Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - Chương 17

PHẦN 4: ÂN SỦNG

ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA SỨC KHỎE

Diệu kỳ thay phúc ân,

Đã cứu tôi, kẻ mọn hèn khốn nạn!

Tôi lạc mất, mà nay được tìm thấy;

Mắt tôi mù, mà nay lại sáng ra.

Chính phúc ân đã dạy cho lòng tôi biết sợ,

Và nhờ phúc ân, bao nỗi sợ xua tan.

Từ phút đầu tôi tin,

Diệu kỳ thay – phúc ân đã có mặt với tôi rồi!

Phúc ân dẫn bước tôi đi,

Qua trập trùng hiểm nguy, nhọc nhằn, cạm bẫy;

Và phúc ân sẽ đưa tôi về,

Đến tận cuối đường, đến tận nhà tôi…[*]

Từ ngữ đầu tiên được gắn kết với ân sủng trong bài thánh ca nổi tiếng của John Newton này là “diệu kỳ”. Ta gọi một điều gì đó là “diệu kỳ” khi nó không xảy ra trong chiều hướng thông thường của sự vật, khi nó không thể được dự báo trước bởi cái mà ta gọi là “qui luật tự nhiên”. Thế nhưng, những gì được trình bày trong các trang tiếp sau đây sẽ chỉ ra rằng ân sủng là một hiện tượng rất thông thường và – trong mức độ nào đó – là một hiện tượng có thể được tiên lượng. Dù sao, thực tại ân sủng sẽ vẫn còn là một cái gì bí ẩn không giải thích được chiếu theo khung ý niệm của khoa học truyền thống và theo các “qui luật tự nhiên” như ta vẫn hiểu. Ân sủng sẽ mãi vẫn còn kỳ diệu và mãi vẫn còn gây sửng sốt cho ta.

Có nhiều khía cạnh trong tâm thần lâm sàng làm tôi phải ngạc nhiên hoài – và không chỉ riêng tôi, mà nhiều bác sĩ tâm thần khác cũng thế. Một trong những khía cạnh đó là: các bệnh nhân của chúng tôi lành mạnh về tâm thần một cách khó hiểu. Các y sĩ thuộc các chuyên ngành khác thường tố cáo rằng giới y sĩ tâm thần làm việc theo một qui phạm không chính xác và không có tính khoa học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng chúng ta biết nhiều về các nguyên nhân rối loạn tâm thần hơn là về nguyên nhân của vô số loại rối loạn khác nơi con người. Nhờ thực hành phân tâm, ta có thể truy tầm ra nguyên căn và diễn tiến của một chứng rối loạn nơi một bệnh nhân với độ chính xác mà ít có ngành nào khác của y khoa có thể sánh kịp. Chúng ta có thể biết chính xác tại sao, thế nào, ở đâu và khi nào sẽ xảy ra một triệu chứng rối loạn hoặc một dạng ứng xử đặc thù nào đó nơi một bệnh nhân. Chúng ta có thể biết chính xác tại sao, thế nào, ở đâu và khi nào chứng rối loạn đặc thù ấy có thể được chữa trị khỏi. Tuy nhiên, cái mà chúng ta không biết đó là tại sao chứng rối loạn ấy lại không nghiêm trọng hơn mức thực tế của nó, tại sao anh bệnh nhân này chỉ rối loạn nhẹ thôi chứ không rối loạn nặng, tại sao chị bệnh nhân kia chỉ rối loạn nặng cục bộ thôi chứ không rối loạn nặng toàn bộ! Rất nhiều khi chúng ta thắc mắc tại sao người này hay người kia – trải qua biến cố kinh hoàng đến thế – mà chỉ rối loạn tới mức đó thôi.

Một nhà doanh nghiệp ba mươi lăm tuổi và rất thành công nọ đến gặp tôi vì một chứng rối loạn nhẹ. Anh ta là con ngoại hôn – và trong những năm đầu đời chỉ được nuôi bởi một mình mẹ anh, một người đàn bà câm điếc trong khu ổ chuột Chicago. Khi anh lên năm tuổi, chính phủ cưỡng chế và tách anh ra khỏi mẹ ruột để giao cho một gia đình nhận làm con nuôi – viện cớ rằng một người đàn bà câm điếc, cô độc và rách rưới như thế không thể nuôi con được. Rồi lần lượt anh được chuyển qua hết gia đình này đến gia đình khác – ở đâu anh cũng bị hất hủi, bỏ bê. Mười lăm tuổi, anh bị tê liệt một phần – do hậu quả của sự cố đứt một mạch máu não bẩm sinh. Mười sáu tuổi, anh thoát ly khỏi cha mẹ nuôi cuối cùng và bắt đầu sống một mình. Mười bảy tuổi, anh bị bỏ tù vì tội có hành vi côn đồ dã man. Trong tù, anh không nhận được sự trị liệu tâm thần nào.

Sau khi ra tù, anh bị quản chế sáu tháng. Rồi nhà nước bố trí anh vào một chỗ làm cù bơ cù bấc trong một công ty loại xoàng. Không một bác sĩ tâm thần hay một chuyên viên công tác xã hội nào trên đời này có thể kỳ vọng chút gì sáng sủa cho tương lai của anh. Thế nhưng, chỉ sau ba năm, anh trở thành người cán bộ trưởng phòng trẻ nhất trong lịch sử của công ty. Sau khi làm việc được năm năm, anh kết hôn với một nữ đồng nghiệp và rời công ty ấy. Cuối cùng, anh gặt hái thành công trong doanh nghiệp riêng của mình, trở nên một doanh nhân tương đối giàu có. Cho tới lúc gặp tôi để nhận trị liệu, anh đã là một người cha rất mẫu mực, một con người trí thức nhờ tự học, một nhân vật lãnh đạo trong cộng đồng, và là một nghệ sĩ có năng khiếu. Bằng cách nào, tại sao, khi nào, ở đâu… tất cả những khía cạnh tích cực ấy đã xảy ra? Tôi không thể hiểu và không thể suy diễn được nếu chỉ dựa vào những ý niệm nhân quả thông thường. Trong khi đó, cũng dựa vào khung ý niệm nhân quả thông thường, chúng tôi đã có thể dò tìm ra một cách chính xác những nguyên nhân của chứng rối loạn nhẹ nơi anh và đã chữa trị được sự rối loạn đó. Còn sự thành công bất ngờ của anh do đâu mà có? Đó là câu hỏi mà cả tôi lẫn bản thân anh đều hoàn toàn mù tịt không thể trả lời được.

Tôi trích dẫn câu chuyện trên bởi vì cả những nỗi bi đát trong tình cảnh của người đàn ông này lẫn trường hợp thành công của anh ta đều có đầy kịch tính và rất gây ấn tượng. Còn đại đa số các trường hợp khác thì những vết thương lòng trong tuổi ấu thời khó được nhận ra hơn (mặc dù vẫn thường khốc liệt không kém) và các bằng chứng của sự lành mạnh cũng ít rõ rệt hơn, nhưng xét căn bản thì sự việc diễn ra vẫn trên cùng một chiều hướng như thế. Chẳng hạn, chúng ta ít khi gặp một bệnh nhân mà – xét căn bản – tâm thần của anh ta (hay cô ta) không lành mạnh hơn cha mẹ mình. Chúng ta hiểu rõ tại sao người ta suy yếu tâm thần. Nhưng ta không hiểu tại sao người ta có thể vượt qua được những biến cố kinh hoàng của cuộc đời họ một cách tốt đẹp đến như thế. Ta biết rõ tại sao anh này hay cô kia tự tử. Nhưng ta không thể biết tại sao những người khác – trong những tình cảnh khủng khiếp đến như thế – đã không tự tử. Tất cả những gì chúng ta có thể nói, đó là có một sức mạnh – mà ta không hoàn toàn hiểu căn nguyên – dường như thường xuyên hoạt động nơi đa số người ta để bảo vệ và củng cố tâm thần của họ ngay cả trong những hoàn cảnh thảm hại nhất.

Mặc dù những diễn biến của các tình trạng rối loạn tâm thần không giống với các diễn biến của những rối loạn thể lý – song chúng giống nhau trong một khía cạnh. Ta hiểu biết khá nhiều về các nguyên nhân của các căn bệnh thể lý; nhưng về các nguyên nhân của sự khỏe mạnh thể lý thì ta không thể hiểu biết nhiều lắm. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi bất cứ một y sĩ nào rằng cái gì gây ra chứng viêm màng não, câu trả lời lập tức sẽ là: “Dĩ nhiên đó là khuẩn màng não”. Tuy nhiên, ở đây sẽ bật ra một vấn đề. Nếu mùa đông này mỗi ngày tôi tiến hành trích loại vi khuẩn này từ cổ họng các cư dân trong ngôi làng nhỏ mà tôi đang sống, tôi sẽ khám phá ra rằng khoảng chín mươi phần trăm số dân làng có mang vi khuẩn đó. Thế mà, từ nhiều năm nay chẳng thấy ai trong làng bị chứng viêm màng não – cũng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có người bị viêm màng não trong mùa đông này. Thế nghĩa là gì? Bệnh viêm màng não là một bệnh tương đối hiếm, nhưng tác nhân gây ra bệnh ấy thì phổ biến cực kỳ. Các y sĩ dùng ý niệm “đề kháng” để giải thích hiện tượng này; họ cho rằng cơ thể chúng ta có một hệ thống phòng thủ phụ trách việc chống lại sự xâm lược của vi khuẩn màng não (cũng như của vô số mầm bệnh khác). Giải thích như vậy là hoàn toàn đúng. Bởi vì chúng ta thật sự nắm hiểu rất nhiều về hệ thống phòng thủ này cũng như cách hoạt động của nó. Nhưng vẫn còn đó cả khối câu hỏi sừng sững. Trong khi một số người Mỹ sẽ chết vì chứng viêm màng não vào mùa đông này – do suy yếu cơ thể và hệ thống đề kháng của họ không đủ mạnh, thì rất đông người cũng chết vì chứng bệnh đó – nhưng trước đây họ hoàn toàn khỏe mạnh và không hề có dấu hiệu yếu kém trong hệ thống đề kháng của họ. Trên một bình diện nào đó, ta có thể khẳng định rằng chính vi khuẩn màng não là nguyên nhân gây ra cái chết của họ – song rõ ràng đó cũng là một khẳng định phiến diện. Xét một cách sâu xa hơn, ta không biết tại sao họ chết. Giỏi lắm ta cũng chỉ nói được rằng những sức mạnh vốn thường bảo vệ sự sống chúng ta xem ra không hoạt động đúng mức nơi họ.

Mặc dù ý niệm về hệ thống đề kháng được áp dụng phổ biến nhất đối với các bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn bệnh viêm màng não, song nó cũng được áp dụng cho tất cả các bệnh thể lý – cách này hay cách khác; có điều là trong trường hợp của những bệnh không truyền nhiễm, chúng ta hầu như không biết hệ thống đề kháng của mình hoạt động như thế nào. Một người có thể bị viêm loét ruột già – một rối loạn thường được xem là có liên quan đến cả thể lý lẫn tâm thần – rồi hoàn toàn bình phục và tiếp tục sống đến suốt đời mà không hề gặp lại triệu chứng đó lần nào nữa. Một người khác có thể bị đi bị lại nhiều lần và cuối cùng bị bại liệt do hậu quả của sự rối loạn ấy. Một người khác nữa có thể bộc phát triệu chứng này một cách dữ dội ngay từ đầu và chết rất nhanh. Cùng một chứng bệnh, nhưng kết quả thì hoàn toàn khác nhau. Tại sao vậy? Chúng ta không thể giải thích được ngoại trừ nói rằng một số người có những khó khăn nào đó trong việc đề kháng sự rối loạn ấy, trong khi đa số những người khác thì không có sự khó khăn ấy. Nhưng “khó khăn ấy” là gì – và nó vận hành thế nào? Chúng ta không biết. Những câu hỏi tương tự cũng có thể được đặt ra đối với hầu như mọi chứng bệnh khác, kể cả những bệnh rất thông thường như nhồi máu cơ tim, tai biến não, ung thư, loét bao tử, v.v… Ngày càng có nhiều người nghiêng về giả đoán rằng hầu như mọi sự rối loạn đều có liên quan đến cả tâm thần lẫn thể lý – nghĩa là tinh thần của người ta có liên hệ một cách nào đó với nguyên nhân của những suy yếu xảy ra trong hệ thống đề kháng của họ. Song những suy yếu đề kháng này không phải là điều đáng ngạc nhiên – trái lại, sự kiện hệ thống đề kháng làm việc một cách hữu hiệu như ta thấy mới đáng ngạc nhiên. Cứ sự thường thì lẽ ra chúng ta phải bị ăn tươi nuốt sống bởi các vi trùng, bị hủy diệt bởi ung thư, bị tắt nghẽn bởi mỡ và các bọng dịch ứ, bị ăn mòn bởi các axít. Vậy thì nào có gì đáng nói nếu chúng ta ngã bệnh và chết! Điều thật sự đáng nói là chúng ta thường không ngã bệnh – và nếu có ngã bệnh cũng không dễ chết! Vì thế ta có thể áp dụng cho những rối loạn thể lý cùng một ghi nhận như ta thấy nơi các rối loạn tâm thần: đó là, có một sức mạnh mà ta không hoàn toàn nắm hiểu dường như hoạt động thường xuyên nơi đa số chúng ta, để bảo vệ và nâng đỡ sức khỏe thể lý của ta ngay cả trong những điều kiện bất lợi nhất.

Vấn đề tai nạn sẽ đặt ta trước nhiều câu hỏi thú vị khác. Nhiều y sĩ – nhất là các bác sĩ tâm thần – có kinh nghiệm rất rõ về hiện tượng “xu hướng về tai nạn”. Trong số rất nhiều trường hợp mà tôi đã gặp, trường hợp ly kỳ nhất là câu chuyện của một cậu bé mười bốn tuổi được điều trị nội trú trong một trung tâm giáo dục các thanh thiếu niên quậy phá. Mẹ cậu bé này mất vào tháng mười một năm cậu lên tám tuổi. Năm sau, cũng vào tháng mười một, cậu bị té ngã khi đang trèo thang và bị gãy xương cánh tay. Năm sau đó, cũng tháng mười một, cậu té xe đạp và bị nứt xương sọ. Rồi năm tiếp sau đó, cũng vào tháng mười một, cậu rơi từ mái nhà xuống đất, gãy xương đùi. Rồi năm sau – tức năm cậu bé lên mười hai tuổi – cậu vấp té khi đang trượt tuyết và bị gãy xương cổ tay, cũng vào tháng mười một. Năm sau, mười ba tuổi, cũng vào tháng mười một, cậu bị một xe hơi đụng, vỡ xương tọa. Cậu bé này có xu hướng về tai nạn; ai cũng nghĩ thế. Nhưng tại sao những tai nạn dồn dập và đúng hẹn ấy đã diễn ra? Cậu bé không hề cố ý tìm kiếm tai nạn cho mình. Cậu cũng không cảm thấy xúc động nhiều lắm về cái chết của mẹ mình (- cậu hết sức thản nhiên nói với tôi rằng cậu đã quên lãng hoàn toàn về cái tang ấy!). Để có thể giải thích tại sao những tai nạn ấy đã xảy ra, tôi cho rằng chúng ta cần phải vận dụng ý niệm về hệ thống đề kháng cho các tai nạn cũng như cho các chứng bệnh – nghĩa là cần nhìn thấy cả khía cạnh đề kháng tai nạn lẫn khía cạnh xu hướng về tai nạn. Bởi vì rõ ràng là trong khi một số người nào đó trong những giai đoạn nào đó bị vướng vào hết tai nạn này đến tai nạn khác – thì cũng phải nhìn nhận rằng phần đông trong chúng ta thường có duyên thoát nạn hơn là lâm nạn.

Còn nhớ hồi tôi chín tuổi, vào một ngày mùa đông lạnh cắt, tôi ôm cặp về nhà sau giờ tan học, đang băng qua con đường tuyết phủ trắng xóa thì bị trượt chân và té ngã. Tôi nghe một tiếng rít hãm phanh ôtô nghiến lên sát bên tai mình. Khi chiếc xe hơi ấy dừng hẳn lại thì cái cản sốc phía trước của nó ở ngay bên trên đầu tôi, còn hai chân và cả thân mình tôi thì đang nằm lọt thỏm dưới gầm xe. Tôi lui cui bò ra, hoảng hốt chạy một mạch về nhà – hoàn toàn lành lặn, không bị một vết trầy sướt nào cả! Đành rằng sự kiện này tự nó xem ra không có gì đáng phải “giật gân”; nhưng nếu đặt nó vào trong một loạt những trường hợp thoát nạn khác nữa, thì hẳn đó không còn là chuyện bình thường. Đã biết bao lần tôi suýt bị xe đụng khi đi bộ trên đường, khi cưỡi xe đạp, và khi lái xe hơi. Đã biết bao lần tôi suýt đụng người ta khi lái xe trên xa lộ vào ban đêm. Đã biết bao lần tôi đạp thắng gấp và dừng được xe ở cách chiếc xe phía trước mình chỉ chừng một gang tay. Đã biết bao lần tôi suýt đâm sầm vào gốc cây khi đang trượt tuyết, suýt rơi xuống đất từ cửa sổ trên lầu, v.v… Phải nói sao đây về tất cả những điều đó? Phải chăng tôi có phù phép? Nếu bạn thử ôn lại cuộc đời mình từ trước đến giờ, tôi nghĩ rằng chính bạn cũng có những kinh nghiệm riêng tương tự. Phần đông trong chúng ta đều đã có vô số lần thoát nạn trong đường tơ kẽ tóc. Phần đông trong chúng ta đều nhận ra rằng con số lần mình thoát nạn lớn hơn rất nhiều so với con số lần mình gặp tai nạn. Hơn nữa, tôi tin rằng bạn cũng nhận ra những trường hợp thoát nạn ấy không do tài khéo gì của chính mình. Vậy phải chăng đa số trong chúng ta được “bề trên phò hộ”? Phải chăng câu thơ ấy của John Newton cũng là cảm nghiệm đích thực nơi phần lớn chúng ta:

“Phúc ân dẫn bước tôi đi,

Qua trập trùng hiểm nguy, nhọc nhằn, cạm bẫy;

Và phúc ân sẽ đưa tôi về,

Đến tận cuối đường, đến tận nhà tôi…”

Nhiều người có thể cho rằng chẳng có gì đáng bận tâm về những sự kiện thoát nạn nói trên. Họ bảo đó chỉ là những biểu hiện của bản năng sinh tồn. Nhưng chẳng lẽ cứ gán cho thực tại một cái tên là đã giải thích xong về thực tại đó? Chẳng lẽ sự kiện chúng ta có một bản năng sinh tồn hóa thành “nhàm” bởi vì ta đã gọi nó là một bản năng? Sự hiểu biết của chúng ta về các nguồn gốc và về sự vận hành của các bản năng thật quá đỗi ít ỏi. Vả lại, vấn đề tai nạn cho thấy rằng khuynh hướng sống còn của chúng ta có thể là một cái gì đó không chỉ là (- và thậm chí kỳ diệu hơn -) một bản năng, cho dẫu bản năng tự nó cũng đã là một hiện tượng kỳ diệu lắm rồi. Dù không nắm hiểu bao nhiêu về các bản năng, chúng ta cũng ý niệm được rằng chúng hoạt động bên trong bản thân con người sở hữu chúng. Đối với sự đề kháng những rối loạn tâm thần hay những bệnh hoạn thể lý, chúng ta có thể tưởng tượng nó nằm trong vô thức hoặc trong những tiến trình sinh học của cá nhân. Thế nhưng, trường hợp các tai nạn thì lại là chuyện khác. Vấn đề tai nạn là vấn đề có liên quan đến sự tương tác giữa người này với người kia, hoặc giữa con người với những vật vô hồn! Bánh xe của người tài xế ấy đã không cán lên tôi là vì bản năng sinh tồn của tôi hay vì ông ta có một bản năng đề kháng lại việc gây chết người? Hình như chúng ta không chỉ có bản năng bảo toàn sinh mạng mình mà còn có bản năng bảo toàn sinh mạng người khác nữa.

Tuy chính bản thân tôi chưa có dịp trực tiếp kinh nghiệm điều này, song tôi có một số bạn bè đã từng chứng kiến những tai nạn ôtô trong đó các “nạn nhân” bò ra khỏi chiếc xe bẹp dúm mà thân thể không hề bị thương tích gì. Phản ứng của họ là hoàn toàn sửng sốt. Họ nói: “Tôi không biết làm sao mà người ta có thể sống sót được trong một tai nạn kinh khủng như vậy – lại chẳng bị thương tích gì mới lạ chứ!” Chúng ta sẽ giải thích sao đây? Phải chăng là sự may mắn thuần túy? Những người bạn ấy của tôi – vốn không phải là những con người ngoan đạo cho lắm – đã sửng sốt chính bởi vì điều mà họ chứng kiến không thể gán cho cái gọi là may mắn. Họ khẳng định: “Không có một cơ hội nào để sống sót. Chết là chuyện rõ rệt một trăm phần trăm. Thế mà vẫn sống!” Khi nghiền ngẫm lại những kinh nghiệm ấy của mình, các người bạn không ngoan đạo lắm ấy của tôi bất giác thốt lên: “À, chắc là Chúa thương mấy anh chàng say rượu lái xe chạy ẩu!” – hoặc: “Chắc là anh ta chưa tận số!” Bạn có thể giải thích những trường hợp kỳ diệu nói trên rằng đó là “sự may mắn thuần túy”, hay một “chuyện lạ” không thể hiểu được, hay “mạng anh chàng tài xế ấy thật lớn” – và rồi bạn cảm thấy thỏa mãn, không cần truy cứu gì thêm. Thế nhưng, nếu chúng ta khảo sát xa hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng việc dùng ý niệm “bản năng” để giải thích các trường hợp như vậy thật không thỏa đáng chút nào. Phải chăng động cơ xe – một khối sắt vô hồn – có bản năng khựng lại đúng lúc sao cho giữ lành lặn được thân thể của con người đang ở trong xe? Hay phải chăng con người ấy có bản năng ứng biến trong khoảnh khắc hệ trọng đó để thích nghi thân thể mình theo với tình trạng lâm nạn của cái xe? Giải thích như vậy xem ra quá phi lý. Trong khi mang hoài bão khám phá xa hơn về một sự giải thích nào đó cho các trường hợp như thế, tôi vẫn đồng thời xác tín rằng ý niệm “bản năng” – như ta vốn hiểu xưa nay – chẳng đóng góp được gì cho một giải thích khả dĩ có sức thuyết phục. Nếu có một ý niệm nào khả dụng hơn, thì đó là ý niệm về sự trùng hợp. Tuy nhiên, trước khi xem xét ý niệm về sự trùng hợp, chúng ta cần khảo sát một số khía cạnh của khu vực vốn thường được mệnh danh là vô thức của con người.

ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA VÔ THỨC

Mỗi khi bắt đầu làm việc với một bệnh nhân mới, tôi thường vẽ ra trên giấy một vòng tròn thật lớn. Bên trong vòng tròn này, tôi vẽ một vòng rất nhỏ. Chỉ vào vòng nhỏ, tôi nói với thân chủ: “Đây là vùng ý thức của bạn. Còn tất cả phần còn lại của vòng tròn lớn – khoảng 95 phần trăm hay hơn thế – là vùng vô thức của bạn. Nếu bạn đủ kiên trì và tích cực tìm hiểu chính bản thân mình, bạn sẽ khám phá ra rằng khu vực rộng lớn này của tâm thần mình (mà hiện nay bạn chưa nắm hiểu bao nhiêu) là cả một kho tàng phong phú đến không ngờ.

Một trong những cách để ta nhận ra sự hiện hữu của khu vựa tâm thần mênh mông nhưng giấu ẩn này và nhận ra sự phong phú của nó – đó là qua những giấc mơ. Một người đàn ông khá lịch lãm nọ đến gặp tôi vì một chứng suy sụp tinh thần đã kéo dài nhiều năm. Ông không cảm thấy một niềm vui nào trong công việc, nhưng không biết tại sao. Được biết cha mẹ ông khá nghèo và không có tên tuổi gì, nhưng các cụ tiền bối bên nội ông ngày trước rất nổi tiếng. Tôi nhận thấy ông ít khi đề cập đến dòng họ mình. Chứng suy sụp của ông là kết quả của nhiều yếu tố. Sau vài tháng trị liệu, chúng tôi mới bắt đầu xem xét đến vấn đề tham vọng của ông. Tại buổi gặp gỡ đầu tiên ngay sau khi nêu vấn đề ấy ra, vị thân chủ của tôi thuật lại một giấc mơ mà ông trải qua trong đêm hôm trước. Trong giấc mơ ấy có đoạn như sau: “Chúng tôi sống trong một căn hộ lổn ngổn những đồ đạc to bự và xấu xí. Trong giấc mơ, tôi trẻ hơn bây giờ rất nhiều. Cha tôi muốn tôi chèo thuyền qua bờ vịnh bên kia để dẫn về một chiếc thuyền mà – vì lý do nào đó – ông đã bỏ lại trên một hòn đảo ở đấy. Tôi rất hăng hái thực hiện chuyến đi này và tôi hỏi cha tôi bằng cách nào tôi có thể nhận ra con thuyền ấy. Ông dẫn tôi tới bên một chiếc tủ gỗ to kềnh và cũ rích, dài đến khoảng năm mét và cao tới tận trần nhà. Trong tủ có hai hay ba chục ngăn kéo cũng rất to. Ông bảo tôi rằng tôi có thể nhận ra chiếc thuyền nếu nhìn dọc theo hông tủ”. Thoạt đầu ý nghĩa của giấc mơ không rõ ràng, vì vậy – như thông lệ – tôi yêu cầu vị thân chủ của mình nhận định về chiếc tủ to kềnh với nhiều ngăn kéo kia. Ngay lập tức, ông nói: “Vì cái tủ trông quá xấu xí, nên nó làm tôi liên tưởng đến một cỗ quan tài”. “Còn về các ngăn kéo thì sao?”, tôi hỏi. Bất thình lình, ông nghiến răng: “Có lẽ tôi muốn giết sạch tất cả ông bà tổ tiên tôi. Nhìn chiếc tủ, tôi nghĩ đến một khu mồ huyệt của gia đình; mỗi ngăn kéo của tủ đủ to để chứa một tử thi”. Thế là rõ! Quả thật, hồi còn trẻ, ông đã được trao cho một ấn tượng có tính định hướng cả cuộc đời: ông đã nhìn dãy bia mộ của các cụ tiền bối trong dòng họ mình; các cụ ấy đều nổi tiếng – và ông cảm thấy mình cũng phải trở nên nổi tiếng như các cụ! Nhưng rồi ông nhận ra rằng đó là một áp lực đè nặng trên cuộc sống mình – và ông mong sao có thể giết chết hình ảnh của tổ tiên trong tâm tưởng mình để giải phóng chính mình khỏi áp lực đè nặng ấy.

Bất cứ ai từng làm việc nhiều với những giấc mơ đều sẽ dễ dàng nhận ra rằng giấc mơ vừa kể trên rất có tính đặc trưng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến ích dụng của nó – xét như một trong những khía cạnh mang tính đặc trưng của giấc mơ. Vị thân chủ của tôi vừa mới bắt đầu tập chú vào một vấn đề của mình. Dường như liền tức thì, vô thức của ông sản sinh ra một câu chuyện làm minh bạch nguyên nhân của vấn đề mà ông đang quan tâm. Nguyên nhân này vốn đã không hề được ông ý thức. Vô thức của ông làm công việc này xuyên qua việc sử dụng các biểu tượng một cách khéo léo không kém một nhà viết kịch sành sõi. Trong thời điểm ấy của tiến trình trị liệu, thật khó tưởng tượng có một kinh nghiệm nào khác có thể hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi bằng giấc mơ đặc biệt kể trên. Vô thức của vị thân chủ này dường như muốn giúp ông ta và muốn cộng tác với công việc của chúng tôi; và nó đã ra tay một cách thật điệu nghệ!

Chính vì vai trò đắc lực của giấc mơ mà các bác sĩ tâm thần thường xem việc phân tích các giấc mơ là một phần rất quan trọng trong công việc của họ. Tôi phải thú nhận rằng có nhiều giấc mơ mình hoàn toàn chịu thua không giải mã được – và vì thế dễ bị cám dỗ để ước rằng giá chi vô thức nói với chúng ta bằng một thứ ngôn ngữ sáng sủa hơn. Dù sao, trong những trường hợp ta đọc ra được bức thông điệp của giấc mơ – thì đó bao giờ cũng là một bức thông điệp nằm trong chiều hướng thúc đẩy sự trưởng thành tinh thần của mình. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận thấy rằng những giấc mơ nào có thể được diễn dịch bằng nhiều cách sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người mơ. Sự trợ giúp này mặc nhiều hình thức khác nhau: đó có thể là lời cảnh báo về một nguy hiểm đang tiềm ẩn, hoặc có thể là một chỉ dẫn để tìm ra giải pháp cho một vấn đề vốn đang bế tắc, đó cũng có thể là một nhắc nhở rằng ta đang sai lầm trong khi ta tưởng rằng mình đúng – hay ngược lại: đó là một khích lệ rằng ta đang đúng trong khi ta cứ lo sợ rằng có lẽ mình sai; đó cũng có thể là một nguồn thông tin thiết yếu về chính mình mà ta chưa nhận biết; hoặc đó là sự định hướng cần thiết giúp ta biết phải đi lối nào trong khi mình đang dò dẫm loay hoay.

Vô thức cũng có thể ngỏ lời với chúng ta trong tình trạng thức – với tính hữu hiệu không kém so với khi ta đang ngủ, dù với một hình thức hơi khác một chút. Đó chính là trường hợp của “những ý tưởng bâng quơ”, hay thậm chí “những mảnh vụn tư tưởng”. Rất thường, cũng như trong trường hợp các giấc mơ, chúng ta không chú ý đến các ý tưởng bâng quơ của mình, ta gạt chúng qua một bên – cơ hồ như chúng không có ý nghĩa gì. Đây là lý do tại sao trong tiến trình phân tâm, các bệnh nhân được yêu cầu kể ra bất cứ gì xảy đến trong tâm thức họ – dù cho đó là những điều xem chừng ngớ ngẩn hay vô nghĩa đến mấy đi nữa. “Thưa bác sĩ, thật là lẩn thẩn, nhưng sao ý nghĩ này cứ xảy đến trong đầu tôi hoài…” – mỗi khi một bệnh nhân nói với tôi như vậy, tôi biết rằng mình sắp sửa nhận được một thông tin rất quí báu cho công việc điều trị anh ta (hay cô ta). Vì ý tưởng lẩn thẩn mè nheo ấy chính là một thông điệp đến từ vô thức, một thông điệp sẽ soi sáng rất nhiều để giúp thấy rõ vấn đề của đương sự. Các “ý tưởng bâng quơ” này không chỉ giúp chúng ta nhận hiểu chính mình mà thôi; chúng còn có thể vén mở rất nhiều về người khác và về thế giới bên ngoài ta nữa. Tôi xin kể ra đây một ví dụ minh họa cho thông điệp của các “ý tưởng bâng quơ” đến từ vô thức – và đồng thời cũng minh họa cho khả năng vén mở về người khác và về thế giới bên ngoài ta. Đây là một kinh nghiệm của chính tâm trí tôi trong khi đang làm việc với một bệnh nhân. Đó là một phụ nữ trẻ vốn ngay từ tuổi mới lớn đã phải chịu đựng một cảm giác chóng mặt thường xuyên. Cảm giác này khá mạnh đến nỗi chị như sắp té ngã bất cứ lúc nào, thế nhưng không có một nguyên nhân thể lý nào đã được tìm ra. Để di chuyển, chị phải bước giạng chân ra, và bằng những bước chân thẳng đơ – trông thật vất vả! Tuy nhiên, đây là một phụ nữ rất thông minh và có duyên. Ban đầu, tôi không thể phỏng đoán gì về nguyên nhân gây ra chứng chóng mặt của chị. Chỉ biết rằng chị đã nhận trị liệu tâm lý qua nhiều năm nhưng không có kết quả – và nay chị đến với tôi để “đổi thầy đổi thuốc”, thế thôi. Hôm ấy là buổi gặp gỡ thứ ba của chúng tôi. Trong khi người nữ bệnh nhân của tôi đang ngồi thoải mái trước mặt tôi và đang kể về điều nọ điều kia, bất chợt tôi nghe như có ai nói trong đầu mình: “Pinocchio”. Vì đang cố tập trung lắng nghe bệnh nhân, nên tôi phớt lơ tiếng nói quấy rầy ấy. Nhưng khoảng một phút sau đó, trong đầu tôi lại vang lên rất rõ: “Pinocchio”. Bực mình, tôi nhíu mắt và cố ép sự chú ý của mình hướng về người nữ bệnh nhân. Thế nhưng, tiếng nói ấy như thể quyết không chịu thua, lại xuất hiện trong ý thức tôi, cơ hồ buộc tôi phải lưu ý đến nó. Cuối cùng, tôi tự nhủ: “Nào, nếu tiếng nói ấy cứ mè nheo mình kiểu này, có lẽ mình cũng nên chú ý đến nó thử xem sao. Rất có thể đây là một thông điệp của vô thức – và nếu thế, nó có thể rất quan trọng”. Thế là tôi nhượng bộ “Pinocchio”…

“Pinocchio! Nhưng Pinocchio là quái quỉ gì nhỉ? Nó có gì liên hệ với người phụ nữ này đâu nhỉ? Hay chị ta là Pinocchio? À, mà này, chị ta xinh xinh đấy chứ – như một búp bê bé bỏng! Chị ta thường mặc y phục màu đỏ, trắng và xanh! Chị ta bước đi với một dáng kỳ cục – như một chú lính gỗ, cứng đơ! A, phải rồi, chị ta là một con rối. Lạy Chúa, chị ta là Pinocchio! Chị ta là một con rối!” Ngay lập tức, gốc rễ vấn đề của người nữ bệnh nhân bật ra lồ lộ trong suy nghĩ của tôi: Chị ta không phải là một ngã vị đích thực; chị ta là một con rối bé nhỏ, cứng đơ, cố gắng cử động – nhưng lo sợ rằng bất cứ lúc nào mình cũng có thể ngã nhào trong một mớ bòng bong những dây nhợ. Dần dần, các yếu tố xác minh được nhanh chóng vén mở ra: Mẹ của nữ bệnh nhân này là một người đàn bà độc đoán cực kỳ; bà điều khiển nhất cử nhất động của con gái bà; bà tự hào vì đã uốn ép con gái mình một trăm phần trăm theo ý mình muốn: đi đứng, ăn mặc, nói năng, và… mọi sự! Còn người nữ bệnh nhân của tôi? Đó là một con người dốc toàn tâm toàn chí để cố làm thỏa mãn các đòi hỏi và kỳ vọng của người khác; đó là một con người hoàn toàn bị động và mất hẳn khả năng tự quyết định!

Sự nhận hiểu vô cùng quí báu này về bệnh nhân của mình đã xuất hiện trong ý thức tôi như một kẻ quấy rối. Tôi đã không mời nó đến. Tôi đã không cần nó. Sự hiện diện của nó xem ra là một điều bất bình thường đối với tôi và xem ra không ăn nhập gì với công việc mà tôi đang tiến hành. Xem ra nó chỉ là một sự quấy rầy không hơn không kém! Thoạt đầu, tôi đã chống cưỡng lại nó, cố xua đuổi nó một lần rồi hai lần. Đặc tính xa lạ và quấy rầy này là đặc trưng của vô thức và của cung cách mà nó trình diện trước ý thức. Một phần cũng vì đặc tính ấy và vì sự đề kháng kèm theo của ý thức mà Freud và các môn đồ đầu tiên của ông đã nghiêng về chiều hướng xem vô thức như một sào huyệt chứa đầy những yếu tố bán khai, phản xã hội và xấu xa bên trong con người chúng ta. Dường như do bởi sự kiện ý thức tẩy chay vô thức mà họ giả định rằng những gì thuộc vô thức đều xấu. Cũng trong chiều hướng này, họ thiên về quan niệm cho rằng sự suy nhược tâm thần đồn trú trong vô thức như một con quỉ mai phục rất sâu kín trong tâm thần của chúng ta. Về sau, Jung cảm thấy có trách nhiệm phải điều chỉnh lối nhìn ấy – và ông đã tích cực làm nhiều chuyện để thực hiện sự điều chỉnh này, trong đó gồm cả việc ông khai sinh ra cụm từ: “Sự Khôn Ngoan của Vô Thức”. Kinh nghiệm bản thân tôi đã nằm trong chiều hướng củng cố cho quan niệm của Jung trong khía cạnh này. Tôi cho rằng tâm bệnh không phải là sản phẩm của vô thức; đúng hơn, nó là một hiện tượng của ý thức hay một sự rối loạn trong quan hệ giữa ý thức và vô thức. Chẳng hạn, ta hãy xét vấn đề ức chế, Freud đã khám phá nơi nhiều bệnh nhân của ông những khát khao dục tính và những cảm nghĩ kinh tởm mà họ không ý thức, song rõ ràng chính những khát khao và những kinh tởm ấy đang làm họ suy nhược. Vì những khát khao và những cảm nghĩ này cư ngụ trong vô thức, nên mới xảy ra ngộ nhận rằng chính vô thức gây ra tâm bệnh. Nhưng tại sao những khát khao và cảm nghĩ ấy lại cư ngụ trước hết trong vô thức? Tại sao chúng bị ức chế? Câu trả lời là: bởi vì ý thức từ khước nó. Vấn đề thực sự nằm ở chỗ sự từ khước và sự phủ nhận này. Sự kiện người ta có những cảm nghĩ như thế không phải là vấn đề. Chính sự kiện ý thức của người ta thường không sẵn sàng đối diện với những cảm nghĩ ấy và không sẵn sàng chịu đựng nỗi đau của việc xử lý chúng – đó mới là vấn đề. Thật vậy, ý thức của chúng ta thường muốn quay lưng lấp liếm hơn là đối mặt và nhìn nhận những tiếng gào réo trong vô thức của mình.

Còn một cách thế thứ ba nữa để vô thức bộc lộ và ngỏ lời với chúng ta nếu ta chú ý lắng nghe (thực tế ta thường bỏ nhỡ rất nhiều) – đó là qua cung cách và thái độ của chúng ta. Tôi muốn nói đến những “sự lỡ lời” và những sự “lỡ” khác trong hành vi cử chỉ mà nhiều người gọi là “những lầm lỡ Freudian”. Trong tác phẩm Tâm Bệnh Học Đời Thường của mình, Freud đã chỉ ra rằng những cái “lỡ” ấy chính là những biểu hiện của vô thức. Ở đây, một lần nữa, ta thấy việc Freud sử dụng từ “tâm bệnh học” (psychopathology) để mô tả những hiện tượng này chứng tỏ rằng ông đánh giá tiêu cực về vô thức. Ông cho rằng vô thức đóng vai trò quấy rối người ta, làm lung lạc người ta. Ông không nhận thấy rằng vô thức làm công việc của một bà tiên nhân hậu sốt sắng giúp làm cho người ta trở nên chân thực. Khi một bệnh nhân, trong cuộc trị liệu của mình, vô ý để xảy ra một sự lỡ lời (hay lỡ gì đó khác) – thì đó sẽ là một sự kiện rất hữu ích cho tiến trình chữa trị vấn đề của đương sự. Ý thức của bệnh nhân thường muốn cố chống cưỡng lại cuộc trị liệu, cố che giấu không cho nhà trị liệu và không cho chính mình thấy được bản chất thực sự của bản ngã mình. Tuy nhiên, vô thức của bệnh nhân thì hỗ trợ nhà trị liệu; nó thúc đẩy bệnh nhân cởi mở, chân thành, trung thực; nó đấu tranh để bắt bệnh nhân “có sao nói vậy”.

Đây là vài ví dụ. Một phụ nữ rất ý tứ nọ, hoàn toàn không có khả năng nhận ra cảm xúc phẫn nộ nơi chính mình và do đó cũng không có khả năng bộc lộ phẫn nộ một cách công khai, bỗng dưng bắt đầu thường xuyên đến trễ giờ cho các buổi gặp trị liệu – mỗi lần trễ dăm ba phút. Tôi nhận định với chị rằng có lẽ bởi vì chị đang có gì đó không hài lòng với tôi hoặc với cuộc trị liệu, hoặc với cả hai. Chị kiên quyết phủ nhận điều đó, giải thích rằng sự trễ giờ của mình là do những lý do đột xuất này khác – và chị xác nhận rằng chị rất trân trọng và ngưỡng mộ tôi, cũng như rất nhiệt tình đối với công việc gặp gỡ trị liệu. Buổi chiều hôm ấy, chị gởi ngân phiếu chi trả các hóa đơn hằng tháng của mình – gồm cả hóa đơn của tôi. Tôi nhận được tấm ngân phiếu của chị: một tấm ngân phiếu chưa được ký! Lần gặp sau đó, tôi nhắc lại cho chị chuyện về tấm ngân phiếu. Tôi nêu nhận định rằng sự sai sót ấy của chị là do chị có gì đó giận tôi. Chị nói: “Ôi, thật quái đản! Trong cả đời tôi, tôi chưa bao giờ gửi một tấm ngân phiếu mà mình chưa ký. Bác sĩ biết đó, tôi luôn rất kỹ lưỡng trong những chuyện này. Tôi không thể tin rằng mình đã có sự sơ suất ấy”. Tôi đưa ra cho chị xem tấm ngân phiếu. Dù vốn là một người rất có khả năng kiềm chế trong các cuộc gặp gỡ và trao đổi với tôi, giờ đây chị bỗng òa khóc nức nở. Chị rên rỉ: “Trời ơi, sao tôi ra nông nỗi này! Tôi không còn là tôi nữa, trời ơi!” Trong cơn vật vã ấy, cộng với sự xác nhận của tôi rằng quả thật chị giống như một ngôi nhà đang tự phân rã và đang tự chống lại mình, chị bắt đầu nhìn nhận rằng ít nhất có một phần nào đó trong con người mình cố tìm cách che giấu cảm xúc phẫn nộ. Thế là bước chuyển biến đầu tiên đã được thực hiện! Một bệnh nhân khác, cũng có vấn đề liên quan đến cảm xúc phẫn nộ, là một người đàn ông vốn tin rằng mình không bao giờ cảm thấy giận bất cứ ai trong gia đình mình – huống chi là chuyện biểu lộ cơn giận! Vào dịp ấy, người chị gái của ông đang ghé thăm gia đình ông, nên ông có đề cập đến người chị này trong cuộc trò chuyện với tôi. Ông mô tả chị ấy là “một con người tuyệt vời, không chê vào đâu được”. Đến cuối buổi gặp, ông kể với tôi rằng ông sắp có một bữa tiệc nhỏ ở nhà – sẽ có sự hiện diện của một đôi vợ chồng hàng xóm và “dĩ nhiên, có cả bà chị dâu tôi nữa”. Tôi nhắc ông rằng ông vừa gọi chị ruột mình là chị dâu. Ông đáp tỉnh queo: “Chắc bác sĩ cho rằng sự lỡ lời ấy của tôi là một hành vi vô thức?”. “Đúng vậy”, tôi trả lời, “Điều mà vô thức của ông đang mách cho biết – đó là ông không muốn nhận người phụ nữ ấy là chị ông, ông muốn biến chị ấy thành một bà chị dâu thôi, nghĩa là ông không thích chị ấy”. “Ồ không, tôi không ghét chị ấy”, bệnh nhân của tôi phân bua, “nhưng chị ấy có tật hay nói – và tôi biết rằng trong bữa tiệc tối nay, chị ấy sẽ lại giành hết quyền nói, chị ấy sẽ lấn lướt không cho ai lên tiếng; và tôi sẽ bị bẽ mặt trước các vị khách của mình!” Thế là, một cái gì đó ẩn kín đã hiện lộ ra – và một bước chuyển biến đã được thực hiện.

Không phải mọi sự lỡ lời đều tố giác sự bất mãn hay phơi bày những cảm nghĩ “tiêu cực” mà người ta phủ nhận. Chúng phơi bày mọi cảm nghĩ bị phủ nhận, cả tiêu cực lẫn tích cực. Chúng bộc lộ cho thấy sự thực – sự thực trái ngược với những gì mà ta muốn thêu dệt ra trong tư tưởng của mình. Có lẽ trường hợp lỡ lời đáng nhớ nhất trong kinh nghiệm của tôi là trường hợp đã xảy ra với một phụ nữ trẻ ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với tôi. Được biết, bố mẹ cô gái này là những con người rất lạnh lùng và khô khan; họ nuôi con gái mình lớn lên với một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng hoàn toàn thiếu vắng tình thương và sự quan tâm đích thực. Cô gái tỏ ra có vẻ rất chín chắn, tự tin, thoải mái và độc lập. Một phụ nữ hoàn toàn lành mạnh!? Tuy nhiên, theo cô cho biết, cô muốn xúc tiến một cuộc trị liệu với tôi vì “lúc này tôi rảnh rỗi quá, thưa bác sĩ; vả lại, làm một cuộc phân tâm nho nhỏ cũng là điều hay – và trí tuệ mình cũng được mở mang”. Tìm hiểu lý do “rảnh rỗi quá” của cô gái này, tôi được biết rằng cô vừa mới bỏ trường đại học vì đã có thai năm tháng. Cô không muốn kết hôn, Cô thoáng dự tính sẽ trao đứa bé cho người ta làm con nuôi và, phần mình, sẽ sang Âu châu để tiếp tục việc học. Tôi hỏi cô đã báo cho cha của đứa bé biết tình trạng có thai của cô chưa – (đã bốn tháng rồi cô không gặp anh ta). Cô trả lời: “Vâng, tôi đã viết cho anh ta mấy chữ, báo tin rằng mối quan hệ giữa chúng tôi là sản phẩm của một đứa trẻ”. Rõ ràng, cô đã lỡ lời; cô muốn nói rằng “một đứa trẻ là sản phẩm của mối quan hệ giữa chúng tôi”. Và sự lỡ lời này đã cho thấy ẩn trong cốt cách của một phụ nữ hoàn toàn lành mạnh, cô là một đứa trẻ hẩm hiu, tội nghiệp, đói khát tình thương – rằng chính vì vô vọng trong cố gắng kiếm tìm tình mẹ mà cô đã có thai để chính mình trở thành một người mẹ. Tôi đã không vạch chỉ cho cô thấy sự lỡ lời ấy, bởi vì cô chưa sẵn sàng nhìn nhận những nhu cầu lệ thuộc tiềm ẩn trong mình cũng như chưa nhận thức được rằng việc mình có những nhu cầu ấy tự nó không phải là vấn đề chi cả. Tuy nhiên, sự kiện lỡ lời ấy của cô gái đã rất hữu ích cho chính bản thân cô – vì nó giúp tôi hiểu ra rằng con người đang gặp tôi đây là một đứa trẻ đầy sợ hãi, một đứa trẻ cần được chăm chút nựng nịu từng li từng tí – ít nhất trong một thời gian khá lâu nữa.

Trong cả ba mẩu ví dụ vừa kể trên, ba người bệnh nhân lỡ lời ấy đã không cố bưng bít con người thật của họ đối với tôi cho bằng họ tự che giấu con người thật của họ đối với chính họ. Người thứ nhất thực sự tin rằng nơi mình không có tí bợn bất mãn nào. Người thứ hai xác tín rằng mình không có chút bực bội nào đối với các thành viên khác trong gia đình mình. Người thứ ba tự đánh giá mình như một phụ nữ hoàn toàn lành mạnh, không có vấn đề gì cả! Sự nhận định của chúng ta về chính mình, do nhiều yếu tố phức hợp, dường như luôn luôn sai lệch so với thực chất của mình. Chúng ta hầu như bao giờ cũng tài giỏi hơn hoặc kém cỏi hơn mình nghĩ. Thế nhưng, vô thức của chúng ta thì hiểu rất đúng con người thật của ta là gì. Một công việc hết sức cốt yếu trong tiến trình trưởng thành tinh thần của một người, đó là người ấy phải không ngừng điều chỉnh lại sự nhận định về chính bản thân mình – sao cho sự nhận định ấy càng ngày càng ăn khớp với thực tại của mình. Việc điều chỉnh này là công việc ta phải làm suốt đời. Có những trường hợp, người ta đạt được bước tiến khá dài trong tiến trình điều chỉnh này với một tốc độ tương đối nhanh chóng – chẳng hạn, nhờ một cuộc trị liệu tâm lý chuyên sâu – người ta thường cảm thấy như mình được “tái sinh” vậy. Trong niềm vui đích thực của cuộc chuyển biến nhận thức ấy, của sự thức tỉnh ấy, người ta thốt lên: “Tôi không còn là con người cũ của tôi nữa, tôi bây giờ hoàn toàn mới và hoàn toàn khác!” Đó là lúc mà người ta dễ dàng cảm nghiệm được những lời trong bài thánh ca của John Newton: “Tôi lạc mất, mà nay được tìm thấy; mắt tôi mù, mà nay lại sáng ra”.

Nếu chúng ta đồng hóa bản ngã của mình với sự nhận định của mình về mình (hay sự tự nhận thức, hay ý thức nói chung), thì chúng ta phải nói về vô thức rằng: có một phần trong mình khôn ngoan hơn mình. Chúng ta đã nhắc đến “sự khôn ngoan của vô thức” này chủ yếu về phương diện hiểu mình và biểu lộ mình. Trong ví dụ về người bệnh nhân mà vô thức của tôi bắt tôi nghĩ đến Pinocchio, tôi đã cố gắng chỉ ra rằng: không chỉ trong việc nhận hiểu mình, mà cả trong việc nhận hiểu người khác, vô thức của ta cũng khôn ngoan hơn ta. Nói tắt, vô thức của ta khôn ngoan hơn ta trong mọi sự. Lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi đến Singapore cho một chuyến nghỉ hè, khi máy bay hạ cánh xuống phi trường thì trời đã tối. Về khách sạn và ổn định chỗ ở xong, vợ chồng tôi cùng đi ra ngoài dạo phố một chút. Cả hai chậm rãi sóng bước. Trong chốc lát, trước mặt chúng tôi hiện ra một khoảng trống thênh thang – như một quảng trường. Phía bên kia, cách chừng vài trăm mét, chúng tôi nhận ra hình thù mập mờ của một tòa nhà sừng sững trong bóng đêm. “Tòa nhà gì đấy nhỉ?”, nhà tôi hỏi. “Ồ, đó là Singapore Cricket Club”, tôi buột miệng trả lời, ngay lập tức, và hoàn toàn xác quyết! Và cũng ngay lập tức, tôi cảm thấy áy náy và tự trách mình vì đã nói bừa. Đúng là nói bừa, bởi tôi không hề dựa vào một cơ sở nào để thốt lên như thế. Không những tôi chưa bao giờ đến Singapore – mà ngay cả một câu lạc bộ cricket tôi cũng chưa hề trông thấy bao giờ, dù trong ánh sáng ban ngày, huống chi là trong bóng đêm. Thế nhưng, thật sửng sốt cho tôi, khi chúng tôi đi đến và vòng qua phía mặt tiền của tòa nhà, thì kìa – chỗ lối vào – một tấm bảng hiệu bằng đồng sáng lóa đề ba chữ Singapore Cricket Club!

Làm sao tôi lại biết điều mà tôi hoàn toàn không biết ấy? Trong số những khả năng có thể giải thích, chúng ta có thể giải thích bằng lý thuyết “vô thức tập thể” của Jung. Thuyết vô thức tập thể (collective unconscious) cho rằng người ta thừa hưởng sự khôn ngoan của kinh nghiệm tổ tiên mình mà không cần có kinh nghiệm cá nhân của bản thân. Loại hiểu biết này, trong khi xem ra rất lạ lẫm đối với tâm thức khoa học, thì thật đáng ngạc nhiên là sự tồn tại của nó lại được nhận ra rất phổ biến trong ngôn ngữ hằng ngày của chúng ta. Cứ lấy ngay hai tiếng “nhận ra” làm ví dụ. Khi chúng ta đọc một quyển sách và bắt gặp một ý tưởng hay một lý thuyết nào đó làm mình thích thú và tâm đắc, chúng ta nhận ra rằng nó đúng. Thế nhưng, đó có thể là một ý tưởng hay lý thuyết mà chúng ta vốn chưa bao giờ nghĩ đến trong ý thức mình. Từ ngữ “nhận ra” có nghĩa rằng chúng ta biết lại (recognize = re-know) điều ấy; như thể chúng ta đã từng có lần biết, đã quên, và nay lại nhận ra – như nhận ra một người bạn cũ! Dường như tất cả kiến thức và tất cả khôn ngoan đã được chứa trong đầu óc chúng ta, và mỗi khi chúng ta học biết “một điều gì đó mới” – thì thực ra đấy chỉ là chúng ta đang khám phá ra một điều vốn đã tồn tại trong mình tự trước rồi. Trường hợp của hai tiếng “giáo dục” cũng thế. “Giáo dục” (education) có gốc ở từ la-tinh educare, nghĩa sát chữ là “mang ra” hay “dẫn xuất”. Vì thế, khi chúng ta giáo dục người ta, nếu dùng từ một cách cân nhắc, chúng ta không nhồi nhét một điều gì mới vào tâm trí họ, đúng hơn, chúng ta khui điều ấy ra từ nơi họ, chúng ta lôi nó ra khỏi vô thức để dặt nó vào trong ý thức của họ. Trước hay sau, họ vẫn là sở hữu chủ của kiến thức ấy.

Nhưng đâu là nguồn căn của cái “một-phần-trong-ta-khôn-ngoan-hơn-ta” này? Chúng ta không biết. Lý thuyết về vô thức tập thể của Jung thì bảo rằng sự khôn ngoan ấy được ta kế thừa từ tổ tiên mình. Các thí nghiệm khoa học gần đây – với dữ liệu di truyền phối hợp với hiện tượng ký ức – xác nhận rằng quả thực người ta có thể thừa hưởng kiến thức được – (kiến thức tích trữ trong hình thức những hệ DNA và RNA trong các tế bào). Ý niệm về sự tích trữ thông tin bằng hóa chất cho phép chúng ta giải thích làm sao mà tất cả thông tin tiềm ẩn sẵn trong tâm trí con người có thể được chứa đựng trong có dăm cen-ti-mét khối óc não. Nhưng ngay cả cơ cấu tinh vi phi thường này (cho phép tích trữ kiến thức di truyền lẫn kiến thức đắc thủ trong một không gian bé nhỏ) cũng đành bỏ ngõ không thể trả lời được cho những vấn nạn thiết cốt nhất. Đành rằng chúng ta có thể nghĩ đến một hệ thống tích trữ tinh vi như thế, nhưng hệ thống đó đã được xây dựng như thế nào, phối hợp thế nào, hoạt động thế nào, vân vân và vân vân? Đứng trước hiện tượng tâm thức con người, chúng ta vẫn chỉ là một anh khờ há miệng sững sờ mà thôi. Nêu giả đoán này nọ về những vấn đề này thì chẳng khác nào nêu giả đoán rằng Thiên Chúa điều khiển vũ trụ qua trung gian các đạo binh của Ngài, các tổng lãnh thiên thần, các thiên thần, các sê-ra-phim và kê-ru-bim… giúp Ngài trong công tác điều hành vũ trụ. Tâm thức chúng ta – đôi khi dám nghĩ rằng không có cái gì dưới gầm trời này là phép lạ – thì ngay chính bản thân nó đã là một phép lạ.

ĐIỀU KỲ DIỆU CỦA CƠ DUYÊN

Cho tới đây, chúng ta đã thấy rằng sự khôn ngoan phi thường của vô thức có thể được giải thích cuối cùng như một phần của cơ chế não bộ vận hành cách kỳ diệu. Song chúng ta vẫn còn mù mịt hoàn toàn đối với cái gọi là “hiện tượng linh cảm” – vốn là những hiện tượng có quan hệ rõ ràng với hoạt động vô thức. Bằng một loạt các thí nghiệm tinh vi, Montague Ullman, M.D. và Stanley Krippner, Ph.D. đã đi đến kết luận rằng một người đang thức có thể thường xuyên và đều đặn “chuyển đạt” các hình ảnh cho một người khác đang ngủ ở cách mình nhiều phòng – và những hình ảnh này sẽ xuất hiện trong giấc mơ của kẻ đang ngủ.[†] Sự chuyển đạt này không phải là chuyện chỉ xảy ra trong phòng thí nghiệm. Chúng ta không lạ gì với những trường hợp, chẳng hạn, hai người quen biết nhau cùng có những giấc mơ giống hệt nhau hoặc với những chi tiết tương tự nhau đến không ngờ. Làm sao điều này xảy ra được? Chúng ta hoàn toàn mù mịt.

Nhưng điều đó vẫn thực sự xảy ra. Cơ sở của những sự kiện ấy được chứng minh một cách khoa học bằng luận cứ về tính cái nhiên của chúng – nghĩa là chúng hoàn toàn có thể xảy ra, và không ai chứng minh được rằng chúng không thể xảy ra. Riêng bản thân tôi, một đêm nọ, có một giấc mơ bao gồm một loạt bảy hình ảnh khác nhau. Về sau, tôi được biết rằng một người bạn của mình – trong khi đang ngủ tại nhà tôi trước đó hai đêm – đã chợt thức giấc từ một giấc mơ với đúng bảy hình ảnh ấy, và theo đúng thứ tự ấy! Cả anh bạn của tôi và tôi đều không thể đưa ra một lý do nào để giải thích sự kiện này. Chúng tôi không thể móc nối các giấc mơ ấy với bất cứ kinh nghiệm nào mà mình vốn đã có, vốn đã san sẻ. Chúng tôi cũng không thể diễn dịch các giấc mơ ấy theo một ý nghĩa khả dĩ mạch lạc nào. Dù vậy, chúng tôi xác tín rằng một điều gì đó hết sức đặc biệt đã xảy ra. Tâm thức tôi chứa cả triệu hình ảnh để có thể nhặt ra mà dệt mơ. Và thật khó chấp nhận rằng chỉ do ngẫu nhiên thuần túy mà tôi đã lựa ra đúng bảy hình ảnh như giấc mơ của anh bạn tôi – và lựa ra theo đúng thứ tự như của anh ta! Biến cố này thật khó tin đến nỗi chúng tôi quyết chắc rằng nó không thể là chuyện tình cờ.

Những biến cố khó tin (mà qui luật tự nhiên, theo như chúng ta nắm hiểu, không thể giải thích được) lại xảy ra với mức thường xuyên cũng thật khó tin! Sự kiện này, tới nay, được người ta mệnh danh là nguyên lý trùng hợp. Anh bạn tôi và tôi đều không hề biết lý do tại sao chúng tôi đã có những giấc mơ giống nhau lạ lùng đến thế; nhưng có một khía cạnh rõ ràng – đó là chúng tôi đã có những giấc mơ ấy vào hai thời điểm rất gần nhau. Có thể nói, yếu tố thời gian là yếu tố quan trọng – thậm chí có lẽ là yếu tố quyết định – trong những biến cố kỳ bí này. Trước đây, khi đề cập đến xu hướng tai nạn và bản năng đề kháng tai nạn, chúng ta có ghi nhận rằng không phải là họa hiếm chuyện người ta bằng an vô sự bò ra khỏi những chiếc xe lăn kềnh, bẹp dúm. Và xem chừng thật ngớ ngẩn nếu nghĩ rằng chiếc xe lâm nạn kia có bản năng để móp méo theo một hình dạng sao cho bảo toàn được sinh mạng của người lái – hoặc rằng người lái có bản năng để co duỗi sao cho phù hợp với hình dạng móp méo của cái xe. Không có qui luật tự nhiên nào tuyên bố rằng hình dạng của cái xe (sự kiện A) đã gây ra sự sống sót của người lái, hay tư thế của người lái (sự kiện B) đã gây ra kiểu móp méo mà cái xe phải tuân theo. Tuy nhiên, cho dù sự kiện này đã không tạo ra sự kiện kia, thì thực tế là hai sự kiện A và B đã diễn ra một cách trùng hợp đến lạ lùng. Và chính nhờ sự trùng hợp lạ lùng ấy mà người lái xe kia đã sống còn. Nguyên lý trùng hợp không giải thích tại sao hay bằng cách nào mà sự việc ấy đã xảy ra; nó chỉ tuyên bố rằng những trùng hợp kỳ lạ ấy diễn ra thường xuyên đến nỗi ta khó mà kết luận rằng hoàn toàn do ngẫu nhiên được. Nguyên lý trùng hợp không giải thích các điều kỳ diệu. Nó chỉ giúp ta thấy rõ rằng dường như các điều kỳ diệu có liên quan mật thiết với thời-gian-tính và rằng tuy chúng kỳ diệu nhưng chúng cũng thông thường đến không ngờ.

Trường hợp các giấc mơ giống nhau, thậm chí gần như trùng hợp kể trên kia – do xác suất (theo tính toán) vô cùng nhỏ của nó, quả đáng được gọi là một hiện tượng thần nhiệm hay “ngoại thường” đích thực, cho dù ý nghĩa của nó không sáng tỏ. Có lẽ phần lớn các trường hợp thần nhiệm hay ngoại thường cũng đều có ý nghĩa không sáng tỏ tương tự như thế. Tuy nhiên, song song với đặc tính xác suất tính toán vô cùng nhỏ, các hiện tượng thần nhiệm ấy còn có một đặc tính khác nữa: đa số các trường hợp, chúng đem lại sự tốt lành cho những người liên hệ. Một nhà khoa học có thế giá và rất thiên về chủ nghĩa hoài nghi, trong một buổi làm việc mới đây với tôi, đã thuật lại câu chuyện: “Lần trước, sau buổi làm việc ở đây, nhận thấy trời đẹp nên tôi đã quyết định lái xe về nhà qua ngả vòng bờ hồ. Ông biết đó, con đường vòng quanh bờ hồ có rất nhiều khúc quanh rất gấp và rất khuất tầm nhìn. Tôi phóng bon bon qua cả chục khúc quanh như thế mà không chút lo lắng gì. Bỗng dưng, khi đến khúc quanh kế tiếp, một linh cảm xảy đến trong tâm trí tôi rằng một chiếc ôtô đang lao tới vòng khúc quanh ấy từ chiều ngược lại và đang dấn sang làn đường của mình. Như thể một phản xạ tức thì, tôi đạp mạnh chân thắng và dừng hẳn xe lại. Và kìa, chỉ một hay hai tích tắc sau, một chiếc xe hơi chồm tới, lao vút qua khúc quanh, tràn hẳn sang bên này vạch vàng và suýt quẹt vào xe tôi – dù tôi đã dừng xe sát lề. Nếu như tôi không dừng xe, rõ ràng là một cú đụng vỗ mặt khủng khiếp giữa hai xe đã xảy ra ngay tại khúc quanh này. Tôi hoàn toàn không biết điều gì đã khiến mình quyết định dừng lại như vậy. Hàng chục khúc quanh tương tự trước đó, tôi đã không dừng. Con đường này tôi đã đi qua bao nhiêu lần trước đó, và đã bao nhiêu lần cảm thấy nguy hiểm – song chưa bao giờ tôi đột ngột dừng xe như vậy. Sự việc này làm tôi tự hỏi phải chăng quả có thực cái mà người ta gọi là ngoại cảm(extrasensory perception). Tôi không thể giải thích bằng cách nào khác”.

Những sự kiện thuộc loại trùng hợp một cách ngoại thường như thế có thể gây tai hại cho người ta không kém chi đem lại điều tốt đẹp cho họ. Chúng ta nghe về những vụ tai nạn lạ thường cũng như những vụ thoát nạn lạ thường. Cho dù gặp rất nhiều khó khăn về mặt phương pháp luận, chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa về vấn đề này. Ở đây, tôi chỉ có thể bày tỏ một cảm nhận rất chắc chắn nhưng cũng rất “phi khoa học” – đó là, các biến cố ngoại thường phục vụ ích lợi cho người ta xảy ra thường xuyên hơn rất nhiều so với các biến cố thuộc chiều hướng tác hại đối với họ. Vai trò phục vụ ích lợi của các biến cố đó không duy chỉ giới hạn trong việc cứu mạng, bởi một cách thường hơn, chúng chỉ đơn thuần giúp bồi bổ cuộc sống người ta hoặc tạo điều kiện cho họ trưởng thành hơn. Một ví dụ tuyệt vời về một biến cố như thế là câu chuyện “giấc mơ bọ rầy” mà Carl Jung đã kể trong khảo luận Về Sự Trùng Hợp của ông:

Ví dụ của tôi có liên quan đến một nữ thân chủ trẻ. Người phụ nữ này – bất chấp nhiều cố gắng đã được thực hiện – vẫn tỏ ra là một con người không thể tiếp cận về mặt tâm lý. Vấn đề nằm ở chỗ cô ta luôn luôn dè dặt về mọi chuyện. Học vấn tuyệt vời của cô đã trở nên một vũ khí hết sức lợi hại để cô sử dụng cho mục đích này. Có thể nói, đó là một con người thấm đẫm tinh thần duy lý, một con người chỉ nhìn thực tại qua lăng kính “toán học”. Sau một vài cố gắng nhằm giúp làm vơi bớt óc duy lý của cô và giúp cô nhạy cảm hơn – nhưng vô vọng; tôi hiểu rằng mình không thể làm gì khác hơn là hy vọng rằng sẽ xảy ra một điều bất ngờ và phi lý nào đó, một điều gì đó sẽ có sức phá tan cái pháo đài lý tính mà cô đang đồn trú bên trong. Và rồi hôm ấy, tôi đang ngồi tựa lưng vào cửa sổ, đối diện với cô, lắng nghe cô kể chuyện. Cô thuật lại một giấc mơ mà cô trải qua trong đêm hôm trước, trong đó có người đã tặng cô một con bọ rầy bằng vàng – một món nữ trang đắt tiền. Trong khi đang lắng nghe nữ thân chủ của mình kể chuyện, tôi nghe phía sau mình có những tiếng gõ rất khẽ vào cửa sổ. Quay lại nhìn, tôi trông thấy một côn trùng lớn, có cánh, đang gõ vào mặt kiếng cửa sổ từ bên ngoài – rõ ràng nó muốn tìm cách vào nhà! Tôi ngạc nhiên đứng dậy, mở tung cửa sổ và giơ tay bắt được con vật khi nó đang bay vào nhà. Đó là một con bọ rầy – màu vàng xanh óng ánh của nó rất giống với một bọ rầy vàng do thợ kim hoàn làm ra. Tôi trao con vật cho nữ thân chủ của mình và nói: “Đây là con bọ rầy của cô!” Câu chuyện này đã làm giảm đi rất nhiều óc duy lý nơi cô gái, và đã đập tan tảng băng lý trí lạnh lùng vốn bao bọc cô. Một bước quặt quan trọng đã xảy ra cho cuộc trị liệu![‡]

Điều mà chúng ta đang đề cập ở đây liên quan đến các biến cố ngoại thường đem lại thiện ích cho người ta – đó là hiện tượng cơ duyên. Từ điển Webster định nghĩa cơ duyên là “ơn gặp được những điều quí giá hay những điều phù hợp mà người ta vốn không chủ ý tìm kiếm”. Có vài chi tiết đáng lưu ý liên quan đến câu định nghĩa này. Chẳng hạn, việc gọi cơ duyên là một ơn cho thấy hàm ý rằng một số có nó – một số khác thì không! Thế nhưng, một chủ điểm của phần thảo luận về ân sủng này của chúng ta là: ân sủng – được thể hiện một phần qua “những điều quí giá hay phù hợp mà người ta vốn không chủ ý tìm kiếm” – là cái có sẵn cho mọi người, nhưng một số người tận dụng được nó, một số khác thì không. Khi cho phép con bọ rầy bay vào phòng, bắt lấy nó và trao nó cho bệnh nhân của mình, Jung rõ ràng đang tận dụng được cơ duyên. Chúng ta sẽ phân tích một số lý do tại sao và bằng cách nào người ta bắt hụt ân sủng trong một phần sau này – dưới đề mục “Đề Kháng Ân Sủng”. Nhưng ngay tại đây, tôi muốn nêu ra một trong những lý do chúng ta bỏ nhỡ ân sủng, đó là: vì ta không hoàn toàn ý thức về sự hiện diện của ân sủng – nói cách khác, ta không gặp thấy “những điều quí giá mà mình không chủ tâm tìm kiếm”, đấy bởi vì ta không trân trọng giá trị của món quà khi nó được trao cho ta. Thật vậy, cơ duyên là điều xảy ra với mọi người trong chúng ta, song ta thường không nhận ra đó là những cơ duyên – ta xem thường chúng – và do đó ta không tận dụng được chúng.

Cách đây năm tháng, tôi có dịp được rảnh rỗi hai tiếng đồng hồ tại một thị trấn nhỏ. Tôi ngỏ ý với một đồng nghiệp của tôi – đang sống tại đó – để xin phép được sử dụng khoảng thời gian rảnh ấy trong thư viện nhà anh ta, biên soạn lại phần thứ nhất của quyển sách này. Khi tôi đến, tôi được tiếp bởi vợ anh ta – một người phụ nữ khá trầm lặng và lạnh lùng. Ít nhất là đối với tôi, chị chưa bao giờ tỏ ra quí mến tôi lắm – thậm chí đã có vài trường hợp, chị từng công khai đốp chát tôi. Chúng tôi tán gẫu qua quít trong khoảng năm phút. Chị nói chị có nghe rằng tôi đang viết một quyển sách – và chị hỏi đề tài quyển sách là gì. Tôi trả lời chị rằng quyển sách bàn về sự trưởng thành tinh thần; tuyệt nhiên tôi không “khai báo” chi tiết gì thêm. Rồi tôi ngồi vào thư viện, bắt đầu làm việc, loay hoay ghi ghi chép chép được khoảng nửa giờ thì tôi gặp phải một bế tắc. Tôi cảm thấy những trang mình đã viết về đề tài “trách nhiệm” dường như hoàn toàn không thỏa đáng! Rõ ràng cần phải khai phá rộng hơn nữa thì mới có thể nêu bật được ý nghĩa của những nội dung mình đã đề cập! Thế nhưng, tôi lại cảm thấy rằng một sự mở rộng như vậy sẽ làm cho khung bố cục tổng quát trở nên kém sắc nét hơn. Thêm nữa, tôi không muốn gạt bỏ toàn bộ phần đó để làm lại – bởi vì suy tới tính lui thì những ý mình đã viết ra cũng cần thiết. Tôi vật lộn với tình thế tiến thoái lưỡng nan này trong một tiếng đồng hồ. Vẫn không thể quyết định cách nào cả! Tôi cảm thấy càng lúc càng nản lòng, càng lúc càng khổ sở vì sự bất lực của mình!

Đúng lúc đó, người nữ chủ nhân rón rén bước vào thư viện. Trông chị có vẻ rất rụt rè nhưng cũng rất nồng nhiệt – không giống chút nào với thái độ của chị mỗi lần đối diện với tôi trước đây. “Ông Scott, thật tôi không muốn quấy rầy ông. Nhưng xin ông thứ lỗi về sự đường đột của tôi”, chị nói. Tôi trả lời với chị rằng tôi rất sẵn sàng tiếp chuyện, rằng trong nhất thời tôi đang bị khựng với công việc của mình. Đẩy tới cho tôi một tập sách nhỏ mà chị đang cầm trong tay, chị nói: “Tình cờ tôi bắt gặp quyển sách này. Tôi nghĩ rất có thể ông sẽ thích nó. Ồ, dĩ nhiên là cũng có thể ông không cần nó. Nhưng không hiểu sao tôi cứ mường tượng rằng nó sẽ hữu ích cho ông”. Trong tình trạng đang lúng túng mà lại còn bị quấy như thế, rất có thể tôi sẽ trả lời rằng tôi ngán sách tới cổ rồi – mà thực sự là thế. Vả lại, tôi đào đâu ra thời giờ để đọc quyển sách ngoài dự kiến ấy! Nhưng, thái độ ân cần lạ lùng của người phụ nữ này đã bắt tôi phải lưu ý. Tôi ngỏ lời cám ơn chị và hứa rằng mình sẽ đọc nó sớm nhất có thể. Tôi mang quyển sách về nhà, thầm nghĩ không biết bao giờ mới đến cái lúc “sớm nhất có thể” ấy đây! Nhưng, ngay trong buổi tối hôm ấy, có một sức thúc bách trong chính mình bắt tôi tạm gạt qua mọi tài liệu tham khảo khác để đọc quyển sách của người phụ nữ ấy. Đó là một tập mỏng của tác giả Allen Wheelis, nhan đề: “How People Change”. Phần lớn tập sách xoáy vào chủ đề “trách nhiệm”; trong đó có một chương trình bày rất hay và rất sâu sắc điều mà tôi vừa muốn bao gồm thêm vào trong quyển sách của mình lại vừa muốn bỏ qua vì lý do bảo vệ mạch ý chung. Sáng hôm sau, tôi cô đọng các ý tưởng của mình lại trong một đoạn ngắn – và mở một cước chú để giới thiệu quyển sách của Wheelis cho những độc giả nào muốn có một trình bày toàn triệt về đề tài. Bế tắc của tôi đã vượt qua!

Câu chuyện tôi vừa kể trên hoàn toàn không phải là một biến cố vĩ đại. Nó không phải là một mẩu tin thời sự chấn động làm người ta xôn xao. Rất có thể tôi đã phớt lơ nó. Nếu nó không xảy ra tôi cũng chẳng chết chóc gì. Tuy nhiên, đó vẫn là một biến cố của ân sủng. Biến cố ấy vừa thường vừa phi thường. Phi thường, vì không ai nghĩ rằng nó dễ xảy ra. Thường, vì những-điều-tốt-lành-ngoài-mong-đợi ấy lại xảy ra với chúng ta hầu như thường xuyên trong thực tế. Nó rất khe khẽ gõ vào cánh cửa của ý thức chúng ta – khe khẽ như tiếng gõ của con bọ rầy bên ngoài cửa sổ của Jung hôm ấy. Trong năm tháng trở lại đây, hàng loạt những biến cố tương tự đã xảy đến với tôi. Chúng không ngừng xảy đến với tôi – cũng như với bất cứ ai! Tôi nhận ra được một số trong chúng. Và tôi có thể vận dụng được ích lợi của một số trong chúng mà thậm chí không hề ý thức bản chất kỳ diệu của chúng. Và tôi không có cách nào để biết được mình đã bao nhiêu lần vô tình để các biến cố ân sủng trôi qua!

ĐỊNH NGHĨA ÂN SỦNG

Cho tới đây, trong phần này, tôi đã mô tả các loại hiện tượng khác nhau – và tất cả đều có chung những đặc điểm sau đây:

(a) Chúng phục vụ (qua hình thức nâng đỡ, bảo vệ hoặc bồi dưỡng) cho sự sống con người và sự trưởng thành tinh thần của họ.

(b) Cơ chế vận hành của chúng không được ta nắm hiểu trọn vẹn (chẳng hạn, hệ đề kháng thể lý và những giấc mơ…) hoặc ta hoàn toàn mù mịt (chẳng hạn, các hiện tượng ngoại thường…) – chiếu theo các nguyên tắc của luật tự nhiên như được diễn dịch bởi tư duy khoa học hiện đại.

(c) Chúng xảy ra một cách phổ biến, thường xuyên – cho mọi người không loại trừ ai.

(d) Mặc dù có thể bị chi phối bởi ý thức con người, chúng có nguồn gốc ở ngoài ý chí rõ rệt của ý thức và vượt quá tầm quyết định của ý thức.

Dù xem ra chúng là những loại hiện tượng khác biệt nhau, tôi vẫn xác tín rằng những đặc điểm chung vừa kể trên cho thấy các hiện tượng này chỉ là những biểu hiện khác nhau của cùng một hiện tượng cơ bản duy nhất: một sức mạnh mãnh liệt có nguồn gốc ở ngoài ý thức chúng ta giúp làm triển nở tinh thần của chúng ta. Hàng trăm năm – thậm chí hàng ngàn năm trước khi chúng ta có được các ý niệm khoa học về những thực tại như vi huyết cầu miễn nhiễm, tình trạng mơ, vô thức… thì sức mạnh này đã được nhận ra một cách hiển nhiên bởi những con người tôn giáo – và đã được gọi tên là ân sủng. Và người ta có thể thốt lên: “Diệu kỳ thay phúc ân…”

Chúng ta – những con người hoài nghi và suy nghĩ một cách khoa học – sẽ làm gì đây với sức mạnh này, sức mạnh “có nguồn gốc ở ngoài ý thức chúng ta giúp làm triển nở tinh thần của chúng ta”? Chúng ta không thể sờ mó nó. Chúng ta không có cách nào phù hợp để đo lường nó. Tuy vậy, nó vẫn tồn tại. Nó có thật. Hay là chúng ta nên giả tảng, coi như nó không có – bởi vì nó không khớp với “luật tự nhiên” theo các quan niệm khoa học cố hữu của chúng ta? Thái độ đó sẽ tai hại khôn lường. Làm sao chúng ta có thể hy vọng đạt được một nhận hiểu đầy đủ về vũ trụ và về chỗ đứng của con người trong vũ trụ – và qua đó nhận hiểu về chính bản chất con người – nếu không hội nhập hiện tượng ân sủng vào khung ý niệm của chúng ta?

Dù sao, chúng ta cũng không thể định vị được sức mạnh này. Ta chỉ có thể nói nó không ở đâu: nó không ở trong ý thức của chúng ta. Vậy, nó ở đâu? Một số hiện tượng mà chúng ta đã đề cập trong các trang trước đây, chẳng hạn những giấc mơ, cho thấy rằng có vẻ như sức mạnh ấy nằm trong vô thức của mỗi người. Một số hiện tượng khác, chẳng hạn sự trùng hợp và cơ may, cho thấy rằng sức mạnh này tồn tại bên ngoài những vành đai của cá nhân. Chúng ta gặp khó khăn trong việc định vị ân sủng không phải hoàn toàn vì chúng ta là những con người khoa học. Những con người tôn giáo – vốn hiển nhiên gán nguồn gốc của ân sủng cho Thiên Chúa và vốn tin rằng ân sủng chính là tình yêu của Thiên Chúa – vẫn gặp khó khăn tương tự trong việc định vị Thiên Chúa. Về vấn đề này, trong thần học có hai truyền thống lâu dài và đối lập nhau: một là thuyết ngoại tại, chủ trương rằng ân sủng xuất phát từ một Thiên Chúa ở ngoài con người và đến với con người; hai là thuyết nội tại, chủ trương rằng ân sủng xuất phát từ vị Thiên Chúa ở bên trong trung tâm hữu thể con người.

Sỡ dĩ có vấn đề này – cũng như mọi vấn đề nghịch lý khác – trước tiên là vì chúng ta có khát vọng định vị mọi sự. Con người có một khuynh hướng thâm sâu muốn khái niệm hóa rạch ròi mọi cá thể phân biệt nhau. Chúng ta cảm thụ thế giới là tập hợp của các cá thể: xe buýt, bút máy, bánh mì… và các loại phạm trù khác. Và vì thế, chúng ta thường nhận hiểu một hiện tượng bằng cách qui nó vào trong một phạm trù riêng biệt nào đó; chúng ta tuyên bố nó là cái này chứ không phải là cái khác – hoặc cái này hoặc cái khác chứ không phải cả hai. Bút máy là bút máy chứ không phải là bánh mì! Tôi là tôi, anh là anh, chị ấy là chị ấy. Cá-thể-tôi là căn tính của tôi và cá-thể-anh là căn tính của anh, và chúng ta thường bị lúng túng nếu căn tính của mình bị ai đó lẫn lộn. Như chúng ta đã từng đề cập, các tư tưởng gia của Ấn giáo và Phật giáo tin rằng cảm thức của chúng ta về các cá thể phân biệt là một ảo tưởng – hay ảo giác (maya). Và các nhà vật lý hiện đại ngày càng ý thức về những hạn chế của lối niệm tưởng sự vật theo kiểu đóng khung cứng nhắc ấy (chẳng hạn, khi liên hệ đến các hiện tượng sóng / hạt, điện từ,v.v…) Nhưng chúng ta thật khó thoát ra khỏi lối nghĩ này. Và chính khuynh hướng tách bạch này thúc bách chúng ta định vị mọi sự, thậm chí định vị Thiên Chúa và ân sủng – ngay cả khi chúng ta biết rằng khuynh hướng này đang gây cản trở lớn cho mình trong việc nhận hiểu Thiên Chúa và ân sủng.

Tôi cố không nghĩ về cá nhân người ta như một cá thể hoàn toàn tách biệt. Đúng hơn, tôi quan niệm các vành đai của cá nhân như một màng cực kỳ mỏng manh – một hàng rào, chứ không phải một bức tường. Các cá thể khác có thể leo qua, bò qua, chui qua hàng rào ấy. Ý thức của chúng ta không ngừng được vô thức thẩm thấu qua, cũng vậy, vô thức của chúng ta không ngừng được xâm nhập bởi “ngoại thức”, cái “ngoại thức” đi vào trong ta nhưng không thuộc về cá thể của ta. Về vấn đề này, cách nói “một màng thẩm thấu” của ngôn ngữ khoa học thế kỷ hai mươi xem ra không lột tả thích đáng bằng ngôn ngữ tôn giáo của thế kỷ mười bốn. Vào năm 1393, nữ đan sĩ Julian mô tả mối quan hệ giữa ân sủng và cá thể của mỗi người như sau: “Như thân xác ở trong trang phục, như thịt ở trong da, xương ở trong thịt, và tâm hồn ở trong tất cả… cũng vậy, chúng ta – là linh hồn và thân xác – ở trong và được bao bọc bởi tình thương của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, dù tất cả những gì nơi ta sẽ tàn tạ và tiêu vong – thì Tình Thương của Thiên Chúa vẫn mãi còn trọn vẹn”.[§]

Bất kể chúng ta qui gán chúng thế nào và định vị chúng ở đâu đi nữa, những “điều kỳ diệu” mà chúng ta mô tả trên kia cho thấy rằng sự trưởng thành của chúng ta trong tư cách là những con người luôn được hỗ trợ bởi một sức mạnh vượt ngoài ý chí của ta. Để hiểu hơn bản chất của sức mạnh này tôi tin rằng sẽ rất hữu ích việc xem xét một điều kỳ diệu khác nữa – đó là, chính tiến trình phát triển của mọi sự sống – quen gọi là tiến hóa,

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3