Bệnh Bệ Hạ Cũng Không Nhẹ - Chương 94
Chương 94: Nam tuần
Cuối tháng mười năm Thái Bình thứ nhất, Diệp Lâm bắt đầu chuẩn bị đi tuần tra phía nam, kế hoạch vừa nói ra thì bách quan liền xôn xao. Có điều đây cũng không phải là vì Diệp Lâm đột nhiên quyết định đi nam tuần, dù sao Nhạn triều cả trăm năm nay cũng không phải không có tiền lệ Đế vương đi tuần tra trong dân gian, mà là do địa điểm nam tuần lần này làm cho bách quan âm thầm ngờ vực.
Chuyến nam tuần của Diệp Lâm cũng không phải là theo dõi tình hình dân chúng, trực tiếp chỉ định địa điểm tiếp giá là Bình Khê. Nói cho hoa mỹ thì chính là muốn đến bái phỏng Tô lão tiên sinh, người thanh liêm nhất thiên hạ, khích lệ cho những đệ tử nghèo hăng hái tiến thủ, thi đỗ công danh thông qua khoa cử, lại tán dương những công việc từ thiện của Tô thị Bình Khê, nhiều năm qua đều không ngừng trợ giúp cho những sĩ tử bần hàn. Tô gia được xem như một danh gia vọng tộc hùng mạnh ở Giang Nam cả trăm năm, nổi danh khắp thiên hạ, nên đương nhiên Diệp Lâm có ca ngợi thì cũng không có gì sai. Chỉ định Tô gia tiếp giá, cũng coi như là Hoàng gia cố tình dùng Tô gia để lôi kéo dòng dõi Nho học.
Tâm tư của những vị văn võ bá quan đã từng chìm nổi nhiều năm ở quan trường đột nhiên lung lay, nghĩ đến thế cục trong triều hiện nay, kỳ thực Diệp Lâm không cần nói cũng biết.
Lần Diệp Lâm đăng cơ ở Trường Ninh cung, công lao lớn thuộc về Tô gia, hiện nay Tô hậu lại độc chiếm hậu cung, Thiên tử lại si mê Hoàng hậu đến mức độ nào thì cả triều văn võ bá quan đều có thể thấy được rõ ràng ngay trước mắt. Những người chỉ hơi hiểu chuyện cũng đều có thể đoán được, chuyện Hoàng đế Bệ hạ đánh trống khua chiêng thu xếp đi nam tuần, bề ngoài là đi giải quyết việc công liên quan đến quốc gia xã tắc, nhưng nếu nghĩ sâu xa một chút sẽ biết nguyên nhân chắc chắn do Hoàng hậu.
Một chuyến đi lãng mạn càng nghĩ càng thấy vui vẻ, người còn chưa đi mà bí mật cung đình đã truyền ra trên khắp ngõ ngách Trường Ninh: “Hoàng hậu Nương nương nhớ Giang Nam nên buồn bực không vui, Bệ hạ vì muốn đem lại tiếng cười cho Nương nương nên khởi giá nam tuần.”
Từ trước đến nay Nhạn triều đều không thèm để ý đến những bịa đặt trong sách tạp lục, bởi vậy những lời đồn nhảm về chuyến đi nam tuần này có truyền đến tai thì Bệ hạ cũng chỉ cười trừ rồi lại toàn tâm toàn ý chuẩn bị, chứ cũng chẳng thèm làm ra cái gì để đáp lại. Đương sự không phủ nhận thì đương nhiên bị xem là đã âm thầm đồng ý, bởi vậy lời đồn trên phố càng lúc càng lan rộng, về sau còn được biên soạn lại thành một vở để cho những người kể chuyện đem ra kể trong trà lâu tửu quán, thậm chí còn bổ sung vào từng ly từng tý chuyện lặt vặt của Đế Hậu, tạo thành một đoạn truyền kỳ về tình yêu.
Chỉ có Tô Nghiêu là đọc sách lịch sử một cách hoan hỉ nhất, từ khi biết chuyện Cẩm Diên nghe được ở ngoài chợ rằng mình là nhân vật chính, rốt cuộc nàng cũng biết xấu hổ mà đỏ bừng lỗ tai. Dân chúng Nhạn triều đúng là tự do cởi mở, xem bọn họ như là một đôi bích nhân, trở thành tấm gương về tình yêu và hôn nhân. Điều này lại tạo thành áp lực rất lớn cho Tô Nghiêu, trong lúc nhất thời vô cùng lúng túng.
Thời gian ngủ mê man càng lúc càng nhiều, nhưng hai người đã nói hết mọi chuyện, cũng không giấu giếm gì nên Tô Nghiêu và Diệp Lâm đều rất bình tĩnh tiếp nhận sự thật này, cảm xúc cũng không dao động quá lớn. Từ Thận Ngôn cũng được đón vào cung, ở trong Văn Trí điện không xa Phượng Ngô điện, để bất cứ lúc nào cũng có thể nhận lệnh, sau này cũng cùng đi đến Giang Nam. Thời gian này Diệp Lâm không còn đề phòng khúc mắc gì với Từ Thận Ngôn nữa, nên những chuyện liên quan đến Tô Nghiêu đều bàn bạc cùng hắn, xem như có thể khống chế độc phát tác trong một giới hạn nhất định.
Đến cuối tháng mười một hàng năm sẽ có một lớp tuyết đầu mùa mỏng manh rơi xuống Trường Ninh, cho nên kế hoạch đi nam tuần được bắt đầu trước hơn một tháng.
Theo lý mà nói thì Thiên tử đi tuần là đại sự hàng đầu, đề cập đến vào buổi nghị sự tháng mười thì ít nhất cũng phải đến cuối mùa xuân năm thứ hai mới có thể tiến hành. Nhưng nào biết dường như Diệp Lâm bị cái gì đó thúc giục mà sốt ruột, hành cung cũng không cho xây dựng mà chỉ tu sửa đơn giản một chút khoảng trống trong vườn của Tô gia ở Bình Khê, rồi cho rằng như thế là đã chuẩn bị sẵn sàng.
Bởi vậy, bên này thì Thiên tử vô cùng lo lắng về khí hậu lạnh giá khi có tuyết lớn nên gấp gáp lánh tới Bình Khê, bên kia cũng vô cùng lo lắng mà gấp rút tu sửa hành cung, hai tầng lửa và băng đối lập không hiểu sao lại làm cho trong lòng Tô Nghiêu sinh ra một chút cảm xúc hoan hỉ.
Bình Khê Tô gia.
Đối với Tô Dao mà nói thì nơi này là nơi thành cũng chết mà bại cũng chết.
Tô Nghiêu cũng chẳng chờ đợi trông mong quá nhiều vào chuyến đi đến Bình Khê này, cũng không lo Tô lão tiên sinh và người quen cũ ở Bình Khê có cảm thấy nàng khác ngày trước hay không. Nàng đã là Hoàng hậu, chẳng ai thay đổi được sự thật này, Diệp Lâm cũng đã sớm biết chuyện của nàng, nên cũng chẳng sợ việc nàng bị người ta phát hiện rồi gây khó khăn. Trước mắt, việc mà nàng dồn toàn bộ tâm tư để quan tâm tới chỉ có một việc – hưởng thụ thật tốt quãng thời gian còn lại ở bên Diệp Lâm, đồng thời hết mực cố gắng chuẩn bị cho việc giải độc Say Hồng Trần.
Từ lúc khởi hành đi Bình Khê, nàng đã viết một phong thư cho bồ câu đưa đến Cố Phù Phong ở Miêu Nam Vương, hỏi hắn những chuyện có liên quan đến Say Hồng Trần. Thế nhưng đường xá xa xôi nhiều hung hiểm, Tô Nghiêu lại không tin vào kiểu đưa thư bằng bồ câu đơn giản như vậy nên trong lòng vẫn không ôm nhiều hy vọng, chỉ mong mau chóng đến Bình Khê rồi tính cách khác.
Chuyến nam tuần này, nếu nói công khai thì ngoài mục đích đi thăm viếng cũng là có dụng ý khác. Diệp Lâm cũng không định ở trong Tô gia lâu, mà là đến Bình Khê rồi tiếp tục cải trang để đi tiếp về phía nam. Sở dĩ chọn đặt hành cung ở Bình Khê, một là bởi vì đó là nhà thân mẫu của Tô Dao, lại là nơi thư hương thế gia thông hiểu mọi đạo nghĩa trong thiên hạ nên nhất định sẽ che giấu đến mức không một vết tích chuyện Đế Hậu đột nhiên mất tích; hai là Bình Khê ở tại Giang Nam, cách biên giới Miêu Nam cũng không xa lắm, dân chúng ở các thành phố và thị trấn ven đường đa số là lương thiện chất phác, chưa bao giờ được nhìn thấy Diệp Lâm nên hành tẩu giang hồ cũng tự tại an toàn hơn nhiều.
Tất cả công việc trong kinh đã giao lại cho Diệp Tễ, Tô Tương và Từ Thận Hành thu xếp. Thôi Thuật đi theo Diệp Lâm, cho đến lúc tới Bình Khê thì phải mau chóng đưa tấu chương cùng chính sự phó thác cho Thôi Thuật và các bậc nho học ở Tô gia. Diệp Lâm đã nghĩ đâu ra đó, cũng là bố trí chu toàn.
Tên nam nhân này đúng là muốn đem vạn dặm giang sơn ra làm trò đùa, xông xông xáo xáo mạo hiểm cải trang cùng nàng đi đến Miêu Nam Vương.
Lúc ban đầu biết những sắp xếp của Diệp Lâm, nói Tô Nghiêu không cảm động thì đó là nói dối. Nhưng khi cảm động qua đi thì nguyện vọng nhất định phải sống của mình phát ra càng mãnh liệt.
Ngày mười hai tháng mười hai năm đó, rốt cuộc đội nghi trượng chậm rãi của Thiên tử đã đến Bình Khê, nơi Tô thị phải gấp rút tu sửa hành cung trong vườn.
Tô lão tiên sinh đã lánh đời nhiều năm đích thân ra cửa nghênh đón, tạo cho Diệp Lâm một phen vinh hạnh đặc biệt. Chắc hẳn bậc thanh liêm trong thiên hạ sau này sẽ càng thêm kính trọng Thiên tử cao cao tại thượng này, cũng đặt một nền tảng tư tưởng tốt cho chính sách cải cách sau này của Diệp Lâm. Đây cũng là kế sinh ra làm quan, sinh ra làm Hoàng hậu, Tô gia lại một lần nữa phá bỏ nguyên tắc mà mấy đời đã tuân thủ nghiêm ngặt, lấy phong thái hoan nghênh để tiếp đón Hoàng thất.
Nhưng trong lòng Diệp Lâm dường như cũng sáng tỏ như gương, biết việc Tô lão tiên sinh đích thân ra ngoài không phải đơn giản chỉ vì xem trọng hắn, có thể được Tô lão tiên sinh đón chào chưa bao giờ là Diệp Lâm hắn, mà là bởi vì thân xác của vị nữ tử bên người hắn – người mà Tô lão tiên sinh ngưỡng mộ nhất, thậm chí ngày trước còn không muốn triệu về Trường Ninh, chính là tôn nữ Tô Dao.
Nghe nói Tô Dao thông minh dị thường, cá tính lại cực kỳ trong sáng hoạt bát, được Tô lão tiên sinh yêu thương nhất, từ nhỏ đã nói rất nhiều đạo lý cho nàng nghe, cũng chính vì mưa dầm thấm đất lâu ngày mới hun đúc ra một Tô Dao tính tình cương liệt như vậy, cuối cùng lại dẫn đến bi kịch. Bởi vậy, đối với việc một mình đến gặp Tô lão tiên sinh, đáy lòng Tô Nghiêu vừa sợ hãi vừa kháng cự.
Tô gia ngụ tại một khoảng đất lớn ở Bình Khê, dựa sát vào sông, phong cảnh mỹ lệ, giống như chốn bồng lai tiên cảnh xa xưa, vừa trong lành vừa yên tĩnh. Ở phía sau núi Tô gia, nơi Tô lão tiên sinh ẩn cư có một hồ nước, tĩnh lặng như tấm kính trên trời giáng xuống, mặt nước phản chiếu sắc trời tạo thành một màu xanh khó phân biệt, chính là nơi khi còn bé Tô Dao thích chơi đùa nhất. Tô Nghiêu và Diệp Lâm ở lại Bình Khê ổn định cục diện hơn mười ngày, trước khi ra đi đã có một cuộc nói chuyện dài với Tô lão tiên sinh.
Tô Nghiêu không biết rốt cuộc Tô lão tiên sinh và Diệp Lâm đã nói với nhau chuyện gì, nhưng nàng nhớ rất rõ lúc Tô lão tiên sinh đầu bạc râu hùm, tinh thần quắc thước lần đầu tiên nhìn thấy Tô Nghiêu, ông lão mắt sáng như đuốc, kiến thức sâu rộng này liền không chút do dự mà nói, “Ngươi không phải là A Dao.”