Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu - Chương 21

Thanh tẩy

Trút xả cơn giận là cách hiệu quả để giảm stress và tránh việc giận cá chém thớt lên bạn bè và người thân.

Qua thời gian, xả giận sẽ làm tăng những hành vi hung hăng.

Hãy cứ xả hết ra đi.

Khi bị dồn nén bên trong, cơn giận sẽ lên men và lan rộng, âm ỉ phát triển như một khối u cho tới khi bạn đấm thủng một lỗ trên tường, hoặc dập cửa xe hơi mạnh tới nỗi vỡ hết cả kính.

Bạn không nên để những suy nghĩ đen tối dồn nén trong tim vì chúng có thể trở nên dữ dội và mạnh mẽ hơn, rồi chúng sẽ biến thành một ngọn núi lửa của những điều tiêu cực chỉ chực phun trào bất kỳ lúc nào.

Hãy đi mua một quả bóng cao su và bóp nó thật chặt. Dùng cả hai tay mà bóp chết sự sống tưởng tượng của quả bóng đó đi. Hãy đi tới phòng tập và xả giận vào bao cát. Bắn vài nhân vật trong trò chơi điện tử. Hay úp mặt vào gối mà hét thật to.

Cảm thấy đỡ hơn chưa? Chắc chắn rồi. Xả giận mang lại cảm giác thật tuyệt.

Vấn đề là ở chỗ ngoài điều đó ra thì nó chẳng mang lại gì nhiều cả. Mà thực ra, nó có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn thông qua sự mồi tiềm thức khiến hành vi của bạn trong tương lai bị ảnh hưởng.

Khái niệm về sự thanh tẩy (catharsis) đã có từ thời đại của Aristotle và những vở kịch kinh điển Hy Lạp. Bản thân từ catharsis có nguồn gốc từ kathairein trong tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa tẩy rửa, làm sạch. Aristotle đã dùng luận điểm về việc trút xả những năng lượng bị dồn nén và những luồng khí tiêu cực trong cơ thể để phản bác lại Plato – người cho rằng thi ca và nhạc kịch ảnh hưởng xấu tới người xem, bơm vào họ những thứ cảm xúc ngờ nghệch, vô dụng, và khiến họ trở nên mất cân bằng. Aristotle thì lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại; ông cho rằng bằng việc xem các nhân vật trải qua khó khăn, hay giành chiến thắng, khán giả có thể giải phóng nỗi buồn qua dòng nước mắt hay cảm nhận sự hừng hực khí thế do testosterone tạo ra. Họ có thể tự cân bằng trái tim của mình thông qua việc giải phóng và thanh tẩy những cảm xúc đó. Điều này có vẻ có lý, và đó là lý do tại sao mà nó đã đeo bám suy nghĩ của con người rất lâu trước cả thời đại của những nhà triết học lỗi lạc này.

Tìm được cách để giải tỏa ham muốn là tốt. Buồn nôn mà nôn được thì sẽ nhẹ người hơn. Nhịn mãi rồi cũng được vào nhà vệ sinh để giải quyết là một cảm giác tuyệt vời. Cho dù giải pháp là buổi trừ tà đuổi quỷ hay là viên thuốc xổ, thì bản chất của vấn đề vẫn như nhau: Giải phóng những thứ tồi tệ ra ngoài và bạn sẽ trở lại bình thường. Cân bằng những thái cực cảm xúc – hỉ, nộ, ái, ố – từ Hippocrates cho tới những tay cao bồi miền viễn Tây đều coi đó là nền móng cho những bài thuốc chữa bệnh của mình. Và cách để có được sự cân bằng ấy thường liên quan tới việc xả bớt thứ gì đó ra.

Giờ ta sẽ tua nhanh tới thời của Sigmund Freud.

Trong khoảng những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Freud là một siêu sao trong giới khoa học cũng như trong văn hóa đại chúng. Các công trình của ông có ảnh hưởng lớn tới mọi mặt, từ chính trị cho tới quảng cáo, kinh doanh và nghệ thuật. Nghiên cứu về trí não con người trong khoảng thời gian này vừa khó khăn lại vừa kỳ thú bởi cơ sở vật chất và các công cụ hỗ trợ đều rất thiếu thốn. Điều này cũng giống như việc làm nhà thiên văn từ trước khi kính viễn vọng được phát minh vậy. Những ngôi sao tâm lý học nổi lên trong thời kỳ này đạt được danh tiếng thông qua những lý thuyết phức tạp về hoạt động của tâm trí con người và nguồn gốc của những suy nghĩ. Và bởi vì vào thời điểm đó, tâm trí con người là thứ hoàn toàn không thể quan sát được, những nhà lý thuyết này đã chẳng có nhiều dữ liệu để dựa vào. Họ sử dụng triết lý và phỏng đoán cá nhân để lấp những chỗ trống đó. Nhờ Freud, lý thuyết về sự thanh tẩy và liệu pháp tâm lý đã trở thành một phần trong bộ môn tâm lý học. Theo nhận định của ông, sức khỏe tinh thần có thể được củng cố thông qua việc lọc bỏ những vẩn đục trong tâm trí với sự trợ giúp của bác sĩ trị liệu. Freud tin rằng tâm trí của bạn có thể bị đầu độc bởi những nỗi sợ và ham muốn bị kìm nén, những tranh cãi không được giải quyết, và những nỗi đau không được chữa lành. Từ đó tâm trí tạo nên chứng sợ hãi và sự ám ảnh xung quanh những mảnh tâm lý này. Bạn sẽ cần phải lục lọi trong đó, tìm và mở ra những ô cửa sổ để cho không khí thoáng mát cùng với ánh nắng tràn vào.

Mô hình thủy lực của sự giận dữ, đúng như tên gọi của nó, miêu tả rằng những cơn giận sẽ lớn dần lên trong tâm trí cho tới khi bạn xì bớt hơi ra. Nếu bạn không xả bớt áp suất thì nồi hơi sẽ phát nổ. Nghe có vẻ rất hợp lý. Bạn thậm chí cũng có thể nhìn lại quá khứ và nhớ về những lúc mình mất kiểm soát, đấm vào một bức tường hay đập vỡ bát đũa. Và dường như những điều này đã thực sự làm cho mọi việc trở nên tốt hơn. Nhưng mà bạn chẳng thông minh lắm đâu.

Trong khoảng những năm 1990, nhà tâm lý học Brad Bushman tới từ bang Iowa đã quyết định nghiên cứu xem việc xả giận có thực sự hữu hiệu hay không. Đây là khoảng thời gian mà những cuốn sách tự lực (self-help) đang rất thịnh hành, và lời khuyên chủ đạo của chúng trong việc kiểm soát cơn giận là đấm vào những vật vô tri hoặc úp mặt vào gối mà la hét. Bushman, cũng giống như nhiều nhà tâm lý học trước đó, cảm thấy đây có thể là những lời khuyên tệ.

Trong một thí nghiệm của mình, Bushman đã chia 180 sinh viên thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất đọc những bài viết trung tính. Nhóm thứ hai đọc những nghiên cứu giả chứng minh rằng xả giận là hiệu quả. Nhóm cuối cùng thì được đọc rằng xả giận chẳng có nghĩa lý gì. Sau đó Bushman yêu cầu các sinh viên phải viết bài luận về việc ủng hộ hay phản đối việc phá thai, một vấn đề nhạy cảm, có khả năng gây cảm xúc mạnh. Ông phổ biến rằng bài luận của họ sẽ được chấm chéo, nhưng thực chất thì không phải vậy. Một nửa số bài sẽ được chấm điểm rất cao, nửa còn lại sẽ có dòng viết: “Đây là bài luận tệ nhất mà tôi từng đọc!” Sau đó Bushman cho phép các sinh viên tham gia lựa chọn một trong số các hoạt động như chơi điện tử, xem phim hài, đọc một mẩu chuyện, hoặc đấm bao cát. Kết quả ra sao ư? Những người bị chọc giận bởi cách chấm bài thuộc nhóm được phổ biến rằng xả giận là một hành động hiệu quả có xu hướng lựa chọn việc đấm bao cát cao hơn rất nhiều so với những người cũng bị chọc giận ở những nhóm khác. Tất nhiên là trong cả ba nhóm thì những người nhận kết quả tốt đều có xu hướng chọn những hoạt động không mang tính bao lực.

Vậy có nghĩa là niềm tin vào sự thanh tẩy lại làm tăng bạo lực trong bạn. Bushman đã quyết định làm mạnh tay hơn bằng cách thử cho những con người đang giận dữ có cơ hội báo thù. Ông muốn xác minh xem việc xả giận thông qua những hành động thanh tẩy có làm nguôi đi cơn giận dữ như thể nó được thực sự giải phóng khỏi tâm trí hay không. Thí nghiệm lần này về cơ bản cũng giống như lần trước, chỉ khác là những người nhận được bài luận bị chê tiếp tục được chia làm hai nhóm. Cả hai nhóm đều được phổ biến rằng họ sẽ được tranh tài với người đã chấm điểm mình. Nhóm thứ nhất thì được cho xả giận bằng cách đấm bao cát, trong khi nhóm thứ hai thì chỉ được ngồi chờ 2 phút. Sau khi đấm bao và chờ đợi, cuộc tranh tài sẽ diễn ra. Trò chơi vô cùng đơn giản: bấm nút càng nhanh càng tốt. Nếu chậm tay hơn, bạn sẽ phải bị tiếng còi rất to dội thẳng vào mặt, còn nếu thắng thì đối thủ của bạn sẽ bị thổi còi. Ngoài ra bạn còn được phép chọn mức âm lượng cho tiếng còi sẽ dội vào mặt đối thủ trong khoảng từ 0 tới 10, mức 10 tương đương với 105 decibel⦾. Bạn có thể dự đoán được kết quả không? Trung bình, nhóm được đấm bao cát để xả giận đã chọn mức âm lượng 8,5 để trả thù những người chấm bài cho họ, trong khi nhóm ngồi chờ chỉ đặt ở mức trung bình là 2,47. Vậy có nghĩa là những người giận dữ chẳng hề xả được cơn giận qua việc đấm bao cát. Ngược lại, hành động đó còn giữ cho cơn giận cháy lâu hơn. Trong khi đó thì những người ngồi nghỉ lại có xu hướng mất đi ham muốn trả thù. Trong một thí nghiệm tương tự được thực hiện sau này cho phép những người tham gia lựa chọn lượng tương ớt cho lên thức ăn dành cho người đã làm họ giận, nhóm đấm bao cát đã đổ một đống ớt trong khi những người ngồi chờ thì không làm vậy. Khi được cho điền chữ cái vào chỗ trống cho từ ch__e, những người đã đấm bao cát có xu hướng điền là choke (bóp cổ) thay vì chase (truy đuổi).

Bushman đã theo đuổi nghiên cứu này trong một thời gian dài, và các thí nghiệm đều cho kết quả giống nhau. Nếu bạn nghĩ rằng việc thanh tẩy và xả giận là tốt, bạn sẽ có xu hướng làm những việc bạo lực khi giận dữ. Kể cả sau khi xả giận, bạn vẫn cảm thấy giận dữ và càng dễ tiếp tục thực hiện những hành vi hung hãn. Nó như là thuốc phiện vậy, bởi vì nó là hệ quả của những chất dẫn truyền thần kinh cùng với những tác nhân củng cố hành vi. Nếu bạn đã quen với việc trút giận thay, bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào nó. Bởi vậy cách tiếp cận hiệu quả hơn đơn giản là hãy dừng lại. Hãy nhấc bỏ cơn giận của bạn ra xa bếp lửa.

Những nghiên cứu của Bushman cũng bác bỏ quan điểm điều hướng cơn giận vào các hoạt động thể chất là giải pháp hiệu quả. Ông nhận định rằng điều đó sẽ chỉ càng giữ cho cơn giận dữ cháy lâu hơn, làm tăng sự hưng phấn trong tâm trí bạn. Có thể sau khi xả giận, bạn sẽ còn trở nên hung bạo hơn so với khi chỉ ngồi yên và bình tĩnh lại. Tất nhiên là việc hạ hỏa hoàn toàn khác với việc trốn tránh cơn giận. Bushman khuyên rằng khi cảm thấy giận dữ, đừng phản ứng tức thời, hãy thả lỏng thư giãn, hoặc tự đánh lạc hướng bản thân bằng các hoạt động hoàn toàn không liên quan và không mang tính bạo lực.

Khi bạn tham gia vào một cuộc khẩu chiến, khi ai đó tạt đầu bạn ở trên đường, khi bạn bị chửi bới, xả giận không thể làm tan biến những năng lượng tiêu cực trong bạn. Tuy nhiên nó lại mang tới cảm giác hưng phấn tuyệt vời. Và đó chính là vấn đề. Thanh tẩy cảm xúc bằng cách này sẽ làm bạn cảm thấy tốt, nhưng nó là một vòng tròn luẩn quẩn. Những cảm xúc khiến bạn tìm kiếm sự thanh tẩy vẫn sẽ lưu lại, và nếu sự thanh tẩy khiến bạn cảm thấy tuyệt vời, bạn sẽ tiếp tục tìm tới nó trong tương lai – như một con nghiện.

Hiệu ứng

thông tin sai lệch

Ký ức có thể được tua lại như một cuộn phim vậy.

Ký ức được tạo dựng bởi những thông tin có sẵn. Điều đó khiến nó rất dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trong thời điểm hiện tại.

Trong buổi tụ họp, một người bạn của bạn kể lại câu chuyện về cái ngày mà hai đứa cùng ngồi xem Cool Hand Luke và quyết định thi xem ai có thể ăn nhiều trứng luộc hơn. Bạn mới ăn được 5 quả mà đã thấy buồn nôn nên thề rằng từ đó về sau sẽ không bao giờ ăn trứng luộc nữa. Hai người cùng cười, nâng ly để nhớ về thời niên thiếu dại dột, và rồi một người bạn khác cắt ngang: “Không, đó là tao chứ. Mày thậm chí còn chẳng có mặt hôm đó mà.”

Đầu óc bạn quay cuồng lật giở những trang ký ức. Bạn lục tìm trong danh mục những hình ảnh xác minh xem liệu có phải mình đã mất trí rồi không. Nhưng bạn lại chẳng thể tìm được một chứng cứ cụ thể nào để quyết định xem câu chuyện của ai mới là chính xác. Rốt cuộc ai là người đã ăn hết 5 quả trứng đó?

Chắc chuyện sẽ không tệ tới mức đó, nhưng bạn cũng phải công nhận là thỉnh thoảng sẽ có người kể một câu chuyện chứa những điểm khác xa với ký ức của bạn. Những chi tiết mà họ cho thêm vào lọt qua bộ máy xử lý thông tin trong trí óc bạn. Khi bạn nhận ra điều đó, giống như ở ví dụ trên, bạn sẽ cảm thấy bất an, bởi vì bình thường thì bạn chẳng hề nhận ra điểm bất bình thường trong khả năng xây dựng lại ký ức của bản thân. Ký ức của bạn không chỉ bị ảnh hưởng bởi người khác, nó còn thường xuyên được bạn thêm mắm thêm muối bằng cách bỏ qua những chi tiết bất hợp lý, sắp đặt lại thứ tự thời gian, hay sáng chế ra những bối cảnh. Tuy nhiên bạn lại chẳng mấy khi nhận ra điều đó cho tới lúc ngồi xem lại một đoạn video cũ, hay nghe chuyện từ góc nhìn của người khác. Bạn thường cho rằng ký ức của mình giống như một bộ phim với kết cấu liền mạch và hợp lý. Nhưng thử nghĩ về bộ phim gần nhất mà bạn mới xem ngoài rạp đi, bạn có thể nhớ được bao nhiêu phần trong đó? Liệu bạn có thể nhắm mắt và gợi lại một cách hoàn hảo mọi chi tiết của mọi khung cảnh, mọi câu hội thoại giữa các nhân vật không? Tất nhiên là không rồi! Vậy tại sao bạn lại cho rằng mình có khả năng đó với cuộn phim của cuộc đời mình?

Giờ lấy một tờ giấy và một cây bút ra và chuẩn bị viết nhé. Phải thật chú tâm nhé. Sẽ rất vui đó.

Xong chưa?

Giờ thì bạn hãy đọc to các từ sau một lần duy nhất, và sau đó hãy thử viết lại càng nhiều càng tốt. Tất nhiên là khi viết thì bạn không được phép nhìn vào trang sách này nữa. Khi nào cảm thấy rằng bạn đã viết hết các từ thì hãy đọc tiếp nhé.

Sẵn sàng chưa?

BẮT ĐẦU!

cửa, tấm kính, mành che, bậu cửa, ngưỡng cửa, căn nhà, mở, rèm, khung gỗ, khung cảnh, cơn gió, trượt mở, song sắt, cửa chớp

Xong chưa? Giờ hãy nhìn vào danh sách bạn vừa viết và so sánh với sách xem. Bạn làm tốt không? Bạn đã viết được hết tất cả các từ chứ? Liệu có phải bạn vừa viết thêm cả từ cửa sổ vào không? Nếu được thực hiện một cách chính xác và không ăn gian, sẽ có tới 85% số người nhớ rằng đã nhìn thấy từ cửa sổ trong danh sách. Nhưng nó không hề có mặt ở đó. Vậy nên nếu trong danh sách bạn viết có từ cửa sổ, bạn vừa mới tự tạo nên một ký ức giả qua hiệu ứng thông tin sai lệch (the misinformation effect).

Năm 1974, Elizabeth Loftus tại trường Đại học Washington đã thực hiện một nghiên cứu. Trong nghiên cứu này, bà cho những người tham gia được xem những đoạn phim quay cảnh đâm xe. Sau đó bà yêu cầu họ ước tính tốc độ của những chiếc xe trong đoạn phim, tuy nhiên những người tham gia đã được chia thành các nhóm với những yêu cầu sử dụng từ ngữ khác nhau. Dưới đây là các câu hỏi đó:

Ước lượng tốc độ của những chiếc xe khi chúng lao vào nhau.

Ước lượng tốc độ của những chiếc xe khi chúng đâm vào nhau.

Ước lượng tốc độ của những chiếc xe khi chúng va vào nhau.

Ước lượng tốc độ của những chiếc xe khi chúng đụng vào nhau.

Ước lượng tốc độ của những chiếc xe khi chúng chạm vào nhau.

Và đây là câu trả lời trung bình của mỗi nhóm tương ứng với yêu cầu trên:

“Lao vào nhau” – 40,8 dặm⁄giờ

“Đâm vào nhau” – 39,3 dặm⁄giờ

“Va vào nhau” – 38,1 dặm⁄giờ

“Đụng vào nhau” – 34 dặm⁄giờ

“Chạm vào nhau” 31,8 dặm⁄giờ

Chỉ với một chút thay đổi trong cách dùng từ, ký ức của các đối tượng tham gia cũng đã bị thay đổi theo. Cùng là một đoạn phim đó, nhưng cụm từ lao vào đã dựng nên một phiên bản khác của ký ức. Vói phiên bản này, những chiếc xe phải đi với tốc độ đủ lớn để hợp lý hóa động từ miêu tả đó.

Loftus còn tiến xa hơn một bước và hỏi những người tham gia liệu họ có nhớ về những mảnh kính vỡ bay ra từ vụ va chạm không, mặc dù thực tế là không có mảnh kính nào. Và đương nhiên là số người trong nhóm sử dụng cụm từ lao vào trả lời có nhiều gấp đôi số người từ các nhóm khác.

Từ sau nghiên cứu này, hàng trăm những thí nghiệm khác về hiệu ứng thông tin sai lệch đã được tiến hành, và rất nhiều người cũng đã bị thay đổi ký ức một cách khéo léo như vậy. Tuốc-nơ-vít dễ dàng biến hình thành cờ lê, người da trắng thành người da màu, và những trải nghiệm với người này bị hoán đổi thành với người khác. Thậm chí trong một thí nghiệm, Loftus đã thành công trong việc thuyết phục những người tham gia tin rằng họ từng bị lạc trong trung tâm thương mại khi còn nhỏ. Bà đã cho các đối tượng tham gia đọc bốn bài viết về những kỷ niệm thời thơ ấu do gia đình họ cung cấp; tuy nhiên trong đó có kèm bài viết về việc bị lạc trong trung tâm thương mại – một bài viết hư cấu hoàn toàn. Một phần tư số người tham gia đã thu nạp câu chuyện giả đó vào ký ức thời thơ ấu của mình, và thậm chí còn thêm thắt nhiều chi tiết vốn không có trong bài. Loftus còn làm cho người ta tin rằng họ đã bắt tay với Bugs Bunny⦾, một nhân vật vốn không thuộc thế giới Disney, khi họ tới công viên Disney lúc còn nhỏ bằng cách cho họ xem một tờ rơi quảng cáo giả. Bà còn có thể thay đổi sở thích ăn uống của đối tượng bằng cách nói với họ rằng hồ sơ sức khỏe có ghi lại lần họ bị ngộ độc khi ăn một loại thức ăn nào đó lúc còn nhỏ. Một vài tuần sau, khi được mời ăn đúng món đó, những người tham gia đã từ chối. Trong những thí nghiệm khác, bà đã tiêm nhiễm ký ức về việc suýt chết đuối và đuổi được thú hoang vào đầu của người tham gia – không cái nào là thật cả, nhưng tất cả những người này đều dễ dàng chấp nhận chúng là một phần tuổi thơ của mình. Loftus coi việc chứng minh sự không đáng tin cậy của trí nhớ con người là nhiệm vụ của cả đời mình. Bà đã phản đối việc sử dụng lời khai nhân chứng cũng như phương pháp nhận diện nghi phạm từ hàng thập kỷ trước. Bà cũng chỉ trích những nhà tâm lý học cho rằng họ có thể khai mở những ký ức bị kìm nén từ thời niên thiếu. Trong một thí nghiệm của mình, bà đã cho những người tham gia quan sát một vụ án giả, và sau đó, họ phải chọn ra kẻ thủ ác từ một loạt những nghi phạm. Cảnh sát nói với những người tham gia thí nghiệm rằng hung thủ là một trong những người đang đứng trước mặt họ, nhưng thực ra đó là một lời nói dối – không ai trong số đó đã vào vai kẻ thủ ác. Vậy mà vẫn có tới 78% số người tham gia chọn một người và khẳng định rằng họ đã nhìn thấy anh ta thực hiện tội ác. Từ đó, Loftus kết luận rằng bộ nhớ không hoạt động hoàn hảo như chúng ta vẫn tưởng. Thế nhưng, rất nhiều những thông lệ và chuẩn mực xã hội của chúng ta được vận hành dựa trên quan niệm sai lầm này.

Có rất nhiều cách giải thích cho hiện tượng này, và hiệu ứng của nó thì đã được nắm rõ và rất dễ để dự đoán, về cơ bản thì các nhà khoa học đều đồng tình rằng ký ức không phải là một cuộn băng ghi hình hay là một tệp dữ liệu trong ổ cứng. Giống như những mảnh ghép Lego, chúng được xây dựng và lắp ráp tại chỗ từ những chi tiết có sẵn trong đầu bạn. Trong cuốn The Island of the Colorblind của mình, nhà thần kinh học Oliver Sacks đã viết về một bệnh nhân bị mù màu sau khi bị chấn thương não. Anh ta không chỉ không thể nhìn được một số màu nhất định, mà còn không thể tưởng tượng hay nhớ ra chúng. Những ký ức về xe hơi, quần áo, và những lễ hội bỗng dưng bị rửa bớt các màu sắc. Mặc dù ký ức của bệnh nhân này đã được ghi lại từ khi anh ta còn bình thường, nhưng giờ chúng chỉ có thể được tái dựng bằng khả năng tưởng tượng hiện tại. Mỗi khi gọi nhớ về một ký ức, bạn xây dựng chúng từ đầu. Nếu một khoảng thời gian dài đã trôi qua thì khả năng bạn lắp ghép sai các chi tiết sẽ lớn hơn. Và chỉ cần có một tác động nhỏ là bạn cũng có thể lắp sai một chi tiết lớn.

Năm 2001, Henry L. Roediger III, Michelle L. Meade, và Erik T. Bergman từ Đại học Washington đã cho các sinh viên liệt kê 10 đồ vật thường thấy trong một căn bếp, một hộp đồ nghề, một phòng tắm, và cả những vị trí khác trong một căn nhà điển hình. Bạn cũng nghĩ xem. Thử liệt kê 10 đồ vật mà bạn có thể tìm thấy trong một căn bếp ngày nay đi. Những ý niệm về một nơi chốn tưởng tượng như vậy được gọi là giản đồ (schema). Bạn có giản đồ cho hầu hết mọi thứ – cướp biển, bóng đá, kính hiển vi – những hình ảnh và ý niệm xoay quanh nguyên mẫu các đồ vật, bối cảnh, phòng ốc, v.v. Bạn thậm chí có cả giản đồ cho những nơi mà bạn chưa từng đặt chân tới, ví dụ như là đáy đại dương hay là đế chế La Mã cổ đại.

Ví dụ thế này, khi tưởng tượng về La Mã cổ đại, có phải bạn luôn thấy những cỗ xe ngựa kéo, những bức tượng cẩm thạch, và những cột đá trắng lướt qua tâm trí? Chắc chắn là bạn có tưởng tượng như vậy, bởi đó là hình ảnh mà thành Rome thời cổ đại luôn xuất hiện trên phim ảnh và TV. Liệu bạn có tin nổi rằng các cột nhà và tượng cẩm thạch đó đã từng được sơn màu sắc sặc sỡ, và nếu đánh giá theo tiêu chuẩn thẩm mĩ hiện đại thì phải gọi là vô cùng lòe loẹt? Nhưng đó lại là sự thật!⦾ Giản đồ của bạn được gợi ra rất nhanh, nhưng lại không chính xác. Chúng hoạt động giống như lối tự nghiệm: Những khái niệm này được sắp sẵn để bạn không cần phải tư duy quá nhiều về chúng, và như vậy, bạn có thể xử lý được những suy nghĩ liên quan tới chúng nhanh hơn. Khi một giản đồ dẫn tới sự rập khuôn, định kiến, hay thiên lệch nhận thức, thì nghĩa là bạn đã đánh đổi sự chính xác ở mức độ chấp nhận được để có tốc độ xử lý thông tin nhanh hơn.

Quay trở lại với thí nghiệm trên: Sau khi các sinh viên hoàn thành việc liệt kê đồ vật, các nhà tâm lý học đã đưa thêm một nhóm sinh viên khác vào để ghép cặp với họ. Thực ra đây là các diễn viên nằm dưới sự chỉ đạo của các nhà nghiên cứu. Sau khi ghép đôi, họ được cho xem những bức ảnh về các vị trí trong căn nhà. Các sinh viên được dặn là cần phải tập trung ghi nhớ những hình ảnh này. Tiếp theo, các sinh viên tham gia được giao nhiệm vụ giải một số bài toán với mục đích làm sạch tâm trí trước khi tiến tới giai đoạn cuối của thí nghiệm. Ở bước cuối cùng này, các cặp sinh viên và diễn viên ngồi lại với nhau và miêu tả lại các bức ảnh. Lúc này, các diễn viên được cài cắm sẽ bắt đầu đưa vào một số đồ không có trong ảnh. Ví dụ như đối với hình ảnh căn bếp, vốn dĩ trong đó không có máy nướng bánh mì hay một bộ găng tay bắc nồi, nhưng diễn viên sẽ giả bộ và khẳng định là chúng có trong ảnh. Cuối cùng, các sinh viên sẽ được phát giấy để liệt kê lại những đồ vật mà họ nhìn thấy.

Có lẽ các bạn cũng đã đoán được kết quả: Các sinh viên tham gia thí nghiệm đều dễ dàng bị đánh lừa và có ký ức giả về những đồ vật mà họ trông đợi sẽ thấy ở các khung cảnh. Trong danh sách cuối cùng, họ đã liệt kê cả những đồ vật do người ghép cặp cùng mình nêu ra cho dù chúng không hề có trong hình. Giản đồ trong tâm trí họ về một căn bếp vốn đã tồn tại cả một chiếc máy nướng bánh và đôi găng tay, bởi vậy khi các diễn viên khẳng định rằng họ nhìn thấy những vật đó trong hình, tâm trí của các sinh viên dễ dàng chấp nhận và thêm chúng vào ký ức. Nhưng nếu diễn viên khẳng định rằng họ thấy bồn vệ sinh trong khung cảnh nhà bếp thì các sinh viên sẽ thấy khó chấp nhận hơn.

Năm 1932, nhà tâm lý học Charles Bartlett đã kể một truyện dân gian của thổ dân châu Mỹ cho các đối tượng tham gia thí nghiệm, và sau đó, trong suốt một năm trời, cứ vài tháng một lần, ông yêu cầu họ kể lại câu chuyện này. Dần dần, câu chuyện những người tham gia thí nghiệm kể ngày càng khác nguyên bản, và có xu hướng nhuốm màu sắc văn hóa của nơi họ sinh ra.

Trong nguyên tác, hai người đàn ông Egulac đang săn hải cẩu trên sông thì nghe thấy những hét giống như tiếng hét xung trận. Họ nấp đi cho tới khi một chiếc xuồng với năm chiến binh tiến tới. Những người này đã đề nghị họ cùng tham chiến. Một trong hai người đàn ông đồng ý, người còn lại thì quay về nhà. Sau đó, câu chuyện trở nên vô cùng rối rắm bởi vì trong trận chiến, một ai đó đã nghe một người khác nói rằng những người này là ma. Người đàn ông quyết định tham chiến cuối cùng đã bị thương, nhưng không rõ là cái gì hay ai đã gây ra việc đó. Khi về tới quê nhà, anh ta kể lại với những người xung quanh về chuyện mình đã chiến đấu với ma. Rồi sáng hôm sau, một thứ gì đó màu đen chảy ra từ miệng anh ta, và anh ta chết ngay sau đó.

Câu chuyện này không chỉ rất kỳ lạ, nó còn được viết một cách rất khó hiểu. Trong quá trình thí nghiệm, các đối tượng tham gia đã nhào nặn lại câu truyện sao cho nó có nghĩa hơn. Các phiên bản được kể lại sau này trở nên ngắn gọn hơn, rành mạch hơn, những chi tiết tối nghĩa bị lược bớt. Ma có lúc là kẻ thù, có lúc lại là đồng đội, nhưng chúng thường là mấu chốt của câu chuyện. Rất nhiều người gọi những chiến binh là thây ma, nhưng trong truyện gốc thì từ hồn ma gắn liền với tên bộ tộc họ. Có phiên bản miêu tả việc nhân vật chính đã được chăm sóc sau khi bị thương. Những thợ săn hải cẩu thì có lúc lại trở thành những người đánh cá. Con sông trở thành bờ biển. Chất màu đen trở thành linh hồn, hay có lúc lại là một cục máu đông. Sau khoảng một năm, các phiên bản bắt đầu có thêm vài nhân vật phụ, những chi tiết mới, và những ý tưởng không hề có trong nguyên tác, ví dụ như là một cuộc hành hương hay là sự hy sinh làm vật tế lễ. Ký ức không hoàn hảo, và nó cũng thay đổi liên tục. Những hình ảnh trong quá khứ không chỉ phải chạy qua bộ lọc của hiện tại, mà còn dễ dàng bị tác động bởi những tác nhân xã hội ngoại vi. Bạn thường xuyên đem ký ức của người khác ghép vào ký ức của mình. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ký ức là thứ dễ thẩm thấu, dễ bị thao túng, và cũng luôn tiến hóa. Nó không phải là thứ bất biến và vĩnh cửu. Nó giống một giấc mơ ban ngày được xây dựng bằng những thông tin và suy nghĩ bạn có sẵn trong đầu, thêm và bớt các chi tiết so với phiên bản gốc. Nếu bạn nghĩ rằng điều gì đó có thể đã xảy ra thì bạn sẽ dễ dàng tin nó vào mà không cần tự vấn xem nó có phải là sự thật hay không.

Điều bất ngờ nhất là những nghiên cứu này đã cho thấy việc làm sai lệch một ký ức đơn giản đến thế nào. Chỉ cần một ý bất kỳ được lặp đi lặp lại vài lần là bạn có thể dễ dàng tự thay đổi cuốn tự truyện đời mình. Kỳ lạ hơn nữa là ký ức càng bị thay đổi nhiều thì bạn lại càng tin vào nó. Hãy thử nghĩ về sự công kích không ngơi nghỉ của gia đình, bạn bè và các phương tiện truyền thông vào suy nghĩ và cảm xúc của chính bạn. Có bao nhiêu phần ký ức của bạn là chính xác? Có bao nhiêu phần ký ức là của riêng bạn? Những câu chuyện được nhắc tới trên bàn ăn tối thì sao? Tỷ lệ giữa sự thật và hư cấu là bao nhiêu? Nắm được hiệu ứng thông tin sai lệch không chỉ khiến bạn hoài nghi các lời khai nhân chứng và câu chuyện cuộc đời mình, mà còn giúp bạn trở nên vị tha hơn khi ai đó khẳng định họ nhớ chính xác điều gì để rồi nhận ra rằng đó chỉ là tưởng tượng.

Hãy nghĩ lại về thí nghiệm nhỏ của chúng ta ở đầu chương, thí nghiệm mà bạn nhớ nhầm rằng mình đã thấy từ rèm trong danh sách những từ miêu tả về cửa sổ. Tiêm nhiễm những ký ức giả chẳng tốn mấy công sức đâu, bởi chính bạn cũng đang tự làm điều đó thường xuyên. Nhận ra mình có khả năng kiểm soát… Chờ chút, có phải là rèm không nhỉ?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3