Chiến Tranh Tiền Tệ - Phần 1 - Phụ lục
Phụ lục
Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính
Rủi ro lớn nhất của việc mở cửa thị trường tài chính Trung Quốc là thị trường này thiếu ý thức phòng bị “chiến tranh.”
Vấn đề mà đại đa số học giả và những người hoạch định chiến lược quan tâm khi nghiên cứu vấn đề rủi ro của việc mở cửa tài chính Trung Quốc là rủi ro về mặt “chiến thuật.” Ví dụ, rủi ro của việc ngân hàng nước ngoài đầu tư khống chế thị trường chứng khoán, rủi ro quản lý của các tổ chức tài chính, rủi ro thị trường cho vay bất động sản, rủi ro mở cửa thị trường tài khoản tư bản, rủi ro đồng nhân dân tệ tăng giá, rủi ro mất kiểm soát trong ngân hàng quốc hữu, rủi ro của thị trường sản phẩm phái sinh tài chính, rủi ro xung đột của thỏa thuận Basel… Thực ra, rủi ro lớn nhất của việc mở cửa tài chính bắt nguồn từ cấp độ “chiến lược”, vì về bản chất, một khi Trung Quốc mở cửa thị trường tài chính thì nước này cũng đã tham gia vào “cuộc chiến tranh tiền tệ.” Thiếu ý thức và sự chuẩn bị cho chiến tranh là rủi ro lớn nhất trước mắt của Trung Quốc!
Việc hiểu việc mở cửa thị trường tài chính cũng giống như mở cửa các ngành nghề bình thường là một điều cực kỳ nguy hiểm.
Tiền tệ là một loại hàng hóa, nhưng khác với các loại hàng hóa khác. Nó là thứ hàng hóa mà mọi ngành nghề, mọi tổ chức, mọi cá nhân đều cần đến. Khống chế phát hành tiền tệ là hình thức cao nhất trong các hình thức lũng đoạn tài chính!
Việc phát hành tiền tệ của Trung Quốc vốn dĩ do Chính phủ khống chế, chỉ có cách này mới có thể đảm bảo sự công bằng cơ bản trong tổ chức xã hội. Ngay sau khi các ngân hàng nước ngoài tiến vào Trung Quốc, quyền phát hành tiền tệ của nước này sẽ ở vào tình thế nguy hiểm.
Mọi người sẽ cho rằng tiền tệ của Trung Quốc là tiền giấy nhân dân tệ, chỉ có Chính phủ mới có thể in ấn và phát hành tiền tệ, và bản thân các ngân hàng nước ngoài làm sao có thể in được đồng nhân dân tệ của mình. Thực ra, các ngân hàng nước ngoài vốn dĩ chẳng cần in ấn đồng nhân dân tệ cũng vẫn có thể “sáng tạo” ra nguồn cung ứng tiền tệ. Họ sẽ đem theo một lượng lớn sản phẩm tài chính “mới toanh” vào Trung Quốc, khiến người ta phải hoa mắt bối rối. Họ dùng các phương thức sáng tạo ra công cụ nợ và tiền tệ hóa các sản phẩm mà họ đem theo. Đây chính là “tính lưu động” của sản phẩm tương tự như tiền tệ. Những loại sản phẩm tài chính này hoàn toàn có đầy đủ sức mua của tiền tệ trong lĩnh vực kinh tế thực thể. Từ góc độ này có thể nói, ngân hàng nước ngoài sẽ tham dự vào sự phát hành tiền tệ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc.
Khi tổng lượng tín dụng bằng đồng nhân dân tệ do các ngân hàng nước ngoài “sáng tạo” ra vượt quá mức của ngân hàng thương mại quốc doanh thì trên thực tế họ có thể đủ sức “treo cổ” Ngân hàng trung ương Trung Quốc, khống chế quyền phát hành tiền tệ của Trung Quốc! Họ sẽ có đủ năng lực và mưu đồ để khống chế dao động cung ứng tiền tệ một cách đầy ác ý. Họ sử dụng khéo léo công cụ lạm phát tiền tệ và siết chặt tiền tệ để tước đoạt tài sản của người dân Trung Quốc, giống như các cuộc khủng hoảng kinh tế đã xuất hiện lặp đi lặp lại trong lịch sử.
Khi các thế lực ngân hàng nước ngoài này càng ngày càng mạnh, họ sẽ thông qua các hình thức giao dịch giữa tiền và quyền, giữa tiền với tiền, giữa tiền bạc và danh dự, giữa tiền bạc và học thuật để hình thành nên một thế trận “liên hợp hùng mạnh” của “tập đoàn lợi ích đặc thù siêu cấp” chưa từng có ở Trung Quốc. Họ sẽ cung cấp tín dụng để tưởng thưởng cho các cơ quan địa phương “tâm đầu ý hợp” với họ, sẽ dùng tiền tài và sắc dục để “bồi dưỡng” cho các ngôi sao chính trị mới “có tiềm lực” nhằm mong nhận được sự báo đáp về mặt chính trị trong tương lai lâu dài. Họ sẽ thông qua các quỹ đầu tư nghiên cứu học thuật để “khuyến khích và ủng hộ” các thành tựu nghiên cứu có lợi cho họ. Họ sẽ tài trợ một lượng lớn kinh phí cho các tổ chức xã hội để tác động đến các chương trình nghị sự chung, từ đó mà hình thành nên “một ý thức hệ” lớn mạnh từ trên xuống dưới. Họ sẽ hào phóng ủng hộ sự hoạt động theo hướng thị trường hóa của các giới truyền thông để phản ánh “sự phê bình tích cực” của xã hội đối với ngân hàng nước ngoài. Họ sẽ sử dụng vốn đầu tư để báo đáp lại các tổ chức xã hội có ích cho họ, sẽ đầu tư mạnh tay vào ngành y tế, bao gồm cả y học cổ truyền núp bóng một cách có hệ thống, từng bước tiến hành xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, hệ thống pháp luật, thậm chí là hệ thống quân đội. Quan điểm của họ là, trong một xã hội hàng hóa sẽ không có ai đủ sức “miễn dịch” đối với tiền bạc.
Các thế lực ngân hàng nước ngoài sẽ còn thông qua đầu tư để khống chế các ngành nghề quốc hữu nòng cốt như: viễn thông, dầu mỏ, giao thông, hàng không, công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, vì chẳng có quy định pháp luật nào ngăn cản các ngành này rơi vào tay của các ngân hàng nước ngoài. Một khi trở thành người cung cấp các khoản vốn chủ yếu của các ngành nắm quyền khống chế trong nền kinh tế của Trung Quốc, các ngân hàng nước ngoài sẽ nắm giữ mạch máu các “tài sản cốt lõi” này của Trung Quốc. Họ có thể cắt đứt dây chuyền vốn của các doanh nghiệp trọng yếu này bất cứ lúc nào, từ đó dẫn đến sự tê liệt của ngành sản xuất trọng tâm của Trung Quốc.
Các ngân hàng nước ngoài vào Trung Quốc đương nhiên là để kiếm tiền, nhưng không nhất định phải kiếm tiền theo cách bình thường.
Rủi ro chiến lược mà việc mở cửa tài chính phải đối mặt không hề đơn giản như bản thân ngành tài chính mà nó bao hàm toàn bộ các phương diện của xã hội Trung Quốc. Chỉ cần có một chút bất trắc thì hậu quả sẽ khôn lường. Điều đáng tiếc là trong danh sách các ngành quốc doanh được Trung Quốc bảo hộ, tuyệt nhiên không có ngành tài chính, một ngành đáng ra phải được bảo hộ trọng điểm nhất. Trước mắt, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc hoàn toàn không phải đối thủ của các nhà tài phiệt ngân hàng Âu - Mỹ đã từng “lăn lộn giang hồ” hơn hai trăm năm. Điều này chẳng khác nào bắt một môn sinh nhập môn đi đọ sức với nhà vô địch, chẳng cần phải tưởng tượng quá nhiều thì người ta cũng biết được kết quả cuối cùng của cuộc đọ sức ấy.
Do rủi ro chiến lược của việc mở cửa tài chính sẽ liên quan đến toàn cuộc cho nên các cơ quan quản lý như Ủy ban Giám sát ngân hàng, Ủy ban Giám sát chứng khoán, Ủy ban Giám sát bảo hiểm đã không thể gánh vác trách nhiệm nặng nề để giám sát rủi ro chiến lược từ việc mở cửa này. Cho nên Chính phủ Trung Quốc cần phải xây dựng một “Ủy ban An toàn tài chính quốc gia” để thống nhất ba tổ chức này lại với nhau và trực thuộc quản lý của cấp hoạch định chiến lược, tăng cường sức mạnh nghiên cứu tình báo tài chính, tăng cường công tác nghiên cứu phân tích các phương diện như bối cảnh nhân viên, điều động vốn, chiến lược đối với ngân hàng nước ngoài; xây dựng chế độ phân cấp bảo mật an toàn tài chính quốc gia, những người nắm quyền hoạch định chiến lược tài chính quốc gia cần phải được sát hạch thông qua chế độ này. Cần phải cân nhắc đến việc tiến hành “hạn chế lỏng” đối với các ngành nghề mà ngân hàng nước ngoài có thể với đến, xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra đột ngột cho Trung Quốc và tiến hành cử duyệt định kỳ.
An toàn tài chính đối với Trung Quốc là một vấn đề cần phải giám sát nghiêm ngặt hơn cả vũ khí hạt nhân chiến lược. Trước khi chưa xây dựng được một cơ chế kiểm soát an toàn tài chính, việc Chính phủ mở cửa thị trường tài chính chẳng khác nào đang xây con đường để rước họa vào nhà.
CẦN CHỦ QUYỀN TIỀN TỆ HAY LÀ CẦN ỔN ĐỊNH TIỀN TỆ
Chủ quyền tiền tệ là một trong những quyền cơ bản nhất không thể tước đoạt của một quốc gia có chủ quyền. Nó trao trách nhiệm cho một quốc gia có chủ quyền hoạch định chính sách phát hành tiền tệ căn cứ vào tình hình của nước mình. Chủ quyền tiền tệ đương nhiên cao hơn tất cả các quyền lợi ngoại lai khác, bao gồm tất cả các thông lệ quốc tế và các thỏa thuận quốc tế, cũng như các áp lực chính trị bên ngoài. Chủ quyền tiền tệ chỉ phải phục vụ cho lợi ích căn bản của người dân bản quốc.
Bảo vệ duy trì ổn định tiền tệ tức là bảo vệ và duy trì ổn định giá trị tiền tệ của một nước trong hệ thống tiền tệ quốc tế nhằm tạo ra một môi trường sinh thái phát triển, nền kinh tế thông thoáng và bình ổn cho các ngành nghề quốc nội.
Hiện tại, cái khó của Trung Quốc nằm ở chỗ họ chỉ có thể lựa chọn hoặc chủ quyền tiền tệ hoặc ổn định tiền tệ. Nếu chọn bảo vệ chủ quyền của đồng nhân dân tệ thì nước này sẽ đối mặt với hậu quả đồng nhân dân tệ tăng giá, còn nếu theo đuổi sự ổn định cơ bản về tỉ suất hối đoái giữa đồng nhân dân tệ và đồng đô-la Mỹ thì sẽ mất đi chủ quyền tiền tệ. Chính sách hiện tại của Trung Quốc là để phát triển kinh tế không thể không theo đuổi sự ổn định tiền tệ và gạt bỏ chủ quyền tiền tệ. Cái nguy của cách lựa chọn này nằm ở chỗ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang can dự rất nhiều vào lượng cung ứng tiền tệ của Trung Quốc. Do Trung Quốc chọn chế độ kết nối cưỡng chế nên Mỹ có thể tăng cường thâm hụt thương mại đối với Trung Quốc để ép Ngân hàng trung ương Trung Quốc phải phát hành thêm tiền tệ mới. Với sự giúp đỡ của ngân hàng thương mại, khoản tiền phát hành thêm này sẽ được nhân bản lên gấp hàng trăm nghìn lần, lạm phát tràn lan, thị trường bất động sản và cổ phiếu rơi vào trạng thái bùng nổ kiểu bong bóng, làm xấu đi trầm trọng môi trường sinh thái tài chính của Trung Quốc. Để bình ổn lạm phát, Chính phủ và ngân hàng trung ương lại phải phát hành thêm công trái quốc gia và ngân phiếu định mức của ngân hàng trung ương để rút lại số tiền thừa mứa trong lưu thông. Nhưng hành động này lại làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của Chính phủ, mà những khoản nợ này sớm muộn gì cũng phải hoàn trả cả gốc lẫn lãi.
Một chiến lược tài chính hoàn toàn bị động như vậy quả thật là cực kì bất lợi đối với Trung Quốc. Nếu đồng đô-la Mỹ vẫn còn ở địa vị tiền tệ tích lũy của thế giới thì Trung Quốc không thể thoát khỏi được cục diện này. Về cơ bản, việc thúc đẩy quá trình tiền tệ hóa vàng là phương pháp duy nhất để tạo ra mội trường sinh thái tài chính tự do, công bằng và hài hòa cho các nước trên thế giới. Trong tình hình thị trường tỉ suất hối đoái quốc tế dao động dữ dội, cái giá kinh tế mà các quốc gia trên thế giới phải trả quả thực là hết sức đắt đỏ và đau đớn, đặc biệt là các quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản càng chịu tổn thương nặng nề hơn. Nếu một bước khó có thể thành công ngay, thì các nước cũng phải cố gắng thúc đẩy tiến trình đa nguyên hóa tiền tệ tích lũy của thế giới và sách lược chia để trị.
TIỀN TỆ TĂNG GIÁ VÀ CHỨNG “RỐI LOẠN NỘI TIẾT” CỦA HỆ THỐNG TÀI CHÍNH
Nhật Bản được xem là tấm gương phản chiếu đầy đủ nhất những hậu quả kinh tế và xã hội của việc tiền tệ tăng giá dữ dội. Nền kinh tế Nhật Bản tiêu điều trong thời gian dài, đương nhiên có nhân tố khách quan nội tại của nó, nhưng việc thiếu chuẩn bị tư tưởng đối với “cuộc chiến tranh tài chính” mà Mỹ phát động một cách đột ngột cũng là một trong những nhân tố quan trọng nhất. Năm 1941, Nhật Bản đã phát động sự kiện “đánh úp Trân Châu Cảng”, khiến cho quân Mỹ chẳng kịp trở tay, còn nước Mỹ đã đáp lại Nhật Bản bằng một cuộc chiến “chiến tranh chớp nhoáng về tài chính” vào năm 1990. Và như vậy, tức là sau gần nửa thế kỷ, đôi bên xem như đã hòa.
Kitsusengenchu - tác giả cuốn sách Thất bại tài chính xót xa cho rằng, nếu căn cứ theo tỉ lệ tổn thất của cải mà nói, hậu quả của thất bại tài chính năm 1990 của Nhật Bản gần như tương đương với tổn thất mà cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đã gây ra cho nước này.
Nhật Bản và Trung Quốc cũng giống như nhau, đều là những quốc gia điển hình ra sức sáng tạo của cải vật chất bằng sức lực của mình, luôn giữ một thái độ hoài nghi đối với những khái niệm của cải tài chính mơ hồ. Logic thất bại tài chính của Nhật Bản rất đơn thuần; những sản phẩm giá rẻ chất lượng cao do nước này sản xuất ra giống như kẻ phá bĩnh trên thị trường đầy cạnh tranh, còn ngành ngân hàng của họ khi đó đã từng được xếp vào hàng có số má, ngạo mạn với thiên hạ khi nắm giữ vị trí quốc gia dự trữ ngoại hối hàng đầu và chủ nợ hàng đầu. Từ năm 1985 đến năm 1990, nền kinh tế quốc nội và mậu dịch xuất khẩu của Nhật Bản phát triển đến mức cực thịnh, thị trường cổ phiếu, bất động sản năm nào cũng tăng giá, thu về những khoản lớn vốn đầu tư nước ngoài, còn sự tự tin của người Nhật cũng tăng lên mức chưa từng thấy, cứ như thể họ đã qua mặt được Mỹ cả hàng chục năm trời vậy. Nhật không hề ý thức đối diện với chiến tranh tài chính, thậm chí họ còn lạc quan hơn cả Trung Quốc hiện nay. Nhật Bản cũng vượt xa Trung Quốc về khoản giàu có.
Ý nghĩa của câu nói “vong chiến tất nguy” (nếu lơ là cảnh giác thì sẽ rất nguy hiểm) đối với Nhật Bản ngày hôm qua vẫn còn nguyên giá trị đối với Trung Quốc hôm nay.
Tỉ suất hối đoái 1 đô-la Mỹ ăn 250 yên Nhật khi “thỏa thuận Plaza” được kí năm 1985, đã thành 1 đô-la Mỹ ăn 200 yên Nhật, tính ra đồng đô-la Mỹ đã mất giá đến 20%. Vậy nhưng, đến năm 1987, tỉ lệ này chỉ còn 1 đô-la Mỹ = 120 yên Nhật, hay nói cách khác, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, giá đồng yên Nhật đã tăng gấp đôi - một sự biến đổi lớn của môi trường tài chính của một nước. Đối với nền kinh tế Nhật, hậu quả của sự thay đổi tỉ suất hối đoái nhanh và mạnh như vậy chẳng khác nào sự biến đổi đột ngột của thời kì Băng hà (khiến khủng long tuyệt chủng).
Các bậc thầy tài chính Mỹ sớm biết rõ rằng, nếu ép cho đồng yên Nhật tăng giá mạnh chỉ trong một thời gian ngắn thì cũng chẳng khác nào ép nước Nhật uống thuốc kích thích với liều lượng quá mức. Hậu quả tất yếu là khiến cho nền kinh tế Nhật Bản xuất hiện nhiều triệu chứng rối loạn “nội tiết hệ thống tài chính” nghiêm trọng. Nếu ép được Nhật Bản tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp dưới 2,5% trong hơn hai năm thì hiệu quả của liều thuốc kia càng tuyệt vời hơn. Quả nhiên, nền kinh tế Nhật Bản đã mất cân bằng trong việc điều tiết tài chính và dưới sự kích thích của liều kích thích tố kia. Những miếng mỡ như thị trường cổ phiếu, bất động sản tăng lên nhanh chóng, các tổ chức mô cơ của các bộ phận sản xuất vật chất và ngành xuất khẩu bị teo rút nghiêm trọng, sau đó hàng loạt các triệu chứng như lượng mỡ trong máu cao, cao huyết áp trong nền kinh tế bắt đầu xuất hiện định kỳ, gây nên các chứng bệnh tim mạch và bệnh động mạch vành nơi quả tim của nền kinh tế (hệ thống tài chính). Để thúc đẩy các căn bệnh kia sớm phát tác, năm 1987, các nhà ngân hàng ở Ngân hàng Thanh toán quốc tế đã nghiên cứu ra một loại biệt dược mới cho Nhật Bản - Thỏa thuận Basel - với yêu cầu tỉ lệ vốn tự có của các ngân hàng có nghiệp vụ quốc tế phải tăng lên từ 8% trở lên, và Mỹ cùng với Anh là hai nước hăng hái ký trước vào bản thỏa thuận, sau đó ép Nhật Bản và các nước khác cũng phải ký vào, nếu không các ngân hàng ở các nước này không thể tiến hành giao dịch với các ngân hàng Anh - Mỹ trên thị trường tài chính quốc tế. Vấn đề tồn tại phổ biến của các ngân hàng Nhật Bản là nguồn vốn tự có thấp, nên chỉ còn cách dựa vào sự gia tăng vốn ngoài sổ sách, tức là vốn được hình thành từ sự tăng giá cổ phiếu ngân hàng, thì mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn.
Vốn dựa dẫm quá nhiều vào sự tăng giá cả cổ phiếu và thị trường bất động sản nên hệ thống ngân hàng Nhật Bản đã để hở sườn non dưới lưỡi kiếm sắc bén của cuộc chiến tài chính do Mỹ phát động. Ngày 12 tháng 1 năm 1990, Mỹ đã sử dụng đòn tấn công chiến lược “kiểu tên lửa hành trình” vào thị trường cổ phiếu Tokyo của Nhật Bản.
Bệnh tim và động mạch vành của hệ thống tài chính Nhật không chịu đựng nổi những đòn tấn công dữ dội này, cuối cùng nền kinh tế Nhật Bản đã trúng gió và sau đó là chứng liệt nửa người kéo dài suốt 17 năm.
Ngày nay, các bác sĩ tài chính của Mỹ lại “nhiệt tình và cấp thiết” đem phương thuốc này giới thiệu đến Trung Quốc, tuy nhiên, có điều khác là cơ thể nền kinh tế Trung Quốc còn xa mới bằng được nền kinh tế Nhật Bản năm đó, nếu uống liều thuốc này vào thì chỉ e Trung Quốc không chỉ “bại liệt” một cách đơn giản như Nhật. Thậm chí, Nhật Bản còn nóng lòng hơn cả Mỹ, muốn xem xem Trung Quốc uống liều thuốc này vào thì kết cuộc sẽ có phản ứng ra sao.
Hiện tại, những biểu hiện ban đầu của nền tài chính Trung Quốc rất giống với Nhật Bản những năm 1985 – 1990.
TẠO THẾ BÌNH ĐẲNG KHI THAM CHIẾN
“Thông lệ quốc tế” hiện đang là một thuật ngữ khá thịnh hành, đến mức nhiều người tưởng rằng, chỉ cần tuân thủ theo “thông lệ quốc tế” thì thế giới từ đây về sau sẽ thái bình, còn việc mở cửa thị trường tài chính là chuyện thư thái bình thản giống như vui thú điền viên vậy, chẳng có gì phải lo. Cách nghĩ lan man trên trời dưới đất kiểu này chỉ e là sẽ hại nước hại dân.
“Thông lệ quốc tế” được hình thành thông qua sự thao túng của các nhà ngân hàng quốc tế có địa vị lũng đoạn. Trong những điều kiện nhất định, họ cũng có thể chế tác ra một bộ “thông lệ quốc tế” bịt kín việc mở rộng phạm vi sinh tồn của ngành ngân hàng Trung Quốc. Thủ đoạn này đang trở thành thứ vũ khí hiệu quả để loại bỏ đối thủ trong cạnh tranh tài chính của các ngân hàng Anh - Mỹ.
Thỏa thuận Basel đã đánh bại xu thế khuếch trương của ngành tài chính Nhật Bản năm đó, nay đã thay đầu đổi mặt nâng cấp lên thành thỏa thuận Basel năm 2004. Tương tự như những gì đã làm với Nhật Bản, thỏa thuận này rất có thể sẽ được các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế dùng làm công cụ để cản trở ngành tài chính Trung Quốc phát triển ra nước ngoài.
Một số quốc gia phát triển cho rằng, các tổ chức chi nhánh ngân hàng nước ngoài nằm trong biên giới nước họ cần phải đáp ứng được các yêu cầu của thỏa thuận Basel thì mới có thể tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ngay cả quốc gia sở tại của các ngân hàng nước ngoài này cũng cần phải phù hợp với yêu cầu của thỏa thuận này, nếu không cũng không thể tồn tại. Những quy định như vậy chắc chắn sẽ làm tăng thêm giá thành hoạt động của tổ chức chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài này. Đối với Trung Quốc, một nước vừa mới bước chân vào ngành tài chính thế giới, việc phải đáp ứng hết những yêu cầu hà khắc như thỏa thuận Basel đề ra thì chẳng khác nào rút củi dưới đáy nồi. Nói cách khác, nếu các ngân hàng bản địa của Trung Quốc không thực hiện thỏa thuận Basel thì khả năng các ngân hàng này ở Mỹ cũng như các chi nhánh của nó ở châu Âu sẽ bị thay đổi và thậm chí là bị đóng cửa, mạng lưới tài chính nước ngoài do Trung Quốc vất vả xây dựng nên đang tồn tại nguy cơ bị đánh sập.
Các nhà xây dựng quy tắc trò chơi của ngành ngân hàng Âu - Mỹ chiếm ưu thế cực lớn sẽ dễ dàng phong tỏa con đường phát triển ra ngoài của ngành tài chính Trung Quốc. Không chỉ có vậy, các ngân hàng quốc nội của Trung Quốc còn cần phải tuân thủ những thứ được gọi là “thông lệ quốc tế” đang ngáng đường phát triển của mình, mà trong thiên hạ chẳng có quy tắc trò chơi nào bất công hơn thế. Đương đầu với những đối thủ có ưu thế như vậy, chưa kể là còn bị trói chân tay, việc thắng thua của Trung Quốc trong trò chơi này xem như đã định.
Nhận của người mà không đáp lại e là thất lễ.
Đối sách của Trung Quốc chính là “duy trì lực lượng tác chiến trên mặt trận chính của mình đồng thời liên kết với các lực lượng bên ngoài.” Nếu nước nào đó bất chấp mọi “thông lệ quốc tế” để phong tỏa chi nhánh ngân hàng nước ngoài của Trung Quốc, Trung Quốc cũng sẽ bắt chước làm theo, đặt ra các quy định của ngành ngân hàng “mang màu sắc Trung Quốc” để hạn chế cũng như xóa bỏ sự vận hành của các ngân hàng này tại Trung Quốc. Nhìn lại quá trình Anh - Mỹ trở thành lực lượng chủ đạo của ngành ngân hàng quốc tế, chúng ta dễ thấy rằng việc xây dựng mạng lưới ngân hàng quốc tế là con đường tất yếu. Thay vì ngồi im một chỗ và tuân theo những quy tắc áp đặt từ bên ngoài, ngành ngân hàng Trung Quốc và các ngành khác của nước này phải giữ vững thế công chính diện, trực tiếp mua lại các ngân hàng của Âu - Mỹ hoặc khuếch trương các chi nhánh, xây dựng nên mạng lưới tài chính rộng khắp thế giới của chính Trung Quốc, theo kiểu học chiến tranh từ trong lòng chiến tranh. Nếu ngành ngân hàng Trung Quốc gặp phải trở lực trong việc mua lại hoặc khuếch trương ở nước ngoài thì Trung Quốc cũng đừng ngại áp dụng những nguyên tắc này để hành xử với những ngân hàng của các nước tại Trung Quốc.
GIỮ VÀNG HƠN GIỮ NGOẠI TỆ
Trước xu thế đồng đô-la Mỹ trượt giá dài hạn, nhiều nhà nghiên cứu đã kiến nghị cần phải tích trữ ngoại tệ để làm giảm rủi ro tổn thất dự trữ ngoại hối của quốc gia. Nếu bãi bỏ chế độ cưỡng chế dự trữ để cho doanh nghiệp trực tiếp khống chế ngoại hối thì Trung Quốc có thể phân tán được rủi ro mất giá của dự trữ ngoại hối quốc gia đồng thời giảm nhẹ áp lực phát hành thêm tiền tệ và tăng giá của đồng nhân dân tệ. Nhưng cách làm này lại làm suy yếu khả năng kiểm soát của quốc gia đối với sự lưu thông ngoại hối, làm tăng thêm rủi ro cả cho hệ thống tài chính, cho nên đây không phải là một sách lược toàn vẹn.
So với việc tích trữ ngoại tệ thì tích trữ vàng vẫn hơn. Về lâu dài, mọi loại ngoại hối đều có xu hướng mất giá so với vàng, chỉ khác nhau ở tốc độ mất giá nhanh hay chậm mà thôi. Nếu muốn đảm bảo được sức mua cho khoản tài sản khổng lồ mà Trung Quốc đã tạo ra được thì cách duy nhất là chuyển đổi dự trữ ngoại hối sang dự trữ vàng và bạc. Dao động của giá vàng và bạc quốc tế thực ra cũng chỉ là giả tạo mà thôi, nếu nhìn sâu vào sự dao động này thì còn sợ gì cơn sóng của thị trường tỉ suất hối đoái, vì một khi có hàng vạn tấn vàng, Trung Quốc nghiễm nhiên đã có được đôi đũa thần để dẹp yên mọi biến động.
Về căn bản, việc tích trữ vàng trong dân bảo vệ được sự an toàn tài sản của nhân dân, cho dù lạm phát tiền tệ ở hình thức hàng hóa hay tiền tệ cũng đều không thể ảnh hưởng được sức mua thực sự của họ. Đây là nền tảng tự do kinh tế không thể thiếu trong việc xây dựng một xã hội hài hòa và bình đẳng. Tóm lại, người dân đã lao động tạo ra của cải, họ có quyền quyết định chọn lựa phương thức tích trữ của cải của riêng mình.
Vàng có tính lưu động thuộc đẳng cấp cao nhất trong các loại tiền tệ. Trong hơn 5000 năm lịch sử loài người, vàng không chỉ là hình thức của cải cuối cùng mà bất cứ thời đại nào, nền văn minh nào, dân tộc nào, khu vực nào, thể chế chính trị nào, vàng cũng đều được chấp nhận. Nó còn gánh vác trọng trách lịch sử là thước đo cơ bản nhất trong hoạt động kinh tế của xã hội trong tương lai. Trong lịch sử, người ta từng bốn lần thử tìm cách tước bỏ vai trò hòn đá tảng của vàng trong hệ thống tiền tệ nhằm “phát minh” ra chế độ tiền tệ thông minh hơn, nhưng tất cả đều thất bại. Loài người với bản tính tham lam cố hữu của mình sẽ không thành công trong việc dùng ý thức chủ quan của mình để tiêu chuẩn hóa các hoạt động kinh tế.
Tích trữ vàng trong dân để chờ khi thiên hạ có biến động là việc làm cần thiết. Đồng tiền Trung Quốc có vàng đảm bảo giá trị sẽ hiên ngang sánh vai với các đồng tiền khác của thế giới. Và đến lúc đó, nền văn minh Trung Hoa cũng sẽ có dịp cất đầu vậy.
Vỡ nợ công trái Mỹ và tính thanh khoản toàn cầu bị siết chặt
Đầu tháng 8 năm 2007, một cơn bão siết chặt tính thanh khoản bùng phát bất ngờ đã quét qua toàn cầu, thị trường chứng khoán các nước rúng động dữ dội, thị trường trái phiếu gần như tê liệt, các ngân hàng trung ương rầm rộ bơm những khoản cứu trợ khổng lồ vào hệ thống ngân hàng để cứu vãn niềm tin vào một thị trường đang không ngừng suy sụp. Trong hai ngày 9 và 10 tháng 8, ngân hàng trung ương các nước châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản đã bơm tổng cộng 302,3 tỉ USD vào hệ thống các ngân hàng, đây là hành động liên hiệp lớn nhất của các ngân hàng trung ương toàn cầu kể từ sau sự kiện 11 tháng 9 ở Mỹ. Mặc dù vậy, việc bơm tiền vẫn không thể kiềm chế được cơn khủng hoảng của thị trường. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) buộc phải hạ lãi suất chiết khấu thêm 0,5% (xuống 5,75%) vào ngày 17 tháng 8, nhờ vậy thị trường tài chính mới có thể trụ vững. Kể từ đầu năm 2007, đây đã là lần thứ hai cơn địa chấn trên thị trường tài chính thế giới xảy ra, lần trước xảy ra vào ngày 27 tháng 2.
Đối với hai cơn địa chấn của thị trường tài chính này, giới học thuật hay giới truyền thông đều dần có chung một cảm nhận, đó là vấn đề cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn (tín dụng thứ cấp) của Mỹ chính là “tâm chấn” gây nên những cơn địa chấn ấy, nhưng đối với những người có quan điểm phát triển thì vấn đề lại hoàn toàn khác.
Đa số người cho rằng tỉ lệ của tín dụng thứ cấp trong thị trường tài chính Mỹ không lớn, phạm vi ảnh hưởng hẹp, cơn địa chấn rúng động thị trường tài chính chẳng qua là do phản ứng thái quá. Theo đà hành động bơm vốn quy mô lớn đầy kiên quyết của ngân hàng trung ương các nước, trạng thái hoảng loạn của thị trường sẽ nhanh chóng lắng dịu. Nền kinh tế thật của nước Mỹ không đến mức chỉ vì cú sốc quy mô lớn này mà rơi vào suy thoái. Nhưng cũng có một bộ phận khác cho rằng, lúc này vấn đề tín dụng thứ cấp ở Mỹ đang nổi cộm vẫn chỉ là một góc của tảng băng, thật sự lớn hơn sẽ tiếp tục phơi bày trên mặt nước. Nhiều khả năng tín dụng thứ cấp là con domino đầu tiên đổ xuống, nó sẽ kích hoạt một loạt cơn địa chấn tài chính có cường độ mãnh liệt hơn, sức phá huỷ dữ dội hơn nữa ở các thị trường khác. Hậu quả cuối cùng là sự thay đổi lớn trong chu kỳ kinh tế khi trạng thái thanh khoản quá mức chuyển ngược thành trạng thái thanh khoản bị siết chặt trên phạm vi toàn cầu, hay nói cách khác, “kỷ băng hà” của nền kinh tế thế giới có thể không hẹn mà đến, những mô hình kinh tế không chuẩn bị tốt để ứng phó có thể sẽ tuyệt diệt.
KHỦNG HOẢNG TÁI XUẤT
Nếu dùng ống kính quay chậm để tái hiện lại một chút về quá trình phái sinh của cơn địa chấn trên thị trường tài chính quốc tế nổ ra từ đầu tháng 8 năm 2007 và giải pháp bơm vốn của FED, chúng ta có thể phát hiện thấy một số manh mối ở khía cạnh cường độ của cơn chấn động.
• Ngày 1 tháng 8, Credit Suisse đưa ra cảnh báo, tính thanh khoản toàn cầu “đang bốc hơi trong nháy mắt như giọt nước giữa sa mạc.” Cùng ngày, Bear Stearns Cos. tuyên bố bảo hộ phá sản đối với hai quỹ đầu tư thanh khoản.
• Ngày 2 tháng 8, CEO Michael Perry của Indymac, một ngân hàng tín dụng bất động sản nổi tiếng của Mỹ, đã thảng thốt rằng: “(chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp MBS) Trên thị trường thứ cấp tràn ngập một màu hoảng loạn, tính thanh khoản đã hoàn toàn biến mất.”
• Ngày 3 tháng 8, Công ty đánh giá tài sản Standard & Poor’s đưa ra cảnh báo hạ thấp điểm đánh giá đối với Bear Stearns Cos., thị trường cổ phiếu Mỹ đã sụt giá sau khi tin tức này được tiết lộ.
• Ngày 4 tháng 8, Freddie Mac lo rằng vấn đề cho vay thứ cấp sẽ còn xuất hiện nhiều hơn nữa, “những khoản vay này vốn dĩ không đáng cho vay.”
• Ngày 5 tháng 8, Reuters lo lắng rằng vấn đề quy mô cho vay thứ cấp sẽ tiếp tục làm phố Wall rối ren.
• Ngày 6 tháng 8, Quỹ tín thác FrankfurtTrust của Đức bị “lây bệnh” từ hoạt động cho vay thứ cấp ở Mỹ, tuyên bố ngừng hoạt động mua lại.
• Ngày 7 tháng 8, Standard & Poor’s điều chỉnh hạ bậc tín dụng 207 loại chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp Alt-A.
• Ngày 8 tháng 8, vấn đề tín dụng thứ cấp lan sang thị trường tín dụng Alt-A, tỉ lệ phá vỡ hợp đồng tín dụng Alt-A tăng cao.
• Ngày 8 tháng 8, quỹ đầu tư thanh khoản trị giá 10 tỉ USD dưới trướng của Goldman Sachs đã tổn thất 8% chỉ trong một tuần.
• Ngày 9 tháng 8, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã lần đầu tiên phải tiến hành bơm vốn kể từ sau sự kiện “11 tháng 9”, tổng giá trị vốn được bơm vào thị trường lên đến 95 tỉ Euro.
• Ngày 9 tháng 8, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong một ngày đã ba lần bơm khẩn cấp 38 tỉ USD vào thị trường.
Ba lần bơm vốn khẩn cấp của FED được chia ra vào 8 giờ 25 phút sáng, tổng số 19 tỉ USD, với phương thức hợp đồng mua lại (REPO) trong kỳ hạn 3 ngày, dùng chứng khoán MBS làm vật thế chấp. Lúc 10 giờ 55 phút, tổng số là 16 tỉ USD, phương thức là hợp đồng mua lại (REPO) kỳ hạn 3 ngày, chứng khoán MBS làm vật thế chấp. Lúc 13 giờ 50, tổng số là 3 tỉ USD, phương thức là hợp đồng mua lại (REPO) kỳ hạn 3 ngày, chứng khoán MBS làm vật thế chấp.
Điều hết sức thú vị là ba lần bơm vốn khẩn cấp này của FED đều sử dụng chứng khoán MBS làm vật thế chấp mua lại chứ không phải là hợp đồng mua lại (REPO) “vật thế chấp hỗn hợp” ở điều kiện thông thường.
Hành động bơm vốn của FED đối với hệ thống ngân hàng, nói đơn giản hơn thì đó chính là Sở Giao dịch chìa ra một giấy vay nợ kỳ hạn 3 ngày trên thị trường chứng khoán, sau đó giao cho FED đề nghị mượn đồng USD để làm cơ sở phát hành thêm đồng USD. FED nói như vậy không đủ cơ sở, cần phải có đồ thế chấp, ví như công trái do Bộ Tài chính phát hành là tốt nhất, vì có các khoản thu thuế của Chính phủ đảm bảo. Chỉ cần Chính phủ Mỹ còn tồn tại thì sẽ có thu thuế, vì hệ thống này thường có Chính phủ Mỹ bảo lãnh. Ngoài ra, chứng khoán MBS của hai công ty Fannie Mae và Freddie Mac do Chính phủ Mỹ cấp phép đặc biệt để phát hành cũng có thể làm vật thế chấp. Vậy là ngày hôm đó, thị trường tràn ngập nỗi hoang mang, tiền mặt cực kỳ khan hiếm, nhưng FED vẫn khăng khăng rằng không thể không dùng MBS làm thế chấp. Vì thế Sở Giao dịch chứng khoán đem MBS trong két bảo hiểm của mình ra giao cho FED, FED lưu hồ sơ rằng đã nhận được đơn xin vay một khoản có tổng giá trị là 38 tỉ USD của Sở Giao dịch chứng khoán MBS, kỳ hạn 3 ngày, thế chấp bằng chứng khoán MBS ngang giá. Sau đó FED ghi lại: đã chi 38 tỉ USD tiền mặt cho Sở Giao dịch chứng khoán MBS, cuối cùng ghi chú: 3 ngày sau, Sở Giao dịch chứng khoán cần phải mua lại những chứng khoán MBS này, hoàn trả 38 tỉ USD tiền mặt và lãi suất của 3 ngày nợ cho FED, nếu như trong 3 ngày, những chứng khoán MBS này nhận được thanh toán lãi suất, thì tiền lãi suất này thuộc về Sở Giao dịch chứng khoán MBS.
Cái gọi là bơm vốn của FED thực ra chỉ có thời hạn 3 ngày (thường chỉ có 1 ngày), thời hạn đến, số tiền này vẫn sẽ bị rút đi. Hành động tạm thời này chủ yếu là để ứng phó với “thời khắc cao điểm” trong tình hình thị trường đang khủng hoảng, hay nói cách khác chính là “ứng cứu tức thời.”
Trong những ngày giao dịch bình thường, FED đều thu nhận cả ba loại chứng khoán, rất ít khi chỉ thu nhận một mình loại MBS này. Vậy tại sao ngày 9 tháng 8, FED lại có hành động khác thường như vậy? Giải thích của FED là, công trái là thiên đường lánh nạn, nhà đầu tư hôm đó ào ào đổ vào, vì không muốn chiếm dụng nguồn tài nguyên nên chỉ thu vào MBS. Có hãng truyền thông nhanh nhạy còn nói thêm rằng, nhà đầu tư (đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài) tuyệt đối không được hiểu nhầm rằng chứng khoán MBS không ai mua.
Câu nói này của giới truyền thông mới chính là mấu chốt của vấn đề, nó không những chỉ ra là căn nguyên của khủng hoảng thắt chặt tính thanh khoản xuất hiện trên thị trường tài chính quốc tế trước mắt, mà còn dẫn giải cho chúng ta hiểu được mấu chốt của toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính lần này.
Muốn hiểu tại sao chứng khoán MBS lại có mối quan hệ mật thiết với tính thanh khoản như vậy, trước hết chúng ta cần phải hiểu được bản chất của chứng khoán hoá tài sản.
CHỨNG KHOÁN HOÁ TÀI SẢN VÀ TÍNH THANH KHOẢN QUÁ MỨC
Như chúng ta đều biết, các sáng kiến tài chính của thế giới ngày nay đều ra đời và phát triển vào những năm 70 của thế kỷ 20 sau khi hệ thống “bản vị vàng ròng” của Bretton Woods bị phế bỏ. Nguyên nhân chính là dưới sự chi phối của hệ thống này, tư bản hạt nhân của ngành tài chính là vàng, tất cả tiền tệ trong lưu thông đều phải chịu sự thách thức của quy luật kinh tế “bạc giấy quy đổi với vàng ròng.” Hệ thống ngân hàng không thể cũng như không dám mạnh tay sản sinh ra “nợ của người khác” để tạo ra tiền định danh (tiền giấy), để tránh gặp phải sự phản đối của người dân. Tiền định danh duy trì một quy mô khiêm tốn dưới sự giám sát gắt gao của vàng.
Dưới sự ràng buộc của bản vị vàng, lạm phát tiền tệ của các quốc gia chủ yếu trên thế giới hầu như không đáng kể, thâm hụt tài chính dài hạn tuyệt nhiên không có chốn dung thân, rủi ro ngoại hối gần như bằng không. Vậy mà chỉ trong vỏn vẹn 30 năm khi đồng USD thoát khỏi mối ràng buộc với vàng, sức mua của đồng USD đã mất đi đến hơn 90%. Tiền tệ thiếu sức mua, có người sẽ hỏi ai sẽ là người có lợi nhất, ai sẽ là người thất bại nhất trong ván bài lớn này?
Keynes nói rất đúng: “Nhờ sự lạm phát tiền tệ liên tục, Chính phủ có thể bí mật, ngấm ngầm tước đoạt sự giàu có của nhân dân, quá trình này khiến đa số người nghèo đi, cũng khiến cho số ít người phất nhanh.”[1]
Năm 1996, Greenspan cũng từng nói: “Khi không có bản vị vàng, sẽ chẳng có cách gì để bảo vệ lượng tích luỹ của nhân dân không bị lạm phát tiền tệ nuốt chửng.”[2]
Trường phái Österreich từng ví von một cách hình tượng rằng chế độ dự trữ pháp định của ngân hàng – một trong những căn nguyên của lạm phát tiền tệ - như một tên tội phạm đang “in ấn tiền giả.” Một chế độ dự trữ như vậy chắc chắn sẽ làm nảy sinh tính bền vững của lạm phát tiền tệ.[3]
Lạm phát tiền tệ sẽ dẫn đến hai hậu quả chủ yếu và lớn nhất, một là sức mua tiền tệ giảm xuống, hai là tái phân hóa giàu nghèo.
Tiền in ra quá nhiều thì hàng hoá tự nhiên sẽ tăng giá, những ai đã trải qua thời kỳ Tưởng Giới Thạch trước khi chạy ra Đài Loan đã điên cuồng phát hành Kim viên quyển (một loại tiền giấy do Chính phủ nhà nước phát hành vào năm 1948) thì đều sẽ hiểu rõ quy luật đơn giản này. Nhưng các nhà kinh tế học ngày nay lại chủ yếu cho rằng việc phát hành tiền tệ chẳng có mối liên hệ tất yếu nào đối với việc giá cả leo thang, họ còn đưa ra rất nhiều thông tin để chứng minh cảm giác của mọi người đối với sự leo thang vật giá là sai lầm.
Lạm phát tiền tệ dẫn đến tái phân hóa giàu nghèo lại là vấn đề không hoàn toàn dễ hiểu một cách trực quan như thế. Nói một cách hình tượng, ngân hàng dưới chế độ dự trữ pháp định đã “từ không sinh ra có” sáng tạo ra tiền chi phiếu (hay tiền định danh), so với ngày nay chẳng khác gì sao in làm giả. Người đầu tiên cầm đồng “bạc giả” này đến nhà hàng cao cấp đánh chén một bữa, trở thành người tiêu dùng “bạc giả” sớm nhất, vật giá trên thị trường vẫn bình ổn như cũ, “bạc giả” trong tay anh ta vẫn có đầy đủ sức mua như cũ. Ngay sau khi ông chủ nhà hàng chấp nhận đồng “bạc giả” này, rồi dùng nó mua một bộ quần áo, ông ta đã trở thành người hưởng lợi thứ hai, lúc này lượng lưu thông của “bạc giả” vẫn chưa nhiều đến mức bị thị trường phát giác, cho nên vật giá vẫn chẳng biến động gì. Nhưng theo đà trao tay liên tục đồng “bạc giả”, lượng “bạc giả” lưu thông sẽ ngày càng nhiều, thị trường sẽ dần phát giác, vật giá sẽ từng bước tăng lên.
Xui xẻo nhất là người mà ngay cả mặt mũi của đồng “bạc giả” ra sao cũng chưa thấy được, mà vật giá đã tăng lên vùn vụt, tiền trong tay anh ta không ngừng mất đi sức mua khi vật giá leo thang. Nói cách khác, người nào càng gần với “bạc giả” thì càng chiếm được ưu thế, còn những ai càng xa và chậm chân thì càng xui xẻo. Dưới chế độ ngân hàng hiện nay, ngành bất động sản khá gần với ngân hàng, chính vì vậy ngành này chiếm không ít lợi thế. Ngược lại, những người dựa vào lương hưu và tích trữ để sống là những người thiệt thòi nhất.
Vì vậy, quá trình lạm phát tiền tệ chính là quá trình xảy ra nhiều sự dịch chuyển của cải trong xã hội. Trong quá trình này, những gia đình nào có tài sản càng xa hệ thống ngân hàng thì càng bị tổn thất.
Ngay sau khi gạt bỏ khái niệm coi vàng là hạt nhân của tư bản, khái niệm của tư bản bị ngầm đổi thành nợ thuần tuý, sau năm 1971, đồng đô-la Mỹ (USD) cũng từ “biên nhận của vàng” trở thành “biên lai ghi nợ.” Lượng phát hành của đồng USD ghi nợ sau khi vùng thoát khỏi sự ràng buộc của vàng đã tăng phi mã như ngựa hoang thoát khỏi dây cương, đồng USD ngày nay cũng không còn là đồng “Mỹ kim” nặng trình trịch như trong ký ức của nhiều người nữa, mà đã trở thành biên lai ghi nợ USD ngày càng mất giá hơn 30 năm qua.
Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ 20, Ngân hàng Bank of America đã bắt đầu mua đi bán lại nợ của các khoản vay thế chấp bất động sản, chỉ có điều mua bán toàn bộ khoản vay này một cách trực tiếp không hề dễ dàng. Làm thế nào để có thể tiêu chuẩn hoá, khiến những trái quyền có giá trị lớn bé khác nhau, điều kiện khác nhau, thời hạn khác nhau, mức tin cậy khác nhau này trở nên tiện lợi cho giao dịch? Các ngân hàng tự nhiên đã nghĩ ra được một phương thức kinh điển là chứng khoán. Đây chính là chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp MBS (Mortgage Backed Securities) đầu tiên trên thế giới do Ginnie Mae của Mỹ sáng tạo ra. Họ đem nhiều loại khoản nợ vay thế chấp có điều kiện khá tương đồng nhau đóng thành từng gói, sau đó đặt ra các chứng từ tiêu chuẩn, rồi đem những khoản nợ vay thế chấp này làm thành chứng từ thế chấp bán cho nhà đầu tư, thu nhập lãi suất nợ vay và rủi ro của khoản nợ vay ấy cũng đồng thời chuyển qua (Pass-throughs) cho nhà đầu tư. Sau này, Hiệp hội cho vay thế chấp bất động sản quốc dân liên bang (Fannie Mae) cũng bắt đầu phát hành chứng khoán MBS được tiêu chuẩn hoá.
Phải nói rằng MBS là một phát minh quan trọng, cũng giống như sự xuất hiện của tiền trong giao dịch hàng hoá vậy. MBS đã làm đơn giản hoá giao dịch trái quyền được thế chấp, nhà đầu tư có thể dễ dàng mua bán chứng khoán đã được tiêu chuẩn hoá, còn ngân hàng thì có thể nhanh chóng đem những trái quyền thế chấp bất động sản dài kỳ, định mức vốn lớn, thanh khoản kém của mình dọn sạch khỏi sổ nợ, sau khi nhận được mức chênh lệch lợi nhuận nhất định thì chuyển nhượng sạch mọi rủi ro cũng như lợi ích, yên tâm đi tìm người tình nguyện vay nợ mua nhà tiếp theo.
Nhìn từ góc độ tài chính, điều này khiến ai cũng đều vui mừng, ngân hàng giải quyết được vấn đề tính thanh khoản của các khoản vay thế chấp, đồng thời nhà đầu tư có được nhiều lựa chọn đầu tư hơn, người mua nhà thì có thể nhận được khoản vay dễ dàng hơn, người bán nhà dễ dàng tung hàng ra bán.
Nhưng sự tiện lợi có cái giá của nó. Ngay khi hệ thống ngân hàng sử dụng phương thức chứng khoán MBS, thì cũng lập tức (thông thường chỉ trong thời gian có mấy tuần) giải phóng các khoản vay thế chấp đã bị ràng buộc trong suốt 30 năm, đồng thời đem toàn bộ những rủi ro trút hết cho xã hội, trong đó bao gồm cả vấn đề lạm phát tiền tệ mà ít người biết đến.
Ngay khi người mua nhà ký hợp đồng vay tiền ở ngân hàng, ngân hàng sẽ đem “hợp đồng vay nợ” này biến thành một thứ tài sản nằm trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng, đồng thời đặt ra nghĩa vụ nợ với cùng số lượng, lưu ý nghĩa vụ nợ này của ngân hàng bằng với tiền xét trên nghĩa tích cực. Nói cách khác, trong lúc cho vay nợ, ngân hàng đã tạo ra tiền tệ, do chế độ dự trữ bắt buộc cho phép hệ thống ngân hàng tạo ra tiền mà vốn dĩ chúng không tồn tại, cho nên hàng chục vạn tiền mới đã vừa được ngân hàng “sáng tạo” ra theo cách “từ không sinh ra có” này lập tức được xuất hiện trong sổ sách của công ty bất động sản.
Trong quá trình này, ở hệ thống dự trữ bắt buộc, ngân hàng có thể “in sao làm giả tiền hợp pháp.” Công ty bất động sản chính là người đầu tiên có “tiền giả” trong tay, đây chính là nguyên nhân giải thích vì sao công ty bất động sản tích luỹ của cải nhanh chóng mặt như vậy. Khi công ty bất động sản bắt đầu tiêu khoản “tiền giả” này, áp lực tăng giá lên toàn bộ hệ thống vật giá của xã hội sẽ lan toả như sóng trong quá trình “tiền giả” trao tay. Do cơ chế vận hành này hết sức phức tạp, sự cung cầu hàng hoá trong xã hội thay đổi và đa chiều hơn, lại thêm phản ứng tâm lý tiền tệ của xã hội vẫn còn tương đối lạc hậu, những yếu tố này kết hợp với nhau nên thật dễ hiểu khi Keynes cho rằng “trong một trăm vạn người cũng chẳng ai phát hiện ra” ngọn nguồn thật sự của lạm phát tiền tệ. Về bản chất, nhờ tác dụng khuếch đại của dự trữ bắt buộc, hệ thống ngân hàng có thể tăng lượng phát hành tiền nợ lên gấp bội, về căn bản loại tiền phát hành tăng thêm này tất nhiên vượt xa tốc độ tăng trưởng kinh tế trên thực tế, đây chính là nguồn gốc thật sự của việc tăng tính thanh khoản quá mức.
Bản chất của loại tiền ngân hàng này là “biên nhận” mà ngân hàng in ra. Ở thời bản vị vàng, “biên nhận” này tương ứng với lượng tài sản vàng mà ngân hàng đang có, còn trong hệ thống tiền tệ định danh thuần tuý, nó chỉ tương ứng với khoản nợ bằng với con số mà người nào đó đang thiếu ngân hàng.
Về cơ bản, MBS đã nâng cao hiệu suất phát hành tiền tệ dạng chi phiếu của hệ thống ngân hàng, đồng thời cũng gây ra hệ quả tất yếu là cung ứng tiền tệ vượt ngưỡng nghiêm trọng, nếu lượng tiền tệ phát hành vượt ngưỡng này không chảy dồn vào thị trường cổ phiếu chật chội đông đúc, thì sẽ tiếp tục thổi phồng bong bóng giá cả bất động sản, đáng lo là nếu những khoản tiền này “rò rỉ” vào trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá và tiêu dùng thì vật giá sẽ leo thang khiến tiếng oán thán vang vọng khắp nơi.
Nhờ vào sự kích hoạt của MBS, một ý tưởng còn táo bạo hơn nữa đã được hiện thực hoá, đó chính là Chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS). Các ngân hàng nghĩ rằng, nếu MBS hưởng lợi ích từ lợi tức và vốn gốc cố định trong tương lai làm thế chấp có thể phát triển, thì theo lý mà nói, tất cả những tài sản có dòng hiện kim tương lai làm thế chấp đều có thể sử dụng để tiến hành chứng khoán hoá theo con đường tương tự. Những tài sản như thế có thể bao gồm: các khoản nợ phải trả của thẻ tín dụng, tín dụng mua ô tô, khoản vay học tập, khoản vay thương mại, thu nhập từ các khoản tiền cho thuê ô tô, máy bay, nhà cửa, xưởng máy, thậm chí là thu nhập tương lai của bằng sáng chế hoặc bản quyền sách báo, v.v...
Quy mô tín dụng thứ cấp
(Nguồn: U.S. Treasury Department; WSJ Market Data group; Inside Mortgage Finance; UBS; Dealogic)
Phố Wall có câu nói nổi tiếng, “nếu có dòng tiền mặt tương lai, hãy biến nó thành chứng khoán.” Thực ra, bản chất của sáng kiến tài chính này chính là, chỉ cần những thứ có thể bội chi trong tương lai, thì đều có thể biến hành hiện kim ngay trong hôm nay. Quy mô của thị trường ABS thời gian gần đây phình to nhanh chóng, từ năm 2000 đến nay quy mô đã tăng gấp đôi, tổng trị giá ước tính đạt đến con số khủng khiếp 19.800 tỉ USD.[4]
Những loại hình chứng khoán như ABS và MBS có thể dùng làm thế chấp để vay vốn ngân hàng, thậm chí MBS do Fannie Mae và Freddie Mae phát hành còn có thể dùng như tiền dự trữ của ngân hàng hay vật thế chấp của hợp đồng mua lại (REPO) tại FED. Phát hành gia tăng tiền tệ với quy mô lớn như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến lạm phát tiền tệ nghiêm trọng. Nếu nói lạm phát tiền tệ đồng nghĩa với sự dịch chuyển âm thầm của của cải xã hội, giả sử lấy ngân hàng làm tâm, lấy quy mô tín dụng làm bán kính, thì chúng ta không khó để nhận ra ai đã động chạm đến miếng “pho-mát” của người dân.
TÍN DỤNG THẾ CHẤP THỨ CẤP VÀ ALT-A: RÁC ĐỘC TÀI SẢN
Ngay sau khi nguồn tài nguyên tín dụng thứ cấp cho đại đa số những người bình thường bắt đầu cạn kiệt, các ngân hàng lại nhắm đến những người vốn dĩ “không bình thường.” Đó chính là 6 triệu người nghèo hoặc dân nhập cư mới có hoàn cảnh khó khăn, có mức tín nhiệm thấp trên đất Mỹ.
Thị trường tín dụng thế chấp của Mỹ về tổng thể có thể chia làm ba cấp độ: thị trường tín dụng cao cấp (Prime Market), thị trường tín dụng Alt-A và thị trường tín dụng thứ cấp (Subprime Market). Thị trường tín dụng cao cấp chủ yếu phục vụ những khách hàng có mức tín nhiệm cao (chỉ số mức tín nhiệm đạt từ 660 điểm trở lên), có nguồn thu nhập ổn định và đáng tin cậy, mức dư nợ hợp lý, những người này chủ yếu lựa chọn những khoản vay thế chấp lãi suất cố định trong 30 năm hoặc 15 năm, đây là những gói tín dụng có tính truyền thống nhất. Thị trường tín dụng thứ cấp chủ yếu phục vụ những người có chỉ số tín nhiệm thấp dưới 620 điểm, thiếu phần chứng minh thu nhập, mức dư nợ tương đối lớn. Còn thị trường tín dụng “ALT-A” nằm trên lằn ranh màu xám rộng lớn giữa hai thị trường trên, nó bao quát toàn bộ tầng lớp chính trong xã hội vốn có chỉ số tín nhiệm đạt từ 620 đến 660, trong đó có một bộ phận tương đối lớn những khách hàng có mức tín nhiệm cao hơn 660 điểm.
Tổng quy mô của thị trường thứ cấp ước đạt khoảng 2.000 tỉ USD, trong số đó có gần một nửa khách hàng không chứng minh được thu nhập cố định. Rõ ràng, đây là một thị trường rủi ro cao, nhưng lãi suất thu được cũng khá cao, lãi suất các khoản vay thế chấp của thị trường này nhìn chung cao hơn từ 2% đến 3% so với lãi suất cơ bản.
Công ty cho vay tài chính của thị trường thứ cấp rất có “tinh thần sáng kiến tài chính”, họ mạnh dạn đưa ra đủ các sản phẩm tín dụng mới. Trong số đó, có một số sản phẩm khá nổi tiếng như: gói tín dụng chỉ trả tiền lãi (Interest Only Loan), gói tín dụng cầm cố lãi suất có điều chỉnh (ARM Adjustable Rate Mortgage), gói tín dụng cầm cố lãi suất có điều chỉnh kỳ hạn 5 năm, gói tín dụng cầm cố lãi suất có điều chỉnh kỳ hạn 7 năm, gói tín dụng cầm cố lãi suất có điều chỉnh tuỳ chọn (Option ARMs). Đặc điểm chung của những gói tín dụng này chính là trong vài năm bắt đầu hoàn nợ, số tiền hoàn trả mỗi tháng rất thấp và cố định, sau một thời gian nhất định, áp lực hoàn nợ tăng lên. Có hai nguyên nhân chủ yếu khiến những sản phẩm mới này được đón nhận: một là người ta cho rằng bất động sản luôn luôn tăng giá, hay ít nhất sẽ tăng trong một khoảng thời gian “hợp lý” theo nhận thức của họ, chỉ cần họ có thể kịp thời bán ra thì rủi ro là thứ “có thể kiểm soát được”; hai là người ta cho rằng theo lẽ đương nhiên, tốc độ tăng giá của bất động sản sẽ nhanh hơn tốc độ tăng của lãi suất.
Tên gọi đầy đủ của gói tín dụng “ALT-A” là tín dụng “Alternative A”, dùng để chỉ chung những người có hồ sơ tín dụng tốt hoặc rất tốt, nhưng lại thiếu hoặc hoàn toàn không có các tài liệu chứng minh hợp pháp về nguồn thu nhập cố định, tiết kiệm, tài sản sở hữu. Loại tín dụng này thường được cho là “an toàn” hơn so với tín dụng thứ cấp, hơn nữa lãi suất cũng mềm, nhưng suy cho cùng thì những người vay tín dụng không có “tiền án” này vẫn phải chịu mức lãi suất cao hơn những sản phẩm tín dụng cao cấp từ 1% đến 2%.
Vậy gói tín dụng ALT-A có thật sự an toàn hơn so với tín dụng thứ cấp hay không? Sự thật không hoàn toàn như vậy.
Từ năm 2003 đến nay, cơ cấu của gói tín dụng ALT-A trong bong bóng bất động sản đang tăng nhiệt, vì mải chạy theo lợi ích cơ bản, mà đã mất đi sự lý tính vốn có. Rất nhiều khách hàng vay tín dụng về căn bản chẳng hề có chứng minh thu nhập bình thường, chỉ cần bản thân họ khai ra một con số là được, những con số này lại thường bị khuếch đại, vì vậy gói tín dụng ALT-A bị những người trong ngành gọi là “tín dụng bịp bợm.”
Các tổ chức tín dụng còn ra sức giới thiệu các sản phẩm tín dụng với mức rủi ro còn cao hơn. Như sản phẩm tín dụng Interest Only Loan có lịch trình hoàn nợ (Amortization Schedule) lên đến 30 năm, nhưng trong năm đầu tiên có thể được ưu đãi mức lãi suất cực kỳ thấp chỉ 1% - 3%, hơn nữa chỉ phải trả phần lãi suất, không cần hoàn gốc, sau đó đến năm thứ hai mới bắt đầu căn cứ vào tình hình thị trường lãi suất mà tiến hành thả nổi, thường còn được bảo đảm mỗi năm hạn mức hoàn vốn hàng tháng không tăng quá 7,5% của năm kế trước.
Gói tín dụng cầm cố lãi suất có điều chỉnh tuỳ chọn lại cho phép người vay mỗi tháng chi trả bằng hình thức khấu trừ một phần khoản lương thấp hơn lãi suất thông thường, phần còn lại được tự động cộng dồn vào phần nợ gốc, do đó số tiền nợ ngân hàng ngày càng nhiều hơn. Sau một thời gian được giữ cố định, lãi suất của loại tín dụng này cũng sẽ được thả nổi theo thị trường.
Rất nhiều nhân vật thuộc hạng “tín dụng cao cấp” chuyên đầu cơ các loại bất động sản hút hàng cho rằng trong ngắn hạn giá bất động sản sẽ chỉ có tăng, mình hoàn toàn có thể kịp thời bán được sản phẩm để thu tiền về, còn lại rất đông những người thuộc hạng “tín dụng trung bình” đã dùng sản phẩm tín dụng này để sở hữu những căn nhà có mức giá vượt xa khả năng chi trả thực tế của bản thân. Mọi người đều nghĩ rằng có thể lập tức bán được nhà để hoàn trả khoản vay mà vẫn kiếm được một khoản lời, hoặc là thực hiện đảo nợ (Re- finance) để rút ra một phần tiền tăng thêm dùng vào việc chi trả các khoản nợ cũ và tiêu xài, kể cả trường hợp lãi suất tăng lên quá nhanh thì vẫn có phòng tuyến cuối cùng đảm bảo mức hoàn vốn mỗi năm không vượt quá 7,5%, một khoản đầu tư rủi ro thấp, tiềm năng thu lợi cao như vậy, cớ sao không vay.
Theo thống kê, năm 2006, trong tổng số các gói tín dụng thế chấp bất động sản của Mỹ, có trên 40% các gói vay thuộc vào loại ALT-A và tín dụng thứ cấp, tổng giá trị trên 400 tỉ USD, năm 2005 tỉ lệ này thậm chí còn cao hơn. Tính từ năm 2003, tổng giá trị của loại tín ALT-A và tín dụng thứ cấp này đã vượt 2.000 tỉ USD. Hiện nay, lãi suất phạt trễ hạn vượt quá 60 ngày của tín dụng thứ cấp đã vượt quá
15% và đang nhanh chóng chạm mức kỷ lục mới nhất trong lịch sử là 29%, 2,2 triệu “khách hàng thứ cấp” sẽ bị ngân hàng quét ra khỏi nhà. Mức lãi suất phạt trễ hạn của ALT-A hiện ở khoảng 3,7%, nhưng biên độ của nó trong 14 tháng qua đã liên tục tăng lên.
Các nhà kinh tế học chủ chốt hiện nay đều xem nhẹ sự nguy hiểm của ALT-A, bởi cho đến nay, mức lãi suất phạt trễ hạn của nó so với thị trường tín dụng thứ cấp đã “bốc khói” vẫn chưa rõ nét lắm, nhưng sự nguy hiểm tiềm ẩn của nó thậm chí còn lớn hơn thị trường thứ cấp. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ trong hợp đồng tín dụng ALT-A thường “gài sẵn” hai quả bom hẹn giờ hạng nặng, một khi thị trường lãi suất tín dụng thế chấp tiếp tục tăng cao, còn giá bất động sản xuống dốc, thì sẽ hai quả bom này sẽ được kích nổ.
Trong sản phẩm tín dụng Interest Only Loan đã được đề cập ở trên, ngay sau khi lãi suất được thả nổi theo lãi suất thị trường, mức hoàn vốn hàng tháng sẽ không vượt quá 7,5%, chính phòng tuyến cuối cùng này đã khiến nhiều người có cảm giác an toàn đầy “hư ảo.” Nhưng bên trong điều khoản này lại có hai ngoại lệ, cũng chính là hai quả bom hạng nặng, quả thứ nhất có tên gọi là “tái thiết lập định kỳ” (5year/10year Recast). Định kỳ mỗi 5 hoặc 10 năm, định mức hoàn vốn của người vay tín dụng ALT-A sẽ tự động được thiết lập lại, cơ cấu khoản vay sẽ căn cứ theo tổng mức vay mới để tính toán lại hạn mức hoàn vốn hàng tháng. Người vay sẽ phát hiện hạn mức khấu trừ nợ gốc hàng tháng của họ tăng lên rất nhiều, đây gọi là “cú sốc hoàn vốn” (Payment Shock). Do “không chi trả đủ số tiền lãi đến hạn” (Negative Amortization), tổng mức nợ tín dụng của rất nhiều người không ngừng tăng lên, hy vọng duy nhất của họ là giá bất động sản phải tăng không ngừng, như thế mới có thể bán nhà để tất toán hợp đồng tín dụng, nếu không thì sẽ mất nhà hoặc phải bán đổ bán tháo.
Quả bom thứ hai chính là “định mức tín dụng cao nhất.” Theo lẽ dĩ nhiên, người ta có thể tạm thời không bận tâm đến việc tái thiết lập định kỳ sau vài năm, nhưng điều khoản Negative Amortization có một hạn chế, chính là số nợ tích luỹ không được phép vượt quá 110% - 125% so với tổng khoản vay ban đầu, một khi chạm đến giới hạn này, hệ thống sẽ tự động kích hoạt điều khoản tái thiết lập khoản vay. Đây là quả bom hẹn giờ đủ để lấy mạng người ta. Vì chạy theo sức quyến rũ của mức lãi suất thấp và sự thư thái từ áp lực trả nợ gốc trong năm đầu tương đối thấp, rất nhiều người đã chọn mức khấu trừ nợ gốc hàng tháng ở mức thấp nhất có thể. Ví dụ, mỗi tháng đáng lẽ bạn phải chi trả 1.000 USD tiền lãi, nhưng bạn có thể chọn phương án chỉ trả 500 USD, số 500 USD tiền lãi suất còn lại sẽ bị tự động chuyển vào cộng dồn với nợ gốc. Tốc độ tích luỹ như vậy sẽ khiến người vay trước khi chạm đến quả bom tái thiết lập khoản vay định kỳ 5 năm, đã bị quả bom “định mức tín dụng cao nhất” này nổ cho tan xác.
Những gói tín dụng loại này nguy hiểm như vậy, tại sao FED không ra tay quản lý?
Greenspan quả thực đã ra tay, hơn nữa còn ra tay đến hai lần. Lần thứ nhất là năm 2004, Greenspan cảm thấy các tổ chức tín dụng và người mua nhà vẫn còn dè dặt, vì họ vẫn không mấy thích thú với sản phẩm Option ARMs rủi ro cao. Greenspan than rằng: “Nếu các tổ chức tín dụng có thể cung cấp nhiều sự lựa chọn hơn so với các sản phẩm lãi suất cố định truyền thống thì dân Mỹ sẽ hưởng lợi rất lớn. Đối với những người tiêu dùng có thể và sẵn sàng chấp nhận rủi ro lãi suất, những khoản tín dụng lãi suất cố định 30 năm và 15 năm truyền thống có thể quá đắt đỏ.”[5]
Thế là những công ty như Fannie Mae, New Century và các nhà buôn bán bất động sản khác quả thật đã mạnh dạn hơn xưa, tình hình cũng không còn như trước, giá nhà đất cũng tăng mỗi lúc một điên cuồng hơn.
Thế là sau 16 tháng, Greenspan lại xuất hiện tại cuộc điều trần ở Thượng viện, lần này ông lại chau mày nói: “Người tiêu dùng Mỹ sử dụng những phương thức tín dụng mới này (chỉ Option ARMs) để sở hữu những gánh nợ tín dụng nhà đất mà bản thân họ vốn dĩ không thể chịu được, đây là một ý tưởng điên rồ.”[6]
Người ta có thể chẳng bao giờ thật sự hiểu được ý của Greenspan. Đúng vậy, lời nói của Greenspan thật sự kín kẽ, ông bảo nếu dân Mỹ có khả năng chấp nhận được rủi ro lãi suất đồng thời có thể cầm cương được thứ rủi ro này, thì đừng ngại sử dụng tín dụng rủi ro cao. Ngầm ý là nếu không có bản lĩnh này, thì đừng chộn rộn. Có lẽ, Greenspan thật sự không biết chỉ số thông minh tài chính của dân Mỹ.
TÍN DỤNG THỨ CẤP CDO: RÁC ĐỘC TÀI SẢN CÔ ĐẶC
Tổng giá trị của hai loại rác độc tư bản gồm tín dụng thứ cấp và tín dụng ALT-A này là 2.500 tỉ USD. Những đống rác độc tư bản này cần phải bị loại bỏ khỏi sổ kế toán tài sản của hệ thống ngân hàng cung cấp tín dụng thứ cấp, nếu không hậu quả sẽ rất khôn lường.
Làm sao để loại bỏ? Đó chính là chứng khoán hoá tài sản như chúng ta đã nói ở trên.
Vốn dĩ chứng khoán MBS lấy tín dụng thứ cấp làm vật thế chấp dễ sinh ra nhưng khó bán, bởi sự đầu tư của các tổ chức đầu tư lớn của Mỹ như quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ Chính phủ cần phải phù hợp với những điều kiện đầu tư nhất định, tức là sản phẩm đầu tư cần phải đạt tiêu chuẩn AAA của Moody’s hoặc Standard & Poor’s. Rõ ràng ngay cả BBB - tiêu chuẩn đầu tư thấp nhất, MBS của tín dụng bất động sản thứ cấp còn chưa đạt, do đó rất nhiều tổ chức đầu tư lớn không thể thu mua loại chứng khoán này. Chính vì rủi ro của chúng cao, cho nên mức lãi suất kỳ vọng cũng khá, các ngân hàng đầu tư của phố Wall liếc mắt đã nhìn ra lợi nhuận đầu tư cao tiềm năng của đống rác độc tư bản này. Thế là ngân hàng đầu tư bắt đầu nhảy vào lĩnh vực tư bản rủi ro cao này.
Trước hết, căn cứ theo xác suất có thể xuất hiện nợ trễ hạn, các ngân hàng đầu tư đem chứng khoán MBS ở cấp độ “đống rác độc” này chia thành nhiều phần khác nhau (Tranche), đây chính là chứng chỉ nghĩa vụ nợ có thế chấp CDO (Collateralized Debt Obligations) mà chúng ta hay nghe nói. Trong đó, loại có rủi ro thấp nhất được gọi là “CDO cao cấp” (tức senior tranche, tổng thể chiếm khoảng 80%), các ngân hàng đầu tư dùng những hộp quà tinh xảo đóng gói chúng lại, gắn lên một sợi dây kim tuyến lấp lánh. “CDO trung cấp” (tức Mezzanine, tổng thể chiếm 10%) có mức độ rủi ro trung bình, cũng được cho vào trong hộp quà, sau đó dán lên sợi dây bạc sáng loáng. Loại cuối cùng là “CDO phổ thông” (tức Equity, chiếm khoảng 10%) có mức rủi ro cao nhất, được đặt trong hộp quà có dán sợi dây bằng đồng óng ánh. Sau khi được các ngân hàng đầu tư phố Wall trang trí một loạt, những đống rác độc vốn dĩ xấu xí khó coi ban đầu lập tức trở thành những món quà lấp lánh, rực rỡ.
Ngay khi các ngân hàng đầu tư bê những hộp quà rực rỡ này đến gõ cửa các công ty xếp hạng tài sản, ngay cả Moody ‘s và Standard & Poor’s cũng đều phải loá mắt. Các ngân hàng đầu tư khéo miệng ra sức khoa trương những món “hàng cao cấp” này đáng tin và bảo đảm như thế nào, họ đem những số liệu của vài năm gần nhất để chứng minh tỉ lệ xảy ra vi phạm hợp đồng của những món “hàng cao cấp” này thấp như thế nào, sau đó lôi những mô hình số học của những chuyên gia số học hàng đầu thế giới nào đó ra để chứng minh xác suất xảy ra vi phạm hợp đồng trong tương lai cũng cực kỳ thấp. Cho dù chẳng may xảy ra vi phạm, cũng được che chắn bởi CDO “trung bình” và “phổ thông”, có hai phòng tuyến bảo vệ này, CDO “cao cấp” đương nhiên sẽ vững chắc. Sau đó lại khoa trương về xu thế phát triển của thị trường bất động sản đáng mừng như thế nào, khách hàng vay tín dụng thế chấp có thể “đảo nợ” (Re-finance) bất cứ lúc nào để thu được lượng tiền mặt lớn, hoặc bán bất động sản một cách hết sức dễ dàng, sau đó thu được một khoản lợi nhuận khổng lồ, hàng loạt những ví dụ sống động khác liên tục được nêu ra.
Moody’s và Standard & Poor’s cẩn thận xem xét số liệu trong quá khứ, chẳng có chỗ sai sót nào, rồi cân nhắc những mô hình số học đại diện cho xu thế tương lai, hầu như cũng không nhặt ra được một hạt sạn nào, còn thị trường bất động sản đang nóng rực như lửa thì rõ ràng ai cũng đều thấy rõ. Tất nhiên, Moody’s dựa vào trực giác làm nghề mấy mươi năm cùng với kinh nghiệm đã trải qua bao nhiêu đợt suy thoái kinh tế, họ thừa hiểu cạm bẫy đằng sau những số liệu hào nhoáng này, nhưng đồng thời cũng hiểu được lợi ích đằng sau chúng. Nếu nhìn hộp quà tặng “không chút sơ hở” từ góc độ bề ngoài, Moody’s và Standard & Poor’s cũng vui vẻ mà thuận theo. Suy cho cùng, mọi người đều cùng lăn lộn trên giang hồ tài chính cả, Moody’s và Standard & Poor’s cũng phải đánh liều với kiểu làm ăn của ngân hàng đầu tư mới kiếm được miếng cơm, hơn nữa giữa Moody’s và Standard & Poor’s cũng có cạnh tranh qua lại, anh không làm thì người khác cũng sẽ làm, nếu từ chối thì không chỉ gây thù chuốc oán với người ta mà còn mất luôn cả mối làm ăn. Vậy nên Moody’s và Standard & Poor’s đều đồng lòng phê duyệt, “CDO cao cấp” đạt được tiêu chuẩn cao nhất là AAA.
Các ngân hàng đầu tư vui mừng hớn hở ra về.
Nói một cách hình tượng, quá trình này giống như bọn tiểu thương phi pháp thu gom dầu cặn mà McDonald’s đổ đi, sau đó trải qua quá trình lọc và phân tách đơn giản, “biến chất thải thành dầu tốt”, đóng chai trở lại rồi tiếp tục bán cho các ông chủ nhà hàng để xào, nấu hoặc chiên rán.
Các ngân hàng đầu tư với vai trò là nhà tiêu thụ chấp nhận đống rác độc sau khi nhận được đánh giá xếp hạng CDO, liền tìm đến hãng luật lập ra một công ty phục vụ mục đích đặc biệt (Special Purpose Legal Vehicle), “công ty” này đăng ký hoạt động ở quần đảo Cayman để tránh sự giám sát của Chính phủ và trốn thuế. Sau đó, “công ty” này sẽ mua lại đống rác độc tài sản kia đồng thời phát hành CDO. Cứ như vậy, ngân hàng đầu tư có thể tránh được rủi ro của “công ty” về mặt pháp lý.
Những ngân hàng đầu tư thông minh này gồm những ai? Chúng bao gồm những ngân hàng đầu tư có thương hiệu nổi tiếng như: Lehman Brothers, Bear Stearns, Merrill Lynch, Citibank, Wachovia, Deutsche Bank, BOA.
Tất nhiên, các ngân hàng đầu tư tuyệt đối không muốn nắm giữ những đống rác độc này trong thời gian dài, họ phải mau chóng giải quyết để thu tiền về. Nhờ có tiêu chuẩn xếp hạng cao nhất là AAA, lại thêm khả năng xúc tiến bán hàng thiên phú của các ngân hàng đầu tư, việc tiêu thụ “CDO cao cấp” hiển nhiên rất dễ dàng. Khách mua đều toàn là những quỹ đầu tư lớn và các tổ chức đầu tư nước ngoài, trong đó bao gồm cả quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ giáo dục và các loại quỹ do Chính phủ uỷ thác. Nhưng “CDO trung cấp” và “CDO phổ thông” thì chẳng được dễ dàng như vậy. Các ngân hàng đầu tư tuy đã hao tổn khá nhiều tâm trí và tiền bạc, Moody’s và Standard & Poor’s vẫn không chịu chứng thực cho hai loại “rác độc cô đặc” này, dẫu sao vẫn có giới hạn của “đạo đức nghề nghiệp.”
Vậy làm thế nào để giải quyết thứ “rác độc cô đặc” phỏng tay này? Các ngân hàng đầu tư vắt óc nghĩ ra được một tuyệt chiêu - thành lập quỹ đầu tư thanh khoản!
Các ngân hàng đầu tư lấy ra một phần tiền “của riêng” rồi khua chiêng đánh trống thành lập quỹ đầu tư thanh khoản độc lập, sau đó đem đống “rác độc cô đặc” này tách khỏi sổ sách của mình và giao qua cho quỹ đầu tư thanh khoản hoạt động độc lập kia. Quỹ đầu tư thanh khoản mua lại CDO “rác độc cô đặc” từ ngân hàng đầu tư vốn “cùng một cha sinh mẹ đẻ mà ra” ấy với “giá cao”, cái “giá cao” này được ghi vào tài sản của quỹ đầu tư thanh khoản và trở thành “giá đầu vào” (enter price). Như vậy về mặt pháp lý, ngân hàng đầu tư đã hoàn thành việc vạch rõ ranh giới với đống “rác độc cô đặc.”
Điều may mắn là, từ năm 2002 đến nay, môi trường sinh thái tài chính lãi suất siêu thấp do FED tạo dựng đã sinh ra làn sóng tín dụng mở rộng hết sức nhanh chóng. Trong hoàn cảnh thuận lợi như vậy, giá bất động sản trong 5 năm đã tăng gấp đôi. Những người vay tín dụng thứ cấp có thể nhẹ nhàng sở hữu được nguồn vốn để bảo đảm việc chi trả khấu trừ nợ gốc hàng tháng. Kết quả là tỉ lệ nợ trễ hạn của tín dụng thứ cấp thấp xa mức dự tính ban đầu.
Rủi ro lớn đi đôi với lợi nhuận cao, nếu rủi ro không xuất hiện như dự báo thì lợi nhuận cao sẽ khiến người ta chú ý ngay lập tức. Lượng giao dịch trên thị trường CDO so với các thị trường chứng khoán khác phải lắng đọng hơn nhiều, “đống rác độc” ít được trao đổi trên thị trường, vì vậy chẳng có thông tin nào đáng tin để tham chiếu. Trong điều kiện như vậy, các cơ quan giám sát cho phép quỹ đầu tư thanh khoản dùng kết quả tính toán trên mô hình số học của quỹ này làm tiêu chuẩn đánh giá tài sản. Đối với quỹ đầu tư thanh khoản, đây có thể nói là tin mừng, qua “tính toán” của chính các nhà này, lãi suất 20% không nỡ nói ra, lãi suất 30% khó để mở miệng với quỹ khác, lãi suất 50% khó đăng lên bảng xếp hạng, lãi suất 100% là chắc chắn.
Trong một thời gian, quỹ đầu tư thanh khoản nắm giữ CDO “rác độc tài sản cô đặc” kia đã gây sốt cả phố Wall.
Các ngân hàng đầu tư cũng vui ra mặt, chẳng thể ngờ rằng, lượng lớn “rác độc cô đặc” mà quỹ đầu tư thanh khoản đang nắm giữ kia đã trở thành món hàng nóng. Do mức lợi tức chót vót, ngày càng nhiều nhà đầu tư yêu cầu nhập hội với quỹ đầu tư thanh khoản, theo đà rót vốn ồ ạt như vậy, quỹ đầu tư thanh khoản cuối cùng đã trở thành cỗ máy sinh lời của các ngân hàng đầu tư.
Đặc điểm cơ bản của quỹ đầu tư thanh khoản chính là rủi ro cao và vận hành tỉ suất đòn bẩy tài chính cao. Thấy đống “rác độc cô đặc” CDO phình to, nếu không biết khéo léo lợi dụng một chút tỉ suất đòn bẩy cao gấp hàng chục lần để kiếm tiền, thì cũng không đáng mặt quỹ đầu tư thanh khoản. Thế là, giám đốc quỹ đầu tư thanh khoản tìm đến ngân hàng thương mại đề nghị vay thế chấp, mà vật thế chấp chính là “rác độc cô đặc” CDO đang nóng ran trên thị trường.
Đối với các ngân hàng, danh tiếng của CDO chẳng khác gì sét đánh bên tai, cho nên họ hoan hỉ chấp nhận CDO làm vật thế chấp, sau đó cấp tín dụng tiếp tục tạo ra tiền tệ ngân hàng. Lưu ý, đây đã là lần thứ “n” mà hệ thống ngân hàng dùng một phần nợ thế chấp để “sao in tiền giả.”
Tỉ suất đòn bẩy tài chính mà quỹ đầu tư thanh khoản vay thế chấp với ngân hàng là 5 - 15 lần!
Quỹ đầu tư thanh khoản nhận được tiền của ngân hàng, liền quay sang mua lại nhiều hơn nữa CDO của chính ngân hàng đầu tư đã khai sinh ra mình. Các ngân hàng đầu tư lại vui mừng hoan hỉ hoàn thành nhiều hơn nữa quá trình “tinh luyện” đống “rác độc” chứng khoán MBS đến CDO. Trên cao tốc chứng khoán hoá tài sản, ngân hàng phát hành tín dụng thứ cấp càng nhanh chóng thu được nhiều tiền mặt thì càng thao túng được nhiều hơn nữa những khách hàng vay tín dụng thứ cấp.
Ngân hàng tín dụng thứ cấp chịu trách nhiệm sản xuất; ngân hàng đầu tư, các công ty Fannie Mae và Freddie Mae chịu trách nhiệm gia công thêm và tiêu thụ; các công ty đánh giá tài sản như cục giám sát chất lượng, quỹ đầu tư thanh khoản chịu trách nhiệm lưu kho và bán buôn; ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng; quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ đầu tư do Chính phủ uỷ thác quản lý, quỹ giáo dục, quỹ bảo hiểm, nhà đầu tư các tổ chức nước ngoài thì đóng vai người tiêu dùng cuối cùng của đống rác độc tài sản. Sản phẩm phụ của quá trình này chính là tính thanh khoản toàn cầu vượt quá mức và phân hoá giàu nghèo.
Một dây chuyền sản xuất rác độc tư sản hoàn mỹ đã được hình thành như vậy.
Thống kê của Bộ Tài chính Mỹ như sau:
Quý I năm 2007 đã phát hành lượng CDO trị giá 200 tỉ USD. Năm 2006 phát hành 310 tỉ USD CDO.
Năm 2005 phát hành 151 tỉ USD CDO. Năm 2004 phát hành 100 tỉ USD CDO.
“CDO TỔNG HỢP”: RÁC ĐỘC CÔ ĐẶC CÓ ĐỘ TINH KHIẾT CAO
Trong một số tình huống nào đó, ngân hàng đầu tư xuất phát từ mục đích quảng bá “đạo đức nghề nghiệp” và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư, trong tay họ cũng sẽ nắm giữ lại một ít “rác độc cô đặc.” Để khiến phần tài sản kịch độc này cũng có thể tạo ra lợi ích kinh tế, các ngân hàng đầu tư thông minh tuyệt đỉnh lại nghĩ ra một diệu kế.
Như ở trước chúng ta đã đề cập, lối tư duy của phố Wall chính là chỉ cần có dòng tiền mặt tương lai thì phải nghĩ mọi cách để biến thành chứng khoán. Bây giờ, tài sản “rác độc cô đặc” trong tay các ngân hàng đầu tư vẫn chưa xuất hiện vấn đề vi phạm hợp đồng nghiêm trọng nào, mức thu nhập lãi suất hàng tháng vẫn được xem là ổn định, nhưng trong tương lai rất có thể sẽ xảy ra rủi ro. Vậy phải làm thế nào đây? Họ phải tìm lối thoát cho viễn cảnh không mấy dễ chịu này, phải mua một gói bảo hiểm cho khả năng vi phạm hợp đồng trong tương lai, đây chính là Hợp đồng bảo hiểm nợ xấu – CDS (Credit Default Swap).
Trước khi giới thiệu loại sản phẩm này, các ngân hàng đầu tư cần phải sáng tạo ra một hệ thống lý luận để giải thích cho tính hợp lý của nó. Họ đem lợi tức của CDO chia thành hai phần độc lập, một là phí tổn vay vốn, hai là phí tổn rủi ro vi phạm hợp đồng. Nay phải đem phần rủi ro vi phạm hợp đồng này chuyển sang cho người khác, việc này gây tổn thất nhất định về chi phí.
Nếu có nhà đầu tư đồng ý đảm nhận phần rủi ro vi phạm hợp đồng CDO, vậy thì anh ta sẽ nhận được tiền bảo hiểm vi phạm hợp đồng do các ngân hàng đầu tư chi trả theo từng giai đoạn. Đối với nhà đầu tư, dòng tiền bảo hiểm được chi trả theo từng giai đoạn này chẳng khác gì dòng tiền của chứng khoán thông thường. Đây chính là nội dung chủ yếu của hợp đồng CDS. Trong quá trình này, nhà đầu tư đảm nhận phần rủi ro không cần phải chi ra bất cứ khoản tiền vốn nào, cũng không có bất kỳ mối liên hệ nào với tài sản được bảo hiểm, anh ta chỉ cần đảm nhận rủi ro vi phạm hợp đồng tiềm ẩn của CDO, và có thể nhận được một khoản tiền bảo hiểm chi trả theo từng giai đoạn. Do thông tin không đầy đủ, khả năng phán đoán của nhà đầu tư thông thường đối với rủi ro vi phạm hợp đồng không thể nào chính xác như các ngân hàng đầu tư, cho nên rất nhiều người bị hấp dẫn bởi mức lợi ích bề nổi mà xem nhẹ rủi ro tiềm ẩn.
Lúc bấy giờ, tuy “rác độc cô đặc” về lý thuyết vẫn nằm trong tay ngân hàng đầu tư, nhưng rủi ro vi phạm hợp đồng của nó đã được chuyển sang cho người khác. Ngân hàng đầu tư được hưởng lợi hoàn toàn.
Vốn dĩ đến lúc này, ngân hàng đầu tư xem như đã “thành công viên mãn”, nhưng bản tính tham lam của con người chẳng bao giờ có điểm dừng, chỉ cần chưa xảy ra chuyện gì thì cuộc chơi vẫn sẽ tiếp tục với những hình thức mạo hiểm hơn.
Tháng 5 năm 2005, một loạt “các thiên tài tài chính siêu hạng” của phố Wall và thành phố tài chính London cuối cùng đã “bào chế thành công” một sản phẩm mới trên nền tảng của CDS: “CDO tổng hợp” (Synthetic CDO) - một loại tài sản “rác độc cô đặc có độ tinh khiết cao.” Tư duy thiên tài của các ngân hàng đầu tư là tập hợp dòng tiền bảo hiểm vi phạm hợp đồng để chi trả cho các đối tác CDS, rồi lại căn cứ theo hệ số rủi ro mà đóng vào trong các hộp quà tặng khác nhau, rồi lại đi gõ cửa các hãng Moody’s và Standard & Poor’s. Moody’s trầm tư hồi lâu, cảm thấy không ổn. Không lấy được đánh giá xếp hạng thì tất cả những lời thuyết minh cũng chỉ là lý luận suông. Việc này có thể khiến các ngân hàng đầu tư buồn bực nao lòng.
Công ty Lehman Brothers là cao thủ hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực “CDO tổng hợp”, các “nhà khoa học tài chính” của công ty này đã giải được bài toán hóc búa tầm thế giới về việc đánh giá tài sản của “CDO tổng hợp hạng phổ thông” (Equity Tranche), thứ được xem là độc nhất trong đống “rác độc cô đặc độ tinh khiết cao” này vào tháng 6 năm 2006. “Cuộc cách mạng” của họ nằm ở chỗ đem dòng tiền vốn do tài sản “CDO tổng hợp hạng phổ thông” sản sinh ra tích trữ lại thành một “hồ tiền vốn” dự phòng, một khi xảy ra vi phạm hợp đồng, “hồ tiền vốn” dự phòng này sẽ khởi động chức năng khẩn cấp là cung ứng “dòng tiền mặt.” Biện pháp này đã tăng cường sự tín nhiệm đối với “CDO tổng hợp hạng phổ thông.” Cuối cùng, hãng Moody’s đã cấp tiêu chuẩn AAA cho đống “rác độc cô đặc độ tinh khiết cao” này.
Sức hấp dẫn đầu tư “CDO tổng hợp” đã đạt mức đỉnh điểm, nó quyến rũ như vậy, bất cứ nhà đầu tư nào cũng đểu sẽ có cảm giác như được gặp thiên thần hạ giới. Tưởng tượng mà xem, trước đây khi đầu tư trái phiếu CDO, để có được dòng tiền mặt, bạn cần phải đầu tư tiền thật bạc thật, hơn nữa còn phải chịu rủi ro đầu tư có thể xảy ra. Nay tiền của bạn không cần dùng đến, vẫn có thể đem bỏ vào thị trường chứng khoán hoặc những chỗ khác để nó tiếp tục sinh lời, bạn chỉ cần chịu một chút rủi ro thì sẽ nhận được dòng tiền mặt ổn định. So với CDS, đây rõ ràng là sự lựa chọn đầy hấp dẫn, hơn nữa sản phẩm đầu tư này đều đạt tiêu chuẩn AAA của các hãng Moody’s và Standard & Poor’s.
Không cần chi tiền mà vẫn có thể thu được dòng tiền ổn định, hơn nữa rủi ro cực kỳ thấp, vì chúng là sản phẩm “CDO tổng hợp” đạt tiêu chuẩn AAA. Kết quả không khó tưởng tượng, hàng loạt quỹ uỷ thác của Chính phủ, quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ giáo dục, các giám đốc quỹ bảo hiểm, ngoài ra còn có một lượng lớn các quỹ đầu tư nước ngoài nô nức nhảy vào, trong điều kiện chẳng động đến một phân tiền quỹ của họ mà đã tăng thêm được lợi ích cho quỹ, và tất nhiên còn có mức tiền thưởng cao ngất của bản thân họ.
Ngoài các quỹ đầu tư lớn là chủ mua chủ yếu của “CDO tổng hợp” ra, các ngân hàng đầu tư còn nhắm vào quỹ đầu tư thanh khoản vốn yêu thích rủi ro lớn lợi tức cao, họ đã đặc biệt chế ra một loại sản phẩm “CDO tổng hợp” gọi là trái phiếu không trái tức (Zero Coupon) dành cho quỹ đầu tư thanh khoản. Sự khác biệt lớn nhất giữa nó với các sản phẩm “CDO tổng hợp” khác nằm ở chỗ, các sản phẩm khác không cần đầu tư vốn đã có thể thu được tiền, nhưng nhược điểm chết người là cần phải chịu trách nhiệm mọi rủi ro trong toàn bộ thời gian nắm giữ, điều này có thể khiến toàn bộ khoản đầu tư mất trắng. Còn sản phẩm trái phiếu công trái tức thì cần đầu tư một phần vốn theo mệnh giá, hơn nữa không được hưởng lợi từ dòng tiền chi trả bảo hiểm, nhưng đợi đến khi CDO đến hạn sẽ được hưởng giá trị mệnh giá của toàn bộ số trái phiếu nắm giữ, chỉ cần phải khấu trừ tổn thất vi phạm hợp đồng và phí tổn.Về bản chất, sản phẩm này giống như giao dịch quyền chọn, rủi ro lớn nhất theo kiểu “được ăn cả, mất chẳng bao nhiêu.” Quỹ đầu tư thanh khoản cùng lắm là mất đi một khoản tiền đầu tư ban đầu, nhưng nếu không xảy ra vi phạm hợp đồng thì có thể kiếm được bộn tiền, thật ra viễn cảnh tươi đẹp này là thứ mà quỹ đầu tư thanh khoản không thể nào kiểm soát được. Ngân hàng đầu tư lẽ tất nhiên đã hiểu quá rõ ý định của giám đốc quỹ đầu tư thanh khoản, cho nên mới có thể thiết kế ra một sản phẩm “tinh tế hợp ý” như vậy. Vai trò của ngân hàng đầu tư chính là kích thích và lợi dụng lòng tham không đáy của đối phương, còn bản thân mình luôn đứng ở thế bất bại, và như vậy quỹ đầu tư thanh khoản chỉ còn biết trông mong vào vận may của mình.
Sự sáng tạo về sáng kiến tài chính của phố Wall gần như là vô tận. Ngoài các sản phẩm CDO, CDS, CDO tổng hợp, họ còn phát minh ra một loạt các sản phẩm mới như “CDO bình phương” (CDO2), “CDO lập phương” (CDO3), “CDO N phương” (CDOn).
Thống kê của Fitch cho thấy, năm 2006, thị trường chứng khoán phái sinh dạng tín dụng đã đạt đến quy mô khủng khiếp: 50.000 tỉ USD. Từ năm 2003 đến năm 2006, thị trường này đã phát triển bùng nổ khi tăng gấp 15 lần! Hiện nay, quỹ đầu tư thanh khoản đã trở thành lực lượng chính của thị trường chứng khoán phái sinh dạng tín dụng này, độc chiếm 60% thị phần.
Ngoài ra, thống kê của BIS cho thấy, quý IV năm 2006, lượng phát hành mới sản phẩm “CDO tổng hợp” đã đạt 92 tỉ USD, quý I năm 2007 lượng phát hành “CDO tổng hợp” là 121 tỉ USD, quỹ đầu tư thanh khoản chiếm 33% thị phần. Ai là lực lượng chính đầu tư vào thị trường rác độc cô đặc có độ tinh khiết cao này? Kết quả điều tra rất đáng kinh ngạc, đó chính là các “quỹ bảo thủ” bao gồm quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm và các nhà đầu tư nước ngoài, hơn nữa những khoản đầu tư này lại tập trung đổ vào “CDO tổng hợp hạng phổ thông”, thứ được đánh giá là độc nhất trong nhóm “CDO tổng hợp.”[7]
CÔNG TY ĐÁNH GIÁ XẾP HẠNG TÀI SẢN: ĐỒNG LÕA BỊP BỢM
Trong các loại chứng khoán MBS của thị trường tín dụng thứ cấp hiện có, khoảng 75% đạt tiêu chuẩn AAA, 10% loại AA, 8% loại A, chỉ có 7% được xếp hạng BBB hoặc thấp hơn. Trên thực tế, quý IV năm 2006, tỉ lệ vi phạm hợp đồng của tín dụng thứ cấp lên đến 14,44%, quý I năm 2007 vọt lên 15,75%. “Ác mộng hoàn vốn” ở quy mô vô tiền khoáng hậu chắc chắn sẽ xảy ra khi ngày càng đến gần thời gian tái thiết lập lãi suất của đợt tín dụng trị giá 2.000 tỉ USD của năm 2007 - 2008, khi đó tỉ lệ vi phạm hợp đồng của thị trường tín dụng thứ cấp và ALT-A chắc chắn sẽ ngày càng cao hơn. Từ cuối năm 2006 đến giữa năm 2007, đã có hơn một trăm tổ chức tín dụng thứ cấp buộc phải đóng cửa. Đây mới chỉ là bắt đầu. Báo cáo điều tra do Hiệp hội ngân hàng thế chấp của Mỹ (MBAAS) công bố cho thấy, có thể sẽ có đến 20% hợp đồng tín dụng thứ cấp phải tiến hành bán đấu giá, 2,2 triệu người sẽ mất đi nhà cửa của họ.
Nhà đầu tư của các quỹ cỡ lớn vì căn cứ vào đánh giá của các công ty đánh giá xếp hạng tài sản như Moody’s, Standard & Poor’s mà dẫn đến sai lầm trong đầu tư, bên cạnh đó các cơ quan giám sát dồn dập khởi kiện các công ty này lên toà án. Ngày 15 tháng 7 năm 2007, xuất hiện thông tin quỹ Ohio Police & Fire Pension Fund, quỹ trợ cấp hưu trí lớn thứ 3 của Mỹ, bị thua lỗ nghiêm trọng, trong cơ cấu đầu tư của quỹ này có 7% đã rót vào thị trường MBS. Marc Dann - một kiểm sát viên của bang Ohio đã tức giận rằng: “Những công ty đánh giá xếp hạng tài sản này đã kiếm được rất nhiều tiền trong mỗi hợp đồng đánh giá xếp hạng cho các gói tín dụng thứ cấp MBS. Bọn họ liên tục cấp tiêu chuẩn AAA cho chúng (rác độc tài sản), cho nên trên thực tế bọn họ là những kẻ đồng loã của những trò bịp bợm này.”
Trước những cáo buộc trên, Moody’s đã lên tiếng phản bác, cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ. “Ý kiến của chúng tôi là những đánh giá khách quan, hơn nữa không ai ép buộc mọi người mua và bán”1. Lập luận của Moody’s chẳng khác gì nhà bình luận điện ảnh, chúng tôi khen ngợi phim “Hoàng Kim Giáp” không có nghĩa là ép buộc anh đi mua vé xem bộ phim này, hay nói cách khác, chúng tôi nói chỉ để nói, các người đừng có tin đó là thật.
1 Katie Benner, Subprime Contagion? (Tạm dịch: Dịch tín dụng thứ cấp có lây lan?) Fortune, số ra tháng 7, trang 152.
Các nhà đầu tư đầy tức tối thì cho rằng, đối với những sản phẩm quá đỗi phức tạp và tin tức giá cả không mấy minh bạch như CDO và “CDO tổng hợp”, thị trường tin tưởng và dựa cả vào sự đánh giá của công ty đánh giá xếp hạng tài sản, sao có thể chối bay chối biến, phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm như thế? Hơn nữa, nếu không có đánh giá tiêu chuẩn AAA, thì làm sao các quỹ đầu tư như quỹ trợ cấp hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ giáo dục, quỹ uỷ thác Chính phủ, quỹ đầu tư của các tổ chức nước ngoài lại đầu tư mua vào với số lượng lớn đến vậy?
Tất cả đều bắt nguồn từ đánh giá tiêu chuẩn AAA, nếu mức đánh giá này có vấn đề thì khoản đầu tư hàng trăm tỉ USD mà những quỹ đầu tư này đã rót vốn vào sẽ ngay lập tức rơi vào nguy hiểm.
Thực tế, đánh giá xếp hạng tài sản đã thúc đẩy mọi mắt xích tham gia cuộc chơi hiện có.
Mới đây, hai quỹ đầu tư thanh khoản chuyên hoạt động trong lĩnh vực tín dụng thứ cấp thuộc Bear Stearns, một trong năm ngân hàng đầu tư lớn nhất phố Wall, đã bị thua lỗ lớn. Thật ra, trước khi Bear Stearns xảy ra chuyện, đã có rất nhiều nhà đầu tư và các cơ quan giám sát đã bắt đầu điều tra vấn đề định giá tài sản mà ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư thanh khoản đang nắm giữ. Hội đồng đánh giá tiêu chuẩn kế toán tài chính (Financial Accounting Standard Board) bắt đầu yêu cầu cần phải dùng “giá cả công bằng” để tính toán “giá đầu ra” (exit price) của tài sản chứ không phải là “giá đầu vào” (enter price). Cái gọi là “giá đầu ra” chính là giá thị trường của tài sản bán ra, nhưng hiện nay giá được các ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư thanh khoản sử dụng thường là được “suy ra” theo những công thức toán học được thiết lập trong nội bộ của các tổ chức này. Vì giao dịch CDO cực kỳ hiếm gặp cho nên thiếu thông tin giá cả thị trường đáng tin cậy. Nếu nhà đầu tư hỏi báo giá CDO của 5 nhà phân phối trung gian thì rất có thể sẽ nhận được 5 mức giá khác nhau. Phố Wall cố ý giữ cho thị trường này không minh bạch để lợi dụng kiếm phí thủ tục cao ngất.
Khi mọi người đều kiếm được tiền thì ai nấy đều vui vẻ, nhưng một khi xảy ra sự cố, thì ai nấy cũng cố sống cố chết mà thoát thân. Lúc này, những bậc quân tử nhún nhường thường ngày của xã hội phương Tây sẽ lôi ra những thứ nguỵ trang. Mối quan hệ giữa Bear Stearns với Merrill Lynch chính là như vậy.
Hai quỹ đầu tư thanh khoản lớn của Bear Stearns theo báo chí đưa là đang “thua lỗ lớn do đặt niềm tin sai chỗ trên thị trường MBS thứ cấp”, nhưng sự thật là họ đang đóng vai một bên không may bị rủi ro vi phạm hợp đồng trong vở kịch “CDO tổng hợp” rác độc cô đặc độ có tinh khiết cao và “đứng ở phía sai lầm lịch sử”, còn bên chuyển giao rủi ro có lẽ cũng chính là sân sau của các ngân hàng đầu tư. Đến ngày 31 tháng 3 năm 2007, giá trị tài sản của hai quỹ đầu tư này do Bear Stearns kiểm soát vẫn ở mức cao trên 20 tỉ USD, đầu tháng 7 tổng giá trị tài sản mà hai quỹ này nắm giữ đã giảm xuống khoảng 20%. Chính vì vậy, các chủ nợ của hai quỹ này cũng nhao nhao đòi thoái vốn.
Công ty Merrill Lynch, một trong những chủ nợ lớn nhất, sau khi liên tục đòi nợ không thành đã tỏ ra sốt ruột, bất ngờ tuyên bố sẽ bắt đầu bán đấu giá lượng chứng khoán thế chấp tín dụng hơn 800 triệu USD mà quỹ của Bear Stearns đang nắm giữ. Trước đó, Merrill Lynch từng cho biết, trước khi quỹ đầu tư thanh khoản của Bear Stearns tuyên bố kế hoạch điều chỉnh kết cấu tư bản, sẽ không bán những tài sản này. Mấy ngày sau, Merrill Lynch đã từ chối phương án tái cấu trúc do Bear Stearns đề xuất. Bear Stearns lại đề xuất kế hoạch khẩn cấp tăng vốn 1,5 tỉ USD, nhưng không nhận được sự ủng hộ của các chủ nợ. Merrill Lynch chuẩn bị bán các chứng khoán thông thường trước, sau đó còn lên kế hoạch bán các sản phẩm phái sinh liên quan. Cùng lúc đó, Goldman Sachs, JPMorgan Chase và Bank of America tuyên bố cũng đã chuộc lại một phần quỹ tương ứng.
Điều khiến mọi người hoang mang là, trong cuộc bán đấu giá công khai chỉ có ¼ số chứng khoán là có người hỏi giá và chỉ bằng 85% - 90% mệnh giá. Đây có lẽ là phần được đánh giá tiêu chuẩn AAA tinh tuý nhất của quỹ Bear Stearns, nếu ngay cả những tài sản được đánh giá là tốt này mà còn lỗ từ 15% trở lên, thì nghĩ mà xem những loại CDO rác độc hạng BBB trở xuống chẳng ai thèm đếm xỉa kia thật khiến người ta hồn siêu phách lạc, mức độ thua lỗ sẽ khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi.
Hiện thực tàn khốc đã thức tỉnh Bear Stearns, đồng thời làm rúng động cả phố Wall. Phải biết rằng, các sản phẩm CDO trị giá 750 tỉ USD đang được dùng làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng thương mại. Thủ đoạn trước mắt của họ chính là đem những tài sản CDO này chuyển thành tài sản ngoài bảng (Off Balance Sheet), vì ở đây, những CDO này có thể được tính giá theo những mô hình số học nội bộ, mà không cần phải sử dụng giá thị trường.
Các ngân hàng phố Wall lúc này chỉ có một niềm tin: tuyệt đối không thể bán đấu giá công khai trên thị trường! Vì như vậy sẽ khiến giá cả thực sự của CDO bị lộ, người ta sẽ thấy rằng giá cả thực tế của những tài sản bong bóng này chẳng những không bằng 120% hay 150% như công bố của báo cáo tài chính, mà rất có thể là chỉ có 50% thậm chí là 30%. Một khi giá thị trường bị lột trần, tất cả các quỹ đầu tư lớn nhỏ đã đổ vốn vào thị trường CDO sẽ buộc phải thẩm tra lại các khoản tài sản của họ, những khoản thua lỗ khổng lồ sẽ khó mà bưng bít được, cơn bão chưa từng có tất yếu sẽ quét qua thị trường tài chính thế giới.
Ngày 19 tháng 7, hai quỹ đầu tư thanh khoản thuộc quyền của Bear Stearns đã “chẳng còn giá trị tồn tại”, tài sản lớn trị giá 20 tỉ USD đã tan thành mây khói chỉ trong mấy tuần. Ngày 1 tháng 8, hai quỹ đầu tư này tuyên bố bảo hộ phá sản.
Vậy rốt cuộc ai đang nắm giữ rác độc tài sản? Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm của phố Wall. Theo thống kê, đến cuối năm 2006, các quỹ đầu tư thanh khoản nắm giữ 10%, quỹ trợ cấp hưu trí sở hữu 18%, công ty bảo hiểm ôm 19%, công ty quản lý tài sản có 22%. Tất nhiên, danh sách chủ sở hữu còn có các nhà đầu tư nước ngoài. Họ cũng là những nhà đầu tư hăng hái nhất của thị trường MBS, CDS và CDO. Từ năm 2003 đến nay, trong số các “sản phẩm đầu tư dạng cấu trúc” được các tổ chức tài chính nước ngoài “long trọng giới thiệu” ở Trung Quốc, có bao nhiêu sản phẩm bị “ô nhiễm” do những đống “rác độc tài sản” này? E rằng chỉ có trời mới biết.
Ngân hàng thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements) từng cảnh báo rằng: “Vấn đề thị trường tín dụng thế chấp thứ cấp của Mỹ ngày càng nổi cộm, nhưng vẫn không rõ những vấn đề này thâm nhập vào thị trường tín dụng như thế nào.” Câu trả lời “vẫn chưa rõ” này phải chăng đã ám chỉ thị trường CDO có thể sụp đổ? Tổng quy mô của tín dụng thứ cấp và tín dụng dạng ALT-A cũng như các sản phẩm phái sinh như CDO, CDS và CDO tổng hợp ít nhất đang ở mức trên 3.000 tỉ USD. Thảo nào gần đây, ngân hàng thanh toán quốc tế liên tục cảnh báo, thế giới có thể sẽ đối mặt với cuộc đại suy thoái như những năm 30 của thế kỷ 20. Ngân hàng này còn cho rằng, chu kỳ kinh tế trong lĩnh vực tín dụng toàn cầu trong mấy tháng từ nay về sau sẽ xảy ra sự chuyển biến có tính chất xu thế.
Theo các vị quan chức của FED, các nhà hoạch định chính sách hoàn toàn không thừa nhận sự lo lắng của thị trường tài chính đối với thị trường thứ cấp, đồng thời không trông mong nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ben Bernanke cuối tháng 2 năm 2007 từng phát biểu, tín dụng thứ cấp là vấn đề rất quan trọng, nhưng không có dấu hiệu cho thấy đang lan sang thị trường tín dụng chính, thị trường hầu như vẫn ổn định. Sau đó, cả nhà đầu tư lẫn các vị quan chức đều tránh không nhắc đến rủi ro tiềm ẩn về khả năng phát tán của khủng hoảng tín dụng thứ cấp.
Tránh né vấn đề hoàn toàn không giúp ích gì cho việc giải quyết vấn đề. Người dân sẽ phải liên tục đối diện với khủng hoảng đang sắp sửa giáng xuống.
Nếu các quỹ uỷ thác của Chính phủ tổn thất nặng nề trong thị trường thế chấp tài sản thì hậu quả chính là mỗi ngày dân chúng đều có thể phải đối mặt với vé phạt giao thông đến 3.000 USD. Nếu quỹ dưỡng lão tổn thất thì chỉ còn cách phải kéo dài tuổi nghỉ hưu. Nếu công ty bảo hiểm thua lỗ thì các loại phí bảo hiểm sẽ tăng vọt.
Tóm lại, quy luật sáng kiến tài chính của phố Wall là ngân hàng kiếm được khoản tiền thưởng hằng hà sa số, còn kẻ thua cuộc sẽ là những người nộp thuế và nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng bất kể là thắng hay thua, trong “quá trình sáng tạo sáng kiến tài chính”, những khoản tiền nợ khổng lồ do nợ thế chấp liên tục, tuần hoàn và cao gấp bội giá trị thực được hệ thống ngân hàng tạo ra cũng như hậu quả tất yếu dẫn đến lạm phát tiền tệ, đang lặng lẽ cắt xén từng phần của cải do người dân toàn cầu làm ra. Cho nên không có gì lạ khi sự phân hoá giàu nghèo trên thế giới này ngày càng nghiêm trọng, cũng như không có gì lạ khi thế giới này ngày càng bất ổn.
SỰ VỠ NỢ VÀ SIẾT CHẶT TÍNH THANH KHOẢN
Khủng hoảng tín dụng thứ cấp của Mỹ về bản chất là một dạng khủng hoảng kiểu vỡ nợ từ bên trong điển hình. Ngân hàng khi nghĩ ra các sản phẩm tín dụng thì cũng sản sinh ra tiền tệ theo kiểu “từ không sinh ra có”, nhưng không hoàn toàn theo kiểu đem của cải tích luỹ của người này cho người khác vay như mọi người vẫn tưởng tượng. Đây thực chất là tiến hành in tiền khi những thành quả lao động còn chưa được tạo ra và đưa thứ tiền đó vào lưu thông. Một mặt, việc “tăng lượng phát hành các dòng tiền một cách chóng mặt” nảy sinh do tín dụng bất động sản quy mô lớn, mà hành vi này đương nhiên sẽ dẫn đến lạm phát tiền tệ và giá bất động sản tăng vọt mất kiểm soát. Mặt khác, vì muốn đối phó với lạm phát tiền tệ, ngân hàng trung ương lại không thể không tiến hành tăng lãi suất. Sức ép liên hoàn này khiến áp lực hoàn nợ của người vay vốn từng bước tăng lên, tăng cho đến khi bị các khoản nợ khổng lồ đè bẹp và tỉ lệ xuất hiện các vụ vi phạm hợp đồng tín dụng tăng vọt; liền sau đó giá bất động sản lao dốc, nhà đầu tư bắt đầu thoái vốn khỏi thị trường này; không ai đếm xỉa đến MBS và CDO; thị trường trái phiếu và thị trường thương phiếu đột nhiên xuất hiện tình cảnh tính thanh khoản bị siết chặt. Việc siết chặt thanh khoản này lại làm rúng động thị trường hợp đồng hoán đổi nợ xấu - một sản phẩm phái sinh tài chính. Giám đốc các quỹ đầu tư vốn đã thu mua một lượng lớn hợp đồng hoán đổi nợ xấu đột nhiên phát hiện các quỹ đầu tư thanh khoản đã đổ vỡ liên hoàn, lúc này các ngân hàng và nhà đầu tư lại thúc nợ, trong tình cảnh lo sợ và bất lực họ chỉ còn cách bán tháo tài sản để lấy tiền trả nợ. Điều không may là phương thức và mô hình đầu tư của đa số các nhà đầu tư đều giống nhau như đúc, cho nên làn sóng bán tháo biến thành khủng hoảng.
Đây chính là quy luật phát triển kinh tế dưới tác động của tiền nợ (hay còn gọi là tiền định danh): nợ tạo ra tiền, tiền kích thích lòng tham, lòng tham khởi phát sụp đổ, sự sụp đổ kích hoạt siết thanh khoản, siết thanh khoản dẫn đến suy thoái!
Rất nhiều nhà phân tích cho rằng tín dụng thứ cấp chỉ là “vấn đề đơn lẻ”, hơn nữa quy mô của nó so với toàn bộ thị trường tài chính Mỹ là không lớn lắm, quan điểm này đã xem nhẹ vấn đề “trạng thái và cơ cấu” của thị trường tài chính, vì thị trường tài chính không hoàn toàn phát triển bình thường và độc lập như họ nói.
Nếu chiếu theo chiều thẳng đứng, thị trường thứ cấp giống như một kim tự tháp ngược khổng lồ. Phần đáy của kim tự pháp là khoản tín dụng thế chấp thứ cấp trị giá 400 - 500 tỉ USD chắc chắn sẽ trở thành những khoản nợ xấu, và nó lại phải chống đỡ cho số sản phẩm CDO trị giá 750 tỉ USD ở bên trên, rồi trên nữa còn có thị trường hợp đồng hoán đổi nợ xấu CDS quy mô đến 50.000 tỉ USD, trên CDS còn có “CDO tổng hợp”, MBS, CDO, CDO tổng hợp cùng được thế chấp cho ngân hàng thương mại, sau đó sử dụng tỉ suất đòn bẩy tài chính cao gấp 5 - 15 lần để phóng đại tính thanh khoản với sự giúp sức của “tiền giả” mới.
Biểu đồ thời gian chấn động của thị trường tài chính thế giới
Khi kim tự tháp đảo ngược nguy hiểm này chao đảo và rung lắc còn kéo theo cả thị trường hợp đồng hoán đổi lãi suất với quy mô 100.000 tỉ USD lớn nhất trong thị trường sản phẩm phái sinh tài chính. Do tính thanh khoản của thị trường biến chuyển đột ngột như vậy nên MBS và hoạt động huy động vốn trái phiếu dài hạn của Mỹ sẽ xảy ra vấn đề, một khi lãi suất dài hạn liên tục tăng, thị trường hợp đồng hoán đổi lãi suất quy mô 100.000 tỉ USD sẽ sụp đổ nghiêm trọng hơn nữa.
Nếu xét trên phương diện mối liên hệ cơ cấu nợ, khi 2,2 triệu khách hàng tín dụng thứ cấp đang gánh nợ chồng chất đối mặt với nguy cơ bị quét ra đường, họ còn có thể hi vọng chi trả đúng thời hạn các khoản tín dụng xe hơi, tín dụng học sinh, nợ thẻ tín dụng và đủ thứ nợ dưới các hình thức khác nhau nữa hay không? Chứng khoán ABS và các sản phẩm phái sinh khác được xây dựng trên nền tảng những khoản nợ này chẳng lẽ không liên quan? Đặc điểm cơ bản của các khoản nợ kiểu này chính là “sống cùng sống, chết cùng chết”, những chứng khoán và sản phẩm phái sinh này được thế chấp qua lại, phóng đại gấp nhiều lần, phái sinh lặp đi lặp lại trong hệ thống ngân hàng, một con nợ ngã xuống sẽ lập tức kéo theo hàng loạt công cụ nợ khác ngã theo. Mấy trăm vạn con người cùng ngã xuống một lúc thì ai cứu được? Đừng nói “sáng kiến tài chính” chẳng những không “phân tán” rủi ro, mà trên thực tế còn gây rủi ro theo hệ thống chưa từng có trong lịch sử với quy mô rộng lớn vô cùng. Nếu như năm 1998, khi Công ty Long-Term Capital Management của Mỹ xảy ra vấn đề, FED còn biết thông báo cho mấy chủ nợ lớn nhất cùng họp bàn đối sách, thì khi thị trường ngày nay một khi xuất hiện vỡ nợ hàng loạt với số lượng lớn, do CDS được hàng ngàn vạn nhà đầu tư nắm giữ lẫn nhau, mà hầu như lại là giao dịch theo phương thức OTC, thiếu sự giám sát, một khi nhiều mắt xích trong mối quan hệ đó xảy ra vấn đề vi phạm hợp đồng, thì lập tức sẽ xuất hiện “phản ứng dây chuyền” đáng sợ, toàn hệ thống sẽ tê liệt. Nói cách khác, trong “thị trường tài chính truyền thống”, rủi ro được tập trung, những mắt xích của rủi ro có quy mô lớn và mục tiêu rõ ràng, một khi xuất hiện vấn đề “mất máu cấp”, các ngân hàng trung ương có thể lập tức can thiệp hiệu quả, “cầm máu” ngay tức khắc. Ngược lại, rủi ro của thị trường tài chính hiện đại bị phân tán cao độ đến tay hàng ngàn hàng vạn nhà đầu tư, một khi xảy ra tình trạng “mất máu cấp” thì gần như chuyển biến thành tình trạng “mất máu mãn tính” khó chữa trị, các ngân hàng trung ương hoàn toàn không biết phải can thiệp từ đâu.
Từ góc độ này, hành động bơm vốn chưa từng có trong lịch sử vào đầu tháng 8 năm 2007 của FED và ngân hàng trung ương châu Âu đã thể hiện rõ nét tính nghiêm trọng của vấn đề, họ không hề phản ứng thái quá. Nếu không có sự cứu trợ của các ngân hàng trung ương, thì nói không chừng, thị trường tài chính thế giới hiện nay đã là một đống đổ nát.
Hình dưới đây là biểu đồ thời gian xảy ra các cuộc tái thiết lại thị trường tín dụng thế giới được Credit Suisse công bố. Trục hoành là tháng, khởi điểm là tháng 1 năm 2007. Trục tung là quy mô tái thiết nợ thế chấp. Từ biểu đồ này chúng ta có thể hiểu tại sao cuối tháng 2 năm 2007 lại xảy ra cơn địa chấn đầu tiên của thị trường tài chính toàn cầu, tại sao đến tháng 8 lại xảy ra trận đia chấn thứ hai, và đỉnh điểm của trận địa chấn lần thứ ba có thể là cuối năm 2007, dư chấn của những trận động đất ấy vẫn sẽ kéo dài nhiều năm sau đó.
• ARM Reset Schedule: thời gian biểu thiết lập lại lãi suất của gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất
• Alt-A ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất
• Prime ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất hạng cao cấp
• Optine ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất tuỳ chọn
• Subprime ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất hạng thứ cấp
• Agency ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi suất cơ cấu
• Unsecuretized ARM: gói tín dụng thế chấp có thể điều chỉnh lãi không đảm bảo
TƯƠNG LAI CỦA THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI SẼ RA SAO?
Mặc dù các ngân hàng trung ương đã tạm thời khống chế được khủng hoảng, nhưng vấn đề vỡ nợ mang tính căn bản không hề được giải quyết. Vấn đề CDO có tổng giá trị tài sản lên đến 750 tỉ USD trong hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn chưa được giải quyết, ngoài ra vấn đề thiết lập lại lãi suất của các khoản tín dụng thế chấp trên quy mô lớn sẽ xuất hiện vào cuối năm 2007 và năm 2008. Đến lúc đó, chắc chắn lại có một cơn địa chấn lớn xảy ra. Sau những trận động đất thảm hoạ liên tục, người tiêu dùng nước ngoài khó có thể hớn hở vung tay vay tiền để tiêu dùng.
Bản chất của vấn đề là trong một thời đại tiền định danh điều khiển kinh tế thế giới, bồi hoàn hay huỷ nợ đều đồng nghĩa với việc tính thanh khoản bị siết chặt. Do sự kỳ vọng của thị trường tài chính đối với mức lợi tức cao là điều mà sự tăng trưởng kinh tế thực thể khó có thể thoả mãn được, thị trường này thậm chí còn không thể chấp nhận tăng trưởng thanh khoản giảm tốc, chứ đừng nói là ngừng tăng trưởng hoặc hạ mức tăng trưởng. Nhưng sự sụp đổ của thị trường tín dụng thứ cấp đã nói rõ khả năng thấu chi của người Mỹ trong tương lai đã bị hao mòn. Năm 2006, tín dụng bất động sản của Mỹ tăng thêm 1.900 tỉ USD, và quy mô của các sản phẩm phái sinh trên nền tảng của những khoản tín dụng loại này cũng phình to. Nếu tính năng của hệ thống công cụ tín dụng khổng lồ này suy giảm, thì có thể đi đâu tìm được một hệ thống tín dụng quy mô lớn hơn đây?
Để tìm kiếm công cụ thay thế, các thiên tài phố Wall đang khẩn trương triển khai sản phẩm mới “chứng khoán chết” (Death Bond). Bản chất của “chứng khoán chết” chính là đem tiền bồi thường bảo hiểm nhân thọ của người đã qua đời ra đảo ngược lại. Các ngân hàng đầu tư sẽ tìm đến những người có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, họ sẽ đề nghị rằng, bảo hiểm nhân thọ là tiền sau khi mình qua đời được trao cho người khác tiêu, tại sao không rút ra ngay lúc này để tiêu dùng cho bản thân? Đề nghị này khiến không ai có thể cưỡng lại được, ngân hàng đầu tư sẽ tập hợp khoảng 200 đơn bảo hiểm nhân thọ đóng thành một gói ABS (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản), rồi đem bán cho nhà đầu tư ở phố Wall. Cá nhân bán bảo hiểm nhân thọ thông thường có thể nhận được khoản tiền mặt tương đương 20% - 40% của toàn bộ giá trị gói bảo hiểm của bản thân, nhà đầu tư mua chứng khoán chết thì cần chi trả khoản tiền này đồng thời tiếp tục thanh toán bảo hiểm cho công ty bảo hiểm mãi đến khi người đứng tên trong đơn bảo hiểm qua đời, sau đó toàn bộ số tiền bảo hiểm đều sẽ thuộc về nhà đầu tư. Người đứng tên trong đơn bảo hiểm ra đi càng sớm, thì nhà đầu tư thu lợi càng nhiều. Cho nên nhà đầu tư đang từng ngày vặn đồng hồ chờ đợi người đứng tên trên đơn bảo hiểm ra đi. Ngân hàng đầu tư thu được khoản phí trị giá 5% - 6% giá trị gói bảo hiểm. Mặc dù vậy, quy mô thị trường này không thể đủ sức thay thế thị trường tín dụng thế chấp, cho dù đạt đến mức cao nhất đi chăng nữa cũng chỉ có thể tạo ra công cụ nợ hằng năm trị giá khoảng 190 tỉ USD, chỉ bằng 1/10 quy mô của thị trường tín dụng thế chấp mà thôi.
Một ý tưởng khác là kéo dài kỳ hạn của gói tín dụng thế chấp, từ kỳ hạn thông thường 30 năm kéo dài lên 40 - 50 năm, như vậy cũng có thể mở rộng quy mô của thị trường tín dụng này lên rất nhiều lần, cung cấp được tính thanh khoản vừa đủ cho thị trường tài chính.
Nếu không có một hệ thống nợ có quy mô đủ lớn, tăng trưởng đủ nhanh, cơ chế vận hành đủ hợp lý để tạm thời thay thế thị trường nợ thế chấp bị tê liệt, thì sẽ chẳng có sức mạnh nào có thể ngăn cản được một trận suy thoái kinh tế đầy khắc nghiệt sẽ diễn ra.
Chú thích:
[1] John Maynard Keynes, The Economic Consequences of the Peace (tạm dịch: Hệ quả kinh tế của hòa bình), Harcourt, Brace and Howe, 1919, trang 235.
[2] Ayn Rand, Alan Greenspan, Capitalism: The Unknown Ideal (tạm dịch: Tư bản: Những ý tưởng ẩn chứa), Signet, 1986, trang 35.
[3] Murray N. Rothbard, The Case Against the Fed (tạm dịch: Vụ kiện chống lại Fed), Ludwig von Mises Institute, 1994, trang 39 – 40.
[4] Federal Reserve Board (Ban Thống đốc dự trữ liên bang), Flow of Funds (Dòng tiền quỹ), ngày 7 tháng 6 năm 2007.
[5] Alan Greenspan, Understanding household debt obligations (Tìm hiểu về những nghĩa vụ nợ hộ gia đình), At the Credit Union National Association 2004 Governmental Affairs Confer- ence, Washington, D.C. (tại Hội nghị ngoại giao Chính phủ năm 2004 của Liên hiệp ngân hàng công đoàn), ngày 23 tháng 2 năm 2004.
[6] Peter Coy, The Home Loans Vexing Greenspan (Tranh luận với Greenspan về tín dụng bất động sản), Tạp chí Business Week, ngày 10 tháng 6 năm 2005, trang 52.
[7] Gillian Tett, Pension Funds left Vulnerable after Unlikely Bet on CDOs (Quỹ hưu trí dần tổn thương sau cuộc đánh cược phiêu lưu vào CDOs), Financial Times (Thời báo Tài chính), ngày 6 tháng 7 năm 2007.