11. Thưa Ông Chủ Nhiệm (Hết)
Thưa Ông Chủ Nhiệm
Thưa ông Chủ nhiệm!
Mọi việc bây giờ đều tuỳ thuộc nơi ông cả, tuỳ nơi ông mà những lời thú nhận tôi đang đau đớn thốt ra đây sẽ cứu thoát tôi hay sẽ dìm tôi xuống bùn để làm cho tôi mất hết tiếng tăm và không ngoi lên được nữa.
Câu chuyện rất dài và tôi cũng không hiểu tôi đã làm thế nào để giữ bí mật cho đến hôm nay. Gia đình tôi, bạn bè tôi, đồng nghiệp tôi chưa bao giờ có một mảy may nghi ngờ nào cả.
Nhưng ta phải đi ngược thời gian, ít ra cũng quãng ba mươi năm về trước. Dạo ấy tôi chỉ là một ký giả săn tin tầm thường của tờ báo mà hiện ông đang điều khiển. Tôi làm việc chăm chỉ, siêng năng với rất nhiều thiện ý, nhưng tôi lại không có gì xuất sắc. Buổi tối, lúc tôi đưa cho người trưởng phòng tin tức những bài tường thuật ngăn ngắn của tôi về các vụ trộm, các tai nạn xe cộ, các cuộc lễ lạc thì gần như lúc nào tôi cũng xót xa trông thấy chúng bị hành hạ không chút tiếc thương. Nhiều khi cả một câu bị xóa đi hoặc viết lại, những chỗ bị sửa chữa, những đoạn bị ngắt đi, những phần bị thêm vào, những chữ bị đổi thay đủ loại. Tuy là đau khổ đấy, nhưng tôi cũng biết là người trưởng phòng tin không có ác ý gì khi làm thế. Mà trái lại. Vì thật ra trước kia cũng như bây giờ tôi không viết được một cái gì cho ra hồn cả. Người ta mà không tống cổ tôi ra khỏi tòa báo chỉ là nhờ cái tính tôi sốt sắng, chịu khó đi khắp nơi để nhặt nhạnh các tin tức, các việc xảy ra trong thành phố mà thôi.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi vẫn nuôi tham vọng làm văn. Mỗi khi một đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn tôi in được một bài báo hoặc một người đồng thời với tôi xuất bản được một quyển sách và nhất là khi tôi thấy bài báo hoặc quyển sách ấy được mọi người chào đón thì sự thèm thuồng, ghen tị lại ray rứt tâm can tôi không khác gì một chiếc kim tẩm độc.
Thỉnh thoảng tôi cũng bắt chước viết khảo luận, làm thơ, sáng tác truyện ngắn. Nhưng lần nào cũng thế, chỉ được mấy dòng là cây bút rời khỏi bàn tay. Tôi đọc lại và biết là bài của tôi không đứng vững. Thế là tôi đâm ra có những lúc chán nản, ác độc. May thay những cái ấy chỉ thoáng qua thôi. Ý định viết văn lại lắng xuống, tôi làm việc để quên, cố nghĩ đến những chuyện khác và nhìn chung, thì cuộc đời vẫn tiếp tục xuôi dòng, có thể nói là bình thản.
Cho đến một hôm, một người mà trước đây tôi chưa hề gặp, đã đến tìm tôi tại tòa báo. Hắn ta khoảng bốn mươi, vóc dáng thấp bé nhưng đẫy đà, mặt mũi khật khừ, ngái ngủ. Giá không được cái dễ dãi, xuề xoà, nhún nhường để bù lại thì có lẽ hắn ta sẽ là một người không ngửi được. Nét nổi bật hơn cả ở hắn là tính nhún nhường. Hắn bảo tôi tên hắn là Ileano Bissat, ngụ ở tỉnh Trente và là chú ruột của một trong những bạn học cũ của tôi. Hắn có vợ, có hai con. Trước kia hắn làm nghề giữ kho hàng nhưng vì ốm nên bị mất việc và bây giờ thì không còn biết xoay sở làm sao để cho có một ít tiền.
Tôi hỏi:
- Như thế thì tôi giúp bác được gì?
Hắn thu mình lại thật nhỏ và đáp:
- Tôi đã nghĩ như thế này, xin nói để ông xét cho. Tôi vốn có cái thói xấu hay viết lách, tôi viết truyện dài, truyện ngắn... Thằng Henri (tức anh bạn cũ của tôi) đã đọc qua, nó cho là không tệ lắm nên khuyên tôi đi tìm ông. Ông làm việc trong một tòa báo lớn, ông quen biết nhiều, có hậu thuẫn, có thế lực... như thế chắc ông có thể?...
- Tôi ấy à? Trời ơi, bác có biết đâu tôi chỉ là một người thừa, có hay không có tôi cũng chả ai cần biết. Hơn nữa tờ báo không đăng những tác phẩm văn chương không mang chữ ký của những nhà văn nổi tiếng.
- Nhưng ông...
- Tôi không phải là nhà văn. Tôi chỉ là một ký giả quèn. Sao bác lại có lối đùa như thế được?
Trong lúc tôi nói câu này thì con ma văn chương ở trong tôi có vẻ thất vọng, châm cho tôi một cái làm tôi đau nhói ở mạn sườn.
Riêng lão kia thì lại mỉm cười khó hiểu:
- Nhưng ông, có lẽ ông vẫn thích ký tên ông dưới những tác phẩm văn chương!
- Cái ấy thì đã hẳn. Nhưng tôi thì tác phẩm đâu!
- Ồ, ông Buzzati ạ, ông chớ nên đánh giá ông quá thấp như thế. Ông còn trẻ, tương lai ông còn dài. Rồi ông sẽ thấy. Nhưng ông đang bận, tôi thật đã quấy rầy ông, tôi hãy xin kiếu đã. À, mà ông cho phép tôi được để lại đây mấy cái truyện vớ vẩn này. Nếu có bao giờ ông được rỗi quãng nửa tiếng đồng hồ thì xin ông thử đảo mắt nhìn qua cho. Bằng như không rỗi thì thôi, cũng chẳng sao, ông nhé!
- Nhưng tôi xin nói với bác lần nữa là tôi không thể giúp gì được cả. Không phải là tôi thiếu thiện chí đâu.
- Biết đâu đấy? Biết đâu đấy? (Hắn đã ra đến cửa và cúi xuống thật thấp để chào tôi). Nhiều khi chỉ cần một sự tình cờ... Xin ông cứ đọc thử xem. Có thể là sẽ không phí thì giờ của ông đâu, ông ạ!
***
Thế là hắn để lại trên bàn giấy của tôi một chồng bản thảo kếch sù. Tôi sẽ đọc ư? Xin chớ có ai tưởng thế mà lầm. Tôi mang về nhà, quẳng lên một chiếc tủ thấp giữa những đống sách và những mớ giấy tờ linh tinh khác và bỏ mặc như thế khoảng gần hai tháng.
Tôi quên hẳn, không nghĩ đến nữa. Cho đến một buổi tối, thao thức mãi không ngủ được, tôi bỗng nảy ý định viết thử một cái truyện xem sao. Thật ra thì lúc ấy tôi không có lấy một ý nào trong óc, nhưng tham vọng làm văn thì bao giờ nó cũng kèm sát bên tôi.
Không còn một tờ giấy nào trong cái ngăn kéo mà tôi vẫn để giấy. Tôi nhớ là trên chiếc tủ thấp, giữa các đống sách hình như vẫn có một quyển vở cũ chỉ mới dùng có mấy trang. Tôi bèn lục lọi để tìm và làm đổ một chồng giấy tờ tung tóe ra trên sàn gác.
Sự tình cờ chăng? Trong lúc tôi cúi nhặt, mắt tôi bỗng nhìn thấy một tờ giấy đánh máy từ trong một chiếc bìa cứng rơi ra. Tôi đọc một dòng, hai dòng, tôi ngừng lại ngạc nhiên, rồi đọc hết. Tôi tìm tờ tiếp theo và lại đọc. Rồi tôi đọc nốt các tờ khác. Đó là một cái truyện của lão Bissat.
Lúc bấy giờ, tôi cảm thấy ghen tức lạ lùng, một sự ghen tức mà mãi đến bây giờ, sau ba mươi năm, vẫn không dịu xuống. Trời ơi, sao lại có thể như thế được? Một cái truyện vừa lạ, vừa mới, vừa hay. Có thể là nó không hay quá, cũng có thể là nó không hay gì cả, mà trái lại, dở cũng nên. Nhưng nó lại giống hệt từng chữ một với cái truyện mà tôi vẫn ao ước viết, đọc nó tôi có cảm giác nhìn thấy tôi trong đó. Nó giống tôi quá lắm. Đúng là những cái mà tôi đã định viết ra, nhưng vô phúc thay tôi lại không có đủ tài để viết. Những khung cảnh của tôi, những sở thích của tôi, lòng căm phẫn của tôi. Tôi thích cái truyện đến tưởng chừng có thể chết ngay đi được.
Thán phục? Không. Tôi điên lên thì có: điên lên vì trông thấy có kẻ thực hiện những cái mà tôi, ngay từ nhỏ, tôi đã ước mơ thực hiện mà không được. Thật là một sự trùng hợp lạ lùng! Và kẻ đáng ghét ấy, bằng cách cho in tác phẩm, lại còn sẽ "cắt cỏ ngay dưới chân tôi" nữa. Hắn sẽ là người đầu tiên được bước chân vào cái địa hạt huyền bí nơi tôi vẫn giữ ảo vọng mở một con đường mới. Như thế thì bây giờ, giả dụ tôi có viết được một cái gì hay ho chăng nữa, mọi người cũng sẽ không tin, sẽ xem tôi là một tên ăn cắp văn, một kẻ không lương thiện.
Bissat không để lại địa chỉ nên tôi không biết tìm hắn ở đâu. Đành phải đợi hắn tự đến một mình. Nhưng nếu gặp lại hắn, tôi sẽ nói cho hắn biết tôi.
Mãi đến tháng sau, tôi mới thấy hắn trở lại và lần này thì còn lễ phép và nhũn nhặn hơn lần đầu tiên gấp bội.
- Ông đã đọc chưa ạ?
Tôi đáp:
- Đã đọc rồi.
Rồi tôi do dự không biết có nên nói thật với hắn hay không?
- Thế ông có cảm tưởng ra sao?
- Chà!... Cũng khá. Nhưng báo tôi lại không đăng.
- Vì tôi là một kẻ không tên tuổi?
- Chính thế.
Hắn nghĩ ngợi một lúc rồi nói:
- Xin ông cứ thành thật cho tôi được biết. Những cái ấy, nếu là của ông viết ra thay vì là của tôi, thì không biết chúng tôi có tí hy vọng nào được đăng hay không ông nhỉ? Ông là một biên tập viên, ông là người trong tòa báo.
- Ôi chao, tôi cũng không biết được. Đành rằng ông chủ nhiệm là người có tư tưởng rộng và khá can đảm.
Nét mặt nhợt nhạt như xác chết của Bissat sáng rực hẳn lên:
- Như thế tại sao ta không thử xem sao?
- Thử gì?
- Ông ạ! Tôi xin nói thật với ông. Hiện nay tôi chỉ cần tiền. Tôi không có tham vọng gì xa xôi cả. Viết văn đối với tôi chỉ là một cách tiêu khiển cho qua thì giờ. Tôi nói thế để ông thấy rằng nếu được ông sẵn lòng giúp, tôi xin nhường tất cho ông.
- Thế nghĩa là thế nào?
- Nghĩa là tôi nhường cả cho ông chứ sao? Của ông cả đấy. Ông muốn dùng vào việc gì thì dùng. Tôi viết, nhưng ông thì là tác giả. Ông còn trẻ mà tôi thì già rồi, tôi hơn ông đến những hai mươi tuổi. Ở đời không ai thích "lăng-xê" những người già. Trái lại, những tác giả trẻ vừa bước vào nghề thì lại được giới phê bình chú ý đến hơn. Rồi ông sẽ thấy. Hợp tác với nhau, chúng ta nhất định thành công.
- Nhưng như thế là lường gạt, là lợi dụng bác rồi thôi.
- Sao lại gọi là lợi dụng? Ông trả tiền sòng phẳng. Tôi nhờ ông để bán được món hàng. Cái nhãn hiệu, ông có thay đổi, tôi cũng chẳng cần. Vả lại như thế lại càng tiện cho tôi. Cái quan trọng là những gì mà tôi viết ra được ông chiếu cố đến.
- Vô lý. Không thể được. Bác có biết thế là nguy cho tôi không? Nếu lỡ ra công việc bị bại lộ thì sao? Và khi các bản thảo của bác đã được đăng hết cả rồi, khi trong tay tôi chẳng còn cái truyện nào, khi ấy tôi mới xoay xở sao đây?
- Dĩ nhiên là tôi sẽ ở cạnh ông để cung cấp đều đều cho ông những khi ông cần đến, ông nhìn thẳng vào mặt tôi xem. Tôi có vẻ gì là thằng phản bội ông hay không chứ? Ông sợ thế có phải không? Khổ cho cái thân tôi!
- Nhưng ngộ bác đau ốm đột ngột thì sao?
- Thì ông cũng sẽ đau ốm như tôi suốt trong thời gian ấy.
- Thế những lúc tờ báo sai tôi đi ra ngoại quốc làm phóng sự?
- Tôi sẽ cùng đi với ông.
- Đi bằng tiền của tôi à?
- Ồ... hẳn phải thế. Chả lẽ... Nhưng tính tôi dễ lắm, ông không lo. Tôi sẽ không quấy rầy gì ông đâu.
***
Chúng tôi bàn cãi rất lâu. Cuối cùng là một bản giao kèo phó thác số phận của tôi trong tay một người lạ khiến tôi có thể trở thành nạn nhân của những vụ "săng-ta" bỉ ổi hoặc tiêu tan tất cả tiếng tăm. Nhưng lúc ấy tôi đã bị cám dỗ quá mất rồi, tác phẩm của lão Bissat hay tuyệt làm sao và cái danh vọng thì nó cứ chập chờn, chập chờn... làm tôi lóe mắt.
Các điều khoản của bản giao kèo cũng giản dị. Bissat cam kết: thứ nhất sẽ viết cho tôi bất cứ những gì mà tôi muốn và sẽ đề tên tôi là tác giả; thứ hai sẽ đi theo tôi và giúp đỡ tôi những lúc tôi xê dịch và làm phóng sự cho tờ báo; thứ ba sẽ tuyệt đối giữ kín chuyện này và thứ tư sẽ không viết gì cho chính mình hoặc cho một người thứ ba. Phần tôi, tôi sẽ đưa cho hắn tám mươi phần trăm số tiền thu hoạch. Và mọi việc đã diễn ra như thế.
Tôi xin vào gặp ông chủ nhiệm và yêu cầu ông đọc thử một cái truyện của tôi. Ông nhìn tôi một cách soi mói lạ lùng, nheo mắt lại và cho tập giấy vào ngăn kéo. Tôi vội rút lui có trật tự vì tôi đã cũng trù liệu là mình sẽ được tiếp đón như thế nào rồi. Chờ đợi một cái gì khác hơn, có họa chăng là ngốc. Nhưng cái truyện (của lão Bissat) hay lắm. Tôi có tin tưởng tràn trề.
Bốn hôm sau nó xuất hiện ở trang ba, giữa sự ngạc nhiên của tôi và của các đồng nghiệp. Thật là một sự kiện làm chấn động mọi người. Thật là một sự kiện làm chấn động mọi người. Nhưng có một điều mà không ai ngờ được là thay vì hổ thẹn và hối hận thì tôi lại đâm ra thích. Tôi say sưa vì các lời tán tụng làm như thật sự tôi rất xứng đáng được mọi người tán tụng. Và dần dần tôi lại còn tự bảo tôi là chính tôi chứ không ai khác đã viết cái truyện ấy.
Tiếp theo là nhiều truyện khác và sau rốt là một quyển tiểu thuyết hay tuyệt trần đời. Tôi trở thành một hiện tượng lạ trong văn giới. Người ta chụp ảnh tôi, người ta phỏng vấn tôi. Lúc ấy tôi mới nhận ra là tôi lại còn có những khả năng nói dối và những đòi hỏi mà trước đến nay tôi vẫn không ngờ.
Về phía Bissat, hắn giữ rất đúng các điều khoản giao kèo. Khi lô truyện ngắn đầu tiên đã tiêu thụ hết thì hắn liền viết cho tôi những truyện khác hay như nhau, không kém gì các truyện trước. Hắn yên lặng ở trong bóng tối như lời đã hứa. Xung quanh tôi người ta dị nghị, nhưng về sau những sự ngờ vực cũng lần lượt tan đi. Tôi đâm ra nổi tiếng. Tôi dời bỏ mục tin tức, thành một nhà văn viết "trang ba" và bắt đầu kiếm được rất nhiều tiền. Trong thời gian ấy Bissat sinh thêm ba đứa con, xây một ngôi biệt thự cạnh bờ biển và tậu một chiếc xe hơi.
Hắn vẫn lễ phép, vẫn nhũn nhặn như trước. Hắn không bao giờ nhắc đến, dù là bằng những lời bóng gió, cái danh vọng mà nhờ hắn tôi đã được hưởng. Nhưng lúc nào hắn cũng cần tiền và hắn bòn rút tôi đến tận xương tủy.
Số tiền nhuận bút trả cho tôi tờ báo luôn luôn giữ bí mật, nhưng trong các xí nghiệp to vẫn có những chuyện, mà vì vô tâm, đã bị lộ đến tai người ngoài. Không nhiều thì ít, ai cũng biết là cứ đến mỗi cuối tháng tôi được lĩnh một đống giấy bạc to bằng cái núi. Và mọi người không hiểu tại sao tôi lại chưa đi chơi bằng xe Maserati, không có những cô tình nhân trẻ đeo đầy kim cương và mặc áo choàng lông cáo, không có du thuyền, không có chuồng ngựa đua. Những bạc triệu ấy, tôi đã làm gì? Lạ thật! Do đó mà có tiếng đồn đãi rằng tôi là vua hà tiện. Tôi cố gắng giải thích mãi mà vẫn chưa xuôi.
Đại khái câu chuyện là thế. Và bây giờ, thưa ông chủ nhiệm, tôi xin đi thẳng đến vấn đề. Bissat đã cam đoan với tôi rằng hắn không màng đến danh vọng, và tôi tin là đúng. Mối nguy không đến với tôi từ đó, mà là đến từ cái sự lúc nào Bissat hắn cũng cần tiền; hắn cần và gia đình của các con hắn cũng cần. Hắn là một cái giếng không đáy. Tám mươi phần trăm số tiền nhuận bút của tôi không đủ cho hắn nữa. Hắn làm tôi phải nợ nần lung tung ra vì hắn. Nhưng lúc nào hắn cũng nhỏ nhẹ, xuề xòa, khiêm tốn đến cái độ làm tôi lợm giọng.
Cách đây hai tuần lễ, giữa hắn và tôi đã xảy ra một vụ bất đồng ý kiến sau gần ba mươi năm cùng ở trong tình trạng cộng sinh. Hắn đòi tôi phải đưa thêm cho hắn những số tiền phụ trội khổng lồ không có ghi trong bản giao kèo. Tôi từ chối. Hắn không nói gì cả, không hăm dọa mà cũng không làm ra vẻ là sắp nói toạc câu chuyện ra cho mọi người biết. Hắn chỉ ngưng, không giao hàng cho tôi nữa. Nói tóm lại là hắn đình công, hắn không viết một dòng nào cả. Từ mười lăm hôm nay độc giả không có gì của tôi để đọc.
Chính vì thế, thưa ông chủ nhiệm, mà cuối cùng tôi phải buộc lòng tiết lộ cuộc âm mưu bất chính kia và trông đợi ở tấm lòng quảng đại của ông để cầu xin ông tha thứ. Ông sẽ bỏ mặc xác tôi chăng? Ông sẽ để sự nghiệp tôi tan ra mây khói chăng? Dù sao tôi cũng là kẻ bấy lâu đã tận tụy, cố gắng bằng mọi cách, hay cũng như dở, đúng cũng như sai, để giúp cho uy tín của tờ báo mỗi ngày một tăng thêm mãi. Ông còn nhớ có những truyện của tôi đã xuất hiện như những tảng sao băng rực rỡ, phá tan sự lãnh đạm nhầy nhụa của loài người? Chúng mới đẹp làm sao! Xin ông cố hiểu tôi. Xin ông thử đề ra một giải pháp. Một sự tăng lương chẳng hạn, hai mươi hoặc ba mươi vạn một tháng. Trong khi chờ đợi khoảng hai mươi vạn cũng tạm đủ. Hoặc trong trường hợp không tăng lương được, xin ông vui lòng cho vay vậy. Một triệu. Đối với tờ báo một triệu chẳng có là bao, nhưng nó sẽ giúp tôi thoát nạn.
Trừ phi, thưa ông chủ nhiệm, ông là người hoàn toàn không giống với người mà tôi đã tưởng tượng từ trước đến nay. Trừ phi ông mừng rỡ xem đây là một dịp tốt để ông ném tôi ra cửa. Ông có biết là ngay bây giờ ông đã có quyền tống cổ tôi đi mà không phải trả một đồng thiệt hại nào không? Muốn thế ông chỉ cần mang bức thư này, không bỏ một cái dấu phẩy nào, cho đăng lên trang ba của tờ báo.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Nhưng tôi tin là không. Ông sẽ không làm thế. Mà trái lại. Cho đến bây giờ ông vẫn được tiếng là người tốt, ông không bao giờ đang tay đẩy một kẻ khốn nạn xuống vực sâu, dù cho kẻ ấy có phạm tội tầy trời chăng nữa.
Vả lại tờ báo ông không bao giờ thèm đăng những cái quái quỷ như thế này. Tôi còn biết nói sao! Vì riêng tôi, tôi viết tồi như con chó. Tôi không quen viết văn. Nghề viết văn không phải nghề của tôi. Tôi không dính dáng gì với những thiên truyện tuyệt vời mà Bissat đã cung cấp cho tôi để tôi ký tên vào rồi xưng là tác giả.
Không. Dù cho xảy ra cái sự phi lý là ông sẽ là người hung ác chỉ chực làm hại đời tôi, ông cũng sẽ không bao giờ cho đăng bức thư đốn mạt này, bức thư đã làm tôi tốn không biết bao nhiêu là nước mắt và máu. Nếu ông làm thế tờ báo sẽ bị nguy mất thôi.
Dino Buzzati
Nguyễn Minh Hoàng dịch
Hết.
Thực hiện bởi
nhóm Biên tập viên Gác Sách:
Ariko Yuta – Kaitoukiddo1412 – tuongmy
(Tìm - Chỉnh sửa – Đăng)