Bàn về Tự Do - Phần 6
Các nguyên lý được khẳng định trong những trang này phải được thừa nhận như là xuất phát điểm cho sự thảo luận chi tiết, trước khi có thể cố gắng áp dụng chúng một cách nhất quán cho tất cả các lãnh vực cai trị và đạo đức khác nhau với hy vọng đạt được một sự lợi ích nào đó. Vài nhận xét về các vấn đề chi tiết mà tôi dự định thực hiện đều được dành cho việc minh họa các nguyên lý này, hơn là cho việc theo đuổi các hậu quả của chúng. Không phải tôi đưa ra các ứng dụng, mà là đưa ra các mẫu mực của sự ứng dụng, những thứ có thể giúp mang lại tính sáng sủa cho ý nghĩa và các giới hạn của hai nguyên tắc chủ đạo hình thành toàn bộ lý thuyết của cuốn tiểu luận này, đồng thời giúp đỡ cho sự xét đoán trong việc giữ tình trạng cân bằng giữa chúng, trong những trường hợp không biết phải áp dụng nguyên tắc nào.
Các nguyên tắc ấy là, thứ nhất, cá nhân không phải chịu trách nhiệm trước xã hội về những hành vi của mình khi các hành vi này không ảnh hưởng đến lợi ích của bất cứ ai ngoài anh ta. Sự khuyên răn, hướng dẫn, thuyết phục và xa lánh của người khác, được nghĩ là cần thiết cho lợi ích của chính họ, đều chỉ là những biện pháp mà qua đó xã hội có thể biểu lộ một cách chính đáng sự không ưa chuộng hoặc phản đối dành cho cách hành xử của anh ta. Nguyên tắc thứ hai là đối với các hành vi phương hại đến lợi ích của người khác, thì cá nhân phải chịu trách nhiệm, đồng thời có thể chịu sự trừng phạt của xã hội hoặc luật pháp; việc áp dụng loại trừng phạt này hay loại trừng phạt kia để bảo vệ xã hội sẽ tùy thuộc vào việc xã hội thấy cái nào cần thiết hơn.
Trước nhứt, bởi vì sự gây hại, hoặc khả năng có thể gây hại, đến lợi ích của người khác tự nó đã có thể biện minh cho sự can thiệp của xã hội, cho nên chẳng cần phải giả định về sự biện minh cho hành động như thế. Trong nhiều trường hợp, khi một cá nhân theo đuổi một mục tiêu hợp pháp nào đó, buộc phải làm đau đớn hoặc gây tổn thất cho người khác, hoặc cản trở một lợi ích mà người khác có hy vọng hợp lý trong việc đạt được lợi ích đó, thì vẫn được coi là hợp pháp. Sự đối lập về quyền lợi như thế thường có nguồn gốc sinh từ tính chất thiếu chu toàn của các định chế xã hội. Bất cứ ai thành công trong một nghề nghiệp có quá nhiều người tham gia, hoặc trong một cuộc thi có tính cạnh tranh; bất cứ ai đã loại được đối phương trong cuộc thi tài nhằm giành được một mục tiêu mà cả hai đều khao khát, đều là kẻ hưởng lợi từ sự tổn thất của người khác, từ những nỗ lực hoài công và sự thất vọng của họ. Nhưng theo quan niệm chung, sẽ tốt đẹp hơn cho lợi ích nhân loại khi con người theo đuổi mục tiêu của mình mà không bị nao núng trước những hậu quả như thế. Nói cách khác, xã hội không có quyền can thiệp, dù là về phương diện pháp lý hay luân lý, để làm cho những kẻ thất vọng này thoát khỏi sự thua thiệt; và chỉ có quyền can thiệp khi phương tiện đạt được thành công bị sử dụng trái với lợi ích chung – có nghĩa là dùng các phương cách có tính chất dối trá, lường lọc và cưỡng bức.
Đó là một trong các chức năng không thể chối cãi được của chính quyền là đưa ra các biện pháp ngăn ngừa tội ác trước khi nó được thực hiện, cũng như truy tìm và trừng phạt kẻ phạm pháp sau đó. Tuy nhiên, chức năng ngăn ngừa của chính quyền có khả năng bị lạm dụng – điều này gây tổn hại cho quyền tự do – hơn rất nhiều so với chức năng trừng phạt, bởi vì hầu như không có phần nào của quyền tự do hành động hợp pháp của một người mà không thể bị mô tả, hẳn nhiên một cách hợp lệ, như là sự gia tăng các điều kiện thuận lợi cho các hành vi phạm pháp. Nhưng nếu một nhân viên công lực, hay ngay cả một tư nhân, trông thấy rõ ràng một kẻ sắp sửa phạm pháp, họ không bị buộc phải đứng xem và không có một phản ứng nào cả, để chờ cho đến khi tội ác được thực hiện, thì mới được can thiệp. Nếu độc dược không bao giờ được mua hoặc dùng vào bất cứ mục đích nào khác ngoài việc làm phương tiện sát nhân, thì cấm mua bán và sản xuất độc dược là một hành động hợp lẽ. Tuy nhiên, nó có thể cần thiết không những cho các mục đích vô hại, mà còn cho các mục đính hữu ích; do đó, các biện pháp cấm đoán không thể áp đặt cho trường hợp có hại mà lại không tác động đến trường hợp vô hại. Một lần nữa, chính cơ quan công quyền phải có trách nhiệm ngăn ngừa những việc bất hạnh xảy ra. Nếu nhân viên công lực hoặc một người nào khác nhìn thấy một người đang cố vượt qua một chiếc cầu được biết chắc chắn là không an toàn, đồng thời không còn thời gian để báo nguy cho anh ta, họ có thể bắt giữ và đưa anh ta quay trở lại, mà không bị coi là xâm phạm quyền tự do của anh ta; vì rằng sự tự do có nghĩa là được làm điều gì mà mình mong muốn, và hẳn nhiên, anh ta không muốn rơi xuống sông. Tuy vậy, khi không có sự chắc chắn, mà chỉ có một nguy cơ về sự thiệt hại, thì không ai, ngoại trừ chính anh ta, có thể phán xét về tình trạng xác đáng của các lý do có thể thúc đẩy anh ta gánh chịu sự rủi ro: vì thế, trong trường hợp này, (trừ phi anh ta là một đứa trẻ, hoặc đang trong tình trạng mê sảng, kích động, hoặc ám ảnh khiến không thể sử dụng toàn bộ khả năng phán đoán), tôi quan niệm rằng anh ta chỉ cần được cảnh báo về sự nguy hiểm, mà không cần cưỡng ép anh ta không được thực hiện hành vi của mình.
Tôi dành phần cuối cùng này để bàn về các vấn đề liên quan đến những giới hạn trong sự can thiệp của chính quyền, điều mà dẫu có quan hệ mật thiết với đề tài của tập tiểu luận này, nhưng, nói một cách chính xác, lại không thuộc về nó. Đây là những trường hợp mà các lý lẽ chống lại sự can thiệp không phụ thuộc vào nguyên lý của quyền tự do: vấn đề cần thảo luận không phải là sự hạn chế hành vi cá nhân, mà là sự trợ giúp anh ta; nói cách khác, chính quyền có nên làm, hoặc buộc anh ta phải làm, một điều gì đó vì lợi ích của chính anh ta hay không, thay vì để cho anh ta tự thực hiện điều đó một cách riêng lẻ hoặc qua sự phối hợp tự nguyện với người khác?
Có ba loại phản đối sự can thiệp của chính quyền, khi mà sự can thiệp ấy chưa tới mức xâm phạm quyền tự do.
Loại thứ nhất là điều cần thực hiện có thể sẽ được cá nhân thực hiện tốt đẹp hơn so với chính quyền. Nói chung, không ai có đặc điểm phù hợp để quản trị bất cứ công việc kinh doanh gì, hoặc để quyết định cách thức hay quyết định ai là kẻ thực hiện công việc kinh doanh ấy bằng những người mà đích thân họ luôn luôn quan tâm đến nó. Nguyên tắc này chỉ trích sự can thiệp thường xuyên của cơ quan lập pháp hoặc nhân viên chính quyền vào tiến trình bình thường của ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, khía cạnh này của đề tài đã được các nhà kinh tế chịnh trị thảo luận đầy đủ, đồng thời không có liên quan mật thiết đến các nguyên lý của tập tiểu luận này.
Loại phản đối thứ hai hầu như liên quan nhiều hơn đến đề tài của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, dẫu cá nhân có thể không thực hiện một việc đặc biệt nào đó không hữu hiệu bằng các viên chức chính quyền; tuy nhiên, người ta vẫn muốn việc ấy được cá nhân, chứ không phải chính quyền, thực hiện, và điều đó được xem như là một cách thức giáo dục tinh thần cho chính anh ta - một kiểu củng cố khả năng hành động tích cực, rèn luyện óc xét đoán và mang lại cho anh ta một sự hiểu biết thông thạo về các vấn đề mà anh ta phải giải quyết. Đây là một đề nghị chính yếu, mặc dầu không phải duy nhất, dành cho một phiên xử bằng bồi thẩm đoàn (trong những vụ kiện phi chính trị), dành cho các định chế thành thị và địa phương mang tính chất phổ thông và tự do; dành cho việc quản trị các hoạt động kỹ nghệ và từ thiện của những hội đoàn thiện nguyện.
Lý do thứ ba, đồng thời là lý do có tính thuyết phục nhất trong việc hạn chế sự can thiệp của chính quyền là sẽ rất nguy hiểm nếu gia tăng quyền lực của chính quyền một cách không cần thiết. Mọi chức năng được bổ sung thái quá vào những chức năng hiện có của chính quyền sẽ khiến cho sự tác động của nó đến những ước vọng và nỗi sợ hãi càng trở nên rộng lớn hơn, đồng thời càng lúc càng biến thành phần nhiều tham vọng của công chúng thành những kẻ nịnh bợ chính quyền, hoặc một đảng phái sắp nắm quyền nào đó, để trục lợi. Nếu như tất cả những xa lộ, đường hỏa xa, ngân hàng, công ty bảo hiểm, các đại công ty cổ phần, trường đại học và hội từ thiện đều là các chi nhánh của chính quyền; thêm nữa, nếu như hội đồng thành phố và chính quyền quận hạt, với tất cả những gì hiện đang thuộc trách nhiệm quản trị của họ, trở thành những bộ phận của chính phủ trung ương; nếu như nhân viên của tất cả các tổ chức này đều do chính quyền chỉ định và trả lương, và trông đợi chính quyền ban phát sự thăng tiến trong cuộc sống; thì không một quyền tự do báo chí và một định chế lập pháp dân cử nào có thể làm cho quốc gia này, hoặc bất cứ quốc gia nào khác, có được sự tự do, và nếu có đi chăng nữa, thì cũng chỉ là sự tự do trên danh nghĩa. Và khi cơ chế hành chánh được xây dựng càng hiệu quả và khoa học, sự tổ chức nhằm thu hút những bàn tay và khối óc ưu tú để làm cho nó hoạt động hữu hiệu càng tinh vi, sự tai hại càng trở nên trầm trọng hơn.
Ví như mọi công việc của xã hội, những công việc cần có sự phối hợp nhịp nhàng hoặc đòi hỏi một tầm nhìn bao quát và rộng khắp, đều nằm trong tay của chính quyền, và ví như các nhân viên chính quyền đều toàn là những con người có khả năng nhất, thì toàn bộ nền văn hóa rộng lớn và những bộ óc đầy kinh nghiệm của đất nước, ngoại trừ những bộ óc thiếu tính thực tiễn, sẽ được tập trung trong một guồng máy quan liêu đông đảo, một hệ thống duy nhất mà các thành phần còn lại của cộng đồng trông đợi vào để thực hiện mọi việc, nghĩa là: dân chúng thì trông đợi vào nó để được dẫn dắt và ra lệnh trong tất cả những việc mà họ phải làm; những kẻ có năng lực và tham vọng thì trông đợi vào nó để có sự phát triển cá nhân. Được chấp nhận để có một chỗ đứng trong guồng máy quan liêu này – và khi đã có thì lại mong muốn một sự thăng quan tiến chức – là mục tiêu duy nhất của tham vọng. Dưới một chế độ như thế, chẳng những đám công chúng đứng bên ngoài, do thiếu kinh nghiệm thực tế, thường không có đủ khả năng để phê phán hoặc giám sát phương thức vận hành của guồng máy quan liêu, mà nếu như sự tử nạn của kẻ bạo chúa hoặc do hoạt động tất nhiên của các định chế đại chúng có tình cờ dựng lên một hoặc nhiều nhà cai trị có khuynh hướng cách tân, thì không một hành động cách tân nào có tác dụng khi nó đi ngược lại lợi ích của guồng máy. Đó là tình trạng bi thảm của đế quốc Nga như đã được cho thấy trong các câu chuyện của những người có cơ hội quan sát nó. Ngay chính Sa hoàng cũng bất lực trước hệ thống quan liêu này; ông có thể đày bất cứ kẻ nào thuộc guồng máy ấy đến vùng Siberia, nhưng ông không thể cai trị mà không có họ, hoặc trái ngược với ý muốn của họ. Mọi sắc lệnh do ông ban hành, họ đều có thể ngấm ngầm phủ quyết bằng cách cản trở không cho chúng được thi hành.
Chính quyền không thể nắm giữ quá nhiều các hoạt động chẳng những không cản trở mà còn trợ giúp và khuyến khích sự nỗ lực và phát triển cá nhân. Sự nguy hại sẽ xảy ra khi mà, thay vì phát huy mọi sức mạnh của cá nhân và tổ chức, thì nó lại thay thế tất cả những điều đó bằng chính cái của nó; khi mà, thay vì phổ biến thông tin, đưa ra những khuyến cáo, và đôi khi có thể thực hiện sự lên án nào đó, thì nó lại buộc cá nhân và tổ chức làm việc trong xiềng xích, gông cùm, hoặc ra lệnh cho họ đứng sang một bên để cho nó làm cái công việc mà lẽ ra những cá nhân và tổ chức ấy làm. Giá trị của một nhà nước, đứng dưới giác độ lợi ích trường kỳ, chính là giá trị của những cá nhân tạo ra nó; và một nhà nước mà cứ trì hoãn các quyền lợi về sự khai phóng trí tuệ và nâng cao kỹ năng quản trị, hoặc bất cứ những gì tương tự như thế do thực tiễn mang lại, của cá nhân; một nhà nước mà cứ làm bé nhỏ công dân của nó, nhằm biến họ trở thành những công cụ dễ sai bảo cho các mục tiêu quyền lợi khác nhau, rồi sẽ thấy rằng với những công dân nhỏ bé, thì chẳng bao giờ thực sự đạt được điều lớn lao nào, và rằng sự hoàn hảo của guồng máy mà vì đó nó hy sinh mọi thứ, cuối cùng chẳng mang lại cho nó lợi ích gì cả, bởi vì sự khan hiếm nguồn năng lượng thiết yếu – cái mà nó đã tống khứ - nhằm giúp cho guồng máy có thể hoạt động một cách trơn tru.
Chú thích:
[1]The Sphere and Duties of Government, Wilhelm von Humboldt, trang 11 – 13, (chú thích của tác giả).