Chuyến hành hương của thời gian - Chương 12

Chương 12.

Sau bữa trưa, Bôn quyết định đi tìm một khách sạn gần bệnh viện. Tôi dù mệt, vẫn rũ rượi đi theo, muốn thấy anh có chỗ ở rồi mới yên tâm về.

Bôn đi trước, trên người bận quần jean, áo khoác bomber, trông chỉnh tề, năng động. Còn tôi phía sau anh, mũ vành áo thụng, còn thêm cái túi vải bên vai, luộm thuộm vô cùng. Nếu người đi đường nhìn vào chúng tôi, có lẽ tưởng tôi là người bán vé số đang bám đuôi năn nỉ anh mua dùm vài tờ vé cuối cùng.

Bôn vào một khách sạn cách bệnh viện không xa. Lúc vào đăng ký thông tin, tiếp tân e dè nhìn tôi, sau đó nói:

- Anh chị muốn thuê theo giờ hay theo ngày?

Bôn cũng nhìn tôi, cười cười nói:

- Theo ngày.

- Vậy cho em xin chứng minh của hai người luôn.

Tôi đang dáo dác nhìn mấy cái đồng hồ được chỉnh múi giờ quốc tế treo sau quầy tiếp tân, nghe người kia nói thì bỗng chốc khù khờ, khó hiểu. Sau mới nhận ra ý tứ của người đó, bèn vội vàng quơ tay, đính chính:

- Không không, chỉ mình anh này ở thôi, tôi không ở.

Bôn thấy tôi khẩn trương, vẫn đứng cười như không liên quan. Sau đó, anh nhận được chìa khóa phòng, còn quay qua ghẹo:

- Em có muốn lên tham quan phòng anh không?

Tôi hóa ngượng, sầm mặt nhìn anh, đoạn lỳ lợm nói:

- Muốn!

Bôn nghe xong, mặt không biến sắc, còn cười cợt nói:

- Việt Nam nói là làm.

Rút cuộc, Bôn lôi tôi đi cho bằng được, trước khi đi còn quay lại nói với tiếp tân:

- Tham quan thôi, không cần đăng ký thông tin nhé.

Tôi bị anh kéo lên một căn phòng nhỏ, bên trong ngoài những nội thất đơn giản thường thấy, thứ đặc biệt thu hút sự chú ý của tôi, tuy giản đơn mà tinh tế, chính là một chậu thủy tinh nhỏ, chưa lớp nước trong suốt, bên trên là những bông hoa giấy đang trôi nổi, rực rỡ nhiều màu.

Lúc tôi mải miết nghiên cứu căn phòng, Bôn đã xắp xếp đồ đạc xong xuôi. Sau đó, tôi thấy anh lấy ví ra khỏi ba-lô, nhét vào túi áo phía trong bên trên ngực, tư thế chuẩn bị ra ngoài.

- Em ở lại ngủ một lát đi. Anh ra ngoài gặp bạn.

- Nhưng mà…

- Anh đi đây, khi nào về anh kêu em dậy.

Nói rồi, Bôn nhanh chóng mở cửa, tiện tay cúp đèn một cái, sau mới đóng cửa rời đi.

Trong bóng tối mịt mờ, tôi cứ thế đứng trơ trọi, một mình. Mãi đến khi bên ngoài phát ra tiếng động mở cửa phòng bên, tôi mới giật mình, đi đến nhà vệ sinh.

Tôi rửa tay, rửa mặt, lại nhìn mình trong gương. Cô gái trên tấm gương đó, quả thật quầng thâm nơi bọng mắt nhìn rất rõ. Tóc tai bị mồ hôi làm cho thấm ướt, trông rũ rượi và yếu ớt vô cùng.

Tôi rời khỏi nhà tắm, bật tivi, để đại một kênh. Sau đó mặc kệ cả người nhầy nhụa, trèo lên cái giường rộng rãi, trắng tinh mà nằm xuống, kéo tấm mền mát rượi, trùm hẳn qua đầu.

Từ hôm lên chăm bố, ban ngày không thể ngủ vì bất tiện, buổi tối cũng không thể ngủ sâu. Đêm nào cũng vậy, ngoài việc có nhiều người liên tục lui tới nhà vệ sinh, thảng hoặc, sẽ có những tiếng thét rú, kêu gào rất lớn phát ra từ khu mà mọi người vẫn gọi là “trại điên” trong bệnh viện.

Đã lâu rồi tôi mới được nằm thoải mái thế này. Cơ thế bị sự êm ái làm cho thả lỏng, chẳng mấy chốc thiếp đi, ngủ rất sâu.

***

Không rõ tôi đã ngủ bao lâu, lúc lờ mờ hé mắt, chỉ thấy màn hình tivi đang chuyển cảnh không ngừng.

Tôi nhíu mày, muốn ngồi dậy, có điều cơ thể lại cứng đờ phản kháng, mắt cũng mỏi mệt nhắm chặt vào. Cuối cùng, đành cứ như thế, một lúc rất lâu.

Thời gian qua đi, tôi nghe bên tai có tiếng cửa phòng được mở ra, bèn kéo chăn, muốn mở mắt, xem có phải là Bôn.

Nào ngờ, đôi mắt nặng như chì chưa kịp mở ra, đột nhiên nghe một tiếng động lớn vang lên, “xoảng” một cái. Chỉ ít giây sau, lại một tiếng hét thất thanh “á”, rồi thì “bịch”.

Tôi giật mình, hốt hoảng ngồi bật dậy, trùm kín chăn. Vì bất ngờ mà lồng ngực đập thình thịch không ngừng.

Rồi, trong không gian tràn ngập sự sợ hãi của tôi, bỗng một tiếng cười nhẹ phát ra.

- Kỳ Như, đừng sợ, ngồi trên giường với tay mở đèn lên.

Tôi nhận ra giọng nói quen thuộc kia, tâm thân lúc này mới dần nới lỏng, theo lời Bôn mở đèn lên. Trong tích tắc, căn phòng nhỏ được chiếu sáng ngập tràn.

Tôi nheo mắt nhìn về hướng ghế sa-long đặt trong góc, đối diện của ra vào.

Người ngồi đó, lúc này mặt mũi không biết vì sao mà tái nhợt, hàng lông mày nhăn nhó tựa như đang chịu đựng nỗi đau.

Quanh đó, trên nền gạch hoa trắng muốt dưới chân anh, vụn thủy tinh rải rác khắp nơi, phản chiếu lên những tia óng ánh không ngừng.

Tôi lo lắng, toan xuống khỏi giường. Chân chưa chạm nền đã bị Bôn ngăn lại:

- Toàn là miểng, đừng xuống.

Nói rồi, Bôn đưa bàn chân phải đang nhoe nhoét máu và mảnh thủy tinh cho tôi thấy, rồi vì đau mà vô thức xuýt xoa.

Tôi nhìn chân anh, lại nhìn ngó quanh giường. Đoạn trèo xuống từ mép giường phía bên kia, cẩn thận mang vào đôi dép xốp để đi trong phòng rồi mới đến chỗ Bôn. Nhìn thật kỹ vết thương, tôi mới hỏi:

- Sao anh về mà không bật đèn lên?

- Sợ làm em thức.

- Không cần khâu. Ngồi đợi em.

Nói rồi, tôi vội vàng lấy bóp, ra khỏi phòng. Trước khi ra tiệm thuốc thì ghé lại quầy tiếp tân nhờ người lên dọn dẹp, rồi liền chạy đi.

Khi tôi quay lại cũng là lúc phục vụ phòng vừa quét dọn xong. Bôn vẫn ngồi đấy, tư thế trước sau y như cũ. Trên tay không biết tự lúc nào đang bận rộn xoay vòng con quay.

Tôi đến gần Bôn, ngồi hẳn xuống nền, cẩn thận kéo bàn chân anh đặt lật lên đùi mình.

Bôn hơi rụt lại, nhìn tôi nói:

- Anh tự làm.

- Để em. Miểng nhỏ như thế làm sao anh tự gắp được.

Tôi dứt khoát giữ chặt chân anh, sau lấy ni-lông sạch và bông gòn lót xuống, rửa sơ vết thương bằng cồn nhẹ, rồi mới dùng kẹp chuyên dụng, tỉ mỉ gắp từng miếng thủy tinh ra. Suốt quá trình đó, mỗi một lần rút ra, mỗi một lần đổ ô-xy già lên vết thương rớm máu, là bấy nhiêu lần tôi thấy lòng mình cũng xót vô cùng.

Cuối cùng, sau gần hai mươi phút, chân Bôn bị băng đầy gạc trắng, khắp nền nhà vương vãi rác y tế vừa dùng.

Tôi dọn dẹp xong, bèn đỡ Bôn đến giường nằm để thoải mái hơn. Chẳng ngờ, anh vừa ngồi xuống, cũng kéo tôi ngồi phịch xuống, bên mép giường, đối diện nhau.

Hành động của Bôn khiến tôi bất ngờ, cứ thế ngồi đơ một cục, nhìn anh. Bên trong đôi mắt trong veo tĩnh lặng, vẫn còn chút dư âm đau đớn của vết thương vừa rồi.

- Bây giờ…

Tôi đợi Bôn nói hết câu, rút cuộc, mãi anh cũng không nói thêm một chữ. Cuối cùng, tôi mất kiên nhẫn, hỏi anh:

- Bây giờ làm sao?

Bôn nghe tôi hỏi, cũng không trả lời, chỉ đột ngột đưa hai tay, vòng qua tôi, ôm lấy.

Tôi bị Bôm làm cho bất ngờ, cả người cứng đờ trong vòng tay anh. Hai tay mình đang buông thỏng bên hông, bỗng dưng trở nên thừa thãi vô cùng.

- Anh hỏi bây giờ ôm em có được không?

Ôm.

Cũng đã ôm rồi.

Bây giờ anh hỏi, giống như dồn tôi vào thế không thể nào phản kháng.

Trái tim tôi, đang run rẩy không cách nào ngưng được, giống như hiện tại bị một sợi tơ mềm mại nhẹ nhàng cột vào, thắt lại bên trong.

Bôn vừa nói xong, cảm giác trên vai tôi lại nặng hơn một chút. Tựa như tất cả kìm nén bấy lâu nay theo vòng tay anh mà thoát ra, từng hồi xiết chặt.

Tôi thở dài, hai tay chần chừ mãi, đành đặt ở lưng anh, hồi đáp tình cảm ấy, cũng là thay cho câu trả lời đồng ý của tim mình.

Khoảnh khắc ngày hôm qua chủ động nắm tay anh, phút giây này được anh ôm, lý trí của tôi đã bị cảm xúc xóa nhòa rồi. Cuộc sống này, là do trời xanh an bài tất thảy, tôi mặc kệ rồi, phải làm gì, dựa cả trời xanh.

***

Bôn vốn định nhân dịp lễ xuống thăm cả Trúc Linh, chẳng ngờ chân lại lỡ bị thương như vậy, cuối cùng chỉ có thể nằm yên trong khách sạn .

Hôm sau, mỗi bữa tôi ra ngoài mua đồ ăn cho bố và dì, sẽ tranh thủ mua luôn cho Bôn một phần, mang lên phòng anh rồi lại phải về ngay.

Bôn ở một mình, chiều vừa tàn dường như bắt đầu nhàm chám đến ngứa ngáy tay chân. Cứ cách năm, mười phút một lần, anh lại gởi tin nhắn cho tôi. Nếu rất lâu không thấy tôi trả lời, sẽ liền nhá máy hai ba lượt.

Dì thấy điện thoại tôi rung chuông liên tục mới liền để tâm, chọc:

- Anh nào gọi mà sao không trả lời, để người ta sốt ruột thì sao?

Tôi giặt đồ xong, từ nhà tắm bước ra, đối với câu nói của gì chỉ cười cười cho qua.

- Con đã nhờ cô phòng bên mua cơm tối cho dì và bố rồi. Con xin phép ra ngoài gặp bạn nha dì.

- Ơ, con gái lớn rồi, đi đâu thì đi, xin xỏ làm gì. Nhưng mà nhớ mang điện thoại đấy. Hôm qua đi đâu cả buổi mà không mang điện thoại, để bố lo lắm đó.

- Dạ, con biết rồi dì.

Lần này, tôi thực sự không dám quên lần nữa. Hôm qua từ khách sạn trở về bệnh viện, tôi vừa mở máy, điện thoại liền liên tục báo cuộc gọi nhỡ và tin nhắn không ngừng.

Khi tôi đến khách sạn nơi Bôn ở, phòng anh tuy đang đóng chặt cửa, nhưng từ trong vẫn dễ dàng vọng ra tiếng cười nói ồn ào. Hình như, bạn bè đến thăm anh.

Ngày trước, Bôn học nội trú ngành Tâm thần học – Thần kinh, sau này mới chuyển qua làm pháp y. Bạn bè anh vẫn theo học đến cùng, sau khi học xong, phần lớn về bệnh viện bố tôi đang điều trị mà công tác.

Bạn cũ gặp nhau, bao nhiêu thời gian dường như đều không đủ, tôi ngồi ở cầu thang cạnh phòng Bôn, đợi rất lâu vẫn chưa thấy họ dừng lại câu chuyện của mình. Rút cuộc, tôi đành phải nhắn tin cho anh.

“Bạn anh đến chưa?”

“Chưa.”

Nói dối!

“Khi nào họ đến.”

“Anh không biết. Em cứ qua đây đi.”

“Em đang đi, gần đến nơi rồi.”

Tin nhắn cuối của tôi, không nhận được lời hồi đáp. Có điều, chỉ ít phút sau, tôi nghe tiếng nói chuyện vơi dần. Sau đó, cửa được hé mở ra.

Tôi giật thót, vội vàng đứng dậy chạy lên những bậc thang cao hơn, phía bên trên ở góc vòng cầu thang, đứng nép vào.

Mấy người nọ, trước khi về còn chần chừ đứng đùa cợt vài câu, rồi chẳng mấy chốc, nhanh chóng cùng nhau rời đi.

Tôi đợi tiếng trao đổi của họ xa dần, vẫn đứng yên tại chỗ thêm dăm phút nữa, sau mới đi xuống, tự mở cửa vào phòng.

Bên trong, đèn điện sáng trưng, khí lạnh quẩn quanh thoang thoảng chút mùi hương thuốc lá, cái tivi lớn trên tường dù được bật nhưng đã bị tắt tiếng hoàn toàn.

Tôi đặt bịch đồ ăn và bông băng xuống bàn uống nước, đoạn quay mặt nhìn Bôn. Anh ngồi trên giường, ánh mặt tràn ngập ý cười, hỏi tôi:

- Em ăn chưa?

- Chưa.

- Ăn cùng?

- Vâng.

Bôn nghe xong bèn xuống giường, từ đó nhảy lò cò đến ghế salong nhỏ. Tôi cũng ngồi xuống, mở hộp cơm rồi đẩy đến trước mặt anh. Bôn vui vẻ cầm đũa lên ăn, thỉnh thoảng lại chọt đũa của mình sang hộp cơm của tôi, gắp đi miếng rau, miếng giá.

Bởi vì sự việc tối hôm qua, suốt quãng đường từ khách sạn đến đây, tôi đã sợ khi ở cùng Bôn mình sẽ không được tự nhiên. Ấy vậy mà mọi việc vẫn rất đỗi bình thường như trước. Tâm trạng của Bôn hình như có vẻ rất vui.

- Ăn cơm xong em làm gì?

- Thay gạc cho anh.

- Thay gạc xong?

Tôi dừng gắp thức ăn, khó hiểu nhìn anh. Còn chưa biết trả lời ra sao, bỗng nhiên nghe phía cửa vang lên một hồi chuông. Tôi vội đứng dậy đi về phía cửa, trong lòng chắc mẩm người bấm chuông là phục vụ phòng, chẳng ngờ lúc mở cửa ra, trước mặt là một người tôi chưa bao giờ ngờ tới.

Người đó, tôi chỉ vừa gặp cách đây vài tiếng, anh ta đi thăm khám cho bố, còn bỗng dưng cho tôi hai viên kẹo gừng.

- Bôn…

Người nọ đang muốn nói gì đó, lại vì sự xuất hiện của tôi mà câm lặng. Rất lâu sau mới đẩy gọng kính lên, tiếp tục cất lời:

- À, anh muốn tìm Bôn.

- Ảnh ở bên trong, anh vào đi.

Nói rồi, tôi mở rộng cửa, người cũng tự giác nhích sang bên như mời khách, rồi nhanh chóng muốn đến bên bàn dọn đi hộp cơm của mình.

- Đừng, đừng, em cứ ăn đi, anh về liền.

Người nọ cản tôi, sau đó ném cái bịch nhỏ vào lòng Bôn, nói:

- Này! Biết thế anh đây không rủ lòng thương.

Rồi anh ta đi mất, thoắt một cái đã hoàn toàn mất dạng như chưa từng hiện diện.

Tôi về chỗ cũ, tiếp tục ăn cơm. Trong căn phòng nhỏ lúc này chỉ có tiếng tivi và tiếng xột xoạt do Bôn lục cái bịch bạn mình để lại vừa rồi. Bên trong cũng chỉ toàn bông, băng, và thêm vài liều kháng sinh dạng nhẹ.

Sau khi ăn xong, tôi dìu Bôn trở lại giường, giúp anh thay gạc. Tôi không nói, anh cũng không nói. Cho đến khi tất thảy xong xuôi, anh mới ôm gối nhìn tôi, hỏi:

- Sao em không nói gì?

- Anh bảo em nói gì?

- Thì bạn anh.

- Vâng. Thì bạn anh đến thăm anh, em hỏi làm gì?

Bôn cười, với tay xoa mái đầu tóc rối của tôi.

Thực ra, dầu không nói, chúng tôi đều biết điều đối phương đang nghĩ gì. Có những việc, không nhất thiết phải nói ra, cũng không cần làm rõ. Sự giấu diếm hay nói dối đôi khi đơn giản chỉ là một liều thuốc bổ đơn thuần.

Rồi anh tiếp tục đề tài lúc trước còn dang dở:

- Bây giờ em làm gì?

- Về bệnh viện.

Tôi vô tư trả lời, còn Bôn lại bị câu trả lời của tôi làm cho chưng hửng, khuôn mặt tươi tắn bỗng chốc trở nên ỉu xìu:

- Còn sớm mà.

Tôi nghe anh nói, bèn liếc nhìn đồng hồ ở góc phải tivi. Quả thực, còn rất sớm. Thời sự bảy giờ đêm vẫn chưa đến giờ lên sóng, quảng cáo chạy liên tục từ phần này sang phần khác, hỗn tạp, ồn ào.

- Anh với dượng ở nhà ăn uống thế nào?

- Hôm bố nấu, hôm anh nấu, có hôm thì anh mua cơm về.

- Anh nấu?

Tôi hỏi, như không tin được vào điều mình vừa nghe.

- Ừ. Anh nấu. Nấu dễ mà, tùy tiện cũng xong.

Tôi phì cười vì sự tự tin kỳ lạ của Bôn. Ngày trước, tôi còn tưởng anh vì tự lập từ nhỏ nên sẽ biết nấu ăn. Về sau mới biết, nếu dượng quá bận không nấu được cho anh, anh sẽ tự giác ăn mì. Có khi pha một gói với một tô nước đầy, sau đó múc cơm nguội để vào, ăn hết cả nước lẫn cơm.

- Khi nào em về, đúc bánh xèo ăn. Cái này anh không làm tùy tiện được.

Bôn đề nghị, như thể con nít, có chút mong chờ. Tôi cười, gật đầu trả lời trước câu hỏi của anh.

Sau đó, suốt hai tiếng liền, tôi chỉ ngồi một chỗ ở ghế sa-lông chơi bộ xếp hình Bôn mang từ nhà lên. Còn anh cũng bận rộn sử dụng máy tính cá nhân, ngồi tựa đầu giường làm báo cáo. Hai người một chỗ, dường như chẳng có chút liên quan.

Bộ xếp hình có tới một ngàn năm trăm pic, từ bốn cạnh vào trong, độ khó càng tăng. Tôi mò mẫn từng mảnh ghép nhỏ, có chút nản lòng.

Thế giới quanh tôi, giống như một bức tranh đầy màu sắc chưa hoàn thành, mỗi ngày qua đi, là một mảnh ghép được đính vào bức tranh còn mơ hồ ấy. Muốn thấy rõ, rút cuộc, mất bao lâu? Một năm, mười năm, hay là cả cuộc đời. Con người ta, lúc nào cũng trông như vội vã, đến cả bản thân còn không biết, thực ra sống là một sự kiên nhẫn vô cùng.