Atomic Habits Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ - Chương 02
CHƯƠNG 2: CÁCH THỨC CÁC THÓI QUEN HÌNH THÀNH NÊN ĐẶC TÍNH /NHÂN DẠNG CỦA BẠN (VÀ NGƯỢC LẠI)
Tại sao chúng ta lại dễ dàng lặp lại các thói quen xấu và rất khó khăn trong việc hình thành những thói quen tốt? Rất hiếm có điều nào có ảnh hưởng mạnh mẽ lên cuộc đời bạn hơn là việc cải thiện thói quen thường ngày. Nó giống như việc cũng thời gian nay năm tới bạn cũng sẽ đang làm một việc tương tự như này hơn là làm một cái gì đó khá khẩm hơn. Thường thì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì những thói quen tốt trong nhiều ngày, thậm chí ngay cả với nỗ lực chân chính và động lực nhất thời mạnh mẽ.
Thói quen giống như việc luyện tập, như thiền, ghi chép và nấu ăn kiểu gì một hay hai ngày chúng ta cũng phải làm một lần, sau rồi thành quen. Tuy nhiên một khi chúng ta đã tạo dựng được thói quen, dường như chúng sẽ gắn chặt với chúng ta mãi mãi - đặc biệt là mấy cái thói quen không mong muốn. Bất chấp những dự định tốt đẹp nhất của mình, chúng ta dường như không có cách nào phá vỡ những thói quen xấu như ăn đồ ăn nhanh, xem tivi quá nhiều, tính hay lần lữa và hút thuốc. Thay đổi thói quen là một thách thức bởi hai lí do: (1) chúng ta đang cố thay đổi sai đối tượng và (2) chúng ta cố thay đổi thói quen sai cách. Trong chương này, tôi sẽ phân tích lí do đầu tiên. Chương tiếp theo tôi sẽ phân tích lí do thứ hai. Lỗi đầu tiên của chúng ta là chúng ta đang cố thay đổi sai đối tượng. Để cho dễ hiểu những điều tôi muốn nói, hãy giả dụ rằng có ba mức thay đổi có thể xảy ra. Bạn có thể tưởng tượng chúng như những lớp vỏ củ hành tây vậy.
Lớp đầu tiên là thay đổi kết quả. Ở cấp độ này, chúng ta tập trung vào thay đổi kết quả như: giảm cân, xuất bản một cuốn sách, giành giải vô địch. Hầu hết các mục tiêu bạn đề ra có liên quan đến cấp độ này.
Lớp thứ hai là thay đổi tiến trình của bạn. Cấp độ này liên quan đến việc thay đổi các thói quen và hệ thống của bạn: áp dụng lịch tập gym mới, bày trí dọn dẹp lại bàn làm việc để có năng lượng làm việc tích cực hơn, thực hành thiền. Hầu hết các thói quen của bạn đều liên quan đến cấp độ này.
Lớp thứ ba và cũng là lớp trong cùng là thay đổi đặc tính của bạn. Cấp độ này liên quan đến việc thay đổi những niềm tin của bạn: cách nhìn nhận về thế giới bên ngoài, cách nhìn nhận về bản thân, cách bạn đánh giá bản thân và những người khác. Hầu hết các niềm tin, giả định, và thành kiến của bạn đều liên quan đến cấp độ này. Kết quả là những gì mà bạn đạt được. Tiến trình là những gì mà bạn thực hiện. Đặc tính là những niềm tin của bạn. Khi tiến hành xây dựng các thói quen lâu dài - khi tiến hành xây dựng hệ thống của những tiến bộ 1% - vấn đề không phải là cấp độ này tốt hơn hay kém hơn cấp độ kia.
Tất cả các cấp độ thay đổi đều hữu ích theo cách riêng của chúng. Vấn đề là thay đổi theo hướng nào. Rất nhiều người bắt đầu tiến trình thay đổi thói quen bằng cách tập trung vào điều họ muốn đạt được. Điều này sẽ hướng chúng ta tới những thói quen dựa trên mục tiêu. Thay vào đó việc cần làm là xây dựng những thói quen dựa trên đặc tính của mỗi người. Bằng cách tiếp cận này, chúng ta bắt đầu tập trung hướng vào con người mà chúng ta mong muốn trở thành. Hãy thử tưởng tượng hai người cùng đang cai thuốc lá. Khi họ được mời một điếu thuốc, người đầu tiên nói, "Không cảm ơn. Tôi đang cố gắng cai thuốc lá."
Câu trả lời này nghe thì có vẻ ổn, nhưng người này vẫn còn giữ niềm tin rằng họ là một người hút thuốc lá và đang cố gắng làm mọi điều để cai được thuốc. Họ hi vọng rằng hành vi của họ sẽ thay đổi trong khi vẫn tiếp tục tin như vậy. Người thứ hai từ chối và nói, "Không cảm ơn. Tôi không hút thuốc." Câu trả lời ở đây có sự khác biệt nhỏ, nhưng lời khẳng định này báo hiệu một bước chuyển trong tính cách. Hút thuốc đã trở thành quá khứ, không phải hiện tại. Họ không còn nhìn nhận bản thân như một người hút thuốc. Hầu như tất cả mọi người đều không nghĩ tới việc thay đổi đặc tính khi họ vạch ra mục tiêu cải thiện gì đó. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, "Tôi muốn có dáng người cân đối (kết quả) và nếu tôi kiên trì với chế độ ăn kiêng này, tôi sẽ có dáng người chuẩn (quá trình)."
Họ đặt ra mục tiêu và quyết định những điều họ nên làm để đạt được mục tiêu đã đề ra mà không hề cân nhắc tới những niềm tin dẫn họ tới những hành động đó. Họ không bao giờ thay đổi cách họ nhìn nhận bản thân, và họ không nhận ra rằng những cách nhìn nhận cũ có thể huỷ hoại các kế hoạch mới nhằm thay đổi của họ. Phía sau mỗi một hệ thống của các hành động là một hệ thống các niềm tin. Hệ thống của chế độ dân chủ được dựa trên các niềm tin về tự do, nguyên tắc theo đa số quyết định, và công bằng xã hội. Hệ thống của chế độ độc tài lại có một hệ thống niềm tin khác biệt như chế độ chuyên quyền và kỷ luật nghiêm khắc. Bạn có thể tưởng tượng rằng có nhiều cách để vận động nhiều người ủng hộ chế độ cộng hoà hơn nữa, nhưng thay đổi trong hành vi kiểu này sẽ không nhổ tận gốc của chế độ độc tài. Đó không phải là đặc tính chung của cả hệ thống. Việc bỏ phiếu là một hành vi không khả thi với một hệ thống các niềm tin nhất định. Khuôn mẫu tương tự cũng tồn tại ngay cả khi chúng ta đang thảo luận về các cá nhân, các tổ chức, hay cả xã hội. Tồn tại một hệ thống các niềm tin và giả định định hình nên các hệ thống, một đặc tính phía sau các thói quen.
Những hành vi không phù hợp với quan niệm bản thân thì sẽ không duy trì được lâu dài. Bạn có thể mong muốn mình có nhiều tiền hơn, nhưng nếu bạn tự định nghĩa bản thân là một người hưởng thụ nhiều hơn là làm ra tiền, và sau đó bạn sẽ tiếp tục thiên hướng tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được. Bạn có thể mong muốn có sức khoẻ tốt hơn, nhưng nếu bạn tiếp tục ưu tiên sự thoải mái hơn là hoàn thành việc cần làm, bạn sẽ chết chìm trong sự thư giãn mà lơ là việc tập luyện. Rất khó để thay đổi thói quen nếu bạn không thay đổi hệ thống niềm tin ẩn bên dưới, chính những niềm tin này khiến bạn tiếp tục lặp lại những hành vi cũ.
Bạn có một mục tiêu và kế hoạch mới, nhưng bạn lại không thay đổi chính con người mình. Câu chuyện của Brian Clark, một doanh nhân đến từ Boulder, Colorado, là một ví dụ thuyết phục. "Theo như những gì mà tôi nhớ được, tôi thường có thói quen gặm móng tay", Clark cho tôi biết. "Việc này xuất phát từ thói quen lo lắng khi tôi còn trẻ, và rồi nó biến thành một thói quen nhếch nhác ngoài mong đợi. Một ngày nọ tôi quyết tâm ngừng việc cắn móng tay cho tới khi móng tay mọc dài lên một chút. Bằng chính nỗ lực mạnh mẽ tập trung của bản thân, tôi đã thành công." Sau đó, Clark còn làm được một điều đáng kinh ngạc. "Tôi đề nghị vợ mình hẹn lịch cắt sửa móng tay lần đầu tiên trong đời cho mình," anh cho biết. "Tôi có suy nghĩ rằng nếu tôi bắt đầu chi tiền cho việc làm móng, tôi sẽ không gặm chúng nữa. Và việc làm này hiệu quả thật, nhưng không phải vì lí do tiền bạc.
Đúng là người thợ làm móng đã giúp những ngón tay của tôi trông rất thẩm mĩ sau lần làm móng đầu tiên. Người thợ làm móng cũng cho biết nếu tôi không cắn móng tay thì móng tay tôi thuộc dạng khoẻ và hấp dẫn. Đột nhiên tôi cảm thấy tự hào về những cái móng tay của mình. Và dù điều này diễn ra ngoài mong đợi nhưng nó lại làm mọi thứ khác hẳn. Kể từ đó tôi không còn gặm móng tay thêm lần nào nữa, thậm chí ngay cả trong những tình huống căng thẳng, tồi tệ. Và lý do chính là vào thời điểm hiện tại tôi rất tự hào về những cái móng tay của mình."Dạng thức cơ bản của động lực thúc đẩy bên trong là khi một thói quen trở thành một phần đặc tính của bạn. Nó giống như việc bạn nói rằng Tôi là kiểu người thích điều này.
Việc này khác với cách nói Tôi là kiểu người như vậy đấy. Bạn càng tự hào về những mặt thuộc về đặc tính của mình bao nhiêu, bạn càng có nhiều động lực để duy trì thói quen gắn liền với những mặt này bấy nhiêu. Nếu bạn tự hào về mái tóc của mình, bạn sẽ phát triển tất cả các thói quen liên quan đến việc chăm sóc mái tóc. Nếu bạn tự hào về bắp tay của mình, bạn sẽ bảo đảm rằng mình không bao giờ bỏ qua phần tập luyện cho phần thân trên.
Nếu bạn tự hào về chiếc khăn mình tự đan, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc dành vài giờ mỗi tuần cho việc đan lát. Một khi cảm thấy tự hào về một điều gì đó, bạn sẽ chiến đấu quyết liệt để duy trì các thói quen gắn liền với nó. Thay đổi hành vi thực chất là thay đổi đặc tính. Bạn có thể bắt đầu một thói quen bởi vì có động lực thúc đẩy, nhưng chỉ có duy nhất một lí do để bạn duy trì nó là khi nó trở thành một phần của đặc tính bên trong bạn. Ai cũng có thể thuyết phục bản thân đến phòng tập hoặc ăn uống lành mạnh một hoặc đôi lần, nhưng nếu bạn không thay đổi niềm tin phía sau hành vi, sẽ rất khó để duy trì trong một thời gian dài. Sự cải thiện chỉ là tạm thời cho đến khi chúng trở thành một phần của bạn.
• Mục tiêu không phải là đọc sách, mục tiêu là trở thành người đọc.
• Mục tiêu không phải là chạy marathon, mục tiêu là trở thành một vận động viên.
• Mục tiêu không phải là học cách chơi một nhạc cụ, mục tiêu là trở thành một nhạc công.
Hành vi thường là sự phản chiếu các đặc tính của bạn. Những gì bạn làm chính là dấu hiệu cho kiểu người mà bạn tin rằng bạn là - cả vô thức lẫn có ý thức. [*Các khái niệm vô thức, tiềm thức được sử dụng để miêu tả trạng thái thiếu vắng sự nhận biết, sự tỉnh táo hay suy nghĩ. Thậm chí ngay cả trong các lĩnh vực học thuật, những từ này có thể dùng hoán đổi cho nhau mà không có sự khác biệt nhiều. Vô thức là lĩnh vực mà tôi sẽ đề cập đến trong cuốn sách này bởi vì tính bao quát của nó. Nó bao trùm cả các quá trình hoạt động của tâm lý thứ mà chúng ta không bao giờ có thể tiếp cận một cách rõ ràng và những khoảnh khắc chỉ đơn giản là khi chúng ta không chú ý tới những thứ xung quanh ta. Vô thức là những điều mà bạn không tư duy được một cách rõ ràng, có ý thức].
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một khi một người tin tưởng vào một khía cạnh nhất định nào đó thuộc về đặc tính, họ thường có xu hướng hành động theo qui chuẩn của niềm tin đó. Ví dụ những người có đặc tính thiên về là "một người bỏ phiếu" thường có xu hướng bỏ phiếu bầu hơn là những người chỉ đơn giản coi việc "bỏ phiếu" như là một hành động mà họ muốn thể hiện.
Tương tự như vậy, những người đã hợp nhất được việc tập luyện với đặc tính của mình thì họ không cần phải thuyết phục bản thân luyện tập. Làm điều đúng đắn thật dễ dàng. Tóm lại khi cách hành xử và đặc tính của bạn hoàn toàn tương đồng với nhau, bạn sẽ không còn phải theo đuổi việc thay đổi hành vi nữa. Bạn chỉ đơn giản là hành động đúng như kiểu người mà bạn tin rằng bản thân mình là.
Giống như mọi khía cạnh của việc hình thành thói quen, việc này cũng là một con dao hai lưỡi. Mặt tốt của nó là khi việc thay đổi đặc tính của bạn có thể trở thành một nguồn lực to lớn trong việc cải thiện bản thân. Mặt xấu của nó là, việc thay đổi đặc tính có thể trở thành một lời nguyền rủa. Một khi bạn thích ứng được với một đặc tính, sự bám chấp của bạn vào đặc tính này sẽ dễ dàng tác động đến khả năng thay đổi của bạn.
Rất nhiều người đi hết cả cuộc đời trong trạng thái mơ màng thiếu ý thức, tuân theo một cách mù quáng các qui tắc tiêu chuẩn gắn liền với đặc tính của họ. "Tôi rất tệ trong việc xác định phương hướng." "Tôi không phải là người có thể thức dậy sớm và hoạt động vào buổi sáng." "Tôi rất tệ trong việc nhớ tên mọi người." "Tôi là người luôn luôn trễ giờ." "Tôi là một kẻ mù công nghệ." "Tôi cực kỳ dốt toán."
... Và một tá những điều kiểu như vậy nữa. Khi bạn lặp lại câu chuyện đó với bản thân mình trong nhiều năm, bạn sẽ dễ dàng bị sa vào lối mòn trong suy nghĩ và chấp nhận rằng đó là sự thật. Và đến một lúc, bạn bắt đầu từ chối những hành động nhất định bởi vì "Đó không phải là tôi". Tồn tại một áp lực nội tại nhằm duy trì hình ảnh bản thân và hành xử theo một cách nhất quán với những niềm tin của bạn.
Bạn tìm kiếm các con đường bạn có thể tránh được việc mâu thuẫn/xung đột với bản thân. Suy nghĩ và hành động gắn với đặc tính càng chặt thì càng khó thay đổi. Sẽ dễ dàng, thoải mái khi tin vào những niềm tin văn hóa (đặc tính cộng đồng) hoặc làm những gì biểu đạt được hình ảnh bản thân (đặc tính cá nhân), cho dù nó có sai đi chăng nữa. Rào cản lớn nhất đối với những thay đổi tích cực tại mọi cấp độ - cá nhân, nhóm, cộng đồng - chính là xung đột đặc tính. Các thói quen tốt có thể đem lại cảm giác đúng đắn, hợp lý nhưng nếu chúng xung đột với đặc tính của bạn, bạn sẽ thất bại trong việc biến chúng thành hành động cụ thể.
Đến một ngày nào đó bạn có lẽ sẽ phải vật lộn với những thói quen của mình bởi vì bạn quá bận rộn, hoặc quá mệt mỏi, hoặc quá phấn khích, hoặc bởi muôn vàn lí do khác. Tuy nhiên về lâu về dài lí do thực sự của việc bạn thất bại trong việc duy trì thói quen là bởi bạn đã để hình ảnh cá nhân xen vào. Đây là lí do giải thích tại sao bạn không thể gắn bó quá lâu với một phiên bản thuộc về đặc tính cá nhân. Sự tiến bộ yêu cầu việc biết buông những gì mà mình đã học được từ trước. Để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình bạn cần phải không ngừng thay đổi những niềm tin của bản thân, và nâng cấp, và mở rộng các đặc tính.
Vậy một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Nếu các niềm tin và quan điểm về thế giới của bạn có vai trò quan trọng đến như vậy đối với cách hành xử của bạn, vậy chúng hình thành đầu tiên từ đâu? Chính xác là các đặc tính của bạn được hình thành theo cách nào? Và bằng cách nào bạn làm nổi bật các khía cạnh mới thuộc về đặc tính có ích cho bạn và dần dần xóa bỏ những phần gây cản trở cho bạn?
TIẾN TRÌNH HAI BƯỚC ĐỂ THAY ĐỔI ĐẶC TÍNH CỦA BẠN
Đặc tính của bạn được thể hiện qua các thói quen. Bạn không được sinh ra với những niềm tin được định sẵn. Mỗi một niềm tin bao gồm cả những niềm tin về chính bản thân bạn được tiếp thu và điều kiện hóa thông qua kinh nghiệm [*Thực ra có một vài khía cạnh của đặc tính có xu hướng không thay đổi theo thời gian - giống như việc xác định ai cao, ai thấp vậy. Nhưng dù cho có nhiều hơn nữa những phẩm chất và đặc điểm cố định thì việc bạn nhìn nhận dưới ánh sáng tích cực hay tiêu cực đều được quyết định bởi những kinh nghiệm trong đời bạn].
Nói một cách chính xác hơn, thói quen chính là cách mà bạn thể hiện đặc tính của mình. Khi bạn gấp gọn chăn gối mỗi ngày khi rời giường, bạn thể hiện đặc tính mình là một người ngăn nắp. Khi bạn viết lách mỗi ngày, bạn thể hiện đặc tính mình là một người sáng tạo. Khi bạn tập luyện mỗi ngày, bạn thể hiện đặc tính mình là một người ưa thể thao. Bạn càng làm đi làm lại một hành vi nhiều bao nhiêu thì bạn càng củng cố thêm đặc tính gắn liền với hành vi đó nhiều bấy nhiêu. Thực tế từ đặc tính /identity khởi nguồn được ghép từ hai từ trong tiếng Latin, từ essentitas, có nghĩa là tồn tại/bản thể và từ identitem, có nghĩa là được lặp đi lặp lại.
Đặc tính của bạn theo nghĩa đen có nghĩa là "bản thể được lặp đi lặp lại." Cho dù đặc tính hiện giờ của bạn là gì, bạn chỉ tin tưởng nó bởi vì bạn có bằng chứng rõ ràng. Nếu bạn đi nhà thờ mỗi Chủ nhật trong vòng hai mươi năm, bạn có bằng chứng về việc bạn là một người theo tôn giáo. Nếu bạn học môn sinh học mỗi tối, bạn có bằng chứng về việc bạn là một người chăm chỉ. Nếu bạn tới phòng tập gym ngay cả khi trời tuyết rơi, bạn có bằng chứng về việc bạn là người yêu thích tập luyện. Càng nhiều bằng chứng liên quan tới một niềm tin, bạn càng tin vào nó mạnh mẽ hơn.
Trong suốt những năm tháng trước đây tôi chưa từng nghĩ đến việc mình có thể viết sách. Nếu bạn hỏi bất kỳ giáo viên trung học hay giáo sư đại học nào đã từng dạy tôi, bạn sẽ nhận được câu trả lời từ các thầy cô rằng về khoản viết lách tôi chỉ ở mức trung bình: chắc chắn không phải là người có tài năng nổi bật gì. Khi tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình, trong năm đầu tiên tôi đăng bài viết mới vào mỗi thứ hai và thứ năm hàng tuần. Khi các bằng chứng rõ ràng hơn thì đặc tính là một nhà văn cũng thể hiện rõ hơn. Xuất phát điểm tôi không phải là một nhà văn. Tôi trở thành nhà văn thông qua những thói quen của bản thân. Tất nhiên các thói quen không phải là những hành động duy nhất ảnh hưởng lên đặc tính của bạn, nhưng thông qua ưu điểm là sự thường xuyên chúng thường là những nhân tố có tác động quan trọng nhất.
Mỗi một trải nghiệm trong cuộc sống sẽ thay đổi hình ảnh bản thân bạn, nhưng nó không phải là việc bạn coi mình là một cầu thủ bóng đá bởi bạn sút một quả bóng hay là một họa sĩ bởi vì bạn nguệch ngoạc ra một bức tranh. Tuy nhiên, khi bạn lặp lại những hành động này, tính hiển nhiên sẽ tăng dần và hình ảnh bản thân bạn sẽ bắt đầu thay đổi. Ảnh hưởng của những trải nghiệm chỉ xảy ra một lần với mỗi người thường có xu hướng mờ nhòa dần trong khi ảnh hưởng của những thói quen lại được củng cố chắc chắn theo thời gian, điều này có ý nghĩa rằng là các thói quen của bạn đóng góp chủ yếu những chứng cứ định hình nên đặc tính của bạn
. Theo cách này, quá trình xây dựng thói quen thực chất là quá trình trở thành chính bạn. Đây là một tiến trình tiến hóa dần dần. Chúng ta không thay đổi bằng cách vỗ tay một cái và quyết định luôn chúng ta là một con người hoàn toàn mới. Chúng ta thay đổi từng chút một, ngày qua ngày, từ thói quen này sang thói quen khác. Chúng ta trải nghiệm sự thay đổi bản thân một cách liên tục không ngừng nghỉ. Mỗi thói quen là một lời gợi ý: "Này có lẽ đây là tôi đấy." Nếu bạn đọc xong một cuốn sách, có thể sau đó bạn lại trở thành kiểu người thích đọc sách. Nếu bạn tới phòng tập gym, có thể sau đó bạn lại trở thành kiểu người thích tập thể thao.
Nếu bạn tập chơi guitar, có thể bạn sẽ trở thành kiểu người thích âm nhạc. Mỗi một hành động bạn thực hiện sẽ bỏ một phiếu cho cho kiểu người mà bạn mong muốn trở thành. Không có trường hợp cá biệt đơn lẻ nào có thể thay đổi được niềm tin của bạn. Một khi những lá phiếu bầu nhiều lên thì cũng đồng nghĩa với việc tăng lên tính hiển nhiên của đặc tính mới của bạn. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao sự khác biệt đầy ý nghĩa lại không yêu cầu sự thay đổi quyết liệt. Những thói quen nhỏ bé có thể đem lại những khác biệt lớn lao bằng việc cung cấp tính hiển nhiên của một đặc tính mới. Và nếu một thay đổi có ý nghĩa thì nó thực sự lớn lao.
Đây chính là nghịch lý của việc thực hiện những cải thiện nhỏ bé. Nói một cách tổng quan, bạn có thể nhận ra rằng các thói quen chính là con đường dẫn tới sự thay đổi đặc tính của bạn. Cách thực tiễn nhất để thay đổi con người bạn chính là thay đổi những gì bạn làm.
• Mỗi một lần bạn viết xong một trang, bạn là một nhà văn. - Mỗi một lần bạn tập đàn violin, bạn là một nhạccông.
• Mỗi một lần bạn bắt đầu luyện tập, bạn là một vận động viên.
• Mỗi lần bạn khích lệ đồng nghiệp, bạn là một người lãnh đạo.
• Mỗi một thói quen không chỉ đem lại kết quả mà còn dạy cho bạn một điều còn quan trọng hơn gấp nhiều lần: hãy tin tưởng bản thân mình.
Bạn bắt đầu tin rằng bạn có thể thực sự làm tốt những việc này. Khi những lá phiếu nhiều hơn và tính hiển nhiên bắt đầu thay đổi, câu chuyện mà bạn kể với bản thân cũng bắt đầu thay đổi theo. Tất nhiên là việc này cũng sẽ vận hành theo cách ngược lại. Mỗi khi bạn lựa chọn thực hiện một thói quen xấu, đó cũng là một lá phiếu dành cho đặc tính. Tin tốt lành ở đây là bạn không cần phải là một người hoàn hảo. Trong bất kỳ cuộc bầu cử nào, sẽ có những lá phiếu dành cho cả hai phe. Bạn không cần một lá phiếu đồng thuận để dành chiến thắng trong cuộc bầu cử; bạn chỉ cần sự ủng hộ của số đông.
Cũng không có vấn đề gì nếu bạn dành một vài phiếu bầu cho một thói quen xấu hoặc một thói quen không hiệu quả. Mục tiêu của bạn đơn giản là chiếm đa số trong phần lớn thời gian.Những đặc tính mới yêu cầu những xác thực mới. Nếu bạn vẫn tiếp tục giữ những phiếu bầu như bạn vẫn luôn luôn làm, bạn sẽ chỉ có được những kết quả tương tự với những kết quả mà bạn vẫn đang có. Nếu không có gì thay đổi, thì cũng không có gì thay đổi trong tương lai.
Quá trình hai bước chỉ đơn giản như dưới đây:1. Quyết định con người mà bạn muốn trở thành.2. Chứng minh nó với chính bản thân bạn bằng những thắng lợi nhỏ.Bước đầu tiên là quyết định con người bạn muốn trở thành. Nó đúng với bất kỳ cấp độ nào - cá nhân, đội nhóm - cộng đồng - hay cả quốc gia. Bạn muốn đạt được điều gì? Những nguyên tắc và giá trị của bạn là gì? Ai là người bạn mong muốn trở thành?Đây là những câu hỏi lớn, và rất nhiều người không chắc chắn về việc phải bắt đầu từ đâu - nhưng họ biết loại kết quả nào họ mong muốn: có cơ bụng sáu múi, hoặc giảm bớt căng thẳng lo lắng, hoặc nhân đôi lương hàng tháng.
Điều này tốt thôi. Bắt đầu từ đó và bước thụt lùi dần từ những kết quả mà bạn mong muốn có được về tới kiểu người có thể đạt được những kết quả đó. Hãy hỏi bản thân câu hỏi, "Kiểu người như thế nào có thể đạt được kết quả như tôi mong muốn?". Kiểu người như thế nào có thể giảm được 40 pounds? Kiểu người như thế nào có thể học một ngoại ngữ mới? Kiểu người như thế nào có thể khởi nghiệp thành công?
Ví dụ, "Kiểu người như thế nào có thể viết được một cuốn sách?". Hiển nhiên là một người có óc nhất quán và đang tin cậy. Bây giờ bạn chuyển sự tập trung của bản thân từ việc viết ra một cuốn sách (dựa trên mục tiêu) sang kiểu người có đầu óc nhất quán và tập trung (dựa trên đặc tính). Quá trình này có thể dẫn tới những niềm tin kiểu như:
- Tôi là một người giáo viên luôn đứng về phía sinh viên của mình.
- Tôi là một vị bác sĩ luôn kiên nhẫn dành thời gian cho và sự cảm thông cho từng bệnh nhân của mình.
- Tôi là một người lãnh đạo luôn ủng hộ cấp dưới của mình.
Một khi bạn đã xác định được mẫu người mà bạn muốn trở thành, bạn có thể bắt đầu bước những bước nhỏ để củng cố đặc tính mà bạn mong ước. Một người bạn của tôi, cô ấy đã giảm được 100 pounds bằng việc tự hỏi bản thân câu hỏi, "Một người khỏe mạnh sẽ làm những gì nhỉ?" Suốt một ngày dài, cô ấy sẽ tự hỏi bản thân câu hỏi đó như một lời chỉ dẫn. Một người khỏe mạnh thì sẽ đi bộ hay gọi taxi? Một người khỏe mạnh thì sẽ gọi một cái bánh burrito hay một đĩa salad? Cô ấy đã hình dung rằng nếu cô ấy hành xử như một người khỏe mạnh trong một thời gian đủ lâu, dần dần cô ấy sẽ trở thành môt người như vậy. Cô ấy đã đúng.
Khái niệm thói quen dựa trên đặc tính là phần giới thiệu đầu tiên cho một đề tài quan trọng khác của cuốn sách này: vòng lặp phản hồi [*Từ gốc: feedback loops]. Thói quen tạo nên đặc tính, và đặc tính định hình thói quen. Đây là con đường hai chiều. Sự hình thành của tất cả các thói quen là một vòng lặp phản hồi (khái niệm này chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn trong chương tiếp theo), nhưng có một việc quan trọng ở đây là hãy để cho những giá trị, những nguyên tắc và đặc tính điều khiển vòng lặp, hơn là để cho kết quả điều khiển. Trọng tâm luôn luôn hướng về việc trở thành mẫu người mong muốn chứ không phải là đạt được một kết quả nhất định nào đó.
LÍ DO THẬT SỰ TẠI SAO THÓI QUEN LẠI QUAN TRỌNG ĐẾN VẬY[*THE REAL REASON HABITS MATTER]
Việc thay đổi đặc tính là kim chỉ nam của việc thay đổi thói quen. Những chương còn lại của cuốn sách sẽ cung cấp những hướng dẫn cụ thể từng bước một làm cách nào để xây dựng những thói quen tốt hơn cho chính bản thân bạn, cho gia đình, cho đội nhóm, cho công ty bạn và bất kì nơi nào bạn mong muốn. Nhưng ở đây câu hỏi thật sự là: "Bạn có đang trở thành mẫu người mà bạn mong muốn hay chưa?". Bước đầu tiên không phải là cái gì (what) hoặc bằng cách nào (how), mà là ai (who). Bạn cần biết mẫu người mà bạn muốn mình trở thành. Nếu không thì hành trình truy tìm sự thay đổi của bạn sẽ giống như một con thuyền mà không có bánh lái vậy. Và đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta lại bắt đầu từ đây.
Bạn có sức mạnh thay đổi niềm tin của bạn về chính bản thân mình. Đặc tính của bạn không phải được khắc vào đá đâu. Bạn có sự lựa chọn trong từng khoảnh khắc. Bạn có thể lựa chọn đặc tính mình muốn củng cố ngày hôm nay cùng với những thói quen bạn lựa chọn ngày hôm nay. Và điều này sẽ đem chúng ta đến với mục đích sâu xa hơn của cuốn sách này và lí do thật sự tại sao những thói quen lại quan trọng đến vậy.
Việc xây dựng những thói quen tốt hơn không phải là việc thắp sáng một ngày của bạn với những mẹo nhỏ. Nó cũng không phải là việc đánh răng mỗi tối, hay tắm nước lạnh mỗi sáng, hay mặc cùng một phong cách mỗi ngày. Nó không phải là việc đạt được những tiêu chuẩn của xã hội về thành công như kiếm nhiều tiền hơn, giảm cân, hoặc giảm căng thẳng. Các thói quen có thể giúp bạn đạt được toàn bộ những điều trên, nhưng về cơ bản thói quen không phải là việc có một cái gì đó. Chúng là việc trở thành một ai đó.Tổng kết lại thói quen quan trọng bởi vì chúng giúp bạn trở thành kiểu người mà bạn mơ ước. Chúng là kênh truyền dẫn mà qua đó bạn phát triền được những niềm tiềm sâu sắc nhất về bản thân. Dần dần bạn trở thành chính những thói quen của mình.
Tóm tắt chương
Có ba cấp độ thay đổi: thay đổi mục tiêu, thay đổi tiến trình, và thay đổi đặc tính.
Cách hiệu quả nhất để thay đổi những thói quen là tập trung không phải vào điều mà bạn muốn đạt được, mà vào con người mà bạn muốn trở thành.
Đặc tính của bạn sẽ dần hình thành từ những thói quen. Mỗi một hành động là một lá phiếu bầu chọn cho mẫu người mà bạn mong ước trở thành.
Để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình yêu cầu bạn phải không ngừng sửa đổi những niềm tin của bản thân, và nâng cấp và mở rộng đặc tính.
Lí do thật sự của việc tại sao thói quen lại quan trọng không phải ở việc chúng có thể đem lại cho bạn kết quả tốt hơn (mặc dù chúng có khả năng đem lại điều đó), mà ở việc chúng có thể thay đổi những niềm tin của bạn về chính bản thân mình.