Chiến binh cầu vồng - Chương 04

CŨNG GIỐNG NHƯ ĐỐI VỚI NGÔI TRƯỜNG, muốn miêu tả thầy Harfan cũng không mấy khó khăn. Hàng ria mép dày nối liền với bộ râu quai nón rậm rạp màu nâu nhạt và điểm xám. Gương mặt thầy, nói tóm lại, có hơi dễ sợ một chút.

Nếu có ai hỏi thầy Harfan về bộ râu quai nón rối tinh đó của thầy, thầy sẽ không buồn giải thích gì cả mà thay vào đó đưa họ một cuốn sách có tên Keutamaan Memelihara Fenggot, hay Cách chăm sóc râu tốt nhất. Chỉ cần đọc phần giới thiệu thôi cũng đủ khiến cho bất kỳ ai cảm thấy xấu hổ và đã vội hỏi thầy một câu như vậy.

Hôm khai giảng năm học mới ấy, thầy Harfan mặc chiếc sơ mi giản dị trước đây hẳn là màu xanh lá cây nhưng giờ đã bạc thếch. Vẫn còn vương lại mấy vệt màu mờ mờ. Áo lót thủng lỗ chỗ, còn quần thì sờn cả vì phải trải qua quá nhiều lần giặt. Dây nịt quần loại rẻ tiền bằng nhựa kiểu thắt bện có nhiều vết khía hình chữ V - hẳn thầy đã đeo cái dây nịt ấy đâu từ hồi mười ba, mười bốn tuổi gì đấy. Vì sự nghiệp giáo dục Hồi giáo, thầy Harfan đã hết lòng phụng sự ngôi trường tiểu học Muhammadiyah này hàng mấy chục năm mà không được trả một đồng lương nào. Gia đình thầy sống bằng số hoa màu trồng nơi vườn nhà.

Bởi vì thầy Harfan trông cứ giống như một con gấu xám Bắc Mỹ nên lần đầu tiên trông thấy thầy đứa nào đứa nấy sợ xanh mặt. Trẻ nhỏ mà thấy thầy chắc phải khóc ré lên mất thôi. Thế nhưng khi thầy bắt đầu nói chuyện với bọn tôi vào buổi sáng hôm ấy, bài diễn văn chào mừng của thầy như viên ngọc trai trí tuệ đầy chất thơ, và một bầu không khí tràn ngập tươi vui bao trùm lấy ngôi trường nhỏ bé cũ kỹ của thầy. Bọn tôi mến thầy ngay tắp lự. Cổ áo mòn sơ cả chỉ của thầy Harfan trễ xuống khi thầy kể cho chúng tôi nghe chuyện con thuyền của Noah và các loài mà ông chọn mang theo lên thuyền trong trận đại hồng thủy.

“Có nhiều người chẳng chịu để ý đến lời cảnh báo rằng đại hồng thủy đang đến,” thầy bắt đầu câu chuyện với giọng sôi nổi. Bọn tôi nghe chăm chú, say sưa nuốt từng lời kể của thầy.

“Và thế là tính kiêu căng đã khiến họ có mắt mà như mù có tai mà như điếc, cho đến khi bị cơn hồng thủy nuốt gọn...”

Câu chuyện để lại trong tâm trí bọn tôi một ấn tượng sâu sắc. Bài học đạo đức số một dành cho tôi: Nếu không siêng năng cầu kinh, anh phải là người bơi giỏi.

Thầy kể tiếp một câu chuyện cũng hấp dẫn không kém về cuộc chiến tranh lịch sử trong thời nhà tiên tri Muhammad - họ chiến đấu bằng sức mạnh của đức tin chứ không phải bằng sức mạnh của quân đội: cuộc chiến Badar. Chỉ có 313 quân Hồi giáo mà đánh bại những mấy ngàn quân Quraisy hiếu chiến trang bị vũ khí đến tận răng.

“Hãy để mọi người đều biết, gia đình Ghudar! Các người sẽ ngã lăn ra chết trong vòng ba mươi ngày tới!” Thầy Harfan giọng sang sảng, quắc mắt nhìn thẳng lên bầu trời qua lối cửa sổ, thét lên giấc mơ của một người Mecca tiên tri về sự thất bại của quân Quraisy trong trận chiến Badar.

Nghe tiếng hét lớn của thầy tôi muốn nhảy bật ra khỏi ghế. Bọn tôi lặng người đi vì kinh ngạc, tiếng thét sang sảng của thầy Harfan có sức lay động đến từng nơ-ron thần kinh của bọn chúng tôi. Chúng tôi chồm cả người lên phía trước háo hức muốn nghe thêm câu chuyện, đứa nào cũng phấn chấn hẳn lên muốn góp sức cùng cha ông giành chiến thắng trong cuộc chiến tôn giáo đó.

Rồi thầy Harfan khiến cho bầu không khí lắng xuống bằng câu chuyện về nỗi gian truân của những người sáng lập ra ngôi trường của bọn tôi - bị thực dân Hà Lan đàn áp, bị chính quyền bỏ mặc, chẳng ai đoái hoài, nhưng vẫn đứng hiên ngang theo đuổi những ước mơ lớn lao giành cho giáo dục.

Thầy Harfan kể tất cả những câu chuyện ấy bằng sự hăng hái y hệt khi kể câu chuyện về cuộc chiến Badar, nhưng đồng thời cũng trầm lắng như làn gió nhẹ sớm mai. Bọn tôi như bị bỏ bùa mê bởi giọng nói và cử chỉ của thầy. Ở thầy toát lên nét gì đó rất dịu dàng và đẹp đẽ. Qua cách cư xử của thầy có thể thấy thầy là người khôn ngoan, can đảm - người đã đi qua cuộc đời với những thăng trầm khổ ải, có hiểu biết rộng lớn như đại dương, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy thử thách, và thực sự thích giảng giải cặn kẽ mọi điều để ai cũng có thể hiểu được.

Ngay từ cái ngày đầu tiên ấy bọn tôi đã có thể khẳng định rằng thầy Harfan sinh ra để đứng trên bục giảng. Thầy là một người thầy đúng nghĩa theo tiếng Hindi: một người không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là người bạn và người dìu dắt tinh thần cho học sinh của mình. Thầy thường lên giọng rồi xuống giọng, hai tay giữ chặt mép bàn trong khi nhấn mạnh từ nào đấy và vung cả hai tay lên trời cứ như đang thực hiện các động tác trong vũ điệu cầu mưa.

Trong giờ học, khi bọn tôi đặt câu hỏi, thầy lúp xúp chạy lại gần bọn tôi, nhìn vào mắt bọn tôi bằng đôi mắt điềm đạm như thể bọn tôi là những đứa trẻ Mã Lai quý giá nhất vậy. Thầy thì thầm vào tai bọn tôi, trích dẫn lưu loát những câu thơ và bài kinh Koran, kích thích năng lực lĩnh hội của bọn tôi, làm chúng tôi phục lăn vì sự uyên bác của thầy, và rồi im bặt đi, như người đang mơ mộng về một tình yêu đã đánh mất từ rất lâu. Thật đẹp đẽ biết bao...

Bằng ngôn từ khiêm nhường, mãnh liệt như những giọt mưa, thầy mang đến cho bọn tôi cái thiết yếu nhất của sự công bằng trong cuộc sống giản dị. Thầy khơi gợi nơi bọn tôi sự ham học hỏi và khiến bọn tôi bừng tỉnh với lời khuyên không bao giờ được đầu hàng khó khăn gian khổ. Bài học đầu tiên của bọn tôi từ thầy Harfan là phải giữ vững nềm tin và khát khao mãnh liệt để đạt được ước mơ. Thầy thuyết phục bọn tôi rằng cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho ta dù trong đói nghèo, miễn là ta hãy cho đi càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình chứ không phải cố hết sức để lấy đi thật nhiều.

Bọn tôi đứa nào đứa nấy cứ thế mở to mắt ra - thậm chí không nháy lấy một lần - nhìn chăm chăm vào người kể chuyện là thầy. Thầy có vẻ ngoài mệt mỏi với trang phục cũ kỹ sờn rách, nhưng suy nghĩ và ngôn từ thanh khiết của thầy lại tỏa sáng lấp lánh. Khi thầy nói, bọn tôi lắng nghe, ngồi im phăng phắc say mê chăm chú, nóng lòng ngóng đợi những lời tiếp theo. Tôi cảm thấy mình may mắn không thể tin được khi có cơ hội ngồi tại đó vào phút giây ấy, giữa những con người tuyệt vời. Có một vẻ đẹp nào đó toát lên từ ngôi trường nghèo nàn này, một vẻ đẹp mà tôi chẳng đời nào đánh đổi để đến học tại hàng ngàn ngôi trường xa hoa khác.

Khi thầy Harfan muốn kiểm tra chúng tôi về câu chuyện thầy vừa kể xong thì những cánh tay nhất loạt giơ lên - ngay cả khi chúng tôi không chắc câu trả lời của mình đúng hay sai - và tranh nhau cơ hội trả lời thậm chí trước cả khi thầy kịp đặt câu hỏi.

Đáng buồn thay, người thầy đầy nhiệt huyết và khiến bọn tôi say mê ấy đã phải rời lớp vì tiết học của thầy đã hết giờ. Một tiếng đồng hồ học cùng thầy cứ như một phút. Chúng tôi dõi theo thầy cho đến khi thầy rời hẳn khỏi phòng. Chúng tôi không thể không dõi theo thầy vì cả bọn đã phải lòng thầy mất rồi và thầy cũng đã khiến cả bọn phải lòng cái ngôi trường cũ kỹ này nữa, bài nói chuyện của thầy Harfan vào ngày đầu tiên đi học tại Trường Tiểu học Muhammadiyah ấy đã khắc sâu trong tâm khảm chúng tôi niềm ao ước được bảo vệ ngôi trường sắp đổ sụp này, dù cho thế nào đi nữa.

Rồi cô Mus tiếp quản lớp. Phần giới thiệu. Lần lượt từng đứa đứng trước lớp giới thiệu về mình. Đứa cuối cùng là A Kiong. Nước mắt đã thôi chảy, nhưng nó vẫn còn sụt sịt. Khi được gọi lên, nó rất vui. Nó mỉm cười giữa những tiếng sụt sịt. Tay trái khư khư cái chai không còn một giọt nước vì Sahara đã làm đổ sạch mất rồi, còn tay phải cầm chặt cái nút chai.

“Em hãy giới thiệu tên và nơi ở của em đi,” cô Mus dịu dàng nói với thằng nhóc người Phúc Kiến.

A Kiong nhìn cô Mus vẻ ngần ngừ rồi lại toét miệng cười. Cha nó rẽ đám đông để trông xem con trai mình tự giới thiệu trước lớp thế nào. Tuy nhiên, dù cô Mus nhắc đi nhắc lại mấy lượt, A Kiong vẫn không thốt ra được lời nào. Nó cứ nhoẻn cười như thế.

“Nào, em nói đi,” cô Mus lại thúc giục lần nữa.

A Kiong chỉ đáp lại bằng nụ cười. Nó cứ liếc mắt về phía cha nó - cha nó thì ruột gan lúc này nóng như lửa đốt. Tôi có thể đọc được suy nghĩ của cha nó: “Nào con, mạnh dạn lên đi, nói tên đi! Ít nhất hãy nói tên cha cũng được, một lần thôi mà! Đừng làm hổ thẹn người Phúc Kiến chứ!” Người cha Trung Quốc ấy có khuôn mặt thật dễ mến. Ông làm nghề nông, tầng lớp thấp nhất trong cộng đồng người Hoa ở Belitong.

Cô Mus dỗ dành nó lần cuối.

“Thôi được, đây là cơ hội cuối cùng để em giới thiệu về mình. Nếu chưa sẵn sàng, em có thể về chỗ ngồi.”

Nhưng thay vì thất vọng do không được thể hiện, A Kiong thậm chí còn vui hơn. Nó không nói tiếng nào. Chỉ ngoác miệng cười to hơn và đôi má phúng phính đỏ lựng lên. Bài học đạo đức số hai: Đừng hỏi tên và nơi sinh sống của một người sống ở nông trại.

Và thế là xong phần giới thiệu trong ngày tháng Hai đáng nhớ ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3