Các Hung Thần Lên Cơn Khát - Chương 29
XXIX
Sông Seine chảy cuồn cuộn kéo theo những tảng băng của tháng Tuyết*. Các hồ ở vườn Tuileries, các suối, các lạch đều đông cứng. Trên các đường phố gió bấc thổi tung những lớp sương giá. Mấy con ngựa phì phò thở ra những đám hơi trắng; các thị dân đi lại trên đường đều nhìn chiếc nhiệt kế gắn trước mấy cửa hàng bán kính. Tại tiệm Tình yêu họa sĩ, một anh làm công đang lau hơi nước bám vào các ô kính trong khi những kẻ tò mò ngắm những bức tranh in tay đang được hâm mộ: hình Robespierre vắt một trái tim như vắt chanh trên một chiếc ly để uống máu, và những bức họa phúng dụ lớn như “Chế độ hổ báo của Robespierre”: toàn những rắn độc, những mãng xà, những quái vật khủng khiếp mà tên bạo chúa đã để cho hoành hành trên đất Pháp. Người ta cũng thấy các bức: “Âm mưu ghê tởm của Robespierre”, “Robespierre bị bắt”, “Cái chết của Robespierre”.
Tháng thứ tư theo lịch Cách mạng, khoảng tháng mười hai, tháng một dương lịch.
Hôm đó, sau bữa ăn trưa, Philippe Desmahis cắp chiếc cặp bìa cứng bước vào tiệm đưa cho Jean Blaise xem bản khắc chấm “Robespierre tự sát” anh vừa hoàn thành. Lưỡi dao khắc đã mạnh mẽ mô tả Robespierre cực kỳ gớm ghiếc. Rõ ràng nhân dân Pháp chưa cảm thấy chán ngán với những bức họa ghi lại sự ô nhục và khủng khiếp của con người bị gán cho mọi tội ác của cách mạng. Tuy nhiên nhà buôn tranh in tay rất nhạy bén về thị hiếu quần chúng cũng báo cho Desmahis biết là từ nay ông sẽ nhờ anh khắc những đề tài quân sự.
“Bây giờ ta cần những chiến công, những cuộc chinh phục, cần gươm giáo, đuôi seo, tướng lĩnh. Ta đã bắt đầu tiến đến vinh quang. Tôi cảm thấy điều đó trong trái tim tôi, tim tôi đập dồn dập khi nghe người ta nói về các đạo quân anh dũng của ta. Và khi tôi cảm thấy điều gì thì rất ít khi người khác lại không cảm thấy như tôi. Bây giờ ta cần vẽ chiến sĩ và đàn bà, Thần Chiến Tranh và Thần Vệ Nữ.”
“Công dân Blaise ạ, ở nhà tôi còn ba, bốn bức họa của Gamelin trước đây ông đã đưa tôi khắc, ông có cần gấp không?”
“Chẳng cần chút nào cả.”
“Nhân nói về Gamelin, hôm qua đi trên đại lộ Đền Đài tôi thấy ở một tiệm bán đồ cũ dối diện với nhà ông Beaumarchais, tất cả các bức họa của anh chàng khốn khổ này. Có cả bức “Oreste và Électre”. Cái đầu Oreste, na ná giống Gamelin, trông thực đẹp, tôi bảo đảm với ông… cả những cánh tay nữa… ông chủ tiệm nói ông sẵn sàng bán những bức họa đó cho các họa sĩ để họ vẽ đè lên trên. Cái anh chàng Gamelin khốn khổ! Chắc anh ta sẽ là một tài năng bậc nhất nếu không xoay ra làm chính trị.”
“Hắn có tâm hồn của một tên tội phạm! - Công dân Blaise đáp. - Tôi đã vạch mặt hắn ngay ở đây, khi bản năng khát máu của hắn chưa bộc lộ ra. Hắn không dung tha tôi… Đúng là một tên vô lại.”
“Anh ta thực đáng thương! Anh ta thành thực, chính bọn cuồng tín đã làm hại anh ta.”
“Desmahis, tôi không nghĩ là anh định bênh vực hắn!… Ai mà có thể bênh vực hắn được!”
“Vâng, công dân Blaise, không thể bênh anh ta được.”
Blaise vỗ vai chàng Desmahis đẹp trai.
“Thời thế đã thay đổi. Bây giờ người ta có thể gọi anh là “Barbaroux” vì Quốc ước đâu còn chống lại những người trước đã bị lưu đày. À, tôi nghĩ ra rồi: Desmahis, anh hãy khắc cho tôi một hình Charlotte Corday.”
Một phụ nữ cao lớn, đẹp, da nâu, áo bằng lông thú, bước vào tiệm, kín đáo và thân mật chào công dân Blaise. Đó là Julie Gamelin nhưng bây giờ chị không mang cái tên nhục nhã đó nữa, chị tự xưng là “công dân quả phụ de Chassagne”. Dưới chiếc măng tô, chị mặc một áo dài đỏ để nhớ lại những chiếc sơ mi đỏ dưới thời khủng bố. Mới đầu Julie cảm thấy xa cách cô tình nhân của Évariste: Bất cứ cái gì có liên quan đến anh đều làm chị ghê tởm. Nhưng sau khi Évariste chết, nữ công dân Blaise đã mời bà mẹ đau khổ đến ở tầng trên cùng của cửa tiệm Tình yêu họa sĩ. Julie cũng đến ẩn náu ở đó rồi tìm lại được chỗ làm ở tiệm bán quần áo phố Lombards. Tóc hớt ngắn “kiểu nạn nhân”, dáng dấp quý phái, cảnh tang tóc, tất cả đều khiến chị được cảm tình của giới thanh niên giàu có. Gần như bị Rose Thévenin bỏ rơi, Jean Blaise mua quà tặng chị và chị không từ chối. Tuy nhiên Julie vẫn thích mặc quần áo đàn ông như khi còn sống những ngày bi thảm, chị cho may một bộ đồ bảo hoàng sang trọng; tay cầm một chiếc gậy lớn, chị thường cùng một chị bán y phục phụ nữ đến ăn tại phố Sèvres hay Médon. Không nguôi nỗi nhớ thương sau cái chết của người thanh niên mà chị mang tên, Julie chỉ tìm được nguồn an ủi trong những cơn giận dữ; mỗi khi gặp người Jacobin, chị thường khích động những người qua đường bằng những lời hô hào dọa giết, chị chẳng còn mấy thì giờ để săn sóc mẹ. Suốt ngày bà cụ ngồi trong phòng đọc kinh, quá ê chề vì cái chết thảm thương của con nên như không còn cảm thấy đau đớn nữa. Rose trở thành bạn thân của Élodie, người rõ ràng là sống rất hòa hợp với các bà mẹ ghẻ của mình.
“Élodie đâu?” nữ công dân de Chassagne hỏi.
Jean Blaise ra hiệu là ông không biết. Chẳng bao giờ ông để ý đến những việc làm của con gái: việc đó như đã trở thành một nguyên tắc sống của ông.
Julie đến rủ Élodie tới thăm Thévenin ở phố Monceaux, nơi nữ nghệ sĩ này có một ngôi nhà nhỏ với một mảnh vườn thiết kế theo kiểu Anh.
Ở nhà tù Conciergerie, Thévenin quen biết một người chuyện cung cấp vật phẩm cho quân đội là công dân Montfort. Ra khỏi ngục, chị nhờ Jean Blaise vận động để công dân Montfort cũng được trả tự do. Liền sau đó, ông này lại tiếp tục cung cấp thực phẩm cho quân đội và đầu cơ mua đất ở khu vườn ươm. Các kiến trúc sư Ledoux, Olivier và Wailly giúp ông xây ở đó những ngôi nhà xinh xắn và chỉ trong ba tháng, giá khu đất đã tăng ba lần. Sau đó Montfort trở thành người tình của Thévenin: ông mua cho chị một biệt thự nhỏ gần quảng trường Tivoli và phố Rocher. Ngôi nhà rất đắt nhưng Montfort đâu có mất gì vì tiền bán những miếng đất kế cận cũng đã lớn hơn gấp bao nhiêu lần số vốn ông bỏ ra. Jean Blaise là con người rất biết lui tới; ông thấy mình phải chấp nhận những gì không thể tránh được: ông nhường Thévenin cho Montfort mà không đôi co, giận dữ gì cả.
Chỉ một lúc sau khi Julie tới, Élodie trang điểm xong đi xuống cửa hàng. Mặc dù trời lạnh, dưới chiếc măng tô chị chỉ mặc một chiếc áo dài trắng; mặt chị đã xanh đi, cặp mắt lờ đờ, thân hình mảnh đi, chan chứa dục tình.
Hai người đi tới nhà Thévenin, có Desmahis đi cùng: cô nghệ sĩ muốn hỏi ý kiến anh về việc trang hoàng ngôi nhà sang trọng, còn anh thì yêu Élodie lúc này đã gần như không còn muốn bắt anh phải chịu đau khổ thêm nữa.
Khi đi gần tới Monceaux, qua một nơi chôn vùi dưới lớp vôi đầy xác những người bị hành hình ở quảng trường Cách Mạng, Julie nói:
“Trời lạnh thì không sao; nhưng đến mùa xuân, mùi ở đây bốc ra chắc sẽ đầu độc một nửa thành phố.”
Thévenin tiếp hai bạn trong một phòng khách kiểu xưa, các tràng kỷ, ghế bành đều do David vẽ kiểu, những phù điêu La Mã bằng đá chạm treo đầy tường, phía trên các pho tượng, các tượng bán thân, những bộ đèn nến sơn bằng đồng thanh. Chị mang một bộ tóc giả loăn xoăn màu vàng nhạt. Thời đó tóc giả rất được ưa chuộng; trong các đồ sính lễ, người ta để tới sáu, mười hai hay mười tám bộ. Một chiếc áo dài “kiểu hở ngực” bó sát người chị.
Khoác vội chiếc măng tô lên người, chị dẫn hai bạn gái và chàng nghệ sĩ chạm khắc ra khu vườn do Ledoux vẽ kiểu, lúc này vẫn còn là một mớ hỗn độn những cây trơ trụi và vật liệu linh tinh. Tuy vậy chị cũng chỉ cho khách xem cái động Fingal, một nhà thờ kiểu Gô-tích nhỏ có cái gác chuông, một ngôi đền, một dòng suối.
“Ở đó, chị nói khi chỉ một cụm thông, tôi sẽ cho xây một ngôi mộ giả để tưởng niệm ông Brotteaux des Ilettes bất hạnh, người rất có cảm tình với tôi. Ông ta rất dễ thương. Lũ quái vật đã cắt cổ ông khiến tôi vô cùng đau xót. Desmahis, xin anh khắc cho tôi một bình di cốt trên một cây cột.”
Nhưng chị nói tiếp ngay:
“Thực đáng buồn… tuần này tôi muốn tổ chức một buổi khiêu vũ, nhưng các tay violon đều có nơi mời trước cả ba tuần rồi. Tối nào người ta cũng khiêu vũ ở nhà nữ công dân Tallien.”
Sau bữa ăn tối, xe của Thévenin đưa cả ba chị em và chàng Desmahis đến nhà hát Feydeau. Tất cả những gì thanh lịch nhất ở Paris đều quy tụ ở đây. Phụ nữ chải tóc theo kiểu xưa hay “kiểu nạn nhân”, áo dài hở cổ, màu tía hay trắng có trang kim vàng; nam giới, cổ áo rất cao, màu đen, cà vạt rộng màu trắng che khuất cả cằm.
Tờ áp phích giới thiệu vở “Phèdre và con chó của người làm vườn”. Tất cả khán giả yêu cầu được nghe bài “Nhân dân đứng dậy” đang được phe bảo hoàng và giới thanh niên giàu có ưa thích.
Màn mở. Một người đàn ông to béo, lùn tịt xuất hiện trên, sân khấu: đó là ca sĩ lừng danh Lays, anh hát bằng giọng nam cao:
Nhân dân Pháp, nhân dân anh em!…
Tiếng vỗ tay vang dội nổi lên làm ngần vang những ngọn đèn chùm, có những tiếng thì thầm rồi từ dưới lầu tiếng một công dân đội mũ tròn hát đáp bài “Marseillaise”:
Đi lên, những người con của Tổ quốc!…
Nhưng tiếng hát chìm trong tiếng la ó; có nhiều người la lớn:
“Đả đảo bọn khủng bố! Giết hết bọn Jacobin!”
Lays được mọi người yêu cầu hát lại lần thứ hai bài ca của những người Thermidoriens*.
Nhóm đại biểu lật đổ Robespierre vào tháng Thermidor (tháng nóng).
Nhân dân Pháp, nhân dân anh em!…
Ở mọi nơi trình diễn đều có tượng bán thân Marat đặt trên một cây cột hay một cái bệ; ở nhà hát Feydau, tượng được gắn trên một cái bệ nhỏ, ở phía “Vườn”, sát bức tường cuối sân khấu.
Trong khi ban nhạc trình diễn phần mở đầu bản “Phèdre và Hippolyte” một chàng bảo hoàng ăn diện lấy đầu gậy chỉ bức tượng hô lớn:
“Đả đảo Marat!”
Cả phòng hùa theo:
“Đả đảo Marat! Đả đảo Marat!”
Và át cả tiếng ồn ào có những tiếng nói dõng dạc:
“Thực đáng, xấu hổ khi bức tượng còn đứng nguyên như vậy!”
“Tên Marat khốn kiếp vẫn còn ngự trị khắp nơi thực là một điều nhục nhã. Số tượng của tên này chắc cũng nhiều bằng số đầu người hắn muốn lôi ra chém.”
“Đồ cóc độc!”
“Đồ hổ dữ!”
“Đồ rắn đen!”
Đột nhiên một khán giả ăn mặc lịch sự trèo lên thành lô nơi y đang ngồi đẩy bức tượng đổ lăn kềnh. Thế là chiếc đầu thạch cao bể nát rơi lả tả xuống các nhạc công. Trong tiếng vỗ tay ầm ĩ, cả phòng bị kích động đứng lên đồng thanh hát bài “Nhân dân” đứng dậy:
Nhân dân Pháp, nhân dân anh em!…
Trong số những khán giả nhiệt tình nhất, Élodie nhận ra chàng long kỵ binh đẹp trai, thư ký quèn của một ông biện lý, chàng Henry, mối tình đầu của chị.
Sau buổi diễn, Desmahis gọi một chiếc xe ngựa đưa nữ công dân Blaise về tiệm Tình yêu họa sĩ.
Trong xe, chàng nghệ sĩ nắm bàn tay Élodie nói:
“Chị Élodie, chị có nghĩ là tôi yêu chị không?”
“Có chứ vì anh yêu tất cả phụ nữ.”
“Tôi yêu họ qua chị đấy.”
Chị mỉm cười:
“Tôi sẽ phải gánh một gánh quá nặng những bộ tóc giả đủ màu: đen, vàng, nâu đang rất thịnh hành nếu đối với anh tôi là tất cả các phụ nữ.”
“Élodie ạ, tôi xin thề…”
“Sao! Anh thề à, công dân Desmahis? Hoặc là anh quá ngây thơ, hoặc anh tưởng tôi như vậy.”
Desmahis không tìm ra câu trả lời, còn chị thì tự hào là mình đã làm anh chàng cứng lưỡi.
Ở góc phố Luật Pháp, hai người nghe thấy nhiều tiếng hát, tiếng la, trông thấy nhiều bóng người nhốn nháo quanh một đống lửa. Đó là một nhóm những kẻ ăn diện vừa ở nhà hát Pháp quốc ra đang đốt một hình nộm của Người-Bạn-dân. Tới phố Honoré, anh đánh xe lấy chiếc mũ chào mào đập nhẹ vào một hình nhân chớt nhả Marat treo trên cột đèn.
Anh đánh xe khoái chí quay lại nhìn mấy nhà tư sản rồi kể cho họ chuyện tối hôm trước bác bán lòng heo ở phố Montorgueil lấy máu bôi bê bết lên đầu Marat rồi nói: “Nó thích cái thứ đó đấy”, bọn con trai chín mười tuổi ném tượng bán thân của ông ta xuống cống còn các công dân đứng xem thì kêu ầm lên: “Đấy, lăng tẩm của nó đấy!”
Trong lúc đó ở tất cả các quán rượu, các tiệm giải khát, người ta vẫn hát:
Nhân dân Pháp, nhân dân anh em!…
Tới tiệm Tình yêu họa sĩ, Élodie nhảy xuống xe nói:
“Thôi vĩnh biệt.”
Nhưng Desmahis khẩn khoản nằn nì thật ngọt ngào, âu yếm nên chị không đủ can đảm bỏ anh ở ngoài cửa.
“Đã khuya rồi, - chị nói, - anh chỉ ở lại một lát thôi nhé.”
Trong căn phòng màu xanh, chị cởi áo măng tô để lộ chiếc áo dài trắng kiểu cổ bó sát người.
“Có lẽ anh lạnh, - chị nói. - Để em đốt lửa, có sẵn cả rồi.”
Chị bật diêm ném vào lò.
Philippe ôm lấy chị, mềm mỏng nhưng cũng vô cùng rắn rỏi, và chị cảm thấy một vị ngọt ngào kỳ lạ. Nhưng khi đã khuỵu xuống dưới cái hôn của anh, chị lại gỡ tay anh ra:
“Để em.”
Chị từ từ gỡ đầu trước tấm gương trên lò sưởi, rồi buồn bã nhìn chiếc nhẫn đeo ở ngón tay áp út, một chiếc nhẫn nhỏ bằng bạc có khắc khuôn mặt đã mòn, đã bẹp gí của Marat trông không còn nhận ra được nữa. Chị nhẹ nhàng tháo nhẫn vứt vào ngọn lửa.
Thế rồi vừa cười, vừa khóc, đẹp hẳn lên vì yêu thương, hoan lạc, chị ngã vào cánh tay Philippe.
Đêm đã khuya lắm, lúc nữ công dân Blaise mở cửa phòng cho người tình về. Chị thì thầm trong bóng tối:
“Vĩnh biệt, anh yêu… Bây giờ cha em chắc sắp về. Nếu anh nghe thấy tiếng động ở cầu thang, anh hãy trèo nhanh lên lầu trốn và đợi khi nào không còn gì nguy hiểm nữa hãy trở xuống. Muốn cho bà gác cổng mở cửa ra đường, anh cứ gõ ba tiếng, vào cửa sổ. Vĩnh biệt nhé, cuộc đời em! Linh hồn em!”
Những ngọn củi cuối cùng còn lấp lánh trong lò. Sung sướng và mệt mỏi, Élodie ngả đầu trên gối.