Con Hoang - Chương 07
24
Mã, chủ tịch Mã, chủ nhiệm Mã… bao nhiêu chức ở một con người hắn. Trong con mắt dân làng hắn là vua, là tướng. Hắn nói ra thép. Hắn khạc ra lửa. Hắn biết cái uy của hắn mà hắn không tự nhận thấy cái yếu điểm, cái hạn chế của chính mình. Hắn ít học. Không biết viết mà lại được làm quan! Làm quan thì sướng lắm. Trai tài gái sắc, đám đàn bà thần tượng ông, bám quanh ông, mon men theo ông nhiều vô kể. Mã là người máu gái nên bất cứ phụ nữ nào, có chồng hay chưa có chồng, thích hắn, hay hắn thích, nghiễm nhiên hắn cho phép mình ngủ với người đó mà không cần biết người đàn bà đó có đồng thuận với mình hay không.
Chị Tỏi vợ đội trưởng đội dân quân có chửa với Mã.
Chồng chị Tỏi vẫn sống sờ sờ ra kia, ai dám nói tầm bậy nào. Anh Tỏi biết đích thị cái bụng vợ mình đang mang vác kia không phải là của anh. Nhưng anh vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt. Anh nói ra chỉ tổ nhục cho cái mặt mo của anh mà thôi. Và anh, anh cũng phải biết thương vợ chứ. Lỗi đâu phải vợ anh. Lỗi tại anh. Thương vợ thì phải để cho người ta làm chuyện ấy, giải quyết chuyện ấy với người khác chứ, đúng không nào? Bởi anh là kẻ đang mang bệnh. Bệnh giang mai truyền nhiễm qua đường tình dục. Chỗ ấy của anh lở loét hết cả rồi. Lúc nào cũng tỏa ra mùi hôi bẩn. Những ngày hè tột đỉnh của nắng nóng, ruồi nhặng bám theo anh làm anh không dám ra khỏi nhà. Anh ẩn nấp trong căn buồng tăm tối. Anh cởi truồng rồi lấy khăn ướt đắp lên “cục cưng”. Tội nghiệp cho anh cái căn bệnh tai quái này. Hình như nó là thứ bệnh của tín ngưỡng, bệnh của trời đày.
Mỗi khi ngứa ngáy râm ran là mỗi khi nhục cảm khao khát căng đầy ham muốn. Anh ao ước có một ai đó xuất hiện trước anh, ôm chặt lấy anh để anh cọ sát, để anh vung vẩy để anh chà đạp cho đã kiểu như ngứa ghẻ đòn ghen người đời đã đúc kết. Nhưng không, không thể là vợ anh được. Muốn vợ. Nhưng anh lại thương vợ. Thương vợ, nhìn thấy vợ, ham muốn lại trào lên, kiểu như người chết đuối vớ được cọc. Thương vợ, kiềm chế ham muốn của chính mình, kiềm chế ham muốn của vợ, anh tự gồng mình lên, anh đá thúng đụng nia. Anh chửi luôn mồm, anh muốn chị Tỏi chán chường không còn tha thiết gần gũi vợ chồng.
Những ngày tháng còn đi ra đường được, đêm đêm anh vẫn mò ra bãi mía ruộng ngô, thò lò cái của quý ra ngoài cho thoáng đãng, những mong sẽ gặp một ả nào đó trút cho bằng sạch. Thật không may đàn bà con gái không có ai gặp anh Tỏi giữa đêm khuya bệnh hoạn.
Đã có người nhìn thấy anh Tỏi quằn quại cái ấy trong búi cỏ, vùi xuống vực cát, đau đớn, rên rỉ. Miệng anh không ngừng chửi rủa đàn bà. Nằm trải dài trên cát, lăn lộn trên cát. Dữ dội, buông xả, anh tự phóng thích mình, trong cát. Miệng, lưỡi anh ngập cát, anh hổn hển thở. Cát lùa vào mũi anh. Chỗ bệnh tật ướt át, đau rát, toàn thân anh như cát, anh đủng đỉnh và chậm chạp tiến về phía dòng sông. Nước ngập bàn chân anh, lạnh dần lên đầu gối, đùi anh. Nước phù sa màu hồng, đủ chìm cái thứ ấy, anh dừng lại, một tay vân vê, tay kia chống mạng sườn, mắt anh nhìn xa xăm về phía ấy, bên kia bờ. Mãi sau, anh mới cúi xuống, dùng hai tay kỳ cọ sạch sẽ cái thứ ấy của mình.
Những đêm hè nóng bức, khó ngủ, cứ chốc chốc, chị Tỏi lại ra giếng khơi xì xụp. Quấn dây gầu vào tay, chị Tỏi cục cằn thả gầu xuống đáy giếng. Chị giật giật miệng gầu. Nước tràn đầy, chị kéo gầu lên. Miệng gầu va vào thành giếng, chao đảo. Nước trong gầu sóng sánh, vãi tung tóe. Lấp lánh ánh trăng, giếng như có mắt. Chị Tỏi giơ cao gầu nước. Dội ào xuống đầu. Muôn vàn tia nước mát lành như bàn tay ai dịu dàng, mát lạnh cơ thể chị. Trăng đẹp lắm. Đẹp như một toan màu.
Anh Tỏi nằm trong nhà, tối tăm và nóng nực. Anh thở dài:
- Trời ơi, trông kìa, hở hang như thế à?
- Ngô khoai hỏng hết rồi, làm được gì nữa đâu mà kín với chả hở.
- Loại đàn bà vô liêm sỉ. Không biết ngượng là gì.
- Ông thì có liêm sỉ đấy. Nói mà không biết ngượng!
- Liêm sỉ cái con buồi! Lũ đàn bà khốn nạn.
- Hèn. Không biết nhục...
Anh Tỏi ném cái quạt mo về phía chị. Úp mặt xuống gối, hai tay anh như hai cái gậy chống. Dạng háng hai chân, anh chổng mông lên trời, rền rĩ:
- Nhục hơn chó!
Ừ.
Nhục.
Lỗi tại anh chứ ai dám làm anh nhục. Lúc khỏe mạnh, lạm dụng quyền hạn đội trưởng đội dân quân tự vệ, đêm đêm đi tuần tra đồng bãi anh hãm hiếp con gái nhà lành bên kia sông, sang bãi quê mình cắt cỏ.
Các em gái dám sang bãi nhà mình, chui vào ruộng ngô cắt cỏ cũng tại bởi cái sự mơi mơi mời chào của anh.
Trên chòi cao canh gác bãi đồng, anh Tỏi thỏa thích ngắm nhìn các nàng tiên tắm sông bên bờ bên kia. Anh ta còn bắc loa tay đọc ca dao tán tỉnh: “Hỡi cô má đỏ bên sông. Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây. Sang đây anh nắm cổ tay. Anh hỏi câu này, có lấy anh không…”. Bên kia, các nàng khúc khích cười, chụm đầu nghĩ cách đối đáp lại.
Mùa hè cỏ tốt ngập cây ngô, các cô gái làng bên bàn nhau, đợi trời tối bơi sang bên này chui vào ruộng cắt cỏ mang về cho trâu ăn.
Anh Tỏi nằm trên chòi cao lộng gió ngủ một giấc ngon lành mãi tới khi trăng lên cao mới tỉnh ngủ. Anh tụt xuống đi một vòng quanh bờ ruộng. Anh có cảm giác có tiếng người rì rầm đâu đây, do gió lớn, lá cây xào xạc nên chưa định được hướng. Anh hú họa hét lên:
- Ai! Đứng im không tao bắn.
Tiếng rì rầm im bặt. Tiếng động soàn soạt như tiểu đội du kích hoạt động đêm. Một toán nữ chạy ào ra bờ sông kéo thuyền nổi lên mặt nước rồi tất thảy nhảy lên thuyền cuống cuồng bơi như lướt sóng. Anh Tỏi tới nơi, họ đã bơi ra tận giữa dòng bỏ lại một khối cỏ tươi nguyên. Anh Tỏi da diết gọi:
- Các em ơi quay lại đi! Anh không làm gì các em đâu!
Anh Tỏi bó lại những bó cỏ, nối lại với nhau, bơi qua sông mang sang bờ bên kia trả cho người cắt cỏ. Thiếu nữ bên sông ai cũng tấm tắc khen anh Tỏi hiền, tốt bụng. Cái miệng anh cười thật thà dễ mến làm sao. Ai dám bảo anh mưu mô, thủ đoạn nào! Thế nên, được anh Tỏi bảo kê, con gái làng bên đêm sáng trăng mùa hè gió mát, mới rủ nhau bơi thuyền sang bên này cắt cỏ. Các cô túa đi mỗi đứa mỗi góc trong ruộng ngô cao vút. Tiếng liềm soàn soạt, tiếng gọi nhau lẫn trong tiếng gió, òa theo tiếng xào xạc của bãi ngô xanh như những đoàn quân đang độ tuổi trưởng thành. Anh Tỏi tít mắt cười như Trư Bát Giới thèm ăn.
Những cô gái nhà lành từng ấy cô, nào ai dám tiết lộ, ai biết từng cô, từng cô, lần lượt bị anh Tỏi làm tình theo kiểu “đánh tỉa”, lối chơi “du kích”, chơi đánh “lén”?
Nào ai biết sông Hồng dòng sông mẹ ầng ậc ngầu đỏ cuồn cuộn cuốn trôi bao nhiêu bào thai, những đứa trẻ ép non không được làm người?
Bao nhiêu sợi chỉ buộc cổ tay, bao nhiêu lời hứa hẹn đánh lừa tuổi non nớt? Bao nhiêu cô gái không nhớ mặt, nhớ tên dũng cảm cam chịu nuôi con một mình?
Bao nhiêu cô gái ngâm mình dưới nước cho đứa trẻ chui ra chìm nghỉm trong lòng sông vĩnh viễn không kịp cất lên tiếng khóc đầu tiên chào đời?
Còn bao nhiêu cô nữa, mắc bệnh giang mai, lo sợ, xấu hổ trẫm mình quyên sinh, người đời phao tin cô chết đuối?
Những cô còn lại tao tác hoang mang.
Nhưng rồi họ quyết một lần trả thù anh Tỏi. Các cô trả thù bằng cách lần lượt hiến dâng làm anh Tỏi tham lam đến kiệt sức. Anh ta lê bước trèo lên chòi canh gác ngủ một giấc mê mệt như chết. Các cô trút căm giận lên lưỡi liềm kéo cưa đứt đổ ba cái cột chòi. Chiếc cột thứ tư gần đổ, ngả ngã dần, kêu răng rắc, e bị lộ, các cô bỏ chạy. Anh Tỏi bị treo lủng lẳng lắc lư như chiếc võng giữa trời cao. Gió sông Hồng ào ạt giựt đứt phựt những sợi dây thừng buộc tấm phản, ném anh Tỏi rơi tõm xuống ruộng ngô. Anh Tỏi ngất đi khi vẫn còn ngủ mê man.
Cái bụng của chị Tỏi bắt nguồn từ một đêm lũ sông Hồng đập vỡ cống Tên Lửa, con đê bối, sáng kiến của Mã cũng bị nước cuốn trôi nhấp nhô nham nhở.
Đêm canh lũ. Tất cả già trẻ gái trai ai cũng có mặt trên mặt bối trực chiến với sông Hồng. Giữa bãi rộng ầm ào lũ cuốn, lực lượng dân công đông hơn một trung đoàn í ới gọi nhau chuyển bao tải cát. Từng nhóm từng nhóm như tiểu đội xách đèn bão kiếm tìm những điểm đê bối bị rạn, nứt. Đám con gái con trai trẻ trung sôi nổi vừa làm vừa hát, bông đùa đối đáp nhau í ới, náo loạn không gian đêm. Mọi việc tạm ổn, sự im ắng trở lại, con gái con trai nằm ngổn ngang ngủ ngoài trời.
Thắm và Tỏi, hai chị em cùng trong một tổ, nằm cạnh bên nhau, gác chân lên nhau. Trăng lững thững ngọn tre. Sông như gái già điên cuồng trong cơn đau đẻ, sùng sục chực xổ dạ. Các bà các chị có chồng bạo mồm bạo miệng kể chuyện tiếu lâm, chuyện bậy vợ chồng cười đến vỡ bụng, mệt, lăn ra ngủ. Chị Tỏi ngủ say, tiếng gáy đàn bà thanh như tiếng gió.
Đối mặt với bầu trời là hàng ngàn con người màn trời chiếu đất. Trăng khuya đã lặn. Những vì sao xa xôi li ti như hạt bụi. Im ắng mông lung, những vì sao gợi nhớ. Nỗi nhớ mông lung da diết u hời. Những kỷ niệm cứ cồn cào xao động. Nhắm mắt nhớ nhau, mở mắt nhớ nhau. Mọi vật xung quanh Thắm, từ ngọn cỏ cành cây, hơi thở, bước chân qua, giếng nước, cầu ao và cả thế giới này đượm kỷ niệm anh, có anh. Lúc này đây, kỷ niệm anh, hình ảnh anh, hơi thở anh thường trực trong em, trước mắt em, cuồn cuộn trong em, da diết nhớ thương. Những đầu ngón tay buồn bã, dạ cồn cào nao nao, tim nhoi nhói bồn chồn. “Hạnh ơi, anh đừng chết nhé anh. Mình rồi sẽ được bên nhau trao cho nhau tất cả những gì hạnh phúc nhất. Hạnh phúc riêng tư đôi tình nhân nào cũng có.”
Một liên tưởng, một ý nghĩ dễ bị coi là dung tục là bậy bạ lần đầu tiên xuất hiện trong Thắm. Thắm khát khao thỏa mãn. Thỏa mãn với anh, người đàn ông của nàng.
Mã dâm tặc đã làm hư hỏng phần xác Thắm. Trái tim cô dạt dào nỗi nhớ người yêu phương xa, cơ thể cô như một cỗ máy liên hoàn bị tâm trạng tâm lý kích động làm rúng động mạnh. Ham muốn tình dục trỗi dậy, kêu gọi và đòi hỏi phải được đáp ứng, ngay, lúc này. Cô khe khẽ rút chân ra khỏi chân chị Tỏi, rón rén nhẹ nhàng như vô định đi về phía dòng sông. Nước bốn bề cuồn cuộn mênh mông. Thắm đứng đó, mênh mang như trước biển, như bơi như bồng bềnh trên mặt nước. Những tia chớp chân trời xa lóe những chùm sáng, bục bục vọng về thứ âm thanh như là bom rơi, pháo nổ. Mưa nguồn chớp bể. Thắm cảm giác như nơi đó đang ác liệt chiến tranh. Chiến tranh. Sự sống mỏng manh vô chừng. Cô siết vòng tay ôm lấy ngực mình. Trái tim cô thổn thức khát chờ, “chịu sao nổi anh ơi em làm sao em chịu nổi”.
Sau một lúc chợp mắt trên chòi chỉ huy, Mã rón rén lách bước chân qua từng người từng người thật nhẹ. Ông sợ làm thức giấc ngủ hiếm hoi sau một ngày đêm lao động quá sức mệt mỏi của mọi người. Ông đi kiểm tra từ đầu đê bối trong làng đến cuối đê bối giáp sông.
Ông dừng lại chỗ Thắm nằm, chạm nhẹ bàn chân tới bàn chân như một tín hiệu. Thế là đủ. Ông quay đi, đi thật nhanh theo vệt cỏ về phía chòi trực chỉ huy.
Như người mộng du. Như Âu Cơ hạnh phúc được ướm bàn chân vừa dấu bàn chân Lạc Long Quân để lại trên cát. Như khao khát, mãi đợi chờ tự bao đời giờ mới được người mình hằng mơ mộng, để ý tới. Người phụ nữ nhận ra chàng, nàng sung sướng cuốn theo bước chân ông. Bước chân chị nhanh dần nhanh dần. Chị đi như chạy. Chị chạy như bay lướt trên gương mặt những cô gái non tơ đang nằm như phơi rạ trên đường trực chờ ngăn lũ. Chị như tia chớp rúng động bầu trời làm vài ngôi sao bất chợt đổi ngôi.
Chẳng ngoảnh lại một lần, người đàn ông đặt chân lên cái thang, bước chắc chắn từng bậc thang lên chòi. Chòi trực chiến được dựng bên cây gạo. Thân gạo xù xì, vững như cột bê tông, đứng thẳng, căng mình chi chít những bàn tay săn chắc xòe những chiếc lá như những bàn tay tạo thành một chiếc ô khổng lồ che cho ông lớn.
Người đàn ông cởi trần, treo chiếc áo bên chiếc xà cột. Người đàn bà theo sau thoăn thoắt bước những bậc thang không hụt chân một bậc nào, chui vào phía trong chòi gác. Chị ta ùa vào ông, ôm siết lấy ông. Chị nghe thấy tiếng tim chị đập dồn dập, tiếng máu chạy giần giật trong từng tĩnh mạch phừng phừng bên tai chị. Từng ngón tay kẽ tay của chị chứa chan làn tóc ông. Chị luồn tay qua vai ông, hôn vành tai ông, hôn xuống tận cằm và cổ. Ông ngả người lại sau. Bàn tay ông với lại đàng sau, bám vào chiếc cột làm điểm tựa. Ông từ từ dựa người vào liếp nứa, ngực ông ưỡn về phía trước có đàn bà.
Chị Tỏi luồn đôi tay qua eo lưng ông, kéo siết ông chạm vào da thịt. Chị vục mặt vào vòm ngực người đàn ông chưa già. Vòm ngực vạm vỡ êm đềm. Chị hôn lên vòm ngực ấy. Người đàn ông ngoan ngoãn, nằm duỗi tự bao giờ. Trong cơn mê ông rên khe khẽ. Người đàn bà cuồng si, tự tay chị mở hai tà áo, rút tay bên này ra khỏi tay áo. Chị ném chiếc áo của mình vào một góc. Dưới ánh trăng thanh khiết, bầu vú trần với hàng khe quyến rũ. Người đàn bà tự chủ. Hạnh phúc là đây, mơ ước đến đây rồi.
Người đàn ông im lặng không lời. Ông nhắm mắt, nhấn cái cằm ngập sâu trong làn tóc đàn bà. Người đàn bà viên mãn. Viên mãn tột đỉnh không diễn tả hết được bằng lời.
Cây gạo nhiều tầng, chót vót như kim tự tháp. Người ta bảo, cây gạo chứa nhiều ma. Cành gạo từng tầng từng tầng như những mái nhà, như những sân chơi, chim, quạ về đây trú ngụ. Trong màn đêm, giữa đêm, chồm hỗm trên cành những con dái cá gật gù ngủ, nhìn như những bông hoa gạo.
Người đàn ông ngồi dậy lạnh lùng:
- Cô mặc quần áo, xuống đường đi.
Người đàn bà đĩ thõa, đặt nụ hôn trơ trẽn lên môi ông.
Ông ta quay mặt, tránh những nụ hôn. Chưa hết, ông ta đứng phắt dậy, làm chị Tỏi lao chao, suýt ngã nhào xuống vực.
Bước từng bước bậc thang xuống đường, đôi mắt chị dập dờn theo con nước. Dưới chân chị hàng trăm người chưa tỉnh ngủ. Nếu có thể lũ lớn tràn về, ngay lúc này, tất cả, cả chị nữa, sẽ bị cuốn trôi, sẽ vĩnh viễn để lại trần gian những oan hồn. Chị hợm hĩnh tự hào, “một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn thèm, tiếc nuối suốt cuộc đời”. Chị ngỡ mình trẻ hơn chính mình đến mười tuổi.
Mã mệt lử, thiêm thiếp, chợt giật mình tự tai mình nghe thấy tiếng mình gáy. Mã ngồi dậy, căng mắt nhìn quan sát xa xa. Con nước vẫn ầng ậc đầy hung dữ ầm ào băng băng như thác. Trăng như sữa, ẩm ướt đến sởn da gà. Con bối nằm nghiêng che chắn ruộng đồng. Con bối này là tác phẩm của ông là công lao của toàn dân trong xã. Con đê bối như bức tường thành, mùa khô giữ nước tưới cây, mùa mưa ngăn lũ không tràn vào ruộng. Con bối giờ như hổ mẹ gặp nguy nan đang gồng mình che chắn bảo vệ con. Hàng trăm con người nằm như rạ dưới chân ông chỉ chờ một tiếng hô từ nơi ông, họ sẵn sàng nhảy xuống dòng kênh, sát bên nhau thành hàng rào sống bảo vệ con đê bối, công trình thế kỷ của xã mình, giữ được hoa màu, ngăn con lũ ùa vào con đê quai. Con đê quai mà vỡ, cả làng xã sẽ bị lũ cuốn trôi. Người dân trông đợi ông, kỳ vọng ở ông. Từ ngày nhậm chức, chưa bao giờ ông được ngủ thật say trọn giấc. Những lúc khó khăn, cần ý kiến đóng góp của mọi người, ai cũng như nghị gật, ông nói gì họ cũng bảo đúng, ông bảo gì họ cũng triển khai. Ông phải chủ động trong mọi tình huống. Ông lo việc công hơn cả việc nhà. Có những lúc mê mải công việc, ông không nhớ nổi tên con mình. Ông thuộc đất, thuộc làng, thuộc từng giống cây giống lúa, thuộc cả những đặc thù của từng thửa ruộng, chuồng trại ươm giống, chăn nuôi. Chủ nhiệm là ông, chủ tịch cũng là ông, rồi bí thư đảng ủy cũng là ông. Nghĩ cho cùng là lãnh đạo giỏi chuyên môn, xốc vác say mê, trách nhiệm với công việc, ông độc đoán, ông chuyên quyền cũng chẳng sao. Bởi phải say mê, phải tâm huyết, phải quyết liệt, phải dám nghĩ, phải dám làm, làm bằng được mới đem lại thành công. Ông độc tài nhưng chưa hề lạm dụng của công chưa hề tơ vương tham nhũng đến một xu. Có lẽ vì thế nên bọn quan tham sợ ông, nịnh ông. Thần thiêng nhờ bệ hạ. Kẻ dưới quyền, chúng rất sợ ông. Chúng sợ ông là bởi chúng không muốn người khác không phải là ông lãnh đạo chúng. Ông là lãnh đạo, chúng vơ vét, lạm dụng được nhiều hơn. Chúng vơ vét, tham nhũng được nhiều hơn, bởi ông không biết viết, ông rất ngại viết, ông phê duyệt bằng tai chứ không đọc văn bản bằng mắt nên dù ông chửi thậm tệ, thậm chí ông bắt cấp dưới ăn gì, chúng cũng ăn. Chúng báo cáo, xin kinh phí hoạt động, nghe, có lợi cho bà con, ông ký. Ông ký mà không cần thận trọng nhìn những con số. Ông chỉ cho chứ không lấy bất cứ thứ gì của ai. Ánh mắt hàm ơn của những cán bộ dưới quyền là niềm hãnh diện lớn nhất của ông.
Một tiếng bục rất to ở đoạn lưng con bối còng! Từ trên chòi cao ông nhảy tắt xuống đường. Tiếng người thất thanh lóe xóe trong đêm, những bó đuốc vội vàng được đốt lên. “Vỡ bối rồi. Làng nước ơi vỡ bối mất rồi!”. Bục, bục liên tiếp vỡ chỗ này vỡ chỗ kia, con bối toác ta, đứt vừa từng khúc như khúc ruột. Nước ầm ào, cuồn cuộn như thác cuốn trôi những cây nhãn rặng nhãn dưới chân bối. Những đoạn bối chưa vỡ, mặt bối bùng nhùng nhũn như cháo, nước dập dềnh trườn sang bên kia. Mã hét to: “Bà con ơi không cứu được nữa rồi. Đề nghị bà con nhanh chân về nhà, không chết hết bây giờ!...”. Người dân hớt hải chạy về nhà, giống như cảnh phá kho thóc của Nhật. Không phải bà con chạy về nhà để cõng cứu người già em nhỏ, bốc vác bưng bê thóc gạo lợn gà mang lên đê quai chạy lũ. Bà con chạy về làng để cứu con đê quai, bảo vệ con đê quai. Bởi bảo vệ con đê quai nghĩa là bảo vệ được mái nhà và tất cả không bị lũ cuốn đi.
Không gì mạnh bằng sóng thần, bằng sức mạnh của thác lũ. Nạn hồng thủy ào ạt xông vào đê quai.
Theo lệnh ông Mã, dân làng già trẻ gái trai lội xuống chân đê đứng sát bên nhau thành một hàng rào sống, chắn cho con sóng không trực diện đánh thẳng vào những đoạn đê yếu. Con gái con trai thanh niên khỏe mạnh, xốc vác vác những bao cát hất xuống dòng, bà con phía dưới xếp bao cát chồng lên nhau chắn sóng. Ông chủ tịch cũng quăng mình xuống dòng nước cùng dân. Ông gia lệnh tháo cả những cánh cửa đền, chùa, cổng làng trường học làm bia chắn sóng cứu đê.
Trọn một đêm sức người hợp lực chống chọi với con lũ. Con đê quai lành hiền đã được cứu sống. Nhà cửa, xóm làng được cứu sống. Tài sản hoa màu được cứu sống. Bà con trong xã nhìn Mã như một vị anh hùng.
Chị Tỏi tự hào có một đêm như thế. Một đêm, hạt giống của vị “anh hùng” được gieo lại, lớn dần trong cơ thể chị.
25
Người ta tưởng yêu rất nhiều và tình yêu dễ đến. Nhưng thực chất đời người, yêu và được yêu đâu có dễ.
Tình yêu như một liều thuốc độc, cạn kiệt héo mòn khổ đau tàn phai nhan sắc. Từ ngày Hạnh ra đi, biệt tăm. Không một phong thư, không một dòng địa chỉ, không một lời nhắn nhủ của Hạnh từ ai đó hay từ chiến trường gửi cho người Hạnh yêu. Hy vọng và vô vọng. Đó là cơ hội, là thời điểm cho Mã đến. Ông ta liều lĩnh, dũng mãnh như một con hổ. Ông ta yêu Thắm không cần biết Thắm yêu anh nhớ anh. Thắm yêu anh yêu từng kỷ niệm nhỏ. Anh vời vợi quá mà ông ta thì có thật. Ông ta hiển hiện hằng ngày trước mặt Thắm, ông ta tấn công Thắm. Thể xác Thắm tan nát. Nhưng tình yêu anh không ngừng chảy trong lòng Thắm, bất lực, chẳng còn cách nào khác, trái tim Thắm lặng lẽ thét gào: “Tao mượn thân xác mày đấy, thằng Mã khốn nạn ạ. Tao mượn thân xác mày để tao yêu tình yêu của tao, để tao thể hiện tình yêu của tao với người yêu tao đi vắng. Trái tim tao yêu Hạnh căng đầy, lòng dạ tao chỉ hướng về Hạnh. Cho dù Hạnh của tao trở về với cái nạng trên tay thay đôi chân không còn, cho dù Hạnh của tao tàn phế, chúng tao vẫn lấy nhau, ở bên nhau, hạnh phúc hết đời. Mày chiếm đoạt tao, mày chỉ là một tên ăn cướp, một tên đóng thế mà thôi!”
“Ông ta yêu em, giây phút ông ta ở trong em, quấn lấy em, đè lên em, em nhắm mắt, em cào cấu, em điên cuồng, tha thiết gọi anh, em thôi miên em, để em ngỡ ông ta là linh hồn là thể xác anh. Linh hồn, thể xác anh tan biến trong em, tràn ngập trong em em hân hoan đón nhận. Nhưng, khi em tỉnh lại, mở mắt ra, gương mặt ấy không phải anh, Hạnh của em, nước mắt em tuôn trào, nghiệt ngã đớn đau.”
“Đồ con chó, đồ súc sinh, đồ súc vật.”
“Hạnh yêu của em. Không có anh, em đau khổ, cô đơn, em nhỏ nhoi biết nhường nào.”
26
Cái kim bọc trong túi lâu ngày rồi cũng lộ ra. Dân làng đã có lời đồn đại nhỏ to về quan hệ của Thắm với ông Mã. Thắm biết. Những việc như thế, ông ta bao giờ cũng là người biết sau cùng. Ông ta chỉ có thể biết bàn dân thiên hạ biết rõ chuyện của ông, biết rõ những việc ông làm khi ông đã bị kỷ luật, mất chức.
Đêm không ngủ là đêm vô vàn ý nghĩ mông lung. Thắm nghĩ về những mối quan hệ những hành động những việc làm của mình. Thắm nghĩ về Hạnh, về Mã về những người xung quanh. Thắm chán chường nhận thấy mọi sự đang trôi đi, đang diễn ra không đúng với lòng mình, vượt ra ngoài vòng kiểm soát, để rồi, không thể nào tự chủ được. Trượt dốc, Thắm là kẻ tòng phạm cùng ông ta ngày một chui sâu vào đường hầm tội lỗi.
Thắm muốn giải phóng. Thắm muốn đập phá, Thắm muốn giết người! Thắm đòi quyền tự chủ.
Thắm làm sao có được dũng khí, sức mạnh. Một cô gái nhỏ nhoi bé bỏng làm sao có thể giết được kẻ hãm hại đời mình!
Trăng sáng từ phía bên nhà Hạnh lọt qua khe cửa sổ rơi những đường kẻ vàng xuống chỗ Thắm nằm. Thắm mở cửa sổ, trăng tràn trề, khiến đôi mắt khóc nhiều mọng híp cả lại. Ổi chín rụng đầy sân nhà anh bay hương thơm đến tận nơi như gọi Thắm. Nhãn vàng chín rộ. Những chùm nhãn trĩu cong nặng quả. Những quả nhãn bị dơi khoét vỏ trơ hạt đen tròn lấp lánh ánh trăng trông như mắt bồ câu trìu mến chớp chớp hàng mi.
Thắm chìa bàn tay qua cửa sổ. Gió ào rung cây. Một chiếc lá xanh rơi rụng lọt qua ô cửa đậu lên mái tóc Thắm. Một ý nghĩ bất chợt làm Thắm giật mình: Có lẽ nào Hạnh đã hy sinh?
Không. Phải quá tam ba bận. Lần thứ hai, Thắm chìa bàn tay ra khỏi cửa, nhắm mắt lại, Thắm nguyện cầu nếu anh..., lá hãy rụng, rơi vào bàn tay em. Nhưng lá không rụng. Thay vào đó là một nụ hôn rụng xuống bàn tay Thắm, kèm theo một giọng nói ngang tàng “Anh thích em”.
Ngỡ như một giấc mơ, ngỡ như là hiện thực, anh trở về. Thắm choàng mở mắt. Chẳng thấy một bóng người.
Thiên hạ vô thường vô nghĩ vô lo chìm sâu trong giấc ngủ. Chết tiệt, chả ai hiểu ai giúp được ai. Đến mẹ đẻ nhất mực yêu con, suốt đời vì con, từng ngủ cùng giường đắp chung chăn cũng không biết được những chuyện gì đã, đang xảy ra với con, tai họa nào đã đổ xuống đầu con.
Bà ngoại không hề hay biết con gái mình đang âm thầm chịu đựng nỗi đau, nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời con gái. Chao ơi, mỗi người một cuộc đời với muôn vàn ý nghĩ, cung bậc tương tư của riêng mỗi người, có yêu có thương, có như một, cũng không ai có thể thay thế cho ai, chịu cho ai, san sẻ được cho ai. Ai người nấy chịu. Mỗi con người là mỗi cuộc đời độc lập cô đơn.
Thắm thường xuyên mất ngủ. Sự mất ngủ biến Thắm như một con ma. Con ma Thắm lặng lẽ đêm hôm trần truồng lội xuống ao sâu trầm mình dưới nước. Và rồi một bóng ma lọ mọ trong đêm nhìn thấy ma Thắm, nó cũng bỏ quần bỏ áo trên bờ lội xuống ao bế, dìu Thắm lên bờ.
- Hạnh phúc quá, tôi gặp tiên giáng trần!
- Đồ kẻ cướp. Muốn ăn sống nuốt tươi tôi phải không? Thân tôi đây, ông ăn thịt đi. Ông giết đi... Ông giết chết tôi đi!
- Nanh ác không phải là em đâu. Em đừng làm thế, người ta cười em.
- Cười, không phải bây giờ người ta mới cười. Ông có biết thiên hạ người ta biết chuyện từ lâu rồi không, người ta phỉ nhổ vào mặt tôi ông có biết không...
- Tôi yêu em! Tôi cần em. Tôi có trách nhiệm với em. Ai nói gì, tôi không sợ. Tôi không việc gì phải giấu chuyện tôi với em...
- Ông cần tôi. Nhưng tôi không cần ông. Ông đừng để vợ con ông giết tôi!
- Nhưng tôi yêu em. Em bảo tôi phải làm gì? Tôi bén hơi em rồi. Tôi không thể làm khác được.
- Ông hủy hoại đời tôi. Mẹ tôi chịu sao nổi lời sỉ vả của bàn dân thiên hạ.
- Còn mặt anh đây. Ai, đứa nào dám xúc phạm đến em, đến gia đình em. Đứa nào dám nào. Anh bảo vệ em, gìn giữ em...
- Tôi có nơi có chốn rồi. Chúng tôi hẹn ước yêu nhau tới đầu bạc răng long.
- Thì có ai bảo em bội ước. Nhưng sự thật anh ta chết rồi.
- Không. Chỉ khi nào tôi chết, anh ấy mới chết. Anh ấy vẫn còn sống...
Vỗ vỗ bờ vai trần của Thắm, Mã cưng nựng:
- Em dại lắm. Lần sau không được tắm đêm sương lạnh, chìm dưới đấy, khổ tôi.
Nói rồi, Mã dìu Thắm vào nhà bếp, với chiếc khăn khô trên dây phơi tự tay lau người, thấm khô mái tóc cho Thắm. Hắn với lấy quần áo trên dây phơi đưa cho Thắm mặc. Họ bên nhau cho tới khi trời mờ sáng Mã mới ra về với vợ con.
- Rồi anh sẽ mất hết tất cả. Ai cho phép anh hai vợ? Ai cho phép anh...
- Anh có thể không làm quan chứ đời anh không thể không có em.
- Em thân cô thế cô, vợ anh, nếu bà ấy đến đây em chỉ còn cách tự tử.
- Bà ấy là cán bộ phụ nữ trong “Ban chấp hành thủ trưởng”. Bà ấy là vợ anh. Bà ấy vì anh.
- Bà ấy vì anh, em thành kẻ tội lỗi.
- Chả ai có lỗi cả. Có chăng đó là lỗi tại em đẹp...
- Ông vứt những lời đó đi!
- Anh bù đắp cho em. Bảo vệ em.
Mưa dầm thấm lâu.
Lời đồn đại làm em lo sợ.
Còn có ai có thể bao che, bênh vực, bào chữa cho em nếu không phải là ông Mã? Hạnh ơi, ánh mắt miệt thị, khinh bỉ của dân làng làm em sợ. Dân làng không chịu hiểu, không chịu nhận thấy em là nạn nhân. Họ không những không lên tiếng bảo vệ em, mà tất thảy họ coi em, họ nhìn em như nhìn một thứ giẻ rách, một con quỷ, một con đàn bà tòng phạm. Vì họ nhìn em kinh tởm làm em không đủ bản lĩnh không đủ can đảm thấy mình bị oan. Vì họ, vì cái quan niệm phong kiến hà khắc với đàn bà con gái ngấm sâu cốt tủy dân quê, làm em cũng tự thấy mình, nhận thấy mình là đồ bỏ đi, là đứa con gái hư hỏng. Em có thật hư hỏng không anh! Em có thật hư hỏng không anh, Hạnh ơi, em có thật là đứa con gái đĩ điếm trăng hoa? Anh có nghĩ em như thế không anh? Anh có thể tha thứ cho em, bảo vệ em được không? Ai đã đưa em vào tình cảnh này, anh có tin em, đấu tranh cho em? Hay cũng như hết thảy mọi người trong cộng đồng, cái tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn vào máu não cốt tủy chúng ta ngay từ khi chúng ta được tạo thành trong bụng mẹ, giờ, dù có được học hành, được ra ngoài mở mang tầm nhìn, anh, và em và tất cả vẫn không thể nào thay được máu, không thể nào thay đổi được xương tủy, không thể nào thay đổi được nếp nghĩ, quan điểm cố hữu đó? Và anh, cũng như bọn họ, căm ghét em, kinh tởm em?
Thời đại mới, người ta kêu gọi nam nữ bình đẳng, phụ nữ trẻ em phải được bảo vệ, phải được tôn trọng. Có thật bình đẳng hay không, khi đàn bà bị người ta hãm hiếp cũng là có tội, tội bất chính phải không anh! Đàn bà bất chính, xã hội miệt thị đến mức khó có thể ngóc đầu đứng lên làm lại cuộc đời. Tại sao người ta có thể tha thứ cho đàn ông chứ không bao giờ tha thứ cho đàn bà trong chuyện ấy? Tại sao, em đây, nếu em tố cáo, ai là người bảo vệ em! Em tố cáo nghĩa là em tự vạch áo cho người xem, em tố cáo nghĩa là em tự đào hố chôn mình. Em còn biết làm gì nếu không phải là im lặng, là uất ức nguyền rủa âm thầm? Em có lỗi với anh. Em căm giận, em kinh tởm chính em. Em kinh tởm hắn ta, thằng đàn ông vô học, làm vua xó nhà, dám ngang nhiên qua lại với em mà không cần biết em có đồng ý hay không!
Rồi một đêm, cũng như bao đêm ông ta mò đến nhà em. Con chó trung thành từ nhà anh sang bên nhà em ở bao năm cũng quen mùi ông ta. Nó mừng quýnh mỗi lần ông ta đến. Và mỗi lần, kẻ rình mò muốn ập bắt quả tang ông ta đang trai trên gái dưới với em, con chó nhà anh thính mũi sủa rền vang dữ dội báo cho ông ta mặc áo quần, và em ngồi dậy, châm đèn, hầu chuyện ông ta thản nhiên bên ấm nước trên bàn trà. Con chó xa anh, ở với em, nay đã thành chó đặc nhiệm trung thành của tên Mã.
Nhưng lần này, không thể ngờ.
Người ta bảo, bác cũng như cha, sểnh cha còn bác, còn chú. Bác Hai của em vốn sẵn lòng căm thù tên Mã. Tên Mã vẫn thường ngày thay anh đến với em. Tên Mã nhiều lần cho ông bác của em lên bờ xuống ruộng khi thì đi cải tạo tư tưởng, khi thì làm phu khuân vác, anh thợ hồ đánh vữa xây nhà vệ sinh công cộng... Với lý do bác em là thành phần phú nông cố hữu không chịu cải tạo. Bác em căm thù hắn. Hắn quan hệ bất chính với cháu gái người ta mà không nể người ta, lại còn hách dịch, hạch sách người ta bắt người ta khổ hơn người khác, làm nhục người ta trước mọi người. Tên Mã vuốt mặt không biết nể mũi. Dù có yêu em, thương em, bảo vệ em, bác em cũng không thể nào chịu nổi tên Mã.
Với bác của em, con vện vàng của anh từ ngày sang nhà em cũng quen hơi bác ấy. Đêm, bác em chui sang nhà em, mục sở thị đôi dép của người trai trên gái dưới ở ngoài hè nhà em. Đèn trong nhà em tắt. Cửa ngoài đường em đã kéo rào dấp ngõ. Ông bác em như kẻ trộm lẻn vào nhà, rình, nhìn qua liếp cửa. Con chó vện của anh không gâu sủa lấy một lời. Ông bác em chờ đội dân phòng đi tuần tra tới gần, mới hô hoán lên:
- Trộm! Trộm! Bà con ơi, nhà con Thắm có trộm! Bắt, bắt, bắt!
Nếu biết ông Mã ở trong nhà em, đội dân phòng cũng không ai dám xông tới. Nhưng đằng này, bác của em giả kêu có trộm. Em chẳng kịp mặc quần áo, bản năng mách bảo em, em trốn nhanh ra chuồng lợn, em nằm nép mình dưới bụng con lợn nái trắng ngần mà chẳng sợ nó cắn em. Mặc ông Mã loay hoay trong bóng tối trên giường. Mã vừa kịp xỏ cái quần lót, đội dân quân tự vệ ập tới. Đèn măng sông, bác ruột em thắp sáng, rõ như ban ngày. Người ta nhận ra ông Mã. Người nọ đùn đẩy người kia. Bác em quát:
- Các anh làm việc vì dân hay vì thằng ác nhân Tần Thủy Hoàng? Các anh có lập biên bản hay để tôi làm tường trình đưa lên huyện?
Bác em ra tay viết biên bản, đề nghị từng người ký tên xuống dưới.
Chó sủa váng trời, dân làng mất ngủ chạy tới xem. Vợ ông Mã cũng chạy đến, bà ấy nín lặng, đưa quần áo cho chồng mặc. Nhưng đến lúc bác em bắt ông Mã phải ký vào biên bản, bà ta bật khóc như phân bua với bàn dân thiên hạ:
- Bao nhiêu năm vào sinh ra tử, dốc dạ dốc lòng vì nước vì dân, giờ thiêu đốt, chết gục bởi một con đàn bà. Khổ quá mình ơi. Nhục quá mình ơi! Thế là mất hết tất cả rồi!
Dậu đổ bìm leo, thế là từ cái đêm hôm đó, cái đêm Mã bị bắt quả tang, người ta thi nhau kiện, thi nhau tố cáo ông ta. Đoàn thanh tra ty nọ ty kia nườm nượp về làng. Kế toán, thủ quỹ, thủ kho đục nước béo cò ăn ruỗng tài sản công nhưng trên văn bản giấy tờ đều có chữ ký duyệt của chủ nhiệm, chủ tịch xã Mã.
Em không bênh ông ta đâu mà sự thật tuy quyền sinh quyền sát trong tay nhưng Mã không hề vụ lợi tơ vương tham nhũng thứ gì. Điểm yếu của ông ta là vô sản, là dâm tặc.
Từ nông dân mà lên, nên ông ta hiểu dân, thương dân, hết lòng vì nông dân.
Từ nông dân mà lên nên trong quản lý ông ta nhiều hạn chế, khiến kẻ dưới quyền có cơ hội lạm dụng đục ruỗng công quỹ. Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ, về pháp lý Mã phải chịu trách nhiệm.
Công và tội, lý và tình, cấp trên kéo dài thời gian để tìm giải pháp hợp lý nhất kỷ luật ông ta.
Còn em, ngay đêm ấy, mẹ chuẩn bị quần áo cho em, đưa em sang làng bên trú ẩn nhà người quen. Mẹ loan tin em đã bỏ đi mất tích. Mẹ mang gạo tắc tế cho em. Em phải sống chui lủi trong buồng kín như địa ngục tăm tối. Em ao ước được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, nhìn thấy đồng ruộng tươi xanh. Em thèm một đêm được đối diện với bầu trời với Hằng Nga sáng tỏ. Chỉ một lần thôi em được đếm sao. Chỉ một lần thôi lội xuống dòng sông gột rửa, em ngửa mặt lên trời em cầu nguyện, em gọi anh, em sám hối. Hay lang thang đâu đó một mình dưới ánh trăng như con ma mò mẫm trong màn đêm, như linh hồn đã chết khát khao tìm lại thân xác mình.
Thế là em quyết định bỏ trốn nhà người quen.
Em ra đầm Vạc rộng mênh mang bên con đường ngày ngày bà con đi chợ qua. Cái đầm Vạc từng chứng kiến hai đứa mình đêm chia tay. Cái đầm Vạc rậm rày cỏ cây lau lác, lác đác đom đóm non nhấp nháy soi chúng mình đêm ấy, tiếng oạp oạp, lõm tõm của những chú ễnh ương giả tiếng động của người trêu ghẹo làm em ngượng không dám thể hiện tình yêu, không dám để anh hôn.... Cái đầm Vạc mênh mông, cỏ cây hoang dại tốt ngợp trời, đêm, em nhớ anh, Hạnh của em, đầm Vạc nơi chúng mình thường bắt cào cào châu chấu, nơi mình cùng nhau lặn ngụp mò củ ấu, cái củ ấu dại gai nhọn phải lấy gạch ghè dập bẹp mới lấy được cái ruột nõn nà bùi và ngậy. Đầm Vạc đêm ấy mình có nhau. Hạnh ơi, em cần nó như em cần anh. Thế là em băng băng một mình lội xuống đầm. Em lò dò tìm gò đất nhô cao, ngụy trang làm nơi trú ẩn. Ngày, em cuộn tròn trong tổ như con chim ấp trứng nở sinh con. Em lắng tai nghe tiếng người qua lại, người ta bàn tán, người ta kháo nhau, thế là biết tình hình giờ ông ấy ra sao, ở chỗ nào, số phận em sẽ đến đâu. Đêm, em hiển nhiên nằm trên cỏ ngắm sao trời. Em trở nên cứng cỏi, thâm trầm. Hình ảnh anh, kỷ niệm anh sống động bao quanh em. Đầm Vạc trở nên ấp áp yêu thân, gần gụi như mái nhà của anh như anh che chở em, đầu óc em không còn chỗ để nghĩ về ông ta, tên Mã hợm hĩnh, tên Mã dâm tặc, tên Mã ngu dốt, tên Mã huênh hoang. Đầm Vạc thế giới của những kỷ niệm của mộng mơ tuổi thơ. Anh sẽ trở về, thương em, yêu em, tha thứ cho em.
Và một đêm cũng như bao đêm, em mông lung suy nghĩ về anh về thân phận của em về những gì em đang gánh chịu. Có tiếng động xa xa, tiếng xào xào của cỏ bị con vật gì như con lợn, con trâu con chó giẫm đạp lên. Em lắng nghe, em căng mắt, em khom người nhìn qua kẽ cỏ lau. Hay là bọn dân quân bí mật vây bắt em? Hay là thế nhỉ? Em sợ quá mắt nhắm nghiền, hai hàm răng giữ chặt cái lưỡi, cái lưỡi giống như cái đầu tên tội phạm, khi có lệnh khai đao, lưỡi dao sẽ phập xuống, đứt rời ra. Cái lưỡi của em, nếu là lũ dân quân đến bắt em, hai hàm răng sẵn sàng nghiến đứt, kết liễu đời tại đây. Em chết, thể xác em họ muốn làm gì kệ họ, nhưng linh hồn em nhất quyết ở lại nơi này đợi anh. Anh sẽ phải trở về. Anh trở về tim em, linh hồn em ở nơi này.
Trăng như sữa ôi, lòng dạ hẹp hòi không chịu tỏa sáng.
Em nhận thấy không phải bọn dân quân mà là con lợn nhà ai xổng chuồng lội xuống đầm gặm bèo tây, tìm chuột. Em lười nhác nằm im không chuyển chỗ. Nếu con vật giẫm phải em, có chết em cũng thật đáng chết.
Con lợn đến gần em, hình như cái mõm nó chạm vào mạng sườn em. Em mở mắt ra nhìn, ôi không phải con lợn con trâu hay con bò mà là ông Mã. Đúng là ông Mã, ông ấy thấp lùn tè đen nhẻm như da trâu, chẳng nói chẳng rằng thản niên nằm bên em.
- Sao biết tôi ở đây?
- Sao biết chỗ này anh sẽ đến mà đến trước anh?
Chẳng còn cách nào khác, cũng chẳng còn ai khác, hai con người cô đơn, òa vỡ. Chúng em ôm nhau, òa vào nhau, tan trong nhau, khổ trong nhau, khóc cho nhau, thương cho nhau.
Trọn một tháng trời em và ông ấy ở với nhau như thế mà không ai hay biết.
Trọn một tháng màn trời chiếu cỏ, bắp sen, rau sống, con ếch con ngóe đốt nướng, đầm Vạc che chở nuôi sống chúng em. Người chợ qua đường đồn rằng em tự vẫn chết trôi sông rồi.
Em nói điều này có thể anh không tin và cũng chẳng phải mình anh không tin mà cả nhân loại cũng sẽ không tin, rằng, một tháng trời bên nhau, òa vào nhau, tan trong nhau như vợ như chồng nhưng lòng em vẫn một mực yêu anh, nghĩ về anh. Ông ta như chiếc gậy giữa đường cho em chống để em thoát qua quãng đường lầy lội.
Ngày chia tay, cũng ở nơi đầm Vạc này, ông ta nói với em:
- Cấp trên không muốn kỷ luật anh, nhưng còn ngại dư luận, nên quyết định điều anh chuyển vùng một thời gian. Anh lên Tây Bắc phụ trách công tác tổ chức nơi bà con quê mình xây dựng vùng kinh tế mới. Anh lên đó ổn định sẽ quay về đón em.
- Ông đi đi, đừng hy vọng tôi chịu xa cái nơi này!
- Tôi cần em.
- Ông an tâm, ở đâu cũng có đàn bà…
- Giờ mà em vẫn nói đùa được. Tôi cần em, tôi phải có trách nhiệm với em.
- Tôi không cần ông trách nhiệm. Ông lo cho ông trước đi!
Kẻ quân phiệt, ngạo mạn như ông ta, mấy ai chịu nhục, chịu hèn. Ông ta đang lên voi bỗng chốc xuống chó. Cống Tên Lửa, con đê bối sừng sững ngăn nước lũ, trữ nước cho mùa hạn vẫn còn kia di tích, đồng ruộng tốt tươi, nhàn hạ dân làng là sáng kiến của ông ta, là thành quả trí tuệ của ông ta. Ông đi đến đâu người ta cũng kính thưa kính gửi. Vậy mà, trong phút chốc, ông trở thành tội phạm, người ta khinh bỉ ông, người ta báng bổ ông, người ta kỷ luật ông, người ta đua nhau phát đơn kiện ông những chuyện từ xửa từ xưa đời nảo đời nào ông không còn nhớ. Nhục chứ. Quá nhục. Từ chỗ em, đầm Vạc, ông không về nhà mà ra bãi sông Hồng, ông ôm cái thành cống Tên Lửa, đập đầu. Ông khóc.
- Đời còn dài, còn cơ hội làm lại, chết bây giờ, để tiếng muôn đời không rửa sạch được đâu... - Tiếng ai đó làm ông ta thức tỉnh.
Mã lên miền Tây Bắc công tác tại vùng kinh tế mới của bà con tỉnh nhà. Còn em trơ trẽn trở về nhà.