàng tì đầu vào khung cửa, nghe thấy ở phòng bên những tiếng thét khác hẳn những tiếng kêu đã nghe từ trước đến nay và biết những tiếng đó phát ra từ con người mới đây còn là Kitti. Lâu rồi, chàng không nghĩ đến đứa bé. Thậm chí chàng không mong gì Kitti sống nữa; chàng chỉ mong sao chấm dứt được những đau đớn ghê gớm kia.
- Bác sĩ! Cái gì đó? Cái gì đó! Lạy Chúa tôi! - chàng vừa nói vừa nắm lấy cánh tay ông thầy thuốc đang bước vào.
- Sắp xong rồi, - ông thầy thuốc nói. Và mặt ông ta khi nói câu ấy trông nghiêm trang đến nỗi Levin lại hiểu “sắp xong rồi” nghĩa là “bà ấy đang hấp hối”. Chàng hốt hoảng nhảy bổ vào phòng. Điều trước tiên chàng trông thấy là mặt bà Elizaveta Petrovna. Mặt bà còn u ám và nghiêm hơn trước. Không thể nào nhận ra Kitti nữa. Mặt nàng đã biến mất, nhường chỗ cho một cái gì ghê gớm không ngừng co giật và la thét. Chàng tì trán vào thành giường: chàng cảm thấy tim mình sắp vỡ. Những tiếng kêu ghê rợn nổi lên không dứt, mỗi lúc một kinh khủng hơn, rồi, như đạt tới mức tột cùng khủng khiếp, thốt nhiên ngừng lại. Levin không tin vào tai mình nhưng rõ ràng thế: tiếng kêu đã im bặt. Có tiếng đi lại thận trọng, tiếng sột soạt khe khẽ, một hơi thở gấp, rồi Kitti, giọng hổn hển, sinh động, trìu mến và vui sướng, bỗng thì thào: “Xong rồi!”.
Chàng ngẩng đầu lên. Hai cánh tay kiệt lực duỗi dài trên chăn, trông nàng đẹp và thư thái lạ thường; nàng lặng lẽ nhìn chàng, cố mỉm cười mà không nổi. Và thốt nhiên, từ cái thế giới hư ảo, ghê sợ và bí ẩn chàng đã sống suốt hai mươi hai tiếng đồng hồ, thoắt cái Levin đã quay về với thế giới cũ quen thuộc, nhưng giờ đây sáng chói một hào quang hạnh phúc rực rỡ đến nỗi chàng không chịu nổi. Sợi dây căng quá đã đến lúc đứt. Những tiếng nức nở và những giọt nước mắt vui sướng bất ngờ trào lên dữ dội khiến toàn thân chàng rung lên, hồi lâu không nói nên lời. Chàng quỳ xuống cạnh giường, hôn khắp lên tay vợ; nàng đáp lại bằng cách khẽ bóp ngón tay. Cùng lúc ấy, ở chân giường, trong đôi tay lão luyện của Elizaveta Petrovna, khác nào một ngọn nến, đang chập chờn cuộc sống của một sinh thể trước đó chưa hề tồn tại ở bất cứ đâu, nhưng chẳng bao lâu sẽ đòi hỏi quyền lợi và lại sinh sôi nảy nở ra những sinh thể khác giống như nó.
- Sống! Sống rồi! Con trai! Ông cứ yên tâm, - Levin nghe thấy tiếng Elizaveta Petrovna trong khi bà xoa bóp lưng đứa bé mới đẻ.
- Thật ư mẹ, - tiếng Kitti nói. Phu nhân chỉ còn biết nức nở thay cho câu trả lời. Và giữa im lặng, một thứ tiếng cất lên hoàn toàn khác những tiếng nhỏ nhẹ của mọi người ngồi quanh, như để đánh tan dứt khoát nỗi ngờ vực của bà mẹ. Đó là tiếng thét táo bạo, ngỗ ngược của một con người mới không biết kiêng nể gì hết và vừa xuất hiện không biết từ chỗ nào. Nếu một lúc trước đây, người ta bảo Levin rằng Kitti đã chết, rằng chàng cũng chết cùng một lúc với vợ, rằng con cái họ đều là thiên thần và họ đang đứng trước mặt Chúa, hẳn chàng cũng chẳng lấy đó làm ngạc nhiên; nhưng giờ đây, khi trở về thế giới thực tại, chàng phải cố lắm mới hiểu nàng đã bình yên khỏe mạnh và sinh vật đang cất tiếng thét chối tai kia là con trai chàng. Kitti còn sống, những đau đớn đã chấm dứt. Chàng lấy thế làm sung sướng khôn xiết tả. Điều ấy, chàng đã hiểu và chàng hả hê hết sức. Nhưng còn đứa bé? Nó ở đâu ra, tại sao, nó là ai?... Rõ ràng chàng không thể làm quen ngay với ý nghĩ đó. Đứa bé này là thừa, chàng không cần đến nó và một thời gian dài sau đó, chàng vẫn chưa quen đi được.
16
Khoảng mười một giờ, lão quận công Xergei Ivanovitr và Xtepan Arcaditr đến tề tựu ở nhà Levin. Sau khi hỏi thăm tin tức người đẻ, họ quay sang chuyện khác. Levin vừa nghe họ nói, vừa bất giác nhớ lại những sự việc xảy ra trước sáng nay, nghĩ tới con người mới hôm qua còn là bản thân chàng. Hình như cả một thế kỉ đã trôi qua. Chàng cảm thấy mình đang ở tít tắp trên cao và phải cố hạ mình để khỏi làm mếch lòng người tiếp chuyện. Chàng nói không ngừng nghĩ đến vợ, đến tình trạng mới mẻ của mình, đến con trai, đến sự tồn tại của nó mà chàng phải gắng làm quen dần. Thế giới đàn bà, mà từ khi lấy vợ, chàng mới bắt đầu coi trọng nhưng trước đó vẫn xem thường, giờ đây sao mà cao vút lên trong trí chàng đến mức không thể tưởng tượng nổi. Chàng lắng nghe mọi người nhắc đến bữa ăn tối hôm trước ở câu lạc bộ và nghĩ: “Giờ đây nàng đang làm gì? Nàng có ngủ không? Có khỏe không?”. Và, giữa lúc trò chuyện, giữa một câu nói dở chừng, chàng thốt nhiên đứng dậy và rời khỏi phòng.
- Con cho người báo cho ba biết xem thử ba có vào thăm nó được không nhé, - lão quận công nói.
- Vâng, con xin báo ngay ạ, - Levin đáp và không dừng bước, đi về phòng vợ.
Nàng không ngủ và đang bình thản bàn tính với mẹ về lễ rửa tội sắp tới.
Nàng nằm ngửa, quần áo đã thay, đầu chải mượt đội một chiếc mũ xinh xắn màu xanh da trời, cánh tay duỗi dài trên tấm mền đắp chân. Mắt nàng bắt gặp mắt chồng và cái nhìn như muốn gọi chàng lại gần. Đôi mắt ấy vốn đã sáng ngời lại càng lấp lánh rực rỡ theo mỗi bước chân chàng đến gần. Mặt nàng lộ vẻ như từ trần thế trở về nơi tiên giới, cái vẻ thường thấy trên mặt người chết: nhưng ở đây không phải là dấu hiệu vĩnh biệt mà là dấu hiệu chào mừng. Một lần nữa, nỗi xúc động cảm thấy lúc vợ đang đẻ, bỗng lại bóp chặt trái tim Levin. Nàng nắm lấy tay chồng và hỏi chàng có ngủ được không. Chàng không đủ sức trả lời quay mặt đi, nhận rõ cái yếu đuối của mình.
- Còn em thì ngủ được, Coxtia ạ! - nàng nói. - Bây giờ em thấy rất dễ chịu. Nàng nhìn chồng nhưng đột nhiên vẻ mặt thay đổi.
- Đưa cháu đây cho tôi, - nàng nói khi nghe tiếng oe oe của đứa nhỏ. - Đưa cháu đây cho tôi, bà Êlizvêta Pet’rovna, để ba cháu nhìn mặt cháu một tí.
- Ba đến thăm mình đấy, - bà Êlizvêta Pet’rovna vừa nựng vừa bế trong nôi ra và mang đến một cái bọc đỏ kì dị đang giẫy giụa. - Nhưng hãy đợi mình tắm rửa xong đã nào. - Bà đỡ đặt cái bọc đỏ xuống giường, cởi tã rồi quấn lại cho đứa bé, chỉ cần dùng một ngón tay nâng lên và xoay người nó để xoa phấn. Trong khi ngắm nhìn cái sinh vật nhỏ xíu và thiểu não, Levin đã cố công vô ích để tìm kiếm trong tâm hồn những dấu hiệu nhỏ nhất của tình phụ tử. Đối với đứa bé, chàng chỉ thấy ghê ghê. Nhưng khi người ta cởi áo cho nó và đôi cánh tay gầy nhỏ hiện ra cùng hai chân nhỏ màu nghệ mà ngón cái đã phân biệt được với ngón khác, khi thấy bà Êlizvêta Pet’rovna nắm lấy hai bàn tay nhỏ xíu co quắp như lò xo mềm để bọc vào tã lót, chàng chợt thấy thương và sợ đến nỗi đã giữ tay bà ta lại, chỉ e làm nó đau.
Bà Elizaveta Petrovna bật cười:
- Đừng sợ, đừng sợ!
Mặc xong áo cho thằng bé, lúc này nom như một cái kén, bà đỡ bèn truyền nó từ tay nọ sang tay kia, hết sức hãnh diện vì việc làm của mình, và đứng né ra để Levin nhìn thấy hết vẻ đẹp của con trai.
Kitti vẫn không ngừng liếc mắt về phía ấy.
- Đưa cháu đây cho tôi! - nàng nói và định nhỏm dậy.
- Thôi nào, Ecaterina Alecxandrovna, cấm chỉ những cử động như vậy đó! Bà đợi đấy, tôi sẽ đưa cháu cho bà. Để mình còn khoe cho ba biết là mình xinh đẹp chừng nào đã chứ.
Rồi bằng một bàn tay, bà Êlizavêta, nâng cái thân hình bé nhỏ, đỏ hỏn và kì dị, với cái đầu đang lắc lư và cố thụt vào trong tã, đưa nó về phía Levin (tay kia chỉ dùng mấy ngón đỡ lấy cái gáy ngật ngưỡng của đứa bé).
- Thằng bé mới kháu làm sao! - bà đỡ nói.
Levin thở dài buồn bã. Đứa bé kháu khỉnh đó chỉ gợi cho chàng một cảm giác ghê ghê và thương hại. Nó hoàn toàn không phải như chàng chờ đợi.
Chàng quay mặt đi khi bà Elizaveta Petrovna nói, nhưng Kitti không muốn rời con. Nó đã ngủ trong tay mẹ.
Thốt nhiên, một tiếng cười làm chàng ngẩng đầu lên. Đó là tiếng Kitti cười. Thằng bé đã ngậm lấy vú mẹ.
- Thôi đủ rồi! - bà Elizaveta Petrovna nói, nhưng Kitti không muốn rời con. Nó đã ngủ trong tay mẹ.
- Bây giờ anh hãy nhìn con xem, - Kitti nói và quay đứa bé về phía Levin để chàng nhìn được rõ. Khuôn mặt nhỏ già nua càng dúm lại và thằng bé hắt hơi. Levin mỉm cười cố nén những giọt nước mắt xúc động. Chàng hôn vợ và rời khỏi căn phòng tối. Điều chàng cảm thấy đối với cái sinh linh bé nhỏ kia hoàn toàn khác với điều chàng chờ đợi. Cảm giác này không có gì thích thú, vui vẻ. Ngược lại, đó là một nỗi lo lắng mới. Giờ đây chàng thấy cả một vùng con người chàng có thể dễ dàng bị thương tổn. Và cái ý thức này lúc đầu đã giày vò chàng ghê gớm cũng như nỗi khiếp sợ phải nhìn thấy cái sinh linh cô nhược kia chịu đau đớn, hai cái đó mãnh liệt đến nỗi choán hết mọi thứ, khiến chàng không nhận ra cả niềm vui phi lí lẫn niềm kiêu hãnh đã xâm chiếm lòng chàng khi thằng bé hắt hơi.