Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Chương 21

Tôi nhớ ba tôi chưa bao giờ ôm tôi. Dĩ nhiên là ba tôi rất thương tôi nhưng cách bày tỏ tình cảm của ông không hề giống với mẹ tôi. Ba tôi nói đánh là đánh chứ không có kiểu đánh đòn vờ vịt như mẹ tôi hay như các bà mẹ khác trong làng. Tôi nhớ lần mẹ thằng Triều đánh con. Hôm đó trong giờ ra về, thằng Triều vật nhau với thằng Bích ngay cổng trường. Hai đứa kéo qua kéo lại một hồi, áo thằng Bích rách toạc. Lát sau mẹ thằng Bích cầm chiếc áo rách xăm xăm qua nhà Triều, làm ầm ĩ.

Mẹ thằng Triều xin lỗi rối rít, tức tốc lôi thằng con vào nhà, đóng sầm cửa lại.

- Đồ hư đốn! Ai dạy mày đánh nhau với bạn hả? Leo lên giường nằm sấp xuống!

Bọn tôi đứng bên ngoài nghe tiếng mẹ thằng Triều thét lên giận dữ, rồi tiếng roi vụt đen đét, tiếng thằng Triều khóc lóc vang nhà. Đứa nào đứa nấy nổi da gà, mặt mày xanh lè như thể chính mình bị đòn.

Nhưng khi nỗi sợ lắng xuống, óc tò mò lập tức nổi lên. Bọn tôi nhón chân lần đến sát vách nhà, thập thò nhìn qua khe hở. Hóa ra mẹ thằng Triều chả đánh nó roi nào. Bà chỉ đét roi lên chiếc gối bông gòn, cứ đét một roi lại mắng một câu:

- Đánh lộn nè!

- Cho mày chừa nè!

- Roi này cho mày nhớ đời nghe con!

Thằng Triều ngồi đằng bàn, đang xì xụp húp bánh canh. Cứ mẹ nó hét một câu, nó lại ngẩng đầu khóc rống lên:

- Hu hu, con biết tội rồi.

- Híc híc, con không dám nữa.

Xong lại vục mặt vào tô bánh canh ăn tiếp. Hai mẹ con phụ họa nhịp nhàng đến mức mẹ thằng Bích lắng tai nghe một lát, chừng như thỏa mãn về cách dạy con nghiêm khắc của bà hàng xóm, cầm chiếc áo quày quả ra về, lật đật đến quên luôn chuyện bắt đền.

Những ông bố lại khác. Ba tôi mà bảo “leo lên giường nằm sấp xuống” thế nào sau đó tôi cũng nát đít. Từ bé đến lớn, những gì tôi nhân được từ ba tôi chỉ là những lời răn dạy, rầy la và những trận đòn. Nhưng, một cách tự nhiên tôi vẫn cảm nhận được tình thương của ba tôi qua sự giáo huấn khắt khe đó. Tôi lớn lên trong kiểu thương con khô khan của ba tôi, đã quen với nó đến mức nếu hôm nào ba tôi cao hứng ôm tôi trong vòng tay chắc lưng tôi sỗ nổi đầy gai ốc.

Thế nhưng trong ngày mẹ tôi mất, ông đã làm cái chuyện tôi không bao giờ nghĩ ông sẽ làm là ôm chặt lấy tôi, lạ lùng hơn nữa là lân đầu tiên tôi chứng kiến ông khóc. Ba tôi không khóc thành tiếng. Âm thanh tôi nghe được là những tiếng nấc, dường như đó là tiếng khóc bị kềm nén, chỉ bục ra từng chặp qua hơi thở. Nhưng ba tôi chỉ kềm được tiếng khóc. Còn nước mắt thì ông không ngăn được. Ông ôm tôi một hồi, cái đầu đầy sẹo của tôi ướt đẫm như vừa được tắm gội.

- Tội nghiệp mẹ con.

Tôi nghe tiếng ông thầm thì, xót xa và đau đớn. Tôi không biết ông nói với tôi hay nói với chính mình, bất giác tôi bật khóc theo.

Tôi yêu ba tôi, cũng như tôi luôn yêu mẹ tôi. Kết quả xét nghiêm ADN chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu đó. Đó là thứ tình cảm được sinh ra cùng với tôi, như cặp anh em sinh đôi và không điều gì trên đời có thể chia tách được, kể cả sau này khi tôi già yếu và chết đi.

Dần dần tôi nhân ra khi mẹ tôi không còn nữa, tôi bắt đầu nghĩ đến bà nhiều hơn và từ lúc đó tôi mới hiểu bà đã thương tôi và hy sinh cho tôi biết chừng nào trong từng ấy năm. Trong những ngày tháng khó khăn, mẹ tôi luôn là người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong nhà. Bà không bao giờ ăn đủ no. Sau này nhớ lại những tiếng vét nồi vụng trộm vọng lên từ gian bếp, tôi mới cảm động biết bà vờ buông đũa trong bữa ăn để nhường cơm cho tôi. Những món thịt cá hiếm hoi trên bàn cũng vậy, bà luôn dành những gì ngon nhất cho hai cha con tôi. Bà vui vẻ “Mẹ chỉ thích ăn xương. Gặm xương là ngon nhất”, và tôi luôn hồn nhiên tin vào lời giải thích của mẹ tôi.

Sau ngày mẹ tôi mất, tôi như hóa thành con người khác. Tôi trưởng thành hơn, trầm tư hơn và từ từ hiểu được những gì trước đây chỉ lướt ngang qua tâm trí tôi một cách hời hợt. Sự hiểu biết muộn màng đó càng khiến tôi thêm khổ tâm.

Lạ một điều, lúc đó tôi không hề băn khoăn ba thật của tôi là ai. Và tại sao tôi lại là con của người nào đó không phải là ba tôi. Có lẽ sự ra đi bất ngờ của mẹ tôi đối với tôi là một cú sốc quá lớn. Nó khiến tôi không còn đầu óc nào nghĩ đến bất cứ điều gì khác. Chưa kể, trái tim non nớt của tôi chỉ chấp nhận một sự thật: Ba tôi chính là người đã nuôi dạy tôi từ nhỏ đến lớn - và những ngày này nỗi đau mất vợ đang choán hết con người ông, làm ông suy sụp đến mức có lúc tôi phải ôm lấy ông thay vì ngược lại.

Tôi biết ba tôi luôn yêu mẹ tôi. Dù từ lâu ông đã nhận ra tôi không có nét gì giống ông, nhưng không vì vậy mà cách cư xử của ông với mẹ tôi lạnh nhạt đi. Ngay cả khi đã có kết luận bất lợi của bệnh viện về mặt huyết thống giữa hai cha con tôi, ông vẫn không một lời chì chiết mẹ tôi. Có thể lúc đó trái tim ba tôi đang tróc ra từng mảng nhưng tình yêu sắt son ông dành cho mẹ tôi vẫn không hể bị vấy bẩn. Trong buổi chiều mưa gió bão bùng mà tôi không bao giờ quên đó, chỉ có bà nội tôi và các cô tôi thi nhau nói. Ba tôi ngồi lặng trên ghế suốt mấy tiếng đồng hồ, hoang mang, cam chịu và bất lực. Có thể ông rất muốn lên tiếng bênh vực mẹ tôi nhưng ông lại không nghĩ ra lý do gì thuyết phục.

Tất cả đều chống lại ba tôi trong ngày hôm đó.

***

Tôi biết được ba ruột của tôi một cách hết sức bất ngờ. Và điều đó xảy ra rất nhanh, chỉ hai tháng sau ngày mẹ tôi mất.

Hôm đó trên đường đi học về, tôi nghe có tiếng “rù rù” bám lẵng nhẵng sau lưng tôi. Cảm giác có người đi theo mình, tôi chột dạ ngoảnh đầu lại, thấy thầy Kiểm đang chạy chiếc Future chầm chậm phía sau. Thầy Kiểm là chú thằng Quyền, đang dạy lớp Ba ở trường tôi. Hằng ngày thầy chạy theo đường lớn dẫn về huyện lị, không hiểu sao bữa nay thầy đi ngõ này.

Tôi đi bộ nên để giữ khoảng cách với tôi, thầy vặn tay ga nhỏ hết mức, chiếc xe có lúc nghiêng qua một bên làm thầy chốc chốc phải lết chân xuống mặt đường. Sau lưng thầy, thằng Quyền đang ngồi ôm cứng chiếc cặp sách nhe răng ra cười với tôi.

Tôi nép qua vệ đường, cúi đầu lễ phép:

- Con chào thầy.

Thầy Kiểm dừng xe lại, nheo mắt nhìn tôi:

- Con học cùng lớp với bạn Quyền sao trước nay thầy không thấy con kìa?

Thầy Kiểm không trông thấy tôi bởi vì tụi bạn không cho tôi nhập bọn, đến trường tôi chỉ lảng vảng xa xa và nhìn tụi nó bằng ánh mắt thèm thuồng. Nhưng tôi không giải thích với thầy, chỉ “dạ” lí nhí trong cổ họng.

Thằng Quyền bô bô:

- Thằng này nó toàn chơi một mình không à, chú.

Thầy Kiểm vẫn nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

- Nhà con ở đâu?

Tôi chỉ tay về phía trước:

- Dạ, nhà con ở cạnh nghĩa trang đó, thầy.

- Ba mẹ con là ai?

- Dạ, con là con ông Bảy Sớm.

Thầy Kiểm chắc không biết ba tôi. Nên thầy nhướn mắt:

- Ba con làm nghề gì?

- Dạ, ba con lái xe cứu thương.

Thầy Kiểm tiếp tục tò mò:

- Còn mẹ con?

- Dạ, mẹ con mất rồi.

Thằng Quyền lại chen ngang:

- Mẹ nó rớt xuống sông chết đuối hai tháng trước đó, chú.

Giọng thầy Kiểm chùng xuống.

- À, thầy có nghe về tai nạn của mẹ con. Cho thầy chia buồn với con nhé.

- Dạ, con cảm ơn thầy.

Thầy Kiểm chỉ tay ra sau:

- Con leo lên đây, thầy chở về.

Trong khi tôi tròn mắt trước đề nghị đột ngột của thầy, thằng Quyền nhăn nhớ phản đối.

- Chỗ đâu mà chở thêm nó, chú.

- Con ngồi xích vô chút là được mà.

Cho tới khi thầy Kiểm bỏ tôi xuống trước cổng, tôi vẫn ngơ ngác không hiển tại sao hôm nay thầy lại có hứng trò chuyện với tôi, còn chở tôi về tận nhà trong khi trước đó thầy không hề biết tôi là ai.

Như để làm tôi bối rối hơn nữa, trước khi quay xe về, thấy hỏi:

- Ba con có nhà không?

- Dạ, ba con bữa nay đi làm nguyên ngày, tối mới về.

- Khi nào ba về, con nói tối nay thầy qua chơi nhé.

- Dạ.

Thằng Quyền có lẽ cũng ù ù cạc cạc như tôi. Tôi nghe nó làu bàu với chú nó, vẻ bất bình:

- Qua nhà thằng này chi vậy, chú?

Qua nhà tôi tối đó hóa ra không chỉ có thầy Kiểm. Khi nghe thầy giới thiệu hai người đi chung với thầy là vợ chồng ông Mười Thái, ba mẹ thằng Quyền, tôi kinh ngạc đến há hốc miệng.

Ba tôi cũng ngỡ ngàng không kém gì tôi. Trông mặt ông cứ như đang có một bầy khủng long thình lình xông vào nhà.

- Các anh chị ghé chơi chắc có chuyện gì? - Ba tôi dè dặt hỏi khi mọi người đã ngồi xuống ghế.

Thầy Kiểm mặt mày nghiêm trọng:

- Dạ, tụi tôi có chút chuyện muốn thưa với anh Bày. Tôi đứng khép nép đằng góc nhà, bụng thót lại khi thấy vợ chồng ông Mười Thái cứ dán mắt vào tôi. Cái cách họ dùng mắt mân mê tôi từ dưới lên trên rồi từ trên xuống dưới khiến tôi thấy nhột nhạt kinh khủng.

Tôi biết họ đang quan sát tôi nhưng tại sao họ lại chú ý đến tôi thì tôi không rõ. Vừa đặt chân vào nhà, vợ chồng ông Mười Thái chỉ chào ba tôi một tiếng lấy lệ, rồi lập tức họ quay sang tôi và kể từ lúc đó họ không nhìn đi đâu nữa. Tôi để ý thấy họ nhìn tôi một hồi rồi quay sang thì thầm với nhau rồi lại tiếp tục nhìn tôi chăm chú.

Ba tôi gật đầu:

- Dạ, có gì thì thầy cứ nói.

Thầy Kiểm khẽ liếc về phía tôi, hạ giọng:

- Anh có thể kêu cháu đi ra chỗ khác không?

Ba tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn quay sang tôi:

- Ra ngoài sân chơi đi, con! Để ba và các cô chú nói chuyện!

Tôi không dám đi ngang qua chỗ vợ chồng ông Mười Thái ngồi nên vòng qua cửa bếp, chạy vù ra sau hè.

Chuyến ghé thăm bất thường của thầy Kiểm và ba mẹ thằng Quyền, cả thái độ lạ lùng của họ nữa, khiến tôi vừa tò mò vừa có cảm giác lo lắng mơ hồ. Tôi rất muốn nấp sau cửa sổ lắng nghe xem họ nói gì với ba tôi nhưng sợ bị phát hiện, tôi đành đi thẳng ra ao rau muống sau nhà, đứng nhìn đom đóm bay lập lòe trên hàng giậu ngăn cách mảnh vườn với nghĩa trang và nơm nớp thả hồn theo những ý nghĩ mông lung.

Chỉ đến khi nghe tiếng xe nổ máy trước sân, biết khách sắp sữa ra về, tôi mới rón rén bước vào nhà. Đáng lẽ leo lên giường ngủ, tôi cố tình luẩn quẩn quanh bàn ăn chờ xem ba tôi có nói gì hay không nhưng sau khi tiễn khách, ba tôi không hề hé môi một tiếng nào. Tôi chỉ thấy ông ngồi thừ trên ghế, mặt mày lộ vẻ trầm ngâm, thinh thoảng liếc tôi bằng ánh mắt khác lạ và kín đáo buông những tiếng thô dài.

Sáng hôm sau, ba tôi ra khỏi nhà thật sớm. Tôi không biết ông đi làm hay đi đâu, vì ông không nói cũng không đập tôi dậy đi học theo thói quen.

Đến lớp, tôi mon men lại gần thằng Quyền:

- Mày có biết hôm qua ba mẹ mày đến nhà tao không?

- Không. - Quyền ngơ ngác - Ba mẹ tao ghé nhà mày thật à?

- Ờ. Có cả chú mày nữa.

- Ba mẹ tao đến nhà mày làm gì? - Quyền nhìn chòng chọc vào mặt tôi.

- Tao không biết. - Tôi nhún vai - Lúc đó tao ở ngoài hè.

Quyền xộc tay vào mái tóc, trán nhăn tít:

- Khó hiểu thật! Tự nhiên lại ghé nhà mày!

Nó tia nước bọt qua kẽ răng:

- Để lát về tao hỏi chú tao.

Chắc chắn hôm đó Quyền đã chất vấn chú nó. Chất vấn cả ba mẹ nó nữa. Nhưng Quyền chẳng thu hoạch được gì. Hôm sau gặp tôi trên trường, nó lắc đầu:

- Tao hỏi rồi, nhưng người nào cũng nói “Đợi ít hôm nữa đi con”.

Thằng Quyền đợi. Tôi cũng đợi. Dù bồn chồn muốn biết chuyện gì đang xảy ra, tôi không dám hỏi ba tôi. Không khí trong nhà tôi những ngày đó tự dưng đâm ra nặng nề. Cứ như có một bức tường vô hình dựng lên giữa hai cha con. Ba tôi đi đi về vé mỗi ngày, lặng thầm như chiếc bóng. Ngay trong bữa ăn, ông cũng chẳng buồn trò chuyện với tôi, chỉ uể oải nhai cơm. Tôi len lén nhìn ông, có cảm giác ông ngồi đó nhưng tâm trí ông dường như đang đi vắng. Những lúc đó, ngồi đối diện với ông mà tôi tưởng như đang ăn cơm một mình.

Gần mười ngày sau kể từ buổi tối vợ chồng ông Mười Thái và thầy Kiểm ghé nhà, ba tôi mới chủ động bắt chuyện với tôi.

- Con à. - Ba tôi mở đầu bằng câu nói thân mật nhưng vẻ mặt trầm trọng của ông khiến tôi nín thở.

- Dạ.

- Có chuyện này ba muốn nói cho con biết.

- Dạ.

Ba tôi kéo ghế lại gần và đưa tay nắm tay tôi, cử chỉ hoàn toàn xa lạ với ông, và cất giọng nhẹ nhàng, gần như vỗ về:

- Con phải hết sức bình tĩnh nghe không.

Tôi “dạ” mà bụng run lên.

- Con không phải là con ruột của ba.

- Dạ.

Tôi lại “dạ”, cảm thấy vốn từ của mình thật nghèo nàn, nhưng tôi không biết nói gì khác. Tôi không phải là con ruột của ba tôi, sự thật đó tôi đã biết nên không cảm thấy hụt hẫng lắm. Tuy nhiên, linh tính mách bảo tôi những gì gay cấn nhất vẫn còn ở phía trước.

Quả nhiên câu nói tiếp theo của ba tôi làm tôi muốn ngất:

- Con cũng không phải là con ruột của mẹ con.

- Ba nói gì vậy, ba? - Tôi gần nhu hét lên.

- Ờ, mẹ con không phải là người sinh ra con. - Giọng ba tôi buồn bã.

- Vậy ai sinh ra con?

Lần này ba tôi có vẻ do dự, có lẽ ông không muốn tôi, và cả chính ông, đối diện với thực tế này. Nhưng đó là thực tế mà ông biết hai cha con không thể tránh né, không thể nhón chân đi vòng qua nó để thanh thản sống tiếp.

Ông nhìn sâu vào mắt tôi, chầm chậm thở ra:

- Ông bà Mười Thái mới là ba mẹ ruột của con.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3