Bàn về Tự Do - Phần 4

Vẫn cần phải nói về một trong các nguyên nhân chính khiến cho tính đa dạng của ý kiến trở nên có lợi, và vẫn sẽ tiếp tục nói về điều ấy cho đến khi nào nhân loại bước vào một giai đoạn phát triển tri thức mà khi so với hiện tại, nó đã bước một bước thật dài. Cho đến giờ, chúng ta đã xem xét hai khả năng: ý kiến được thừa nhận có thể sai, và do đó, một ý kiến đối lập với nó có thể đúng; hoặc ý kiến được thừa nhận đúng, ý kiến đúng ấy cần phải có sự va chạm với cái sai của ý kiến đối lập nhằm đưa đến sự lãnh hội minh tường và sự cảm nhận thâm viễn về tính chân xác của nó. Nhưng lại có một trường hợp phổ biến hơn cả hai trường hợp nói trên: khi hai học thuyết xung đột với nhau, thay vì cái này đúng, cái kia sai, thì chúng lại cùng nhau chia sẻ sự thật; và cái ý kiến bất tuân phục luôn là một yếu tố cần thiết để bổ túc cho phần còn khiếm khuyết của sự thật mà học thuyết được thừa nhận của nó chỉ mới thể hiện một phần. Các ý kiến phổ thông nói về các đề tài không rõ ràng thì thường là đúng, nhưng ít khi, hoặc không bao giờ, là sự thật trọn vẹn. Chúng chỉ là một phần của sự thật; đôi khi là phần lớn, đôi khi là phần nhỏ của sự thật, nhưng luôn luôn bị phóng đại, vặn vẹo, ly cách khỏi sự thật mà chúng cần phải được đồng hành và giới hạn trong đó. Mặt khác, một số ý kiến dị giáo thường nương náu trong các sự thật lấp liếm và lôi thôi này, khi muốn bứt phá cái gông cùm đang kìm hãm sự bành trướng của chúng, và muốn tìm kiếm một sự thoả hiệp với sự thật nằm trong ý kiến phổ biến, hoặc khi muốn đương đầu với sự thật ấy nhằm tự biến mình thành một thứ chân lý trọn vẹn thông qua sự độc tôn. Trường hợp sau cùng, cho đến nay, là trường hợp diễn ra thường xuyên nhất, như thể là trong tâm thức con người, tính một chiều lúc nào cũng là quy luật, và tính đa chiều chỉ là ngoại lệ. Do đó, ngay cả trong các cuộc cách mạng nhằm đổi thay quan niệm, vẫn có chuyện phần này của sự thật thì bị dìm xuống, trong khi phần khác được vực lên. Thậm chí sự tiến bộ, cái đáng lẽ phải bổ sung cho, nhưng hầu hết chỉ thay thế một sự thật phiến diện và bất toàn này bằng một sự thật phiến diện và bất toàn khác; việc tu chỉnh chỉ nằm ở chỗ là mảnh sự thật mới được cần đến nhiều hơn, đồng thời cũng phù hợp hơn với sự đòi hỏi của thời đại so với mảnh sự thật cũ, cái mà nó vừa thay thế. Khi mà ý kiến phổ thông mang một đặc tính phiến diện như thế, ngay cả khi nó được đặt trên một nền tảng đúng, thì những ý kiến thể hiện được phần nào đó sự thật mà ý kiến phổ thông không chú ý đến cần phải được trân quý, dẫu mức độ sai sót và nhầm lẫn của nó nằm trong sự thật có đến đâu đi chăng nữa. Không một sự xét đoán nghiêm túc nào về các vấn đề nhân loại bị buộc phải mang tính chất phẫn uất, bởi vì những ai cưỡng ép ta nhìn thấy những sự thật mà ta bỏ sót, luôn luôn, cũng như thế, bỏ sót những sự thật mà chúng ta nhìn thấy. Đúng hơn là, anh ta nghĩ rằng khi mà chân lý phổ biến vẫn mang tính phiến diện, thì người ta cần phải mong muốn nhiều hơn nữa về việc chân lý không phổ biến cũng nên có cho chính nó những kẻ bênh vực mang tính phiến diện; những người như thế thường là những kẻ năng nổ, và cũng là những kẻ thích hợp nhất trong việc áp đặt một sự chú ý miễn cưỡng vào phần sự thật mà họ tuyên bố như thể nó là một sự thật trọn vẹn.

Trong chính trị, hầu như là lẽ thường tình khi mà cả hai đảng phái, một đảng phái chủ trương trật tự hoặc ổn định và một đảng phái chủ trương phát triển hoặc cải cách, đều là những yếu tố thiết yếu cho tình trạng lành mạnh của đời sống chính trị, cho đến khi nào đảng này hoặc đảng kia đã khuếch trương được sự chi phối tinh thần của nó, để trở thành một đảng chủ trương cả trật tự lẫn phát triển, hiểu biết và phân biệt được điều cần phải gìn giữ với điều cần phải từ bỏ. Mỗi kiểu cách tư duy của phe này đều sẽ thu nhận được những lợi ích từ các điểm khiếm khuyết của phe kia; nhưng chính sự đối lập của phe kia đã giúp cho cách tư duy của phe này luôn luôn không vượt qua giới hạn của lẽ phải và sự chừng mực. Chỉ khi nào các ý kiến cổ súy cho chế độ dân chủ và chế độ quý tộc, cho tư hữu và bình đẳng, cho hợp tác và cạnh tranh, cho xa hoa và cần kiệm, cho phóng khoáng và gò bó, và tất cả các ý kiến đối lập khác trong đời sống thực tế đều được bảy tỏ một cách tự do như nhau, đều được củng cố và bảo vệ bằng tài năng và sinh lực như nhau, thì cả hai mới có cơ hội đạt được điều mình xứng đáng được hưởng; khi đó chắc chắn trong hai ý kiến đối lập nhau ấy, sẽ có một ý kiến chiếm ưu thế so với cái còn lại. Sự thật, trong những mối ưu tư thực tế của đời sống, vốn phần nhiều chỉ là vấn đề của sự thỏa hiệp và kết hợp các yếu tố đối lập, cho đến nỗi rất ít người có được một tâm trí đủ khả năng bao quát và tính vô tư để tạo ra sự thay đổi bằng một điều gì đó gần như là chân lý, và do đó, sự đổi thay ấy cứ phải được thực hiện bằng một quá trình kiên khổ của một cuộc tranh đấu giữa các chiến binh đang giao chiến với nhau dưới những bóng cờ đầy sự thù nghịch. Đối với bất cứ vấn đề nào trong số các vấn đề quan trọng vẫn còn đang bỏ ngỏ vừa được liệt kê, nếu một trong hai ý kiến đối lập có một sự đòi hỏi mạnh mẽ hơn so với ý kiến còn lại, không chỉ để được thừa nhận, mà còn nhằm đạt được sự cổ súy, thì đó chính là ý kiến thuộc phe thiểu số được nêu lên tại một thời điểm và nơi chốn riêng biệt nào đó. Đó chính là ý kiến hiện đang đại diện cho các quyền lợi bị bỏ rơi, cho phe phái mà sự an sinh của họ đang lâm vào tình trạng ngặt nghèo vì đã nhận ít hơn cái lẽ ra phải được chia phần. Tôi biết rằng tại đất nước này, không hề có sự bất bao dung đối với sự khác biệt ý kiến liên quan đến các chủ đề vừa kể. Qua nhiều ví dụ, chúng được viện dẫn để cho thấy tính phổ quát của một sự thật rằng duy chỉ thông qua sự đa dạng của ý kiến, thì mới có, trong tình trạng hiện nay của trí tuệ nhân loại, cơ hội tham gia công bằng cho mọi khía cạnh của chân lý. Khi có những người thốt lên lời lẽ đối kháng với sự nhất trí hiển nhiên của cả thế giới về bất cứ đề tài nào, ngay khi cả thế giới có đầy đủ lý lẽ nhất để phản bác họ, thì bao giờ cũng có khả năng rằng những kẻ phản kháng ấy luôn có một điều đáng để được nghe khi họ nói cho chính họ, và rằng chân lý có thể gánh chịu một sự mất mát nào đó vì sự thinh lặng của họ...

Giờ đây chúng ta đã nhận ra tính thiết yếu của sự tự do tư tưởng và tự do bày tỏ ý kiến đối với sự an sinh tinh thần của nhân loại (cái mà mọi sự an sinh khác tùy thuộc vào) được đặt nền tảng trên bốn yếu tố riêng biệt mà chúng tôi sẽ trình bày một cách ngắn gọn như sau:

Thứ nhất, nếu có ý kiến nào bị cản ngăn lên tiếng, thì theo chỗ chúng tôi biết, ý kiến ấy có thể là đúng. Khước từ nó có nghĩa là tự coi mình là không thể sai lầm.

Thứ hai, dẫu ý kiến bị cản ngăn có là một ý kiến sai sót, thì nó vẫn có thể, và thông thường là thế, hàm chứa một phần sự thật; và bởi vì ý kiến phổ thông về bất cứ đề tài nào đều hiếm khi hoặc không bao giờ là sự thật trọn vẹn, cho nên chỉ bằng sự va chạm giữa các ý kiến trái ngược nhau thì phần còn lại của sự thật mới có cơ hội được phơi bày.

Thứ ba, ngay cả ý kiến được mọi người thừa nhận không chỉ đúng, mà còn là sự thật trọn vẹn; chỉ khi nào được, và thực sự, trải qua cuộc truy vấn cam go và nghiêm túc, bằng không thì nó được những kẻ thừa nhận cầm giữ như là một định kiến với sự hiểu biết rất nhỏ bé về các căn do hữu lý của nó. Đồng thời không những thế, mà - đây là yếu tố thứ tư - còn đưa đến sự việc rằng ý nghĩa của học thuyết sẽ lâm vào tình trạng vong thân, hoặc bị suy yếu và bị tước mất tác động đầy sinh lực của nó đối với tính cách và hành vi; khi đó, nó trở thành một sự rao giảng mang tính cách giáo điều, chẳng những không có ích, mà còn làm trở ngại cho sự bày tỏ ý kiến, đồng thời cản ngăn sự phát triển của lòng tin đích thực và chân thành ra khỏi lý trí hoặc kinh nghiệm cá nhân.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3