Con Chó Nhỏ Mang Giỏ Hoa Hồng - Chương 04

Chương 4: Cuối cùng là Batô, con chó kể chuyện

55

Chú Peter là chồng dì út.

Nhà chú ở thành phố Brescia miền bắc nước Ý, dưới chân dãy núi Alpes, cạnh hồ Garda. Chú bảo nơi chú ở cảnh vật tuyệt đẹp, bên này là hồ nước mênh mông mịt mù khói sóng bên kia núi lượn chập chùng mây trắng như bông.

Nhưng vì chú lấy dì út nên vợ chồng chú chỉ ở Ý chín tháng. Ba tháng còn lại cả hai về sinh sống tại Việt Nam.

Ở Ý, chú Peter buôn bán đồ cổ tại các hội chợ diễn ra quanh năm ở châu âu. Hai vợ chồng sắm một chiếc xe tải, lái đi hết nước này đến nước khác, mùa xuân ở Bỉ, mùa hè ở Hà Lan, mua thua lại sang Đức.

Ba tháng ở Việt Nam, hai vợ chồng lặn lội suốt ngày ở các vùng rừng núi Tây Bắc và cao nguyên miền Trung để mua đồ thổ cẩm và các sản phẩm độc đáo đem về bán ở châu âu.

Gặp lúc kinh tế khủng hoảng, các hội chợ ế ẩm, chú rao bán chiếc xe tải, qua Việt Nam đi dạy tiếng Anh để chờ thời.

Ở trung tâm ngoại ngữ, sau khi đọc lý lịch và khảo sát trình độ tiếng Anh của chú, người ta nhận chú ngay.

Nhưng ngay buổi đầu tiên, chú Peter đã đùng đùng bỏ dạy.

Tối hôm trước, chú nghiên cứu giáo trình và cẩn thận soạn bài đến khuya lơ khuya lắc. Sáng hôm sau chú dậy thật sớm, ăn mặc tươm tất, hớn hở chạy xe đến chỗ

làm.

Nhưng khi vừa bước vào cổng, tấm bảng quảng cáo đập vào mắt khiến chú sững sờ. Ở cột giáo viên đứng lớp, bên cạnh những người khác là "giáo viên Peter-người Anh"

Chú hối hả vào văn phòng:

- Các ông nhầm rồi. Tôi là người Ý chứ không phải người Anh.

Người ta thản nhiên:

- Chúng tôi không nhầm. Đây là trung tâm Anh ngữ, cứ phải ghi người Anh mới thu hút được học viên.

- Bọn lừa đảo!

- Xin ông bình tĩnh! Chúng tôi sẽ trả lương cho ông như trả lương cho người Anh.

- Đồ bất lương!

Hai bên cãi nhau kịch liệt. Tiếp theo là rủa sả. Cuối cùng là manh động.

Đầu cổ bốc khói, chú Peter ném đống sổ sách vào mặt người đối diện rồi quay ra cổng, nhặt một cục đá gạch tan nát tấm bảng quảng cáo.

Giám đốc trung tâm hoảng quá, lật đất gọi điện thoại cho dì Út xin lỗi rối rít và năn nỉ dì tới điệu chú về.

Đây là chuyện chú Peter, không phải chuyện mấy con chó. Nhưng tôi vẫn kể ra vì liên quan đến bọn tôi.

Chú Peter thuật lại chuyện đó bằng thứ tiếng việt bập bõm xen kẽ tiếng anh, và khi tức giận chú xổ tiếng Ý. Nhưng con Pig lãnh hội được hết. Chú kể xong, con Pig vẫn đuôi lia lịa, ra vẻ tán thưởng thái độ của chú.

Lạ một điều là ngay cả thằng Suku cũng có vẻ hiểu

vấn đề. Nó lại gần ghếch mõm lên đùi chú Peter và nhìn chú bằng ánh mắt thông cảm, như muốn nói nếu nó là chú nó cũng sẽ hành động như thế.

Xưa nay, chú Peter rất gớm thằng Suku. Vì thỉnh thoảng nó hay cao hứng tặng chú vài dấu răng nơi bắp chân làm kỷ niệm. Đã không ít lần chú nổi cộc rượt nó chạy vòng quanh chân bàn.

Nhưng hôm nay, Suku có vẻ hiểu ra cuộc sống cũng cần có những thói quen khác bên cạnh thói quen cắn người vô cớ. Nó đang học cách cảm nhận nỗi đau của người khác.

Chú Peter vuốt tóc Suku:

- Mày hiểu tao nói gì mà, phải không Suku?

Suku trả lời bằng tiếng rên ư ử trong cổ họng.

Chú Peter vỗ đầu nó:

- Tao biết mày muốn an ủi tao. Nhưng mày yên tâm đi, tao vẫn ổn. Ngày mai tao sẽ đi tìm việc chỗ khác.

Rồi chú rút điện thoại ra chụp hình thằng Suku.

Ngày hôm sau chú đưa hình nó lên facebook, kèm dòng chữ bằng tiếng Ý:

" Si tratta di Suku, un cane onesto. Mi ha morso pìu volte ma io non lo odio, perchè è nato per mordere. Ma coloro che ingannano non hanno bisogno di mordere per ferirti."

Dì út dịch:

" Đây là Suku, một con chó trung thực. Nó nhiều lân cắn tôi nhưng tôi không ghét nó, vì nó được sinh ra để cắn. Còn kẻ gian dối không cần cắn vẫn làm tổn thương người khác."

56

Chú William là bạn của ba mẹ chị Ni.

Chú là người Mỹ nhưng rất giỏi tiếng việt.

Chú từ New York sang Việt Nam, thoạt đầu là du lịch, sau đó đâm ra mê nghề làm báo khi được một người bạn rủ làm biên tập viên cho một tạp chí phiên bản tiếng Anh.

Rồi đến một ngày chú đột ngột hết mê làm báo. Chú chuyển qua mê dịch sách. Chú lôi sách của ba chị Ni ra đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Chú say sưa nói:

- Cuốn này hay. Cuốn này cũng hay. Cuốn này cũng hay nữa.

Chú đấm tay này vào tay kia, mặt mày phấn khích, mắt sáng bừng:

- Em sẽ dịch cuốn này ra tiếng Anh. Tiếp theo dịch cuốn này. Sau đó dịch cuốn này.

Nhưng dịch được một cuốn, chú đột ngột hết mê dịch sách. Chú chuyển qua mê làm phim.

Chú điện thoại về, từ khắp nơi:

- Em đang viết kịch bản phim ở Hà Nội.

- Em đang quay phim ở Đà Nẵng.

- Em đang đóng phim ở Hội An.

Chú viết kịch bản phim, làm diễn viên, làm đạo diễn, thứ gì cũng có.

Có hôm tối mò, chú về bấm chuông nhà chị Ni. Tưởng chú về ngủ, té ra chú vào toa lét rồi vội vã chạy ra.

Ba chị Ni hỏi chú đi đâu, chú bảo đang đi quay phim với đoàn. Hỏi quay ở đâu, chú bảo quay ở tòa nhà chung cư trước mặt.

Nhưng rồi đùng một cái, chú hết mê làm phim. Chú chuyển nghề hội họa.

Chú lên Đà Lạt ở nhà một người

quen cả tháng trời chỉ để làm mỗi chuyện là vẽ.

Ba chị Ni nói với mẹ chị Ni:

- Hèn gì sáu tháng trước nó bảo nó yêu con bé ở Bắc Ninh, sau đó thấy nó đi với con bé người Quảng Ngãi, bây giờ lại cặp kè với con bé Sài Gòn. Thằng này đúng là không mê thứ gì được lâu!

57

Chú Willam cặm cụi vẽ một lèo mấy chục bức, sau đó đem triển lãm ở Nhà bảo tàng Mỹ thuật thành Phố, mời ba chị Ni đi xem.

Chú triển lãm tất cả ba lần.

Lần thứ ba, chú mời cả nhà. Cả bọn tôi cũng được mời.

Năm con chó từ trên taxi ùa xuống, chạy loăng quăng sân hít hít ngửi ngửi khiến khối người mắt tròn mắt dẹt.

Hóa ra chủ đề hội họa của chú William hôm đó là "chó".

Trên các bức tường treo toàn tranh vẽ bọn tôi. Thằng Suku. Con Pig. Con Êmê. Con Haili. Và tôi.

Thằng Suku nằm. Thằng Suku đứng. Thằng Suku đi. Con Pig nhảy. Con Pig chạy. Con Pig ngồi nhìn đời qua cánh cổng gỗ. Con Êmê trèo lên bàn. con Êmê đánh nhau với con Haili. Con Haili gặm xương. Con Haili ngồi trong lòng mẹ chị Ni. Hình ảnh tôi thảm hại nhất: nếu không nằm ngửa cho anh Nghé bắt bọ chét cũng là đang bị thằng Suku đè nghiền ra đất.

Chú William không nói trước nội dung triển lãm nên cả nhà chị Ni đều bất ngờ.

Ba chị Ni nghiêng đầu vào đầu mẹ chị Ni:

- William

không mê thứ gì được lâu, trừ chó.

58

Thoạt tiên, không ai nhận ra bọn tôi là nhân vật chính trong những bức tranh. Người ta chỉ ngạc nhiên, thậm chí bất bình khi thấy năm con chó gây náo loạn ở chỗ vốn dành cho những khách thưởng thức nghệ thuật.

Khác thưởng thức nghệ thuật thì bạn cũng biết rồi đó, toàn những người sang trọng, khả kính. Nhiều người đeo cà vạt. Có người khoác áo vét. Mặt mày họ lúc nào cũng nghiêm nghị, suy tư. Họ nói năng khe khẽ, đi lại rón rén. Bất cứ một tiếng động nào cũng bị xem là xúc phạm đến vẻ tôn nghiêm của ngôi đền nghệ thuật.

Trong khi bọn tôi hết gừ gừ đến ăng ẳng, thực tình mà nói khi bọn tôi xuất hiện. Nhà bảo tàng Mỹ thuật đã rất giống một cái chợ trời.

Nhưng rồi những cái nhíu mày nhanh chóng dãn ra khi khác phát hiện bọn tôi chính là những nguyên mẫu của các bức tranh trên tường.

Cuộc sống bắt đầu ngoặt sang một hướng khác: các vị khác đạo mạo bây giờ còn ồn ào hơn cả bọn tôi. Như có một chiếc đũa phép vừa chạm vào người họ, vẻ đăm chiêu biến mất, mọi người thi nhau rút máy ảnh, máy quay phim, điện thoại di động ra chụp ảnh, thu hình năm đứa tôi. Nếu biết chữ, thế nào bọn tôi cũng được xin chứ kỹ.

Chụp ngoài trời chán, họ yêu cầu từng đứa

một trong bọn tôi đứng cạnh các bức tranh để chụp cả người lẫn tranh, à quên cả chó lẫn tranh.

Máy ánh cuống cuồng kêu lắc cắc, máy quay phim thì rốt rít chạy xè xè.

Tiếng gọi nhau í ới vang lên khắp nơi, tiếng chân chạy huỳnh huỵch nhơ trong phim đuổi bắt. Người chạy nhiều nhất dĩ nhiên là chú William vì chú phải liên tục di chuyển từ đầu này đến đầu kia khán phòng để trả lời phỏng vấn của vô số báo đài và giải đáp vô số câu hỏi tò mò của khách xem tranh.

Cộng thêm tiếng sủa dồn dập của bọn tôi, không khí trang nghiêm của ngôi đền nghệ thuật trong tíc tắc bị phá vỡ, giống như người xưa nay vẫn khắn đóng áo dài bất thần rơi rụng hết mọi thứ, chỉ còn trơ khấc quần soóc với ao thum.

Truyền thống nề nếp bị sự phấn khích đè bẹp nhưng hầu như không ai quan tâm. Bởi lịch sử triểm lãm tranh ở Nhà bảo tàng Mỹ thuật chưa bao giờ có một sự kiện tương tự.

Nhiều năm về sau, sự kiện này còn được nhắc đến trong các bàn rượu như một cuộc cách mạng tuy không long trời nhưng suýt làm lở đất.

59

Đó là chuyện tương lai. Còn ngày hôm đó, chỉ trong vòng một buổi sáng tất cả những bức tranh trên tường đều được lấp đầy bở những chiếc nơ.

Chị Ni bảo tranh gắn nơ là tranh đã được khách đặt

mua.

Chú William mặt tơi roi rói, nhưng chú kiên quyết giữ lại bức tranh lớn nhất. Đó là bức tranh vẽ năm đứa tôi đang nằm bên nhau, đứa này gác mõm lên lưng đứa kia một cách thân thiện.

Bức này chú bịa ra, vì bọn tôi chưa bao giờ nằm theo kiểu đó. Chưa kể con Êmê mà gác mõm lên con Haili thì máu đổ ngay tức khắc.

Bức tranh đó, chú William đem về treo trên tường nhà chị Ni, bảo là để làm kỷ niệm.

Chú còn "kỷ niệm" cho bọn tôi hàng chục bịch tép khô, phô mai và kẹo cà phê là thứ đứa nào cũng thích - xem như trả công cho các nguyên mẫu giúp chú vẽ tranh.

Bọn tôi vừa nhấm nháp quà của chú vừa mong chú sẽ tiếp tục vẽ năm đứa tôi để cả bọn lại có những bữa tiệc linh đình.

Nhưng như vẫn luôn xảy ra, vào một ngày không nắng không mưa chú William đột nhiên hết mê hội họa. Nghe nói những ngày gần đây chú chuyển qua mê đánh đàn.

66

Bức tranh vẽ năm đứa tôi mẹ chị Ni treo ở bức vách kế bàn ăn, cạnh những tranh ảnh khác.

Cho đến lúc đó, tôi mới để ý tới tấm ảnh trong đó có hai con chó lạ, một con chó trắng và một con chó đen.

Thấy tôi nhìn chằm chằm tấm ảnh, chị Ni cười bảo:

- Bêtô và Binô đó em.

Theo lời kể thấm đẫm nhớ nhung của chị Ni, Bêtô và Binô hồi trước ở nhà này nhưng bây giờ cả hai đang ở một nơi rất xa. Chị chỉ nói thế thôi, không nói rõ xa là ở đâu. Chị Ni khen "hai đứa nó dễ thương lắm". Chị bảo muốn biết về hai đứa nó, tôi phải đọc cuốn Tôi là Bêtô nhưng tôi thì không biết chữ. Tôi chỉ nhai sách và làm hỏng nó là tài.

Khác với tôi và con Pig, khi xem bức tranh chú Willim vẽ, Suku, Êmê và Haili thích nhảy lên ghế đứng xem cho rõ. Còn khi tui nó còn cao hứng leo hẳn lên bàn. Hằng ngày ba đứa nó thì nhau nhảy lên nhảy xuống không biết bao nhiêu lần, đến mức tôi nghĩ tụi nó vờ kiếm cớ xem tranh để nhảy nhót đùa nghịch cho thỏa thích.

À, chỗ này và một vài đoạn trước tôi kể chuyện có hơi lộn xộn một chút, đại khái là nhớ đâu kể đó, cho nên có thể bạn thắc mắc tại sao con Êmê có mặt ở đây khi tôi từng bảo nó đang sống ở tầng hai.

Êmê quả có lúc sống ở tầng hai thật, đó là lúc ba chị Ni muốn tách rời nó và con Haili để tụi nó đừng xông vào nhau. Nhưng con Êmê chỉ ở trên đó có một thơi gian ngắn rồi trở xuống tầng trệt sống chung với bọn tôi như cũ.

Để biết tại sao có chuyện này thì tôi lại phải nhắc đến một chuyện khác.

Đó là một đêm cả nhà thức rất khuya vì gia đình chị Ni phải ra sân bay lức 1g30 để đón gì Tám từ Úc về chơi.

Trong khi chờ kim đồng hồ nhúc nhích, anh Nghé ngồi chống cằm nhìn ra cổng, thấy đường phố ban đêm vắng tanh liền nảy ra một ý định theo tôi là không hề tồi chút nào.

- Giờ này không có xe qua lại, để con cho tụi nó ra ngoài chạy tới chạy lui cho đỡ cuồng chân - Anh nói với Mẹ chị Ni.

Anh Nghé và chị Ni dắt bốn đứa bọn tôi qua lề đường đối diện vì vỉa hè bên đó bằng phẳng hơn. Con Êmê thời gian đó vẫn ở trên tầng hai nên không được tháp tùng.

Lần đầu tiên được thả rông, bọn tôi hơi hoảng, kể cả Suku. Tuy thường được anh Nghé dắt đi tập thể dục nhưng những lúc như vậy thằng Suku bao giờ cũng được nối với bạn tay anh bằng một sợi dây. Bữa nay anh Nghé cất sợi dây trong nhà.

Được tự do chạy nhảy tung tăng trên vỉa hè rộng rãi là một thú vui tuyệt vời với mọi con chó. Bọn tôi tất nhiên cũng không ngoại lệ. Sau một hồi rụt rè đánh hơi tứ phía, bốn đứa tôi bắt đầu sải chân phóng theo anh Nghé và chị Ni đang chạy trước.

Đường phố về khuya thật khác lạ so với những gì bọn tôi nhìn thấy ban ngày. Khung cảnh yên bình, tiếng ồn lặn đi đâu không rõ và gió thì mát

rượi.

Tới đầu đường, anh Nghé và chị Ni chạy ngược lại và bọn tôi hớn hở rượt theo.

Ngược xuôi vài lượt, chị Ni nổi hứng đề nghị:

- Dẫn tụi nó ra ngoài kia đi, anh! Ra đường lớn chạy mới thích!

Anh Nghé thò đầu qua cột đèn tín hiệu giao thông, nghiêng ngó:

- Để xem!

Anh lưỡng lự:

- Tuần nào mà anh chẳng dắt thằng Suku đi dọc con phố này. Nhưng lúc đó có sợi dây xích cổ...

Chị Ni trấn an:

- Giờ nay khuya rồi, đường sá vắng ngắt, chắc không sao đâu!

62

Thế là hai con người và bốn con chó ngoặt quanh góc phố, đổ ra đường lớn.

Ôi, vỉa hè rộng quá, rộng gấp mấy trong kia, lại dài típ tắp, tha hồ phóng!

Lần này quen rồi, chả cần phải cảnh giác như lúc trước vừa ra khỏi nhà, bọn tôi thi nhau chạy, vừa chạy vừa lấn nhau vừa rít lên phấn khích, chẳng mấy chốc vượt qua cả anh Nghé và chị Ni.

- Pig! Haili! Chậm lại nào!

- Batô! Suku! Quay lại đi tụi em!

Mặc chị Ni và anh Nghé kêu inh ỏi sau lưng, bọn tôi vẫn hào hứng khua chân.

Chỉ khi nhác thấy hai gốc cây to đùng chắn ngay trước mặt, cả bọn tôi mới hãm đà phi.

Ôi, đó không phải là hai gốc cây. Đó là hai con chó hoang to như hai con gấu, dềnh dàng, lững thững. Đang đào bới thùng rác bị lật nghiêng trước căn biệt

thự bên đường, vừa thấy bọn tôi bọn chúng chẳng buồn sủa, chỉ "hực" lên một tiếng và nhảy vô tấn công liền.

Bọn tôi tuy bốn đánh hai, nhưng xét về sức vóc nhìn giống như bốn chiếc xe đạp ủi nhau với hai chiếc oto.

Tôi bị văng ra ngay từ cú húc đầu tiên, đầu choáng váng như va phải đá. Chúng đánh nhanh đến nỗi tôi không kịp thấy đứa nào húc tôi, chỉ biết mình bay lên rồi rơi đánh bịch, lăn lông lốc.

Chưa kịp hoàn hồn, tôi nghe thằng Suku la ăng ẳng và cụp đuôi bỏ chạy.

Bây giờ thì chỉ còn Haili và Pig đánh nhau với đôi phương.

Cuộc quần thảo dữ dội diễn trên nền những tiếng sủa hung hãn xen lẫn những tiếng rên đau đớn.

Đã thấy máu thấm ướt vỉa hè dưới ánh đèn cao áp.

Tôi vào Suku lại xông vào đánh phụ với Haili và Pig nhưng chỉ đề lãnh thêm những cú táp kinh hồn của hai con chó lạ và bổ sung thêm máu đỏ cho vỉa hè.

Tiếng la hét của anh Nghé và chị Ni chẳng có tác dụng gì ngoài việc làm tăng thêm kịch tính cho trận huyết chiến.

Hai người cuống quýt chạy vòng quanh nhưng không dám xông vào đám hỗn loạn toàn răng và nanh kia.

- Kiếm một khúc cây đi em!

Anh Nghé thét giục chị Ni nhưng ngay cả anh cũng không kiếm được khúc cây nào.

Mãi một lúc anh mới nhặt được một cục đá

nhưng không giám ném vì sợ trúng phải bọn tôi.

63

Tôi đã từng chứng kiến những trận đánh kinh hồn giữa Haili và Êmê. Nhưng dẫu sao đó vẫn là những cuộc đối đầu giữa hai đứa có tầm vóc và sức mạnh không chênh lệch nhau nhiều, thế trận giằng co và không bên nào quá lép.

Đối đầu với hai con chó hoang to lớn này là một tình huống rất khác.

Tôi và Suku bị loại khỏi vòng chiến ngay từ cú đột kích thứ hai. Một mảng da trên vai tôi rách toác, rát bỏng như có ai áp vào một thanh sắt nung đỏ. Còn thằng Suku bây giờ chỉ có thể bước đi bằng những bước cà nhắc như vừa đạp phải bẫy kẹp.

- Làm sao đây anh Nghé? - Chị Ni nói như khóc - Không can ra được, mấy con chó nhà mình chết mất.

Tôi và Suku chắc không đến nỗi chết. Nhưng hai đứa đang tiếp tục tham chiến đằng kia là Haili và Pig có thể sẽ không còn thấy ánh mặt trời vào sáng ngày mai.

Mùi máu tanh nồng phả trong không khí chắc chắn bắt nguồn từ các lỗ thủng chi chít trên người Haili và Pig. Vì hai con chó hoang cho đến giờ phút này xem ra vẫn chẳng hề hấn gì. Đã thế càng đánh tụi nó trông càng hăng hái.

Chỉ đến khi con Pig liều lĩnh phi thẳng vào mõm đối phương rồi bất ngờ lạng qua trái để tránh một cú táp, sau đó bổ vào cổ họng đối phương một cú nghiến cực

mạnh thì cục diện mới thình lình thay đổi.

Con chó bị Pig tấn công kêu ẳng một tiếng, ngã lăn ra đất, sau đó cố lẩy bẩy gượng gậy và con đuôi chạy trốn, máu kéo thành vệt trên hè phố.

Thấy đồng bọn bị trọng thương, con chó còn lại chẳng còn lòng dạ nào kéo dài cuộc chiến. Trong thoáng mắt, nó cũng mất hút ở cuối đường.

64

Tiếp theo là những ngày cả bọn được mẹ chị Ni chở tới bệnh viên thú y để băng bó, xức và chích thuốc.

Ở đây bọn tôi gặp cơ man là chó, gần như không thiếu loài nào.

Một con chó Phú Quốc vừa đẻ hai con, suốt ngày nằm rên hừ hừ. Đem tới bệnh viện cho bác sĩ khám, hóa ra nó còn hai đứa con nữa trong bụng, phải mổ để lấy ra. Ngày con chó lên bàn mổ, cả dòng họ nhà nó, à không, nhà chủ nó kéo tới gần như đầy đủ. Tôi đoán thế vì thấy trong đám đông đó có các ông già bà cả lẫn vô số trẻ con. Cả đám hồi hộp đứng ịn mũi lên vác kiếng ngó vô bên trong. Chủ nó, một bà mặc áo cổ tròn, khóc nấc với chiếc khăn nhàu nát trên tay. Một bà già khi thấy bác sĩ cầm con dao mổ lên liền lăn ra xỉu. Thế là bệnh viện thú y kiêm thêm nhiệm vụ cấp cứu cho con người, loại cả lên.

Trong những ngày đó, lần nào tôi cũng thấy một ông đạp xích lô chở tới một con chó gầy nhom, ốm yếu. Để xe

trước cổng bệnh viện, ông thận trọng ẵm con chó lên tay, dọ dẫm bước lên bậc tam cấp.

Sau vài lần gặp gỡ, mẹ chị Ni ngạc nhiên:

- Sao con chó này hôm nào cũng đi chữa bệnh một mình vậy, chú? Chủ nó đâu?

- Tôi là chủ của nó.

Con chó của ông xích lô tên là Hên. Ông bảo mẹ nó đẻ ba đứa con. Hai đứa kia rất xinh, được bao nhiêu nhà giàu có vồ vấp. Thằng Hên xấu xí, lại bị thọt ngay từ khi lọt lòng, chẳng ai thèm nuôi. Thế là ông xin nó về, đặt tên là Hên để hy vọng nó có cuộc đời may mắn.

Nhưng thằng Hên chẳng hên tẹo nào. Nó ốm lên ốm xuống. Lần này nó bị nặng nhất. Bệnh ca-rê đã quật ngã nó.

Mẹ chị Ni nhìn con chó quắt quẹo trên tay ông xích lô, bùi ngùi:

- Trông bộ dạng thế này chắc nó không qua khỏi, chú à.

Ông xích lô thở dài:

- Tôi cũng biết vậy nhưng bỏ nó thì không đành. Số thằng nay từ bé đã khổ!

Ông bảo từ khi thằng Hên bị ốm, hằng ngày ông dậy đạp xe từ tờ mờ sáng. Đến khi kiếm đủ tiền chích thuốc và truyền nước biển cho thằng Hên, ông lập tức chở nó vào bệnh viện. Xong, chở nó về nhà, lúc đó ông mới bắt đầu chạy xe kiếm sống. Ngày nào cũng như ngày nào.

Tôi không biết thằng Hên về sau có qua khỏi cơn bệnh ngoặt nghèo đó không vì tôi không còn gặp lại

ông xích lô đó nữa.

Trong bọn tôi, đứa vẫn tiếp tục lui tới bệnh viện là con Pig. Vì nó là đứa bị thương nặng nhất.

65

Con Haili bị thương cũng nặng nhưng không nặng bằng con Pig. Vì cách đánh của hai đứa khác nhau.

Trước bọn chó hoang dữ dằn, Haili không cắn được tai đối thủ thì chuyển qua cắn đuôi, cắn cẳng chân.

Riêng Pig, nó chỉ nhằm cổ họng. Miếng đánh nó buộc nó phải đánh cận chiến, phải lăn xả và ngay trước hàm răng lởm chởm và sắc như dao của đối thủ. Giống như ra trận mà mạo hiểm tấn công ngay họng súng đối phương.

Pig trả giá cho đòn thế của mình bằng vô số vết thương chí mạng trên người. Trước khi táp trúng cổ họng đối thủ, đầu cổ nó đã bê bết máu, lông tróc từng mảng và da nứt toác nhiều chỗ.

Hôm đầu tiên, sau khi cẩn thân xem xét cả bốn đứa tôi, bác sĩ chỉ tay vào con Pig đang nằm thiêm thiếp trên tay mẹ chị Ni, tặc lưỡi nói:

- Con này bị thương nặng nhất. Vết thương toàn ở vùng đầu, lại bị mất máu nhiều, không biết nó có sống nổi không.

Mẹ chị Ni mắt rơm rớm:

- Bác sĩ cố gắng điều trị giùm...

Sau khi xức thuốc, chích kháng sinh và cho bọn tôi uống loại thuốc bột gì đó, bác sĩ cho cả bọn ra về, hẹn vài hôm nữa tới tái khám.

Vết thương của tôi và

thằng Suku kéo da non sau tuần đầu tiên và hai đứa bắt đầu lăng xăng khắp nhà.

Con Haili hồi phục chậm hơn, nhưng đã có thể ăn uống bình thường.

Riêng Pig vẫn nằm bẹp một chỗ và chỉ uống được sữa.

66

Sau hai tuần thì sức khỏe Haili không còn đáng lo nữa.

Chỉ con Pig dường như chẳng có chuyển biến gì.

Nó cứ nằm bất động ở góc nhà, đôi khi tôi có cảm giác nó là con chó bằng gỗ.

Pig mệt mỏi đến mức buổi tối chẳng buồn leo lên nệm ngủ theo thói quen.

Có khi tôi rón rén lại gần nó, thử lắng tai xem nó còn thở hay không.

Pig vẫn thở, nhưng hơi thở rất mỏng và khi biết tôi đến gần, nó mở mắt ra buồn bã nhìn tôi. Ánh mắt đó làm tôi bỗng dưng muốn khóc.

Cả nhà chị Ni suốt ngày lo lắng chầu quanh con Pig.

Chị Ni đẩy đĩa sữa vào sát mõm Pig, tay kia vuốt ve lưng nó:

- Uống một chút đi em!

Anh Nghé chép miệng:

- Hôm đó nếu không có con Pig chống cự, mấy con chó nhà mình chắc không đứa nào sống sót.

Mẹ chị Ni cảm khái:

- Pig là con chó Anh Hùng!

Ba chị Ni cố đánh tan không khí u ám bằng câu pha trò:

- Chú thích con làm anh hùng chứ không thích con làm liệt sĩ đâu đấy.

67

Trong thời giàn đó, người tới thăm nườm nượp.

Trước tiên là cô Thảo bán trai cây và cô Oanh

bán bánh mì trước nhà.

Cô Thảo bán trái cây đem trái cây, Cô Thảo bán bánh mì đem bánh mì; cả hai đặt thức ăn trước mõm con Pig.

- Ăn đi con. Bánh mì thịt quay ngon lắm đó con.

- Táo nè con. Lê nữa nè. Ăn lê cho mát.

Pig ngước mắt nhìn hai người hàng xóm bằng ánh mắt biết ơn nhưng rồi nó uể oải gục đầu xuống hai chân và nhìn các món quà bằng ánh mắt hờ hững.

Mẹ chị Ni rầu rĩ:

- Đến sữa mà hai hôm nay nó còn không đụng vào.

Cô Hà xách tới một bịch xương gà, chú Peter đem tới một túi thịt bò vụn, chú William đang theo nhóm nhạc đi lưu diễn ở Vũng Tàu, nghe tin Pig ốm nặng cũng vội vã chạy về, lôi trong ba lô ra túi tôm khô.

Tất nhiên con Pig không đụng vào bất cứ món nào.

Chị Mí tới sau cùng, đem theo thỏi xúc xích:

- Pig, xúc xích ngon lắm nè!

Chị Ni thở ra:

- Mọi người đem tới cả đống thức ăn mà nó có ăn được gì đâu!

Chị Mí tỉnh bơ:

- Vậy mình gom lại đem về!

Nếu con Pig không đuối sức đến mềm oặt cả người, nghe câu nói đó của chị Mí thế nào nó cũng nhảy dựng lên và sủa vang nhà.

68

Pig có vẻ không qua khỏi thật.

Hôm qua, thỉnh thoảng nó còn cố gắng đứng đậy trên bốn cẳng chân run rẩy và đi được vài bước chân. Bữa nay, nó gượng đứng lên một cách khó

nhọc nhưng chỉ đứng lẩy bẩy tại chỗ một lúc rồi lại thả người rơi xuống.

Pig đuối đến mức tối đó mẹ chị Ni phải kêu anh Nghé lấy tay cạch mõm nó ra để bà đổ từng muỗng thuốc.

Chị Ni ôm cổ Pig, khóc:

- Em đừng có nói sáng mai thức dậy là em không còn nhìn thấy chị nữa nghe Pig!

- Chắc Pig không sao đâu con. Ba nghĩ nó là con chó có sức đề kháng tốt.

Ba chị Ni trấn an con gái, nhưng giọng nói của ông mới yêu ớt làm sao. Có vẻ như chính ông cũng không tin vào lời nói của mình.

Bằng chứng là khi chị Ni vừa đi khỏi, ông ngoắt con Êmê nãy giờ vẫn còn thập thò ở bên kia vách ngăn:

- Xuống chia tay với bạn Pig đi con!

Ông bước lại phía cầu thang:

- Để chú bế con xuống.

Trong thời khắc này, ông chẳng nghĩ gì đến mâu thuẫn giữa con Êmê và con Haili. Pig sắp ra đi rồi, lòng ông chắc chẳng chất chứa gì ngoài nỗi phiền muộn.

Tôi và Suku lo lắng nhìn ông ẵm Êmê chậm rãi bước qua hai tấm vách ngăn, đặt nó xuống đất, nơm nớp chờ chiến tranh nổ ra.

Nhưng khác với mọi lần, chúa trùm Haili chỉ lại gần kẻ phán kháng Êmê hít hít mấy cái và khi nghe Êmê phát ra một tiếng gừ khẽ trong cổ họng, nó lập tức quay đi.

Có vẻ Êmê cũng chẳng bận tâm đến Haili lắm. Nó đến gần con Pig, đứng nhìn bạn

một hồi rồi không biết nghĩ gì nó lặng lẽ nằm xuống bên cạnh Pig, ánh mắt buồn thiu.

Haili im lặng theo dõi Êmê từ bên kia bàn ăn. Thấy đối thủ nằm xuống nền gạch, nó ngần ngừ một lúc rồi từ từ bước lại và cũng như Êmê, nó nhẹ nhàng đặt mình xuống cạnh Pig.

Hình ảnh Haili và Êmê chia nhau nằm hai bên con Pig một cách hòa bình lẽ ra làm tôi vui lại khiến tôi muốn ứa nước mắt. Trong lòng tôi nảy mầm một cảm giác gì đó rất khó tả. Có lẽ đó là cảm giác mất mát. Là nỗi buồn thương. Chỉ nỗi buồn vô hạn mới có thể khiến tim ta như thắt lại.

69

Bạn đã bao giờ buồn chưa?

Có phải trên đời có hằng trăm lý do dẫn dắt ta đến nỗi buồn?

Có phải cuộc đời một con người cũng như một con chó có hàng trăm lần bị nỗi buồn ném đá?

Nhưng không nỗi buồn nào có thể so sánh với nỗi buồn khi ta sắp mất đi một người thân. Đó là loại nỗi buồn không thể đem đóng gói rồi giấu vào một góc khuất nào đó trong vỏ não. Nó luôn tan chảy ra và len lỏi vào mọi khe hở trong tâm hồn bạn. Nó khiến bạn không làm gì vẫn thấy kiệt sức từng giờ từng phút từng giây.

Suốt đêm hôm đó, bọn tôi không ngủ.

Chị Ni cũng không ngủ. Chị bắc chiếc nghế xếp ngồi thao thức bên cạnh Pig, thắc thỏm cầu nguyện. Khóe mắt ầng ậng nước,

chốc chốc chị lại sờ tay lên đầu Pig, đặt tay trước mũi nó như để xem những hơi thở mong như tơ kia bao giờ sẽ đứt.

Pig nằm như một kẻ bất tỉnh từ chiều. Dường như nó không hay biết Êmê đã rời khỏi tầng hai để xuống nằm cạnh nó.

Pig vẫn yếu ớt và tuy nó không mở mắt tôi vẫn có cảm giác nó đang nhìn bọn tôi, thì thầm "Tao chỉ có thể cầm cự đến rạng sáng mai thôi, sau đó bọn mình chia tau nhau. Chúc tụi bay ở lại mạnh khỏe".

Những người trong nhà chắc cũng có linh cảm như thế, mặt ai nấy như đưa tang. Chị Ni muốn được là người ở cạnh Pig khi nó nấc lên tiếng nấc cuối cùng để giã từ thế giới.

Trong bọn tôi, con Pig thương chị nhất và chị cũng thương con Pig nhất. Anh Nghé hay nói đùa con Pig là đệ tử của chị Ni. Những lần đi xa, chị hay gọi điện về nhà. Sau khi nói chuyện với ba mẹ, chị kêu thật to trong ống nói tên từng đứa trong bọn tôi. Trong khi bốn đứa khác không kịp nhận ra đó là âm thanh gì thì con Pig cuống quýt đi tìm. Nó là đứa duy nhất nhận ra tiếng chị Ni. Nó sục sạo khắp các ngóc ngách trong nhà, không thấy chị Ni đâu, lại chạy lại chỗ điện thoại, buồn chồn nghiển cổ lên ngóng.

Chị Ni về, nghe mẹ kể lại chuyện đó, chị ôm con Pig vào lòng áy náy:

- Tội nghiệp em quá! Mai mốt chị

sẽ không gọi nữa để em khỏi phải vất vả đi tìm chị!

Khi tôi nhớ lại câu chuyện này thì chị Ni đã mệt mởi thiếp đi trên ghế xếp. Dáng ngủ nửa nằm nửa ngồi của chị trông thật âu sầu.

70

Đến rạng sáng thì chị Ni giật mình choàng tỉnh. Trông chị hốt hoảng như kẻ phát hiện ra mình ngủ quên trong khi chung quanh đang động đất. Chị thảng thốt bật lên khỏi ghế, chuẩn bị cho mình gương mặt của người sắp đón một ngày tồi tệ.

Chịn nhớn nhác nhìn quanh. Lá bên sân hàng xóm bay qua vẫn rơi lả tả trước hiên nhà, ngọn đèn trước bàn thờ ông địa vẫn leo lét cháy, chiếc tủ lạnh kế bàn ăn vẫn phát ra tiếng ro ro vì bị kê lệch. Tất cả vẫn như trước đây thôi, chỉ có con Pig biến mất khỏi chỗ nằm.

" Hay Pig đã chết và mẹ đã đem nó đi?", tôi đoán chị Ni nghĩ thế khi thấy mặt chị se lại, những cơ mặt đột ngột cứng như gỗ.

Nhưng những biểu hiện trên mặt chị nhanh chóng biến đổi. Thoạt đầu là phảng phát sau đó thì rõ rệt hơn những chuyện động diễn ra trên trán và trên hai gò mái chị khi ánh mắt chị bắt gặp con Pig đang nằm cách chỗ cũ một quãng, gần tủ chứa thức ăn.

- Pig! Em vẫn còn đó hả Pig?

Chị Ni hét lên và gần như nhảy xổ lại chỗ con Pig.

Con Pig khẽ ngúc ngoặc đầu, chưa ngẩng

lên được nhưng cử chỉ đó cho biết nó vẫn còn ở lại với trần gian tươi đẹp này.

- Lạy trời! - Chị Ni bò xuống sàn nhà, ôm con Pig trong vòng tay, thút thít nói - Em tôi giỏi quá!

Bốn đứa tôi vẫn đang chầu quanh con Pig. Điều chị Ni thấy, bọn tôi đã thấy lúc nửa đêm về sáng. Lúc đó bốn đứa tôi đều há hốc mõm khi phát hiện con Pig đang mê man như kẻ bị đánh thuốc mê thột nhiên cựa quậy. Nó cố đứng lên trên các cẳng chân nhưng không đủ sức. Thế là nó nằm xuống bà bắt đầu bò đi - như một hiệp sĩ cố bò khỏi bóng đêm.

Tim đập rộn ràng, bọn tôi trổ mắt dõi theo nó như dõi theo một chiếc máy bay hỏng tuy chưa thể cất cánh nhưng đã lắn được trên đường băng. Chiếc máy bay đó vừa được sửa chữa, ý tôi muốn nói là con Pig cận cề cái chết đó đã hồi sình - có lẽ bằng thứ bản năng sinh tồn đáng kinh ngạc của giống chó săn mồi, thứ bản năng kỳ diệu mà những đứa như bọn tôi mãi mãi không bao giờ biết được.

Cho tới lúc đó, ba chị Ni chưa biết là ông nói đúng. Câu " Ba nghĩ nó là con chó có sức đề kháng tốt" lúc ông thốt ra nghe giống một thông điệp về đức tin hơn là nhằm khẳng định một thực tế.

71

Bạn đã đeo lên mình một chiếc vỏ ốc bao giờ chưa?

Bọn tôi đã đeo lên trái tim mình một thứ từa tựa như vậy trong những ngày con Pig nằm liệt. Thật là một gánh nặng quá sức.

Nhưng bây giờ thì bọn tôi đã trút bỏ được chiếc vỏ ốc đó rồi.

Có nhiều thứ thay đổi sau trận ốm thập tử nhất sinh của con Pig.

Và thay đổi quan trọng nhất là chúa trùm Haili bây giờ đã không còn bị ám ảnh bởi quyền lực nữa. Hoặc là sau trận tử chiến với bọn chó hoang dữ tợn, nó đã hiểu ra kẻ mạnh nhất trong bầy là con Pig chứ không phải nó, hoặc khi chứng kiến trong buồn rầu cảnh con Pig suýt vĩnh viễn chia tay cả bọn, nó cảm thấy quyền lực chỉ là thứ phù phiếm so với sự bất trắc của cuộc sống, đặc biệt là so với tình bạn giữa năm đứa tôi.

Khi quyết định từ bỏ quyền lực, Haili đã thôi nhào nặn cuộc sống theo ý mình. Đã không còn những trận đánh nhau nảy lửa giữa nó và Êmê.

Cả với bọn tôi nữa: khi con Haili nằm cạnh cục xương hay mẩu tôm khô, tôi không còn nhận thấy dấu hiệu đe dọa toát ra từ dáng nằm của nó trước đây. Thậm chí nó còn bị con Êmê đẩy vào cảnh oan ức.

... Ba chị Ni có thói quen buổi sáng pha một ly cà phê, uống vài ngụm rồi cầm tờ báo đi vào toa lét, sau đó trở ra bạn ngồi uống tiếp. Nhưng những ngày gần đây, khi ông từ toa lét quay ra thì ly cà phê trên bàn đã cạn tới đáy.

- Này em - Ông cằn nhằn vợ - Sao em không pha ly cà phê khác mà uống ly của anh?

- Em đâu có uống.

Ba chị Ni chỉ tay vào ly cà phê:

- Thế sao trong ly không còn giọt nào?

- Làm sao em biết được.

- Chẳng lẽ nhà này có ma?

Ông hừ mũi:

- Ngay mai anh sẽ gắn camera ngay tại bàn ăn...

Mẹ chị Ni phì cười:

- Người ta chỉ gắn camera để phòng trộm thôi, chẳng ai gắn camera để xem vợ mình có uống cà phê của mình hay không.

- Thôi được, anh sẽ quay phim bằng điện thoại di động.

72

Tôi tưởng ba chị Ni nói chơi. Hóa ra ông làm thật.

Sáng hôm sau, trước khi rời khỏi bàn ăn, ông để chiếc điện thoại di động ở chế độ quay phim, loay hoay canh góc máy rồi chèn chiếc điện thoại giữa các hộp trà trên đầu tủ chén, hướng ống kính về phía ly cà phê uống dở.

Một lát ông quay ra, ly cà phê đã không còn một giọt.

- Em bắt được thủ phạm rồi! - Mẹ chị Ni hớn hở nói, bà đang ngồi xổm dưới nền nhà, tay giữ chặt con Haili.

- Nó à?

Ba chị Ni đáp, bà chỉ tay và

mõm Haili:

- Dấu vết còn sờ sờ đây nè.

Ba chị Ni quan sát vệt màu nâu trên mõm con Haili, nhún vai:

- Cái này người ta gọi là ăn vụng mà không biết chùi mép.

Ông nhíu mày:

- Nó uống hết sạch cà phê nhưng không làm ngã chiếc ly thì quá tài.

Sực nhớ đến chiếc điện thoại trên đầu tủ, ông vội bước lại mở phim ra xem.

- Ối, con Haili bị oan rồi - Ông dán mắt vào màn hình, sửng sốt - Nó không phải là thủ phạm.

- Chứ đứa nào?

- Con Êmê.

Cả hai vợ chồng lúc này chụm đầu vào chiếc điện thoại. Những thước phim vừa quay đã tố giác thủ phạm: Khi ba chị Ni vừa quay lưng, con Êmê đã lập tức phóng lên ghế rồi từ ghế nhảy phóc lên bàn, rón rén bước tới chỗ chiếc ly, dáng đi mềm mại như một con mèo. Nó thò mõm vào ly cà phê một cách thận trọng rồi dùng chiếc lưỡi dài của mình nhẹ nhàng quét sạch cà phê tới tận đáy mà không làm chiếc ly xê dịch.

Ba chị Ni quay đầu tìm thủ phạm:

- Êmê, ra đây!

Nhưng Êmê đã trốn mất. Ngay từ khi mẹ chị Ni ôm lấy con Haili hét toáng, Êmê đã biết chuyện gì sắp xảy ra, liền vội vã chui tọt vào sau kẹt cửa ngồi thu lu trong đó.

73

Bọn tôi dĩ nhiên biết Êmê là thủ phạm ngay từ đầu. Trong bọn chỉ có nó thèm cà phê sữa. Hôm nào ba chị Ni chuyển qua uống cà phê đen, Êmê

không màng đụng tới.

Nhưng bọn tôi không có cách nào báo cho mọi người biết được hành vi bất hảo của Êmê. Ngay cả khi nghĩ ra cách thông báo, không chắc bọn tôi dám làm chuyện đó. Cho dù Êmê có tật uống trộm cà phê, bọn tôi vẫn tôn trọng nó. Trong bọn, nó là đứa duy nhất dám chống lại con Haili. Riêng chuyện đó thôi, nó đã người hùng trong mắt bọn tôi. Hôm đụng độ bọn chó hoang, nếu có Êmê cục diện có thể đã khác và con Pig không đến nỗi bị thương nặng đến thế. Mỗi khi Êmê đã cắn được tai đối thủ rồi, nó sẽ đeo cho đến chết.

Thực ra ba chị Ni chỉ vờ quát thế thôi. Trong bọn, Êmê chính là đứa được ông cưng chiều nhất.

Mỗi tối sau khi chén thù chén tạc với bạn bè ở ngoài phố trở về, ba chị Ni không đi nghỉ ngay. Ông có thói quen ngồi vào bàn uống chén trà, hát ư ử vài câu rồi mới đi vào phòng tắm.

Nhưng lúc như vậy, bao giờ Êmê cũng mon men lại gần, ngóc cổ nghe ông hát. Lúc đó đôi mắt nó long lanh, chăm chú, chẳng khác nào một khán giả trung thành đang ngồi trong nhà hát. Ba chị Ni hát chẳng lấy gì làm hay ( tôi, Suku, Haili và con Pig đều đồng ý như vậy) nhưng nhìn thái độ thưởng thức nghiêm trang của Êmê, tôi cứ tưởng ông là một ngôi sao ca nhạc lừng danh.

Nhưng lúc đó, bọn tôi đừng hòng lại gần Êmê. Đứa

nào mon men lại rủ nó đùa nghịch thế nào cũng bị gầm gừ đuổi đi. Mọi khán giả chân chính đều như thế: không muốn bị ai quấy rầy lúc đang thưởng thức âm nhạc.

Mỗi khi ba chị Ni hát dứt một bài, Êmê lập tức chạy lại chỗ ông ngồi, chồm hai chân lên ghế, đuôi ngoáy tít. Chỉ thiếu nhành hoa ngậm ngang mõm thôi là nó giống hệt một fan cuồng bước lên sân khấu tặng hoa cho ca sĩ mến mộ.

Ba chị Ni sung sướng gặp ai cũng khoe:

- Con Êmê có máu nghệ sĩ!

74

Chú William biết chuyện, thích lắm. Tối, chú xác ght ta về nhà, ngồi trịnh trọng trên ghế vừa đệm đàn vừa hát cho Êmê nghe, chỉ mong nhìn thấy nó vẫy đuôi là thỏa mãn lắm rồi.

Như mọi lần, Êmê nghiển cổ ngồi nghe say sưa. Chú William khoái chí, tiếng đàn càng bay bướm.

Anh Nghé ngồi bên cạnh, không biết kiếm đâu ra giỏ hoa hồng cầm sẵn trên tay. À, nhớ rồi, đó là giỏ hoa hồng bằng nhựa bé bằng quả bưởi chị Ni vẫn đặt lên bàn học. Khi chú William vừa hát xong, thấy Êmê nhỏm mình dậy, anh Nghé đã nhanh tay nhét quai giỏ vô mõm nó.

Êmê ngậm giỏ hoa, chạy thẳng lại chỗ... ba chị Ni ngồi, chồm lên ghế vẫy đuôi lia lia.

Sau thoáng bất ngờ, mọi người ôm bụng cười lăn. Chỉ có chú William là xịu mặt:

- Mắt nó bị lé hả anh?

Ba chị Ni rút giỏ hoa trong mõm Êmê đưa cho chú

William:

- Chắc nó ngượng, không dám tặng hoa trực tiếp cho em. Nên nó nhờ anh đưa giùm.

Chị Ni cười hihi:

- Chắc nó tưởng ba là MC của chương trình ca nhạc tối nay.

75

Đọc tới đây có lẽ các bạn đã phần nào hình dung được thế giới của bọn tôi.

Nhìn chung, xã hội loài chó cũng không khác lắm xã hội loài người. Bọn tôi có hiếp đáp, có phản kháng, có chiến tranh, có vui đùa, có sầu bi, có tranh giành, có manh động, có sám hối. Rất nhiều máu, và cũng rất nhiều nước mắt thấm ướt cuộc đời năm đứa tôi.

So với con người, bọn tôi tốt những cái tốt của họ và khi xấu bọn tôi giống như bản sao của họ - như thể cả hai cùng nhiễm một thứ virus. Nhưng khác với con người, bọn tôi bao giờ cũng kịp giải quyết những vấn đề của mình trước khi nó mưng mủ và trở thành bất trị.

Haili, khi tham vọng quyền lực nguội lạnh, lập tức trở thành con chó hoàn hảo trong mắt mọi người. Bây giờ suốt ngày nó dành thời gian và tâm trí vào việc săn lũ chuột cống thỉnh thoảng vẫn trồi lên từ các cỗng rãnh.

Trong bọn, nó là con chó duy nhất thích bắt chuột và có khả năng bắt được chuột.

Dĩ nhiên gia đình chị Ni rất tán thưởng hành vi này của nó.

Chỉ có một rắc rối: Mỗi khi bắt được chú chuột nào, Haili luôn

tự khen thưởng mình mình bằng cách nhảy lên đùi bất cứ ai đang ngồi gần đó và ... thè lưỡi liếm môi họ.

Mẹ chị Ni phun phì phì:

- Gớm cái con nhóc này!

Ba chị Ni phun phèo phèo:

- Ối trời, mày tưởng tao thích thịt chuột hả Haili?

Chị Ni đưa tay quẹt miệng và xoay Haili lại:

- Lần sau muốn được cho lên chơi em phải ngồi như thế này này.

Haili tiếp thu rất nhanh. Từ đó, phóng lên đùi ai, hành động đầu tiên của nó là xoay lưng lại, mặt quay ra ngoài và cố kiềm chế để không thè lưỡi liếm lung tung nữa.

76

Haili chán trò bắt nạt, dĩ nhiên Êmê cũng thôi đánh nhau. Khi những trận chiến đấm mãu lùi vào quá khứ, lịch sử bắt đầu đi bằng nhưng bước chân thanh bình và cuộc sống của bọn tôi từ hôm đó được nhúng vào một thứ chất lỏng ngọt ngào có tên là yêu thương.

Đứa nào cũng được yêu.

Haili được yêu vì tính cách hồn nhiên.

Pig được yêu vì tính cách hiền lành.

Êmê được yêu vì tính anh hùng lẫn tính nghệ sĩ cùng chảy trong huyết quản.

Suku được yêu vì vẻ thiên thần ngơ ngác, mặc đù gần đây do tiếp tục cao hứng cắn người nó suýt bị ba chị Ni cho "đi lính". Cô hà khoe có quen một đơn vị cảnh sát đường sông đóng gần nhà. Ở đó người ta huấn luyện chó để đánh hơi vũ khí và

ma túy.

Cô Hà bảo:

- Người ta huấn luyện nghiêm lắm. Vào đó một thời gian Suku chắc chắn sẽ bỏ được tật cắn người vô cớ.

Ba chị Ni hào hứng:

- Biết đâu khi trở về, nó đã được gắn quân hàm đại úy.

Nhưng chị Ni và mẹ chị Ni phán đối kịch liệt.

Mẹ chị Ni lắc đầu:

- Nó mập ú thế kia, đi còn không nổi mà huấn luyện cái gì!

Còn chị Ni ôm chặt Suku, âu yếm:

- Em không đi đâu hết, Suku há.

77

Cuối cùng là tôi - con chó Batô.

So với bốn đứa kia, tôi không có gì đặc biệt.

Tôi, Êmê và Haili sinh ra từ một mẹ nhưng so với tụ nó, tôi xấu xí hơn nhiều. Hình như khi sinh tôi, mẹ tôi chỉ đẽo gọt sơ sài. Thân hình tôi tròn lăn, ục mịch - cô Thảo bán trai cây bảo tôi giống một con heo hơn là một con chó. Tôi có hàm răng không đều, chiếc trồi chiếc sụt giống như cây cọc rào sau một trận bão. Đã thế, thỉnh thoảng tôi lại đi cà nhắc vì cứ vài ngày tôi lại bị đau chân một lần dù không va phải thứ gì.

Khác đến chơi nhà rất ít người có ý định vuốt ve tôi. Nếu thỉnh thoảng có người nựng tôi thì họ cũng không làm điều đó lần thứ hai.

Vì tôi xấu xĩ là một lẽ. Lẽ khác là do tôi vụng về. Tôi đáp lại tình cảm của những người nựng tôi bằng cách nhảy chồm chồm lên đùi họ và những móng chân của tôi luôn làm họ đau.

Đúng ra tôi cũng có một ưu điểm nho nhỏ. Đó là luôn ị ngay ngắn trên những tấm thảm do mẹ chị Ni đặt ở góc nhà trong khi những đứa khác là chúa ị bậy.

Nhưng ưu điểm nho nhỏ đôi lúc lại biến thành những khuyết điểm rõ to. Khi vào phòng chị Ni hoặc mẹ chị Ni chơi, tôi không cưỡng lại được ước muốn nhảy lên giường nệm của họ. Cứ thấy thảm, nệm, mền, gối là tôi buồn ị, chẳng hiểu tại sao.

Nói chung, tôi là con chó đáng chán. Tự tôi cũng thấy như thế.

Những người trong nhà có lẽ cũng thấy giống như tôi nên ai nấy đều yêu tôi - như yêu một con chó bị thiệt thòi.

Nhưng cũng nhờ sống thu mình lại, ánh mắt tôi được trải rộng hơn. Tôi để ý quan sát những con chó khác thấy tụi nó thật thú vị, đặc biệt hình ảnh con Êmê ngậm giỏ hoa chạy đến chỗ ba chị Ni ngồi mới đây thôi đối với tôi giống như một biểu tượng sinh động của lòng biết ơn về cuộc sống tươi đẹp mà con người đã mang lại cho chúng tôi một cách hào phóng và tràn đầy yêu thương, tất cả khiến tôi bỗng nảy ra ý định kể lại những gì tôi đã chứng kiến (và còn nhớ được) từ bé đến giờ.

Đó là lý do câu chuyện này ra đời.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3