Chiến binh cầu vồng - Chương 09
LINTANG SÁNG NAY đi học muộn bất thường. Chúng tôi điếng người khi nghe nó phân bua.
“Tao không qua được. Một con cá sấu to ngang một cây dừa nằm ngay giữa đường.”
“Cá sấu?” Kucai nhắc lại.
“Tao nhấn chuông xe đạp, vỗ tay và hắng giọng ầm ĩ hòng khiến nó hoảng mà bỏ đi. Vậy mà nó chẳng hề nhúc nhích. Tao chỉ còn biết đứng trân người ra đó mà lẩm bẩm một mình. Tao tin chắc rằng nó là chúa tể của cái đầm lầy này vì nó to như thế mà lại còn có cả đám hàu sống ký sinh trên lưng nó nữa chứ.”
“Sao mày không về cho rồi?” tôi hỏi.
“Tao đã đi được nửa đường đến trường rồi. Chẳng thể vì con cá sấu ngu ngốc ấy mà quay về dễ như thế được.”
Tôi có thể mường tượng Lintang nghĩ gì lúc đó: Cái từ vắng học không nằm trong từ điển của mình, và hôm nay bọn mình lại học lịch sử đạo Hồi nữa chứ - một trong những tiết học thú vị nhất. Mình muốn tranh luận về những lời tiên tri linh thiêng báo trước chiến thắng của Byzantium bảy năm trước khi nó xảy ra.
“Mày không nhờ ai giúp đỡ hay sao?” Sahara hỏi vẻ quan tâm.
“Có ai gần đó đâu - chỉ có mỗi tao với con cá sấu khổng lồ, và cái chết rất gần,” Lintang đáp vội.
Bọn tôi vừa bực mình vừa thấy kinh hoàng khi nghĩ đến chuyện Lintang phải cố gắng đến thế nào để có thể đến được trường.
“Tao gần như vô vọng. Thế rồi đột nhiên, tao nghe thấy có tiếng nước róc rách dưới sông. Tao kinh ngạc quá. Cả hãi nữa!”
“Cái gì thế, Lintang?” Trapani hỏi, mắt tròn xoe.
“Một ông xuất hiện từ bên dưới lớp rong rêu, ông ta nhô lên bên trên dòng nước đen ngòm sâu ngang ngực đó, và trèo lên bờ. Tao dựng hết tóc gáy khi ông ta đi chân vòng kiềng về phía mình. Đôi chân kỳ quặc của ông ta làm thành hình chữ ‘O’ theo mỗi bước đi.”
“Ông ta là ai?” Mahar thốt lên giọng tắt nghẹn.
“Bodenga.”
“Ối,” cả bọn đồng loạt thốt lên và cùng lúc đưa tay lên ngăn một tiếng thét kinh hãi chực vọt ra khỏi miệng. Không đứa nào có đủ can đảm đưa ra một lời bình phẩm. Cả bọn hồi hộp đợi phần kế tiếp của câu chuyện.
“Tao thậm chí còn sợ ông ta hơn bất kỳ con cá sấu nào!”
Chúng tôi biết điều đó. Người đàn ông trồi lên từ đám rêu kia là người không muốn quen biết một ai, nhưng có ai ở Belitong lại không biết ông ta?
“Rồi sao nữa?” Berock sốt ruột hỏi.
“Ông ta đi ngang qua mình như thể mình chẳng có mặt ở đó. Rồi ông ta đến gần con vật gớm guốc đang nằm chắn ngang đường kia. Ông ta chạm vào nó! Ông ta vỗ về nó rất nhẹ nhàng và thì thầm với nó gì đó - thật kỳ lạ! Con cá sấu quy phục ông ta, vẫy đuôi như chó mừng chủ.”
Cả bọn chúng tôi như bị bỏ bùa mê.
“Một ít giây sau,” Lintang tiếp tục với giọng thật trầm, “con vật bò sát thuộc kỷ Creta đó thốc một cú bất ngờ và khủng khiếp xuống đầm lầy. Tiếng thốc to như thể có những bảy cây dừa bị đốn ngã cùng một lúc.”
Lintang hít một hơi thật sâu. “Tao giật bắn cả người. Nếu ban nãy con vật cổ đại đó quyết định đuổi bắt tao, thì người ta rồi sẽ chỉ tìm thấy chiếc xe đạp cà tàng của tao mà thôi.”
“Thế ông Bodenga thì sao?” cả bọn đồng thanh hỏi.
“Bodenga quay lại và đi về phía mình. Rõ ràng ông ta chẳng màng đến lời cảm ơn. Tao không dám nhìn thẳng vào ông ta. Người tao nhũn ra; chỉ kéo một cú thôi là ông ta có thể dìm tao xuống nước cho chết đuối luôn ấy chứ. Nhưng ông ta chỉ đi ngang qua thôi.”
“Đi ngang qua? Chỉ thế thôi à?” tôi hỏi.
“Ừ, chỉ có thể. Nhưng tao thật may. Đâu có nhiều người được tận mắt chứng kiến sức mạnh siêu nhiên của Bodenga đâu.”
Tôi trầm ngâm suy nghĩ. Đúng là tôi chưa từng được chứng kiến Bodenga hành động nhưng tôi biết ông còn rõ hơn cả Lintang. Bodenga đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về linh cảm. Đối với tôi, ông biểu tượng cho tất cả những gì liên quan đến cảm xúc buồn.
Không một ai muốn đánh bạn với Bodenga. Mặt ông rỗ chằng rỗ chịt và ông trạc tứ tuần. Ông mặc quần áo làm bằng lá dừa và ngủ dưới một cây cọ, cuộn tròn người lại hệt con sóc - giấc ngủ của ông thường kéo dài hai ngày hai đêm. Khi đói, ông lặn xuống cái giếng bỏ không, chỗ trước đây là sở cảnh sát. Rồi ông ở cả ngày dưới đáy giếng, bắt lươn và ăn luôn dưới ấy.
Bodenga là một sinh vật tự do. Ông hệt như một cơn gió. Ông không phải là người Mã Lai, không phải người Hoa, thậm chí cũng không phải người Sawang - ông chẳng là ai cả. Không ai biết ông từ đâu đến. Ông không theo một tôn giáo nào và ông không biết nói. Ông không phải là ăn mày, cũng không phải tội phạm. Tên ông chẳng hề lưu lại trong sổ sách của làng. Tai ông bị điếc vì một ngày nọ ông lặn xuống sông Linggang để lấy thiếc và lặn quá sâu đến chảy máu tai. Và rồi ông điếc luôn.
Giờ đây Bodenga hệt như một mảnh ván cô độc trôi nổi dật dờ. Người thân duy nhất của ông mà người làng từng biết đến là người cha cụt một chân của ông. Người ta nói rằng ông hi sinh cái chân để lấy được nhiều pháp thuật đối với cá sấu hơn. Cha ông là pháp sư cá sấu nổi tiếng. Khi đạo Hồi tràn vào những ngôi làng, người ta bắt đầu xa lánh Bodenga và cha ông vì họ không chịu thôi thờ thần cá sấu.
Cha ông chết bằng cách tự quấn mình từ đầu tới chân bằng rễ jawi và quăng mình xuống dòng Mirang. Ông cố tình hiến tế thân thể mình cho lũ cá sấu hung tợn dưới sông.
Phần duy nhất không bị quấn là cái mẩu chân giả. Giờ Bodenga gần như lúc nào cũng nhìn chằm chằm xuống dòng Mirang, hoàn toàn đơn độc và chìm sâu trong u uẩn.
Một tối, người làng tụ tập tại sân bóng rổ Trường Quốc gia. Họ mới bắt được con cá sấu tấn công một phụ nữ đang giặt giũ quần áo bên sông Manggar. Bởi vì lúc ấy vẫn còn nhỏ nên tôi không thể chen được qua đám đông nhìn vây xung quanh con cá sấu ấy. Tôi chỉ có thể nhìn thấy nó qua khe hở giữa những đôi chân người lớn. Người ta dùng một mẩu gỗ chống giữa hai hàm nó để buộc nó phải há mồm rộng ngoác ra.
Khi mổ bụng nó, họ thấy trong đó có tóc, quần áo và vòng cổ. Ấy chính là lúc tôi trông thấy Bodenga chạy xộc tới dạt cả đám người đang bu xung quanh con cá sấu ra. Ông ngồi xuống xếp bằng bên nó. Gương mặt ông tái nhợt như người chết. Ông thảm thiết van xin mọi người đừng xẻ thịt nó. Họ lấy mẩu gỗ ra khỏi miệng nó và lùi cả ra. Họ hiểu rằng những người thờ cá sấu tin rằng khi chết họ sẽ trở thành cá sấu. Họ cũng hiểu rằng đối với Bodenga, đây chính là người cha của ông đã biến thành cá sấu vì con này cũng bị mất một chân.
Bodenga khóc. Ấy là một âm thanh đớn đau sầu thảm.
“Baya... Baya... Baya,” ông rền rĩ.
Một vài người nghẹn ngào rơi nước mắt. Tôi trông thấy nước mắt Bodenga tuôn trào xuống hai gò má lỗ rỗ của ông. Tôi cảm thấy nước mắt tôi cũng chảy xuống hai má mình nóng hổi, và tôi không kìm được cơn nức nở. Con cá sấu xấu số đó từng là niềm yêu thương duy nhất của ông trong cái thế giới đơn độc và bị lãng quên của mình, và giờ đây tình yêu ấy đã bị tước đi mất.
Những tiếng rền rĩ đứt quãng thoát ra từ cái miệng câm của Bodenga khi ông khóc. Rồi ông cột con cá sấu lại và mang xác mà ông nghĩ là của cha mình đến sông Linggang, kéo xềnh xệch nó dọc theo bờ sông về phía lưu vực. Kể từ đó, Bodenga không trở về nữa.
Bodenga và câu chuyện bất ngờ xảy ra tối hôm đó khiến lòng tôi dấy lên một niềm trắc ẩn, và nỗi buồn bã lặn sâu vào trong tiềm thức. Có lẽ tôi còn quá nhỏ, đáng lẽ không nên chứng kiến thảm kịch đau lòng đến nhường ấy. Những năm tiếp theo đó, bất kỳ khi nào tôi chứng kiến những tình cảnh đau lòng, hình ảnh của Bodenga lại hiện về trong tâm trí tôi.
Tối hôm ấy, Bodenga thực sự đã dạy tôi một bài học về linh cảm. Và lần đầu tiên, tôi biết rằng số phận có thể đối xử với con người rất nghiệt ngã, và rằng tình yêu có thể rất mù quáng.
Mặc dù Lintang chưa hề có một trải nghiệm cảm xúc nào với Bodenga giống như tôi, nhưng đó không phải là lần đầu tiên nó đối mặt với một con cá sấu nằm chắn ngang con đường đến trường. Chẳng có gì quá lời khi nói rằng để được đến trường Lintang thường phải chấp nhận mạo hiểm tính mạng. Tuy vậy, nó không hề bỏ học một bữa nào. Nó mỗi ngày đi về hết tám mươi cây số. Nếu ở trường có thêm hoạt động gì đó khiến lớp học kết thúc muộn thì đến tối mịt nó mới về đến nhà. Tôi thực sự ngưỡng mộ nó khi nghĩ đến đoạn đường nó phải đi qua mỗi ngày như thế.
Khoảng cách chưa phải là khó khăn duy nhất nó phải đối mặt. Vào mùa mưa, con đường biến thành sông ngập đến ngang ngực. Hễ lúc nào con đường biến thành sông, Lintang lại dựng xe đạp bên dưới một cái cây trên mô đất cao nước không dâng tới được, bỏ hết quần áo sách vở vào trong một túi nhựa cột kỹ lại, miệng ngậm cái túi, lao xuống nước, và bơi hết tốc lực đến trường vì không khéo bị cá sấu ăn thịt thì khốn.
Nhà không có đồng hồ nên Lintang dựa vào đồng hồ tự nhiên. Có lần, nó vội vã cầu kinh sáng vì nghe gà đã gáy. Cầu kinh xong nó hấp tấp vọt lên xe đạp cắm đầu cắm cổ đạp tới trường. Đi đến giữa rừng, nó ngờ ngợ vì không khí vẫn còn lạnh, trời vẫn tối um, rừng im ắng đến lạ lùng. Chẳng có chim chóc hót gọi bình minh gì ráo. Lintang nhận ra rằng con gà nhà nó nổi cơn gì đó nên gáy sớm, chứ lúc ấy vẫn còn đang nửa đêm. Nó ngồi lại bên dưới một cái cây giữa khu rừng tối đen ấy, bó gối, người run lên vì lạnh, kiên nhẫn đợi trời sáng.
Lần khác, xích xe bị đứt. Chẳng biết cái xe cà tàng của nó đứt xích bao nhiêu lần rồi, mỗi lần lại phải bỏ đi một mắt, và giờ thì cái xích ngắn quá, không nối lại được nữa. Nhưng nó không chịu bó tay. Nó xuống xe rồi cứ thế dắt bộ mấy mươi cây số. Lúc đó đến được trường thì bọn tôi cũng sắp sửa ra về. Tiết học cuối cùng hôm đó là môn nhạc. Lintang rất vui vì nó được hát bài Padamu Negeri (“Cho quê hương đất nước”) trước cả lớp. Ấy là một bài hát có nhịp điệu chậm và buồn.
Vì quê hương, ta hứa
Vì quê hương, ta phục vụ
Vì quê hương, ta hiến dâng
Quê hương là thể xác và linh hồn của ta
Nó hát thật có hồn, bọn tôi đứa nào cũng vừa kinh ngạc vừa ngưỡng mộ. Đôi mắt lém lỉnh của nó không gợn chút mệt nhọc nào. Sau khi hát xong, nó lại dắt xe trở về, bốn mươi cây số.
Cha của Lintang đã tưởng con trai ông thể nào cũng bỏ học trong những tuần đầu tiên, nhưng ông lầm. Ngày qua ngày, niềm hăng say học tập của Lintang không hề vơi đi, mà trái lại càng dâng cao hơn - nó thực sự yêu ngôi trường cùng bạn bè, và nó bắt đầu mải mê khai phá những cánh cửa mở ra thế giới tri thức. Về đến nhà là nó nhập bọn ngay với những đứa trẻ khác cùng tuổi trong làm đi làm cu li cùi dừa, không kịp nghỉ ngơi chút nào. Ấy là cái giá nó phải trả để “được” đi học.
Giờ cha nó mới nhận ra rằng cho nó đi học là một quyết định sáng suốt. Ông thật vui biết mấy khi thấy nó ham học đến như thế. Ông hy vọng một ngày nào đó Lintang có thể chăm lo cho năm đứa em của nó đến trường - đứa nhỏ kém đứa lớn một tuổi - và cũng là để giải thoát chúng khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Vì vậy, theo cách riêng của mình ông ráng hết sức lo cho Lintang theo đuổi việc học.
Khi Lintang còn học lớp một, có lần nó nhờ cha giúp làm bài tập về nhà - một phép nhân đơn giản. “Cha ơi, bốn nhân bốn bằng mấy cha?”
Người cha mù chữ đi tới đi lui. Ông nhìn đăm chiêu biển Đông mênh mông qua lối cửa sổ, nghĩ rất lung. Thừa lúc Lintang không để ý, ông rón rén ra phía cửa sau và chạy băng băng xuyên qua đám cỏ cao lút đầu. Người đàn ông có dáng người giống cây thông đó chạy thật nhanh đến ủy ban xã để nhờ người ở đấy giúp. Rồi loáng cái ông đã về nhà và thình lình xuất hiện trước mặt đứa con trai mà chăm chăm nhìn nó.
“Mười... mười... mười bốn, con trai ạ, không trật vào đâu được, không hơn, không kém,” ông vừa nói vừa thở hổn hển, nhưng trên mặt rạng rỡ nụ cười hãnh diện.
Lintang nhìn sâu vào mắt cha nó. Nó cảm thấy tim mình nhói đau, khiến nó tự hứa với lòng mình, Mình phải là người thông minh mới được. Lintang biết rằng câu trả lời đó không phải do cha nó tự nghĩ ra.
Cha nó thậm chí đã truyền đạt sai câu trả lời từ nhân viên ủy ban xã. Lẽ ra ông phải nói là mười sáu, nhưng cha nó chỉ nhớ được số mười bốn - số miệng ăn cha phải lo mỗi ngày.
Từ hôm ấy trở đi, niềm say mê đến trường càng thêm bỏng cháy. Vì thân người quá nhỏ so với chiếc xe đạp quá khổ, nó không ngồi lên được yên xe. Thay vào đó, nó ngồi trên thanh ngang nối giữa yên xe với ghi đông. Đã thế rồi nhưng khi đạp nó còn phải nhón chân mới tới được pê-đan. Mỗi ngày nó cứ thế nhấp nhổm trên chiếc xe đạp, môi mím chặt tập trung hết sức lực chống lại cơn gió ngược.
Nhà của Lintang nằm ven biển. Đó là một căn lều - dựng lên theo lối nhà sàn phòng khi nước biển dâng cao. Mái lợp bằng lá cọ và tường dựng từ vỏ cây merati. Đứng bên ngoài cũng có thể trông thấy bất kỳ chuyện gì diễn ra trong căn lều vì những vách tường bằng vỏ cây đã được dựng từ hàng chục năm nay rồi, lại còn bị thủng lỗ chỗ và nứt toác ra như bùn mùa khô. Bên trong là một không gian hẹp và dài với hai cái cửa, cái trước cái sau. Không một cửa sổ hay cửa ra vào nào có khóa. Ban đêm nhà nó cột cửa bằng dây thừng bện rẻ tiền.
Ông bà nội ngoại của Lintang ở cả trong căn lều ấy. Da ông bà nhăn nheo như quả táo tàu. Mỗi ngày, bốn con người già nua ấy còng người xuống một cái sàng để nhặt từng con dòi ra khỏi mớ gạo loại ba, loại duy nhất họ có thể mua nổi. Họ lom khom hàng giờ, công việc thật khó khăn - thứ gạo ấy đã bị thối mủn ra rồi.
Ngoài ra còn có hai em trai của cha Lintang nữa: một người cứ lang thang vẩn vơ suốt ngày vì mắc chứng thần kinh còn một người mất khả năng lao động vì mắc bệnh viêm tinh hoàn - hậu quả của tình trạng suy dinh dưỡng. Bốn ông bà, hai chú, Lintang, năm đứa em gái của nó, mẹ nó; ngôi nhà dài hẹp ấy trở nên chật chội. Có cả thảy mười bốn người, tất thảy mười bốn con người ấy đều dựa vào cả cha của Lintang.
Ngày ngày cha Lintang đợi những người hàng xóm dân chài hoặc thuyền trưởng thuê ông làm việc. Ông không được chút cá nào trong mẻ cá đánh bắt được nhưng ông được trả tiền dựa vào công sức bỏ ra. Ông là người kiếm sống bằng cách bán sức lao động của mình.
Mãi đến khuya Lintang mới học bài được. Vì nhà quá chật chội, nó khó lòng tìm được một không gian riêng tư, và lại chỉ có một cây đèn dầu thắp sáng cho cả nhà. Tuy thế mỗi khi cầm sách lên, tâm trí nó thoát ra khỏi mấy bức tường bằng vỏ cây xiêu vẹo kia. Học như thể một hoạt động giải trí giúp nó quên đi những vất vả khó khăn của cuộc sống thường nhật. Đối với nó, sách giống như nước lấy lên từ cái giếng thiêng nơi thánh địa Mecca, nạp thêm cho nó sức mạnh để nó có thể gồng mình trên chiếc xe đạp cao quá khổ hết ngày này sang ngày khác. Nó đắm mình trong từng câu từng chữ. Nó mê say đọc những bài viết của các học giả. Nó nhận ra được ý nghĩa ẩn giấu bên trong những công thức mà người khác khó lòng hiểu nổi.
Rồi vào một đêm kỳ diệu nọ, dưới gọn đèn dầu leo lét và xung quanh in lặng như tờ chỉ còn nghe thấy tiếng sóng vỗ ì oạp, những ngón tay gầy guộc của Lintang lật bản phô tô một cuốn sách cổ có tên là Chiêm tinh học và Hình học. Và ngay tức khắc, nó như bị thôi miên vào những lý lẽ của Galileo chống lại thuyết địa tâm của Aristotle. Nó bị cuốn theo ý tưởng điên rồ của những nhà thiên văn muốn đo khoảng cách từ trái đất đến chòm sao Tiên Nữ và chòm sao Tam Giác. Nó há hốc miệng ra vì kinh ngạc khi biết rằng lực hấp dẫn có thể uốn cong ánh sáng. Nó sửng sốt khi đọc về các vật thể lang thang trên bầu trời trong những góc tối của vũ trụ mới chỉ được duy những ý nghĩ của Nicolas Copernicus ghé thăm.
Khi đọc tới chương về hình học, Lintang cười khoái chí vì với khả năng tư duy logic vốn có, nó có thể dễ dàng hiểu được những mô phỏng toán học về không gian đa chiều. Nó nhanh chóng nắm vững hình học không gian bốn chiều cực kỳ phức tạp, những tiên đề và các định lý Pythagore. Cuốn sách này quá khó với một đứa ở độ tuổi như nó mà lại còn chưa được học những thứ tương tự ở trường, nhưng nó mê mẩn những thông tin lôi cuốn đó. Nó thả hồn vào mớ kiến thức ấy dưới quầng sáng leo lét của ngọn đèn dầu, và chính ngay khoảnh khắc ấy, trong đêm tối tịch mịch, tư duy của nó chợt lóe sáng và nó nhận thấy một điều kỳ diệu nào đấy đang diễn ra trên những trang sách cũ trước mặt. Mỗi con số và chữ cái bò ngoằn ngoèo rồi sáng bừng lên, biến thành những đốm sáng lờn vờn xung quanh và rồi nhập cả vào đầu nó. Nó không biết rằng vào lúc ấy linh hồn của các nhận vật tiên phong về hình học đang toe toét cười với nó. Copernicus, Lucretius và Issac Newton đang ngồi ngay bên cạnh nó. Trong căn nhà nhỏ bé chật chội của một gia đình Mã Lai nghèo túng trên bờ biển một vùng xa xôi hẻo lánh, một thiên tài ra đời.
Ngày hôm sau ở trường, Lintang thấy ngạc nhiên khi chúng tôi lúng túng với một bài tập về nhà về tọa độ ba chiều.
Trong lòng nó đầy hoài nghi. Sao tụi nó lại lúng túng thế nhỉ?
Người ta thường không ý thức được sự ngu dốt của mình, và, tương tự như thế, một vài người thường không nhận ra rằng họ đã được Đấng Toàn năng chọn lựa để toàn tâm toàn ý hiến mình cho tri thức.