Con Hoang - Chương 09

29

Sáng hôm sau, mẹ một mình xuống viện Điều dưỡng thăm ông Hạnh.

Mẹ chuẩn bị rất nhiều quà, đầy hai cái làn. Nào lọ ruốc, nhãn trong vườn, bó hoa sen trong đầm, chiếc bút máy anh tặng hôm chia tay, cả chiếc áo của ông Hạnh ngày xưa, mẹ cũng mang theo. Mẹ muốn mượn đồ vật gợi lại trong anh những kỷ niệm, như thế tâm thần anh có thể sẽ trở lại bình thường.

Nhưng hôm đó ông Hạnh đang lên cơn kích động tâm thần. Ông bị nhốt riêng trong một căn phòng. Bác sĩ không cho mẹ vào thăm. Bác sĩ bảo, chị không nên gặp anh ấy lúc này. Mẹ bảo, tôi đợi ngày này đã ngót hai mươi năm, xin anh đừng bắt tôi đợi thêm một ngày nào nữa.

Bác sĩ mặc áo bờ lu, gương mặt khôi ngô, nghiêm nghị. Trước khi bước vào phòng giám đốc hội ý, bác sĩ dẫn mẹ ra phòng khách ngồi đợi.

Mẹ ngồi đó, hồi hộp, lo lắng, lòng bồn chồn nóng ran như lửa đốt. Cây phượng vô tâm hoa đỏ rực rỡ chói chang trong sắc nắng.

Tiếng loa trong viện Điều dưỡng vang lên: “Đồng chí Hạnh, mang phù hiệu số… đề nghị ra phòng khách gặp người nhà...” Tên ông Hạnh vang lên, tim mẹ như ngừng thở, chỉ một giây thôi, ngàn vạn mạch máu túa về, thổn thức, trái tim trở nên rộn ràng những nhịp mạnh.

Lần đầu tiên trong đời Hạnh có người nhà đến thăm. Trông anh kìa, chẳng có gì biểu hiện kẻ tâm thần. Cái dáng đi nghênh ngang hãnh diện làm sao, ngực ưỡn thẳng, lắc lư cái đầu, như nghé con mới lớn, bước những bước chân gấp gấp theo đồng chí y tá dẫn đường.

Mẹ đứng dậy đi về phía cửa để được đón anh sớm hơn giây giây phút phút. Nhưng kìa, bỗng dưng anh sững lại, trân trân nhìn mẹ. Bỗng dưng anh cau mày vằn vện, mặt ngầu lên có vẻ như tức giận.

Thất thần hoang dại, Hạnh bỏ chạy, kêu la:

- Anh em ơi, cứu tôi! Cứu tôi!

Tiếng ông Hạnh la làm náo loạn cả bệnh viện. Như một phản ứng dây chuyền, những người thương binh khác cũng lần lượt la hét, hô, gào.

Tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện có mặt buổi sáng hôm đó đều chạy ra khỏi phòng làm việc túa đến với các phòng bệnh trấn an tinh thần thương binh bệnh binh.

Một bác sĩ cùng ba bốn người hộ lý ngay tắp lự tóm lấy ông Hạnh, xích tay ông lại, đưa ông vào phòng giam giữ điều trị.

Họ tiêm thuốc an thần cho ông. Ông khóc nghều ngào như một đứa trẻ:

- Đồng chí ơi, cái Thắm nó bóp dái em, đau lắm các anh ạ.

Giữa thanh thiên bạch nhật, mẹ tôi lại được một trận bẽ bàng. Mẹ tôi tủi hổ đến mức không thể khóc được.

Bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh cho ông Hạnh giải thích với mẹ rằng, Hạnh bị bệnh tâm thần phân liệt. Bệnh tâm thần phân liệt có rất nhiều dạng. Có dạng người bệnh biểu hiện lầm lì, sợ đông người, cứ ru rú trong buồng tối. Có người thờ ơ, lãnh đạm, không chuyện trò với ai. Trường hợp tâm thần của ông Hạnh là dạng bệnh Tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Nguyên nhân là do sức ép ở chiến trường từ tiếng nổ quá lớn của bom tấn, bom tạ chẳng hạn. Hằng ngày, Hạnh bình thường như người khỏe mạnh, không có chút gì biểu hiện của bệnh. Nhưng khi bị ức chế, nhớ về quá khứ, nhớ về kỷ niệm, những điều đó kích động đến tâm lý, tác động đến não khiến Hạnh hoảng loạn và hoang tưởng. Ví dụ như, nghe thấy tiếng động lớn, tiếng nổ, Hạnh lập tức một bàn tay làm súng, một tay kia đỡ súng, lom khom, lom khom hệ trọng bước từng bước, nheo mắt ngắm, bắn phằng, phằng, phằng như bắn súng thật. Trong cơn hoang tưởng, ông không còn là con người nữa, mà là một con thú. Khi ấy ông không làm chủ được mình, mắt hoang dại như con vật. Trong tình trạng đó, nếu chúng ta không biết cách làm dịu thì rất có thể không lường trước được điều gì sẽ xảy ra với những người có mặt lúc ấy. Những điều tương tự như vậy là chuyện thường xuyên xảy ra trong bệnh viện này.

Bác sĩ còn nói rằng, ngay từ những ngày đầu chuyển về đây, trong một lần trốn viện, trên đường đi bộ về nhà, ông Hạnh gặp một người làng, họ đi qua và nhận ra ông ấy. Người làng là một phụ nữ. Chị ta kể hết sự tình về mẹ tôi cho ông Hạnh nghe rằng, mẹ tôi chửa hoang, rằng mẹ tôi đang ở với ông Mã. Câu chuyện đó đã ảnh hưởng lớn tới bệnh tâm thần hoang tưởng của ông Hạnh. Người đàn bà này đã phản bội ta. Thế mà cả quãng đời chinh chiến ta chỉ nghĩ về nàng, nhớ nàng, yêu thương nàng. Ta quyết chiến và ta đã gắng sống để trở về với nàng, bù đắp cho nàng những tháng ngày chia xa. Ta những tưởng nàng đau khổ vì nhớ ta, yêu ta. Sự thật, nàng không như ta nghĩ. Nàng hèn hạ sống với người đàn ông khác không mảy may ý nghĩ đợi ta trở về. Hôm nay, nàng là kẻ thù. Nàng đến để giết ta!

Ý nghĩ mông lung trong đầu khiến bộ não ức chế muốn nổ tung. Căn bệnh tái phát. Ông Hạnh lên cơn, la hét, ông ôm đầu chạy thục mạng về phía trong bệnh viện là vì thế.

Bác sĩ khuyên mẹ tốt nhất là không nên gặp ông Hạnh, đừng để ông ấy xúc động, rất không tốt cho bệnh của ông ấy.

30

Nghe lời bác sĩ, mẹ tôi không đến viện Điều dưỡng Thương bệnh binh để được gặp ông Hạnh nữa. Được điều trị được chăm sóc tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần, ông Hạnh đã khoẻ trở lại.

Những ngày thời tiết dễ chịu, ông Hạnh được giao công việc trông coi đàn bò đi gặm cỏ. Ai gặp ông Hạnh lúc này, thật khó biết được ông là thương binh tâm thần. Trẻ chăn trâu xúm quanh ông vui đùa. Ông kể chuyện chiến trường, chuyện tiếu lâm. Tác phong như ngày trẻ. Ông Hạnh hiền khô, cười như trẻ nhỏ.

Ông là người rất dễ gần nên nhiều khi trẻ con trêu đùa dữ, cà chớn, chọc ghẹo ông đến mức làm ông ức chế, nổi khùng. Bọn trẻ vô tình, chúng không hiểu rằng ông đang mang bệnh tâm thần, thần kinh rất yếu, sức chịu đựng có hạn. Những lúc ông Hạnh nổi khùng mắt ông vằn lên dữ tợn như một con thú dữ trong cơn sống mái với kẻ thù. Bọn trẻ sợ quá, bỏ chạy.

Nhất quỷ nhì ma, sau này khi biết quy luật căn bệnh của ông Hạnh, bọn trẻ thường xuyên trêu ông hơn. Chúng trêu ông đến khi ông tức giận gầm lên chúng hả hê sung sướng bỏ chạy.

Những lúc thấy bóng dáng ông Hạnh ở đâu đó, không phải ở trong bệnh viện, mẹ tôi đóng giả thành người khác, chiếc khăn mỏ quạ quấn kín mặt, chiếc nón lá cụp sụp tận cằm, mẹ lấp ló sau bụi cây, cột điện ngắm nhìn ông. Mẹ muốn nói với ông tất cả những gì vì ông mà mẹ đã trải qua, mẹ đã phải chịu đựng. Mẹ yêu thương ông, chăm sóc, bù đắp cho ông những tháng ngày còn lại. Chuyện riêng tư chỉ có mẹ mới hiểu mẹ. Mẹ muốn Hạnh hiểu. Hạnh yêu thương. Nhưng tại sao, ai đã nói trước những gì về mẹ với ông Hạnh? Họ biết gì chuyện của hai người, họ biết gì tâm tư của mẹ? Kẻ đó là ai? Ai độc ác biến mẹ thành kẻ thù, thành hiểm họa của ông?

Mùa nhãn chín, cả làng, nhà ai cũng treo đồ loang xoảng trên cây buộc vào cột nhà để thỉnh thoảng kéo dọa dơi ăn nhãn. Đêm không ngủ, mẹ tức giận, băm bổ ra sân hùng hục kéo dây thừng cho cái cối đá treo trên cây nhãn trong cái vỏ thùng lương khô kêu choang choang. Mẹ kéo liên hồi, kéo hùng hục, mồ hôi ướt như tắm. Đàn dơi sợ hãi bay ràn rạt. Tiếng choang choang, bục bục đuổi dơi ăn nhãn của mẹ làm hàng xóm cũng lục tục dậy làm theo. Người ta sợ dơi bên nhà mẹ chạy sang cây, ăn nhãn nhà họ. Thế là cả một dàn đồng thanh rộn rã khắp làng choang choang, bục bục đuổi dơi ăn nhãn đang mùa chín rộ. Một đêm cả làng không ngủ.

Nằm trong viện Điều dưỡng ông Hạnh cũng không ngủ được. Nghe tiếng bục bục choang choang từ ngoài làng vọng lại, ông Hạnh ngỡ mình đang ở chiến trường, trận chiến bắt đầu, bom nổ ùng oàng. Ông giơ hai tay nắm vào nhau như khẩu súng lục, hô: Bắn! Bắn! Bắn!

Choang choang, bục bục, bắn bắn, những chiến binh trong viện Điều dưỡng bệnh tâm thần cũng đồng thanh la hét “Xung phong, xung phong, anh em ơi, bắn, bắn, bắn!!!!”. Một đêm, cả bệnh viện lẫn xóm làng náo loạn như một trận địa.

Trưa. Mẹ đi chợ bán nhãn về, dưới bóng nhãn mát rượi sân nhà, mẹ thấy ông Hạnh đang chơi bi với con trai. Mẹ đứng lặng ngắm nhìn. Lần đầu tiên trong đời mẹ thấy hình ảnh này. Như thể thấy chồng mình, bố của con trai mình đang làm trẻ con say sưa chơi trò chơi với con trai. Ông Hạnh hồn nhiên nheo mắt, xoáy những viên bi bắn xa quay tít. Thằng bé ngưỡng mộ tít mắt cười thán phục. Hạnh cũng hạnh phúc cười theo.

Nhớ lại lời bác sĩ, nhớ tiếng gào của Hạnh kẻ mắc bệnh tâm thần. Lo lắng cho con, uất hận trào lên cổ mẹ. Ném phựt đôi quang gánh xuống đất, mẹ túm áo ông Hạnh, lôi xềnh xệch vào nhà, ấn ông ngồi xuống ghế.

Ông Hạnh ngơ ngác như đứa trẻ không biết vì sao, tội tình gì mà bị mắng.

Mẹ rót chén nước cho ông. Đẩy chùm nhãn trên bàn về phía ông Hạnh. Mẹ hỏi:

- Cứ thấy em là anh làm sao thế! Em đã làm gì sai? Em đã làm thế bao giờ mà anh bêu em khắp thiên hạ?

- Thắm buồn cười thật, anh có làm gì đâu. Thắm với anh bạn từ thuở nhỏ, anh có làm gì đâu.

- Anh không làm gì? Tôi làm gì anh? Anh dựng chuyện, anh bôi tro trát trấu vào mặt tôi. Còn con tôi nữa, tôi cấm anh động đến con tôi. Anh tránh xa con tôi ra.

Hạnh bối rối. Anh ngồi trên ghế ngọ nguậy gãi đầu gãi tai ngó ngoáy như một con sâu.

Mẹ đến gần, phía đằng sau, quàng tay ôm cổ ông, gục đầu vào lưng ông Hạnh:

- Anh thấy em chưa đủ khổ hay sao! Anh nghĩ em sung sướng lắm phải không. - Mẹ siết chặt vòng tay về phía trước áp gương mặt nức nở trong vòm ngực anh. Hai con người tưởng như là một, giờ là hai số phận đặc biệt, gần nhau mà xa lạ biết chừng nào. - Ai chia rẽ chúng ta, ai đẩy chúng ta đến bi kịch này! Anh biết em khổ thế nào không. Trời ơi, sao chúng ta phải chịu khổ thế này chứ!

- Đánh nhau khủng khiếp lắm Thắm ạ. Anh tưởng anh chết rồi ấy chứ. Đơn vị anh gần như chết cả, tay một nơi, chân một nơi không đứa nào được chôn đầy đủ. Anh về được là may đấy. Khi ở trại Nho Quan, anh vẫn còn bị méo mồm cơ. Bây giờ thì hết rồi. Một tai anh giờ vẫn không nghe thấy gì đâu Thắm ạ.

Mẹ ôm chặt ông nức nở:

- Mình sẽ ở với nhau, em van anh, anh đừng nói càn nữa nhé, anh hiểu không?

Ông Hạnh đưa tay gạt những sợi tóc vương trên mặt Thắm:

- Thằng Mã nó làm gì em. Nó làm gì em, anh bắn bỏ mẹ nó ngay!

- Bây giờ ông ấy là bố của con em, anh tha cho ông ấy. Mình sẽ về ở với nhau anh nhé. Mình sẽ ở với nhau, anh không còn phải đi đâu hết

- Đừng khóc nữa Thắm ơi, con trông thấy nó cười đấy!

Nói được đôi lời với nhau, dù chẳng đâu vào đâu, mẹ cũng thấy lòng dịu nhẹ.

Các người thấy đấy, mẹ tôi không phải là con đĩ mà cuộc đời đã xô đẩy mẹ tôi. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Mẹ tôi, thân gái yếu mềm, mẹ biết làm gì bảo vệ được tình yêu của mẹ! Người ở chiến trường, kẻ hậu phương. Trời ơi làm sao cưỡng lại được kẻ chủ mưu lạm dụng, chiếm đoạt? Giờ đây ông Mã đã là cha của tôi, ông ta mất tất cả sự nghiệp danh vọng vì quan hệ bất chính với mẹ tôi. Ông ta có trách nhiệm, ông ta yêu mẹ con tôi, ông ta không hối hận, vậy thì mẹ tôi làm sao có thể vô tư ruồng bỏ ông ấy, cha tôi được?

Hình như ông Hạnh chẳng hiểu những gì đang diễn ra từ mẹ. Ông hồn nhiên. Ông lơ đãng. Ông vô tâm.

Ông Hạnh ngồi trên chiếc ghế, mẹ tôi vẫn quàng tay ôm ông. Ông đưa với chùm nhãn trên bàn, ăn.

Ông đứng dậy ra khỏi vòng tay mẹ. Ông ngó nghiêng, Ông khom lưng thận trọng bước từng bước dài như người lính trinh sát trong rừng sâu thận trọng sợ dẫm phải mìn. Ông nhận thấy góc tối là chỗ an toàn, ông sợ hãi đứng nép vào xó nhà cạnh cái kiệu thóc. Trong góc tối căn nhà ngói cổ, lấp loáng mắt người bệnh tâm thần như con thú đang bị săn đuổi ánh lên sự run sợ ẩn trốn kẻ thù:

- Anh có làm gì đâu. Anh không biết. Anh có biết gì đâu.

- Thế mà trong thư anh bảo, anh luôn mong em được bình an. Anh không bao giờ để em phải khổ...

- Thôi đi, Thắm ơi. Bom nó giội dữ lắm, xác người văng lên cây, vùi xuống hố, tung tóe khắp nơi những mảng thịt, chân, tay mỗi nơi một thứ. Anh bị sức ép méo mồm, tai điếc. Em không nhìn thấy bụng anh đây này, em thấy không, vết thương đây này... Nó hành anh khổ lắm.

- Người ta bảo anh chết rồi. Người ta làm lễ truy điệu cho anh. Em làm sao biết được. Hạnh, anh còn thương em không? Anh có còn muốn em được sống nữa không? Em xin anh, anh đừng bêu tên em, anh đừng như thế nữa...

Mẹ kéo tay ông Hạnh, kéo thật mạnh, lôi ông ra khỏi xó kiệu thóc đầy bóng tối, đẩy ông ngồi xuống chiếc giường đôi. Mẹ ngoảnh đi để khóc:

- Em đang sống bằng những kỷ niệm của ngày xưa. Nhờ nó mà em sống, anh đừng đánh mất, anh đừng cướp nó của em.

Thấy nồi cơm nguội đặt trên phản, ông Hạnh nhổm dậy, bước tới, mở nồi cơm, bốc một nắm thật to ăn nhồm nhoàm.

Mẹ đau đớn thốt lên:

- Trời ơi, có khổ thân tôi không!

- Anh có làm gì đâu!

Ông Hạnh đứng lên, trước khi đi, ông vét thêm một nắm cơm nguội nắm nắm trong tay vừa nói vừa ăn:

- Thắm ơi, thôi đi. Anh về đây.

Mẹ ngồi nguyên trên giường, xoay nghiêng, nhổm cổ, nhìn theo ông, người đàn ông lom khom như con gấu, bóng liêu xiêu đổ xuống đường làng đang trưa nắng chang chang, “trời nóng thế này. Đêm nay bệnh tật đau đớn lại hoành hành anh, chết mất.”

Những ngày hè nắng nóng ba chín bốn mươi độ, mẹ không để Hạnh có điều kiện gần gũi tôi. Hình như tình yêu con, khát khao che chở bảo vệ con mình lớn hơn tất cả mọi thứ tình: “Cút đi, đừng động vào con tôi” - Mẹ tôi hét lên như vậy mỗi khi thấy ông Hạnh đến gần tôi. Những lúc như thế trông ông Hạnh đần thộn lại càng đần thộn hơn, đến tội nghiệp.

Ông hẫng hụt, chơ vơ. Những lúc tỉnh táo, đầu óc thanh bạch mãnh liệt yêu cuộc sống, lại là lúc làm cho ông tức giận chính ông. Tại sao lúc này ông lại tỉnh! Tại sao ông lại là ông mà không phải thằng Hạnh hoàn toàn mất trí nhớ! Ông ao ước có một gia đình, có vợ có con. Ông yêu Thắm, ông vẫn còn yêu Thắm. Ông vẫn là ông mà tại sao ông không phải là ông? Cả Thắm nữa, em chẳng còn là em tự khi nào?

Ông Hạnh lững thững đi về phía con đê. Ông đứng đó con đê quai lồng lộng. Gió thổi bạt áo ông. Gió phấn khích rót vào tai ông lời thầm thì của gió của hương thơm giai điệu lúa đang thì con gái trên cánh đồng mướt xanh trải rộng dưới chân đê. Trời chiều như biển cạn xanh khiết một màu. Những đám mây phấp phới, mỏng tang như lụa, lướt lướt lướt trôi, nhẹ như con sóng nhẹ lớp lớp lang.

Trời tối sậm tự lúc nào ông Hạnh chẳng biết. Đàn bò ông chăn bỏ mặc ông, chúng tứ tán, lục tục tìm về chuồng trại. Tiếng một con bò kêu ở phía bụi rậm bờ ao dưới chân đê, phía trong làng. Con bò lạc đàn làm ông thức tỉnh. Ông chạy xuống chân đê, rẽ hàng rào chui vào bờ ao kéo con bò chui ra. Chưa kịp đặt tay vào cái dây thừng xỏ mũi con bò, ông ngã xuống, bất động, cứng đơ. Ông giẫm phải dây điện hở giăng khắp bờ ao dọa kẻ trộm đánh trộm cá ban đêm.

Bữa cơm tối hôm đó doanh trại viện Điều dưỡng điểm danh. Thiếu ông, người ta đổ xô đi tìm. Sáng hôm sau người ta thấy xác ông khô cứng bên mép ao.

Thế là xong một kiếp người! Vụt qua như một ánh sao băng.

Đám ma ông Hạnh do viện Điều dưỡng Thương bệnh binh tâm thần tổ chức. Mẹ không cho phép bố tôi được gặp ông Hạnh lần cuối. Đám ma ông Hạnh, cha cũng không được đi đưa. Không phải là vợ, mẹ tôi không được phép để tang ông Hạnh. Mẹ tôi đội khăn tang, mặc áo xô trong lòng. Tôi và mẹ đứng bên lĩnh cữu ông Hạnh. Chúng tôi đi sau xe tang.

Hằng năm chúng tôi làm mâm cơm cúng giỗ ông Hạnh.

Di ảnh ông Hạnh được rửa từ thẻ chứng minh quân nhân mẹ tôi trang trọng đặt trên bàn thờ, dưới tấm hình của bà tôi. Bố tôi im lặng, không phản đối gì.

Bố ở với chúng tôi những năm cuối cuộc đời.

Vì bố, vì tình yêu tình thương, tình người, mẹ cả và chúng tôi, hai gia đình xích lại gần nhau hơn.

Ông Hạnh mất mẹ tôi già đi rất nhanh, thần sắc mẹ đổi khác nhiều. Bố tôi càng thương mẹ. Bố muốn bù đắp cho mẹ tôi nhưng bố hơn mẹ quá nhiều tuổi. Tuổi già sức yếu, bố tôi không bù đắp được gì cho mẹ.

Ngày bố sắp đi xa, bố không còn biết gì, khi ấy mẹ tôi xin phép mẹ cả được đưa bố về bên nhà mẹ cả để việc ma chay thuận bề gia thất.

Trước giây phút cuối của cuộc đời, bố tôi tỉnh táo lạ thường.

Bố ra hiệu bảo mẹ tôi lại gần, nằm xuống bên cạnh.

Bố chìa cánh tay chỉ còn lớp đồi mồi bọc xương cho mẹ ngả đầu vào. Phều phào nói: “Mình tha lỗi cho tôi”.

Bố trút hơi thở cuối.

Hôm phát tang, con trai cô Tỏi cũng đến nhưng cô Tỏi thì không.

Khi cha còn sống, con trai cô Tỏi căm ghét bố. Vì bố, anh ta phải chịu biết bao điều tiếng, cơ cực. Anh ta quyết không nhận cha.

Nay bố mất, anh ta đến cúi lạy. Anh ra khóc gọi, bố ơi bố bỏ con!

Bố tôi hưởng thọ chín mươi tuổi.

Bố mất. Nghĩa là bố đã hoàn thành vai diễn của mình. Vai diễn trong vở kịch “Gia đình tôi”. Vở diễn “Gia đình tôi” bố tôi là nhân vật trụ cột, mẹ cả mẹ hai là hai nhân vật chính. Cô Tỏi, và nhiều cô khác trong “Ban chấp hành thủ trưởng” là những nhân vật tô điểm. Tôi, chính tôi, dù được sống cùng bố cùng mẹ nhưng tôi cũng chỉ là một nhận vật phụ. Tôi may mắn hơn con cô Tỏi, tôi ghét bố nhưng không đến mức căm thù.

Đám ma bố tôi cả làng háo hức kéo nhau đến. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta đến không chỉ để đưa tiễn bố tôi về nơi an nghỉ cuối cùng. Người ta đến còn là để được tận mắt đếm xem có bao nhiêu đứa con hoang dám đến chịu tang cha. Họ chen nhau tới gần để nghe rõ tiếng than khóc, họ điểm danh kháo nhau còn thiếu con nhà này nhà nọ không đến để tang cha.

Cha tôi có ý nguyện khi chết chôn cạnh mộ ông Hạnh. Hai người đàn ông làm nên cuộc đời mẹ. Sau này mẹ cũng nằm cạnh đó luôn. Mẹ tôi không đồng ý. Mẹ bảo, ở dưới đó chỉ có mẹ và ông Hạnh ở bên nhau chứ nhất định là không có bố.

Đêm, tiếng chó sủa lưa thưa, tiếng người lao xao trong gió vọng vào nhà, mẹ lầm rầm:

- Ông Hạnh à. Ông đừng tưởng chỉ mình ông sốt ruột. Tôi sốt ruột hơn ông cơ đấy. Cứ ở đấy đợi tôi, tôi với ông sắp được đoàn tụ rồi. Hay là ông muốn nói chuyện với tôi? Vào trong này, chứ tối lắm tôi làm sao mà ra ngoài đó với ông được.

Mẹ tôi gần đất xa trời, lúc nào cũng lo lắng sợ tôi quên ngày giỗ ông Hạnh:

- Con nhớ, hứa với mẹ là không được bỏ giỗ. Ông Mã còn có nhiều con, chứ ông Hạnh, mẹ trông cậy ở con. Chỉ có mình con.

Những ngày cuối cùng của cuộc đời, mẹ tôi luôn miệng trò chuyện với ông Hạnh. Toàn những chuyện ngày trẻ, tôi không thể nào hiểu nổi. Mọi người đến thăm, thấy vậy, bảo:

- Người âm về gọi cụ rồi. Cậu chuẩn bị tinh thần, cụ sắp đi đấy...

Tôi không thể nào hiểu nổi, mẹ gặp được người âm, mẹ gặp ông Hiểu, mẹ gặp ông Hạnh, tại sao mẹ không gặp bố tôi? Hay là ông bố tôi bị giam trong địa ngục bởi những tội lỗi của ông trên trần gian? Hay là, hay là...?

Mẹ bảo tôi mang võng bạt Trường Sơn của ông Hạnh mắc vào cái cột ngoài hiên cho mẹ nằm cho thoáng.

Tôi rải chiếc chiếu xuống thềm nằm bên cạnh mẹ. Mẹ nói chuyện với ông Hạnh suốt đêm. Mẹ ơi, mẹ lẫn quá rồi.

Đêm khuya quá. Không gian như ngừng trôi. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, tôi nén lặng đến gần mẹ, khẽ gọi: “Mẹ ơi, con đưa mẹ vào nhà mẹ nhé, ở ngoài này nhiều muỗi lắm”. Không thấy mẹ trả lời. Ghé sát vào tai mẹ, tôi lại gọi: “Mẹ ơi, mẹ vào nhà nằm mẹ nhé”. Mẹ vẫn thản nhiên im lặng. Mắt mẹ mở to không chớp, nước mắt mẹ tràn ấm thái dương. “Mẹ, mẹ làm sao thế mẹ ơi!”. Tôi lay gọi. Tôi ôm chặt mẹ. Tôi ghé sát tai vào ngực mẹ. Tôi hốt hoảng “Mẹ ơi mẹ đừng đi! Mẹ ơi mẹ đừng chết!”

Một lần nữa tôi áp tai lên ngực mẹ, tôi nín thở lắng nghe hơi thở nhẹ. Tim mẹ đã ngừng đập.

Tôi đau đớn vục mặt vào lòng mẹ. Tôi ngửa mặt lên trời gọi ông Hạnh. “Ông Hạnh ơi, mẹ tôi bỏ tôi về với ông rồi!”. Tôi gọi Quận em gái tôi, sau cùng tôi mới gọi bố.

Đáp lại lời tôi là những vì sao chi chít sát bên nhau. Mẹ từng bảo với tôi rằng, mỗi vì sao mang một vị thần, mỗi vì thần ứng với một số phận. Tôi quỳ gối giữa sân, hai tay ôm chặt lồng ngực tôi nức nở: “Mẹ ơi, vì sao nào là ông Hạnh, vì sao nào là bố? Vì sao nào yếu ớt Quận em con? Mẹ sẽ đứng chỗ nào, mẹ ơi, mẹ đứng ở chỗ nào, mẹ đợi con, mẹ nhé, con sẽ đứng bên mẹ, mãi mãi bên mẹ, mẹ ơi!”

Khóc hả nỗi đau. Tôi vuốt mắt cho mẹ. Đôi mắt hiền từ nhắm lại. Tôi ôm chặt mẹ, áp má vào ngực mẹ, nằm bên mẹ, khi nào trời sáng bạch tôi mới thông báo với họ hàng.

Tôi vục đầu vào lòng mẹ. Mẹ bình yên trôi trong đêm, trôi trong đêm, trôi trong giấc ngủ êm đềm. Tôi nín lặng khô dòng nước mắt. Trong thinh không nghe du dương tiếng mẹ thầm thì, ngày xưa, ngày xưa, mẹ trẻ đẹp nhất làng...

Ngày xưa, ngày xưa mẹ có một mối tình... Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa ấy...

Mẹ của con, con của mẹ...

Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa ấy,...

- Mẹ ơi!

Hà Nội, mùa thu 2012.

Quảng Ninh, tháng Tư 2013.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3