Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 01
Quán chợ
Tôi gửi chiếc Cúp 81 ngoài cổng chợ Nguyễn Tri Phương, cẩn thận nhét thẻ xe vô bóp rồi lật đật vòng qua hàng rau, hàng cá, đi thẳng đến gian gia cầm của chị Dần.
Từ chỗ rẽ tôi đã nghe tiếng nói quen thuộc của chị trước khi nhìn thấy mái tóc búi gọn gàng hiện ra sau giỏ cần xé đặt bên tay trái chị, trên chiếc sạp gỗ được ghép từ những thanh ván rắn chắc lúc này đang rắc đầy lông gà.
Hôm nay có mưa buổi sáng, tôi phải một tay vén gấu quần vừa đảo mắt nhìn xuống chân để tránh những vũng nước đọng lấp lánh nắng. Thời trung học, tôi rất thích giẫm chân lên những vạt nắng lung linh đó để ngắm nó vỡ ra, chốc sau lại liền lại, rồi lại vỡ ra khi có bàn chân nào đó đằng sau tôi tiếp tục tinh nghịch bước vào vũng nước. Nhưng bây giờ thì tôi đang vội. Tôi cũng không muốn làm ướt đôi giày mới mua tháng trước bằng tiền vay của nhỏ bạn cùng phòng trọ mà đến hôm nay tôi mới trả được phân nửa tiền. Đó là đôi giày bệt màu đen mũi tròn phối khóa cài mà bọn con gái tuổi tôi bây giờ rất thích mang, có lẽ do loại giày này phù hợp với nhiều kiểu trang phục: các loại váy, các loại quần tây, kể cả quần gin lửng hay quần gin ống rộng, đặc biệt nó đem lại cho các cô gái một vẻ trẻ trung khỏe khoắn.
Chị Dần nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy tôi:
- Lấy gà hả em?
- Dạ.
Chị thò tay xuống dưới gầm quây, lôi ra ba con gà đã làm sẵn nhét trong bịch ni-lông:
- Của em đây.
Tôi móc tiền ra trả và xách bịch gà lên:
- Cảm ơn chị.
Động tác của tôi và chị lặp lại giống hệt ngày hôm qua và những ngày trước đó. Mẩu đối đáp giữa người mua và người bán cũng chỉ gói gọn trong bốn câu vỏn vẹn. Hôm nào vui miệng thì thêm được hai câu: “Sâm khỏe chứ hả em?”. “Dạ, ảnh vẫn khỏe ạ”.
Tôi ghé lấy gà chỗ chị Dần vào tám giờ sáng mỗi ngày, bất kể nắng mưa. Chợ Nguyễn Tri Phương nhiều người bán gà, nhưng Sâm bảo tôi chỉ được mua chỗ này.
- Chỉ mua gà chỗ chị Dần thôi nha! Cô không được tùy tiện mua chỗ khác.
Hôm đầu tiên giới thiệu tôi với chị Dần, trên đường về Sâm dặn tôi kỹ lưỡng.
- Gà chị Dần rẻ hơn chỗ khác hả anh?
- Mắc hơn!
Tôi mở to mắt, chưa kịp hỏi tiếp thì Sâm nói luôn như để giải đáp thắc mắc trong đâu tôi:
- Nhưng ngon hơn.
- Em thấy trong chợ có nhiều chỗ bán gà ta mà.
- Gà ta thì nhiều chỗ bán. Nhưng gà chỗ chị Dần ngon nhất.
- Sao anh biết?
- Ăn thì biết.
Tôi ngồi sau lưng Sâm, ngậm tăm khi nghe anh đáp trả cộc lốc. Tôi là đứa bướng bỉnh, nếu là trường hợp khác tôi đã cự lại. Nhưng Sâm là sếp tôi. Tôi đi làm cũng chỉ được mười ngày, không biết bị đuổi việc lúc nào.
Như đoán được tâm trạng của tôi, Sâm nói:
- Bằng tay, bằng mắt, cả bằng mũi, tóm lại là bằng trực giác, nói khác đi là bằng kinh nghiệm, ai cũng có thể đoán biết gà ngon gà dở. Tất nhiên, cuối cùng vẫn phải kiểm tra lại bằng miệng. Vị giác sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
- Vậy anh phải ăn hết mười con gà ở mười chỗ bán trong chợ Nguyễn Tri Phương để quyết định chọn mua gà của chị Dần sao?
- Gần như vậy.
Tôi bĩu môi vào lưng Sâm:
- Quá lãng phí!
- Ăn mười con gà để từ đó bán được hàng trăm con gà thì không thể gọi là lãng phí.
Sâm nhún vai:
- Thực ra tôi chỉ ăn đùi gà hay ức gà thôi. Đâu cần phải ăn nguyên con gà mới biết được chất lượng của nó.
- Ý anh muốn nói chỉ cần nhìn một giọt nước con người ta có thể suy ra cả đại dương hả?
- Tôi không có nói văn hoa như vậy.
- Anh vừa nói đó.
- Vậy tôi là người có tài nói những điều mà tôi không nghĩ. - Sâm cười khẽ, nụ cười mà tôi rất ghét. Tuy ngồi phía sau, tôi vẫn hình dung ra nụ cười nửa miệng của anh. Đó là nụ cười rất khó nắm bắt. Nó nửa như đùa giỡn nửa như giễu cợt.
Sâm là con người nguyên tắc. Anh không có kiểu nói năng khéo léo, mềm dẻo để lấy lòng người khác. Hai tuần đầu tiên tôi rất ác cảm với kiểu ăn nói đó, đến mức có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ việc. Rất may, qua tuần thứ ba lòng tôi dịu đi. Tất nhiên là mãi rất lâu về sau, khi những cuộc trò chuyện đã trôi qua và lúc tôi tái hiện lại trong đầu thì chúng đã mang một dáng vẻ khác, ít gay cấn hơn, tôi mới nhận ra Sâm không đến nỗi tệ lắm, những điều anh nói cũng chẳng có gì sai, nhưng ngay lúc đó thì tôi rất khó khăn để bắt mình bình tĩnh. Tôi cứ rơi vào cảm giác thèm gây gổ.
Có cả tỷ lý do để con người ta muốn nổi điên lên với chung quanh.
Tôi là cấp dưới của Sâm - đó là lý do đầu tiên, ở thế yếu nên tôi không thể cãi nhau tay đôi với anh. Sau này thì tôi hiểu đó là do tôi tự nghĩ thế, là do tôi tự trói tay trói chân mình - giống như một kiểu tự kỷ ám thị. Trên thực tế, nếu tôi cãi nhau với Sâm cả ngày chắc anh cũng chẳng hề khó chịu. Tôi nghĩ Sâm thậm chí còn thích tranh luận vì anh xem đó là cách để anh dạy việc cho tôi. Nhưng có lẽ lý do chính khiến tôi bực mình là tôi luôn đuối lý trước Sâm. Làm gì có chuyện một cô gái học việc hiểu biết hơn người quản lý cô ta? Tôi tự an ủi mình và phát cáu lên với ý nghĩ đó.
Hôm đó, sau khi rời khỏi chợ Nguyễn Tri Phương, Sâm chở tôi đến chợ Bến Thành. Len lỏi qua gian trái cây tràn ngập màu sắc, được bày biện đẹp đẽ và chất cao như núi, anh kéo tôi đến gian bán thịt heo, vui vẻ giới thiệu tôi với cô Mười, một người phụ nữ về sau tôi khám phá cả đời chỉ thích mặc quần lụa đen và áo vải bông sặc sỡ.
Lần này thì tôi không thắc mắc tại sao anh chọn mua thịt heo chỗ này. Ra khỏi chợ tôi nói ngay, giọng ngập trong hiểu biết:
- Vì thịt heo quầy cô Mười ngon nhất chợ Bến Thành phải không?
- Không, chợ Bến Thành có hai chỗ bán thịt heo ngon như nhau.
Một dấu hỏi bay lơ lửng trong đầu tôi. Câu trả lời của Sâm thật bất ngờ. Có cảm giác tôi luôn luôn bị hố khi nói chuyện với Sâm. Cái cảm giác của người bước hụt chân. Rất may lần này anh không thốt ra tiếng cười đáng ghét.
Tôi ngồi làm thinh phía sau nhưng Sâm vẫn biết tôi đang chờ anh giải thích.
- Chọn một bạn hàng tất nhiên vì chất lượng món hàng nhưng trên hết là ở chất lượng người bán món hàng đó.
- Chất lượng người bán? Anh không nói nhầm đó chứ? Chất lượng thịt heo thịt gà anh có thể kiểm tra bằng miệng, chứ chất lượng người bán anh kiểm tra bằng cái gì?
- Cũng bằng miệng.
- Anh cắn họ hả?
Sâm phớt lờ câu chọc ngoáy của tôi. Anh thản nhiên:
- Bằng miệng, tôi muốn nói là bắt chuyện vôi họ. Họ sẽ cho mình biết về chất lượng và nguồn gốc món hàng. Bằng năng lực thẩm định, mình sẽ biết họ nói thật hay nói dối. Có những người miệng rất dẻo, nói năng rất hay nhưng mình biết ngay là họ không thật thà. Giữa hai hàng thịt có chất lượng tương đương, mình sẽ chọn người bán nào kỹ lưỡng, đàng hoàng, trung thực. Tóm lại, tôi muốn nói đến đạo đức của họ. Từ từ rồi cô sẽ thấy, đạo đức mua bán bao giờ cũng dựa trên đạo đức cá nhân.
Tôi có cảm giác Sâm là một thầy giáo và tôi đang nghe anh giảng bài. Tôi hơi buồn cười dù tôi biết anh nói đúng. Lúc đó, tôi nghĩ anh cố tình nghiêm trọng hóa vấn đề và bằng cách đó hù dọa một ma mới như tôi.
Sau này tôi mới biết Lương, cô nhân viên tiếp phẩm trước tôi, bị chuyển sang công việc khác vì đã bỏ ngoài tai những chỉ dẫn của Sâm.
Lâu nay, quán ăn chỉ lấy trứng vịt chỗ dì Hai Anh ở chợ An Đông. Đó là chỉ định của Sâm. Sâm chỉ mua trứng mới, không mua trứng cũ, đặc biệt chỉ mua trứng có màu xanh nhạt, còn gọi là trứng cà cuống. Trứng cà cuống là loại trứng ngon, nhưng hiếm. Trong một thúng trứng chỉ có chừng mười, hai mươi quả trứng loại này. Sâm khó tính nhưng tiền bạc sòng phẳng, dì Hai Anh quý cái tính đó của anh, ngày nào cũng tẩn mẩn ngồi lựa trứng cà cuống để dành một rổ riêng. Một hôm Sâm ghé chợ An Đông, dì Hai Anh trông thấy, hỏi “Dạo này quán xá bán không tốt lắm hả con?”. Sâm lễ phép “Dạ, quán vẫn bán bình thường mà dì. Sao dì lại hỏi vậy?”. “Tại mấy tháng nay không thấy cháu Lương ghé lấy trứng nữa, dì tưởng là tụi con bán chậm”. Sâm về hỏi cô thu ngân “Dạo này món thịt kho trứng bán được không cô?”. “Vẫn bán được”. “Vậy sao cô Lương không lấy trứng chỗ dì Hai Anh nữa?”. Tìm hiểu một hồi, Sâm mới biết gần đây Lương chuyển sang mua trứng ở chợ Thái Bình. Lý do thứ nhất: chợ Thái Bình gần quán, khỏi phải đi xa. Lý do thứ hai: Trứng ở chợ Thái Bình rẻ hơn chỗ dì Hai Anh hai trăm đồng một quả. “Mua rẻ, lợi cho quán!”. Lương hồn nhiên giải thích. Sâm nổi cáu “Tôi thích mua mắc, không thích mua rẻ!”. Trước vẻ mặt ngớ ra của Lương, Sâm nói như vỗ vào mặt “Nhưng người quyết định mua hàng ở chỗ nào là tôi chứ đâu phải là cô!”.
Lương là một cô gái vui tính, lanh lợi, nhỏ hơn tôi một tuổi, đang học năm thứ ba ngành Sư phạm Ngữ văn tại Đại học Sài Gòn. Thoạt đầu, Lương thi vào ngành Giáo dục chính trị. Học được một năm, Lương bỏ ngang, nộp hồ sơ thi vào ngành Ngữ văn. “Sao kỳ vậy em?’. “Tại em yêu văn chương”. “Vậy là em bỏ phí mất một năm?”. Lương thản nhiên: “Đời còn dài mà chị. Em mất một năm nhưng được nhiều thứ khác, quan trọng là em được học ngành mình thích”. Lương thích để tóc mái bằng nên thoạt trông ai cũng tưởng nó là học sinh cấp ba. Ngày tôi vào quán, Lương đã chuyển qua làm tiếp viên. Lương là nhân viên bán thời gian, làm theo giờ, vì nó còn phải đến lớp. Tôi chỉ biết chuyện Lương bị điều chuyển công tác gần đây. Khi đã thân tình rồi, Lương mới kể cho tôi nghe. Và thú nhận “Em tưởng trứng nào cũng là trứng, đâu có biết trứng màu xanh ngon hơn”. Rồi ân cần dặn:
- Anh Sâm dặn mua hàng chỗ nào, chị nhớ mua chỗ đó nghe chưa.
- Cảm ơn em. Chị biết rồi.
Tự nhiên tôi buột miệng hỏi:
- Anh Sâm nhiêu tuổi vậy em?
Lương nheo mắt nhìn tôi, nhí nhảnh:
- Con gái ai lại đi hỏi tuổi con trai! Chị để ý anh Sâm rồi hả?
- Con quỷ con này! Tao hỏi thì mày trả lời đi!
Lương nhíu mày:
- Em đâu có biết. Chắc ảnh ba mươi quá à.
- Gì già dữ vậy?
- Thì ảnh già chát mà. Nói năng lúc nào cũng nghiêm nghị. Mặt mày thì khó đăm đăm. Còn khó hơn ông nội em!
Lương làm tôi phì cười:
- Ờ, và khó hơn ông ngoại của chị nữa!
Tôi năm nay hăm ba. Tôi đoán tuổi Sâm tầm hăm lăm. Cũng có thể là hăm sáu, hăm bảy. Lương nói đúng, Sâm trông chững chạc hơn tuổi, không chỉ do tính cách mà cồn do cách ăn mặc. Tôi, Lương và các nhân viên của quán bao giờ cũng đi làm sớm hơn giờ quy định khoảng năm, mười phút để vào nhà tắm thay đồng phục của quán. Sâm là ngoại lệ, từ sáng đến tối lúc nào cũng đóng bộ quần tây vải mềm ống suông, áo sơ mi màu nhạt không họa tiết, tay luôn luôn đeo đồng hồ trong khi bọn trẻ chúng tôi thích coi giờ trên điện thoại di động hơn. Đại khái trông Sâm rất giống một thầy giáo làng sắp nghỉ hưu.
Ông thầy giáo làng đó, sau khi rời khỏi chợ Bến Thành, đã chở cô bé học việc trên chiếc Cúp 81 cà tàng đi cả chục ngôi chợ khác nữa nằm rải rác ở các quận Đông Tây Nam Bắc trong thành phố. Chợ mua trứng, chợ mua rau, chợ mua cá… Chỉ nhớ tên chợ thôi đã chóng cả mặt với cô bé chỉ quen mua mì gói, xôi bắp, trứng vịt, đậu phộng rang ở các tiệm tạp hóa gần nhà.
Theo đà trái đất quay, rồi tôi cũng quen dần. Vào hôm tôi ghé chị Dần ở chợ Nguyễn Tri Phương ngay lúc cơn mưa buổi sáng vừa ngớt hạt và xách ra xe ba con gà đựng trong túi ni-lông, tôi đã làm việc ở quán được hai tháng và chiếc Cúp 81 của Sâm đã thuộc về tôi được một tuần.