Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 10
“Dạ, tháng sau con trả lời.”
Khi trả lời mẹ tôi như vậy, tôi có cảm giác đôi môi tôi đã hoạt động nhanh hơn ý nghĩ của tôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại hứa với mẹ tôi điều đó. Tôi đã bao nhiêu lần kiếm cớ trì hoãn khi ba mẹ tôi nhắc đến chuyện lấy chồng và tôi luôn đinh ninh tôi sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua xem ai kiên trì hơn ai này.
Nhưng rồi tôi đã nói “tháng sau con trả lời”, nghe như một cái gật đầu. Thật là điên!
Phải chăng ngoại cảnh đã tác động tới tâm trạng của tôi? Tôi bâng khuâng nghĩ, khi nhớ tới đôi thực khách quen thuộc. Cách đây một tuần, khách nam ghé quán. Lần đầu tiên tôi thấy ông vào quán không để ăn gì. Chỉ đứng giữa nhà, oang oang:
- Chú báo tin vui cho tụi con nè.
Lương láu táu:
- Chú và cô sắp cưới nhau hả chú?
- Chà, con nhỏ này! Chú ít thấy ai vừa đẹp vừa thông minh như con!
Lương cười tít mắt:
- Dạ, nhiều người cũng khen con vậy đó chú.
Sâm hỏi:
- Bữa nay chú tới đưa thiệp cưới cho tụi con hả?
- Chưa. - Khách tặc lưỡi - Chú và cô đã định in thiệp cưới nhưng còn kẹt cái địa điểm.
- Là sao hả chú?
- Chú và cô muốn tổ chức đám cưới tại quán tụi con. Dẫu gì đây cũng là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của cô chú. Nhưng chú phải hỏi tụi con trước.
Sâm chưa kịp đáp, Lương đã vọt miệng:
- Chắc không được đâu chú ơi. Quán tụi con nhỏ xíu à.
- Nhỏ thì mình làm quy mô nhỏ. Chú và cô chỉ mời tụi con và những bạn bè thật thân thiết thôi.
- Vậy bữa đó tụi con phải treo bảng nghỉ bán hả chú?
- Cứ bán bình thường. Tụi con bán bên khu A, còn đám cưới tổ chức bên khu B. Vậy là ổn!
- Không ổn đâu, chú ơi. - Vẫn Lương trả lời, trong bọn nó là đứa thân thiết với đôi thực khách này nhất - Nếu quán không đóng cửa, tụi con phải phục vụ khách, đâu có dự đám cưới của cô chú được.
- Chà, rắc rối hè. - Khách sờ cằm, phân vân - Hay là bữa đó mình đóng cửa?
- Đóng cửa cũng vậy à. Tụi con không thể vừa lăng xăng phục vụ đám cưới vừa ngồi một chỗ đóng vai khách mời của chính đám cưới đó được.
Sâm mặc cho Lương đối đáp. Anh đứng bên cạnh, nhìn khách bằng ánh mắt áy náy.
Chuyện lâm vào bế tắc. Khách vò đầu, thở hắt ra:
- Căng hè. Vậy để chú về bàn lại với cô.
Tôi không biết khách sẽ bàn lại với vị hôn thê của mình như thế nào và rốt cuộc thì đám cưới của họ sẽ tổ chức ở đâu nhưng trong khoảnh khắc đó tôi cảm thấy mình giống như chú gấu ngủ đông bị đánh thức. Tôi nhận ra tôi đã chìm đắm quá lâu trong câu chuyện cổ tích của chính mình. Tôi đã tự kể cho mình hằng đêm câu chuyện đẹp đẽ đó, đã bị nó huyễn hoặc đến mức bỏ ngoài tai những kế hoạch của ba mẹ để rồi thất vọng nhận ra tôi chỉ góp mặt ở phần đầu câu chuyện và hoàn toàn vắng bóng ở phần kết thúc. Chàng bạch mã hoàng tử cuối cùng rồi cũng đến, nhưng chàng đến với Tịnh, con gái ông Mười Thái, cô bạn chung phòng trọ với tôi.
Còn tôi, với hoàn cảnh éo le của mình, đã rất giống hình ảnh một học sinh bỏ lớp ngay khi học kỳ một vừa mới bắt đầu. Trong bộ phim tình cảm được đạo diễn bởi bàn tay của thần may rủi đó, hóa ra tôi chỉ là một nhân vật phụ ngớ ngẩn, chết ngay từ cú vấp té đầu tiên ở cảnh đầu tiên. Cũng may là khi đã thoát ra khỏi vai diễn khốn khổ của đời mình, tôi kịp nhận ra tôi không có lý do gì để nấn ná trước lời gợi ý của ba mẹ và lời hứa đầy quyết tâm “tháng sau con trả lời” có lẽ là thông điệp tôi muốn gửi cho chính bản thân mình.
Tịnh vẫn luôn thức dậy mỗi ngày trong dáng vẻ phơi phới yêu đời. Trừ những khi nhắc đến phòng khám tai mũi họng, là cái nơi càng nhắc nó càng chán, Tịnh lúc nào cũng hiện ra với vẻ rạng rỡ của một cô gái đang yêu. Tóc xoăn, môi đỏ, đôi mắt long lanh như hai vì sao đang chuẩn bị đổi ngôi, Tịnh càng ngày càng giống các cô gái mắt to bước ra từ truyện tranh Nhật Bản và điều đó khiến tôi cảm thấy cố níu kéo giấc mơ của mình là một việc vô ích. Trước khi mối quan hệ giữa Sâm và Tịnh xảy ra, tôi luôn tự tin về vẻ bề ngoài của mình, chỉ đến khi niềm tin đó lung lay thì tôi mới biết bọn con gái có chút nhan sắc bao giờ cũng thích cộng thêm điểm cho ngoại hình của mình, rồi đến một ngày chúng sẽ như tôi, buồn bã nhìn thực tế lạnh lùng trừ đi từng điểm một.
Cho đến hôm nay, Tịnh vẫn chưa biết gì nhiều về tôi. Nó không biết ba mẹ nó từng dạm hỏi tôi cho anh trai nó. Nó không biết tôi từng học chung với Quyền và ghét thằng này vô hạn. Tịnh cũng không biết mẹ tôi hiện nay đang làm thuê cho vựa trái cây của ba mẹ nó. Theo như Tịnh vô tình kể mới đây, thằng Quyền hiện đang sống ở Đà Nẵng. Quyền đang quản lý một khách sạn ông bà Mười Thái mua cho nó để mong thằng con lêu lổng biết chí thú làm ăn. Cũng là cách giam chân con mình trong hình thức thô sơ nhất.
Một hôm Tịnh hồn nhiên rủ tôi:
- Hai ngày nữa em về quê. Chị về chung với em không?
Tôi cũng đang định về nhà. Ngày mai quán sẽ tạm thời nghỉ bán một tuần để lót gạch lại nền nhà, sơn lại tường và sắp xếp lại các đường ống dẫn nước.
- Em nghỉ phép thường niên hả?
- Không. Mẹ em ốm, em phải về thăm.
Tôi và Tịnh cùng huyện nhưng ở hai xã khác nhau. Tù trước đến nay tôi chưa bao giờ ghé nhà nó. Cũng không có lý do gì để ghé, nhất là thằng Quyền đang ở đó. Nghĩ đến chuyện chạm mặt thằng này, đặc biệt sau lần nó đòi ba mẹ nó hỏi cưới tôi cho nó, tôi nghe gai ốc nổi khắp người.
Tịnh tất nhiên không biết chuyện oái oăm đó. Về nhà hôm trước, hôm sau nó điện thoại cho tôi:
- Hôm nay chị rảnh không, qua nhà em chơi!
Lời mời của Tịnh khiến tôi bất giác đưa tay véo má mình một cái. Xưa nay, dù trọ chung phòng, tôi và Tịnh không thân thiết đến mức tôi qua nhà nó hay nó qua nhà tôi mỗi khi hai đứa về quê. Kể cả những ngày lễ Tết, Tịnh cũng chưa từng rủ tôi ghé nó chơi. Hôm nay con nhỏ này làm sao thế nhỉ? Tôi chép miệng, lấp lửng:
- Để chị xem ba mẹ có kêu chị làm gì không đã. Rồi chị trả lời em sau.
Đến nhà nhỏ Tịnh lúc này, tôi không sợ gặp thằng Quyền. Tôi cũng không sợ vợ chồng ông Mười Thái nhận ra tôi. Chắc chắn họ không biết đứa con dâu hụt của họ mặt ngang mũi dọc ra sao. Nhưng thật lòng tôi không cảm thấy hào hứng khi nghĩ đến chuyện ghé nhà Tịnh. Sau những gì đã xảy ra, tôi không ghét Tịnh nhưng dĩ nhiên tôi cũng không yêu nó hơn. Làm sao bạn có thể yêu kẻ vừa chen ngang vào đời sống tình cảm của mình? À, một kẻ đang yêu thì họ nhìn đời như thế nào nhi? Thốt nhiên tôi lẩm bẩm. Chắc họ sẽ thấy cuộc đời đẹp lên trong mắt họ. Cây mộng mơ trong hồn họ sẽ trổ hoa. Và trong lòng họ chắc chắn sẽ có chim về hót. Nghĩa là hoàn toàn khác với tâm hồn héo úa của tôi. Tôi chợt nhớ hai câu thơ trong bài thơ mới nhất của Lương:
Trong hồn tôi hoa trái rụng âm thầm
Khu vườn cũ ong thôi về làm tổ
Khi Lương khoe tôi bài thơ của nó vừa được đăng trên báo Áo Trắng, tôi tặc lưỡi:
- Thơ buồn vậy em. Em đang thất tình hà?
- Đâu có. - Lương toét miệng ra cười - Em nhìn người khác yêu và tưởng tượng ra thôi.
- Tao đập mày nghe, con quỷ con!
Tôi nạt Lương mà lòng chùng xuống. Đúng rồi, chỉ có hồn tôi là mối mọt về xây thành. Còn Tịnh, chắc lồng ngực thanh xuân của nó đang căng phổng và trái tim nó đang đập từng hồi rộn rã. Con người nó trở nên lấp lánh vui tươi cởi mở. Người ta bảo đó là tâm trạng khi yêu. Khi yêu, người ta muốn ôm cả thế giới vào lòng. Và người ta muốn rủ người khác đến chơi nhà.
Trong khi tôi đang đắn đo không biết có nên nhận lời của Tịnh hay không, mẹ tôi kêu tôi, bảo:
- Con đem chục cam này qua biếu bà Mười Thái giùm mẹ. Nghe nói bả đang ốm.
Tôi nhăn nhó:
- Người ta là chủ vựa trái cây, mẹ tặng cam khác nào chở củi về rừng.
- Thì biết vậy. Nhưng đây là mình bày tỏ tấm lòng.
Tôi tìm cớ thoái thác:
- Con không biết nhà bà Mười Thái.
- Đường ở trong miệng chứ đâu. Nhà bà Mười Thái cả huyện này ai chẳng biết.
- Sao mẹ không đi mà sai con? - Tôi tiếp tục vùng vằng.
- Con bé này! Hôm qua mẹ bị dưa hấu rớt trúng chân, còn ê ẩm đây nè.
Nhà bà Mười Thái ở ngay huyện lị. Nhà của khu đó san sát, sầm uất hơn chỗ tôi nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn theo mẹ đi chợ huyện nhưng tôi chưa lần nào bước chân vào nhà bà Mười Thái, kể cả khi biết bà là mẹ của Tịnh.
Đó là ngôi nhà ba tầng mái nhọn, tường quét vôi trắng, với những bao lơn hình lục lăng nom rất kiểu cách. Sân rộng, bao quanh bởi hàng rào lắp bằng những thanh kim loại trắng. Ngay cạnh hai trụ cổng bằng đá hoa cương là hai trụ đèn cao có lẽ để thắp sáng ban đêm. Dây trang leo um tùm phủ kín hàng rào, hoa màu tím hồng chen chúc với huỳnh anh vàng rực rỡ.
Trước khi đi, tôi không gọi điện cho Tịnh, định gây bất ngờ. Nhưng đến đây rồi thì tôi lại ngại vào nhà. Tôi dừng xe tuốt đằng xa, tắt máy nhưng vẫn ngồi trên yên, ngập ngừng đưa mắt nhìn ngôi biệt thự sang trọng. Mình có nên vào không nhỉ? Vào thì sao, không vào thì sao? Mà tại sao lại không vào khi mình đã chạy đến tận đây? Tôi tự hỏi, hoang mang, lừng khừng, cảm thấy đầu óc ngu đi từng chút một. Đang bần thần nghĩ ngợi, người tôi chợt run lên khi sực nhớ ra vợ chồng bà Mười Thái có thể không biết mặt tôi nhưng khi nghe tôi xưng mình là con bà Cầm, tên của mẹ tôi, thế nào họ cũng sẽ biết tôi chính là đứa con gái đã từ chối con trai họ. Lúc đó không biết họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt như thế nào, và họ có sẽ buồng lời mỉa mai hay trách tôi không. Ờ, mẹ mình lẩm cẩm đã đành, còn mình sao không nghĩ ra chuyện này từ sớm nhỉ?
- Về thôi!
Tôi bặm môi, đưa tay bật công tắc xe. Nhưng tôi vẫn chưa nổ máy ngay. Khi tia nhìn chạm phải giỏ cam đang treo ở sườn xe, tôi lại ngần ngừ. Nếu không đưa giỏ trái cây này cho bà Mười Thái, tôi không biết phải trả lời như thế nào với mẹ tôi.
Đang tiến thoái lưỡng nan, tôi bỗng giật bắn người khi nhìn thấy Sâm. Thoạt đầu tôi không nghĩ đó là anh. Sâm không thể xuất hiện ở đây được. Vào giờ này lẽ ra anh đang bận tối mày tối mặt ở Sài Gòn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chuyện chỉnh trang quán xá. Tại sao anh bỏ hết công chuyện để đến một nơi xa xôi như thế này và đến làm gì? Tôi đưa tay dụi mắt hai ba lần. Đến lần thứ ba thì tôi biết mình không trông lầm.
Vẫn trong bộ dạng thầy giáo làng với quần tây áo sơ mi tay dài, lần này thêm chiếc nón vải thùm thụp kéo xuống tận trán, Sâm đứng lấp ló trước hàng rào nhà bà Mười Thái. Không nhìn thấy chiếc xe nào bên cạnh, tôi đoán anh đi bộ tới đây. Đang thắc mắc, tôi bỗng đưa tay lên gõ đầu mình một cái: Ngu ơi là ngu! Sâm mò xuống tận dưới này dĩ nhiên là để đi thăm mẹ Tịnh. Nghe tin mẹ bạn gái bị ốm, chàng trai nào mà không tận dụng cơ hội để ghi điểm trong mắt người mình yêu. Bất giác tôi thấy mình ghen tị với Tịnh, vừa ngạc nhiên về sự ghen tị đó. Về chuyện tình cảm, tôi đã buông tay, đã gắn như không còn vướng bận gì. Nhưng bây giờ lòng tôi lại cồn lên cảm giác khó chịu. Tôi cắn môi, khẽ lúc lắc đâu và tự giải thích: Có lẽ những cảnh gai mắt như thế này diễn ra sau lưng không làm con người ta rơi vào tâm trạng tồi tệ như khi chúng đập thẳng vào mắt.
Tự nhiên tôi nghĩ đến thằng Sẹo, một hình bóng mông lung mà tôi biết thế nào ba mẹ tôi cũng sẽ nhắc tới trước ngày tôi quay lại Sài Gòn. So với Sâm, dù sao thằng Sẹo cũng chưa từng làm tổn thương tôi, trừ lần duy nhất nó kiên quyết không cho tôi lại gần sau ngày mẹ nó mất. Ờ, chỉ có một lần đó thôi.