Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - Chương 13
PHẦN 3: TÍN NGƯỠNG VÀ SỰ TRƯỞNG THÀNH
THẾ GIỚI QUAN VÀ NIỀM TÍN NGƯỠNG
Càng lớn lên trong khuôn thước kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống, người ta càng nhận hiểu nhiều hơn về thế giới và về chỗ đứng của mình giữa lòng thế giới. Trái lại, càng bế tắc không phát triển được lối sống khuôn thước kỷ luật, không triển nở được tình yêu và không giàu lên trong kinh nghiệm sống, người ta sẽ càng không thể khai thông được cảm thức về thế giới và về vị trí của bản thân mình. Ta hiểu tại sao trong nhân loại tồn tại vô số cảm thức khác biệt nhau về ý nghĩa cuộc nhân sinh.
Cảm thức ấy chính là niềm tín ngưỡng. Và bởi vì ai cũng có một cảm thức nào đó, một thế giới quan nào đó – dù kỳ cục hay thô sơ hay phiến diện đến mấy đi nữa – nên ai cũng có một niềm tín ngưỡng. Đây là sự thật cực kỳ quan trọng, dù không phải ai cũng nhận ra: Mọi người, không trừ ai, đều có niềm tín ngưỡng của mình.
Chúng ta dường như có xu hướng định nghĩa hai chữ “tín ngưỡng” một cách quá hạn hẹp. Ta thường tưởng rằng tín ngưỡng phải gắn liền với một niềm tin nào đó vào Thượng Đế, hoặc phải gắn liền với một số thực hành nghi lễ, hoặc phải là thành viên trong một cộng đồng phụng tự. Ta dán nhãn “vô đạo” cho những ai không đi nhà thờ hay không tin vào một đấng trên cao. Thậm chí một số học giả khẳng định rằng “đạo Phật không phải là một tôn giáo”, hay “giáo phái Thần nhất vị[*] đã đào thải tôn giáo ra khỏi niềm tin của họ”, hay “Thần bí thuyết chỉ là một triết học – không phải một tín ngưỡng”... Chúng ta xem tôn giáo như một cái gì thiết định độc hữu và cứng nhắc. Và chính quan niệm quá giản lược ấy làm cho chúng ta lúng túng không hiểu vì sao mà hai con người rất khác nhau lại có thể cùng tự nhận mình là tín đồ Kitô giáo hay Do Thái giáo... Chúng ta cũng không giải thích được vì sao mà một người vô thần lại có thể có được một ý thức luân lý Kitô giáo cao hơn cả một người Công giáo vốn thường xuyên đi lễ nhà thờ.
Quan sát các nhà trị liệu tâm lý khác làm việc, tôi thường nhận thấy rằng họ không quan tâm mấy – hoặc quan tâm quá ít – về cách mà bệnh nhân của mình cảm nhận thế giới. Có nhiều lý do giải thích tình trạng này, trong đó đáng kể là vì quan niệm cho rằng nếu một bệnh nhân tự nhận mình “vô tôn giáo” (vì không có niềm tin vào Thượng Đế hoặc vì không phải là phần tử của Giáo hội) thì rõ ràng anh ta là kẻ “vô đạo” rồi, và đâu cần điều tra chi nữa cho tốn công! Kỳ thực vấn đề không đơn giản như thế, bởi người ta ai cũng có một số ý niệm hay niềm tin – hoặc mặc nhiên hoặc minh nhiên – về bản chất cốt yếu của thế giới. Rất có thể anh bệnh nhân này nhìn thấy vũ trụ thật hỗn mang và vô nghĩa, và do đó anh ta tranh thủ hưởng thụ bất cứ khoái lạc nhỏ nhoi nào trong tầm tay anh? Rất có thể cô bệnh nhân kia nhìn thấy thế giới chỉ là một nơi người ta cấu xé giành giựt, và do đó cô cho rằng không thể sống còn nếu không biết tàn nhẫn? Một bệnh nhân khác rất có thể nhìn thế giới như một cõi phước lộc luôn có sẵn đó cho mình, và mình không cần phải bận tâm lo lắng gì về tương lai? Kẻ khác nữa có thể cho rằng thế giới có bổn phận phải nuôi họ sống – bất kể họ sống theo cung cách nào? Hoặc có thể có người nhìn vũ trụ như một cái gì hết sức lạnh lùng nghiệt ngã – trong đó họ phải răm rắp tuân theo qui luật, nếu không muốn bị gạt ra rìa một cách thẳng tay không thương tiếc? Vân vân và vân vân... Có vô số cách nhìn thế giới. Trong quá trình trị liệu tâm lý, chẳng sớm thì muộn hầu hết các nhà trị liệu sẽ nhận ra cách nhìn của bệnh nhân mình. Song nếu nhà trị liệu có chủ tâm tìm hiểu điều này, thì họ sẽ khám phá ra rất sớm chứ không phải mất nhiều thời gian. Việc nhận hiểu thế giới quan của bệnh nhân là một việc hết sức cần thiết, vì thế giới quan của một người luôn luôn có mối liên hệ mật thiết với các vấn đề của người đó – và tiến trình chữa trị luôn bao hàm một sự điều chỉnh thế giới quan ấy. Bởi đó tôi thường xuyên nhắc nhở các đồng nghiệp thuộc cấp của tôi rằng: “Các anh phải tìm cho ra niềm tín ngưỡng của các bệnh nhân mình – ngay cả dù họ tự nhận rằng họ vô tín ngưỡng”.
Thường thì niềm tín ngưỡng hay thế giới quan của một người không được người ấy ý thức hoàn toàn. Các bệnh nhân thường không ý thức cách mà họ nhìn thế giới, và nhiều trường hợp thậm chí họ nghĩ rằng họ thuộc về loại tín ngưỡng này trong khi thực ra họ đang bị chi phối bởi một loại tín ngưỡng khác hẳn.
Stewart, một kỹ sư công nghiệp khá thành đạt, bỗng dưng bắt đầu suy sụp tinh thần trầm trọng vào thời gian bước qua tuổi năm mươi. Dù gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp và được tiếng là một người chồng và một người cha mẫu mực, người đàn ông này vẫn cảm thấy mình xấu xa và đáng khinh bỉ. Ông nói: “Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu không có tôi”. Và ông xác tín như thế đến nỗi đã từng hai lần thực hiện hành vi tự tử một cách rất nghiêm trọng. Bao nhiêu mối đảm bảo trong đời sống thực tiễn cũng không thể xóa đi cái mặc cảm tự ti phi thực nơi người đàn ông này. Cùng với những triệu chứng thông thường của tình trạng suy sụp tinh thần như mất ngủ và lo lắng, Stewart còn phải chịu đựng một khó khăn đáng kể khác nữa – đó là ông không thể nuốt được thức ăn. Ông phân trần: “Không phải vì tôi mất khẩu vị, mà vì dường như có một lá thép chặn ngang cổ họng khiến tôi không nuốt được một thứ gì ngoại trừ chất lỏng”. Các xét nghiệm đặc biệt bằng X quang và bằng nhiều kỹ thuật khác đều chào thua không tìm ra được nguyên nhân thể lý của căn bệnh này. Về vấn đề tín ngưỡng, Stewart trình bày rất thẳng thắn: “Tôi là một người vô thần. Tôi tuyệt đối không tin tưởng một thần thánh nào cả. Là một nhà khoa học, tôi chỉ tin vào những gì người ta có thể trông thấy và sờ thấy được. Có lẽ sẽ dễ chịu hơn nếu tôi có một niềm tin nào đó vào một Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu. Song, thú thật, tôi không thể ngửi nổi mấy thứ vớ vẩn đó. Hồi còn bé tôi đã bị nhồi nhét quá nhiều rồi – và tôi mừng vì mình đã thoát ra được”. Được biết, Stewart đã lớn lên trong một gia đình rất có nề nếp tôn giáo vùng trung tây; cha ông là một nhà truyền đạo rất nhiệt thành của giáo phái duy Thánh Kinh, mẹ ông cũng nhiệt thành không kém. Stewart đã thoát ly khỏi gia đình và khỏi nhà thờ ngay khi ông có được cơ hội đầu tiên.
Sau vài tháng nhận trị liệu, Stewart thuật lại một giấc mơ ngắn. Ông kể: “Tôi thấy lại thời thơ ấu của mình ở Minnesota. Tuy nhiên trong giấc mơ tôi vẫn biết mình đã trở thành người lớn như bây giờ. Lúc đó là ban đêm, một người đàn ông xông vào nhà tôi. Ông ta sắp sửa cắt cổ tất cả chúng tôi. Tôi chưa từng gặp người đàn ông này bao giờ, thế nhưng tôi lại biết ông ta là cha của một cô gái mà tôi đã từng hẹn hò vài lần hồi còn học trung học. Giấc mơ chỉ có thế. Không có một kết cục. Tôi thức giấc, toát mồ hôi vì vẫn bị ám ảnh rằng người đàn ông nọ muốn cắt cổ mình”.
Tôi yêu cầu Stewart cố nhớ và kể lại tất cả những gì liên quan đến người đàn ông mà ông gặp trong giấc mơ. “Thật sự tôi chẳng có gì để kể” – Stewart trả lời – “Tôi chưa bao giờ gặp ông ta. Tôi chỉ hẹn hò với con gái ông ta một vài lần. Mà thật sự đó không phải là bồ bịch; tôi chỉ sóng bước với cô ấy về đến đầu ngõ vào nhà – sau buổi sinh hoạt giới trẻ ở nhà thờ. Một trong những lần đưa nàng về như vậy, tôi đã hôn trộm nàng dưới một bụi cây”. Kể đến đây, Stewart bỗng phá lên cười một cách rất không tự nhiên, rồi ông tiếp: “Trong giấc mơ, tôi có cảm tưởng rằng mình chưa bao giờ gặp ông bố cô ta – mặc dù tôi biết ông ấy là ai. Kỳ thực, trong thực tế, tôi đã từng trông thấy người đàn ông ấy – dù chỉ xa xa. Ông ta là trưởng ga đường sắt tại thị trấn; thỉnh thoảng trong những buổi chiều hè rong chơi ra nhà ga để xem các đoàn tàu từ phương xa đến, tôi có thoáng trông thấy ông ta”.
Nghe Stewart kể đến đây, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi. Tôi nhớ lại chính mình khi còn bé cũng có những chiều hè rong chơi ra nhà ga để nhìn ngắm các đoàn tàu đến và đi. Nhà ga là nơi điều động các chuyến tàu – và ông trưởng ga là người thực hiện mọi sự điều động ấy. Ông ta biết rõ những chuyến tàu xuất phát từ đâu, đang đi qua đâu và sẽ về đâu. Ông biết chuyến tàu nào sẽ dừng lại dăm phút tại nhà ga bé nhỏ này – và chuyến tàu nào sẽ vù qua luôn, ầm ầm rung chuyển mặt đất, rồi mất hút. Ông là người thực hiện các tín hiệu, là người bẻ ghi để dẫn mỗi đoàn tàu vào đúng đường của nó. Ông nhận thư từ và bưu phẩm do các đoàn tàu mang tới. Ông gửi thư từ và bưu phẩm cho chúng mang đi. Những lúc khác, ông ngồi trong văn phòng và làm một công việc còn kỳ thú hơn nữa: gõ ngón tay lách cách trên một chiếc phím nhỏ đầy ma thuật để tạo ra một thứ ngôn ngữ huyền bí, làm nên những thông điệp gửi đi khắp muôn nơi...
“Ông Stewart!” – tôi nói – “Ông tự nhận mình là một người vô thần, và tôi tin ông. Có một phần trong tâm trí ông tin rằng không có Thiên Chúa. Nhưng tôi đang hồ nghi rằng có một phần khác cũng trong tâm trí ông tin rằng có Thiên Chúa – một Thiên Chúa đáng sợ, một Thiên Chúa cắt cổ người ta!”
Và tôi đã đoán không sai. Dần dần, qua nhiều buổi làm việc với nhau, Stewart vượt qua được sự ngập ngừng để bắt đầu nhìn nhận rằng nơi con người ông có tồn tại một niềm tin rất kỳ quái: đằng sau chủ trương vô thần, ông vẫn mường tượng rằng thế giới này bị kiểm soát và điểu khiển bởi một lực tàn bạo, một lực không chỉ có khả năng cắt cổ ông mà còn rất hăm hở để làm chuyện đó, một lực hăm hở phạt vạ ông vì ông phạm tội. Chúng tôi bắt đầu tập chú vào những “tội lỗi” của ông – phần lớn đó là những chuyện lặt vặt có liên quan đến tính dục, chẳng hạn việc ông hôn trộm con gái người trưởng ga! Cuối cùng, vấn đề hiện lộ rõ ràng rằng (trong số những lý do suy sụp tinh thần của Stewart) có phần vì ông muốn đền tội và muốn “tự cắt cổ mình” theo một nghĩa nào đó – với hy vọng nhờ vậy ông có thể ngăn cản Thiên Chúa cắt cổ ông theo nghĩa đen.
Ý niệm của Stewart về một Thiên Chúa độc ác và một thế giới tàn bạo như thế đã bắt rễ từ dâu? Những niềm tín ngưỡng nơi người ta nói chung thành hình và phát triển như thế nào? Điều gì quyết định thế giới quan đặc thù của một cá nhân? Có cả một cơ cấu phức hợp những yếu tố làm nên sự quyết định ấy – và quyển sách này sẽ không đi sâu vào những vấn đề vừa đặt ra trên. Nhưng yếu tố quan trọng nhất hình thành niềm tín ngưỡng của phần lớn người ta rõ ràng là văn hóa của họ. Nếu chúng ta là người Âu, chúng ta sẽ dễ cho rằng Chúa Kitô là một người da trắng; còn nếu chúng ta là người Phi Châu, ta sẽ nghĩ rằng Ngài là một anh da đen. Nếu bạn là một người Ấn Độ và được sinh ra và lớn lên ở Benares hay Bombay, thì bạn có nhiều khả năng trở thành một tín đồ Hindu và mang một quan niệm có phần bi quan về thế giới. Nếu bạn là một người Mỹ và lớn lên ở Indiana, bạn sẽ dễ trở thành một tín đồ Kitô giáo và sẽ chiếm lĩnh một thế giới quan có phần lạc quan hơn. Chúng ta có khuynh hướng tin những gì mà người xung quanh mình tin; và chúng ta có khuynh hướng chấp nhận là sự thật những thế giới quan mà người chung quanh trao cho chúng ta khi chúng ta đang trong độ tuổi định hình.
Một sự thật ít được nhận ra hơn (ngoại trừ đối với các nhà trị liệu tâm lý) – đó là chính gia đình đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thiết định văn hóa của chúng ta. Chúng ta lớn lên trên cái nền văn hóa gia đình mình – và cha mẹ chúng ta là những “nhà tổ chức” của cái nền văn hóa ấy. Cũng cần phải ghi nhận thêm rằng khía cạnh có ý nghĩa nhất của nền văn hóa ấy không phải là những điều cha mẹ nói với ta về Thiên Chúa hay về bản chất của mọi sự – mà đúng hơn đó là những điều mà họ làm, cung cách họ ứng xử với nhau, với con cái và cách riêng là đối với bản thân chúng ta. Nói cách khác, trong quá trình chúng ta lớn lên trong gia đình, chính kinh nghiệm của ta về thế giới thu nhỏ (là gia đình) sẽ ấn định cách nhận hiểu của ta về thế giới rộng lớn xung quanh. Những lời nói của cha mẹ không ảnh hưởng đến thế giới quan của chúng ta cho bằng chính cái thế giới cụ thể mà họ tạo ra cho chúng ta qua lối cư xử của họ. “Tôi đồng ý rằng tôi có ý niệm về một vị Thiên Chúa hung dữ” – Stewart nói – “Nhưng ý niệm ấy đến từ đâu cơ chứ? Bố mẹ tôi tin mãnh liệt vào Thiên Chúa và họ thường xuyên nói về đức tin ấy. Nhưng Thiên Chúa của bố mẹ tôi là một Thiên Chúa yêu thương. Họ nói Chúa Giêsu yêu chúng ta, Thiên Chúa yêu chúng ta. Họ nói chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa, yêu mến Chúa Giêsu. Yêu thương, yêu mến, mến thương, đó là tất cả những gì mà tôi đã nghe được”.
- “Ông có một thời thơ ấu hạnh phúc chứ?”, tôi hỏi.
- “Đừng giả bộ ngớ ngẩn, thưa bác sĩ. Bác sĩ biết rõ là tôi có một tuổi thơ khốn nạn”, Stewart vừa nói vừa nhìn tôi trừng trừng.
- “Tại sao khốn nạn?”
- “Bác sĩ cũng thừa biết tại sao. Tôi là một đứa bé ăn đòn thường xuyên như cơm bữa. Tôi bị quất bằng dây lưng, bằng cán chổi, bằng bất cứ thứ gì mà bố mẹ tôi vớ được khi họ nổi xung. Tôi làm bất cứ gì cũng đáng ăn đòn. Có vẻ như mỗi ngày một trận đòn sẽ giúp trẻ em khỏe mạnh và làm cho chúng trở thành những Kitô hữu tí hon tốt lành!”
- “Ông có bao giờ bị bố mẹ bóp cổ hay cắt cổ không?”
- “Không, nhưng tôi chắc rằng điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu tôi đã không cảnh giác đủ”. Một hồi lâu thinh lặng, bất chợt Stewart sa sầm nét mặt trông rất thiểu não. Cuối cùng, ông gằn từng tiếng: “Tôi hiểu rồi!”
Stewart không phải là con người duy nhất tin vào cái mà chúng ta có thể gọi là “vị Thiên Chúa hung hãn”. Tôi đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân có những quan niệm tương tự như thế về Thiên Chúa và có những cảm nhận ảm đạm về ý nghĩa cuộc đời. Điều đáng nói là vị Thiên Chúa hung hãn ấy không là đặc trưng trong phần đông tâm trí con người. Ở phần đầu của quyển sách này chúng ta đã ghi nhận rằng đối với trẻ em, cha mẹ chúng là những hình ảnh biểu trưng cho Thiên Chúa, và cung cách hành sử của cha mẹ được trẻ em coi như luật tắc phổ quát. Ý niệm đầu tiên (đáng buồn rằng đó cũng thường là ý niệm duy nhất) của chúng ta về Thiên Chúa chính là một suy diễn đơn giản từ cốt cách của cha mẹ mình. Chúng ta hình dung ra Thiên Chúa bằng cách pha trộn các tính cách của cha và mẹ mình lại với nhau. Nếu cha mẹ chúng ta là những con người biết yêu thương và tha thứ, chúng ta sẽ dễ tin vào một Thiên Chúa tha thứ và yêu thương. Và khi lớn lên, ta cũng dễ cảm nhận thế giới như một nơi đầy tiềm năng di dưỡng cho ta. Trái lại, nếu cha mẹ chúng ta là những con người khắc nghiệt và hẹp lượng, chúng ta sẽ dễ lớn lên với cảm thức về một vị Thiên Chúa hung hãn và hà khắc. Nếu chúng ta không được cha mẹ mình quan tâm săn sóc, chúng ta sẽ dễ nhìn thế giới như một cõi đầy bất trắc cho mình.[*]
Nhìn nhận rằng niềm tín ngưỡng và thế giới quan của chúng ta phần lớn được quyết định trước hết do kinh nghiệm riêng của mình trong tuổi ấu thời, chúng ta sẽ đứng trước một vấn đề có tầm cốt lõi: Đâu là mối tương quan giữa tín ngưỡng và thực tại? Hay nói cách khác: Đâu là mối tương quan giữa thế giới nhỏ (là gia đình tôi) và thế giới lớn (tức thế giới và nhân loại quanh tôi)? Cảm nhận của Stewart về thế giới như một nơi đầy bất trắc – một nơi mà ông có thể bị cắt cổ bất cứ lúc nào nếu ông lơi lỏng cảnh giác – đó là một cảm nhận hoàn toàn xác thực trong bối cảnh thế giới nhỏ (tức gia đình) của ông thời thơ ấu. Ông đã sống dưới sự thống trị của hai người lớn khắc nghiệt. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng khắc nghiệt, không phải người lớn nào cũng khắc nghiệt. Trên đời này có nhiều loại cha mẹ khác nhau, nhiều loại người khác nhau, nhiều xã hội và nhiều sắc thái văn hóa khác nhau.
Để phát triển một niềm tín ngưỡng hay một thế giới quan tương hợp với thực tại của vũ trụ và của vai trò chúng ta trong đó, ta phải không ngừng sửa đổi và mở rộng nhận thức của mình để tiếp nhận những hiểu biết mới mẻ về thế giới. Ta phải không ngừng mở rộng khung qui chiếu của mình. Đây chính là vấn đề chuyển vị (transference) và vấn đề hiệu chỉnh bản đồ mà chúng ta đã thảo luận trong phần đầu của quyển sách này. Tấm bản đồ của Stewart biểu trưng thực tại hoàn toàn chính xác xét trong khuôn khổ thế giới thu nhỏ là gia đình của ông ta, nhưng Stewart đã chuyển tấm bản đồ ấy một cách bất tương hợp vào thế giới lớn khi ông đã trưởng thành – vì trong bối cảnh mới, tấm bản đồ của ông bị thiếu sót trầm trọng và do đó không phù hợp. Có thể nói, niềm tín ngưỡng của phần đông người lớn là một sản phẩm của sự chuyển vị.
Phần đông chúng ta chỉ sử dụng một khung qui chiếu hạn hẹp – trong khi mình hoàn toàn có thể mở rộng ra thêm đáng kể. Chúng ta để nhận thức của mình bị khuôn định bởi nền văn hóa đặc thù của mình, bởi cha mẹ mình và bởi kinh nghiệm thuở ấu thời của riêng mình. Vì thế, chẳng đáng ngạc nhiên khi trong nhân loại đầy dẫy những xung đột. Con người trong thế giới vừa phải quan hệ với nhau lại vừa có những lối cảm nhận rất khác biệt nhau về bản chất của thực tại. Ai cũng tin rằng mình cảm nhận đúng bởi vì sự cảm nhận ấy đặt cơ sở trên kinh nghiệm bản thân trong “thế giới” của mình. Càng tệ hại hơn nữa, đa số trong chúng ta thậm chí không hoàn toàn ý thức về thế giới quan của chính mình, không ý thức về tính cá biệt của những kinh nghiệm mà từ đó thế giới quan ấy đã được đúc nặn ra. Bryant Wedge, một bác sĩ tâm thần chuyên về lãnh vực quan hệ quốc tế, đã nghiên cứu các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và đã liệt kê được hàng lố những giả đoán căn bản về bản chất của con người, của xã hội, của thế giới trong tâm thức của người Mỹ và người Nga. Bản liệt kê cho thấy những giả đoán ấy của hai bên khác nhau một trời một vực. Và chính những giả đoán này đã lèo lái cung cách đàm phán của mỗi bên. Điều trớ trêu là không có bên nào ý thức về những giả đoán của chính mình, cũng không hề ý thức rằng bên kia đang hành động theo một hệ thống giả đoán hoàn toàn khác. Tất nhiên là bên Mỹ sẽ cho rằng bên Nga hoặc điên khùng hoặc cố tình phá đám; và bên Nga cũng thấy bên Mỹ y như vậy.[*] Thế đấy, chúng ta giống như ba anh chàng mù trong câu chuyện ngụ ngôn: mỗi anh sờ được một chỗ trên mình con voi, và anh nào cũng vỗ ngực xưng rằng ta đây đã hiểu biết tất cả về con vật ấy. Chúng ta gân cổ lên cãi nhau về những thế giới quan chật chội và phiến diện của mình – và cuộc chiến nào cũng là thánh chiến!
NIỀM TÍN NGƯỠNG KHOA HỌC
Hành trình trưởng thành tâm linh là một hành trình bước ra khỏi thế giới nhỏ của mình để hội nhập vào một thế giới rộng lớn hơn. Ở những chặng đầu tiên của cuộc hành trình này (là chính chủ đề của quyển sách này), thì đó là một hành trình của nhận thức đúng hơn là của đức tin. Để thoát ra khỏi thế giới chật chội của những kinh nghiệm ban sơ của chúng ta và để giải phóng mình khỏi căn bệnh chuyển vị, chúng ta cần phải học. Ta phải không ngừng mở rộng tầm hiểu biết và nhãn giới của mình bằng cách xử lý và hội nhập các thông tin mới.
Tiến trình mở rộng nhận thức là một chủ đề trọng yếu của quyển sách này. Trong phần trước – bàn về tình yêu – chúng ta đã định nghĩa tình yêu là một sự mở rộng hay triển nở của bản ngã. Chúng ta cũng đã ghi nhận rằng trong số những liều lĩnh của tình yêu có bao hàm sự liều lĩnh đột phá vào vùng trời xa lạ của những kinh nghiệm mới mẻ. Ở cuối phần thứ nhất – bàn về qui phạm – chúng ta đã thấy rằng việc học hỏi một điều mới luôn đòi ta phải từ bỏ bản ngã cố hữu của mình và phải chôn vùi đi những nhận thức đã trở thành cũ mèm, lạc hậu. Để có được tầm nhìn rộng thoáng hơn, chúng ta phải chấp nhận dứt bỏ tầm nhìn chật hẹp của mình. Trong nhất thời, việc dứt bỏ như vậy thật không dễ chịu chút nào – chúng ta có khuynh hướng tự nhiên muốn ở lì chỗ cũ, muốn tiếp tục sử dụng tấm bản đồ bé nhỏ cũ, muốn níu giữ những quan niệm cũ mà ta từng nâng niu. Thế nhưng nẻo đường trưởng thành tâm linh lại nằm ở hướng ngược lại. Trên nẻo đường đó, người ta bắt đầu bằng việc chất vấn chính những gì mà mình vốn đã tin, người ta tích cực tìm kiếm những gì xa lạ và thậm chí đe dọa mình, người ta đĩnh đạc thách thức tính vững chắc của những gì mà mình đã được dạy cho biết và đã từng trân trọng. Con đường nên thánh là con đường xuyên qua việc đặt lại vấn đề về mọi sự.
Một cách thực tiễn, chúng ta bắt đầu với khoa học. Bước đầu tiên, chúng ta thay thế niềm tín ngưỡng của cha mẹ chúng ta bằng niềm tín ngưỡng khoa học. Chúng ta phải chống lại và đào thải niềm tín ngưỡng của cha mẹ chúng ta, bởi vì chắc chắn thế giới quan của các vị ấy chật hẹp hơn thế giới quan mà chúng ta có khả năng đạt được – nếu chúng ta vận dụng đúng mức kinh nghiệm riêng của mình (bao gồm vừa là kinh nghiệm của bản thân chúng ta trong tư cách người trưởng thành, vừa là kinh nghiệm của cả một thế hệ nối thêm vào dòng lịch sử nhân loại). Một tín ngưỡng tốt đúng nghĩa thì không thể là một tín ngưỡng đơn thuần do cha mẹ chúng ta trối lại. Để có thể sống hoạt mãnh liệt, để có thể phát huy hết mức tiềm năng của mình, tín ngưỡng của chúng ta phải là một tín ngưỡng hoàn toàn cá vị, một tín ngưỡng được trui qua những chất vấn và nghi ngờ trong lò lửa kinh nghiệm của bản thân chúng ta về thực tại. Như thần học gia Alan Jones nhận định:
Một trong những vấn đề của chúng ta – đó là rất ít người phát triển được một cuộc sống biệt vị cho mình. Mọi sự nơi chúng ta – kể cả cảm xúc – hầu như đều là vay mượn. Đành rằng trong nhiều trường hợp, chúng ta phải dựa vào những thông tin vay mượn để ứng xử. Tôi đón nhận và tín nhiệm vào lời nói của một y sĩ, một nhà khoa học, một anh nông dân. Dù không muốn, tôi vẫn phải chấp nhận họ – bởi vì họ sở đắc những hiểu biết cốt yếu mà tôi mù tịt. Hai quả thận của tôi đang hoạt động thế nào, cholesterol gây hiệu ứng ra sao, công việc nuôi gà bao hàm những gì... đó là những thông tin cần phải vay mượn. Song đối với những vấn đề về ý nghĩa, mục đích, sự sống, sự chết... thì tôi không thể vay mượn câu trả lời của người khác được. Tôi không thể sống ký sinh vào một đức tin vay mượn qui hướng về một Thiên Chúa vay mượn. Muốn sống đích thực, tôi phải có tiếng nói riêng mình, tôi phải đích thân mình gặp gỡ.[*]
Vì thế, để khỏe mạnh tâm thần và trưởng thành tâm linh, chúng ta phải phát triển một niềm tín ngưỡng riêng cho mình và không dựa dẫm vào tín ngưỡng của bất cứ ai khác – dù là của cha mẹ. Nhưng một “niềm tín ngưỡng khoa học” nghĩa là gì? Khoa học là một tín ngưỡng bởi vì nó là một thế giới quan có tính phức hợp đáng kể với nhiều nguyên lý nòng cốt. Những nguyên lý này bao gồm: vũ trụ là cái có thực, do đó vũ trụ là một đối tượng chắc chắn cho ta khảo sát; vũ trụ là cái khả tri giác, nghĩa là – nó tuân theo một số qui luật nào đó và ta có thể dự báo được về nó; nhưng con người là những nhà khảo sát kém cỏi, bị lung lạc bởi những mê tín vu vơ, những ám ảnh, những thành kiến, và nhất là con người thường chỉ thấy những gì mình muốn nhìn hơn là thấy tất cả những gì có thực trước mắt mình; chính vì thế, để có thể khảo sát và nắm hiểu một cách đúng đắn, con người thiết yếu phải qui phục qui phạm của phương pháp khoa học. Cốt lõi của qui phạm này là kinh nghiệm – do đó chúng ta không thể tự nhận rằng mình nắm hiểu một điều gì trừ phi mình đã thực sự kinh nghiệm nó. Một điều đáng ghi nhận: đành rằng qui phạm của phương pháp khoa học bắt đầu với kinh nghiệm, song kinh nghiệm đơn lẻ tự nó vẫn không đáng tin; để đáng tin, kinh nghiệm phải có thể lặp đi lặp lại – thường là qua hình thức thí nghiệm. Hơn nữa, kinh nghiệm ấy phải được chứng thực – nghĩa là những người khác cũng phải có cùng kinh nghiệm ấy trong cùng những điều kiện ấy.
Những từ chủ chốt ở đây là “thực tại”, “khảo sát”, nhận thức”, “đáng tin”, “không đáng tin”, “kinh nghiệm”, “qui phạm”. Đó là những từ mà cho tới nay chúng ta vốn thường xuyên sử dụng. Khoa học là một tín ngưỡng hoài nghi. Để thoát ra khỏi thế giới nhỏ của kinh nghiệm ấu thời của mình, để thoát ra khỏi thế giới nhỏ của nền văn hóa của mình và những não trạng của nền văn hóa ấy, để thoát ra khỏi những sự thật nửa vời mà cha mẹ chúng ta trao cho chúng ta... thì nhất thiết chúng ta phải hoài nghi những gì mà mình đã học biết được cho đến nay. Thái độ khoa học sẽ giúp ta chuyển hóa kinh nghiệm của bản thân mình trong thế giới nhỏ thành một kinh nghiệm cũng của bản thân mình trong thế giới rộng lớn hơn. Như vậy, bước đầu tiên là chúng ta phải trở thành những con người khoa học.
Nhiều bệnh nhân – đã bước qua bước đầu tiên này – nói với tôi: “Thưa bác sĩ, tôi không ngoan đạo. Tôi không đi nhà thờ. Tôi không còn tin hầu hết những điều mà Giáo hội và cha mẹ tôi đã dạy tôi. Tôi không có đức tin như cha mẹ tôi. Tôi cảm thấy mình hầu như vô tín ngưỡng”. Những bệnh nhân này thường bị bất ngờ khi tôi chất vấn cái mà họ gọi là “vô tín ngưỡng” nơi bản thân họ. Tôi xác nhận với họ: “Anh có một tín ngưỡng đấy chứ, một tín ngưỡng khá thâm sâu. Anh tôn thờ sự thật. Anh tin vào khả năng phát triển và hoàn thiện nơi bản thân anh: khả năng tiến bộ về mặt tinh thần. Chính niềm tín ngưỡng của anh đã cho anh sức mạnh để sẵn sàng đứng mũi chịu sào và để đón nhận nỗi đớn đau của việc phải giũ bỏ tất cả. Việc anh nhận trị liệu tâm lý cũng là một bước liều. Anh đã làm tất cả những điều ấy vì đâu nếu không phải vì niềm tín ngưỡng của anh! Vì thế tôi cho rằng thật là không xác đáng khi nói anh nghèo tín ngưỡng hơn cha mẹ anh. Ngược lại, tôi thấy có nhiều cơ sở để tin rằng anh đã tiến bộ hơn cha mẹ anh rất nhiều về mặt tinh thần – bởi sức sống tinh thần nơi cha mẹ anh không đủ để thôi thúc họ đặt lại vấn đề”.
Chiều kích quốc tế của khoa học là một trong những yếu tố chứng tỏ rằng khoa học – xét như một tín ngưỡng – mang ý nghĩa cải thiện và tiến bộ nhảy vọt so với nhiều thế giới quan khác. Chúng ta vẫn thường nói về cộng đồng khoa học thế giới. Và cộng đồng ấy đang dần dần trở thành một thực thể, đang ngày càng mật thiết hơn cả cơ chế Giáo hội Công giáo – (Giáo hội Công giáo có lẽ chỉ kém có khoa học trong tầm mức “tứ hải giai huynh đệ”). Những con người khoa học – dù ở chân trời góc biển nào – cũng có thể nói chuyện với nhau dễ dàng hơn nhiều so với đa số còn lại trong chúng ta. Một mức nào đó, họ đã thành công trong việc vượt qua thế giới nhỏ (là nền văn hóa) của họ. Một mức nào đó, họ đang khôn ra.
Nói “một mức nào đó” – bởi vì một đàng tôi tin rằng thế giới quan hoài nghi của những con người khoa học là một tiến bộ rõ rệt so với thế giới quan dựa trên những niềm tin tưởng mù quáng, những dị đoan kỳ cục và những giả đoán vô căn cứ; đàng khác, tôi vẫn tin rằng trên hành trình trưởng thành tinh thần, phần đông những con người khoa học ấy vẫn mới chỉ bước những bước chập chững đầu tiên thôi. Nói rõ hơn, tôi tin rằng về thực tại Thiên Chúa, nhãn giới của đa số các nhà khoa học có vẻ vẫn chật hẹp không khác chi nhãn giới của những kẻ quê mùa mộc mạc nhắm mắt bám theo niềm tin bao đời của cha ông mình. Thực vậy, các nhà khoa học gặp khó khăn sừng sững khi đứng trước vấn đề thực tại Thiên Chúa.
Khi chúng ta đứng ở góc nhìn hoài nghi để nhìn hiện tượng niềm tin vào Thiên Chúa, chúng ta chẳng nhận được ấn tượng gì. Cái mà chúng ta trông thấy là giáo điều và những hệ lụy của giáo điều như: những cuộc chiến tranh, những tòa điều tra, những vụ thanh trừng. Chúng ta trông thấy sự giả hình thật mai mỉa: những kẻ hô hào tình huynh đệ giữa người với người lại giết hại đồng loại mình nhân danh đức tin, lại thí bỏ kẻ khác để trục lợi cho mình, lại sẵn sàng thi hành mọi thủ đoạn tàn ác. Chúng ta trông thấy cơ man những lễ nghi và những hình tượng kỳ quái: vị thần này là một phụ nữ có sáu tay và sáu chân; vị thần kia là một người đàn ông ngồi trên ngai; vị nọ là một con voi; có những thần của quốc gia, có những thần của gia đình, có những thần đa vị, có những thần nhất vị. Chúng ta trông thấy sự dốt nát, sự mê tín, sự cứng cỏi cố chấp. Bộ hồ sơ liên quan đến niềm tin vào Thiên Chúa xem chừng thật thảm hại. Người ta dễ hoài nghi rằng biết đâu nhân loại sẽ hạnh phúc hơn nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa không chỉ là một sự mơ hồ mà còn là một tai ách nữa. Xem chừng như người ta có lý để kết luận rằng Thiên Chúa là một ảo tưởng do tâm trí con người vẽ ra, một ảo tưởng đầy sức tàn phá. Xem chừng như niềm tin vào Thiên Chúa là một dạng rối loạn tâm lý phổ biến của con người – và sự rối loạn ấy cần được chữa trị.
Nghĩa là, chúng ta đứng trước vấn đề: Phải chăng niềm tin vào Thiên Chúa là một tâm bệnh? Phải chăng đó là một biểu hiện của căn bệnh chuyển vị – trong đó chúng ta rút quan niệm của cha mẹ mình ra từ thế giới nhỏ để phóng nó vào thế giới lớn một cách bất tương hợp? Hay nói cách khác, phải chăng niềm tin vào Thiên Chúa là một tâm thức ấu trĩ mà chúng ta cần phải vượt qua để có thể đạt được các trình độ nhận thức cao hơn trên con đường trưởng thành? Nếu chúng ta muốn trả lời những câu hỏi vừa nêu trong cung cách của một con người khoa học, chúng ta không thể không tham chiếu đến các dữ kiện thực tế lâm sàng. Điều gì xảy ra cho niềm tin của người ta vào Thiên Chúa khi người ta lớn lên qua tiến trình tâm lý trị liệu?