Chuyện Tháng Tư - Chương 07

Chuyện Tháng Tư
Chương 7: “Cô Sầm à, lần này cô đi Somalia là để đàm phán, không phải tham dự thảm đỏ.”
gacsach.com

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Biên dịch: 1309

Từ đầu đã tính qua quán của Erin làm vài ly, lúc đưa Vệ Lai đến lầu trọ, Nai bỗng nhiên biến thành quý ông chồng mẫu mực: “Không thể về quá muộn, Eve nhà tôi sẽ lo lắng.”

Đùa chứ giờ này còn chưa quá nửa đêm à?

Trong quán chẳng có bao nhiêu khách, không khí lúc nửa đêm về sáng khá trầm lặng, chỉ cần một điếu thuốc, một ly rượu là đủ để cầm cự đến bình minh. Vệ Lai lười lên lầu, chỉ chào Erin một câu rồi quen thuộc nằm vật lên ghế sofa dài nơi góc khuất.

Erin đưa chăn cho anh, xong thì cầm sổ và máy tính đến ngồi bên cạnh, thong thả tính toán, lẩm nhẩm cộng trừ, ngẫu nhiên còn đọc thành tiếng.

Đây là khoảng thời gian ấm áp nhất, nằm giữa bốn bề tĩnh lặng, cơn buồn ngủ nhanh chóng ùa về. Erin giống cô em gái vất vả làm ăn, chăm lo việc nhà.

Vệ Lai chuyện phiếm câu được câu chăng với cô ấy.

“Bạn gái cô đâu rồi? Cô nàng lần trước gặp ấy, người Bulgaria nhỉ? Vóc người nho nhỏ, cười nghe như khóc.”

“Về nước rồi, nói ở đây khó tìm việc quá, sau chẳng liên lạc nữa.”

“Buồn không?”

Erin ngẫm nghĩ: “Cũng chẳng buồn mấy.”

“Vậy được rồi.”

“Sắp tới tôi muốn về Đức một chuyến, chị Sabina của tôi tính kết hôn. Mama cũng bảo lâu rồi chưa gặp tôi.”

“Về nhà thật tốt.” Hai mắt anh khép hờ, lời nói như tiếng thở dài.

Erin hơi do dự: “Vệ, anh còn nhớ chút gì về nhà mình không?”

Cô ấy biết chuyện của Vệ Lai, khi còn bé anh theo cha lên thuyền đầu rắn vượt biên [*], lênh đênh trên biển rất lâu. Chợt có một ngày trong thuyền bộc phát dịch sốt, lấy mạng cả 1/3 số người vượt biên. Anh sống sót đến khi lên bờ, rồi bị cha bán đi.

[*] Tiếng lóng chỉ những băng nhóm hay kẻ đứng đầu đường dây đưa người vượt biên trái phép, gọi như thế vì họ đi trước và dẫn cả đoàn người rồng rắn theo sau.

“Chẳng nhớ rõ lắm.”

“Vậy anh có nhớ nhà không?”

“Nhà đã chẳng cần tôi, việc gì tôi phải nhớ nhà?”

Erin không nói gì thêm nữa. Cô ấy bấm máy tính nhè nhẹ, sổ sách tháng ba đã tổng kết xong, không tốt không xấu, tương tự phần lớn thời gian bình lặng trong cuộc đời.

Tháng tư có gì đáng để mong chờ? Tháng tư, nhiệt độ sẽ hơi tăng cao, tuyết đọng và lớp băng sẽ tan dần từ nam lên bắc, tháng tư có lễ hội bia, thêm lễ đội nón Vappu [1]...

Vệ Lai nằm chiêm bao.

Mơ thấy con thuyền vượt biên chao nghiêng giữa sóng cả, khắp nơi bốc mùi nôn mửa của dân nhập cư trái phép. Từ boong thuyền mở một cánh cửa nhỏ, ánh sáng rọi xuyên qua, trùm lên cái xác mềm oặt đang bị lôi xềnh xệnh. Đầu rắn giậm chân xuống sàn, gắt gỏng gầm lên: “Mau quăng xuống biển! Trên đấy đầy vi khuẩn, sẽ truyền nhiễm mất!”

Trước khi ngủ không nên nói về đề tài này với Erin.

Mà thật ra, vào một lúc nào đó, kiểu gì thì chiếc thuyền kia cũng sẽ xâm chiếm cơn mộng của anh. Người ta thường nói, chuyện phát sinh trong đời, buông tay được thì là quá khứ, không thể buông tay sẽ là vận mệnh. Vệ Lai đồ rằng, có lẽ chiếc thuyền này chính là vận mệnh của anh.

Dẫu có sống đến 80 tuổi, chiếc thuyền trong mộng ấy vẫn sẽ bị phong ba vùi dập, tìm chẳng thấy bờ.

Anh trèo lên boong, thuyền viên hò hét hợp sức, ném cái xác vào biển. Cúi xuống nhìn, nghe ùm vang, trên mặt nước đen ngòm nở bung một đóa hoa trắng toát.

Đằng mũi thuyền, Sầm Kim ngồi vững trên chiếc ghế chân cao, trước mặt bày giá vẽ, gấu váy dài thượt bay phất phới theo gió biển.

Vệ Lai thấy quái lạ: “Sao cô lại ở đây?”

Sầm Kim ngoái đầu, bỗng chốc đất trời cuồng quay.

...

Không phải đất trời cuồng quay, là Erin đang lay anh dậy. Trời đã sáng bảnh, trên bàn cách đó không xa có đặt chiếc gạt tàn, hơi khói từ mẩu tàn thuốc bên trong vấn vít bay lên. Erin chỉ anh nhìn điện thoại bên cạnh, màn hình đang kiên nhẫn nhấp nháy ánh xanh.

Vệ Lai còn buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài bắt máy.

“Alô?”

“Vệ! Cậu được nhận rồi! Họ chọn cậu đấy!”

“Vụ gì thế?”

Anh ngồi dậy, day day giữa mi. Người vừa thức giấc, cảnh thực cũng hư ảo như còn trong mơ. Erin bật máy xay cà phê, tiếng máy chạy vù vù vọng lại.

“Phía Saudi ấy, họ mới gọi cho tôi xong, nói quyết định cuối cùng là chọn cậu.”

Vệ Lai đã nhớ ra, trước mắt thoáng hiện hình ảnh Sầm Kim với gấu váy tung bay theo gió biển: Cô ấy vẽ gì ở đầu thuyền?

“Người Saudi đâu thể nào chọn tôi.”

“Đúng vậy, tôi nghe kể là họ không đồng ý, nhưng cô Sầm chẳng quan tâm. Vệ ạ, tôi nghĩ việc này giống kết hôn ấy, cha mẹ có phản đối ra sao, người nằm chung giường với anh vẫn là cô gái kia, cô ấy quyết định tất cả.”

Giỡn mặt hả, ví von kiểu vẹo gì thế này?

Nai báo cho anh cái giá thật khó lòng cự tuyệt, rồi ướm thử: “Vệ, cậu sẽ nhận chứ? Nếu cậu không thích thì để tôi từ chối.”

Thực ra anh ta đang cố ép xuống bụng cả vạn câu: Xin cậu, đồng ý đi, nói bằng lòng đi!

Vệ Lai tạm dừng giây lát.

Chẳng phải cô đã bảo, “Vệ sĩ có tác dụng mốc gì” sao?

Nhưng về sau cô lại gọi anh, cùng trao đổi đôi lời. Lúc trò chuyện, cô đứng nơi đó, trông như một bức tranh trắng đen tương phản mạnh.

Erin đi tới, đặt xuống tách cà phê đã pha xong. Anh cầm lên, uống một hơi cạn sạch, trả lời: “Tôi có điều kiện.”

Nai gần như ngừng thở chờ anh nói tiếp.

“Tôi chỉ làm hết trách nhiệm vệ sĩ, không phải đầy tớ của cô ấy. Cô ấy lịch sự với tôi, tôi sẽ lịch sự lại. Còn mà cư xử vô phép thì đừng trách tôi làm cô ấy bẽ mặt.”

Nai đáp: “Đấy là tất nhiên rồi, giờ đâu phải xã hội nô lệ. Cô ấy trả tiền, cậu bỏ sức lao động, trao đổi bình đẳng mà. Cô ấy tôn trọng công sức của cậu, cậu nghiêm túc với số tiền cô ấy đưa ra, đây là nguyên tắc.”

Hình như mấy điều cần nói đều đã nói xong, nhưng Nai vẫn chưa ngắt máy. Anh ta hắng giọng rồi cân nhắc từ ngữ: “Cô Sầm còn đặt ra một yêu cầu...”

Biết ngay là đâu có đơn giản vậy.

“Cô ấy bảo, trong thời gian tới, hi vọng mỗi ngày cậu... đều viết một ít... nhận xét về cô ấy...”

Vệ Lai mất thật lâu mới tiêu hóa hết câu vừa rồi.

Anh chỉ cảm thấy buồn cười: “Nếu cô Sầm cho rằng đàm phán với hải tặc Somalia đặc biệt có ý nghĩa lịch sử, thì có thể tìm thêm đoàn phim phóng sự quay lại, hoặc là tìm nhà văn chuyên viết truyện ký đi cùng. Chứ tôi thấy việc này hình như đâu phải phận sự của vệ sĩ?”

“Nào có phức tạp thế! Vệ à, tôi đã xác nhận luôn rồi, một câu thôi cũng được, ví dụ như: Cô phiền quá, trang điểm gớm quá, tôi với cô không hợp nhau.”

Vậy cũng được?

Nai tiếp tục bắn liên thanh: “Một câu thôi đấy, rất đơn giản, muốn viết dài hay ngắn đều tùy cậu. Vệ này, thực ra vệ sĩ rất giống siêu mẫu, chỉ kiếm ăn được lúc trẻ. Cậu cũng nên suy tính xem về sau sẽ đổi nghề gì, biết đâu xong chuyến này lại phát hiện hóa ra mình có tài sáng tác...”

Người đại diện Nai đây, luôn luôn trào dâng cảm xúc mãnh liệt như thế, tùy thời tùy chỗ đều có thể khơi dậy mộng tưởng xa lắc xa lơ cho người khác.

Cúp điện thoại, Erin tới lấy tách cà phê, tò mò hỏi: “Khách lần này là ai vậy?”

Vệ Lai đáp: “Hình như là bọ rùa.”

“Hả?”

“Muốn viết nhật ký quan sát đời sống bọ rùa.”

Nói thế mà Erin tin ngay tắp lự, còn khích lệ ngược lại anh: “Mấy kẻ lắm tiền đều vậy đấy. Tôi mà dư dả thì cũng nhờ anh bảo vệ bọn sứa cho tôi, viết thêm nhận xét mỗi ngày càng tốt. Tôi cũng muốn biết chúng làm những gì khi mình vắng mặt.”

Có thể làm gì trời? Bể sứa bé tẹo này, đã bày ở đó rồi thì ngàn ngày như một.

Vệ Lai nhìn hai con sứa mặt trăng mờ đục nhởn nhơ bơi trong bể.

Cơ mà nói không chừng, có khi chúng nó đang bàn: Sau khi trốn ra, làm sao qua vịnh Aden cướp con tàu lái chơi.

***

Vào chiều muộn cùng ngày, Nai đưa Vệ Lai đến ký hợp đồng với nhóm người áo thụng.

Bọn họ ở lại khách sạn Klämp [2] xa hoa trong thành phố. Đó là tòa kiến trúc mang phong cách Đông Âu thế kỷ 19. Cả công trình, trang thiết bị lẫn an ninh đều là bậc nhất, vậy mà ngay lúc này lại phạm phải lỗi lớn.

Hai vị áo thụng kia ra ngoài dùng bữa, khi trở về thì giật mình phát hiện cửa phòng khép hờ, đẩy cửa đi vào, thấy cả phòng bừa bộn.

Bị trộm viếng.

Thời điểm nhóm Vệ Lai xuất hiện, cậu áo thụng trẻ tuổi tên Sa’ad đang lớn tiếng khiếu nại gì đó với nhân viên buồng phòng. Cảnh sát vẫn còn trên đường tới đây. Áo thụng lớn tuổi hơn tên là Yanus, chỉ chau mày đứng yên trong phòng, có vẻ muốn thu dọn, lại sợ phá hủy hiện trường.

Nai tỏ ra quan tâm tới đối tác: “Ngài Yanus, bị mất thứ gì quý giá sao?”

“Chỉ có ít tiền thôi, một khoản tiêu vặt hơn 2.000 Euro. Trong phòng không cất đồ gì đáng giá.”

Phía bên này, nhân viên buồng phòng vã mồ hôi đầy trán, liên tục xin lỗi Sa’ad: “Chúng tôi cũng trở tay không kịp, có kẻ giải mã được hệ thống kiểm soát ra vào các phòng, tránh được máy báo động và giám sát... Thật may là không có tổn thất lớn, khách sạn sẽ hết sức cố gắng phối hợp cảnh sát...”

Nai đứng sát bên nói nhỏ: “Mấy tay áo thụng kia, cậu biết đấy, thiếu điều viết luôn lên trán câu ‘Bố giàu này’, bảo sao rất dễ bị bọn trộm tăm tia.”

Vệ Lai bước vào phòng, mấy ngăn kéo tủ đều mở toang, vali hành lý đổ kềnh một bên, đồ đạc bị bới tung tóe, không ít giấy tờ tài liệu rơi rải rác dưới đất, có tờ còn hằn dấu giày trên mặt sau.

Là giày nam, cỡ 43-44 chuẩn Âu, vân đế cực kỳ phổ biến, không có giá trị trong việc điều tra.

Vệ Lai quỳ chống một chân, nhặt tài liệu lên. Yanus nhắc anh: “Chớ động vào! Trước khi cảnh sát đến thì tốt nhất là duy trì nguyên trạng.”

Nhưng Vệ Lai vẫn cầm xem, là một tờ trong hợp đồng vệ sĩ chờ ký.

“Lần này đến đây, các anh mang theo rất nhiều đồ đắt tiền à?”

Yanus lắc đầu, họ đại diện cho chủ tàu, chủ yếu là đi làm việc.

Vệ Lai nhặt lên vài tờ khác, ngoài hợp đồng còn có bản phác thảo lộ trình, là vạch ra cho anh và Sầm Kim, từ Helsinki bay đến thủ đô Nairobi của Kenya, rồi vào thẳng Đông Phi.

Vệ Lai đứng lên: “Có thể tìm chỗ nào nói chuyện không?”

***

Chỗ tìm được là toilet, Vệ Lai đóng chặt cửa, xem xét nhanh khắp lượt bốn phía. Khá tốt, nơi này lát toàn đá cẩm thạch, nguồn điện đều lắp âm tường, không có chỗ giấu máy nghe lén.

Tư thế này... Yanus hơi hoang mang.

Vệ Lai nói: “Suy đoán của tôi chưa chắc đã chính xác, nhưng mấu chốt không phải đúng hay sai.

“Khách sạn Klämp này từng được xếp trong top 100 trên thế giới, vào đây có đại gia giới kinh doanh, nhân vật quan trọng giới chính trị, có người nổi tiếng, có siêu sao... Người Saudi các anh lẫn vào đó sẽ không gây chú ý. Nếu chỉ là loại trộm cắp vì tiền, tìm bọn họ sẽ có lợi hơn tìm các anh.

“An ninh của khách sạn cũng không tệ, lầu trên lầu dưới cách nhau mấy tầng cửa. Kẻ có thể giải mã hệ thống kiểm soát ra vào, tránh được máy báo động, lẽ nào chỉ vì hơn 2.000 Euro? Chút tiền ấy còn chẳng đáng để tốn công làm việc này.”

Vệ Lai đưa tài liệu đang cầm cho anh ta: “Thận trọng tới mức camera không ghi lại được gì, nhưng nhất định phải ịn lại dấu chân, còn giẫm tới giẫm lui tỏ vẻ chẳng hề để ý mấy giấy tờ này. Thế có phải đang cố ngụy tạo hiện trường không?”

Yanus nghe ra điểm then chốt: “Ý anh là...”

“Cô Sầm bị uy hiếp tính mạng, giả sử tôi là đối phương, chắc chắn sẽ rất quan tâm xem kế tiếp cô ấy đi đâu, nên ra tay nơi nào là tiện nhất.” Anh cười bổ sung, “Có thể tôi đoán sai hoàn toàn, nhưng đã là vệ sĩ thì phải hoài nghi đủ hết mọi tình huống. Việc trong phạm vi chức trách, mỗi một điểm bất thường, tôi đều sẽ xem là uy hiếp với cô Sầm mà loại bỏ ngay.”

Yanus quan sát anh hồi lâu, đột nhiên cảm nhận được, hình như Sầm Kim biết cách nhìn người hơn mình nhiều.

“Cho nên?”

“Cho nên lộ trình này không dùng được nữa. Ít nhất là... không thể dùng trong kế hoạch thật.”

~~~~

Ghi chú:

[1] Lễ Vappu (hay Wappu): Lễ hội mùa xuân ở Helsinki, một trong 4 dịp lễ truyền thống lớn nhất của Phần Lan. Từ chiều 30/4, người dân sẽ tổ chức những bữa tiệc hay picnic ngoài trời, ăn tippaleipä (bánh mì chiên áo đường) và uống sima (rượu mật ong).

Ngày này sinh viên cũng ăn mừng năm học sắp kết thúc, họ đội nón trắng, mặc áo liền quần đủ màu sắc, đổ về trung tâm để thực hiện nghi thức đội nón cho tượng Amanda.

[2] Kämp: Nguyên mẫu của khách sạn nhắc tới trong truyện (tác giả chen 1 chữ vào tên Trung của khách sạn này nên mình cũng biến tấu đôi chút nhé:D)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3