Chuyến hành hương của thời gian - Chương 04

Chương 4.

Gió vùng núi se se lạnh, xào xạc lao xao, thơm nồng mùi cỏ cây, hoa lá, mùi trà xanh mơn mởn những búp non. Và còn, thum thủm mùi phân bón…

Tôi thiệt muốn chửi đổng vài câu.

Đám rau bắp cải ở bên kia đường, chiều qua vừa mới được bón phân ủ hoai, nửa đêm, trời lại đổ mưa nặng hạt. Sớm nay, nắng hửng, mùi thối theo hơi nước liền bốc lên, theo gió tỏa khắp vùng.

Tôi đặt chậu quần áo mới giặt dưới dây phơi. Dù vừa bưng nặng xong, cũng chỉ dám khe khẽ thở, sợ rằng nếu há miệng hớp vào một hơi, sẽ ói ra cả mật xanh mật vàng.

Ấy vậy mà, cậu ấm Khả Bôn vẫn có thể nằm hít thở cái mùi hôi nồng nặc đó, ngủ nướng đến giờ này chưa dậy.

Anh ta dù tốt, nhưng không phải cái gì cũng tốt. Một là lâu lâu chọc ghẹo khiến tôi phát bực. Hai là ngủ quá nhiều. Quan trọng nhất, cái thứ ba là không bao giờ chịu tự tay giặt đồ.

Dăm bữa nửa tháng, Bôn sẽ mang về một giỏ đồ bẩn từ cơ quan. Quần áo bên trong, thứ dính bùn đất, thứ dính máu, có lúc còn dính những thứ dơ bẩn không xác định được. Trước đây, Trúc Linh còn chưa học nhiều, lần nào đống quần áo đó cũng là do nó giặt. Bây giờ đến lượt tôi.

Tối qua, lúc tôi đang cặm cụi đúc bánh xèo thì Bôn lại xách cái giỏ đó về, vẻ mặt hồ hởi, vui vẻ nói:

- Dô dô, hàng về.

Tôi bốc một ít giá cho vào cái chảo đang chứa thứ chất lỏng màu vàng nghệ, sau đó không tình nguyện nhìn anh ta một cái. Làm như mang kẹo về cho tôi không bằng!

- Làm cho anh bánh không rau nha.

Bôn dặn, rồi nói tiếp:

- À, cái áo này, bẩn chỗ này… Còn cái này, chỗ này… Cái quần này, bị rách đầu gối rồi…

Vừa nói, Bôn vừa rút ra từng cái đồ trong giỏ, huyên thuyên về các vệt bẩn bị dính trên đó.

Tôi bị anh ta làm phân tâm, bánh cháy xém đi một ít. Lúc đó, tôi không nhịn được mới nói:

- Anh bỏ đồ vô giỏ lại đi, rồi để trong góc phòng tắm ấy, sáng mai em giặt.

- Hê hê. Cảm ơn em. Mắc cỡ quá!

Nói rồi, Bôn quay người, bước chân sáo mà đi, miệng lảm nhảm về tỉ số trận bóng nào đó vừa nghe được trên tivi.

***

Lúc tôi phơi đến cái áo blue cuối cùng thì thấy từ bên kia hàng rào cây dâm bụt lấp ló bóng người, còn chưa kịp nhận ra là ai đã nghe người này lên tiếng:

- Kỳ Như phơi đồ hả con?

- Dạ. Chào bác Phúc.

- Ờ, ờ. Dượng con có bên nhà không?

- Dạ có. Dượng đang uống trà ngoài sân.

Tôi vừa nói xong, vị lão thành cách mạng có mái tóc hoa râm liền khoát tay vài cái, sau đó quay người bước đi, có vẻ như sẽ sang nhà tìm dượng.

Y như rằng, tôi vào nhà chưa đầy ít phút đã nghe tiếng hai người đàn ông lớn tuổi hào sảng chào nhau. Lại thêm vài phút nữa, dượng bỗng từ dưới sân gọi lớn tên tôi:

- Như ơi… Như ơi!

Tôi vội chạy ra, từ trên hàng lan can gỗ nhìn với xuống cái bàn đá đặt dưới cây bông giấy.

- Dạ?

- Xuống dượng bảo.

Tôi cào cào mái tóc thưa, mang một bụng khó hiểu từ trên nhà đi xuống.

Bác Phúc trông thấy tôi đến gần liền đứng dậy, tay bắt mặt mừng như thể bà con thân quen lâu ngày chưa gặp. Sau đó, bác khoát tôi ngồi xuống bên cạnh, rót cho tôi một chén trà. Bộ dạng như tôi là khách đến từ xa, còn bác là chủ nhà hiếu khách.

- E hèm… À thì, hôm nay bác có cái vấn đề này muốn nói với con. Chẳng là bác ra viện lâu rồi, cũng may nhờ có con với thằng Bôn. À mà Bôn có nhà không chú nhỉ?

Vừa nói, bác Phúc vừa quay sang hỏi dượng đang ngồi đối diện, ánh mắt mong chờ.

Dượng tôi khoan thai uống một hớp nước trà rồi mới trả lời:

- Hôm nay cuối tuần, nó còn ngủ trên phòng ấy.

Bác Phúc lộ vẻ mặt vui vẻ, nói:

- A! Thế à. May mà nhờ hai đứa nó, không thì giờ chắc tôi đi rồi chú ạ.

Lại quay qua nhìn tôi, tiếp lời:

- Chuyện là bác có bàn với bác gái, trưa nấu mâm cơm mời nhà mình sang ăn, gọi là có lời cảm ơn. Bác đã có nói với dượng con rồi, dượng con thì vui vẻ nhận lời rồi, còn hai đứa thôi.

Tôi vốn đang không tự nhiên, nghe tới đây càng lúc càng hóa sượng. Bỗng dưng, ơn nghĩa từ nhà bên rớt sang, không biết đối đáp thế nào. Đương nhiên là không muốn đồng ý. Ăn cơm với người lớn rất mệt, rất không tự nhiên, bác Phúc lại còn là bộ đội đã về hưu, từng câu từng chữ đều… chính là không biết diễn tả thế nào.

Tôi nghệt mặt ra, cười cười.

Bác Phúc nhịn không được mới nói:

- Cũng chả có gì nhiều, chút cơm rau canh cặn, con đừng có ngại. Trưa trưa nhà mình phải sang đấy, bác mong.

Dượng thấy tôi ậm ờ, liền ra hiệu một cái bằng mắt, ý bảo tôi đồng ý. Tôi giả đui không thấy, tiếp tục cười ngu. Lần này dượng đích thân thay tôi nói:

- Bác cứ yên tâm, trưa nay tôi với chúng nó sang, không khách sáo gì cả, bà con chòm xóm bao lâu rồi còn gì.

Bác Phúc lúc này mới để tôi đi.

Tôi nhìn trời xanh cao vời vợi, mây trắng tách thành từng bông nhỏ lãng đãng trôi. Khẽ thở dài một cái. Có nhiều chuyện trong đời, dù đơn giản, không thể cho là phiền phức, nhưng lại khiến tôi nhọc lòng.

Khi mặt trời đứng bóng, hướng dương xòe nở hoa, sương đầu ngọn cỏ bể tan tành, Khả Bôn mới dậy.

Vì ngủ nhiều, mắt Bôn trở nên sưng húp, đầu tóc rối bù như tổ quạ, còn vừa đi, vừa ngáp, vừa gãi, trông không khác gì tên nghiện. Nếu như, một cô gái nào đó đang đem lòng tương tư một Khả Bôn chỉnh chu, gọn gàng ngày thường, giờ mà thấy cái tên nhếch nhác đang trước mặt tôi, hẳn sẽ mang yêu thương vứt sạch.

Thấy tôi đang ngồi chơi ghép hình bên bàn ăn, anh ta đến gần, đưa bàn tay lớn quét qua một lượt, phá tung bức tranh tôi ghép đã được hơn một nửa, lại đi đến bếp giở lồng bàn nhìn ngó, tiếp tục đến mở cửa tủ lạnh, lấy chai nước hạt é đã pha sẵn, sau mới đến ngồi đối diện tôi.

Tôi mặc anh ta làm trò, kiên nhẫn mò từng mảnh nhỏ ghép lại từ đầu.

Bôn tu ừng ực chai nước xong, chống cằm hỏi tôi:

- Bố đâu?

- Dượng sang bác Phúc rồi.

- Dạo này bố cũng siêng đi tán phét ghê.

Tôi thở dài, ngẩng đầu nhìn Bôn, bất đắc dĩ truyền đạt lại:

- Bác Phúc bảo trưa nay mời cơm. Nói là muốn cảm ơn chuyện hôm bữa giúp bác đi cấp cứu.

- What?

Tôi nhún vai, đứng dậy. Vừa thu dọn vừa hỏi:

- Em định đi bây giờ. Anh muốn đi sau, hay muốn em đợi?

- Đợi đợi. Đi một mình mắc cỡ lắm!

Người nói hai tiếng “mắc cỡ”, năm nay đã rất gần tuổi ba mươi.

***

Trong một buổi sáng, lần thứ ba tôi thở dài.

Bác Phúc vẫn chưa dừng diễn văn kể từ lúc tôi và Bôn ngồi vào bàn ăn. Không biết đó là do thói quen của bác từ khi còn làm lãnh đạo, hay là do chuyện này quan trọng đến mức nhất định phải nhắc lại nhiều lần.

Rút cuộc, chính bác gái là người không chịu được mới ngăn bác ấy lại:

- Thôi thôi, anh trao đổi vậy là ai cũng hiểu rồi, bây giờ ăn nhanh chứ cơm canh nguội mất.

Lúc này bác Phúc mới cười hì hì, mời mọi người ăn.

Trong mâm cơm, ngoài dượng, tôi, Bôn và vợ chồng bác Phúc, còn có hai ba người hàng xóm khác. Mấy người cùng dùng bữa, nói dông nói dài, lại nói qua một vấn đề mà tôi nghĩ mãi cũng không hiểu tại sao lại xuất hiện.

Một bác nói:

- Bôn với bé Như giỏi giang, còn tốt như thế, anh Phúc có lính bộ đội nào tốt tốt thì giới thiệu cho mỗi đứa một người.

Bác khác nói:

- Ừ, tuổi này phải yêu đương mà lập gia đình chứ.

Bác Phúc vỗ bàn nói:

- Có, có! Bôn thì hơi khó kiếm đấy, còn bé Như muốn hay không thôi chứ bác dù nghỉ hưu rồi nhưng mà muốn kiếm anh bộ đội tốt thì dễ như trở bàn tay.

Tôi không tỏ thái độ gì, chỉ cười qua loa. May mà có Khả Bôn vì ham ngủ nên không hưởng ứng, anh ta ăn no căng da bụng, chùng da mắt, liền đứng lên xin phép về, còn không quên kéo tôi cùng về chung.

Trước khi đi, tôi bị bác Phúc đòi lấy số điện thoại để làm mai. Dù không muốn, nhưng dưới ánh mắt chỉ thị của dượng, tôi đành đưa số. Có điều trong lòng cũng không mấy để tâm, cho rằng bác Phúc chỉ nhất thời cao hứng nhiệt tình.

***

Mùa mưa mỗi năm hình như đều tự cho mình một quãng nhỏ nghỉ ngơi. Giữa những cơn bão liên tiếp gần kề, sẽ có những ngày trời ráo hoảnh, đẹp như một bức tranh họa bằng màu nước. Đó cũng chính là lúc kì thi đại học bắt đầu.

Trúc Linh trải qua thời gian dài dùi mài sách vở, cuối cùng cũng bước vào những ngày thử thách quan trọng nhất thời niên thiếu.

Cách hôm thi hai ngày, tôi lên phố, đi vòng tới vòng lui, đặt thuê một phòng khách sạn gần điểm thi cho Linh và bạn ở mấy ngày.

Trước khi về, tôi ghé vào một nhà sách lớn, mua thêm hai bộ xếp hình, mua cho em gái vài cây viết lấy may, mua cho dượng bộ cờ tướng mới, rồi đắn đo mãi, mới quyết định mua cho Bôn một cái Fidget Spiner kiểu mới.

Lúc tôi đang tính tiền, điện thoại bỗng rung chuông, phát ra bản nhạc của Hoa Thần Vũ tôi thường hay nghe nhất – Con đường bình phàm.

Là Bôn gọi tới.

- A-lô.

- Anh xong việc rồi. Bây giờ em đang ở đâu?

- Nhà sách trung tâm. Chuẩn bị về.

- Em đặt khách sạn rồi hả?

- Vâng. Đặt rồi.

- Vậy thì đứng đó đợi anh qua đó về chung.

- Không…

Lời còn chưa nói xong Bôn đã dập máy, dường như là muốn nhanh chóng qua đây.

Tôi nhìn đường xá tấp nập người xe. Lúc này, chiều đã phai hoàn toàn màu nắng, phố đương lúc lên đèn. Cách một lớp kính mỏng, không gian thanh nhã trong nhà sách so với thế giới ngoài kia, thực sự khiến tôi dễ chịu. Cho nên tôi quyết định gởi lại đồ vô tủ , di chuyển lên quầy sách bên trên.

Có một quyển sách tôi vô cùng thích, là Toto Chan bên cửa sổ. Dù đã đọc nhiều lần, dù đã mua về để gối đầu giường, nhưng mỗi lần vào một nhà sách nào đó, tôi đều lần mò xem nó có trong nhà sách đó hay không, sau đó đọc lấy vài trang.

Tôi nhanh chóng đến vị trí quen thuộc, cầm lấy quyển sách màu cam có hình cô bé nhỏ, nét vẽ bằng tay, giở một trang bất kì, đọc nghiền ngẫm như thể mới lần đầu.

Khi nhạc trong nhà sách đổi sang bản nhạc không lời khác, tôi buông sách, đi dạo một vòng. Đi đến quầy văn học kế bên, lướt qua mắt tôi là sách mới của bác sĩ Tần Minh trong bộ truyện Pháp y Tần Minh nổi tiếng.

Không lâu về trước, tôi nhớ có một lần, chính tại nơi này, trông thấy một người con trai mặc áo sơ mi trắng, ngồi bệt dưới đất, đầu cúi gầm, chăm chú đọc một cuốn sách trong bộ truyện trên. Đối với người đó, hình như cả thế giới xung quanh anh ta đang hoàn toàn bất động, yên tĩnh vô cùng. Chỉ có đôi mi lâu lâu lay động, và những ngón tay trắng dài vuốt ve từng trang sách. Lần đó, nếu không phải do Trúc Linh đến gọi, có lẽ anh ta quyết đọc cho bằng hết mới rời đi.

Sau nhiều phút chần chừ, tôi cuối cùng quyết định mua trọn bộ ba quyển. Dù gì cũng sắp đến sinh nhật anh ta, mua trước rồi đến ngày đó tặng.

Tôi ra khỏi nhà sách, chỉ đứng đợi một lát thì Bôn đến. Ngay lúc anh ta vừa tấp xe vào lề, thì ngay trước mắt chúng tôi xảy ra tai nạn.

Một người phụ nữ chở theo con gái, từ trước cửa nhà sách đi xuống lòng đường, do quan sát không cẩn thận, chị ta lao xuống đụng trúng người đang ông đang đi bên phải đường.

Tôi vừa bước ra đứng cạnh Bôn, chớp mắt liền nghe đùng một tiếng. Bôn dựng xe, cùng tôi chạy lại.

Hai cái xe máy đổ trên đường, người trên xe đều ngã sõng xoài ra cả. Người đàn ông có vẻ không sao, nhanh chóng đứng lên, dựng xe quan sát. Đứa bé sau xe người phụ nữ cũng vậy, dễ dàng chống người dậy, ánh mắt hốt hoảng tột cùng. Chỉ có người phụ nữ dường như không ổn, chị ta bị xe đè phải một chân, chân còn lại không biết bị mắc chỗ nào mà gập lại. người nửa ngồi nửa nằm, khuôn mắt đầy vẻ đau đớn.

Cả tôi và Bôn đều biết, chị ta đang rất không ổn. Phần từ hông xuống dưới, chắc chắc có vấn đề.

Tôi ở phía sau đỡ lưng người phụ nữ, Bôn cùng vài người đi đường khác cẩn thận kéo cái xe lớn ra. Người - xe tách khỏi, chị ta dường như buông bỏ mọi chống đỡ, ngã ngữa dựa vào lòng tôi.

Bôn dựng xong xe, liền quay sang hỏi:

- Có sao không?

Tôi nhìn người phụ nữ một lượt, nhìn xuống dưới lưng thì thấy toàn là máu. Máu thấm qua chiếc váy dài màu xanh, dính xuống cả đường. Tôi chau mày, lo lắng nói:

- Chảy máu bên dưới, không biết bị…

Tôi đang nói, bỗng dưng bị giọng người đàn ông trong vụ tai nạn át mất:

- Cô đi cái kiểu này chết con người ta rồi. Đi ngoài đường mà không nhìn ngó gì thế. Giờ tính sao đây?

Nói rồi, người nọ xòe bàn tay trầy xước của mình ra cho đám người vây quanh xem, rồi lại xem xét cái xe máy bị bể mất một phần yếm đằng trước.

Trong khi đó, tôi và Bôn tiếp tục thăm khám người phụ nữ. Chúng tôi không dám di chuyển chị ta, chỉ có thể nhẹ nhàng nhấc hờ người để quan sát.

- Có lẽ xương chậu có vấn đề rồi. Chưa biết nặng nhẹ thế nào. Chị ráng chịu đau một ít, tụi em sẽ đỡ chị nằm xuống.

- Làm ơn gọi cấp cứu dùm tôi!

Bôn đồng thời nói với người phụ nữ bị thương và một người tốt bụng đang ôm đứa bé. Sau đó, anh ta cùng tôi cẩn thận đỡ người phụ nữ nằm xuống, tiếp đến cởi áo khoác ngoài của mình, quấn thành cái gối nhỏ đặt dưới phần gối chị ta. Rồi lại không nói không rằng, vòng tay qua đầu tôi, lấy đi cái khăn tôi đang đeo trên cổ, xếp lại, đặt dưới cổ người phụ nữ.

- Ở đây không có gì để sơ cứu được. Bệnh viện rất gần, cố gắng giữ cơ thể bệnh nhân bất động là được.

Những lời này là Bôn nói với tôi. Tôi hiểu ý, gật đầu một cái, cố gắng giúp bệnh nhân bình tĩnh.

Người đàn ông kia mải quan sát, giờ mới nhớ ra ý nghĩ của mình, quát:

- Bệnh viện cái gì? Gọi cảnh sát giải quyết trước đi! Người đây, xe đây, ba mặt một lời. Đưa đi bệnh viện rồi, người ta đi hết ai làm chứng cho tôi, cuối cùng người bị nặng thì đúng, người bị nhẹ thì sai à?

Đứa bé – con của người phụ nữ nghe xong, không biết là vì hiểu chuyện hay vì sợ hãi mà òa khóc nức nở. Hiện trường tai nạn càng lúc càng lộn xộn.

Tôi vốn khó chịu với người này từ ban nãy. Cái thái độ từ đầu đến cuối chỉ sợ thiệt mình, thấy người ta bị như thế mà chỉ lo giữ của. Thiệt muốn đứng lên tát cho một cái.

Mà không cần đến lượt tôi bực bội, Bôn lúc này đã trở nên bức bối, đứng bật dậy, nắm chặt tay, lớn tiếng:

- Mẹ nó! Cảnh sát cái chân nhà anh ấy. Tôi là cảnh sát này. Anh muốn vừa mất xe vừa đền mạng đúng không?

Người kia nổi máu côn đồ, mắt đỏ au, giương nắm đấm, hậm hực xông tới:

- Mày nói cái gì! Mày nói cái gì! Mày tin bố đánh mày không!

- Anh đánh…

Tôi thấy sự tình không ổn, đành đưa tay níu lấy tay Bôn, lắc lắc vài cái, nhìn thẳng vào mắt anh ta, thầm mong anh ta bình tĩnh lại. Nếu thực sự đánh nhau chỗ này, sự việc sẽ càng mất kiểm soát.

Bôn từ cao nhìn xuống, nhìn thấy đôi mắt lo lắng của tôi bèn dịu lại. Lúc đó điều chỉnh cảm xúc, nói:

- Người ta bị thương rất nặng, anh không giúp được thì thôi, còn cản trở? Đều là việc không ai mong muốn cả, anh thương người ta một tí. Anh lo thì tôi làm chứng cho anh.

Nghe Bôn nói lý lẽ, lại thêm ở xung quanh mỗi người một câu, người kia mới thôi gây sự. Lấy danh thiếp của Bôn và địa chỉ của của người phụ nữ bị thương xong liền đi ngay, mang lương tâm của chính hắn, đặt dưới bàn chân, tự mình dẫm lên.

Rất may, xe cấp cứu không đi quá lâu, rút cuộc cũng đến. Đám đông tản ra, đoạn đường ách tắc rất nhanh được lưu thông. Lúc này, hơi thở của tôi mới có thể bình thường trở lại. Vừa rồi, mọi chuyện diễn ra vô cùng hỗn loạn làm tôi có chút chấn động.

Bôn thì không. Anh ta đã quen với những hiện trường như thế, thậm chí còn đông và căng thẳng hơn gấp nhiều lần. Ý chí có lẽ đã được luyện thành gang thép.

Lần đầu tiên tôi thấy Bôn mất bình tĩnh, là lúc bị dượng bắt gọi mẹ tôi là mẹ.

Lần thứ hai, là lúc thấy tôi cầm một đống thuốc ngủ trong tay.

Lần thứ ba, là chỉ mới vài khắc trước.

Từ khi trưởng thành, tính Bôn thay đổi nhiều hơn, dần trở nên điềm đạm, ôn hòa. Tuy trong công việc có phần nghiêm túc, lãnh đạm chút ít, nhưng đối với tôi, Bôn phần lớn nhìn vào tâm trạng tôi mà đối xử, tỏ ra rất dễ chịu. Bởi thế cho nên tôi vẫn không hiểu tại sao ban nãy, anh ta lại mất bình tĩnh đến vậy.

Tôi nhìn Bôn nhét áo khoác và khăn choàng đã vấy bẩn vào cốp xe, toan đến dắt xe mình để đi về. Nào ngờ chân chưa nhấc, Bôn đã đến đứng ngay trước mặt, xòe tay, nói:

- Đưa chìa khóa cho anh!

- Làm gì?

- Mang gởi xe em ở chợ. Anh chở em về. Mai anh đi ô tô đi làm, rồi lấy về sau.

Tôi không từ chối, từ túi vải lấy ra chiếc chìa khóa nhỏ đưa cho anh ta. Dù gì tôi cũng chưa bình ổn, người lại có chút bơ phờ, không phải chạy xe cũng tốt.

Bôn chở tôi. Suốt quãng đường dài, không nói lấy một câu.

Bầu trời không biết tự bao giờ đã chuyển màu đen mực. Màn đêm hoàn toàn chiếm lĩnh không gian. Xe đi xuống đèo, xuyên qua rừng thông, bóng đêm càng sẫm hơn một chút, tiếng gió rít cũng lớn dần.

Đột nhiên, tôi lo lắng cho tâm trạng của Bôn.

- Bôn!

Người ngồi phía trước tôi dường như rất ngạc nhiên, tốc độ thả đèo có phần chậm lại, đầu hơi nghiêng về sau, trả lời:

- Sao?

Tôi chẳng biết mình gọi anh ta làm gì, bỗng dưng bản thân bị rơi vào trầm mặc.

Bôn tưởng tôi không nghe thấy, lại nghiêng đầu lần nữa:

- Em gọi sao?

- Lạnh không?

- Lạnh.

- Vậy thì lái chậm thôi.

- Lái chậm cũng lạnh.

Tôi tìm chuyện để nói, lại không biết cách duy trì, ngại ngùng im lặng.

- Lạnh không?

Lần này Bôn hỏi tôi.

- Cũng lạnh.

- Đút đỡ tay vào túi áo anh đi. Lúc nãy vội, quên lấy bao tay trong giỏ xe của em.

Tôi làm như không nghe thấy, không trả lời.

Tôi mặc áo len dày, không có túi.

Áo khoác lớn của Bôn bỏ trong cốp xe, hiện tại anh ta đang mặc áo hoodi bên ngoài. Túi áo hoodi nằm trước bụng, nếu thò tay vào đó, chẳng phải là ôm luôn còn gì.

Tôi miên man suy nghĩ, bỗng bàn tay lạnh đặt chơ vơ trên đùi bị tay trái Bôn đưa về sau kéo về phía trước đặt vào cái túi nhỏ.

- Tay phải em tự bỏ vô đi, tay phải của anh không buông ra được.