Cây Thập Tự Ven Đường - Chương 05
Cây Thập Tự Ven Đường
Chương 5
gacsach.com
Dù Tammy Foster đã bị bỏ mặc cho chết đuối trong cốp xe, kẻ thủ ác đã có một tính toán sai.
Nếu hắn đỗ lại xa bờ hơn, thủy triều đã đủ cao để nhấn chìm toàn bộ chiếc xe, đẩy cô bé tội nghiệp vào một cái chết khủng khiếp. Nhưng trên thực tế, chiếc xe đã bị cát làm kẹt lại cách bờ không xa mấy, và khi thủy triều lên, nước tràn vào trong cốp chiếc Camry chỉ dâng lên khoảng mười lăm phân.
Đến khoảng bốn giờ sáng, một nhân viên hãng hàng không trên đường đi làm đã nhìn thấy tia sáng lấp lóe từ chiếc xe. Đội cứu hộ đã giải thoát cho cô bé, trong trạng thái gần như bất tỉnh vì những điều kiện phải chịu đựng, đang sắp lâm vào tình trạng sụt thân nhiệt nặng, và cấp tốc đưa cô bé vào bệnh viện.
“Bây giờ em cảm thấy thế nào?” Dance hỏi.
“Ổn, em đoán vậy.”
Tammy khoẻ khoắn và xinh đẹp, nhưng rất nhợt nhạt. Cô bé có khuôn mặt dài, mái tóc suôn mượt màu vàng được nhuộm hoàn hảo, và một sống mũi dọc dừa theo Dance đoán đã từng có một hình dạng ít nhiều khác khi cô bé mới chào đời. Một cái liếc nhanh về phía túi mỹ phẩm nhỏ giúp Dance biết rõ cô bé hiếm khi ra ngoài mà không trang điểm.
Tấm phù hiệu được Dance trình ra.
Tammy đưa mắt nhìn qua nó.
“Trông em khá ổn.”
“Nước lạnh lắm,” Tammy nói. “Em chưa bao giờ thấy lạnh đến thế trong đời mình. Em vẫn còn chết khiếp.”
“Hẳn là thế rồi.”
Cô chuyển sự chú ý sang màn hình tivi. Trên đó đang phát một bộ phim truyện nhiều tập. Dance và Maggie đôi khi cũng xem bộ phim này, thường là lúc con bé bị ốm phải nghỉ học. Bạn không nhất thiết theo dõi hàng tháng trời vì khi tiếp tục xem trở lại, bạn vẫn có thể hiểu nội dung một cách hoàn hảo.
Dance ngồi xuống, nhìn qua những quả bóng bay và vô số bông hoa để trên một cái bàn gần đó, theo bản năng cố tìm kiếm những bông hồng đỏ, những món quà tôn giáo hay những tấm thiếp có hình cây thập tự. Không có gì hết.
“Em phải ở lại bệnh viện trong bao lâu?”
“Có lẽ hôm nay em sẽ xuất viện. Cũng có thể là mai, người ta nói thế.”
“Các bác sĩ thế nào? Dễ mến chứ?”
Đáp lại là một tiếng cười.
“Em học trường nào?”
“Robert Louis Stevenson.”
“Sắp lên năm cuối?”
“Vâng, vào mùa thu.”
Để không khí thoải mái, Dance tâm sự với Tammy: Hỏi cô bé có theo học các lớp hè không, đã nghĩ mình muốn vào trường đại học nào chưa, về gia đình cô bé, về thể thao. “Em có kế hoạch đi nghỉ ở đâu không?”
“Bây giờ thì gia đình em có rồi,” cô bé nói. “Sau chuyện vừa xảy ra. Mẹ, em gái và em sẽ đến Florida thăm bà vào tuần sau.” Có âm hưởng ngán ngẩm trong giọng nói của cô bé, và Dance thấy rõ ràng việc tới Florida cùng gia đình là điều cuối cùng cô bé muốn làm.
“Tammy, em biết đấy, bọn chị rất muốn tìm ra kẻ đã làm chuyện này với em.”
“Thằng khốn.”
Dance nhướng một bên lông mày với vẻ tán đồng. “Hãy kể cho chị nghe những gì đã xảy ra.”
Tammy giải thích bản thân đã đến hộp đêm và ra về sau nửa đêm. Cô bé đang ở trong bãi để xe thì có kẻ nào đó ập tới từ phía sau, dùng băng dính bịt miệng, trói chân tay cô bé lại, ném vào cốp xe rồi lái tới bãi biển.
“Hắn bỏ mặc em lại đó để, thế đấy, chết đuối.” Đôi mắt cô bé trống rỗng. Dance, về bản chất vốn là người biết cảm thông – một nét tính cách cô thừa hưởng từ mẹ mình – có thể tự thân cảm nhận được nỗi kinh hoàng, một cảm giác đau nhoi nhói chạy dọc theo sống lưng cô.
“Em có biết kẻ tấn công mình không?”
Cô bé lắc đầu. “Nhưng em biết chuyện gì đã xảy ra.”
“Là gì vậy?”
“Các băng nhóm.”
“Hắn ở trong một băng nhóm sao?”
“Vâng, tất cả mọi người đều biết. Để được gia nhập, chị cần phải giết ai đó. Và nếu muốn vào một băng La Tinh, chị cần giết một cô gái da trắng. Đó là luật lệ.”
“Em nghĩ thủ phạm là người gốc La Tinh?”
“Vâng, em chắc chắn là thế. Em không trông thấy mặt hắn nhưng đã thấy bàn tay. Nước da sẫm hơn, chị biết đấy. Không đen. Nhưng hắn chắc chắn không phải người da trắng.”
“Vóc người hắn thế nào?”
“Không cao lắm. Khoảng một mét sáu mươi tám, nhưng quả thực hắn rất, rất khoẻ. À, còn một chuyện nữa. Em nghĩ tối hôm qua em đã nói chỉ có một gã. Nhưng sáng nay em đã nhớ lại. Bọn chúng có hai người.”
“Em nhìn thấy hai tên?”
“Hơn thế, em cảm thấy có thêm một người nữa ở ngay gần, chị cũng biết cảm giác đó thế nào đúng không?”
“Liệu đó có thể là một phụ nữ không?”
“Ồ, có lẽ. Em không biết nữa. Như em vừa nói đấy, lúc đó em rất hoảng sợ.”
“Có kẻ nào động chạm vào em không?”
“Không, theo kiểu đó thì không. Chúng chỉ dán băng dính lên người em rồi ném vào cốp xe thôi,” đôi mắt cô bé loé lên những tia căm giận.
“Em còn nhớ gì lúc xe chạy không?”
“Không, lúc ấy em quá sợ. Em nghĩ mình nghe thấy tiếng loảng xoảng gì đó, một tiếng va đập vọng ra từ trong xe.”
“Không phải trong cốp?”
“Không. Nghe như tiếng kim loại va đập hay kiểu như thế, em nghĩ vậy. Hắn cho thứ đó vào trong xe sau khi đã ném em vào cốp. Em đã xem phim đó, một tập trong loạt phim Saw[1]. Và lúc ấy em nghĩ có thể hắn sẽ dùng thứ đó để tra tấn em.”
[1. Bộ phim kinh dị công chiếu năm 2004, xoay quanh cuộc chạy trốn gần như vô vọng của những nạn nhân vô tội trước những chiếc bẫy được giăng rất tinh vi của tên giết người hàng loạt. Bộ phim bao gồm 7 phần này đã thu về 733 triệu USD cho các nhà sản xuất.]
Chiếc xe đạp, Dance thầm nghĩ, nhớ lại những vệt bánh xe ngoài bãi biển. Hắn đã mang theo một chiếc xe đạp để rời khỏi hiện trường. Cô đưa ra giả thiết này, song Tammy lại nói là không phải vì không thể nhét một chiếc xe đạp lên băng ghế sau. Cô bé nghiêm chỉnh thêm vào: “và tiếng động đó nghe cũng không giống một chiếc xe đạp.”
“Được rồi, Tammy,” Dance chỉnh lại kính và không ngừng quan sát cô bé, lúc này đang đưa mắt nhìn những bông hoa, tấm thiếp và thú nhồi bông. Cô bé nói thêm: “Chị nhìn những thứ mọi người mang đến tặng em xem. Con gấu đằng kia là đẹp nhất phải không chị?”
“Phải, trông nó dễ thương đấy... Vậy là em nghĩ đó là mấy thanh niên gốc La Tinh trong một băng nhóm?”
“Vâng. Nhưng... nói chung, chị biết đấy, giờ thì, có vẻ đã qua rồi.”
“Đã qua rồi?”
“Ý là em đã không bị giết. Chỉ bị ướt một chút thôi,” cô bé bật cười trong khi tránh ánh mắt Dance. “Bọn chúng chắc chắn đang rất hoảng. Câu chuyện được nhắc đến khắp nơi trên các bản tin. Em cá là chúng đã đi rồi. Em nghĩ có khi chúng đã rời khỏi thành phố.”
Hiển nhiên là các băng nhóm luôn có những nghi thức gia nhập. Và một số trong đó có dính dáng tới giết người. Những chuyện giết chóc hiếm khi nằm ngoài vấn đề chủng tộc hoặc nhóm sắc tộc, và thông thường nhất là nhằm vào thành viên của băng nhóm đối thủ hoặc những kẻ bán tin. Bên cạnh đó, chuyện xảy đến với Tammy được bố trí quá công phu. Dance đã học được một điều từ việc điều tra các tội ác liên quan đến băng đảng, đó là chúng trước hết liên quan tới chuyện làm ăn. Thời gian là tiền bạc và càng tốn ít thời gian vào những hoạt động ngoài lề càng tốt.
Dance vốn đã đi đến kết luận Tammy không hề nghĩ kẻ tấn công cô bé là một thành viên trong băng đảng gốc La Tinh. Và cô bé cũng chẳng hề tin chuyện có hai kẻ tấn công mình.
Trên thực tế, Tammy biết nhiều về thủ phạm hơn những gì cô bé thể hiện ra ngoài.
Đã đến lúc cần tìm ra sự thật.
Quá trình phân tích ngôn ngữ hành vi trong thẩm vấn và hỏi cung trước hết bắt đầu bằng việc xác lập một vạch ranh giới – một tập hợp những hành vi đối tượng thể hiện khi nói thật: Họ đặt bàn tay vào đâu, họ nhìn vào đâu, thường xuyên tới mức nào, trong khi nói họ có chen vào “ừm”: “à” hay không, họ có gõ bàn chân không, ngồi thõng vai hay nhô người ra trước, họ có do dự trước khi trả lời không?
Sau khi vạch ranh giới trung thực này đã được xác định, chuyên gia ngôn ngữ cơ thể sẽ ghi nhận bất cứ biểu hiện nào đi chệch khỏi nó khi đối tượng bị hỏi một câu hỏi mà anh ta hay cô ta có thể có lý do để trả lời sai sự thật. Khi nói dối, phần lớn mọi người đều cảm thấy căng thẳng, lo lắng và cố gắng giải tỏa những cảm giác khó chịu đó bằng những cử chỉ và cách diễn đạt ngôn ngữ khác biệt với bình thường. Một trong những câu viện dẫn ưa thích của Dance đến từ một người đã từng sống trước khi khái niệm “ngôn ngữ cơ thể” được hình thành cả thế kỷ: Charles Darwin, người đã nói: “Những cảm xúc bị kìm nén hầu như luôn thể hiện ra ngoài dưới dạng một cử động nào đó của cơ thể.”
Khi chủ đề danh tính kẻ tấn công được đề cập đến, Dance nhận thấy ngôn ngữ cơ thể của cô bé đã dao động khỏi vạch ranh giới đó: Cô bé vặn vẹo hông một cách không thoải mái, một bàn chân liên tục lắc lư. Những kẻ nói dối thường có thể kiểm soát các cánh tay và bàn tay một cách khá dễ dàng, song lại ít để ý tới phần còn lại của cơ thể mình hơn nhiều, đặc biệt là các ngón chân và bàn chân.
Dance cũng nhận thấy những thay đổi khác: Trong cao độ giọng nói của cô bé, ngón tay liên tục gãi lên tóc, những “cử chỉ ngăn chặn” khi đưa tay lên chạm vào miệng và mũi. Tammy cũng có những hành vi ngôn ngữ lạc đề không cần thiết. Cô bé nói lan man, đưa ra những câu chung chung vô nghĩa như “Tất cả mọi người đều biết điều đó” những biểu hiện điển hình của một người đang nói dối.
Kanthryn Dance tin chắc cô bé đang giấu giếm thông tin nên lúc này cô chuyển sang chế độ phân tích. Cách tiếp cận của cô để làm cho một đối tượng nói thật bao gồm bốn phần. Thứ nhất, cô đặt câu hỏi: Đối tượng có vai trò gì trong biến cố? Ở đây, Tammy chỉ là nạn nhân và nhân chứng, Dance kết luận. Cô bé không phải là một kẻ can dự, không liên quan tới một hành vi tội phạm khác hay ngụy tạo nên vụ bắt cóc mình.
Thứ hai, động cơ của việc nói dối là gì? Câu trả lời đã quá rõ ràng, cô bé tội nghiệp sợ bị trả thù. Trường hợp này cũng thường thấy, nó giúp công việc của Dance trở nên đơn giản hơn nếu so với việc động cơ của Tammy là che giấu hành vi phạm tội của bản thân.
Câu hỏi thứ ba: Cá tính chung của đối tượng thuộc loại nào? Hiểu rõ điều này sẽ giúp Dance biết cô nên áp dụng phương cách tiếp cận nào để tiếp tục cuộc thẩm vấn. Chẳng hạn, cô nên tỏ ra nghiêm khắc hay hiền hòa, xúc tiến theo hướng giải quyết vấn đề hay động viên tình cảm, cư xử một cách thân thiện hay xa cách? Dance phân loại đối tượng của cô theo các đặc tính trong Chỉ số phân loại Myers - Briggs[2] cho phép đánh giá liệu một người hướng ngoại hay hướng nội, lý trí hay tình cảm, giác quan hay trực giác.
[2. Bộ câu hỏi nhằm đánh giá xu hướng tâm lý của con người dựa trên các lý thuyết do Carl Gustav Jung đề xuất, bản thân chỉ thị Myers - Briggs do Katharine Cook Briggs và con gái bà, Isabel Briggs Myers, phát triển.]
Điều khác biệt giữa mẫu người hướng ngoại và hướng nội nằm ở thái độ. Liệu đối tượng hành động trước rồi sau đó đánh giá kết quả - hướng ngoại hay cân nhắc trước khi hành động - hướng nội? Quá trình thu thập thông tin được tiến hành hoặc bằng cách đặt niềm tin vào nhìn nhận - giác quan, hoặc bằng trông cậy vào các linh cảm - trực giác. Việc đưa ra quyết định xảy ra hoặc thông qua phân tích khách quan - lý trí, hoặc là sự lựa chọn cảm tính - tình cảm. Cho dù Tammy khá xinh, khỏe khoắn và có vẻ là một cô gái được mọi người yêu mến, thì khi rơi vào tình cảnh mất an toàn, và cả một cuộc sống gia đình bất ổn – như những gì Dance tìm hiểu được – cũng biến cô bé thành một người hướng nội, con người của trực giác và tình cảm. Có nghĩa là Dance không thể dùng cách tiếp cận thẳng thừng với cô bé. Tammy đơn giản sẽ biến thành một bức tường đá, và bị tổn thương tâm lý nặng nề bởi quá trình thẩm vấn gay gắt.
Cuối cùng, câu hỏi thứ tư người thẩm vấn nhất thiết phải đặt ra là: Đối tượng có đặc tính của loại người nói dối nào?
Có tất cả vài loại. Những kẻ thủ đoạn, hay kiểu Machiavelli điển hình[3] – những kẻ không thấy có gì sai trong việc nói dối vì bọn họ sử dụng dối trá như một công cụ để đạt được mục tiêu cho bản thân trong tình yêu, làm ăn, chính trị và rất, rất giỏi gạt lừa. Những loại khác bao gồm kiểu xã giao – lấy nói dối để giải trí, kiểu thích nghi – những người thiếu tự tin mượn dối trá hòng tạo ấn tượng tích cực, kiểu diễn viên – những người nói dối để kiểm soát bản thân.
[3. Được đặt tên theo nhà triết học chính trị người Italia, người đã viết một cuốn sách về sự thủ đoạn.]
Dance đi đến kết luận Tammy là một sự kết hợp giữa kiểu thích nghi và kiểu diễn viên. Tình cảnh mất an toàn khiến cô bé nói dối để hỗ trợ cho cái tôi mong manh của mình, và cô bé sẽ sẵn sàng nói dối để đạt mục đích.
Một khi người chuyên gia phân tích ngôn ngữ cơ thể trả lời xong bốn câu hỏi này, phần còn lại của quá trình rất đơn giản: Cô tiếp tục đặt câu hỏi với đối tượng, ghi nhận cẩn thận những hành vi thể hiện phản ứng căng thẳng – các biểu hiện của lời nói dối. Sau đó liên tục trở lại với những câu hỏi, những điều có liên quan, thăm dò tỉ mỉ hơn, tập trung xoáy sâu vào phần nói dối, ghi nhận và xem xét đối tượng đối phó với mức độ căng thẳng ngày càng cao như thế nào. Liệu cô bé sẽ nổi giận, phủ nhận, suy sụp hay cố gắng xoay xở để thoát ra khỏi tình thế của mình? Từng trạng thái trong số này đòi hỏi những cách ứng phó khác nhau để thúc ép, dụ dỗ hay động viên đối tượng nói ra sự thật.
Đây chính là điều Dance đang làm lúc này, ngồi hơi nhô người ra trước một chút để đưa mình vào một vị trí gần gũi nhưng không xâm phạm “ranh giới” - cách Tammy chừng gần một mét. Làm thế sẽ khiến cô bé cảm thấy bồn chồn, nhưng không bị đe dọa quá đáng. Dance luôn giữ một nụ cười phảng phất trên khuôn mặt, và quyết định không đổi kính gọng xám lấy cặp kính gọng đen “Cặp kính săn mồi” cô vẫn đeo để áp chế những đối tượng kiểu Machiavelli điển hình.
“Những gì em nói rất hữu ích, Tammy. Chị đánh giá rất cao sự hợp tác của em.”
Cô bé mỉm cười, nhưng cũng liếc nhìn ra cửa. Dance kết luận: Nói dối.
“Nhưng có một thứ,” cô nói thêm: “bọn chị đã có được một số báo cáo về hiện trường vụ án. Giống như trong phim CSI[4], em biết chứ?”
[4. Một sêri truyền hình nổi tiếng của Mỹ về đề tài điều tra hiện trường các vụ án.]
“Có chứ. Em xem nó mà.”
“Em thích phần nào?”
“Phần đầu. Chị biết đấy, Las Vegas.”
“Chị nghe nói đó là bản hay nhất,” Dance chưa bao giờ xem qua phần này. “Nhưng từ các bằng chứng, có vẻ không hề có hai kẻ tấn công. Cho dù là ở bãi gửi xe hay ngoài bãi biển.”
“Ồ. Vậy đấy, như em đã nói, tất cả chỉ là, ừm, một cảm giác thôi.”
“Và chị có một câu hỏi. Tiếng loảng xoảng em nghe thấy đó? Em biết đấy, bọn chị cũng không tìm thấy bất cứ vệt bánh xe hơi nào khác. Vì thế bọn chị rất băn khoăn về việc hắn đã làm thế nào để chạy khỏi hiện trường. Chúng ta hãy cùng quay lại chiếc xe đạp. Chị biết em không nghĩ đó là âm thanh đã vang lên trong xe, tiếng loảng xoảng, nhưng nói cho cùng cũng vẫn có thể có khả năng là nó chứ, em có nghĩ thế không?”
“Một chiếc xe đạp ư?”
Nhắc lại một câu hỏi thường là dấu hiệu của lừa dối. Đối tượng đang cố kéo dài thời gian để nghĩ tới những hệ quả của một câu trả lời và để bịa ra điều gì đó có vẻ đáng tin.
“Không, không thể nào. Làm sao một chiếc xe đạp có thể ở trong xe được?” lời phủ nhận của Tammy đến quá nhanh và quá quả quyết. Cô bé cũng đã cân nhắc tới khả năng một cái xe đạp song vì một lý do nào đó lại không muốn thừa nhận nó.
Dance nhướng một bên mày lên. “Ồ, chị cũng không biết nữa. Một người hàng xóm của chị cũng có một chiếc Camry. Đó là một chiếc xe khá lớn.”
Cô bé chớp mắt, dường như ngạc nhiên khi Dance biết kiểu xe của mình. Việc người đặc vụ đã tìm hiểu cặn kẽ mọi chi tiết khiến Tammy cảm thấy bất an. Nhìn ra cửa sổ. Cô bé đang hành động một cách vô thức để cố thoát khỏi tâm trạng lo lắng không chút thú vị này. Dance đã tiến sát tới một điều gì đó. Cô cảm thấy mạch của chính mình đập mạnh hơn.
“Có thể lắm. Em không rõ nữa,” Tammy nói.
“Vậy là hắn có thể có một chiếc xe đạp. Như thế có nghĩa hắn cũng trạc tuổi em, hay trẻ hơn một chút. Tất nhiên người lớn cũng đi xe đạp, nhưng những bạn trẻ như em sẽ sử dụng nhiều hơn. À này, em nghĩ sao về khả năng kẻ tấn công là ai đó học cùng trường với em?”
“Ở trường ư? Không đời nào. Không ai em biết lại có thể làm một việc như thế.”
“Đã từng có ai đe dọa em bao giờ chưa? Hay em có ẩu đả với ai ở trường Stevenson không?”
“Em nghĩ Brianna Crenshaw cay lắm khi em đánh bại nó để vào đội hoạt náo viên. Nhưng nó lại bắt đầu hẹn hò với Davey Wilcox, người em có cảm tình. Vậy là nghe có vẻ như hòa,” cô bé cười nghèn nghẹn.
Dance cũng mỉm cười.
“Không, đó chính là tay thành viên trong băng nhóm. Em chắc chắn thế,” đôi mắt cô bé mở to. “Đợi đã, bây giờ em nhớ ra rồi. Hắn có gọi một cuộc điện thoại. Có thể là cho kẻ cầm đầu băng nhóm. Em có thể nghe hắn mở điện thoại ra và nói, ‘Ella esta en el coche’.”
Con bé ở trong cốp xe, Dance tự dịch cho mình. Cô hỏi Tammy: “Em biết câu đó có nghĩa là gì chứ?”
“Đại loại là ‘Tôi có cô ta trong xe rồi’.”
“Em đang học tiếng Tây Ban Nha?”
“Vâng.”
Tất cả đều được nói ra nhanh đến không kịp thở với âm vực cao hơn bình thường. Đôi mắt cô bé nhìn chăm chú vào mắt Dance song bàn tay lại đưa lên vuốt tóc ra sau và dừng lại để gãi môi.
Câu tiếng Tây Ban Nha vừa được dẫn ra hoàn toàn là bịa đặt.
“Chị nghĩ,” Dance từ tốn bắt đầu: “hắn chỉ giả vờ là một thành viên băng nhóm. Nhằm che giấu danh tính. Điều đó có nghĩa hắn còn lý do khác để tấn công em.”
“Ừm, tại sao?”
“Đó chính là điều chị đang hy vọng em sẽ giúp chị làm sáng tỏ. Em trông thấy hắn lần nào không?”
“Cũng không hẳn. Suốt từ đầu đến cuối hắn đều ở sau lưng em. Và trong bãi để xe lúc ấy thực sự, thực sự rất tối. Đáng ra họ phải mắc đèn ngoài đó. Em nghĩ em sẽ kiện câu lạc bộ. Bố em là luật sư ở San Mateo.”
Thái độ tức giận này được tung ra để đánh lạc hướng thẩm vấn của Dance... Tammy đã thấy gì đó.
“Có thể trong lúc hắn lại gần, em đã thấy hình ảnh phản chiếu trên cửa kính xe chăng?”
Cô bé đang lắc đầu trả lời không. Nhưng Dance vẫn kiên quyết.
“Chỉ một cái nhìn thoáng qua thôi. Thử nghĩ lại xem. Ở đây ban đêm bao giờ cũng lạnh. Hắn không thể chỉ mặc áo sơ mi. Có phải hắn mặc áo vest không? Hay một cái áo khoác da? Hay áo len? Hoặc sơ mi vải len. Hay một cái áo có mũ trùm đầu?”
Tammy trả lời không với tất cả, nhưng có một câu “không” khác hẳn những câu khác.
Sau đó Dance để ý thấy đôi mắt cô bé chuyển sang hướng về phía một bó hoa trên bàn. Bên cạnh là tấm thiếp chúc bình phục viết: Nào, cô, hãy sớm thoát khỏi chuyện này! Yêu cậu J, P, và Beasty Girl.
Kathryn Dance nhìn nhận về bản thân mình như một nhân viên thực thi pháp luật thạo việc thành công phần lớn vì hiểu thấu đáo công việc phải làm và không chấp nhận câu trả lời “không”. Tuy vậy, thỉnh thoảng bộ óc của cô lại nhanh nhạy đến kỳ lạ. Cô tổng hợp các sự kiện và cảm nhận, thế rồi đột nhiên một cú nhảy vọt thật dài không trông đợi lù lù xuất hiện – một suy đoán hay kết luận hiện ra cứ như thể nhờ vào phép màu.
Từ A tới B tới X...
Điều đó đang diễn ra ngay lúc này, khi cô thoáng thấy Tammy nhìn những bông hoa với đôi mắt đượm vẻ bồn chồn.
Cô nắm lấy cơ hội.
“Em biết đấy, Tammy, bọn chị biết kẻ tấn công em cũng đã để lại một cây thập tự ven đường – như kiểu một thông điệp nào đó.”
Đôi mắt cô bé mở to.
Trúng đích rồi, Dance thầm nghĩ. Cô bé có biết về cây thập tự.
Cô tiếp tục mạch suy đoán vừa phát sinh: “Và những thông điệp như vậy thường xuất phát từ những người quen biết nạn nhân.”
“Em... em nghe thấy hắn nói tiếng Tây Ban Nha.”
Dance biết đó là một lời nói dối, nhưng cô đã học được rằng với những đối tượng có kiểu tính cách như Tammy, cần chừa cho họ một đường lui, nếu không họ sẽ đóng sập bản thân lại hoàn toàn. Cô nói bằng giọng tán đồng: “Ồ, chị tin chắc em đã nghe thấy. Nhưng chị nghĩ hắn đang cố che giấu danh tính. Hắn tìm cách đánh lừa em.”
Tammy đang sợ rúm ró, cô bé tội nghiệp.
Kẻ nào làm cô bé kinh hoàng đến thế?
“Trước hết, Tammy, chị cam đoan là bọn chị sẽ bảo vệ em. Cho dù kẻ tấn công em là ai, hắn sẽ không thể đến gần em được nữa. Chị sẽ điều một cảnh sát đứng gác ngoài cửa phòng em tại đây. Và bọn chị cũng sẽ cho một người tới trực tại nhà em cho đến khi bọn chị bắt được thủ phạm gây ra chuyện này.”
Vẻ nhẹ nhõm hiện rõ trong đôi mắt cô bé.
“Chị có một ý nghĩ thế này: Em nghĩ sao về một kẻ quấy rối? Em rất đẹp. Chị dám cược là em sẽ phải rất cẩn thận.”
Cô bé nở một nụ cười rất thận trọng, nhưng dẫu sao vẫn thích thú trước lời khen.
“Gần đây có ai làm phiền gì em không?”
Cô bệnh nhân trẻ do dự.
Chúng ta đã tới gần sự thật. Thực sự rất gần rồi.
Nhưng Tammy lại lùi xa, né tránh. “Không.”
Dance cũng làm tương tự. “Em có vấn đề nào với mọi người trong gia đình không?” cô đã kiểm tra vì đó cũng có thể là một khả năng. Bố mẹ cô bé đã ly dị sau một cuộc chiến pháp lý dữ dội trước tòa, và anh trai cô cũng sống xa nhà. Một ông chú của cô bé cũng từng bị buộc tội bạo hành.
Nhưng đôi mắt Tammy cho thấy rõ ràng người thân của cô không can dự gì đến vụ tấn công.
Dance tiếp tục thả câu. “Em có khúc mắc nào với bất cứ ai em từng trao đổi email không? Có thể là ai đó em quen trên mạng, qua Facebook hay MySpace chẳng hạn? Ngày nay chuyện như thế vẫn thường xuyên xảy ra.”
“Không đâu, thật đấy. Em không lên mạng nhiều thế đâu,” cô bé gại gại móng tay vào nhau, cử chỉ tương đương với vặn vẹo hai bàn tay.
“Chị xin lỗi đã gặng hỏi em, Tammy. Song để đảm bảo chuyện này không lặp lại nữa là hết sức quan trọng.”
Thế rồi Dance nhìn thấy một điều đập thẳng vào cô như một cú trời giáng. Trong đôi mắt cô bé đang hiện lên một câu trả lời thừa nhận – một thoáng nhướng lên rất nhanh của lông mày và lông mi. Như thế nghĩa là Tammy có sợ hãi chuyện này sẽ lặp lại, nhưng vì cô bé sẽ được cảnh sát bảo vệ nên phản ứng này cho thấy kẻ tấn công còn là mối đe dọa cho cả những người khác.
Tammy nuốt nước bọt. Rõ ràng cô bé đang ở trong giai đoạn từ chối hợp tác cùng phản ứng căng thẳng, cũng có nghĩa là Tammy đang thu mình lại, hệ thống phòng vệ được đẩy lên mức cảnh giác cao.
“Đó là một kẻ em không biết. Em xin thề có Chúa.”
Một biểu hiện dối trá điển hình: “Tôi xin thề”. Cả chuyện nhắc đến Chúa cũng vậy. Chẳng khác gì cô bé lớn tiếng hét thật to: “Em đang nói dối! Em muốn nói ra sự thật nhưng em sợ.”
Dance nói: “Được rồi, Tammy. Chị tin em.”
“Chị thấy đấy, em thực sự, thực sự rất mệt. Em nghĩ có lẽ mình không muốn nói thêm gì nữa cho đến khi mẹ vào đây.”
Dance mỉm cười. “Tất nhiên rồi, Tammy.”
Cô đứng dậy, đưa cho cô bé một tấm danh thiếp của mình. “Nếu em có thể nhớ ra thêm bất kỳ điều gì mới, hãy cho bọn chị hay nhé.”
“Em rất xin lỗi vì em, ừm, không giúp được nhiều,” cô bé cụp mắt xuống. Dance có thể thấy cô bé đã từng dùng đến chiêu trò hờn dỗi và tự vờ trách bản thân này trong quá khứ. Kỹ thuật ấy, cộng với một chút tán tụng, hẳn sẽ có hiệu quả với các cậu con trai và bố cô bé, nhưng với phụ nữ thì không.
Dẫu vậy, Dance vẫn diễn kịch cùng cô bé. “Không, không, em đã giúp được rất nhiều. Thật kinh khủng, cô bé, thử nhìn lại những gì em phải trải qua mà xem. Hãy nghỉ ngơi một chút đi. Và bật một bộ phim truyền hình nào đó lên.” Cô hất hàm về phía tivi. “Nó rất tốt cho đầu óc.”
Bước ra khỏi phòng, Dance nghĩ lại: Thêm vài giờ nữa rất có thể cô đã buộc được con bé phải nói ra sự thật, dẫu không hoàn toàn chắc chắn vì Tammy rõ ràng đang hoảng sợ. Bên cạnh đó, cho dù người thẩm vấn có tài năng đến đâu, đôi khi các đối tượng chỉ đơn giản sẽ không nói ra những gì họ biết.
Cũng chẳng quan trọng. Kathryn Dance tin bản thân đã thu được mọi thông tin mình cần. A tới B tới X...