Các Hung Thần Lên Cơn Khát - Chương 08
VIII
Buổi chiều trước ngày lễ, một buổi chiều yên tĩnh, trong sáng, Élodie và Évariste khoác tay nhau đi dạo trên Quảng trường Liên hiệp. Các công nhân vừa vội vã dựng xong các cột, tượng, đền, một quả núi và một bàn thờ. Những biểu tượng cực lớn như thần Hercule vung chùy, như Thiên nhiên đang nuôi cả vũ trụ bằng bầu vú vô tận, vươn lên sừng sững giữa thủ đô đang sống trong cảnh đói kém, khủng bố, đang nghe thấy từ hướng Meaux vọng lại tiếng đại bác ì ầm của quân Áo. Vùng Vendée đã sửa lại thất bại trước thành phố Nantes bằng những chiến thắng vang dội. Một vòng đai thép, lửa và hận thù vây quanh đô thành cách mạng. Nhưng đô thành như vị chúa tể một đế quốc vĩ đại vẫn đón tiếp thật long trọng các đại biểu hội đồng địa phương đã công nhận hiến pháp. Chủ nghĩa liên bang bị đánh bại: chế độ Cộng hòa là một và không thể chia cắt, nó sẽ tiêu diệt mọi kẻ thù.
Chỉ vào một khu đông dân chúng, Évariste nói:
“Chính ở đó ngày 17 tháng bảy năm 91, tên khốn kiếp Bailly đã cho nã súng vào nhân dân đang tụ tập dưới chân bàn thờ Tổ quốc. Anh lính pháo thủ Passavant chứng kiến cuộc tàn sát đã trở về nhà xé quần áo rồi kêu to: “Tôi đã thề sẽ bảo vệ tự do cho đến chết, nay tự do không còn, tôi xin chết.” Thế rồi anh tự bắn vào đầu.”
Một số nghệ sĩ và nhà tư sản đang đứng quan sát những việc chuẩn bị cho ngày lễ, trên mặt họ biểu lộ một tình yêu cuộc sống cũng tẻ nhạt như chính cuộc sống của họ: những sự kiện lớn lao nhất khi lọt vào trí óc họ cũng trở nên nhỏ bé, tầm thường. Mỗi cặp vợ chồng đi qua đều bế trên tay hay dắt theo những đứa trẻ không đẹp gì hơn cha mẹ chúng, không hy vọng gì sẽ sung sướng hơn, rồi chính chúng cũng sẽ lại sinh ra những đứa trẻ khác cũng tầm thường và kém cỏi như chúng. Thỉnh thoảng một thiếu nữ có nhan sắc đi tới làm cho mấy thanh niên thèm muốn, khát khao và mấy ông già luyến tiếc cuộc đời nhàn hạ không còn trở lại.
Gần trường Võ bị, Évariste chỉ cho Élodie xem những bức tượng Ai Cập do David vẽ kiểu theo các mẫu La Mã thời đại Auguste. Đúng lúc đó họ nghe thấy một người dân Paris có tuổi kêu lên:
“Người ta cứ tưởng đang đứng trên bờ sông Nile.”
Đã ba hôm nay Élodie không gặp bạn; có những sự việc nghiêm trọng đã xảy ra ở tiệm Tình yêu họa sĩ. Công dân Blaise bị tố cáo trước Ủy ban An ninh về tội gian lận trong việc cung cấp vật liệu. May mà ở phân khu có nhiều người biết ông. Ủy ban Thanh tra phân khu Giáo mác đã đứng ra bảo đảm tinh thần yêu nước và minh oan cho ông trước Ủy ban An ninh.
Sau khi xúc động kể lại câu chuyện, Élodie nói thêm:
“Bây giờ hai cha con em đã yên tâm, nhưng đúng là một cuộc báo động đáng sợ. Chỉ một ly nữa là cha em bị tống giam. Nếu tình hình nguy hiểm kéo dài thêm vài giờ, chắc em đã đến đề nghị anh vận động các bạn bè có thế lực để cứu cha em.”
Évariste không trả lời. Élodie thực không thể đoán ra được ý nghĩa sâu sắc của sự im lặng đó.
Họ vẫn nắm tay đi dọc bờ sông Seine, thủ thỉ với nhau những lời ân ái theo cách nói của Julie và Saint-Preux: ông Jean-Jacques tốt bụng đã giúp họ diễn tả và tô điểm tình yêu của họ.
Tòa thị chính đã thực hiện điều kỳ diệu là tạo được cảnh phồn vinh trong một ngày tại thành phố đang thiếu đói này. Một phiên chợ được tổ chức ở quảng trường Viện Phế Binh trên bờ sông. Tại các lán có bày bán đủ loại xúc xích, dồi, giăm bông, bánh ngọt kiểu Nantes, bánh crepe, bánh mì nặng tới bốn livre, nước chanh, rượu vang… Cũng có những tiệm bán các bài ca yêu nước, phù hiệu, băng tam tài, túi đựng tiền, dây đeo bằng đồng thau và những đồ trang sức lặt vặt. Dừng lại trước gian trưng bày của một thợ kim hoàn, Évariste chọn một chiếc nhẫn bạc có chạm nổi đầu Marat quấn khăn phu la. Và anh lồng nhẫn vào ngón tay người yêu.
***
Tối hôm đó Gamelin đến nhà nữ công dân Rochemaure ở phố Cây Khô; chị triệu anh đến có việc gấp. Anh thấy chị đang ở phòng ngủ, nằm trên một chiếc ghế dài trong bộ đồ hở hang.
Dáng điệu nữ công dân thực uể oải, phóng đãng, chung quanh chị toàn những thứ gợi lên vẻ duyên dáng, những thú vui, tài lẻ của chị: một chiếc đàn hạc gần chiếc dương cầm mở nắp, một ghi ta trong chiếc ghế bành, một khung thêu với mảnh sa tanh; trên bàn một tiểu họa vẽ dở rồi giấy, rồi sách…, một tủ sách lộn xộn như bị đẩy xộc xệch bởi bàn tay đẹp của một người muốn biết nhiều hơn là cảm thụ. Chị chìa tay cho anh hôn rồi nói:
“Chào anh, công dân hội thẩm!… Ngày hôm nay ông Robespierre-anh đã chuyển cho tôi một bức thư giới thiệu anh với ông Chánh án Herman; bức thư rất hay, đại ý: “Tôi giới thiệu với ông công dân Gamelin, một người đáng tin cậy về tài năng cũng như tinh thần yêu nước. Tôi thấy có nghĩa vụ phải nói anh ta làm việc có nguyên tắc và có thái độ vững vàng theo đúng đường lối cách mạng. Mong ông không bỏ lỡ cơ hội để tỏ ra có ích đối với một người Cộng hòa.” Tôi vội đem ngay thư đến gặp ông chánh án; ông đã tiếp tôi với thái độ lịch sự tuyệt vời và ký ngay giấy bổ nhiệm anh. Việc coi như xong.”
Gamelin im lặng một lát rồi nói:
“Thưa nữ công dân, mặc dầu không có lấy một miếng bánh mì để nuôi mẹ, tôi vẫn lấy danh dự thề rằng tôi nhận nhiệm vụ hội thẩm chỉ là để phục vụ nền Cộng hòa và chống lại các kẻ thù của chế độ.”
Nữ công dân nhận ngay thấy vẻ lạnh nhạt của lời cảm ơn và tính chất hơi quá nghiêm trang trong câu nói. Chị nghĩ Gamelin thiếu tế nhị nhưng vì quá yêu tuổi trẻ nên chị sẵn sàng bỏ qua. Gamelin đã đẹp trai lại có tài. “Rồi mình sẽ uốn nắn anh ta”, chị nghĩ. Rồi chị mời anh thỉnh thoảng tới dùng bữa tối: tối nào chị cũng tiếp khách sau khi ở nhà hát về.
“Anh sẽ gặp ở nhà tôi những người thông minh, tài giỏi: Elleviou, Talma, công dân Vigée, người có thể ứng khẩu đọc những bài thơ nho nhỏ khéo léo ít ai bì. Công dân François đã đọc ở đây vở Pamela, hiện đang được diễn tập tại Nhà hát Quốc gia, bút pháp thực trong sáng đúng như trong bất cứ tác phẩm nào ông ta viết. Vở kịch thực cảm động, ai nghe cũng phải khóc. Nữ diễn viên Lange sẽ đóng vai Paméla.”
“Tôi tin ở nhận xét của bà, thưa nữ công dân, Gamelin trả lời. Nhưng Nhà hát Quốc gia ít tính quốc gia quá. Đáng tiếc cho François là các tác phẩm của ông lại được đem trình diễn tại một sân khấu đã bị uế tạp vì những câu thơ ti tiện của Laya: người ta chưa quên vụ bê bối chung quanh vở Người bạn của Luật pháp.”
“Công dân Gamelin, anh muốn nghĩ sao về Laya tùy ý: ông ta đâu có là bạn tôi.”
Không phải chỉ vì lòng tốt đơn thuần mà nữ công dân đã dùng ảnh hưởng của mình để người ta chỉ định Gamelin vào một chức vụ làm nhiều người ghen tị. Qua việc chị đã làm cho anh và những gì chị còn có thể làm cho anh về sau, chị hy vọng sẽ thu phục được anh, bảo đảm một chỗ dựa khi thần công lý một ngày nào đó rờ đến chị. Thực vậy, chị đã viết, đã gửi rất nhiều thư từ ở trong nước và ra nước ngoài, mà thư từ như vậy vào lúc này, thực dễ làm người ta ngờ vực.
“Anh có hay đi xem hát không, công dân?”
Đúng lúc đó chàng long kỵ binh đẹp hơn thiên đồng bước vào, hai khẩu súng ngắn thực lớn đeo trễ thắt lưng.
Anh hôn bàn tay nữ công dân xinh đẹp, và chị nói:
“Vì cái anh công dân Évariste Gamelin này tôi đã mất cả một ngày ở Ủy ban An ninh chung, thế mà anh ta cũng không thèm cảm ơn tôi nữa. Anh hãy phê bình anh ta thử coi.”
“Chao ôi! Anh quân nhân nói lớn, thế là bà đã gặp các vị lập pháp ở điện Tuileries. Cảnh tượng mới não lòng làm sao! Thử hỏi các đại biểu của dân tự do có nên hội họp dưới cái trần nhà đắp hoa văn của tên vua chuyên chế không? Cùng những cây bạch lạp trước kia được đốt lên trong khi Capet* âm mưu gây loạn và Antoinette chơi bời trác táng, nay lại chiếu sáng những buổi làm việc thâu đêm của các nhà lập pháp chúng ta. Trời đất cũng phải rùng mình trước cung cách làm ăn như vậy.”
Capet: là tên đặt cho vua Louis XVI trong thời cách mạng Pháp. Vì Louis XVI bị xử tử ngày 21-1-1793 nên vợ vua là Marie Antoinette được gọi là quả phụ Capet.
“Anh bạn, anh hãy chúc mừng công dân Gamelin, anh ta vừa được cử làm hội thẩm Tòa án Cách mạng.”
“Xin có lời khen anh, công dân! - Henry nói. - Tôi thực sung sướng thấy một người như anh được giao chức vụ đó. Nhưng nói thực tôi không tin bao nhiêu vào thứ công lý theo trình tự, do bọn ôn hòa trong Quốc ước đặt ra, vào ông Thần công lý nhu nhược dung túng bọn âm mưu, nể nang lũ phản quốc, không dám trừng phạt bọn liên bang, không dám đưa con mụ người Áo ra trước vành móng ngựa! Không, Tòa án Cách mạng không thể cứu nổi chế độ Cộng hòa. Trong tình thế tuyệt vọng của chúng ta, bọn họ đều chịu trách nhiệm về việc đã ngăn cản nhân dân đang muốn tự mình thi hành công lý.”
“Henry, - nữ công dân Rochemaure lên tiếng, - anh đưa cho tôi cái chai…”
***
Khi trở về nhà, Gamelin thấy mẹ và ông già Brotteaux đang chơi bài piquet dưới ánh sáng tù mù của một ngọn nến tỏa đầy khói. Bà công dân khoái chí hô: “Ba con tây đây.”
Nghe tin con trai được bổ nhiệm hội thẩm, bà phấn khởi ôm hôn con, nghĩ ngay đây là vinh dự lớn cho cả hai mẹ con và từ nay cả hai ngày nào cũng được no đủ.
“Mẹ rất sung sướng và tự hào được là mẹ một ông hội thẩm. Công lý là điều rất đẹp đẽ, rất cần thiết: không có công lý, kẻ thấp cổ bé họng luôn luôn bị phiền hà. Mẹ tin con sẽ xét xử công bằng, con của mẹ, vì ngay từ khi con còn bé tí, con đã công bằng và tốt trong mọi hoàn cảnh. Con không chịu đựng được bất công và lúc nào con cũng làm mọi cách để chống bạo lực. Con thương những người đau khổ và đó là đức tính tốt nhất của một quan tòa… Nhưng này, con cho mẹ biết con sẽ ăn mặc như thế nào ở một tòa án lớn như vậy.”
Gamelin trả lời là thẩm phán thì đội mũ có cắm lông đen nhưng hội thẩm không có đồng phục, vẫn mặc quần áo như bình thường.
Nữ công dân đáp lại:
“Dù sao cũng nên mặc áo chùng, đeo tóc giả, như vậy có vẻ đáng kính nể hơn. Con thường ăn mặc cẩu thả, nhưng vì con bảnh trai nên trông vẫn đẹp. Nhưng phần đông người ta cần có cái gì trang sức để thêm vẻ bệ vệ, các hội thẩm nên mặc áo chùng, đeo tóc giả thì hơn.”
Bà đã nghe nói là chức vụ hội thẩm ở tòa án cũng có bổng lộc, nhưng không hiểu có đủ để sống lương thiện không vì dù sao một ông hội thẩm cũng không thể ăn ở bê bối được.
Bà hài lòng khi biết các hội thẩm đều được phụ cấp mười tám livre một phiên xử, mà hiện nay có rất nhiều tội ác chống an ninh quốc gia nên chắc Tòa án sẽ phải họp nhiều.
Ông già Brotteaux thu các con bài, đứng lên và nói với Gamelin:
“Công dân ạ, anh vừa được bổ nhiệm vào một nhiệm kỳ tòa án tôn nghiêm và đáng sợ. Anh cho phép tôi được chúc mừng là anh sẽ có dịp sử dụng sự sáng suốt của lương tâm mình vào một thứ tòa án có lẽ chắc chắn hơn, ít sai hơn những tòa án khác vì tòa án mới không tìm kiếm cái thiện và cái ác vì bản thân thiện, ác, mà tìm kiếm cái thiện và cái ác đối chiếu với những quyền lợi cụ thể, những tình cảm rõ ràng. Các anh sẽ chọn giữa yêu thương và thù hận, một điều có thể thực hiện nhanh chóng và dễ dàng, chứ không phải chọn giữa chân lý và sai lầm là điều không thể thực hiện bằng trí tuệ non kém của con người. Xét xử bằng con tim, các anh không hề sai lầm vì bản án chắc chắn đạt yêu cầu khi thỏa mãn được tính đam mê là đạo luật thiêng liêng đối với các anh. Nói chơi thế thôi, chứ nếu tôi là chánh án, tôi sẽ bắt chước anh chàng Bridoie* tung quân xúc xắc lên để xem nên xét xử thế nào. Về phương diện công lý, làm như vậy là chắc chắn nhất.”
Bridoie là một nhân vật giữ chức vụ quan tòa trong tác phẩm “Pantagruel” của Rabelais. Ông thường tung xúc xắc để xử án.