Anna Karenina (Tập 2) - Phần 7 - Chương 08

22

Xtepan Arcaditr hết sức hoang mang vì những chuyện nghe thấy. Phần lớn thời gian, cuộc sống phức tạp ở Peterburg làm ông hứng thú sau khi thoát khỏi cảnh tù hãm ở Moxcva, nhưng ông chỉ hiểu và coi trọng sự phức tạp ấy trong những giới quen thuộc; trong cái môi trường xa lạ này, ông cảm thấy lạc hướng, chưng hửng. Trong khi nghe nữ bá tước Lidia Ivanovna đọc và cảm thấy đôi mắt khờ khạo hay giả dối (chính ông cũng không biết là thế nào nữa) của Landau dán vào mình, Xtepan Arcaditr thấy nặng đầu. Những ý nghĩ linh tinh lộn nhào trong tâm trí ông. “Maria Xanina vui sướng vì con chết... Lúc này mà được hút thuốc thì khoái biết mấy... Muốn siêu thoát, chỉ cần tín ngưỡng mà bọn giáo sĩ chẳng biết phải làm thế nào; còn nữ bá tước Lidia Ivanovna thì bà ta biết... Tại sao mình nặng đầu thế này? Vì rượu cô nhắc hay vì cái quái đản của toàn bộ chuyện này? Mình hi vọng là cho đến giờ mình chưa phạm điều gì thất thố. Nhưng chưa phải lúc nhờ bà ta giúp đỡ. Y như họ bắt mình cầu kinh ấy. Miễn là họ đừng yêu cầu mình làm thế. Thế thì lố bịch quá. Bà ta đang đọc cái chuyện dấm dớ gì đây, mà lên bổng xuống trầm véo von thế. Landau tên là Betzubov, tại sao vậy?”. Đột nhiên, Xtepan Arcaditr cảm thấy hàm dưới mình kéo xuống không cưỡng lại được. Ông ngáp. Ông vuốt râu má để che miệng và cựa mình. Nhưng lát sau, ông cảm thấy mình ngủ rồi và sắp sửa ngáy. Ông tỉnh lại đúng lúc nữ bá tước Lidia Ivanovna nói: “Ông ấy ngủ rồi”. Ông tròn xoe mắt, kinh hãi như kẻ phạm tội bị bắt quả tang. Ông bình tâm lại khi nhận thấy câu: “Ông ấy ngủ rồi” không phải chỉ vào ông mà vào Landau. Người Pháp ấy đã ngủ như Xtepan Arcaditr. Nhưng giấc ngủ của Xtepan Arcaditr, theo ông nghĩ, hẳn sẽ làm họ phật ý (vả lại ông cũng chẳng buồn nghĩ đến điều đó, vì thấy mọi sự đều quá kì lạ), còn giấc ngủ của Landau lại khiến họ vui sướng cực kì, nhất là nữ bá tước Lidia Ivanovna.

- Ông bạn của tôi, - nữ bá tước Lidia Ivanovna vừa nói vừa thận trọng sửa lại nếp áo lụa để khỏi kêu sột soạt và trong lúc phấn khởi, bà không gọi Carenin là Alecxei Alecxandrovitr nữa mà bằng ông bạn của tôi. - Đưa tay cho ông ấy. Ông thấy không? Suỵt! - bà bảo gã người hầu lại xuất hiện. - Tôi không tiếp ai hết.

Ông khách người Pháp đang ngủ hoặc giả vờ ngủ; đầu dựa trên lưng ghế bành, ông khẽ động đậy bàn tay ướt nham nháp đặt trên đầu gối như muốn bắt một vật gì. Alecxei Alecxandrovitr đứng dậy, mặc dầu rất thận trọng vẫn vướng phải bàn tròn, và đặt tay vào bàn tay người Pháp. Đến lượt Xtepan Arcaditr cũng đứng dậy và mở to mắt để chắc chắn là mình không ngủ, ông nhìn hết người này sang người khác. Ông tỉnh hẳn rồi. Xtepan Arcaditr cảm thấy bên trong đầu mình mỗi lúc một nhức hơn.

- Người đến đây sau cùng, người đang thỉnh cầu, cái người ấy... phải ra khỏi đây. - Người ấy phải ra khỏi đây, - người Pháp không mở mắt nói.

- Xin ông thứ lỗi, nhưng ông thấy đấy... Đến mười giờ, ông hẵng quay lại, mà tốt hơn là đến mai.

- Anh ta phải ra đi - người Pháp sốt ruột nhắc lại.

- Tức là tôi phải không? - và sau khi được trả lời là phải, Xtepan Arcaditr quên tiệt điều định nhờ Lidia Ivanovna, quên cả chuyện cô em, rón rén bước ra, chỉ còn mongước duy nhất là thoát khỏi chốn này càng sớm càng hay. Ông lao xuống cầu thang như chạy trốn một ngôi nhà đầy những người mắc bệnh dịch, và ba hoa, và bông lơn mãi với gã xà ích để hoàn hồn. Tại Nhà hát Pháp mà ông đến còn kịp xem hồi chót, rồi tại tiệm rượu Tacta, bên một chai sâm banh, cuối cùng Xtepan Arcaditr đã được thở hít không khí quen thuộc. Nhưng suốt buổi tối, ông vẫn thấy không thoải mái. Trở về nhà Piot’r Oblonxki, nơi tạm trú, Xtepan Arcaditr thấy một lá thư của Betxi. Bà ta tỏ ý rất muốn tiếp tục câu chuyện bỏ dở và mời ông hôm sau đến chơi. Mày cau lại, ông chưa kịp đọc xong thì đã nghe thấy dưới nhà có tiếng người bước ậm ạch như đang mang vác nặng. Xtepan Arcaditr bước ra để nhìn xem. Đó là Piot’r Oblonxki, quả đã trẻ hẳn lại. Ông say đến nỗi không lên nổi thang gác; nhưng thoáng thấy cháu, ông bèn bảo đỡ ông đứng thẳng dậy và bíu vào Xtepan Arcaditr đi về phòng ngủ; tại đây, sau khi kể với cháu tối nay mình đã vui chơi thế nào, ông lăn quay ra ngủ. Xtepan Arcaditr cảm thấy buồn nản, một điều ít khi xảy đến với ông. Hồi lâu, ông không tài nảo ngủ được. Tất cả những điều ông nhớ lại trong ngày hôm nay đều có vẻ nhơ bẩn, nhất là buổi tối ở nhà nữ bá tước Lidia Ivanovna. Hôm sau, ông nhận được thư của Alecxei Alecxandrovitr dứt khoát từ chối không li dị. Ông hiểu quyết định đó dựa trên những điều người Pháp đã nói hôm qua trong giấc ngủ thật hay vờ của y.

23

Muốn tiến hành việc gì trong gia đình, cần phải có hoặc sự bất hòa hoàn toàn hoặc sự ý hiệp tâm đồng thắm thiết giữa hai vợ chồng. Nhưng nếu không phải thế này cũng chẳng phải thế kia và quan hệ vợ chồng vẫn mập mờ, thì không thể nuôi dự định nào hết. Nhiều gia đình cứ phải ở lại hàng năm tại một nơi đã trở nên ghê tởm đối với cả hai vợ chồng chỉ vì quan hệ của họ không hoàn toàn mẫu thuẫn mà cũng chẳng thuận hòa. Cuộc sống trong nóng bức và bụi bặm ở Moxcva quả là không chịu nổi đối với cả Vronxki lẫn Anna. Nắng thiêu đốt như vào hè, mặc dầu còn đang xuân và cây cối ở các phố lớn từ lâu đã xum xuê lá và lá đã phủ đầy bụi; nhưng đáng lẽ đi Vozdvijenxcoie như đã quyết định, họ vẫn ở lại cái thành phố đã trở nên tởm lợm đối với cả hai, vì sự bất hòa đã len vào giữa họ. Nỗi bực dọc khiến họ đối lập với nhau, nhìn bề ngoài chẳng có duyên cớ gì và tất cả những lần thử phân giải không những chẳng xua tan mà còn khiến nó thêm trầm trọng. Đó là một nỗi bực dọc nội tâm, ở phía nàng thì xuất phát từ chỗ Vronxki trở nên lạnh nhạt, ở phía chàng thì do hối tiếc vì Anna mà lâm vào một tình cảnh khổ tâm mà đáng lẽ cần làm nhẹ bớt thì nàng lại chỉ làm nặng nề thêm. Cả hai đều không bộc lộ nguyên nhân hờn giận của mình, nhưng mỗi người đều thấy người kia bất công và hễ gặp dịp là cố gắng chứng minh như vậy. Theo ý Anna thì Vronxki, với những thói quen, ý nghĩ, khát vọng, xu hướng vật chất và tinh thần, vốn sinh ra chỉ để yêu đương và tình yêu đó phải tập trung hoàn toàn vào một mình nàng thôi. Tình yêu đó không còn mãnh liệt như trước: Vậy là nó đã chuyển một phần nào sang một hoặc nhiều phụ nữ khác... và vì thế, nàng đâm ghen với sự giảm sút trong tình yêu của chàng. Vì mối ghen mơ hồ nên Anna kiếm cho nó một đối tượng. Cứ thấy bất cứ lời bóng gió xa xôi nào là nàng lại chuyển lòng ghen từ đối tượng này sang đối tượng khác. Khi nàng ghen với những ả tầm thường mà với tư cách trai chưa vợ, chàng có thể tiếp xúc rất dễ dàng; khi nàng ghen với những bà quyền quý chàng có thể gặp trên bước đường hoạn lộ; khi nàng lại ghen với một cô gái tưởng tượng mà chàng định cưới sau khi cắt đứt với nàng. Và chính hình thức ghen cuối cùng này giày vò nàng hơn hết, vì trong một phút tâm sự, chàng đã dại dột phàn nàn là mẹ chàng chẳng hiểu gì chàng, chả thế mà lại đi dỗ chàng lấy tiểu thư Xorokina. Bị nỗi ghen giày vò, Anna giận chàng và lúc nào cũng kiếm cớ để tức giận. Nàng trút lên đầu chàng tất cả trách nhiệm về hoàn cảnh đau đớn của nàng. Sự chờ đợi đau lòng ở Moxcva, lẻ loi tứ cố vô thân, sự lần khân và do dự của Alecxei Alecxandrovitr, cảnh cô đơn, nàng đổ tại chàng tất cả. Nếu yêu nàng, chàng phải hiểu tình cảnh nàng thật đau xót nhường nào và phải giúp nàng thoát ra chứ! Sở dĩ nàng phải ở Moxcva mà không ở nông thôn, đó cũng là lỗi tại chàng. Chàng không thể ở hẳn nông thôn như nàng mong muốn. Chàng không thể thiếu cảnh tụ tập đàn đúm cho nên đã đặt nàng vào hoàn cảnh khủng khiếp này mà không chịu hiểu ra. Cuối cùng, nếu nàng phải xa con mãi mãi, cũng lỗi tại chàng nốt. Ngay cả những phút đằm thắm hiếm hoi trở lại với họ cũng không làm lòng nàng dịu bớt; trong âu yếm, bây giờ nàng khám phá ra một vẻ thản nhiên, tự tin, trước kia chưa từng thấy ở chàng khiến nàng khó chịu. Chiều xuống, Anna vò võ một mình đợi chàng từ một cuộc chiêu đãi thanh niên về. Anna đi bách bộ trong buồng giấy Vronxki (đó là gian phòng ít nghe thấy tiếng ồn ào ngoài phố nhất) và ôn lại mọi chi tiết cuộc cãi lộn hôm trước. Đi ngược từ những lời nói nặng với nhau trở lại ngọn nguồn, nàng nhớ ra đoạn đầu câu chuyện. Hồi lâu, nàng không thể ngờ cuộc cãi nhau lại xuất phát từ một chuyện vô hại và vô thưởng vô phạt đến thế. Tuy nhiên, đúng là như thế. Chàng mỉa mai những trường nữ trung học, coi đó là vô bổ, nàng lên tiếng bênh vực. Vốn xem thường công việc giáo dục phụ nữ, chàng bèn bảo Hanna, con bé người Anh được Anna đỡ đầu, chẳng cần học vật lí làm gì. Điều đó làm Anna bực mình. Nàng thấy trong đó có hàm ý coi khinh công việc của mình. Nàng nghĩ ra một câu trả miếng và nói luôn.

- Thật tình em không mong gì anh thông cảm, nhưng ít ra cũng hi vọng anh tế nhị hơn, - nàng nói. Chàng chạnh lòng đỏ mặt lên và thốt ra một câu khó nghe. Nàng không nhớ mình đã đáp lại thế nào, nhưng sau đó chàng bảo, rõ ràng với dụng ý xúc phạm nàng:

- Thật đấy, việc cô mê con bé ấy làm tôi khó chịu. Tôi thấy đó chỉ là giả tạo.

Việc chàng phũ phàng phá vỡ cái thế giới nàng đã tốn bao công phu xây dựng nên quanh mình để chịu đựng cuộc sống, sự bất công khi mắng nàng là giả dối, khiến nàng nổi giận.

- Tôi rất tiếc anh chỉ hiểu được những vấn đề thô tục và vật chất thôi, - nàng nói và rời khỏi phòng.

Buổi tối, khi chàng đến buồng nàng, họ không nhắc đến chuyện đó, nhưng cả hai đều cảm thấy xung đột vẫn chưa qua, tuy đã dịu đi.

Suốt ngày hôm nay, chàng đi vắng, và nàng cảm thấy cô đơn, buồn khổ về cảnh bất hòa đến nỗi nàng ao ước quên hết, tha thứ hết và làm lành với chàng. Nàng muốn nhận lỗi hết và tìm cớ bào chữa cho Vronxki. “Đó là lỗi tại mình. Mình dễ cáu, ghen tuông vô lí... Chúng mình sẽ dàn hòa rồi về nông thôn; ở đó mình sẽ thanh thản hơn”, nàng tự nhủ.

“Giả tạo?” Nàng nhắc lại, đột nhiên nhớ tới câu nói ấy và nhất là cái dụng ý xỉ vả thoáng lộ ra trong đó.

“Mình biết anh ta định nói gì rồi. Anh ta muốn nói: yêu con người khác trong khi chính con gái mình lại không yêu, đó là điều không hợp lẽ tự nhiên. Nhưng liệu anh ta hiểu gì về tình thương yêu đối với trẻ thơ, về lòng mình yêu thương Xerioja mà mình đã phải hi sinh vì anh ta? Anh ta nói thế là để lăng nhục mình! Phải, anh ta đã yêu người khác rồi, chắc chắn thế.”

Và, nhận thấy đáng lẽ cần bình tâm thì một lần nữa nàng lại giam mình vào cái vòng luẩn quẩn đã trải qua bao lần và trở về trạng thái bực dọc ban đầu, nàng đâm sợ chính mình. Phải chăng là vô kế khả thi? Liệu có thể nhận lỗi về mình được không? Nàng tự hỏi và lại tiếp tục tất cả từ đầu. Chàng thẳng thắn, trung thực, chàng yêu mình. Mình yêu chàng. Nay mai, việc li hôn có thể được tuyên bố. Vậy mình còn cần gì hơn nữa? Hãy bình tĩnh, hãy tin tưởng. Mình sẽ nhận hết lỗi về mình. Khi chàng về, mình sẽ bảo là mình có lỗi (tuy không đúng như thế) và ta sẽ đi khỏi đây.”

Và muốn tránh suy nghĩ để khỏi phải bất bình lần nữa; nàng giật chuông sai mang hòm xiểng tới.

Vronxki về đến nhà vào khoảng mười giờ.

24

- Thế nào, vui không anh? - nàng hỏi và ra đón chàng, vẻ vừa trìu mến vừa hối lỗi.

- Cũng như mọi khi, - chàng trả lời và thoạt nhìn đã biết nàng đang vui vẻ. Bây giờ, chàng đã quen với những tâm trạng đột biến đó và lúc này, chàng rất hài lòng vì chính mình cũng đang hết sức phấn chấn.

- Cái gì thế này? Ờ tốt đấy! - chàng chỉ đống hòm trong phòng chờ, nói.

- Vâng, ta phải đi thôi. Em vừa mới lên xe đi chơi một vòng, thấy dễ chịu đến nỗi chợt nảy ra ý muốn trở về nông thôn. Không có gì giữ anh lại cả, phải không?

- Anh cũng chỉ mong có thế. Để anh đi thay quần áo rồi anh quay vào, ta sẽ nói chuyện. Em bảo pha trà đi. - Và chàng vào phòng riêng. Nàng thấy bực mình vì câu “ờ tốt đấy”. Y như nói với một đứa con nít thôi không vòi vĩnh nữa. Và cái giọng tự tin của chàng trước thái độ nhún nhịn của Anna càng đáng phẫn nộ hơn; trong một thoáng, nàng nổi lên ý muốn đấu tranh, nhưng dẹp đi được và niềm nở tiếp Vronxki.

Bằng lời lẽ chuẩn bị sẵn, nàng kể chuyện hôm đó cho chàng nghe và nêu ra dự định về nông thôn.

- Anh biết không, ý nghĩ đó nảy ra gần như là một cảm hứng vậy, - nàng nói. Làm sao cứ phải ở đây để đợi li dị? Ta vẫn có thể ở nông thôn như thường. Em không chờ được nữa. Em không hi vọng, cũng không muốn nghe nói tới chuyện li dị nữa. Em đã quyết định là tất cả cái đó từ nay sẽ không ảnh hưởng gì đến đời em. Anh đồng ý như thế không?

- Ồ, có chứ! - chàng nói, lo lắng nhìn khuôn mặt xúc động của nàng.

- Các anh đã làm gì? Có những ai đến? - nàng hỏi sau một lúc im lặng. Vronxki kể tên các quan khách.

- Tiệc sang lắm, sau đó bơi thuyền và mọi chuyện đều khá thú vị, nhưng ở Moxcva, cái gì cũng dính chút lố bịch. Tự dưng một bà, giáo sư dạy bơi của hoàng hậu Thụy Điển, nhảy ra thi thố tài năng.

- Thế nào? Bà ta bơi trước mặt anh à? - Anna cau mày hỏi.

- Ừ, trong một bộ đồ bơi màu đỏ! Thế nhưng bà ta già và xấu kinh. Thế nào, bao giờ ta lên đường?

- Thật lố lăng làm sao! Vậy cách bơi bà ta có gì đặc biệt? - Anna nói, không trả lời vào câu hỏi.

- Chẳng có quái gì. Anh đã nói với em cái trò đó hoàn toàn kệch cỡm mà. Em định bao giờ đi? - Anna lắc đầu như muốn xua đuổi một ý nghĩ khó chịu.

- Bao giờ ấy à? Càng sớm càng tốt. Ngày mai thì chưa chuẩn bị xong. Phải tới ngày kia.

- Được... à không, khoan đã. Ngày kia là chủ nhật, anh còn phải lại đằng mẹ, - Vronxki nói. Chàng đâm lúng túng vì vừa nhắc đến tên mẹ, chàng liền cảm thấy nàng nhìn mình ngờ vực và da diết. Vẻ bối rối ấy càng làm Anna sinh nghi. Mặt đỏ dừ, nàng rời khỏi chàng. Giờ đây, nàng không nghĩ tới bà giáo dạy bơi của hoàng hậu Thụy Điển nữa mà nghĩ tới tiểu thư Xorokina đang ở thăm bá tước phu nhân Vronxkaia trong một dinh cơ gần Moxcva.

- Mai anh tới đó cũng được chứ sao, - nàng nói.

- Không. Ngày mai thì mẹ chưa sẵn tiền và giấy ủy quyền đưa cho anh, - chàng đáp.

- Được, nếu thế ta không đi đâu hết.

- Tại sao vậy?

- Nếu muộn hơn em sẽ không đi. Hoặc đi thứ hai, hoặc không bao giờ!

- Nhưng tại sao lại như vậy? - Vronxki kinh ngạc nói. - Thật là vô nghĩa lí!

- Vô nghĩa lí đối với anh vì anh không quan tâm gì đến em. Anh không muốn hiểu cuộc đời em là gì. Ở đây có một người duy nhất làm em vui thú, đó là Hanna, nhưng anh cho đó là thói giả dối. Hôm qua anh bảo là em không yêu con gái mà chỉ vờ vĩnh yêu cái con bé người Anh; em muốn biết ở đây em phải sống thế nào mới gọi là tự nhiên được.

Trong khoảng khắc, nàng trấn tĩnh lại và đâm sợ là đã đi ngược lại ý định lúc đầu. Nhưng dù biết thế là tự hại mình, nàng vẫn không nhịn được, không thể dằn lòng không vạch cho chàng biết lỗi, nàng không thể cam tâm khuất phục chàng nữa.

- Anh không hề nói thế bao giờ anh chỉ nói anh không hiểu nổi tình thương yêu đột ngột ấy thôi.

- Tại sao anh lại nói dối, anh vốn tự khoe là ngay thẳng lắm kia mà?

- Anh không hề khoe khoang và cũng không nói dối bao giờ, - chàng nói, giọng bặt đi, cố nén cơn nóng giận đang bốc lên. - Rất đáng tiếc là em không tôn trọng...

- Người ta bịa ra sự tôn trọng để che giấu tình yêu... Nếu anh không yêu em nữa, thì cứ nói thẳng ra thế còn thật thà hơn.

- Không, thế này thì không thể chịu được nữa! - Vronxki kêu lên và đứng dậy. Chàng tới trước mặt nàng và nói dằn từng tiếng:

- Tại sao em lại cứ thử thách lòng kiên nhẫn của anh? Sự kiên nhẫn cũng có hạn thôi.

Chàng thốt ra với cái vẻ như định nói thêm điều gì nữa nhưng đã kìm lại.

- Anh nói vậy nghĩa là thế nào? - nàng thét lên và sợ hãi nhìn vẻ căm thù lộ rõ trên khắp mặt chàng, đặc biệt trong cặp mắt dữ tợn và đe dọa.

- Tôi muốn nói... - chàng mở đầu, nhưng ngừng lại. - Tôi cần hỏi cô muốn gì tôi.

- Tôi muốn gì à? Tôi muốn anh đừng bỏ tôi như anh đã rắp tâm thế, - nàng nói, vạch nốt cái ý Vronxki không nói ra. - Nhưng giờ tôi cũng không muốn như vậy nữa đâu, chuyện ấy là phụ rồi. Tôi muốn được yêu và tôi không còn được yêu nữa. Thế là hết cả rồi. - Nàng đi ra cửa.

- Không! Khoan đã! - Vronxki vừa nói vừa giữ lấy tay nàng, trán vẫn hằn lên một lớp nhăn nghiêm khắc. - Thế là thế nào? Anh nói ta phải hoãn cuộc hành trình lại ba ngày, thế mà em trả lời là anh nói dối, anh không thật thà.

- Phải, và em xin nhắc lại: một người đã buông lời trách em vì nỗi đã hi sinh tất cả (nàng ám chỉ một chuyện cãi lộn trước) - người ấy còn tệ dưới mức không thực thà: đó là người không có tâm hồn.

- Anh chỉ kiên nhẫn được đến thế là cùng! - chàng kêu lên và buông ngay tay Anna ra.

“Chàng căm ghét mình, hiển nhiên là thế”, nàng nghĩ thầm và chẳng nói chẳng rằng, cũng không quay đầu lại, nàng loạng choạng bước ra khỏi phòng, “Chàng đã yêu người khác, điều đó lại càng hiển nhiên hơn, nàng tự nhủ khi bước vào phòng mình. Mình muốn được yêu, nhưng không được yêu nữa. Thế là hết cả rồi, nàng nhắc lại. Phải chấm dứt thôi.”

“Nhưng bằng cách nào?”, nàng tự hỏi và ngồi xuống chiếc ghế bành đặt trước gương.

Nàng tự hỏi mình đi đâu bây giờ: đến nhà bà cô đã nuôi nàng, đến nhà Doli, hay đi quách ra nước ngoài? Lúc này chàng đang làm gì, một mình trong phòng làm việc? Cuộc cãi lộn này đã là quyết định chưa hay vẫn còn dàn hòa được? Bạn bè cũ ở Peterburg sẽ nói gì về nàng? Alecxei Alecxandrovitr sẽ đón tin này như thế nào? Cắt đứt thì sẽ ra sao? Nhiều ý nghĩ khác ùa đến, nhưng nàng không chỉ triền miên trong đó. Tận đáy lòng, còn ẩn náu một ý nghĩ mơ hồ là điều duy nhất khiến nàng quan tâm, mặc dầu vẫn chưa ý thức được thật rõ ràng đó là gì. Một lần chót, nghĩ tới Alecxei Alecxandrovitr, nàng nhớ lại thời gian lâm bệnh sau khi đẻ cùng cái cảm giác thường xuyên ám ảnh nàng dạo ấy. “Tại sao mình không chết đi?” Dạo ấy nàng vẫn nói và cảm thấy như vậy. Và thốt nhiên nàng hiểu ra cái gì đang nằm ở đáy lòng mình. Phải, chỉ cần thế là đủ giải quyết mọi chuyện. “Chết!”... “Nỗi tủi hổ và ô nhục của Alecxei Alecxandrovitr, của Xergei, nỗi tủi hổ của chính mình, tất cả những cái đó sẽ được xóa hết bằng cái chết. Nếu mình chết, chàng sẽ hối hận, thương khóc mình, yêu mình, đau khổ vì mình”. Nàng ngồi mãi trong ghế bành với nụ cười thương thân và hết tháo ra lại đeo vào những chiếc nhẫn bên tay trái, trong khi thử hình dung dưới nhiều vẻ khác nhau những tình cảm chàng sẽ trải qua sau khi nàng đã chết.

Có tiếng chân lại gần, tiếng chân chàng, khiến nàng chú ý. Nàng vờ cất nhẫn vào hộp và không buồn quay lại. Chàng lại gần và cầm lấy tay nàng, dịu dàng nói:

- Anna, nếu em muốn thì ngày kia ta sẽ đi. Anh bằng lòng tất cả. - Nàng lặng im không nói.

- Thế nào em? - chàng hỏi.

- Anh muốn làm gì tùy anh, - nàng đáp và ngay lúc đó, không cầm lòng được nữa, òa lên khóc nức nở.

- Anh bỏ em đi, anh bỏ em đi! - nàng thầm thì trong tiếng khóc. - Ngày mai, em sẽ ra đi... Em sẽ còn làm hơn thế nữa. Em chỉ là con đàn bà bỏ đi, một hòn đá buộc vào cổ anh. Em không muốn làm khổ anh, em không muốn thế nữa đâu! Em sẽ trả lại tự do cho anh. Anh không yêu em nữa, anh yêu người khác rồi!

Vronxki van xin nàng hãy nguôi đi và cả quyết rằng nỗi ghen của nàng không có chút cơ sở nào hết, rằng chàng chưa bao giờ hết yêu và sẽ không bao giờ hết yêu nàng, rằng giờ đây chàng càng yêu nàng hơn trước.

- Anna, tại sao chúng ta cứ giày vò lẫn nhau? - chàng vừa nói vừa hôn tay nàng. Mặt chàng giờ đây dịu dàng và Anna tưởng như nghe tiếng chàng run lên, cảm thấy nước mắt chàng ướt đẫm tay mình. Đột nhiên, nỗi ghen chuyển thành tình yêu thương say đắm, tuyệt vọng: nàng quàng tay ôm lấy chàng và hôn khắp lên mặt, lên cổ, lên tay chàng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3