Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - Phong Cách Sống Bản Lĩnh Và Bình Thản - Chương 12
Sự đau buồn
Vượt qua nước mắt bằng lý trí
Hầu hết các bậc cha mẹ khi hay tin về cái chết của con mình sẽ vô cùng đau khổ. Họ sẽ than khóc, có lẽ là trong nhiều ngày liên tục, và họ sẽ không thể thực hiện các thói quen thường ngày của mình trong một thời gian dài. Rất lâu sau cái chết, họ có thể sẽ trải qua những hồi tưởng đau buồn; ví dụ như, họ sẽ rơi nước mắt khi tình cờ nhìn thấy tấm hình của con mình. Và các nhà Khắc kỷ phản ứng như thế nào trước cái chết của một đứa con? Ai đó có thể tưởng tượng rằng ông ta không thể hiện phản ứng nào hết cả, rằng ông ta sẽ kìm nén bất cứ cảm xúc nào mà ông ta có thể đang trải qua hoặc, thậm chí còn hơn thế nữa, ông ta sẽ rèn luyện bản thân để không cảm thấy đau khổ.
Niềm tin rằng các nhà Khắc kỷ không bao giờ đau khổ, dù được chấp nhận rộng rãi, là không đúng. Các nhà Khắc kỷ hiểu rõ rằng những cảm xúc như đau khổ chính là một mức độ phản xạ. Nó cũng rất giống với việc chúng ta không thể không giật mình khi nghe thấy một tiếng động lớn, đột ngột - đó là một phản xạ vật lý - ta không thể không cảm thấy đau khổ khi hay tin về cái chết đột ngột của một người thân yêu - đó là một phản xạ về mặt cảm xúc. Do đó, trong lời an ủi dành cho Polybius, người đang đau khổ trước cái chết của anh trai mình, Seneca đã viết: “Tự nhiên đòi hỏi ở chúng ta một số nỗi buồn, dù rằng phần nhiều trong số đó là kết quả của sự phù phiếm. Nhưng tôi sẽ không bao giờ đòi anh rằng anh không nên đau khổ.”
Một nhà Khắc kỷ nên đau khổ đến chừng mực nào? Về sự đau khổ phù hợp, Seneca nói với Polibius, lý trí của chúng ta “sẽ duy trì ở một mức độ cân bằng mà không phải là sự lãnh đạm hay điên rồ, và sẽ giữ cho ta ở trạng thái là một tâm trí đang có một tác động về tình cảm, chứ không phải là một tâm trí mất cân bằng.” Bởi vậy, ông khuyên Polybius “hãy để cho nước mắt rơi, nhưng cũng hãy để cho chúng ngừng lại, hãy để cho tiếng thở dài nặng nề nhất phát ra từ lồng ngực anh, nhưng hãy để cho chúng đến hồi kết thúc.”
Mặc dù loại bỏ đau khổ khỏi cuộc đời chúng ta là một việc bất khả thi, Seneca cho rằng ta có thể thực hiện các bước để tối thiểu hóa mức độ đau khổ mà ta phải gánh chịu trong đời. Và khi cho rằng các bước như vậy tồn tại, ta buộc phải thực hiện chúng. Xét cho cùng, chúng ta đang sống trong một thế giới mà có quá nhiều khả năng khiến chúng ta đau buồn. Do đó, Seneca nói, ta cần phải tằn tiện nước mắt của mình, bởi vì “không có gì cần phải dè xẻn hơn so với thứ có nhu cầu sử dụng thường xuyên”. Với suy nghĩ như vậy, Seneca và các triết gia Khắc kỷ khác đã phát triển các chiến lược nhằm ngăn bản thân khỏi việc trải qua đau khổ quá mức và có thể nhanh chóng vượt qua nỗi đau buồn mà ta nhận thấy mình đang phải chịu.
Chiến lược hàng đầu của các nhà Khắc kỷ trong việc ngăn ngừa đau khổ là thực hành tưởng tượng tiêu cực. Bằng việc ngẫm nghĩ về cái chết của những người mà ta yêu thương, ta sẽ loại bỏ được cú sốc mà ta phải trải qua nếu họ có qua đời; theo một nghĩa nào đó, ta sẽ lường trước được việc ấy. Hơn nữa, nếu ta suy ngẫm về cái chết của những người thân yêu, ta sẽ tận hưởng trọn vẹn mối quan hệ của mình với họ và vì thế, nếu họ có qua đời, ta sẽ không cảm thấy hối tiếc về tất cả những điều mà ta đáng lý ra có thể và nên làm cùng với họ và cho họ.
Bên cạnh tác dụng ngăn chặn đau khổ, tưởng tượng tiêu cực còn có thể được sử dụng để dập tắt nó. Ví dụ, hãy xem xét lời khuyên của Seneca dành cho Marcia, một người đàn bà, ba năm sau cái chết của con trai mình, vẫn đau khổ như cái ngày cô chôn cất thằng bé. Thay vì dành những ngày tháng của mình để suy nghĩ một cách cay đắng về niềm hạnh phúc mà cô đã bị tước đoạt bởi cái chết của con trai, Seneca nói rằng cô nên nghĩ về việc ngày hôm nay sẽ còn tồi tệ đến nhường nào nếu cô chưa từng được tận hưởng niềm vui bên thằng bé. Nói theo cách khác, thay vì khóc than vì cuộc đời thằng bé đã kết thúc, cô nên cảm thấy biết ơn vì thằng bé đã từng hiện hữu trên đời.
Đây là điều mà ta có thể gọi là sự tưởng tượng tiêu cực hồi cứu. Thông thường, khi tưởng tượng tiêu cực về tương lai, ta tưởng tượng về việc mất đi một điều gì đó mà ta đang sở hữu; trong tưởng tượng tiêu cực hồi cứu, ta hình dung về việc chưa từng có được thứ mà ta đã mất. Bằng việc thực hiện tưởng tượng tiêu cực hồi cứu, Seneca cho rằng, ta có thể thay thế cảm giác hối tiếc của ta về việc mất đi một điều gì đó bằng cảm giác biết ơn vì đã từng có được nó.
Trong lời an ủi dành cho Polybius, Seneca đưa ra lời khuyên về cách vượt qua bất kỳ nỗi đau khổ nào mà ta phải trải qua. Ông cho rằng, lý trí là thứ vũ khí tốt nhất mà chúng ta dùng để chống lại đau khổ bởi vì “trừ phi lý trí ngăn lại nước mắt, vận may sẽ không làm vậy”. Tổng quát hơn, Seneca cho rằng mặc dù lý trí có thể sẽ không tiêu diệt hoàn toàn đau khổ, nó vẫn có sức mạnh để loại bỏ khỏi đó “bất cứ thứ gì dư thừa và không cần thiết”.
Seneca sau đó bắt đầu sử dụng sự thuyết phục lý lẽ để chữa trị cho Polyious khỏi nỗi đau buồn quá mức của mình. Ví dụ, ông sẽ tranh luận rằng liệu người anh trai đã qua đời khiến Polybius cảm thấy đau khổ có muốn Polybius phải chịu dằn vặt vì nước mắt hay không. Nếu như ông ta muốn Polybius phải đau khổ, vậy thì ông ta không hề xứng đáng với nước mắt của anh, vì thế mà Polybius nên dừng khóc đi thôi; nếu như ông ta không muốn Polybius phải đau khổ, vậy thì bổn phận của Polybius, nếu yêu thương và tôn trọng anh trai mình, là phải ngừng khóc. Trong một lần khác, Seneca chỉ ra rằng người anh trai của Polybius, bởi vì ông ta đã chết, không còn khả năng đau buồn nữa và rằng đó là một điều tốt; vì thế việc Polybius cứ tiếp tục đau khổ quả là điên rồ.
Một hành động an ủi khác của Seneca được thực hiện với Helvia, mẹ của Seneca. Trong khi Polybius đau đớn vì cái chết của người thân, Helvia lại đau khổ trước việc Seneca bị lưu đày. Trong lời khuyên của mình dành cho Helvia, Seneca đã đưa ra những lời lẽ mà ông từng nói với Polybius - rằng cái con người đã qua đời khiến Polybius đau khổ ấy sẽ không muốn anh ta phải đau khổ - ở một bước xa hơn: Bởi vì hoàn cảnh của Seneca khiến Helvia đau buồn, ông cho rằng khi mà bản thân ông, một người Khắc kỷ, không đau khổ về tình thế của mình, thì Helvia cũng không nên như vậy.
Trong một số trường hợp, những lời kêu gọi lý trí như vậy chắc chắn sẽ làm giảm, dù chỉ trong một thời gian, nỗi muộn phiền mà một người đang phải chịu đựng. Mặc dù vậy, trong trường hợp của nỗi đau khổ tột cùng, lời kêu gọi này có thể sẽ không hiệu quả vì một lý do đơn giản là cảm xúc đau đớn sẽ lấn át đầu óc của người đó. Nhưng ngay cả trong những trường hợp như vậy, nỗ lực của chúng ta để lập luận với anh ta vẫn có thể hữu ích. Nếu những nỗ lực như thế có thể khiến anh ta hiểu ra được tâm trí của mình đã chịu khuất phục trước cảm xúc đến mức nào thì điều đó sẽ khích lệ anh ta thực hiện các bước để khôi phục năng lực trí tuệ của mình.
Epictetus cũng đưa ra lời khuyên về việc kiểm soát đau khổ. Ông khuyên chúng ta, một cách cụ thể, hãy cẩn thận đừng để “nhiễm phải” nỗi đau của người khác. Ví dụ, giả như ta gặp một người phụ nữ đang đau buồn. Ta nên, như Epictetus nói, thông cảm với cô ấy và thậm chí là có thể cùng than khóc với cô ấy bằng những nỗi đau của mình. Nhưng khi làm vậy, ta nên cẩn thận để không “khóc trong lòng”. Nói cách khác, ta nên bày tỏ những dấu hiệu của đau buồn mà không cho phép mình phải nếm trải đau khổ.
Một số người sẽ khó chịu với lời khuyên này. Khi những người khác đau khổ, họ sẽ gây ảnh hưởng đến ta, chúng ta không nên chỉ giả vờ như thể ta đồng cảm với họ; ta nên thực sự cảm nhận mất mát của họ và thực sự cảm thấy buồn. Epictetus có thể sẽ đáp lại sự chỉ trích này bằng cách chỉ ra rằng lời khuyên về việc ta nên phản ứng trước nỗi đau của người bạn bằng cách tự mình đau khổ cũng ngớ ngẩn chẳng kém lời khuyên cứu một người bị đầu độc bằng cách tự đầu độc mình, hay giúp đỡ một người bị cúm bằng cách cố tình để mình bị lây cúm của anh ta. Đau khổ là một cảm xúc tiêu cực và do đó ta nên tránh xa nó hết mức có thể. Nếu một người bạn đang đau khổ, mục tiêu của chúng ta nên là giúp cô ấy vượt qua nỗi đau đó (hay đúng hơn, nếu ta nội tại hóa đúng mục tiêu của mình, nó nên là cố gắng hết sức để giúp cô ấy vượt qua nỗi đau của cô ấy). Nếu ta có thể thực hiện điều này bằng sự khóc than giả tạo, vậy thì ta hãy cứ làm như vậy. Vì nếu ta “nhiễm phải” nỗi đau của cô ấy, thì rốt cuộc, ta chẳng những không giúp được cho cô ấy mà còn tự làm đau mình nữa.
Ở đây một số độc giả sẽ hoài nghi trước sự thông thái và hiệu quả của các kỹ thuật Khắc kỷ trong việc đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà các chuyên gia sức khỏe và những người không chuyên cùng có một quan điểm đồng thuận về sức khỏe tinh thần của chúng ta. Đó là chúng ta phải nắm bắt cảm xúc của chính mình, chia sẻ chúng với người khác, trút chúng ra mà không nên kìm nén lại. Các nhà Khắc kỷ, mặt khác, cho rằng ta đôi khi nên giả vờ với những cảm xúc và rằng ta đôi khi nên thực hiện các bước để dập tắt những cảm xúc chân thật mà ta nhận thấy trong mình. Một số người vì thế có thể kết luận rằng sẽ thật nguy hiểm khi nghe theo lời khuyên về cảm xúc của các nhà Khắc kỷ, và bởi vì một lời khuyên như vậy nằm ở trung tâm của chủ nghĩa Khắc kỷ, họ có thể sẽ phản đối việc xem chủ nghĩa Khắc kỷ như là một triết lý sống.
Hãy yên tâm rằng trong chương 19 tôi sẽ đáp lại ý kiến phê bình này về chủ nghĩa Khắc kỷ. Tôi sẽ làm như vậy, trước sự ngạc nhiên của một số người, bằng cách đặt câu hỏi về quan điểm đồng thuận về việc ta nên làm gì để duy trì sức khỏe tinh thần của mình. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số cá nhân - những người trải qua nỗi đau khổ tột cùng, ví dụ là vậy - có thể được hưởng lợi từ việc tư vấn tâm lý. Mặc dù vậy, tôi cũng cho rằng nhiều người có thể có được tinh thần khỏe mạnh mà không cần phải dùng tới sự tư vấn ấy. Cụ thể, tôi nghĩ rằng việc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ có thể giúp ta tránh được nhiều cuộc khủng hoảng cảm xúc làm con người đau khổ. Tôi cũng cho rằng nếu ta thấy mình rơi vào cảm xúc tiêu cực, việc tuân theo lời khuyên của nhà Khắc kỷ, trong nhiều trường hợp, sẽ cho phép ta tự mình vượt qua cảm xúc đó.