Cây Chuối Non Đi Giày Xanh - Chương 2-09
Chú tiểu Khôi dẫn tôi vô phòng học nhỏ của chú nằm phía sau chánh điện. Trước ánh mắt tò mò của tôi, chú lôi từ trong ngăn kéo một xấp tranh lần lượt bày ra bán. Toàn tranh Phật vẽ bằng màu nước.
-Chú vẽ hả?
-Ờ.
-Đẹp quá há. Tôi đâu có biết chú vẽ đẹp như vậy.
-Sư thầy dạy tôi vẽ đó.
Từ hôm đó gần như ngày nào tôi cũng chạy qua chùa Giác Nguyên xem chú tiểu Khôi vẽ tranh.
Hè này tôi chẳng có bạn nên cứ đeo lấy chú. Nhó Thắm đã về quê ngoại. Nhỏ Ngọc theo anh Thắng và cô Sa vô Sài Gòn. Anh Thắng sau khi lấy vợ, đã đem cô Sa của tôi đi mất. Còn đem cả nhỏ Ngọc đi theo, lần này chắc nhỏ Ngọc chuyển trường vô luôn trong đó. Thằng Phan ở tuốt dưới ngã ba Cây Cốc. Nó ở nhà phụ ba mẹ chăn bò, cắt cỏ, làm đồng, mười ngày nửa tháng mới thấy ló mặt lên thị trấn một lần.
Riêng thằng Định và thằng Trí thì tôi đã nghỉ chơi với tụi nó mấy tháng nay rồi. Năm ngoái tại hai thằng này mà tôi suýt bị hàm oan. Dạy văn năm lớp Tám của bọn tôi là thầy Vỹ. Thầy dạy hay, chơi bóng bàn cũng hay. Tôi học môn văn của thầy không lấy gì làm khá nhưng nhờ tôi chơi bóng bàn nên thầy rất cưng tôi. Bàn bóng kê trong hội trường, hằng ngày chỉ có giáo viên chơi với nhau, bọn học trò chỉ bu chung quanh đứng xem. Nhưng mỗi khi thấy mặt tôi là thầy Vỹ vui vẻ ngoắt tay:
-Đăng, vô chơi với thầy vài ván xem đi!
Thầy Vỹ khoái tôi còn vì tôi thích đọc truyện trinh thám giống như thấy. Một lần ghé nhà thầy chơi, mắt tôi sáng rỡ khi phát hiện phòng trọ của thầy có nguyên một tủ truyện trinh thám. Thế là tôi rụt rè hỏi mượn.
Truyện trinh thám lắt léo ly kỳ không thua gì truyện kiếm hiệp, đã cầm lên khó mà buông xuống. Cứ vài ba ngày tôi ngốn hết một cuốn. Xong lại đem đến nhà trọ thầy đổi lấy cuốn khác. Từ ngày bị cấm đến tiệm cho thuê truyện của chú Lãm, tôi rầu rĩ như Alibaba bị cấm bén mảng đến kho báu. Nhưng cuộc sống dù sao cũng không đến nỗi quá khắc nghiệt: kho truyện trinh thám của thầy Vỹ đã hiện ra trước mắt tôi như một pháp màu.
Thầy Vỹ người Vĩnh Điện, đã có vợ. Hai vợ chồng thầy người nào cũng bé như chim chích. Chuyển đi dạy học ở đâu, thầy cũng đem vợ theo. Thầy đến lớp, vợ thầy ở nhà đi chợ, giặt đồ, nấu ăn. Tôi chưa thấy đôi vợ chồng nào cười nói ríu rít suốt ngày như vợ chồng thầy. Bao giờ ngắm thầy và cô vui vẻ trêu chọc nhau tôi cũng mỉm cười nghĩ đến câu "quấn quýt như vợ chồng son".
Đôi vợ chồng son đó, chuyện gì cũng tuyệt. Chỉ có một khuyết điểm nho nhỏ: Khi ngủ trưa, cả hai không bao giờ đóng cửa sổ, chỉ giăng một tấm rèm mỏng, có lẽ do trời quá nóng. Cửa sổ phòng ngủ của vợ chồng thầy lại quay ra đường, thế mới sinh chuyện. Thoạt đầu, tôi thường ghé nhà thầy để đổi truyện vào buổi trưa. Nhưng rồi một lần tôi đến vào lúc thầy đang ngủ. Rèm cửa sổ gió thổi lất phất và qua khe hở của tấm rèm thấy vợ chồng thầy đang ngủ say trên giường. Cả hai vóc dáng đều nhỏ nhắn nên trông như hai đứa trẻ đang ôm nhau trong giấc mơ.
Nhưng chỉ thế thôi cũng đủ làm tôi đỏ mặt, lặng lẽ ôm sách ra về.
Tôi không biết bằng cách nào thằng Định cũng phát giác điều đó. Nó rủ thằng Trí mò đến rình xem vợ chồng thầy ngủ. Tất nhiên tôi hoàn toàn không hay biết trò mất dạy của hai đứa này. Chỉ đến khi thầy Vỹ kể lại, tôi mới tá hỏa. Lần đó, Định và Trí nấp sau tấm rèm cười hí hí khiến thầy thức giấc. Nhưng khi thầy xô cửa bước ra thì hai đứa bỏ chạy mất. Thầy không nhìn thấy thủ phạm nhưng đôi dép bỏ lại bên cửa sổ nhà thầy là...đôi dép của tôi.
Đó là đôi dép tôi bị mất cắp trước đó một tuần. Hóa ra kẻ cắp chính là thằng Định và rõ ràng nó đã tính toán sẵn. Nó không thường xuyên mang đôi dép đánh cắp nên tôi không hề nghi ngờ nó.
Chỉ khi đi "gây án" thì nó mới cố tình xỏ đôi dép của tôi để lỡ có bề gì sẽ dễ dàng giá họa. Thầy Vỹ chẳng lạ gì đôi dép của tôi vì tôi thường xuyên ghé chơi nhà thầy. Hơn nữa, đó là đôi dép khá đặc biệt: Nó là đôi dép nhựa có quai màu vàng nhưng một bên quai bị đứt được tôi quấn lại bằng dây kẽm. Thầy Vỹ có lần bảo tôi:
-Sao em không mua đôi dép mới mà đi? Đi đôi dép này đau chân lắm đó em!
Đôi dép đó, sau khi nhặt được, thầy Vỹ đem cất trong nhà, thầy không nói gì về chuyện đó, chỉ có ánh mắt thầy nhìn tôi có vẻ là lạ. Tất nhiên là tôi vẫn không nhận ra sự khác thường đó. Và hai hôm sau tôi vẫn thản nhiên ghé nhà thầy đổi truyện.
Sau khi đưa sách cho tôi, thầy cúi xuống gầm giường lôi đôi dép sứt quai chìa ra trước mặt:
-Em cầm đôi dép về đi!
Tôi cầm lấy đôi dép, mắt trố lên:
-Ủa, ở đâu thầy có đôi dép của em vậy thầy?
Thầy Vỹ lạnh nhạt:
-Dép của em mà em không biết nó ở đâu à?
-Dạ, tuần trước tụi em chia phe chơi đá bóng ở sân trường Bồ Đề, không biết đứa nào lấy mất đôi dép của em
Tôi nhìn xuống chân:
-Mẹ em phải mua cho em đôi dép mới nè thầy.
Thầy Vỹ nhìn tôi săm soi, trông thầy lúc này y hệt các thám tử trong tủ truyện của thầy:
-Em nói thiệt không đó?
-Dạ thiệt. Em đâu có dám nói dối thầy.
Vẻ mặt thành thật của tôi đã thuyết phục thầy Vỹ. Có lẽ thầy không tin đứa học trì cưng của thầy lại dám lừa thầy, còn đủ gan quay trở lại nhà thầy mượn truyện sau khi đã gây ra một tội tày đình như thế.
Thầy đặt tay lên vai tôi, dịu dàng:
-Thôi, em về đi!
Thầy Vỹ bảo tôi về nhưng tôi vẫn nấn ná. Tôi ngước nhìn thầy ngập ngừng hỏi:
-Thầy lấy đôi dép này ở đâu vậy thầy? Em thắc mắc quá!
Thầy Vỹ có vẻ không muốn tiết lộ câu chuyện chẳng hay ho gì đó. Nhưng thầy cũng không muốn tôi ôm khư khư câu hỏi to tướng trong lòng nên cuối cùng thầy đành thở dài thuật đầu đuôi sự việc nên cuối cùng thầy đành thở dài thuật đầu đuôi sự việc cho tôi nghe.
Tôi càng nghe, máu nóng càng dồn hết lên đầu. Trước mặt thầy, tôi cố bắt mình trấn tĩnh.
Nhưng tôi chỉ làm thinh được mười lăm giây. Tới giây thứ mười sáu, tôi nghiến răng gầm gừ:
-Để em về điều tra xem đứa mất dạy nào làm chuyện đó rồi báo cho thầy biết!