Con Hoang - Chương 04

11

Người đàn bà là gái một con, nhiều ruộng nhiều vườn, quanh năm ngày tháng vắng chồng là bà ngoại. Và Mã, chàng thanh niên không phải trai làng. Mã là người làng bãi giữa sông Hồng, được người nhà đưa đến xin làm thuê cho bà ngoại. Mã còn ít tuổi mà trông rắn rỏi lắm. Nước da đỏ màu bánh mật, bờ vai cường tráng tuổi đôi mươi, nổi trội gương mặt là đôi mắt sáng như có lửa.

Bãi giữa cách nhà bà đến mươi cây số đường đi bộ nên bà cho phép chàng trai trong thời gian làm công được ở lại nhà. Mã ngủ ở nhà trên để trông coi trộm cắp. Ngoại ngủ trong gian buồng từng là của ông khi ông có ở nhà.

Mã có sức khỏe, hoạt bát, rất thạo việc nhà nông. Từ ngày đến làm người làm trong nhà, chưa việc gì Mã để bà phải phật ý. Chỉ có điều Mã không biết chữ nên có đưa sổ chấm công cho Mã để Mã tự biết bà đã tự ý tăng công cho Mã rất nhiều thì Mã cũng không biết, không quan tâm, không cảm xúc. Bà rất hài lòng, an tâm tin tưởng tính trung thành, tận tụy của Mã. Chồng đi vắng, không có đàn ông chủ sự trong nhà, nhiều việc bà thân tình tới mức coi Mã như người nhà để tham khảo ý kiến Mã. Mưa dầm thấm lâu. Tình cảm bắt nguồn từ lao động, từ những ngôn ngữ chân tình, sẻ chia.

Đêm. Sau một ngày lao động vất vả, no cơm, rượu say, dưới ánh sáng ngọn đèn, chàng trai lực điền có tên Mã đặt lưng xuống giường là chìm vào giấc ngủ. Từ ngày có Mã, đêm đêm tiếng thở, tiếng trở mình, tiếng ngáy hồn nhiên của Mã đã xóa đi sự âm u cô tịch của ngôi nhà, chồng đi vắng mãi, bây giờ ngôi nhà mới có được cái hạnh phúc ấm áp đó. Giờ đây, ngoài đứa con bi bô đang tập đi tập nói, ngoại đã có Mã để nói để gọi để chuyện trò.

Mã đang tuổi ăn tuổi ngủ sức lực bẻ gãy sừng trâu. Có những hôm cần phải dậy sớm ra đồng tránh nắng mà chàng trai vẫn say sưa chìm trong giấc ngủ. Ngại quá, bà đi đi lại bên giường gọi cũng chẳng được. Giận ư, làm sao mà giận được, chàng trai ngoan ngoãn như một đứa em, một người bạn ít tuổi. Bà thân mật đến gần vỗ vỗ vào vai đánh thức cậu ta. Cậu ta giật mình mở mắt, ánh mắt bé xíu, trong veo thứ ánh sáng như trời xanh qua kẽ lá ngác ngơ như đang mơ, ngoan ngoãn dậy theo bà.

- Nắng lên rồi, em ngủ quên mất, sao chị không gọi em dậy sớm hơn. - Vừa nói chàng trai vừa với áo quần vắt trên chiếc ghế tràng kỷ phía đầu giường mặc. Nhìn em, tác phong em, bóng dáng em, bà thấy gần gụi một nhà.

Bà thầm cảm ơn Mã. Có Mã, ngày lại ngày như phép lạ như nước cuốn trôi thời gian, cuốn trôi những nỗi buồn những ý nghĩ bất hạnh về ông.

Nhưng đêm. Lại là đêm. Thanh vắng cô tịch. Cô tịch dẫn người ta nghĩ ngợi ngẫm sự đời và ngẫm đến bản thân mình sâu đậm. Bà nhẫn nhục, dẻo dai và kiên nhẫn, mưu mô và thủ đoạn, vì lý do chính đáng mà bắt buộc bà phải làm thế. Bà khao khát có con, để được làm mẹ, để không phải chịu câu hát đồng dao “Cây khô không lộc, người độc không con”. Bà không phải là cây khô, bà không phải là kẻ độc.

Có con với chồng, vị thế của bà cũng được đổi thay. Bà không phải như con ở trước đây, bà là vợ là mẹ, mọi sự trong nhà đã được cải thiện, ông cũng bắt đầu cởi mở hơn với bà. Nhưng chuyện ân ái chồng vợ vẫn tuyệt nhiên ông chưa một lần tự nguyện. Mỗi khi thấy ông ôm ấp cưng nựng con, bà đắm mình trong hạnh phúc là mẹ, yêu chồng, bà muốn có cơ hội đẻ thật nhiều con cho ông. Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước thôi. Ông đi biền biệt. Bà chẳng thể nào níu giữ được ông.

Đêm. Hình như đêm sinh ra là để giải phóng cái tinh thần thoát khỏi sự giàng buộc thể xác với cuộc sống cộng đồng trần tục. Đêm tự do. Đêm phóng đãng và đêm lãng mạn. Đêm. Sùng sục bùng lên một cách mãnh liệt những ý nghĩ những ham muốn những đòi hỏi những nhu cầu phải được đáp ứng, được giải phóng ngay tức thời.

Cuồn cuộn trong ngoại nỗi nhớ chồng, khao khát ái ân. Nỗi nhớ và ham muốn rừng rực như lửa cháy. Như ruộng hạn như sông cạn khát lũ tràn về.

Đêm. Cái giá lạnh không từ sương từ gió. Cái lạnh thấu xương, buốt đến tận ruột đàn bà có chồng mà như quả phụ.

Đêm. Bà đi vệ sinh phải đi từ chỗ nằm trong buồng, qua gian nhà ngoài có chiếc giường bỏ không, qua gian giữa có kê cái sập gụ mà ở đó Mã đang nằm. Bà nín thở, rón rén bước bước chân nhẹ như cánh hoa hồng. Bà nín lặng tỉnh bơ không dám nhìn cái thân thể đàn ông đang nhắm mắt ngủ trên chiếc sập cổ. Bà làm như không nghe thấy tiếng ngáy đàn ông đang rất rền. Nhưng, trăng. Trăng cố ý lẻn vào nhà để trốn cái lạnh của đêm trường. Trăng lách qua khe cửa. Trăng nằm sáng trắng trong nhà. Trăng cợt nhả trườn lên gương mặt, trăng lướt nhẹ làn môi, trăng ôm trọn vòm ngực căng đầy hơi thở mạnh của chàng trai tuổi đôi mươi đang say ngủ giấc nồng. Trăng quá đáng. Trăng đắm đuối yêu đương lộ liễu đập vào mắt bà. Bà nép sau cánh cửa đứng rình. Bà tiến đến gần hơn, ẩn sau cái cột nhà nơi phía cuối chiếc sập gụ Mã nằm. Trăng chói chang, mắt cậu ta động đậy khe khẽ mở nheo nheo giống như là cậu bé lạc trong xứ sở diệu kỳ. Bà giật thột trốn nhanh như điện giật. “Điện giật” đã làm bà va vào thành sập gụ ngã sõng soài nằm vắt ngang trên bụng Mã. Bị bắt quả tang, bà run vì ngượng. Bà bật dậy để chạy, nhưng, chao ôi, người đàn ông bừng lên sức mạnh. Anh ta kéo tay bà, giữ bà thật chắc. Tim cậu ta có lửa. Bàn tay cậu ta, cơ thể cậu ta là cả một núi lửa một dòng điện có cường độ cực mạnh lan tỏa và truyền sang bà. Đâu rồi, cương vị một bà chủ? Đâu rồi thân phận kẻ làm thuê? Đâu rồi là chị là em. Đâu rồi đâu rồi tất cả những đâu rồi cuộc sống thường ngày làm ruộng cấy cày? Chỉ còn lại trăng. Đêm trăng. Chỉ còn lại núi lửa, tự do và bùng nổ, đích thực và bản năng. Bản năng đàn bà, bản năng đàn ông, tình yêu và đồng cảm… A men. Xin Chúa thấu hiểu và xá tội cho chúng con những con chiên đau khổ thiệt thòi. Và Thượng Đế tối cao. Thượng Đế sinh ra tất cả thế gian này. Chỉ có Thượng Đế mới thấu hiểu sự không làm chủ được bản thân của chúng sinh trong giây phút. Nhưng xin thưa, Thượng Đế cũng không thể lường hết được sức mạnh vô biên của tinh thần của dục vọng trong mỗi kiếp người.

Bà trở về phòng, một cảm giác lâng lâng khó tả. Giống như một giấc mơ, một cơn ma mị. Nhưng, khi tỉnh lại, trở lại với khuôn mẫu nhận thức đánh giá nhân phẩm con người trong xã hội mà ngoại đang chung sống, bà thấy mình tội lỗi. Tội lỗi, xấu xa. Bà vật vã tự vấn và nguyền rủa bản thân mình. Bà tự hỏi, tại sao lại như thế? Tại sao? Tại sao? Nhiều năm vắng chồng bà nhịn được, chịu được, sao lần này lại lao vào chuyện đó với kẻ ở trong nhà? Ma xui quỷ khiến nhập vào thân xác bà chứ đâu phải tự bà làm vậy? Ngày mai. Ngày mai trời sáng, mặt mũi nào bà dám nhìn cậu ta, quyền lực nào, tư cách nào bà sai khiến cậu ta? Và bà nhận ra rằng sẽ là những hậu quả chua xót nếu như bị ai đó phát hiện. Con thiêu thân mù quáng sa bếp lửa rực hồng. Hạnh phúc và khổ đau! Tự do và cạm bẫy!

Sự thật sáng mai không bi đát như bà nghĩ. Sự thật một sáng mai rạng rỡ nắng vàng, khí thế, xôn xang hơn mọi sáng mai. Một sáng mai thức dậy, như cô dâu vừa mới qua đêm tân hôn, như chú rể vừa mới nhậm chức làm chồng, có cái gì đó rất thiếu tự nhiên, bà và Mã, cả hai người có cảm giác bối rối, trốn nhìn vào mắt nhau, nhưng bề ngoài mọi công việc vẫn diễn ra như mọi ngày. Ăn sáng xong, Mã dắt trâu đi cày, bà vác cuốc đi sau. Nhưng hình như chiếc áo bà mặc đẹp hơn hôm qua, cái quai nón cũng mềm mại hơn cái quai nón của ngày hôm qua, mặc dù cái nón vẫn là cái nón ấy, chiếc áo vẫn là chiếc áo của mọi ngày bà thường hay mặc. Chỉ ai đó rất tinh, thật để ý mới nhận ra sự đổi khác này.

Bà tự nhủ nhiều lần, sẽ không bao giờ lặp lại chuyện hôm qua.

Từ không đến có là rất khó. Từ một đến hai là lẽ tự nhiên. Dù bà có quyết tâm sắt đá cũng không chống lại nổi cái sức mạnh vô biên, cái nhu cầu tất yếu của con người. Trái tim bà như kẻ đói ở gần mâm cơm, như kẻ lạnh thấy đống lửa không thể không tự thân nhích lại gần. Những thứ ta cần đang ở trước mắt, cám dỗ, mời mọc. Làm sao kìm hãm được! Làm sao thiếu được ái tình?

Và một đêm như thế, chồng bà bất chợt trở về. Ông gõ cửa không ai nghe. Ông đẩy cửa bước vào. Bắt gặp, hai con ma ái tình quấn lấy nhau không còn biết đâu là đất đâu là trời. Ông đứng sững như trời trồng, máu trong người bốc lửa, giận bừng bừng như muốn nghiền nát hai tấm thân kia thành đất vụn. Nhưng rồi! Nhận ra một thằng ở! Một thằng ở bất lương. Một con đàn bà tầm thường và đê tiện. Ông ném chiếc cốc xuống sàn nhà cho có tiếng động! Bỏ qua, ông vào buồng, vén màn, hôn lên trán con gái, bịn rịn, lạnh lùng, trầm ngâm, lưu luyến con, ông đứng dậy, bỏ đi.

Những tưởng đêm hôm đó, ông xuống thị xã ngủ trọ, đợi chuyến tàu sớm hôm sau. Nhưng không, ông trở lại sông Hồng, trở lại bãi đồng thậm màu phù sa, nơi trời đất đã cho ông gặp người con gái của quê hương này, và từ đó, ông gắn bó yêu thương coi quê hương vợ là quê hương mình. Đúng là, tình yêu chỉ có một, ngẫm lại ông càng thấy đúng. Thế mà nhiều khi, ông tự trách mình cổ hủ khi gặp bất cứ người đàn bà nào, dù đẹp đến mấy, đức hạnh bao nhiêu ông cũng thấy không bằng bà cả. Ông không hề ân hận. Ông ngồi thâu đêm ngoài nghĩa địa bên mộ vợ con. Gió sông Hồng trầm mặc, thi thoảng hú hú những tiếng buồn xa xa như hồn ai da diết hời ông ở lại. Gục đầu ôm bia mộ, nước mắt ông đậm ướt tên người. “Em và con ở trong anh, ở trong tim anh đây này. Em sống khôn chết thiêng hãy đi cùng anh, hãy theo anh, anh không thể nào sống thiếu em!”.

Thế là từ đêm ấy, ông ngoại tôi đi mãi, đi mãi, không trở về. Ông trở thành người mất tích. Bà ngoại lấy cái ngày có cái đêm xảy ra sự kiện ấy làm ngày giỗ chồng. Mộ ông là ngôi mộ tượng trưng, không hài cốt nên bọn trẻ trâu không sợ “ma”. Những ngày giỗ, tết, mâm cỗ đặt trên mộ, hương chưa cháy hết, bọn trẻ tranh nhau vồ sạch mọi thứ. Hình như bà ngoại cố ý để chúng vồ nên lần nào cũng vậy, khấn xong bà về nhà, không trở lại thu đồ, lễ tạ.

12

Để thay đổi cuộc đời, để cuộc sống bớt tẻ nhạt cô đơn, bà gia nhập đội du kích. Quãng đời làm du kích vào sinh ra tử, chiến công là những sáng kiến, những âm mưu tiêu diệt kẻ thù. Bà tôi chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt quân thù không kém đàn ông. Trong những thành tích chiến công ấy, có một chiến công ám ảnh bà, bám theo bà suốt quãng đời còn lại. Dư âm của chiến tranh, ám ảnh của tội lỗi, hồn ma kẻ bị bà giết khiến bà không chỉ hay mơ đêm mà thường xuyên nói mơ cả khi còn thức. Những năm già yếu cuối đời, hồn ma kẻ bị bà giết cứ lừng lững hiện về ngồi đối diện, đấu khẩu tay đôi với bà.

Bà tôi mất rồi, hồn ma vẫn không mất. Hồn ma, chất độc của chiến tranh đã ăn vào cơ thể mẹ tôi, đã trú ẩn trong tâm hồn mẹ tôi, con gái của bà tôi. Mẹ tôi trở về già, ký ức ấy, chất độc ấy, hồn ma ấy ám ảnh mẹ ngày một dữ dội hơn, sâu sắc hơn.

Đêm, người già khó ngủ, lũ mèo gào gọi bạn tình thảm thiết thê lương, trẻ sơ sinh khóc dạ đề nằng nặc canh khuya; ngày, tiếng lao xao trong buổi sớm mai bắt đầu ngày mới, tiếng gà gáy trưa lưa thưa đây đó, tiếng khóc nỉ non trẻ nhà ai trong hoàng hôn nhớ mẹ... Tất cả, tất cả, ngày lại ngày, năm vẫn năm, dậy lên trong mẹ cảm giác buồn xao xác, xót xa. Mẹ bảo ký ức như một thứ dịch vị, ngửi thấy mùi là tứa ra, là nhớ lại, là hiện về mới nguyên như là vừa mới xảy ra, như là đang hiện hữu.

Năm ấy Thắm, mẹ tôi lên mười.

Chuyện xảy ra vào một buổi sáng.

Một buổi sáng mặt trời chưa tỉnh ngủ, nhưng bầy chim đã hát loạn trong vườn, làm thức dậy thói quen bản năng con trẻ của Thắm. Thắm quờ tay tìm mẹ để được mẹ yêu, để được ấp ủ, để được gối đầu tay, để được vỗ về. Thắm thấy bên này, những gối những chăn như thể người lớn để chặn cho con trẻ sơ sinh khỏi giật mình. Thắm sợ hãi khi nhận ra, hình như suốt đêm ngủ không có mẹ! Thắm run rẩy gọi “Mẹ ơi!”. Không thấy tiếng mẹ trả lời. Thắm bật dậy khỏi giường, bước ra bậu cửa. Ban mai còn vương lớp màng của đêm, lằng nhằng ảo ảo. Thắm dụi mắt đi quanh nhà tìm mẹ. Thắm đi xuống bếp, dụi dụi đôi mắt, rấm rứt: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi...”. Nghe tiếng gọi của con, phản xạ của tình mẫu tử, từ trong chuồng trấu mệt mê man, bà bật dậy ùa ra, ôm con. Tóc tai xũ xượi, vỏ trấu bám đầy người, trông ngoại như một con ma dại.

Thắm hét to:

- Bà ba bị!

Bà ôm chặt Thắm. Mùi tanh của bùn, mùi tanh của máu bốc ra từ bà ba bị khiến Thắm rùng mình ôm mặt. Bà nghẹn ngào trấn an con:

- Mẹ. Mẹ đây con…

Thắm thấy những vết xước bờ giậu rào mây cào chằng chịt như những con cuốn chiếu hằn trên má bà. Tóc bà són lại từng lọn, rối bời. Thắm không nhận ra mẹ mình. Gương mặt sợ hãi của con gái khiến ngoại bộc phát thốt lên:

- Tên phản bội khốn kiếp!... - Bà khóc.

Đứa trẻ hãi quá, thấy mẹ khóc cũng khóc to thành tiếng:

- Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi, hu hu hu.

Ném con dao xuống đống tro tàn, bà ôm chặt con gái:

- Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi. Mẹ là mẹ của con thật mà. Đêm qua con gái mẹ ngủ một mình. Mẹ xin lỗi! Mọi chuyện xong rồi. Mẹ xin lỗi, mẹ sẽ không như thế nữa...

Thắm ôm mẹ.

- Hu hu hu. Mẹ bị làm sao thế? Ai đánh mẹ đau thế này! Hu hu hu. Con đi lấy dầu xoa cho mẹ.

- Không. Mẹ không sao. Mẹ đi rình bắt ông ba bị, mẹ phải giả vờ giống ba bị đấy mà...

Hai mẹ con chìm trong giấc ngủ muộn.

Mặt trời xé toạc màn sương đêm mỏng như the tự lúc nào, ánh nắng tuôn trào chứa chan từng lối ngõ, hai mẹ con vẫn say ngủ. Tiếng bước chân người nhộn nhịp ngoài đường cùng những tiếng xôn xao náo động, bà ngỡ mình mơ ngủ:

- Khủng khiếp quá.

- Một nhát dao phi trúng yết hầu.

- Phải là tay giết người chuyên nghiệp

- Sao? Ai giết ai? Ai bị giết?

- Lão Hiểu bị giết đêm qua.

- Chập tối, tôi vẫn nhìn thấy lão trên đường cái cơ mà.

- Chết thì làm sao mà biết trước được.

- Hắn có thù oán với ai nhỉ?

- Thời loạn. Biết ai giết ai bây giờ...

- Chả biết ra làm sao nữa. Thật là rùng rợn!

- Chắc Việt Minh nhà mình ra tay. Nghe đồn đâu đó, tay Hiểu làm chỉ điểm.

- Khe khẽ cái mồm thôi. Tội vạ gì đến nhà ông...

- Chẳng lẽ bọn chỉ điểm giết hại nhau?

- Lão Hiểu đĩ lắm. Hay rình bóp vú đàn bà. Vô phúc quờ quạng phải nữ du kích bị dính chưởng là cái chắc...

Nữ du kích. Rành mạch từng câu từ ngoài đường cái giội vào tai bà. Bà bật dậy, chạy xuống bếp đốt lửa đùng đùng cho bớt run. Bà ném bộ áo quần tanh máu vào lửa. Lửa tắt. Bà lấy cái gậy kều lửa, kều lên, ngọn lửa trội dậy, bùng to, bập bùng, bập bùng, xua đi hãi hùng, xua đi bóng tối, xua đi tiếng xôn xao, xua đi bóng ma, xua đi sợ hãi ẩn nấp trong lòng bà. Mùi thơm của nồi cám lợn hòa lẫn mùi cháy xém của đít nồi quyện vào khí quyển bay ra đường lẻn vào nhà chòm xóm. Cháy nồi cám lợn. Bà lôi nồi ba mươi treo trong chuồng trấu ra đun. Thường mỗi năm người ta chỉ dùng nồi ba mươi có một lần vào dịp tết để luộc bánh chưng, bà tôi lôi ra đun nước tắm. Bà thoăn thoắt phát lá mây, phạt cỏ mần trầu bên bờ ao ném vào nồi ba mươi nước đang sôi sùng sục. Lá bưởi, cỏ mần trầu, lá mây ngùn ngụt bốc hơi lan tỏa như sương, như khói, mùi hương dễ chịu vô cùng. Bà sợ. Sự sợ hãi khiến bà không làm chủ được hoạt động của mình. Bà xông khói, bà tắm truồng ngay trong bếp. Nước lá mây, cỏ mần trầu pha thêm nước lạnh, bà dội xối xả lên thân thể, tràn xuống nền đất bếp. Đất sủi bọt màu nâu túa ra thềm, chảy thành dòng xuống cái sân gạch, bò ra ngõ. Tắm gội xong, bà túm gọn mớ tóc ướt rối xù lên đỉnh đầu. Bà bưng nồi cám lợn ra chái bếp, mở vung cho bớt nóng. Đàn lợn thính mũi eng éc đòi ăn. Chúng đớp cám nóng tờm tợp, tờm tợp, bỏng, chúng dí cái mõm xuống sàn chuồng, eng éc kêu, tiếng kêu làm nhòe tiếng người nhốn nháo ngoài đường vọng lại.

Hình như ai đó gọi cổng:

- U cái Thắm ơi, ngủ ngày kỹ thế. Ông Hiểu, bố thằng Hạnh chết rồi đây này. Bình chân như vại. Hàng xóm láng giềng sang xem thế nào chứ.

Tiếng ai đó như phép màu điểm huyệt, bà như chết lặng, mặt vàng bệch như sáp, tim ngừng đến vài giây. Hít một hơi thật sâu, bà nắm chặt cái cột bếp để đứng được vững hơn. Lửa vẫn cháy đùng đùng trong bếp, mồ hôi vã đầm đìa, chân tay bà bủn nhủn. Bà câm lặng, ôm cột như chết đứng.

Trực cảm xuất thần trong giấc ngủ như tỉnh như mơ, Thắm bật dậy.

- Mẹ! Nhà Hạnh làm sao, Hạnh bị làm sao, mẹ?

Từ dưới bếp bà nói vọng lên nhà:

- Mẹ không biết. Chắc là ông ấy bị cảm.

- Con sang nhà Hạnh. Mẹ cho con sang nhà Hạnh!

Tiếng ngoại thất thanh:

- Không, con đừng đi.

Tiếng ngoài đường vọng lại:

- Ông ấy chết thương tâm quá. Tội nghiệp thằng bé mồ côi mẹ, giờ lại mồ côi nốt cả cha.

Rời bỏ cái cột bếp, như sợ cướp giật, bà chạy vút lên nhà, ôm chặt cô con gái:

- Mẹ xin con, con đừng đi.

Thắm gỡ tay mẹ, lao ra ngõ. Bà nhoài tay túm trượt vạt áo, mất đà, Thắm ngã sõng soài.

- Con không được sang lúc này. Trẻ con không được nhìn người chết.

- Mẹ bỏ con ra!

Tiếng khóc của Hạnh trộn trong tiếng ồn ào. Thắm lắng nghe, mắt buồn ngân ngấn nhìn bà. Bà bối rối, trốn ánh nhìn của con mà lẽ ra, lúc này, như bao người mẹ yêu thương con, sẽ ôm con vào lòng an ủi, vỗ về.

Tiếng khóc của Hạnh thảm thiết át cả tiếng ồn ào. Thật không thể tin nổi, sau một đêm ngủ dậy Hạnh thấy cha nằm bất động trong vũng máu ngoài hiên.

- Cha, cha ơi, cha làm sao? Cha làm sao thế này?

Thằng bé quỳ gối ôm bố, áp tai vào ngực bố:

- Các bác ơi cứu bố cháu với, tại sao bố cháu lại bị thế này!

- Nín đi, nín đi cháu. Khổ thân thằng bé quá.

- Các bà kéo nó ra, đừng để nước mắt nó rơi vào người ông ấy.

- Thằng bé làm gì nên tội! Chịu cảnh bố con gà trống nuôi nhau, giờ lại cảnh thương tâm thế này!

- Bố làm bố chịu, giết người ta thì cũng phải nghĩ đến con người ta chứ, nó còn bé thế này, nó làm sao sống được một mình.

Thắm sợ hãi, ôm chặt mẹ. Chuyện như ma quỷ. Thắm đứng lập cập bên ô cửa sổ mở ra đường nhìn sang bên ấy. Người run như một cái lò xo. Những câu hỏi cứ liên tiếp được đặt ra trong ý nghĩ: Tại sao, tại sao? Trọn đêm qua, cả làng không có tiếng ồn, không một tiếng súng, cớ làm sao có chuyện mẹ Thắm bị ai đó đánh bầm dập xác xơ, còn cha Hạnh bị ai đó đâm lén chết trong vũng máu giữa thềm nhà? Tại sao tại sao hai chuyện kinh hoàng lại xảy ra cùng một lúc trong một đêm? Tại sao lại xảy ra với hai đứa hai nhà đối diện, chơi thân với nhau? Tại sao? Tại sao?

Tiếng khóc của Hạnh im bặt. Tiếng mọi người trong nhà Hạnh cũng được gom lại, lặng im bên thi thể người bị hại.

Thắm bật khóc:

- Mẹ, mẹ cho con sang nhà Hạnh.

Ngoại nhìn con, ánh mắt nhìn như van xin, như hối hận:

- Con đừng buồn, mẹ con mình sẽ giúp bạn ấy.

Hai mẹ con ôm nhau nức nở như hai người đàn bà cùng chung một nỗi đau...

13

Ông Hiểu, người cha của Hạnh có thói xấu, hằng tháng vào trung tuần trăng sáng, ông thường mò mẫm đâu đó suốt đêm. Có người bảo ông là gián điệp, làm chỉ điểm cho Pháp hoạt động về đêm. Chị em phụ nữ buổi tối có chuyện gì phải ra ngoài đường, chẳng may gặp ông Hiểu, hay chỉ cần nhìn thấy bóng dáng giông giống ông Hiểu chứ chưa chắc đúng là ông Hiểu, cũng đủ sợ hãi chạy bán sống bán chết. Họ bảo ông Hiểu là giống mèo hoang động đực. Từ ngày vợ ông mất, có biết bao chuyện kể về ông. Có lẽ, người đàn ông tứ tuần không chịu nổi cô đơn, không cưỡng lại được sự khát thèm bản năng sinh học của cái cơ thể ông. Đêm, ông đi lang thang, đi vô định, đi giải sầu. Có lần, vào lúc đêm hôm khuya khoắt, có người nhìn thấy ông ôm thân cây chuối bên đường dập dìu rên xiết. Cô đơn với bao nỗi niềm, không đào được hố để chôn, không có ai để chia sẻ, cây chuối là chỗ để ông trút mọi bí bức, u sầu. Cây chuối cho ông ôm ấp, cho ông hả hê khóc hả hê cười, hả hê tâm sự.

Những chuyện như thế về ông Hiểu người ta thêm thắt cắt gọt, loan đồn, xôn xao khắp làng trên xóm dưới, sang cả xã bên cạnh. Người ta gọi ông là con quái vật.

Đêm qua, ông Hiểu đi việc ấy, làm việc ấy với một cô nàng nào ấy ở làng bên ấy, mỹ mãn và toại nguyện. Lòng dạ lâng lâng, bước chân bồng bềnh, ông trôi theo mây, ông vẽ theo trăng, ông rẽ cây, rẽ gió, trở về nhà. Sợ làm con trai thức giấc, ông rón rén trải manh chiếu giữa hè, hết ngồi lại nằm, vắt chân chữ ngũ, nhâm nhi ly rượu, ông những hát thầm: “Thế là anh đã có nơi đêm đêm anh đến, anh đền khoai em...”.

Rượu và đêm và cây và đất làm đêm thêm sẫm lại. Đêm. Ông giống như một cành cây khẳng khiu, lòng khòng cong keo dưới sàn đất hiên nhà. Mớ tóc trên đầu ông xoăn tít lông bông như tổ quạ. Khó mà nhìn thấy gương mặt ông tâm trạng ông trong đêm đông. Ông nằm, như cái quẩy đã được chiên giòn mang hình số 8. Thỉnh thoảng ông rung rung đùi, cái đùi gầy không bắp như thể cái phao câu nằm ngang trên mặt nước bị con cá nhằn nhằn đớp đớp mồi. Và khi ông ngồi dậy, trầm tư ngẫm ngợi, cái đầu gối cao quá tai, hai bên lườn, hai tảng xương sườn như cung đàn piano mòn phím, bụng ông thót lại, mỏng như chiếc lá, khiến cái lưng trơ đốt sống cột sống hình vòng cung giống như một chiếc ghế ngồi của người chơi dương cầm trải qua nhiều thể kỷ, giờ đã bị vẹt, lõm, săn sắt buồn.

Sương khuya nặng hạt đọng trên tàu lá chuối rỏ xuống lá giong lộp bộp đánh thức đàn gà cất tiếng gáy sang canh. Doi chín rụng từng quả thùm thụp xuống sân gạch. Đàn chuột no nê, hả hê, chin chít sít kẽ răng vờn nhau chạy quanh vườn. Độ ẩm của sương đêm cho ông cảm giác ướt lạnh da. Ông vê viên thuốc lào, xoè diêm lóe lửa, nghiêng đầu như chú chó phốc, ghé miệng rít một hơi thật sâu cái điếu cày. Hơi ấm thuốc lào căng đầy hai lá phổi. Ông nín, giữ thật lâu hơi ấm thuốc lào cho nó lan truyền đến từng mao mạch nhỏ. Làm thế, ông cảm thấy vô cùng dễ chịu. Và rồi, ông ngửa cổ lên trời, nhè nhẹ nhả khói. Khoan thai. Khoan thai.

- Phập!

Nhanh như mũi tên vừa bật khỏi ná, lạnh như kim chích buốt. Con dao nhọn, nhỏ như đầu ngón tay xuyên thủng yết hầu ông, máu phun trào những tia như tia nắng. Bong bóng đỏ tươi liên tiếp tuôn. Bong bóng máu bung ra từ cổ họng ông, phồng to, phồng to, phì, phì, tan, vỡ, tứa tràn trên chiếu, loang lổ như những hoa văn, lăn, lênh láng hiên nhà, đọng thành vũng.

Ông Hiểu chỉ kịp rú lên một tiếng gọi Hạnh, đứa con duy nhất của ông.

Thằng bé ngủ say trong nhà.

Không thấy tiếng trả lời. Máu và đau. Hoa mắt và hoảng sợ. Ông không thể đứng dậy được. Ông cố gắng, dồn tất cả sinh lực còn lại, ông gọi tên con.

- Con ơi!

Nhưng tất cả tuyệt vọng. Phế quản đứt. Thanh quản trồi ra lèo phèo rách bướp, không ngừng nghỉ phun những tràng bong bóng máu tan, vỡ, chảy liên hồi. Môi khô tím phập phồng không âm tiết.

Ông Hiểu chết vì mất quá nhiều máu. Hạnh, cậu bé hơn mười tuổi, con trai duy nhất của ông đang tuổi ăn tuổi ngủ.

Đám ma ông Hiểu đi qua sân đình. Hai con sấu đá mắt hiu hiu buồn. Đám xe bò cải tiến rúm rụm góc sân đình. Trong đám xe ấy, có cái xe nào từng là xe hoa rước cô dâu Thắm chú rể Hạnh, để lũ trẻ con trong làng lũ lượt chạy theo sau, chơi trò đám cưới của trẻ con? Đống rơm vàng những sợi rơm bã bời tươm nát chồng lên nhau đan trong nhau hòa vào nhau thành mảng khối. Đống rơm nào được khoét làm phòng cưới, chùm nhót đỏ treo cao thay quả cầu hồng, hoa đồng nội tết dài thành dây giăng khắp “phòng”? Đâu rồi những trò chơi hể hả, cô dâu chú rể nằm bên nhau, ngủ quên đến tận lúc tối mịt trời. Tất cả chỉ như mới hôm qua thôi mà giờ, sao buồn thế, dửng dưng như là chưa từng thế bao giờ, như là đã lùi xa hàng ngàn thế kỷ? Cô dâu Thắm trẻ con cười hơ hớ hôm qua, hôm nay đã thành bà cụ. Bà cụ trẻ đi đám ma đưa tiễn một linh hồn trở về với cát bụi. Chú rể mười hai tuổi đã thành một gã đàn ông mặc áo tang, đi sau linh cữu cha, khổ đau héo hắt như một lão già. Lão già từ nay sẽ chỉ còn một mình đơn độc trong ngôi nhà đơn độc, đơn độc với nhân gian!

14

Cái chết của ông Hiểu, nỗi đau của Hạnh như nét mực tàu đầu tiên khắc vào não bộ trinh trắng trẻ thơ. Nét khắc đầu tiên, ấn tượng đầu tiên thật khó phai mờ.

Sau này, Hạnh có thể quên, vì anh bị bệnh. Còn Thắm, Thắm muốn tẩy não, Thắm muốn quên như Hạnh đã quên nhưng không làm sao quên được.

Người đàn bà du kích từng lập nhiều chiến công tiêu diệt kẻ thù như vậy, có sá gì không lập chiến công nối tiếp chiến công trong sự nghiệp?

Ở tuổi trưởng thành, xâu chuỗi những sự vật, hiện tượng gắn với cuộc đời bà ngoại, từ đó mẹ tôi tự đúc kết, đánh giá và nhìn nhận lịch sử, số phận, kiếp người.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3