Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 14
Khách nam lại đến quán.
Như thường lệ, ông ập vào như cơn lốc.
- Rồi, rồi! Chú và cô quyết định rồi! - Khách hét lên đầy hứng khởi, mặt rạng ra, trông ông giống như giám đốc công ty chuẩn bị công bố quyết định tăng lương cho nhân viên.
Lương đứng ngay cửa, toét miệng cười:
- Chuyện đám cưới hả chú?
Khách trợn mắt:
- Lúc này có chuyện gì quan trọng hơn chuyện đám cưới nữa đâu, con.
- Rốt lại cô chú định tổ chức ở đâu?
- Dĩ nhiên không thể tổ chức ở quán tụi con rồi.
- Khách nheo mắt ngó Lương - Con nói đúng. Tổ chức ở quán, tụi con đâu có ngồi yên một chỗ để dự đám cưới cô chú được, đúng không?
- Vậy chắc chú tổ chức ở nhà hàng năm sao?
- Ngàn sao luôn! - Khách khoa tay, rồi vui vẻ giải thích - Chú sẽ tổ chức ở ngoài trời.
Nói xong, khách lấy từ trong túi xách một xấp thiệp mời, đưa Sâm:
- Con phát cho mấy đứa giùm chú.
Rồi nghiêm giọng dặn:
- Ê, mà cấm tụi con đi quà cáp, tiền bạc gì nghe chưa. Tụi con là sinh viên, làm gì có tiền.
Khách giơ ngón tay trỏ, hăm dọa:
- Đứa nào đi phong bì, hôm sau chú ghé quán trả lại đó.
Khách lật đật đi ra, cũng chớp nhoáng như khi đi vô.
Tôi đọc thiệp mời, thấy đám cưới tổ chức ở khu du lịch Cỏ Xanh bên Nhà Bè.
Chủ nhật đó, quán chỉ mở cửa buổi sáng. Trưa, Sâm treo bảng nghỉ bán cho mọi người ở nhà sửa soạn để buổi chiều đi đám cưới.
Khu du lịch Cỏ Xanh nằm trên một bãi cỏ rộng mênh mông, có hai nhà hàng lớn nằm cạnh hồ sen. Lúc bọn tôi tới, nhà hàng bên trái đang treo đèn kết hoa, tiếng nhạc xập xinh, tấm bảng “Lễ thành hôn” đỏ tươi nằm vắt ngang cổng chào.
Nhưng đó không phải là đám cưới của đôi thực khách quen. Cả bọn tẽn tò kéo qua nhà hàng bên phải, thấy bên trong khách nhậu ngồi san sát, cười nói ồn ào. Tiếng cụng ly chan chát, tiếng “dzô, dzô” chói tai cho biết đây cũng không phải là nơi chúng tôi định đến.
Trong khi cả bọn đang dáo dác nhìn quanh, khách nam từ xa chạy tới, hổn hển:
- Nè, nè, mấy đứa! Nãy giờ tụi con đi đâu vậy?
Khách mặc áo vét, cài nơ đỏ trước ngực áo, nhìn lạ hoắc.
- Tụi con đang đi tìm.
- Ở đâu đây mà tìm. - Khách ngoắt tay - Đi theo chú.
Lương nhìn chú rể ăn mặc trịnh trọng kéo một đám thanh niên lóc chóc rối rít khua chân trên cỏ, ghé tai tôi tủm tim:
- Giống đang đuổi bắt gà quá hả, chị.
Giữa bãi cỏ rộng mọc lên một cái quán giống hệt cái quán của bọn tôi. Quán dựng bằng vật liệu nhẹ nhưng trang hoàng rất đẹp. Cũng có khu A, khu B với hai căn gác nhỏ phía trên. Phía trước cũng có hai chậu cau kiểng kê hai bên lối vào. Dàn huỳnh anh vàng quấn quít trên lan can, hoa lá rũ lòa xòa, quẹt cả vào tóc vào áo khách.
- Thấy chưa, mấy đứa! - Khách đắc ý - Có khác gì đang tổ chức ở quán của tụi con đâu.
Đến khi ngồi vào bàn, tôi lại tiếp tục há hốc miệng.
Các món đãi khách trong tiệc hóa ra cũng toàn những món ở quán bọn tôi.
- Bó tay chú này luôn! - Sâm dựng mắt, sửng sốt
- Hèn gì hồi sáng thấy có người đặt món quá trời. Mình cứ tưởng hôm nay có khách đãi tiệc công ty.
Sự ngạc nhiên cô dâu chú rể tạo ra không dừng lại ở đó.
Cả bọn đang ăn, bỗng giật này mình khi nghe chú rể kêu lớn:
- Lương, lấy thêm chén đũa cho bàn này đi con!
Trong khi bọn tôi ngơ ngác nhìn nhau, Lương nhấp nhổm định đứng lên.
- Ngồi xuống đi, cô! - Sâm vọt miệng cản - Không phải chú kêu cô đâu.
Quả thật khách nam không kêu Lương. Từ chỗ quấy phục vụ, một cô bé tóc đuôi gà mặc đồ tiếp viên nhanh nhẹn bước tới chỗ cô dâu chú rể đứng với chén đũa trên tay.
Suốt buổi, cả hai nắm tay nhau đi lòng vòng các bàn tiệc, tươi cười chụp hình kỳ niệm. Chốc chốc lại kêu ầm:
- Sâm ơi, đem thùng bia lại đây!
Cô dâu chú rể đi một vòng, tên tuổi bọn tôi bị chú lôi ra hầu như không sót đứa nào. Thì ra chú không chỉ thuê chỗ xây sảnh cưới giống quán, đãi các món ăn của quán mà tên các tiếp viên chú cũng đặt theo tên của mấy đứa trong quán luôn.
Cuối cùng, cả hai bước đến bàn bọn tôi.
Chú rể hớn hở:
- Thấy chú sáng tạo không, tụi con?
- Sáng tạo lắm, chú. - Lương nhanh nhẩu - Chú làm tụi con ngồi ăn mà cứ giật mình thon thót!
- Con nhỏ này! - Khách cười hì hì - Con đừng có ghen tị với sự thông minh của chú chứ!
Khách nữ ngoái đầu nhìn cô bé tóc đuôi gà đang bưng mâm bánh đứng sau lưng:
- Đưa bánh cho cô đi, Lương.
Cô dâu đặt xuống trước mặt mỗi đứa một chiếc hộp vuông màu sắc trang nhã:
- Bánh may mắn. Tụi con đem về làm kỷ niệm.
Chiếc hộp đẹp đẽ đó, tôi về nhà mở ra, thấy bên trong là chiếc bánh ít lá gai. Cũng là bánh của quán. Chưa bao giờ tôi dự một đám cưới lạ lùng như thế. Hôm đó, cả bọn cười đùa vui vẻ nhưng tôi biết trong lòng đứa nào cũng cảm động.
Lương nói với tôi:
- Sau này em sẽ làm đám cưới giống như cô chú. Thuê một bãi cỏ, dựng một cái quán, đặt những món ăn và cao giọng quát “Khuê, cho thêm chén đũa bàn này đi, chị”. Thật là sung sướng!
- Sung sướng nè!
Vừa nói tôi vừa véo Lương khiến nó la oai oái và nhanh chân vọt tuốt ra xa.
Đôi vợ chồng nọ - bây giờ thì có thể gọi họ là vợ chồng, có lẽ nằm trong số ít người biết cách làm cho cuộc sống của mình thêm giàu có. Trong mắt họ, cuộc đời lúc nào cũng đẹp, gần như không có tạp chất kể cả khi họ chia tay, hoặc nếu có như không thể không có thì họ cũng biết gạn lọc và giảm nó xuống mức thấp nhất.
Bất giác tôi thèm được như họ. Tôi không muốn đời sống tinh thần của mình lức nào cũng bị vây bọc và nhấn chìm trong sự hỗn loạn. Nghe lời ba mẹ trong trường hợp của tôi có lẽ là một quyết định không tồi. Đâu phải chuyện gì ở đời cũng có được chọn lựa đúng, chỉ gần đúng thôi đã tốt lắm rồi. Tôi nhớ lời Lương nói “Yêu đương mất thì giờ. Mà con gái tụi mình thì không có nhiều thì giờ để mất”. Lương nói đúng, tôi đã mất quá nhiều thì giờ vào những tháng ngày mộng mị. Một thời gian dài trái tim tôi giống như hạt thóc ngủ quên trên cánh đồng khô hạn, chờ tình yêu nảy mầm trong vô vọng.
Mẹ tôi lại gọi điện lên:
- Còn ba ngày nữa thôi đó, con.
- Dạ.
- Con phải về đó nghe.
- Dạ.
“Dạ” xong, tôi chợt hoang mang:
- Ủa, nhưng về làm gì hà mẹ?
- Cái con này! Về để đàng trai coi mắt chứ để làm gì! Con bảo mười mấy năm nay con không gặp thằng Sẹo, không biết mặt mũi nó tròn méo ra sao. Đây chính là dịp để con gặp lại nó.
- Nếu sau khi gặp thằng Sẹo, con không đồng ý lấy nó thì có được không?
- Con đừng có nói chuyện trẻ con! - Mẹ tôi có vẻ giận.
- Không được! - Tôi cương quyết - Ba mẹ phải cho con quyền quyết định, con mới về.
Nghe tôi dọa, mẹ tôi đành nhượng bộ:
- Thôi được, tới lúc đó rồi tính.
Sau khi chứng kiến những gì xảy ra giữa Sâm và Tịnh, tôi đã quyết tâm nghe lời ba mẹ. Nhưng khi ngày đó đến gần, tôi đâm ra ngần ngừ, sợ hãi. Thậm chí có lúc tôi bắt quả tang mình đang nghĩ đến chuyện chạy trốn. Nhưng ba mẹ tôi đã lỡ ấn định ngày gặp mặt với bên nhà ông Bảy Sớm rồi. Ba mẹ tôi đã tin tôi, tôi không thể biến ba mẹ tôi thành những người thất tín. Tôi chỉ biết tự trấn an: Không sao, đằng nào sau lưng tôi vẫn còn đường lùi! Đồng ý gặp thằng Sẹo đâu có nghĩa là đồng ý lấy nó!
Nhưng tôi rất ghét chuyện coi mắt.
- Mẹ ơi, hôm đó chỉ gặp nhau cho vui thôi nha, không có coi mắt coi miếc gì hết á. Con không thích!
- Được rồi. Mẹ sẽ làm một bữa cơm, mời họ qua ăn thôi.
Mẹ tôi lại chiều ý tôi. Tất nhiên tôi biết thừa sở dĩ hôm nay mẹ tôi dễ dãi như vậy chẳng qua dù tôi có vùng vằng cỡ nào, mẹ tôi vẫn là người chiến thắng. Mẹ chỉ cần tôi về quê. Mẹ cần tôi ngồi lại với gia đình thằng Sẹo. Mẹ tôi chỉ cần có vậy. Coi mắt hay không coi mắt thì bản chất cuộc gặp gỡ cũng không thay đổi. Tôi biết sau đó mẹ tôi sẽ bằng mọi cách thuyết phục tôi gật đầu với lời dạm hỏi của ông Bảy Sớm nếu lúc đó đầu tôi chỉ muốn lắc. Tôi biết, tôi biết và tôi biết… Và tôi cảm thấy mệt mỏi vì cái sự biết đó, nửa muốn phản kháng đến cùng nửa muốn liều nhắm mắt đưa chân để xem rốt cuộc tôi sẽ trôi đến đâu trong dòng xoáy của cuộc đời này.