Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - Phong Cách Sống Bản Lĩnh Và Bình Thản - Chương 18
Trở thành người Khắc kỷ
Bắt đầu ngay bây giờ và
chuẩn bị tinh thần bị chế nhạo
Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ chẳng dễ chút nào. Chẳng hạn, bạn sẽ phải nỗ lực để tập tưởng tượng tiêu cực, và tập sống khổ hạnh thì còn đòi hỏi nhiều cố gắng lớn hơn nữa. Để từ bỏ các mục tiêu, chúng ta sẽ cần cả nỗ lực và sức mạnh ý chí, ví dụ như từ bỏ mục tiêu danh vọng và tài sản, và thay thế chúng bằng một mục tiêu mới, cụ thể là đạt được sự bình thản.
Một số người khi nghe nói rằng họ cần phải nỗ lực để thực hành một thứ triết lý sống sẽ ngay lập tức gạt phăng ý tưởng này. Các triết gia Khắc kỷ sẽ đáp lại sự khước từ này bằng cách chỉ ra rằng mặc dầu con người ta cần phải cố gắng để thực hành Khắc kỷ, nhưng việc không thực hành nó thậm chí sẽ còn tiêu tốn nhiều nỗ lực hơn. Về phương diện này, Musonius nhận xét rằng, thời gian và năng lượng con người dành cho những cuộc tình vụng trộm vượt xa thời gian và sức lực mà họ sẽ phải mất, khi thực hành Khắc kỷ, để phát triển khả năng kiểm soát bản thân nhằm tránh vướng vào những cuộc tình bất chính đó. Musonius tiếp tục đề nghị rằng chúng ta sẽ sống tốt hơn nếu, thay vì làm việc vất vả để được giàu có, chúng ta rèn cho bản thân trở nên thỏa mãn với những gì mình đã có; nếu, thay vì tìm kiếm danh vọng, chúng ta chế ngự được cái ham muốn được thiên hạ nể phục; nếu, thay vì dành thời gian ủ mưu làm hại người mà ta ganh tỵ, chúng ta dành thời gian đó để vượt qua cảm giác ghen tỵ của mình; và nếu, thay vì cố gắng để trở thành người nổi tiếng, chúng ta cố gắng để duy trì và cải thiện các mối quan hệ của mình với những người bạn chân tình của ta.
Nhìn chung, có một triết lý sống, dù là triết lý Khắc kỷ hay những triết lý khác, có thể đơn giản hóa đáng kể cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn đã có một triết lý sống thì việc đưa ra quyết định sẽ tương đối đơn giản: Khi cân nhắc giữa các tùy chọn mà cuộc sống mang đến, bạn đơn giản sẽ chọn một thứ (phù hợp nhất) có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu được đề ra bởi triết lý sống của bạn. Khi thiếu một triết lý sống, thì ngay cả những lựa chọn tương đối đơn giản cũng có thể trở thành cuộc khủng hoảng ý nghĩa cuộc sống. Suy cho cùng, bạn khó mà biết nên chọn cái gì khi thực sự không chắc chắn về điều mình muốn.
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất để có một triết lý sống là nếu ta thiếu nó, ta có nguy cơ sẽ sống lỗi - rằng chúng ta sẽ bỏ cả cuộc đời mình chạy theo những mục tiêu phù phiếm hoặc sẽ theo đuổi những mục tiêu đáng giá nhưng theo cách dại dột và vì thế không đạt được chúng.
Những ai muốn trở thành người Khắc kỷ thì nên làm điều này một cách âm thầm. Lý do là những người nghe nói bạn “biến thành” người Khắc kỷ có khả năng sẽ chế giễu bạn. Bạn có thể tránh được phiền hà này bằng cách không gây sự chú ý và thực hành cái gọi là chủ nghĩa Khắc kỷ kín đáo. Bạn nên lấy Socrates làm hình mẫu, ông sống một cách tầm thường đến nỗi mọi người sẽ tìm đến chỗ ông ấy mà không nhận ra bản thân ông ấy là một triết gia, và hỏi ông ấy có thể giới thiệu cho họ một vài triết gia hay không. Epictetus nhắc chúng ta, Socrates đã “chịu đựng việc bị coi thường”, và những ai đang thực hành Khắc kỷ cũng nên làm như thế.
Tại sao mọi người hành xử như vậy? Tại sao họ chế nhạo những người có triết lý sống? Một phần vì việc có được một triết lý sống, dù đó là chủ nghĩa Khắc kỷ hay những trường phái triết học khác, một người đang chứng tỏ rằng anh ta có những giá trị khác biệt với họ. Bởi vậy, họ có thể suy ra rằng anh ta nghĩ giá trị của họ là sai lầm, đây là điều chẳng ai muốn nghe. Hơn nữa, bằng cách làm theo một triết lý sống, quả thật anh ta đang thách thức họ làm một việc mà có lẽ họ không muốn làm: suy ngẫm về cuộc đời họ và cách họ đang sống. Nếu những người này có thể làm anh ta cải đạo để từ bỏ triết lý sống của anh ta, thì ta ngầm hiểu là khi đó thách thức kia sẽ biến mất, và do vậy họ sẽ bắt đầu chế giễu anh ta nhằm cố gắng làm anh ta quay trở lại với đám đông không biết suy nghĩ.
Chúng ta sẽ đạt được phần thưởng gì khi thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ? Theo các nhà Khắc kỷ, chúng ta có thể hy vọng trở nên đức hạnh hơn, theo ý nghĩa cổ của từ này. Chúng ta cũng ít trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực, ví dụ như tức giận, đau buồn, thất vọng và lo lắng, nhờ thế mà ta sẽ tận hưởng được một mức độ bình thản nào đó mà trước kia ta chưa từng có được. Cùng với việc tránh được cảm xúc tiêu cực, chúng ta sẽ làm tăng cơ hội trải nghiệm một cảm xúc tích cực vô cùng quan trọng: hân hoan với thế giới chung quanh ta.
Đối với phần lớn mọi người, họ cần hoàn cảnh sống của mình thay đổi thì mới hân hoan được; chẳng hạn, họ cần phải mua được thiết bị điện tử mới. Ngược lại, các nhà Khắc kỷ có thể hân hoan mà chẳng cần cuộc đời thay đổi; bởi đã thực hành bài tưởng tượng tiêu cực, họ sẽ biết ơn sâu sắc, quý trọng vô cùng những gì họ đã có. Thêm nữa, đối với đa số mọi người, niềm vui mà họ trải nghiệm phần nào đó sẽ bị che mờ bởi nỗi sợ rằng họ sẽ đánh mất nguồn vui của mình. Còn các nhà Khắc kỷ thì đã có một chiến lược ba phần để hạn chế nổi sợ này đến mức tối thiểu hoặc tránh được nó hoàn toàn.
Đầu tiên, họ sẽ cố hết sức để tận hưởng những thứ không ai có thể tước đoạt của họ, đáng chú ý nhất là cá tính của họ. Về vấn đề này, ta hãy xem lời bình luận của Marcus rằng nếu chúng ta trở thành nạn nhân của một thảm họa, chúng ta vẫn có thể mừng vui trước sự thực rằng nó không thể làm ta cay đắng, nhờ có tính cách mà ta đang sở hữu.
Vả lại, khi họ tận hưởng những thứ mà một ngày nào đó có thể bị lấy đi - các nhà Khắc kỷ, như ta đã thấy, không chống lại điều này - họ đồng thời sẽ chuẩn bị cho sự ra đi của những điều đó. Cụ thể theo các nhà Khắc kỷ, như một phần của việc thực hành tưởng tượng tiêu cực của chúng ta, chúng ta cần ghi nhớ rằng, bất cứ thứ gì mà ta đang hưởng thụ chỉ là một điều ngẫu nhiên may mắn, rằng thú vui của chúng ta về thứ gì đó có thể kết thúc đột ngột, và chúng ta có thể không bao giờ còn cơ hội tận hưởng lại điều đó nữa. Nói cách khác, chúng ta cần học cách tận hưởng mọi thứ mà không có cảm giác mình đáng được hưởng chúng và không bám chấp vào chúng.
Cuối cùng, các nhà Khắc kỷ thận trọng tránh trở thành “người sành sỏi” theo nghĩa xấu nhất của từ này - tức là trở thành những người không thể tận hưởng được bất cứ thứ gì khác ngoại trừ những thứ “tốt nhất, cao cấp nhất”. Kết cục là, họ sẽ có khả năng thưởng thức những điều dễ dàng có được. Họ sẽ luôn ghi nhớ lời nhận xét của Seneca rằng mặc dầu “để có được bất cứ điều gì anh muốn không lệ thuộc vào quyền năng của bất kỳ ai”, việc “không mong ước những gì mình không có, mà vui vẻ tận dụng những gì đến với mình” là nằm trong khả năng của mỗi người. Vì thế, nếu cuộc đời lấy đi một nguồn vui của họ, người Khắc kỷ sẽ nhanh chóng tìm thấy một nguồn vui khác thay thế: Niềm vui Khắc kỷ không giống như niềm vui của người sành sỏi, mà có thể chuyển đổi. Theo chiều hướng này, hãy nhớ là khi Seneca và Musonius bị đày ra đảo, thay vì để bản thân rơi vào tuyệt vọng trầm cảm, họ bắt tay vào nghiên cứu môi trường sống mới của mình.
Bởi vì họ học được cách thưởng thức những thứ dễ dàng đạt được hoặc những thứ không ai có thể lấy đi của họ, các nhà Khắc kỷ sẽ thấy cuộc đời có nhiều thứ để vui hưởng. Kết quả là họ có thể khám phá ra họ thích thú với con người mà họ đang là, sống cuộc đời họ đang sống, trong vũ trụ mà họ đang cư ngụ. Tôi xin nói thêm rằng, đây không phải là một thành tựu tầm thường chút nào.
Người Khắc kỷ cũng nhận thấy bên cạnh việc tận hưởng mọi thứ trong cuộc đời, họ cũng biết tri ân vì mình vẫn còn sống; nói cách khác là bản thân niềm vui. Nhà hiền triết Khắc kỷ rõ ràng có thể trải nghiệm niềm vui này mọi lúc mọi nơi. Với những ai thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ mà chưa hoàn hảo thì sẽ không thể trải nghiệm được kiểu niềm vui này; thay vào đó, niềm vui mà chúng ta trải nghiệm, nói một cách dễ hiểu, là có tính gián đoạn, không liên tục. Song nó vẫn sẽ lớn hơn rất nhiều so với niềm vui mà ta từng trải qua trước đây - một lần nữa, thành quả không hề tầm thường chút nào.
Khi nào chúng ta nên bắt đầu thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ? Epictetus cho rằng tốt nhất là nên bắt đầu ngay và luôn. Ông nói, chúng ta không còn là con nít nữa, nhưng ta cứ hay lần lữa. Cứ tiếp tục như vậy rồi một ngày nào đó chúng ta sẽ nhận ra mình đã già mà vẫn chưa có được một triết lý sống - và kết quả là chúng ta lãng phí cuộc đời mình. Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ, ông nói thêm, giống như rèn luyện cho kỳ thi Olympics nhưng với một điểm khác biệt quan trọng: Trong khi các cuộc thi Olympic mà chúng ta tập luyện sẽ được tổ chức vào một ngày nào đó trong tương lai, thì cuộc thi mà cuộc đời của chúng ta tổ chức đã bắt đầu rồi đó. Vì vậy, thời gian của chúng ta rất quý giá, không thể trì hoãn việc luyện tập được đâu; chúng ta phải bắt đầu ngay hôm nay.
CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ
TRONG CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI