Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Napoleon Bonaparte - Chương 06
Chương VI
Trận Ma-ren-gô-sự củng cố nền độc tài-pháp chế của Tổng tài thứ nhất 1800-1803.
Na-pô-lê-ông không có thói quen định trước và định tỉ mỉ các kế hoạch chiến dịch. Ông chỉ chú ý đến những "đối tượng" chủ yếu, những mục đích cụ thể chính, quy trình thời gian (dĩ nhiên là phỏng đoán) và những đường tiến quân. Na-pô-lê-ông chỉ thật sự bận tâm lo nghĩ đến chiến tranh khi chính chiến dịch đương diễn ra; trong chiến dịch, không những ông chú ý đến những mục đích cần phải đạt, còn chú ý đến những tình huống, và đặc biệt là những tin tức, động tĩnh của đối phương mà ông thường xuyên nhận được, từ đó ông luôn thay đổi kế hoạch bố trí của mình, thay đổi từng ngày và có khi từng giờ. Na-pô-lê-ông tự đặt cho mình một quy tắc bất di bất dịch là chừng nào thực tế chưa chứng tỏ cho mình rõ là đối phương ngu ngốc hơn thực tế và nên đặt giả thuyết: đối phương sẽ hành động có lý lẽ không kém gì bản thân mình trong trường hợp ấy.
Na-pô-lê-ông phải chống với một đạo quân áo rất mạnh và được trang bị rất đặc biệt đang chiếm đóng miền bắc nước ý, nơi mà Xu-vô-rốp năm trước đã quét sạch quân Pháp. Nhưng Xu-vô-rốp không còn ở với người áo nữa, điều đó đã làm Na-pô-lê-ông quan tâm nhiều nhất. Na-pô-lê-ông biết nước Nga đã rút khỏi khối liên minh, mặc dầu ông còn chưa thể biết được rằng cũng vào tháng 5 năm 1800 ấy, trong khi ông cùng quân đội của mình tiến vào nước ýđể triệt tiêu những chiến quả của Xu-vô-rốp thì Xu-vô-rốp đã được mai táng trong tu viện A-lếch-xan Nép-xki ở Pê-téc-bua. Không phải Xu-vô-rốp đối đầu với Bô-na-pác, mà chỉ là tướng Mê-la, một tay chiến thuật cừ, một sĩ quan tham mưu, một trong số những tướng lĩnh giỏi mà trước cũng như sau năm 1800, Na-pô-lê-ông đã và đang giáng cho nhiều trận thua vô cùng khủng khiếp và bọn họ đã không ngớt chứng minh một cách chua chát rằng Na-pô-lê-ông đã không hành động theo nguyên tắc nào cả. Trung thành với nguyên lý của mình, Na-pô-lê-ông đánh Mê-La như thể Mê-La là Na-pô-lê-ông, và Mê-la đánh Na-pô-lê-ông như thể Na-pô-lê-ông là Mê-la.
Quân áo tập trung lực lượng về phía nam chiến trường theo hướng đi Giên. Mê-la không phán đoán nổi rằng Bô-na-pác đã chọn con đường đi khó khăn nhất, qua nước Thuỵ Sĩ và đèo Béc-na, do đó, Mê-la sơ hở không tăng cường lực lượng để giữ sườn phía ấy. Vị Tổng tài thứ nhất lại chọn đúng con đường ấy. Cái lạnh khủng khiếp của những ngọn núi tuyết phủ, những vực sâu thẳm dưới chân, những trận mưa băng, những cơn bão tuyết, những cuộc trú quân ngoài trời trong tuyết, binh sĩ của Bô-na-pác đã chịu tất cả những thử thách đó vào năm 1800, cũng như binh sĩ của Xu-vô-rốp đã từng nếm trải vào năm 1799 và cũng như những chiến binh của An-ni-ban đã từng nếm trải cách đây 2.000 năm trước Xu-vô-rốp và Bô-na-pác. Có khác là không phải những con voi bị chìm sâu trong vực thẳm như thời An-ni-ban, mà là những khẩu pháo, những bệ pháo, những hòm đạn. Tướng Lan-nơ đi tiên phong và đằng sau là toàn bộ quân đội của Bô-na-pác kéo thành một đường dài vô tận giữa một bên là vách đã, một bên là bờ vực cheo leo. Cuộc vượt qua núi An-pơ bắt đầu ngày 16 tháng 5 đến ngày 21, Bô-na-pác cùng với quân chủ lực đã tới đèo Xanh Béc-na, trong khi ấy, đằng trước họ, ở sườn núi bên nước ýđã bắt đầu có những cuộc chiến đấu của đội tiên phong với lực lượng tiền đạo nhỏ yếu bảo vệ sườn núi của quân áo. Quân áo bị đánh lui, quân Pháp càng tiến gấp xuống phía nam vào toàn bộ lực lượng của Bô-na-pác thình lình tràn ra. Hết sư đoàn này đến sư đoàn khác, từ những khe núi miền nam rặng An-pơ xuất kích, triển khai sau lưng quân áo.
Không bỏ phí một giờ, Bô-na-pác tiến thẳng đến Mi-lan và, ngày 2 tháng 6 năm 1800, đã vào thủ phủ xứ Lông-bác- đi; Bô-na-pác chiếm tiếp Pa-vi, Crê-môn, Ple-dăng, Brét-xi-a và nhiều thành phố khác và đến đâu cũng làm quân áo thất điên bát đảo; họ không hề ngờ rằng hướng tiến công chính lại từ phía ấy. Quân đội của Mê-la đang còn ở xung quanh Giên và đáng lẽ vài ngày sau nữa thì chiếm lại được Giên từ tay quân Pháp. Nhưng sự xuất hiện của Bô-na-pác ở Lông-bác-đi đã làm tiêu tan thắng lợi ấy của quân áo.
Cũng bất ngờ như vậy, Mê-la hộc tốc kéo quân đi chạm trán với quân Pháp từ phía bắc kéo xuống. Làng Ma-ren-gô nhỏ bé nằm giữa cánh đồng trải rộng A-lếch-xăng-đri và Tóc-tôn. Ngay từ đầu mùa đông năm 1800, trong cung điện ở Pa-ri, ngón tay chỉ vào cái địa phương ấy trên một tấm bản đồ chi tiết về miền bắc nước ý, Bô-na-pác đã nói với các tướng lĩnh rằng: "Đây, chúng ta phải đánh bại quân áo ở đây". Cuộc giao chiến lớn của cả đôi bên đã xảy ra ngày 14 tháng 6 năm 1800, đúng ở chỗ đó.
Nói chung, trận này, đã có ảnh hưởng to lớn trên trường chính trị quốc tế, cũng như đối với sự nghiệp lịch sử của Na-pô-lê-ông nói riêng. Một bầu không khí lo âu bao trùm lấy Pa-ri và khắp nước Pháp. Ngày ngày, bọn bảo hoàng mong chờ tin báo Bô-na-pác chết trong vực thẳm núi An-pơ; người ta cũng biết quân đội áo rất mạnh và pháo binh của họ còn mạnh hơn pháo binh của quân Pháp. Có tin đồn quân Anh sẽ đổ bộ ở Văng-đê. Ca-đu-đan và bạn hữu của y, những thủ lĩnh bảo hoàng, nhận định sự phục hưng của dòng họ Buốc-bông nếu chưa phải là sự việc đã thành thì trong một ngày rất gần đây tất cũng sẽ thành. Họ chỉ đợi hiệu báo: tin Bô-na-pác chết hoặc quân đội Pháp bại trận. ở châu Âu, ngay trong các nước trung lập người ta lo âu theo dõi quá trình của các biến cố. ở những nơi đó người ta cũng chỉ đợi chờ sự chiến thắng của quân áo để gia nhập khối liên minh chống lại nước Pháp. Bọn Buốc-bông chuẩn bị để lên đường về Pa-ri.
Na-pô-lê-ông, các tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính của ông đều thấy rất rõ tầm quan trọng của trận đánh và những khả năng dẫn tới bại trận: lần này quân áo trội hơn hẳn về số lượng; họ được nghỉ ngơi thoải mái, được yên ổn đóng quân trong các thành phố và các làng mạc ý, trong khi ấy binh lính của Na-pô-lê-ông phải gian khổ vượt đèo Xanh Béc-na, Bô-na-pác có cả thảy 20.000 quân và chỉ điều động bộ phận pháo loại tồi nhất cùng vượt đèo Grăng Xanh Béc-na với ông hồi tháng 5, còn pháo binh chủ lực đã hành quân đến chậm vì bị mắc vây và đánh chiếm một cứ điểm mạnh trong núi che chở cho quân áo. Trong khi Mê-la chỉ huy một đạo quân 30.000 người và 100 cỗ pháo có đầy đủ đạn dược thì Bô-na-pác lại còn phải giao cho tướng Đơ-xe một phần trong số pháo tồi của mình. Thế là Bô-na-pác chỉ có 15 khẩu pháo để chống với 100 khẩu của quân áo.
Trận đánh khởi đầu vào buổi sớm ngày 14 tháng 6 năm 1800 ở gần Ma-ren-gô, và đã phát hiện ngay được lực lượng quân áo. Quân Pháp vừa đánh vừa lùi và giáng cho quân địch những đòn đích đáng, nhưng bản thân cũng bị thiệt hại nặng. Đến hai giờ chiều, trận đánh xem chừng thất bại, không thể cứu vãn được. Quá ba giờ, Mê-la ca khúc khải hoàn, cử người về Viên báo tin quân áo toàn thắng, thu nhiều chiến lợi phẩm và tù binh, tướng vô địch Bô-na-pác đã thất bại. Tình trạng hỗn độn đã bao trùm lên tổng hành dinh quân đội Pháp. Bô-na-pác giữ thái độ bình tĩnh, vừa nhắc nhở cần phải cầm cự, vì trận đánh chưa kết thúc. Và đến ba giờ chiều, tình thế đột nhiên thay đổi một cách bất ngờ, bởi sư đoàn Đơ-xe được phái xuống phía nam để cắt đường rút lui của quân địch đang từ Giên trở về cấp tốc hành quân quay trở lại, đã công kích ồ ạt vào quân áo đúng giờ phút quyết định chiến trường.
Quân áo hết sức tin tưởng vào sự toàn thắng của họ đến nỗi lúc ấy có nhiều đơn vị quân đội áo cho toàn thể đơn vị bố trí chuẩn bị nghỉ ngơi và ăn chiều. Bị sư đoàn tinh nhuệ của Đơ-xe ập đánh và tiếp đó là tất cả các đơn vị của Bô-na-pác cũng đánh vào, quân đội áo hoàn toàn bị đánh bại. Năm giờ chiều, quân áo bỏ chạy, bị kỵ binh Pháp truy kích. Tướng Đơ-xe hy sinh ngay từ phút đầu của trận đánh, và khi trận ấy - một trong những chiến thắng lớn nhất của đời mình-sắp kết thúc, Na-pô-lê-ông nghẹn ngào nói: "... Nhưng Đ-xe!... Chao ôi, ngày hôm nay ắt là đã đẹp lắm nếu tối nay tôi được ôm hôn Đơ-xe ở trên chiến trường! Tại sao không cho phép tôi được khóc?...", đó là những lời nói mà trước đây vài tiếng đồng hồ, lúc cuộc chiến đấu đang gay go quyết liệt nhất, Na-pô-lê-ông đã phải thốt ra khi được tin Đơ-xe vừa mới từ trên mình ngựa ngã xuống.
Những bạn chiến đấu của Na-pô-lê-ông chỉ thấy có hai lần mắt ông ta đẫm lệ sau khi giao chiến. Lần thứ hai vào vài năm sau, khi Na-pô-lê-ông nhìn thống chế Lan-nơ chết ở trong tay mình, hai chân bị đạn đại bác tiện đứt.
Trong lúc triều đình Viên đang hoan hỉ đến cực điểm về những tin tức đầu tiên tốt lành của Mê-la đưa về thì một người thứ hai đến báo tin thất bại thảm hại vừa mới xảy ra. Nước ý lại bị mất, với quân áo thì dường như là mất vĩnh viễn. Kẻ thù đáng sợ của họ lại một lần nữa chiến thắng. Những tin tức đầu tiên về một trận đánh lớn ở ýbay về đến chính phủ Pa-ri vào ngày 20 tháng 6 (ngày đầu Tháng Gặt), sáu ngày sau trận đánh. Nhưng mới chỉ là những tin đồn đại mập mờ. Trong thành phố, người ta lo âu chờ đợi tin tức. Người ta kể chuyện lại rằng: theo một vài nguồn tin thì trận đánh đã thất bại và Bô-na-pác đã chết. Bỗng nhiên, vào buổi trưa, một phát đại bác nổ vang, phát thứ hai, rồi thứ ba; một người đưa thư về, mang những tin chính thức như sau: quân đội áo bị đánh tan hoàn toàn, bị tước một nửa số pháo và hàng nghìn quân áo bị bắt làm tù binh hoặc bị chém; nước ýlại sao vào tay Bô-na-pác. Lần này, nỗi vui mừng hoan hỉ không phải chỉ có trong những khu tư sản mà còn cả trong những khu thợ thuyền: đã từ lâu người ta chưa thấy vùng ngoại ô Xanh Ăng-toan có quang cảnh tấp nập như vây. Thợ thuyền đã không thể thấy trước được rằng người chủ mới sắp hoàn thành việc đàn áp họ bằng bàn tay sắt, sắp ban hành "tiểu bạ công nhân" để họ phụ thuộc hoàn toàn vào bọn chủ, rằng chính thể mới vĩnh viễn bóp chết cách mạng và sẽ mở đầu cho thời đại của sự củng cố vững vàng và nền nếp một trật tự xã hội dựa trên sự bóc lột sức lao động một cách hợp pháp và dễ dàng của tư sản.
Vẫn ở Pa-ri, ở lân cận các thị trường chứng khoán, các nhà ngân hàng, trong đám cưới người sang trọng ở các khu phố lớn, nỗi vui mừng hoan hỉ lại càng lớn chính là vì cái người chiến thắng, chàng Bô-na-pác kia, đã bóp chết cách mạng vào ngày 18 và 19 Tháng Sương mù và vừa đổi mới ổn định được địa vị của mình ở các chiến trường bằng trăm nghìn thủ đoạn, một mặt giơ bàn tay thép đè bẹp "sự vô chính phủ", phá tan mọi âm mưu chống các nhà hữu sản và quyền tư hữu, mặt khác không quay trở lại chế độ quân chủ quý tộc và phong kiến. Một vài người Gia-cô-banh bất mãn thì trùm chăn, bọn bảo hoàng thì đau khổ. Nhưng bọn họ, ai nấy đều bị làn sóng vui mừng lớn đang tràn dâng ở Pa-ri và ở các tỉnh gạt ra một b ên. Trong không khí ấy còn lẫn lộn cả sự say sưa kiêu ngạo của tinh thần "ái quốc quân sự" cuồng nhiệt bốc lên như một cơn sốt, kể cả những người đến tận bây giờ vẫn còn tỉnh táo nhất. Khi vị Tổng tài thứ nhất về Pa-ri thì những mối hân hoan cuồng nhiệt ấy trào lên đến cực điểm. Trong quần chúng đi đón, một biểu hiện, dù là rất nhỏ, tỏ ra lạnh nhạt đối với Bô-na-pác đều bị coi là bằng chứng thân bảo hoàng. Người ta la ó: "Đây là nhà của bọn quý tộc! Sao cái nhà này không trưng đèn lên!" và tức thì người ta đập phá cửa kính của căn nhà khả nghi đó. Suốt ngày, một khối người đông nghịt vây quanh cung Tuy-lơ-ri, hoan hô mời Bô-na-pác ra mắt. Nhưng Bô-na-pác không ló mặt ra ban công.
Sau trận Ma-ren-gô, trước hết Bô-na-pác phải ký hoà ước với quân áo. Sau đó, ông ta muốn thương lượng với nước Anh, với châu Âu liên minh nói chung, và cuối cùng là tiếp tục hoàn thành việc xây dựng pháp chế đã bắt đầu từ sau cuộc đảo chính Tháng Sương mù, nhưng bị gián đoạn vì đi đánh nước ý.
Nhưng một nỗi lo âu khác làm Bô-na-pác phải quan tâm tới và buộc ông ta phải chuyển hướng những nhiệm vụ cơ bản của mình trong suốt cả thời kỳ của chế độ Tổng tài: cuộc đấu tranh chống những người Gia-cô-banh và bảo hoàng. Phu-sê cho rằng trước mắt là bọn bảo hoàng đang gây mối uy hiếp nghiêm trọng nhất, nhưng Bô-na-pác đã không còn tin Phu-sê nữa, cho rằng vì sợ sự phục hưng của bọn bảo hoàng mà Phu-sê đã không thấy cái tai họa có bạn cũ của y sẽ gây ra và không muốn truy tố họ, cho là họ ít có cơ hội trở lại nắm chính quyền. Nhưng sau trận Ma-ren-gô, riêng vị Tổng tài thứ nhất đã thấy rằng những người Gia-cô-banh là kẻ thù đáng sợ nhất. Ngay từ những ngày đầu chuyên chính, Na-pô-lê-ông đã phải tính đến những kẻ thù "phái tả" và "phái hữu" của ông, đó là những người Gia-cô-banh và bọn bảo hoàng, đối với hai loại kẻ thù này, Na-pô-lê-ông đối phó và cư xử không giống nhau.
Thỏa hiệp với bọn bảo hoàng, Na-pô-lê-ông tỏ ra sẵn sàng công khai tiến hành đàm phán hòa bình với bọn chúng. Chính quyền Tổng tài sẵn sàng nhận những kẻ bảo hoàng đã được xác nhận là bảo hoàng vào làm việc, bằng cách biểu dương chính cái thực tế là họ ưng thuận phục vụ Bô-na-pác bọn họ đáng được khoan hồng. Hơn nữa, Bô-na-pác đã tỏ ra là mình sẵn sàng tha thứ và quên hết mọi việc bằng cách ân xá cho một vài tên bảo hoàng.
Nhưng đối với những người Gia-cô-banh thì sự tình hoàn toàn khác. Sự thật là Bô-na-pác căm thù và khủng bố họ. Có bao giờ Na-pô-lê-ông là một người cách mạng đâu; tình thân mật nhất thời với người em trai của Rô-be-xpi-e và những người Gia-cô-banh chẳng qua chỉ là chủ nghĩa cơ hội. Bản chất chuyên chế, lại độc tài đến tận chân tơ kẽ tóc, sau ngày 18 Tháng Sương mù, Na-pô-lê-ông đã khao khát thiết lập dưới hình thức này hoặc dưới hình thức khác nền quân chủ mà bọn đại tư sản mong mỏi. Na-pô-lê-ông không thể đánh giá đúng quá khứ của những người Gia-cô-banh, cái đã tạo nên công lao to lớn của họ về mặt lịch sử, và công lao đó chính là ở chỗ họ đã cứu được cách mạng trọng giờ phút hiểm nghèo nhất. Hơn nữa, vì câu kết với giai cấp đại tư sản, bênh vực quyền lợi của chúng mà Na-pô-lê-ông đã đồng hoá với cách nhìn của chúng: chỉ nhìn thấy tính chất đàn áp dữ dội của nền chuyên chính Gia-cô-banh mà thôi, đồng thời cố tình lờ đi những nguyên nhân tất yếu của hiện tượng ấy và những kết quả của sự cứu vãn nước Pháp cách mạng. Vào năm 1812, không tìm ra được cách nào hơn nữa để lăng nhục Rô-xtốp-sin, người mà ông ta cho là đã đốt thành Mat-xcơ-va, Na-pô-lê-ông bèn gọi Rô-xtốp-sin là "Ma-ra Nga", vậy là đã so sánh một người đã hiến dâng cả đời mình cho cách mạng với tên chúa đất Mát-xcơ-va, với tên chủ nô; đối với Rô-xtốp-sin, việc cứu nước Nga đồng nhất với việc duy trì chế độ nô lệ và việc Rô-xtốp-sin tham gia bảo vệ tổ quốc bằng "Những tờ cáo thị" chỉ có giá trị như một tên hề và một tên pha trò ở hội chợ. Rô-xtốp-xen vô cớ thọc gậy vào bánh xe của Cu-tu-dốp và tố cáo Cu-tu-dốp với Nga hoàng. Về mặt chính trị thì cũng có lợi cho Na-pô-lê-ông, vì như vậy trong tư tưởng của thế hệ trẻ, nền chuyên chính Gia-cô-banh đã không gợi ấn tượng gì khác ngoài những sông máu, núi xương và muôn hình muôn vẻ tàn khốc.
Tuy nhiên, khối óc minh mẫn rất mực của Na-pô-lê-ông không thể hoàn toàn phủ nhận mọi thành tích của nền chuyên chính ấy được. Na-pô-lê-ông căm thù những người Gia-cô-banh, nhưng có lần, vào năm 1793-1794, khi nói về nền chuyên chính Gia-cô-banh, Na-pô-lê-ông đã tuyên bố thẳng ra rằng Hội nghị Quốc ước đã cứu vãn nước Pháp. Mặt khác, Na-pô-lê-ông vô cùng khinh bỉ Lu-i XVI, như ông ta đã kinh bỉ những kẻ tâm hồn yếu đuối, "Báo cho bà ấy biết rằng tôi không phải là Lu-i XVI", Na-pô-lê-ông đã nói như vậy khi được biết bà Xta-en đã nói quá nhiều ở trong phòng khách của bà ta. Và khi biết đích xác rằng những kẻ thù bất khuất nhất và không đội trời chung nhất là ở trong số những người Gia-cô-banh còn lại thì, dù còn chưa tìm thấy họ, Na-pô-lê-ông vẫn hành hạ tàn nhẫn những người Gia-cô-banh.
Việc hành hạ những người Gia-cô-banh bắt đầu từ sau ngày 18 Tháng Sương mù và, trong thực tế, đến tận mãi cuối thời kỳ đế chế vẫn chưa chấm dứt, không kể một đôi lúc tạm ngừng. Những vụ bắt bớ người Gia-cô-banh hoặc những người coi như có quan hệ mật thiết với họ diễn ra ở thủ đô và hơn nữa còn ở cả các tỉnh. Giai cấp quý tộc địa phương không bị xâm phạm, bọn lưu vong thì được ân xá trở về, giai cấp tư sản sống đàng hoàng thoải mái, và ở nông thôn, tầng lớp nông dân hữu sản mới, tất cả đều nhẵn mặt những người lãnh đạo cũ của cái tổ chức Gia-cô-banh địa phương, những viên chức cũ của thời Rô-be-xpi-e; bây giờ họ thanh toán mối thù cũ của họ với đối phương một cách thậm tệ, khốc liệt gấp trăm lần. Nhờ hành động khiêu khích điên cuồng của bọn cảnh binh chính trị, người ta đã đưa vội ra được cái gọi là "âm mưu" ngày 10 tháng 10 năm 1800, nghĩa là người ta bắt được ở nhà Hát lớn bốn người đàn ông mang dao găm, tìm cách lọt vào buồng xem hát riêng của vị Tổng tài thứ nhất. Đem giết cả bốn người ấy vẫn chưa vừa lòng nên người ta còn tiến hành bắt bớ trong khắp nước Pháp hàng loạt những "người Gia-cô-banh". Phần lớn những người này không bao giờ được trở về tổ quốc nữa, hoặc có thì chỉ khi nào đã bị tàn phế sau nhiều năm cấm cố tù đày. Một số chết ở trong nhà giam (lúc bấy giờ nạn "tự tử" của các tù nhân chính trị rất phổ biến), một số khác chết ở Cay-en, một thuộc địa của nước Pháp chuyên dùng để đày ải. Sau vụ "âm mưu" ấy một tháng, (ngày 18 tháng 11 năm 1800), cảnh binh của Phu-sê bắt được một người Gia-cô-banh chính cống là Sơ-va-li-ê đang chế tạo một quả bom. Một làn sóng bắt bớ và tù đày mới lại tràn ngập khắp nước. Người ta bắt bớ lung tung, bắt cả những người "đáng ngại" tuy họ chẳng biết tí gì về cái ông Sơ-va-li-ê ấy cũng như âm mưu của ông ta. Hơn nữa, vào tháng 12 năm ấy, lại xảy ra vụ âm mưu ghê gớm nhằm hạ sát vị Tổng tài thứ nhất; thực tế, những người Gia-cô-banh chẳng hề dính líu gì vào mụ này, nhưng Na-pô-lê-ông đã vin vào cớ đó để dùng những biện pháp mới khốc liệt hơn chống những người Gia-cô-banh.
Ai muốn tìm hiểu sâu bản chất của Na-pô-lê-ông và muốn tìm hiểu những động cơ thực của ông ta thì không nên để mình bị cám dỗ bởi những manh ý khéo léo đầy dẫy trong vô số cuốn sách viết về ông ta; những cuốn sách ấy đều miêu tả Na-pô-lê-ông cụ thể như một người "nửa cách mạng"; trước hết là bọn thù địch của Na-pô-lê-ông thường gọi như vậy, rồi vào nửa đầu thế kỷ thứ XIX thì bọn xu nịnh gọi ông ta là "một Rô-be-xpi-e cưỡi ngựa". Nhưng không bao giờ ông ta là thế cả. Bản chất chuyên chế, bẩm sinh độc tài, nhưng biết tính đến hoàn cảnh, nên trong những ngày đầu, Na-pô-lê-ông thấy cần thiết phải để cho một vài dấu vết thuần tuý hình thức ấy của nền cộng hòa tư sản được tồn tại. Nhưng ngay sau khi đã có thể làm được thì Na-pô-lê-ông quét sạch tất cả những gì của nền cộng hòa để lại và kiên quyết dốc hết tâm trí vào việc biến nước Pháp thành một quốc gia quân phiệt và chuyên chính, biến châu Âu thành một cụm vương quốc chư hầu, thuộc địa và nửa thuộc địa hoàn toàn lệ thuộc và cái chế độ quân phiệt hà khắc ấy. Dưới nền quân chủ Na-pô-lê-ông không có chỗ đứng cho người Gia-cô-banh và tư tưởng Gia-cô-banh với những ước vọng như: thành lập "những nước cộng hòa anh em", thực hiện bình đẳng và tự do. Na-pô-lê-ông ghét cay ghét độc những điều ấy. Ăng-ghen đã chú ý đặc biệt đúng mức đến cái ngày có tính chất lịch sử (ngày "thành hôn của nước áo"), vì sau ngày ấy, nền đế chính mới của Na-pô-lê-ông bắt đầu mang nhanh chóng tất cả những đặc điểm bề ngoài của những nền quân chủ cổ truyền. Rất tự nhiên rằng hình thức tàn bạo cũ hay mới đều không thể nào dung hòa được với truyền thống anh hùng Gia-cô-banh, cũng không thể dung hòa được với ngay cả những hồi ức hết sức yếu ớt và thậm chí giản đơn nữa về nền cộng hòa tư sản đã qua. Cuộc đàn áp man rợ và hoàn toàn độc đoán chống người Gia-cô-banh, trừ những hình thức "hợp pháp" đã đặt ra, là một trong số những đặc điểm rõ nhất của triều đại Na-pô-lê-ông. Không đếm xỉa gì đến ý kiến của chủ mình, ngay sau ngày 18 Tháng Sương mù - như trên đã nói - Phu-sê cho rằng những người Gia-cô-banh hiện không nguy hiểm như bọn bảo hoàng, những kẻ tán thành việc phục hưng dòng họ Buốc-bông.
Đúng là trong hoàn cảnh ấy, Phu-sê đã tỏ ra hơn người chủ của y nhiều về trí sáng suốt của một tên mật thám. Sự thật là bá tước xứ Prô-văng, kẻ nhấp nhổm muốn lên ngôi vua nước Pháp, Sác-em trai y- và hầu hết những kẻ thủ lĩnh xuất dương đều tin rằng sau Tháng Sương mù thì bản thân sự thắng lợi của cuộc đảo chính cùng việc thiết lập nền chuyên chính đã vạch ra rằng thời cơ phục hưng nền quân chủ đã chín muồi. Nếu đã như vậy thì hẳn là bây giờ nước Pháp muốn một nền quân chủ lịch sử cố hữu hơn là muốn khuất phục một tay mạo hiểm người Coóc? Sau 10 năm sôi sục, ngày 18 và 19 Tháng Sương mù, cách mạng đã bị giết tươi. Từ nay trở đi, cái bàn tay đã bóp chết Viện Đốc chính hồi tháng 11 năm 1799 ở Xanh Clu và đã đánh bại quân áo ở Ma-ren-gô hồi tháng 6 năm 1800, chỉ còn có việc đặt ông vua rất ngoan đạo là Lu-i XVIII, trong một thời gian nữa vẫn còn là bá tước xứ Prô-văng lên ngai của tổ tiên. Người ta không rõ ông bá tước Prô-văng có tự mình quyết định lấy cuộc vận động lạ lùng ấy không (trước trận Ma-ren-gô, sau cuộc đảo chính Tháng Sương mù ba tháng rưỡi), hay là do sự bày mưu vẽ mẹo của người em, con người mà tạo hoá đã quá hà tiện khi ban phát trí thông minh; chỉ biết rằng Lu-i đã gửi từ Mi-tô, nơi Lu-i cư trú lúc đó, một bức thư lên Tổng tài thứ nhất, trong đó yêu cầu Bô-na-pác phục hưng triều đại của dòng họ Buốc-bông. Bô-na-pác chỉ còn việc đòi hỏi cho mình và cho bạn hữu mọi sự đền bù mà Bô-na-pác muốn tức khắc được ngay! Hơn nữa, Bô-na-pác sẽ được "đời sau mang ơn"! Bô-na-pác không trả lời. Thế là người ta lại cấp tốc gửi cho Bô-na-pác cũng như Giô-dê-phin những thông điệp mới, những đề nghị mới, những thư từ mới.
Mùa hạ năm 1800, sau trận Ma-ren-gô, Lu-i lại thỉnh cầu lần nữa lên Tổng tài thứ nhất khi thấy hiển nhiên Na-pô-lê-ông có thể quyết định vận mệnh nước Pháp theo ý muốn. Lần đầu và cũng là lần cuối cùng, Bô-na-pác trả lời cho kẻ nhòm ngó ngôi vua: "Thưa ngài, tôi đã nhận được thư ngài. Xin cảm ơn ngài đã nói với tôi những điều thật thà trong thư. Ngài không nên hy vọng quay trở về nước Pháp; ngài sẽ phải bước lên hàng chục vạn xác chết. Ngài hãy hy sinh quyền lợi của ngài cho an ninh và hạnh phúc của nước Pháp: lịch sử sẽ nhớ tới ngài".
Khi bọn lưu vong biết Bô-na-pác không phải là hạng người để người ta trị, mà đúng là kẻ đi trị vì nước khác, và đứng trước sự chối từ dứt khoát của Bô-na-pác người ta quyết định giết ông ta. ý định trên nảy ra dường như cũng cùng một lúc trong phái Gia-cô-banh. Nhưng đối với những người Gia-cô-banh, sự việc đã kết thúc bằng một cuộc khiêu khích thắng lợi của Phu-sê. Khi bọn tay chân báo cho biết có một âm mưu đang được chuẩn bị và biết đích xác sẽ xảy ra, ở nhà hát vào buổi diễn tối ngày 10 tháng 10, Phu-sê cho bắt những người chủ mưu (Xê-rắc-si, A-rê-na, Đê-méc-xin, Tô-pi-nô Lơ-broong) ngay khi bọn người vũ trang ấy đang lần tới chỗ ngồi của Tổng tài thứ nhất. Về sau, người ta đã quả quyết rằng vũ khí ấy là do chính Phu-sê cung cấp cho họ. Những người chủ mưu bị hành hình và ảnh hưởng của Phu-sê được củng cố. Bọn khiêu khích của Phu-sê hoạt động ráo riết, tìm cách thâm nhập khắp nơi, từ những phòng chơi của giới thượng lưu cho đến những quán ăn tồi tàn nhất.
Ngày 3 Tháng Tuyết (tức là ngày 25-12-1800), khi Tổng tài thứ nhất qua phố Xanh Ni-két đến nhà hát thì có một tiếng nổ khủng khiếp. Xe của Bô-na-pác đi qua cạnh quả bom ấy đúng 10 giây thì có tiếng nổ. Hè phố ngổn ngang người chết và bị thương, còn chiếc xe bị hư hỏng phần nửa phía sau, vun vút đưa Bô-na-pác bình yên vô sự đến nhà hát. Ông ta vào chỗ ngồi, vẻ ngoài rất thản nhiên, đến nỗi một lát sau công chúng ngồi đầy trong rạp mới biết tin sự biến xảy ra. Cuộc điều tra ngay tại chỗ lúc đầu không đem lại kết quả gì, ở nơi xảy ra vụ mưu sát không có ai bị bắt. Bô-na-pác tin chắc rằng cuộc mưu sát lần này do người Gia-cô-banh bố trí. trong khi buộc tội Phu-sê là đã quá quan tâm đến bọn bảo hoàng và không chú ý đầy đủ đến người Gia-cô-banh, Bô-na-pác quyết định thanh toán gọn cánh tả. Lệnh ban ra lập một bản danh sách 130 tên gồm những thủ lĩnh Gia-cô-banh hoặc những người liệt vào loại như vậy; họ bị bắt và phần lớn bị đày ra Guy-an và Xây-sen. Có mấy ai ở đó đã được trở về. ở các tỉnh, bọn quận trưởng bám riết hết thảy những ai trong thời kỳ cách mạng đã tỏ ra bằng hành động hoặc bằng lời nói, hưởng ứng cuộc đấu tranh kiên quyết chống bọn phản động. Bọn phản động vừa thoát khỏi cơn bão táp bây giờ quay lại tính sổ với người Gia-cô-banh. Một vài người có tên trong bản danh sách đầu tiên của Phu-sê không bị đi đày nhưng lại bị cùm chặt ở trong các nhà tù của nhà nước, không được xét xử và, ngay cả khi đã tìm ra sự thật, họ cũng không được ra khỏi nhà lao. Kẻ tìm ra sự thật không ai khác ngoài Phu-sê, và hầu như hắn đã tìm ra sự thật đồng thời với lúc hắn đưa những người Gia-cô-banh đi đày hoặc tống họ vào nhà tù. Thật ra Phu-sê là kẻ đầu tiên biết rằng người Gia-cô-banh không dính líu gì đến vụ mưu sát và hắn đày họ đi chẳng qua chỉ để lấy lòng Na-pô-lê-ông trong cơn thịnh nộ.
Đúng hai tuần lễ sau cuộc mưu sát, trong lúc cuộc khủng bố chống người Gia-cô-banh đang ở đỉnh cao, người ta bắt một tên Các-bông nào đó, rồi đến lượt Xanh Rê-dăng, Buốc-mông và vài chục tên bảo hoàng trú ngụ ở Pa-ri một cách hợp pháp hay không hợp pháp. Các-bông và Xanh Rê-dăng, những tên thủ phạm trực tiếp của vụ mưu sát, đã thú tội. Âm mưu hoàn toàn do bọn bảo hoàng tổ chức nhằm giết Bô-na-pác và dẫn đến sự phục hưng dòng họ Buốc-bông. Điều đó không làm cản trở sự thi hành những biện pháp chống người Gia-cô-banh, mà đồng thời còn làm cho Bô-na-pác quyết tâm thẳng tay chống bọn bảo hoàng. Đứng về mặt chính trị mà nói, như vậy là Bô-na-pác đã quyết định hành động nhất cử lưỡng tiện. Sau này, khi người ta nói với Bô-na-pác rằng Phu-sê thừa nhận những người Gia-cô-banh bị mang đi đày là hoàn toàn vô tội, Bô-na-pác trả lời: "úi chà... Phu-sê! bao giờ hắn cũng như vậy! Mà bây giờ việc ấy đối với tôi không thành vấn đề lắm, tôi giũ được của nợ ấy đi rồi" (tức là những người Gia-cô-banh). Theo bước những người Gia-cô-banh, những kẻ bảo hoàng chính phạm bị đưa lên máy chém, còn những kẻ khác thì một số lớn bị đưa đi đầy.
Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của Bô-na-pác với bọn bảo hoàng lúc đó không mãnh liệt như người ta tưởng. Để phán đoán điều đó, phải căn cứ vào sự đàn áp đã giáng xuống những người Gia-cô-banh là những người hoàn toàn vô tội trong "vụ bom nổ". Nhưng những người thân cận của Na-pô-lê-ông nhận xét rằng, Na-pô-lê-ông đã trút hết giận dữ lên đầu những người Gia-cô-banh trong những ngày mới xảy ra vụ mưu sát, vậy thì ông ta còn đây giận dữ nữa để mà trút lên đầu bọn bảo hoàng. Chỉ căn cứ vào trình tự tâm lý như vậy thì tìm sao được chân lý. Na-pô-lê-ông biết rất rõ phải hung bạo khi xét ra cần thiết, đồng thời ông ta vẫn giữ được hoàn toàn bình tĩnh. Vấn đề không phải là ở chỗ đó, mà ở chỗ Na-pô-lê-ông nhằm mục đích tách những phần tử bảo hoàng thực tâm muốn hòa hợp với nền trật tự mới ở nước Pháp ra khỏi dòng họ Buốc-bông. Nói một cách khác, kẻ bảo hoàng nào thừa nhận quyền hành của Na-pô-lê-ông là hợp pháp và, với riêng ông ta, kẻ nào chịu khuất phục không một lời phàn nàn thì ông ta sẵn sàng thu nạp và tha cho những tội lỗi trước, nhưng với những kẻ ngoan cố, với những kẻ nào chỉ nghĩ đến việc phục hưng dòng họ Buốc-bông thì Na-pô-lê-ông kiên quyết chống đến cùng.
Ngay trước khi xảy ra trận Ma-ren-gô, Tổng tài thứ nhất đã chỉ thị cho Phu-sê lập danh sách bọn xuất dương có thể cho phép quay trở về nước Pháp và, mặc dầu có "vụ bom nổ", những danh sách ấy vẫn được tiếp tục lập. Những bản danh sách đầu tiên gồm khoảng 10.000 người, trong đó có chừng 52.000 người đã được trở về theo một nghị định ngày mồng 1 Tháng Hái nho (20 tháng 10 năm 1800). Trong những bản danh sách mới, đặc biệt số người tăng lên gấp một lần rưỡi số dự định. Trong số 145.000 người xuất dương, có chừng 141.000 người được phép trở về Pháp dưới sự giám sát của cảnh binh. Chỉ có 3.373 người không được hưởng sự ân xá đó. Nhưng Bô-na-pác không dừng lại đây: theo nghị quyết của Thượng nghị viện ban hành vào tháng 5 năm 1802, tất cả những người xuất dương nào tuyên thệ trung thành với chế độ mới đều được quyền trở về Pháp. Rất đông người xuất dương, kéo lê cuộc đời khốn khổ ở nước ngoài, đã nhận biện pháp ấy để trở về nước Pháp.
Trong một thời gian, những vụ mưu hại không xảy ra. Với tinh thần kiên quyết gấp bội, Bô-na-pác dành hết tâm trí vào việc ngoại giao. Trước và sau thời kỳ này, chưa bao giờ Bô-na-pác lại tha thiết muốn tăng cường sự đoàn kết với các nước đến như vậy. Ông ta cần đến nó để ổn định nền tài chính và cũng còn vì đa số nhân dân Pháp tỏ rõ ra là khao khát hòa bình; cuối cùng, Bô-na-pác hy vọng đó sẽ là một cuộc tạm ngừng chiến để ông ta có thời gian hoàn thành những cải cách đã tiến hành và thực hiện những cải cách mà ông ta đang ôm ấp, trù tính.
Trong lĩnh vực cảnh sát chính trị, Bô-na-pác đã chọn được một tên trùm về thuật khiêu khích và nghề mật thám như Phu-sê, thì trong lĩnh vực ngoại giao, Bô-na-pác cũng may tay chọn được một trợ thủ, bởi vì hoàng thân Tan-lây-răng đã tỏ ra là một tay kỳ tài về nghệ thuật ngoại giao. Nhưng thái độ của Tổng tài thứ nhất đối với hai còn người này có khác nhau: Na-pô-lê-ông sử dụng Phu-sê và bộ hạ của y, nhưng vẫn coi và gọi chúng là lũ côn đồ; nghi ngờ Phu-sê, Na-pô-lê-ông còn có tổ chức riêng của mình để giám sát Phu-sê, dẫu rằng trong loại tranh chấp này, đương nhiên là Na-pô-lê-ông khó mà thắng được viên bộ trưởng của mình. Về mặt này thì, dù là Na-pô-lê-ông hay A-lếch-xan Ma-xê-đoan cũng chẳng hơn được Phu-sê. Trong nháy mắt, Phu-sê đã vạch mặt được nhưng người do Na-pô-lê-ông bố trí theo dõi y. Trong phạm vi cảnh sát Na-pô-lê-ông cần tới Phu-sê và những tài ba đặc biệt của y, vì trong vấn đề này Bô-na-pác còn bám gót viên bộ trưởng của ông ta và còn phải nhờ cậy vào Phu-sê. Trái lại, trong nghệ thuật ngoại giao, Na-pô-lê-ông không chịu nhường Tan-lây-răng một ly, mà còn trội hơn về một số điểm. Mặc dầu Tan-lây-răng là một viên bộ trưởng ngoại giao vô cùng tài năng, nhưng chính Na-pô-lê-ông đã chỉ giáo cho Tan-lây-răng, và chính Na-pô-lê-ông đã chỉ đạo những cuộc đàm phán hòa bình quan trọng; vai trò của Tan-lây-răng thu hẹp lại trong phạm vi góp ý kiến, thảo các văn kiện ngoại giao và thực hiện đường lối đã định để đạt mục đích.
Không chút nghi ngờ gì về một trong những thắng lợi to lớn của Na-pô-lê-ông là ông ta đã làm cho đường lối chính trị của nước Nga thay đổi hoàn toàn. Na-pô-lê-ông báo cho hoàng đế Pôn, người đang chính thức tiến hành chiến tranh với nước Pháp, biết rằng ông ta muốn giao trả ngay tức khắc về Nga tất cả những tù binh người Nga đang bị người Pháp giữ sau cuộc thất bại của đạo quân Coóc-xa-cốp vào mùa thu năm 1799, không yêu sách một sự trao đổi nào hết (thật ra lúc đó hầu như không có tù binh Pháp ở Nga). Chỉ một cách ấy mà đã làm cho Pôn bị mê hoặc, quyến rũ, và để kết thúc công việc, Pôn phái tướng Xpren-poóc-ten đến Pa-ri.
Xpren-poóc-ten tới thủ đô Pháp vào giữa tháng 12 năm 1800. Ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên, Bô-na-pác đã vừa biểu lộ mối thiện cảm đằm thắm nhất và lòng quý mến nhất đối với hoàng đế Pôn, vừa nhấn mạnh lòng độ lượng và tâm hồn cao cả của Pôn mà theo ông ta chính là những cái đó đã làm cho Nga hoàng nổi bật lên. Hơn nữa, vị Tổng tài thứ nhất không những chỉ ra lện giao trả tất cả tù binh Nga (khoảng 6.000 người), mà còn chỉ thị phải trang bị mới hoàn toàn cho tù binh, do ngân sách nước Pháp chịu, những bộ đồng phục thích hợp với quân đội của họ, chỉ thị cấp giày mới và trả lại vũ khí cho họ. Kèm theo cái biện pháp hữu nghị có một không hai ấy giữa những người đứng đầu các quốc gia đang chiến tranh với nhau còn có một bức thư riêng của Bô-na-pác viết gửi hoàng đế Pôn; trong thư, Tổng tài thứ nhất nói bằng những lời lẽ thân thiết nhất rằng hòa bình giữa nước Pháp và nước Nga có thể thực hiện được trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu Pôn cử đến Pa-ri một người mà Pôn hoàn toàn tin cẩn. Pôn bị bức thư ấy mua chuộc. Từ kẻ thù không đội trời chung của nước Pháp, đột nhiên Pôn trở thành người bạn của nước Pháp và tức khắc gửi thư trả lời Bô-na-pác. Trong thư, Pôn chấp thuận hòa bình trước hết, vừa tỏ ý mong muốn chung sức với vị Tổng tài thứ nhất trả lại cho châu Âu "sự an ninh và sự bình yên". Khi tiếp tướng Xpren-poóc-ten, phái viên của Pôn, Na-pô-lê-ông đã nói với hắn rằng chủ hắn và ông ta là những người "có sứ mệnh làm thay đổi bộ mặt của thế giới".
Sau thắng lợi đầu tiên ấy, Na-pô-lê-ông quyết định không những ký hòa ước với nước Nga, mà còn ký một hiệp ước liên minh quân sự. ý định liên minh xuất phát từ hai lý do: trước hết là xoá bỏ sự xung đột quyền lợi giữa hai cường quốc và thứ hai là cái viễn cảnh sau này tập trung hết thảy lực lượng uy hiếp nền đô hộ của Anh ở ấn Độ, bằng đường miền nam nước Nga và Trung á. Kể từ cuộc viễn chinh sang Ai Cập cho đến tận những năm cuối cùng triều đại của ông ta, đất nước ấn Độ luôn luôn ám ảnh tư tưởng Na-pô-lê-ông. ý nghĩ căn cốt ấy cứ cắm sừng sững trong đầu óc ông ta, mặc dầu lúc ấy cũng như về sau này chẳng bao giờ nó được biểu hiện thành một kế hoạch dứt khoát. Năm 1798, ý nghĩ ấy đến với ông ta lúc ông ta ở Ai Cập; năm 1801, ý nghĩ ấy nảy ra cùng với mối tình giao hảo bất ngờ với Nga hoàng, và đến năm 1812, lại diễn lại trong giai đoạn đầu của chiến dịch Mát-xcơ-va. Trong cả ba trường hợp, ý nguyện hướng về mục đích xa xôi đó đều không bao giờ thực hiện được, nhưng, như sau đây chúng ta đã rõ, dẫu sau, về bề ngoài, công việc cũng mang hình thức một cuộc thăm dò.
Sự tiến triển tình cảm nhanh chóng đến ngạc nhiên của hoàng đế Pôn đối với Bô-na-pác đi song song và liên hệ chặt chẽ cũng hoàn toàn bất ngờ với việc Pôn căm hờn sôi sục nước Anh, người bạn liên minh khi trước của Pôn trong cuộc chiến đấu chống nước Pháp. Vào lúc này, Na-pô-lê-ông đã trù tính, trên những nét lớn, một cuộc phối hợp lực lượng dựa trên việc phái một đạo quân viễn chinh Pháp đặt dưới quyền chỉ huy của ông ta sang miền nam nước Nga, nơi ông ta sẽ cùng hội sư với quân đội Nga, xong, ông ta sẽ dẫn cả hai đội quân qua Trung á và ấn Độ. Không những Pôn chộp vội lấy ý định đánh người Anh ở đất ấn Độ mà còn đi trước cả Bô-na-pác trong những bước đầu nhằm thực hiện kế hoạch đó. Thủ lĩnh Cô-dắc Mát-vây I-va-nô-vích Pla-tốp, bị giam cầm theo lệnh của Nga hoàng vì lý do gì không rõ ở pháo đài Pi-e Pôn từ sáu tháng nay, bỗng được lôi ra khỏi hầm giam và dẫn thẳng đến phòng làm việc của hoàng đế. Bất cần mào đầu, hoàng đế hỏi ngay Pla-tốp một câu bất ngờ sau đây: có biết đường sang ấn Độ không? Pla-tốp chẳng hiểu ất giáp gì cả, nhưng biết rằng nếu trả lời không biết thì chắc chắn sẽ phải trở lại ngồi tù trong pháo đài, nên đã vội vã trả lời có biết. Tức khác Pla-tốp được chỉ định chỉ huy một trong bốn quân đoàn của quân độn sông Đông và được lệnh đem hầu hết toàn bộ lực lượng tiến sang ấn Độ, với số quân là 22.500 người. Bốn quân đoàn đó rời sông Đông ngày 27 tháng 2 năm 1801, nhưng cuộc hành quân của họ chẳng được bao lâu thì... Châu Âu theo dõi với một mối lo âu ngày càng tăng sự thắt chặt tình hữu nghị giữa người thủ lĩnh của nước Pháp và hoàng đế Nga. Nếu sự liên minh giữa hai cường quốc này được củng cố thì sẽ chỉ có hai cường quốc ấy chỉ huy lục địa: ý kiến ấy không những là của Na-pô-lê-ông và của Pôn mà còn là dư luận của tất cả những nhà ngoại giao ở châu Âu hồi ấy. Một tình trạng báo động khẩn cấp thật sự trùm lên nước Anh. Đúng là hạm đội Pháp yếu hơn hạm đội Anh, và thuỷ quân Nga thì không đáng kể đến, những những ý đồ của Bô-na-pác về ấn Độ, việc phái quân Nga bất ngờ tiến về hướng đó làm Uy-liêm-Pít thủ tướng nước Anh, bực dọc lo nghĩ, người ta run sợ chờ đợi mùa xuân năm 1801 vì trong mùa này, hai nước lớn rồi đây sẽ là đồng minh với nhau có thể hành động quyết định. Nhưng ngày đầu tiên của mùa xuân, ngày 11 tháng 3, đã mang lại một sự tình khác hẳn. Na-pô-lê-ông nổi điên nổi khùng khi tin hoàng đế Pôn đệ nhất bị ám sát thình lình bay về Pa-ri. Mọi công việc mà Na-pô-lê-ông đã tiến hành tốt đẹp trong vòng vài tháng một cách tài tình và hiệu quả với nước Nga nay đều sụp đổ hết. Na-pô-lê-ông kêu lên:
"Bọn Anh đã thua tôi ở Pa-ri ngày 3 Tháng Tuyết (vụ mưu sát ở phố Xanh Ni-két - lời tác giả), nhưng chúng đã không thua tôi ở Pê-téc-bua!". Theo Na-pô-lê-ông, vụ ám sát Pôn đúng là do người Anh âm mưu. Cuộc liên mình với nước Nga sụp đổ vào đêm tháng 3 lúc những kẻ mưu sát bước vào buồng ngủ của hoàng đế Pôn.
Vị tổng tài thứ nhất phải thay đổi tức khắc và thay đổi căn bản tất cả mưu chước ngoại giao của mình. Mà về những hoạt động mưu chước này thì Na-pô-lê-ông là người có tài sử dụng nhanh nhạy và khéo léo cũng như khi sử dụng những khẩu đại bác.
Từ nay trở đi, tình thế buộc phải tính nước khác: không phải tiếp tục chiến tranh mà phải ký hòa ước với người Anh. Còn đối với nước áo, các cuộc đàm phán đã được bắt đầu từ lâu: ngày 9 tháng 2 năm 1801, đại diện toàn quyền người áo là Cô-ben đã ký hòa ước Luy-nê-vin. Các cuộc đàm phán đều do Giô-dép Bô-na-pác, anh của vị Tổng tài thứ nhất, và do Tan-lây-răng bộ trưởnng ngoại giao chỉ đạo. Nhưng cả hai chỉ làm theo chỉ thị của Na-pô-lê-ông, mà Na-pô-lê-ông thì đã khéo léo lợi dụng tình hữu nghị bất ngờ của ông ta với Pôn. Lâm vào hoàn cảnh bị xâm lăng cả phía đông và phía tây, nước áo phải hoàn toàn nhượng bộ về mọi mặt. Sau trận Ma-ren-gô và một trận chiến thắng khác của quân Pháp ở An-dát, nới Mo-rô đã đánh bại được quân áo ở Hô-hen-lin-đen, nước áo quả khó mà chống cự lại được. Với hòa ước Luy-nê-vin, Na-pô-lê-ông đã thu được tất cả những gì mà ông ta muốn thu về ở nước áo: toàn nước Bỉ bị vĩnh viễn tách khỏi nước áo, nhượng lại đất Lúc-xăm-bua, tất cả những đất đai của Đức ở tả ngạn sông Ranh, công nhận nước cộng hòa Ba-ta-vơ (nước Hà Lan), nước Cộng hòa Hen-vê-tích (nước Thuỵ Sỹ), các nước cộng hòa Xi-dan-pi và Li-guya-ri (tức là xứ Giên và Lông-bác-đi); thật ra những đất nước ấy có gì khác hơn là thuộc địa của Pháp. Còn Pi-ê-mông thì vẫn hoàn toàn do quân đội Pháp chiếm đóng. Trong một bức thư gửi cho thủ lĩnh của mình là Cô-rô-lê-đô, Cô-ben buồn bã nói: "Đây, đây là cái bản hiệp ước khốn nạn mà tôi đã phải ký vì cần thiết. Nội dung và hình thức của nó thật đáng ghê sợ". Cô-ben lại càng có quyền bất bình khi biết rằng trong lúc đàm phán với triều đình Viên, Tan-lây-răng đã thu được nhiều lễ vật- cố nhiên là lén lút vì thế mà hắn lại chẳng làm lợi gì cho người áo, bởi vì từ dòng đầu đến dòng cuối hiệp ước đều do Na-pô-lê-ông đọc cho mà viết.
Thế là từ đây, người ta không phải bận tâm về nước áo. Rõ ràng, sau những tổn thất nặng nề kinh khủng như thế, đế quốc áo chỉ chờ đợi thời cơ thuận lợi để khôi phục sự nghiệp. Kinh thành Viên nhẫn nhục trông ngóng thời cơ.
Như vậy là sau khi Pôn chết đi, trong số các cường quốc chỉ còn nước Anh là đang chiến tranh với Pháp. Sau biến cố ấy, đột nhiên Na-pô-lê-ông thay đổi trận thế nhằm mục đích ký hòa ước với Anh càng sớm càng hay.
Nước Anh đang trong những giờ phút khó khăn. Đứng trên quan điểm thuần túy kinh tế mà nói, lúc đó trên lục địa châu Âu, nền thương nghiệp và giai cấp tư sản thương nghiệp Anh không gặp nhiều địch thủ. Cuộc cách mạng công nghiệp và kỹ thuật vào những năm cuối cùng của thế kỷ thứ XVIII đã xác lập cho nước Anh vị trí hàng đầu trong số các cường quốc trong lĩnh vực kinh tế, và một trong những nguyên nhân làm giai cấp tư sản Pháp bực tức chống lại đường lối chính trị của chế độ cũ là hiệp ước thương mại Anh-Pháp ký năm 1786, hậu quả của hiệp ước này là thị trường nội địa của Pháp bị nền công nghiệp kéo sợi và luyện kim của Anh xâm nhập. Những nhà công nghệ Pháp đã nhiệt liệt đón nhận tất cả những biện pháp chống lại nền thương nghiệp Anh của Hội nghị Quốc ước và của Viện Đốc chính, và ở Anh cũng như ở Pháp, toàn bộ cuộc chiến tranh giữa Anh và Pháp trong thời kỳ Cách mạng đã được coi là cuộc chiến tranh của thương gia và kỹ nghệ gia Anh chống lại thương gia và kỹ nghệ gia Pháp.
Đứng đầu tất cả những công việc chính trị, tất cả những cuộc liên minh châu Âu chống lại Pháp, là Uy-liêm-Pít, thủ tướng chính phủ Anh. Trong thời của mình, Uy-liêm-Pít đã viện trợ một cách hào hiệp cho nước Phổ, nước áo, nước Pi-ê-mông, nước Nga rồi lại nước áo và Na-plơ, vì đứng trên quan điểm quyền lợi kinh tế và chính trị của người Anh mà nói, Uy-liêm-Pít đã nhìn thấy rõ sự bành trướng thế lực của nước Pháp ở trên lục địa có một ý nghĩa như thế nào.
Nhưng, những sự viện trợ cho các nước trong khối liên minh châu Âu, cũng như sự viện trợ một cách tích cực bằng hạm đội, tiền bạc, vũ khí và đạn dược cho bọn phản cách mạng ở Văng-đê đã không mang lại kết quả gì và, vào năm 1801, ở Anh, dư luận đã bắt đầu lan tràn rộng rãi cho rằng tốt nhất là tìm cách thoả thuận với người thủ lĩnh mới của Pháp, dư luận đó không được các nhà kỹ nghệ và giới thương mại Anh tán thành một chút nào, đúng là thế, vì quyền lợi của họ đã trực tiếp gắn liền vào việc bóc lột các thuộc địa của Pháp và của Hà Lan chiếm được trong cả một cuộc chiến tranh trường kỳ. Nhưng tầng lớp thương nhân gắn chặt với nền thương nghiệp của châu Âu lại mong muốn hòa bình; trong giai cấp thợ thuyền, phẫn nộ trào lên dữ dội chống sự bóc lột và nạn đói đang hành hạ họ lúc bấy giờ, và sự bực tức của thợ thuyền không những chỉ biểu hiện bằng những vụ phá hoại máy móc mà đôi khi còn bằng cả những hành động tiêu cực công khai.
Nói tóm lại, khi Bô-na-pác đã ký với nước áo một hòa ước đặc biệt có lợi, đem lại thêm cho ông ta những vùng đất đai rộng lớn ở Đức và ở ý, và, sau cái chết của Pôn, khi ông ta ký hòa ước với người kế nghiệp của Pôn là A-lếch-xan, đồng thời đề nghị ký với nước Anh, thì các giới lãnh đạo Anh, nhất thời thất vọng vì không còn mong gì đánh đổ được nước Pháp, bèn quyết định đàm phán với Pháp. Đúng vào trước lúc Pôn bị ám sát. Uy-liêm-Pít từ chức và những người lên thay thế ông ta đều là những tay đại diện cho khuynh hướng thoả hiệp. át-dinh-tơn đứng đầu chính phủ và ngài Ha-cớt-biu-ri, bộ trưởng ngoại giao mới, đã làm cho người ta hiểu rằng nước Anh không phản đối việc ký hòa ước.
Các cuộc đàm phán hòa bình tiến hành ở A-miêng, nơi mà ngày 26 tháng 3 năm 1802, hiệp ước hòa bình với Anh đã được ký kết. Nước Anh hoàn lại cho Pháp và các nước chư hầu của Pháp (Hà Lan và Tây Ban Nha) tất cả những thuộc địa mà Anh đã chiếm được của họ trong suốt chín năm chiến tranh trừ Xây-lan1 và Tơ-ri-ni-tê. Đảo Man-tơ phải trả lại cho dòng họ Kỵ sĩ. Nước Anh cam kết rút quân khỏi các căn cứ đã chiếm đóng được trong cuộc chiến tranh ở bể A-đri-a-tích và Địa Trung Hải. Nước Pháp cam kết rút quân đội ra khỏi Ai Cập, rút quân khỏi La Mã để giao lại cho giáo hoàng cũng như tất cả những đất đai khác thuộc toà thánh. Đó là những quy định chủ yếu. Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng nhất. Có phải vì cái đó mà giai cấp quý tộc, giai cấp tư sản Anh đã tiêu tốn hàng triệu đồng trong chín năm trời cho quân đội của họ và cho quân đội của các nước khác cũng như đưa hạm đội của họ đi rạch nát mặt nước tất cả các đại dương không?
Điều làm cho các giới lãnh đạo Anh khó chịu nhất là không làm thế nào tước từ móng vuốt của Bô-na-pác được một trong những mảnh đất châu Âu, mà Bô-na-pác đã chiếm. Nước Bỉ và Hà Lan, nước ý, tả ngạn sông Ranh và xứ Pi-ê-mông còn là những đất đai trực thuộc Bô-na-pác, toàn miền Tây Đức từ nay trở đi là miếng mồi ngon của ông ta. Tất cả những nước phụ thuộc hoặc nước nửa phụ thuộc ấy, mà quyền lực của Bô-na-pác trùm lên trực tiếp hoặc gián tiếp, đều đã không còn là thị trường của Anh để nhập cảng sản phẩm công nghiệp Anh cũng như nhập cảng sản phẩm thuộc địa Anh. Mọi cố gắng của các viên đại diện toàn quyền Anh ở A-miêng nhằm đặt cơ sở cho một hiệp ước thương mại, dù chỉ có lợi chút đỉnh cho Anh, đều toi công. Lại càng không phải là vấn đề mở cửa thị trường nội địa béo bở của Pháp, chắc chắn như vậy, Vì thị trường ấy vẫn bị phong toả chặt chẽ y như trước thời Bô-na-pác . Và ngoài ra, riêng về mặt quân sự và chính trị mà nói, nền an ninh của nước Anh thật như trứng để đầu đằng trước những cuộc tiến công của nước Pháp. Giờ phút nào còn là chủ nước Bỉ, Hà Lan thì Bô-na-pác còn luôn nhắc lại câu: "Ăng-ve là một khẩu súng đã lên đạn chĩa vào tim nước Anh".
Hoà ước A-miêng không thể tồn tại lâu dài được, vì nước Anh đã cảm thấy không thể chịu thất bại đến mức độ ấy được. Nhưng ở Pa-ri và ở các tỉnh, khi được tin ký hiệp ước A-miêng, mọi người tỏ ra rất hài lòng. Họ cho rằng kẻ thù đáng sợ nhất, giàu có nhất, hăng nhất và không đội trời chung nhất đã cam chịu thất bại, nó đã phải công nhận tất cả các nước mà Bô-na-pác đã chiếm. Cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ với châu Âu đã chấm dứt bằng một thắng lợi hoàn toàn trên mọi mặt trận.
V
Dưới thời Na-pô-lê-ông, nước Pháp và châu Âu không được hưởng hòa bình lâu dài. Nhưng trong hai năm- từ mùa xuân năm 1801, ngày giải quyết hòa bình với nước áo đến mùa xuân năm 1803, sau khi hòa ước A-miêng thực hiện được một thời gian ngắn, chiến tranh lại xảy ra với nước Anh- Na-pô-lê-ông đã tích cực và khẩn trương giải quyết được rất nhiều công việc về tổ chức đất nước và pháp chế. Từ đó trở đi, Bô-na-pác có thể chuyên tâm dốc sức vào việc xây dựng pháp chế mà từ trước đến nay Bô-na-pác dù muốn hay không đã buộc lòng phải đình lại; đúng là từ sau trận Ma-ren-gô, Bô-na-pác đã bắt đầu chú ý đến việc ấy, nhưng ông ta không thể đặt loại việc ấy lên hàng đầu được khi còn chưa ký kết xong hòa ước với áo, với Anh và khi mà những mối quan hệ của Bô-na-pác với hoàng đế Pôn đang còn hướng tư tưởng của ông ta về những cuộc xung đột chiến tranh khó khăn mới và những cuộc xâm lược xa xôi khác.
Thời cơ đã đến để Bô-na-pác có thể đặt ra, nghiên cứu và giải quyết một loạt các vấn đề nội chính, tài chính, kinh tế hoặc các vấn đề có liên quan đến việc hộ và việc hình. Khi giải quyết các công việc chính sự mà Bô-na-pác không biết thì cách làm của Bô-na-pác như sau: ông ta chủ toạ các phiên họp của các Hội đồng chính phủ do ông ta tạo nên và, sau khi nghe xong các bản báo cáo của các bộ trưởng, Bô-na-pác ra lệnh triệu tập những người đã trực tiếp tham gia khởi thảo các bản báo cáo đó và hỏi tỉ mỉ họ tất cả những điểm còn lờ mờ.
Bô-na-pác thích hơn hết là được nói chuyện với các chuyên gia và được học ở họ. Bô-na-pác khuyên con riêng của vợ là Ơ-gien đơ Bô-hác-ne - sau này là phó vương nước ý-rằng khi đến một thành phố lạ, đừng để mất thì giờ vô ích mà phải nghiên cứu thành phố ấy, vì biết đâu sau này chẳng có ngày phải chiếm nó. Tất cả con người Na-pô-lê-ông là ở những lời nói này: tích luỹ kiến thức để sử dụng chúng trong thực tiễn. Na-pô-lê-ông đã làm cho những người thuyền trưởng Anh ngạc nhiên khi nói với họ về những chi tiết thiết bị của tàu Pháp cũng như của tàu Anh, sự khác nhau giữa dây cáp Anh và dây cáp Pháp.
Na-pô-lê-ông vô cùng quan tâm đến khoa kinh tế (vì đang ở thời kỳ của những vấn đề về sự phát triển nền sản xuất tư bản chủ nghĩa), và nắm chính quyền chưa được vài năm mà Na-pô-lê-ông đã rất am hiều những vấn đề về sản xuất và tiêu thụ, giá cả và quan, thuế, cước phí đường thuỷ và đường bộ, ông am hiểu tường tận cả nguyên nhân tại sao giá nhung Li-ông hạ hoặc cao, y như những tay buôn ở Li-ông vậy, đến mức có thể vạch trần thủ đoạn lừa bịp và tính chất của một nhà thầu khoán làm một con đường ở nơi hẻo lánh trong đế quốc rộng lớn của ông ta, đến mức có khả năng giải quyết tài tình một cuộc tranh chấp biên giới, hoặc chấm dứt một vụ nhập nhằng lấn đất làm cho lãnh thổ của các quốc gia và của các vương hầu ở Đức bị cắt vụn ra; không những thế, ông còn có khả năng trình bày quyết định của mình bằng cách căn cứ vào lịch sử của cuộc tranh chấp ấy và những vụ lấn đất đương sự.
Na-pô-lê-ông lắng nghe tất cả những người nào mà Na-pô-lê-ông hy vọng có được một điều chỉ dẫn bổ ích, nhưng tự quyết định lấy. Na-pô-lê-ông thường nói: người thắng một trận nào đó không phải là người cho một lời khuyên tốt, mà là người nhận lấy trách nhiệm thi hành lời khuyên ấy. Trong vô số ý kiến mà người chỉ huy thu lượm được thì thường thường có thể tìm thấy một ý kiến đúng, nhưng phải biết gạn lọc và thực hành ý kiến đó. Cả trong việc cải cách pháp chế và trong sự chỉ đạo nội chính cũng đúng như vậy. Nhưng không phải khi ban ra một mệnh lệnh là đã xong công việc, đó mới chỉ là sự bắt đầu mà thôi. Na-pô-lê-ông cho rằng trong công tác hành chính của nhà nước, sự đôn đốc việc thi hành pháp lệnh cũng thiết yếu như việc ban bố pháp lệnh và khi pháp lệnh không được thi hành nghiêm chỉnh và đúng đắn thì Na-pô-lê-ông cho rằng nhiệm vụ bức thiết của một người bộ trưởng là phải điều tra rồi xác định một cách rõ ràng nhất xem trách nhiệm cá nhân thuộc về ai. Dưới thời Na-pô-lê-ông, công tác trong ngạch hành chính là một cái nghề vô cùng vất vả, nặng nhọc. Phải thức khuya, dậy sớm, các công chức cũ đã nói lại như vậy. Theo ý Na-pô-lê-ông, chính quyền phải biết rút tỉa ở mỗi con người tất cả những cái mà họ có thể cống hiến được và nếu họ không sống lâu được với chế độ này thì chính quyền cũng không có gì quan trọng. Vấn đề ấy, Na-pô-lê-ông cũng đã phát biểu một cách độc đáo rằng: "Đừng để cho người ta già đi!"- theo ý Na-pô-lê-ông thì đó là nghệ thuật cao của chính quyền. Na-pô-lê-ông cố gắng bảo đảm cho viên chức chính quyền được lương cao, nhưng ông ta rút tỉa của mọi người tất cả những gì có thể rút tỉa được để bù lại. Bản thân Na-pô-lê-ông làm việc suốt ngày đêm, chỉ dành vài tiếng đồng hồ để ngủ, 15 phút để ăn trưa và ít hơn nữa để ăn sáng. Na-pô-lê-ông cho rằng không cần thiết phải đối xử độ lượng với mọi người hơn với bản thân mình. Vì vậy, mà cũng đúng như đối với binh sĩ và sĩ quan của mình, không phải Na-pô-lê-ông chỉ trông nhờ vào uy lực của các toà án, của các hình phạt, của việc cách chức để buộc các công chức của ông làm việc tận tuỵ. Ông già Tơ-rơ-mốc- đã từng bao năm kéo lê cái xích nặng nề của công tác hành chính dưới thời Na-pô-lê-ông với tư cách là viên chức của Bộ tư pháp, rồi dự thẩm Viên tham chính-nói rằng Na-pô-lê-ông có tài đốt cháy ở trong lòng mọi người ngọn lửa hăng say làm việc bằng tình thân mật; do đó hễ có dịp là Na-pô-lê-ông biết đối xử với những người tầm thường nhất như người ngang hàng mình và cái tài đó đã thổi cháy được nhiệt tình trong công chức hệt như trong binh sĩ của ông. Người ta kiệt sức vì làm việc như những người khác chết trên chiến trường. Dù làm công tác hành chính hay quân sự, những người phụng sự Na-pô-lê-ông đều luôn luôn sẵn sàng để được thưởng huy chương hoặc để được nhận một nụ cười ân cần của chủ.
Theo cuộc phổ thông đầu phiếu, được vội vã tổ chức sau hòa ước A-miêng, và theo cái nghị quyết thể theo "nguyện vọng quần chúng" của thượng nghị viện ngày 2 tháng 8 năm 1802, Na-pô-lê-ông Bô-na-pác được bổ nhiệm là "Tổng tài vĩnh viễn" của nước cộng hòa Pháp với 3.568.885 phiếu thuận và 8.374 phiếu chống. Việc này bộc lộ rõ nước Pháp đã biến thành một nước quân chủ độc đoán và chẳng bao lâu vị Tổng tài thứ nhất sẽ xưng vư ơ ng hoặc xưng đế. Và hệt như ông ta đã làm cho nền chuyên chính "Cộng hòa" của ông ta, Na-pô-lê-ông muốn đặt ngai vàng sắp đến của mình trên nền móng vững bền của giai cấp đại tư sản thành thị và nông thôn và những giai cấp hữu sản khác: thư ơ ng gia, kỹ nghệ gia, quý tộc địa chủ, nông dân hữu sản. Quyền sở hữu tài sản vô hạn độ phải là nền tảng trật tự mới của Na-pô-lê-ông. Một mặt, mọi dấu vết của những luật lệ phong kiến cổ xưa của bọn chúa đất mà tổ tiên chúng trước kia đã chiếm hữu đều bị thủ tiêu vĩnh viễn, nhưng mặt khác, quyền sở hữu tài sản lại được công nhận một cách tuyệt đối và bất di bất dịch đối với những người chủ tài sản đã mua được trong thời kỳ cách mạng, đối với những chủ tài sản tịch thu của bọn lưu vong, của nhà thờ và của nhà tu và bất kể người sở hữu hiện nay là ai. Với thương nghiệp và công nghiệp, chủ các hãng thương mại và kỹ nghệ, một mặt họ hoàn toàn có quyền không bị hạn chế một chút nào, lập giao kèo với nhân viên thợ thuyền trên c ơ sở "tự do thoả thuận giao ước" (nghĩa là không hạn chế tí gì quyền tự do bóc lột sức lao động của chủ tư bản); còn thợ thuyền thì mất hết mọi quyền và mọi khả năng đấu tranh tập thể chống bọn bóc lột họ; và, mặt khác, các nhà buôn và nhà kỹ nghệ Pháp được bảo đảm rằng chính phủ Na-pô-lê-ông muốn và sẽ bảo vệ một cách thắng lợi thị trường nội địa của nước Pháp chống lại sự cạnh tranh của nước ngoài, biến một phần châu Âu và có thể là châu Âu, thành một công cụ bóc lột của tư bản thư ơ ng nghiệp và công nghiệp Pháp. Na-pô-lê-ông tin chắc chế độ do ông xây dựng và củng cố, cũng như đường lối đối ngoại và đối nội của ông, sẽ đưa giai cấp tư sản thư ơ ng mại và kỹ nghệ, cả tầng lớp nông dân hữu sản đến chỗ phải hoàn toàn tha thứ mọi bạo lực, từ chối mọi sự tham gia tích cực vào hoạt động chính trị, hành chính và pháp luật, khuất phục bất cứ hình thức chuyên chế độc đoán nào, kể cả những hình thức mà người ta chưa bao giờ thấy dưới thời Lu-i XIV, tán thành những sự hy sinh và những trưng dụng nhân lực, đó là những cái mà người ta chưa bao giờ làm quen, kể cả trong những thời đen tối nhất của chế độ cũ.
Quyết tâm thanh toán tất cả những gì đã gây trở ngại đến ưu thế và quan hệ tư bản chủ nghĩa và đến việc củng cố quyền lực riêng của mình, Na-pô-lê-ông không những bằng lòng xá tội cho bọn xuất dư ơ ng, mà còn hoàn lại cho bọn chúng một phần của cải bon chúng trước đây chưa bán được, ông ta còn chính thức dàn xếp việc hòa giải giữa chính phủ Pháp với nhà thờ Thiên chúa. Ngay sau ngày 18 Tháng Sư ơ ng mù, việc thờ phụng đã được tự do. Sau đó, Na-pô-lê-ông đã cho làm phép hành lễ ngày chủ nhật, cho về rất nhiều cha cố bị đưa đi đày và thả một số lớn khác ra khỏi nhà giam. Rồi Na-pô-lê-ông bắt đầu những cuộc đàm phán với giáo hoàng trên cơ sở những điều kiện: Tổng tài thứ nhất sẽ ưng thuận thừa nhận Thiên chúa giáo là "tôn giáo của đại đa số nhân dân Pháp" và đặt Thiên chúa giáo dưới sự bảo hộ của chính phủ.
Những cuộc đàm phán trên kết thúc bằng việc ký kết một điều ước hòa giải nổi tiếng, mệnh danh là "kiệt tác của lý trí nhà nước", ít ra thì những nhà viết sử tư sản cũng đã khẳng định như vậy.
Thật ra, bản điều ước hòa giải chỉ là sự tuyên bố gạt bỏ phần lớn những thắng lợi về quyền tự do tư tưởng của cách mạng đã đạt được đối với nhà thờ. Khi cách mạng cấm không cho bọn thầy tu công khai gây ảnh hưởng đến nhân dân Pháp, thì Na-pô-lê-ông lại để cho bọn chúng có khả năng làm việc đó. Vậy những lý do của Na-pô-lê-ông là gì? Câu trả lời đã rõ và không còn nghi ngờ gì nữa.
Chắc chắn Na-pô-lê-ông không phải là một người vô thần1 vững vàng, nhưng dù sao người ta cũng có thể nói rằng Na-pô-lê-ông là người theo cái thuyết "tự nhiên thần luận"2 rất nhạt nhẽo và mơ hồ. Trong đời ông, tổng cộng lại thì ông đã dành thời gian vô cùng ít ỏi để bàn những vấn đề tôn giáo. Na-pô-lê-ông không bao giờ nghĩ đến chuyện dựa vào cái nhân vật tối cao mà các nhà thần học đã đặt ra ấy và cũng không bao giờ tỏ ra có ý theo học thuyết thần bí3. Vả lại dù thế nào đi nữa, với tên quý tộc người ý này-bá tước Si-a-ra-mông-ti mà năm 1799 đã trở thành giáo hoàng Pi VII- Na-pô-lê-ông vẫn không coi là người kế tục của sứ đồ Pi-e, cũng không là người đại diện của Chúa Trời ở trên trái đất, mà là một lão già người ý xảo quyết, con người mà chắc chắn là sẽ sẵn sàng âm mưu phục hưng dòng họ Buốc-bông để thu hồi lại của cải của giáo hội bị niêm phong quản lý trong thời ký Cách mạng. Nhưng hắn lại sợ Bô-na-pác vì hầu hết nước ý đang bị người Pháp chiếm đóng, và sau trận Ma-ren-gô, Rôm và giáo hoàngá hoàn toàn đang ở trong tay vị Tổng tài thứ nhất.
Pi VII sợ Na-pô-lê-ông đến thất đảm và coi Na-pô-lê-ông như một tên côn đồ, một tướng cướp. Còn Na-pô-lê-ông, ông ta không tin một lời nào từ miệng Pi VII thốt ra, coi hắn là một tên gian giảo và dối trá. Đó là quan niệm của mỗi người ấy đối với nhau từ trước cũng như sau khi đàm phán xong với nhau, và cả về sau nữa, hình như cho đến khi chết hai người cũng không hề hoài nghi gì về sự đánh giá lẫn nhau như vậy và có căn cứ vững vàng hay không. Nhưng vấn đề không phải là cá nhân giáo hoàng. Theo quan điểm của Na-pô-lê-ông, tổ chức giáo hội Thiên chúa giáo là một lực lượng không thể coi thường được, không những vì nó có thể gây nên nhiều thiệt hại nếu nó đứng về phía kẻ thù, mà h ơ n nữa, nó còn có thể có rất nhiều tác dụng nếu lôi kéo được nó về phía mình. "Bọn thầy tu có nhiều tác dụng h ơ n bọn Ca-gli-ốt-t ơ -rô, bọn theo thuyết Căng và tất cả những nhà ảo tưởng của các nước Đức", Na-pô-lê-ông đã nói như vậy, vừa liệt gã bịp bợm Ga-gli-ốt-t ơ -rô vào cùng một giuộc với nhà triết học Căng, và Na-pô-lê-ông nói thêm rằng những người sinh ra như vậy, họ muốn tin vào sự huyền bí thì để họ đi nhà thờ và học giáo lý lại tốt h ơ n là để họ triết lý quá nhiều. Na-pô-lê-ông biện luận: người ta tiêm chủng cho mọi người để tránh cho họ bệnh đậu mùa. Nói một cách khác, thoả thuận với cái lão bá tước Si-a-ra-mông-ti bợm già ấy là hay nhất vì hắn tự xưng là giáo hoàng Pi VII, và khi bản chất người đó còn đủ ngu ngốc để tin vào vị đại diện của Đức Thượng đế ở trên trái đất, thì tuyển mộ vô số bọn mật thám áo đen của giáo hoàng Pi VII vào làm việc bên cạnh bọn sen đầm và cảnh binh của Phu-sê sẽ hay h ơ n là để cho kẻ thù của mình, bọn Buốc-bông sử dụng đội quân thầy dòng, thầy cả đông như kiến ấy, sẽ hay hơn là ném thần dân của mình vào tay bọn ảo tưởng và những nhà triết học không thể tóm cổ lại được, và sẽ hay hơn là khuyến khích tự do tư tưởng. Hơn nữa, Na-pô-lê-ông hoàn toàn hiểu rằng cái đội quân áo đen ấy là những kẻ có ích nhất để hoàn thành việc bóp nghơt hệ tư tưởng vô cùng ghê gớm của Thế kỷ á nh sáng và của Cách mạng.
Bản quy ước giữa giáo hoàng và Na-pô-lê-ông, mệnh danh là Công-coóc-đa, ký vào tháng 7 năm 1801, và ngày 15 tháng 4 năm 1802, bản sắc lệnh, mà căn cứ vào đó Na-pô-lê-ông thi hành và quy định tổ chức mới của giáo hội Thiên chúa ở nước Pháp, được chính thức công bố. Đây là những điểm c ơ bản của bản sắc lệnh đó.
Na-pô-lê-ông thừa nhận Thiên chúa giáo là "tôn giáo của đại đa số công dân Pháp", nhưng không phải là tôn giáo của nhà nước, cũng như trước thời Cách mạng. Na-pô-lê-ông cho phép tự do tín ngưỡng trong cả nước. Đáp lại, giáo hoàng cam kết không bao giờ yêu sách đòi lại đất đai của giáo hội đã bị tịch thu trong thời kỳ Cách mạng. Na-pô-lê-ông tuỳ ý chỉ định các giám mục và giáo chủ theo ý mình, sau đó họ nhận chiếu phong chức của giáo hoàng; cả các linh mục do các giáo mục chỉ định cũng chỉ có thể nhận chức sau khi việc lựa chọn đó đã được chính phủ phê chuẩn. Việc công bố các huấn lệnh, trọng sắc và đoản sắc của giáo hoàng chỉ được thừa nhận ở nước Pháp khi nào chính phủ ưng chuẩn trong những trường hợp đặc biệt. Đó là những điểm chính của cái "Công-coóc-đa" tồn tại h ơ n 100 năm sau thời Na-pô-lê-ông. Na-pô-lê-ông đã không tính lầm. Ngay sau ngày ký Công-coóc-đa (dưới đế chế), tầng lớp thầy dòng liền đưa vào khắp các trường học của nước Pháp một chư ơ ng trình giáo lý bắt buộc học sinh phải học thuộc lòng và phải đọc nguyên văn như sau:
- "Chúa Trời đã cho Người (Na-pô-lê-ông) là thừa hành uy quyền của Chúa Trời và là hình ảnh của Chúa Trời ở trên trái đất".
- Kẻ nào thiếu bổn phận của mình đối với Na-pô-lê-ông "là cưỡng lại lệnh của Chúa Trời và đáng có tội đời đời"
Giáo lý đã dạy bảo rất nhiều "sự thật khác" thuộc loại đó. Ngày hội, trên toà giảng, người ta trình giảng rằng "Chúa Thánh Thần" đã quyết định tạm thời hiện thân vào con người Na-pô-lê-ông để thủ tiêu sự hỗn loạn và tính vô đạo của Cách mạng, rằng những thắng lợi liên tiếp của vị Tổng tài thứ nhất (rồi của hoàng đế) đối với tất cả những kẻ thù của bên ngoài đều được giải thích bằng sự can thiệp trực tiếp của "Chúa Thánh Thần" trong lĩnh vực chiến lược. Trong những tháng tính từ thời gian ký bản hiệp ước tạm thời giữa giáo hoàng với Na-pô-lê-ông đến thời gian hợp pháp hóa bản điều ước Công-coóc-đa, Na-pô-lê-ông ban hành sắc lệnh khen thưởng Bắc đẩu bội tinh, một loại huân chương còn tồn tại đến tận ngày nay ở nước Pháp. Ngay từ đầu năm 1801, Na-pô-lê-ông đã có ý đồ ban hành một loại huân chương để khen thưởng cho ngành quân sự và hành chính. Sự khen thưởng bao gồm nhiều mức và phải do người có quyền lực tối cao phong tặng.
Dưới thời Na-pô-lê-ông, nền tảng hệ thống giáo dục đã được đặt ra và còn tồn tại đến tận ngày nay hầu như không có gì thay đổi. Đúng là hệ thống này bao gồm các trường sơ học, nhưng trong phạm vi đại học và trung học thì không có một sự sửa đổi căn bản nào. Cao nhất là trường đại học đặt dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng giáo dục. Trường đại học dưới thời Na-pô-lê-ông quản lý bậc đại học và những trường trung học (bậc chuyên khoa). Chỉ những trường chuyên nghiệp cao đẳng, thành lập dưới thời Na-pô-lê-ông, mới có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư, quản lý văn khế, các chánh án, các viên chức ngạch hành chính và tài chính, v.v. Kỷ luật của các trường nghiêm khắc như kỷ luật quân sự, thi cử rất ngặt. Còn đối với các trường trung học thì mục đích chính là đào tạo sĩ quan. Ra trường, học sinh qua một thời kỳ thi bổ sung để vào các trường quân sự chuyên nghiệp. Học sinh cũ của các trường trung học có thể vào thẳng các cơ quan hành chính để làm việc, nhưng dĩ nhiên không được hưởng những đặc quyền đặc lợi và cũng không có tiền đồ sáng sủa bằng những học sinh, sau khi ở trường trung học ra, đã qua trường cao đằng này hoặc cao đẳng khác.
Na-pô-lê-ông thích là người đỡ đầu cho ngành khoa học. Na-pô-lê-ông dành rất nhiều sự ưu đãi đối với những nhà toán học, hóa học, thiên văn học, vật lý học và tỏ ra đặc biệt chú ý đến các nhà khảo cứu về Ai Cập vì ngành khảo cứu về Ai Cập trở thành một ngành khoa học bắt đầu từ cuộc viễn chinh của ông ở bờ sông Nin.
Nhưng Na-pô-lê-ông yêu cầu ngành khoa học có những kết quả thực tế và chỉ hoàn toàn qua giá trị thực dụng mà đánh giá những kết quả đó. Trước hết, Na-pô-lê-ông muốn khoa học phải góp phần vào "sự vinh quang của đế quốc" (như Na-pô-lê-ông đã phát biểu trong một bức thư gửi cho La-pla-x ơ , viết từ Vi-tép vào năm 1812). Trong những điều kiện ấy thì ngay cả những ngành khoa học trừu tượng như thiên văn học cũng có thể giúp ích nhiều. Nhưng Na-pô-lê-ông không thích những ngành khoa học lịch sử và đối xử với những ngành này bằng thái độ nghi ngờ. Chẳng hạn, Na-pô-lê-ông không thể nào ca tụng được Ta-xít, vì Ta-xít đã tỏ ra khinh mạn các vị hoàng đế La Mã. Triết học, đặc biệt triết học của Thế kỷ ánh sáng, đối với Na-pô-lê-ông chỉ là "một thứ tư tưởng" đáng ghét; trong kinh tế chính trị học (và đặc biệt là trong chủ nghĩa trọng nông), Na-pô-lê-ông chỉ nhìn thấy sự bịp bợm và cũng đã coi Căng như là một tay bịp bợm. Dưới thời Na-pô-lê-ông, nền giáo dục ở trường đại học và trung học có khuynh hướng đặc sệt thực dụng và thuần túy kỹ thuật.
Trước hết, Na-pô-lê-ông có ý thức tự đặt mục đích xóa bỏ không những mọi kỷ niệm của thời kỳ Cách mạng vừa mới qua đi và xóa bỏ cái "hệ tư tưởng " cách mạng mà ông ta rất ghét ấy, lại còn xóa bỏ cả những thực tế lịch sử, những sự kiện của những năm ấy. Na-pô-lê-ông cấm viết về đề tài cách mạng, cấm cả ghi chép về cách mạng cũng như những con người của thời đại đó. Trên đời không có Rô-be-xpi-e nào đã sống cả, Ma-ra, không, Ba-bớp, không, và chính Mi-ra-bô cũng không hề có. Năm 1807, Viện hàn lâm Pa-ri, khi có một người hoàn toàn không dụng ý gì buột miệng nói đến Mi-ra-bô thì Na-pô-lê-ông nổi khùng, viết thư cho bộ trưởng công an nói rằng công việc của chủ tịch Hội những nhà bác học không phải là nói về Mi-ra-bô. Ngay cả danh từ "cách mạng" cũng bị trục xuất khỏi báo chí. Vừa lên ngôi trị vì, như chúng ta đã biết, Na-pô-lê-ông đã bắt đầu thực hiện quan niệm chắc nịch của ông ta là muốn điều khiển được báo chí phải có một cái roi và đôi giày thúc ngựa. Được đúng hơn hai tháng sau ngày 18 Tháng Sương mù, bằng một nghị định ký ngày 27 Tháng Tuyết, Na-pô-lê-ông đã đóng cửa thẳng tay 60 tờ báo, chỉ để 13 tờ sống sót. Nhưng rồi chẳng lâu la gì, 13 tờ đó sụt xuống còn bốn. Bốn tờ báo hàng ngày "lá cải" đó, vì khổ báo quá nhỏ nên người Anh gọi là "khăn tay bỏ túi", đã đăng toàn những chuyện vô nghĩa đến nỗi hầu như không có độc giả. Na-pô-lê-ông cũng không muốn cho báo chí của ông ta đả kích những nguyên tắc cách mạng, ông ta chỉ muốn rất đơn giản là độc giả không thể nào nhớ lại được rằng xưa kia những nguyên tắc ấy đã được công bố. Chẳng hạn, Na-pô-lê-ông đã cấm lưu hành trong nước Pháp và các chư hầu mấy tờ báo Đức, chỉ vì những tờ báo ấy hướng dẫn một cuộc đấu tranh quyết liệt chống tư tưởng cách mạng và đã tâng bốc Na-pô-lê-ông, người đã dập tắt được cách mạng. Na-pô-lê-ông cấm không cho những tờ báo ấy vào nước Pháp vì: chính bằng cái kiểu ấy mà những tờ báo đó nhắc nhở đến cách mạng, ông ta không muốn thế. Na-pô-lê-ông cũng đã cấm một cách rất ngặt nghèo những cuốn sách chỉ nam và những cuốn sách miêu tả địa hình mà trong có ghi chú những sự kiện cách mạng, và những cuốn sách xuất bản trước thời ông ta đã bị lôi ra khỏi các nhà in do những cuộc khám xét liên tiếp. Trong các sách giáo khoa không được nhắc lại rằng "xưa kia" nền Cộng hoà đã có ở Hà Lan và ở Thụy Sĩ, mặc dù đến năm 1806, Na-pô-lê-ông mới thủ tiêu nền Cộng hoà ở Hà Lan.
Năm 1810, một gã Ba-ruy-en Bô ve nào đó có ý định viết một quyển sách nhan đề là "Những hành động của những nhà triết học và của những người cộng hoà". Sau khi phun ra những lời hằn học bỉ ổi chống những người cách mạng và trong khi xu phụ Na-pô-lê-ông một cách trơ tráo nhất, Bô-ve đã tự hào là việc xuất bản quyển sách của y sẽ không gặp khó khăn gì. Nhưng chính vì vậy mà y lầm: sách bị cấm và bị tịch thu... vì trong cuốn tài liệu công khai đó, Bô-ve đã khuấy động những kỷ niệm đau thương.
"Chủ nghĩa Gia-cô-banh bí mật" là cái tội mà chính phủ Na-pô-lê-ông không bao giờ tha thứ cho những người cầm bút. Và thứ "chủ nghĩa Gia-cô-banh bí mật" ấy đã được biểu hiện bằng những hình tích tinh tế rất bất ngờ, thí dụ: tác giả tán dương đạo đức trong sạch của A-rít-tít hoặc đức liêm khiết của Ca-tông, lập tức anh ta bị tình nghi ngay: có phải tác giả muốn tán tụng những chính phủ cộng hoà không? Vì A-ten và Rôm đều là những nước cộng hoà.
Na-pô-lê-ông khống chế việc xuất bản báo chí, sách vở của các dân tộc bị khuất phục cũng bằng một cái ách nghẹt thở như vậy. Chỉ hơi đả động bóng gió đến sự nô dịch của tổ quốc là không những toà báo bị đe doạ đóng cửa, bị tịch thu sách, mà còn nguy hiểm đến cả con người của tác giả. Người hàng sách Pan-ma đã bị bắn ở Nu-rem-be, theo yêu cầu của Na-pô-lê-ông, chỉ vì Pan-ma đã từ chối việc phát giác tên tác giả một cuốn sách mà Na-pô-lê-ông không thích. Cái gương đó đã chỉ rõ điều gì đang chờ đợi những nhà văn và những nhà xuất bản ở những nước bị chinh phục nếu họ thoáng có ý gì than vãn cho số phận của tổ quốc bị áp bức.
Bằng những biền pháp khắc nghiệt nhất để xoá bỏ mọi kỷ niệm về các sự kiện và về các nguyên lý cách mạng ở Pháp, và theo dõi không kém phần khắc nghiệt mọi bài báo ám chỉ sự giải phóng dân tộc và quyền dân tộc tự quyết của châu Âu bị chinh phục, đó là những tư tưởng chỉ đạo toàn bộ đường lối chính sách của Na-pô-lê-ông trong lĩnh vực xuất bản.
Hai tháng sau trận Ma-re-gô và vài tuần lễ sau khi ở ý về, bằng nghị định ngày 12 tháng 8 năm 1800, vị Tổng tài thứ nhất lập một uỷ ban phụ trách chuẩn bị dự thảo "dân luật", tạo thành một bộ luật làm nền tảng cho toàn bộ đời sống pháp lý ở nước Pháp và ở các nước bị chinh phục. Vì công việc này vấp phải nhiều khó khăn quá lớn nên Na-pô-lê-ông đã phải hạn chế số uỷ viên của uỷ ban này trong số bốn người. Ông không chịu được những uỷ ban lớn, những bài diễn văn dài, những cuộc họp liên miên lu bù. Nhưng tất cả bốn uỷ viên đều là những nhà làm luật lỗi lạc.
Sau này, bộ luật ấy mang tên là "luật Na-pô-lê-ông", được phê chuẩn bằng một sắc lệnh ký năm 1852, và cái tên đó vẫn còn chưa được chính thức đổi, mặc dù người ta cũng còn gọi nó là "dân luật".
ý đồ của nhà làm luật là bộ dân luật của Na-pô-lê-ông phải là sự thừa nhận về mặt pháp lý và là sự củng cố những thắng lợi của giai cấp tư sản đối với chế độ phong kiến, và phải bảo đảm một cách vững chắc địa vị của quyền tư hữu trong xã hội mới, bằng cách bảo đảm nguyên tắc sở hữu tư sản vô hạn độ, chống mọi cuộc tiến công bất cứ ở đâu đến: của chế độ phong kiến còn ngắc ngoải, hoặc của thợ thuyền muốn vùng lên phá xiềng chặt xích.
Na-pô-lê-ông cho rằng cách mạng đã xảy ra ở nước Pháp, không phải vì nước Pháp muốn tự do mà là vì nước pháp muốn bình đẳng. Vậy là, Na-pô-lê-ông hiểu bình đẳng theo nghĩa bình đẳng về điều kiện xã hội và kinh tế trong cuộc sống của những người công dân. Và Na-pô-lê-ông đã quyết định bảo đảm cho sự bình đẳng về quyền công dân đó một cách vững chắc bằng bộ luật của mình. Nói về cách mạng, Na-pô-lê-ông nói: "Tự do chẳng qua chỉ là một cái cớ". Và sau khi đã huỷ bỏ quyền tự do chính trị, Na-pô-lê-ông đã bảo đảm và luật lệ hoá "quyền bình đẳng", theo như ông ta hiểu.
Đứng về mặt sáng sủa, về mặt tinh thần mạch lạc chặt chẽ và về mặt lô-gích được vận dụng vào việc bảo vệ nhà nước tư sản, có lẽ bộ luật Na-pô-lê-ông đáng để cho những nhà làm luật ở các nước tư bản đã khen ngợi và tiếp tục khen ngợi. Tuy vậy nhà bình luận thiên vị nhất cũng không thể nào chối cãi được rằng so với nền pháp chế của cuộc cách mạng tư sản Pháp thì bộ luật đó đánh dấu một bước lùi, mặc dầu nó có tiến bộ so với những luật lệ hiện hành ở các nước khác trên lục địa châu Âu. Ngoài ra, nó chẳng có gì hơn là sự phế bỏ vô vàn thắng lợi của cách mạng.
Na-pô-lê-ông đặt người phụ nữ tuỳ thuộc vào người chồng và, hơn nữa ở vào địa vị thấp kém và bất lợi đối với những anh em trai về quyền thừa tự. Luật cách mạng, đặt một cách nhân đạo "con hoang" và "con đẻ" đều bình đẳng trước pháp luật, đã hoàn toàn bị thủ tiêu. "Tội tước quyền công dân", cũng như những hình phạt nhục hình khác đối với những người bị kết án khổ sai đã được khôi phục, mặc dù cách mạng đã thủ tiêu cái hình phạt ác nghiệt đó của toà án. Để xây dựng xã hội mới, Na-pô-lê-ông đã tính đến tất cả những điều bức thiết nhằm bảo đảm tự do đầy đủ nhất và rộng rãi nhất cho hoạt động kinh tế của gia cấp đại tư sản và quét sạch tất cả những cái gì là biểu hiện nguyện vọng dân chủ của giai cấp tiểu tư sản.
Người ta có thể tự hỏi rằng trong khi hoàn thành sự nghiệp to lớn đó, mà kết quả là việc tạo nên bộ dân luật, có xuất hiện sự kháng nghị nào không? Có xuất hiện những ý đồ bảo tồn tính chất rộng rãi của những quan điểm cách mạng trong pháp chế mới không? Quả nhiên là đã có. Khi bộ luật đưa thông qua theo thủ tục "pháp chế" thì cũng có một vài người ở ủy hội pháp chế dám lên tiếng rụt rè chỉ trích vài điều, nhưng sự phản đối yếu ớt đó không có tiếng vang nào cả.
Những điều chỉ trích mà ta vừa nói đến đã bị gạt đi một cách dễ dàng nhất trên đời: Bô-na-pác thanh trừ ủy hội pháp chế đến nỗi chỉ còn lại 50 uỷ viên câm như hến và ông ta quy định số uỷ viên của cái hội đồng đó từ nay trở đi không được quá số ấy. Việc cải cách hiến pháp đó một khi đã bất thình lình thành sự thật thì mọi việc đều trôi chảy. Tháng 3 năm 1803, bộ luật Na-pô-lê-ông sau khi đã được Hội đồng chính phủ bàn cãi, được đưa lên Hội đồng lập pháp thông qua, hội đồng này cũng không có quyền tranh luận, đã lặng lẽ thông qua từng điều một. Tháng 3 năm 1804, bộ luật có mang chữ ký của Na-pô-lê-ông trở thành nền tảng pháp luật của khoa pháp luật học nước Pháp. Giai cấp đại tư sản Pháp đã toại nguyện: cách mạng tư sản đã đẻ ra cái kết quả di phúc của nó (đẻ ra sau khi chết - N.D.) và bởi vậy mà rõ ràng là sau ngày 18 Tháng Sương mù không còn có khả năng nói đến việc tiếp tục cách mạng ở nước Pháp nữa. Nhưng không một nhà viết sử nào được phép quên yếu tố tiến bộ to lớn của bộ luật đó đối với những nước châu Âu bị Na-pô-lê-ông chinh phục.
Sau này còn có nhiều luật lệ khác phụ thêm vào bộ luật đó, nhờ vậy mà Na-pô-lê-ông mới áp chế được giai cấp thợ thuyền một cách chắc chắn hơn bao giờ hết. Không những luật Lo Sa-pơ-li-ê năm 17911
1. Lơ Sa-pơ-li-ê (Le Chapelier): đạo luật cấm các tổ chức công nhân và quy định phạt tiền và tống giam những người cầm đầu hoặc tích cực đấu tranh trong các cuộc đình công.
được thi hành - theo luật này những vụ bãi công hoà bình nhất và ngay cả lãn công cũng là tội phải đưa ra toà án - người ta còn lập ra "tiểu bạ" nằm ở trong tay người chủ và không có tiểu bạ đó người thợ không thể tìm đâu được việc làm. Trong tiểu bạ, người chủ cũ ghi sự chứng thực của mình về người thợ đã thôi việc và lý do người chủ cũ đã thải người thợ. Người ta lấy làm dễ chịu biết mấy khi những người chủ lạm dụng được "thứ tự do vô hạn độ đó" để tước đoạt tiền công và mẩu bánh mì của người thợ.
Theo lệnh của Na-pô-lê-ông, cũng vào thời kỳ đó, luật thương mại được thảo ra đã bổ sung vào toàn bộ nền pháp chế dân sự bằng một loạt điều khoản quy định và bảo đảm về mặt pháp lý quyền thông thương, sự hoạt động của thị trường chứng khoán và của ngân hàng, luật hối đoái và quyền quản lý văn khế, nghĩa là những hoạt động có liên quan đến việc buôn bán. Cuối cùng, Na-pô-lê-ông hoàn thành về căn bản sự nghiệp pháp chế của ông ta bằng việc lập bộ hình luật. Na-pô-lê-ông duy trì tội tử hình, khôi phục hình phạt đánh roi đã bị cách mạng thủ tiêu, khôi phục hình phạt đóng dấu sắt nung đỏ đối với một vài tội, và đặt ra nhiều hình phạt hà khắc đối với tất cả những âm mưu chống lại quyền tư hữu. Nền pháp chế hình sự của Na-pô-lê-ông là thoái bộ so với luật lệ của thời kỳ cách mạng, điều đó không cần bàn cãi.
Sự nghiệp pháp chế to lớn đó vẫn còn chưa hoàn thành vì tháng 3 năm 1803, chiến tranh với Anh lại bắt đầu. Na-pô-lê-ông lại tuốt gươm ra cho mãi tới khi kết thúc thiên anh hùng ca dài và đẫm máu mới lại tra gươm vào vỏ.
Giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh chống nước anh và lễ đăng quang của Na-pô-lê-ông 1803-1804
I
Sau một thời gian ngừng lại ngắn ngủi, cuộc đại chiến tiếp diễn và cả hai bên đều hình dung rõ được những khó khăn. Đối địch Na-pô-lê-ông người chủ của nước Pháp, của phần lớn nước ý, của một số thành phố và đất đai thuộc miền Tây Đức, của nước Bỉ, của nước Hà Lan là những lực lượng không kém phần to lớn và đáng sợ cả về sức mạnh cũng như về tính nhiều dạng nhiều vẻ của những lực lượng đó. Na-pô-lê-ông đã suốt đời vật lộn chống lại khối liên minh của các nước quân chủ lạc hậu và nửa phong kiến, nhưng đứng đầu cuộc liên minh đó lại là một cường quốc có nền kinh tế tiên tiến đứng đầu thế giới tư bản vào lúc bấy giờ. Khi nhằm bắt những xã hội phong kiến và chuyên chế già nua với những hình thức kinh tế lạc hậu phụ thuộc vào quyền lợi của mình, những cuộc chiến tranh dưới thời Na-pô-lê-ông không phải chỉ đáp ứng những nguyện vọng của nhà nước tư sản Pháp. Những cuộc chiến tranh không chấm dứt đó đồng thời còn là cuộc đọ sức giữa nước Pháp vừa mới bước vào con đường phát triển công nghiệp và tư bản chủ nghĩa, với nước Anh đã đi vào con đường đó từ lâu và về mặt này, nước Anh đã đạt được những thành quả hơn hẳn.
ở đây nên nói một vài lời về những cuộc chiến tranh của Na-pô-lê-ông: ngay từ đầu chúng đã khác biệt hẳn với các cuộc chiến tranh của cách mạng Pháp. Về vấn đề này, Lê-nin đã nhận xét: "Một cuộc chiến tranh dân tộc có thể chuyển thành cuộc chiến tranh đế quốc và ngược lại. Thí dụ, những cuộc chiến tranh của cuộc Đại cách mạng Pháp bắt đầu như những cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là những cuộc chiến tranh dân tộc. Đó là những cuộc chiến tranh cách mạng: chúng bảo vệ cuộc Đại cách mạng chống cuộc liên minh của các nước quân chủ phản cách mạng. Nhưng khi Na-pô-lê-ông đã lập lại được đế quốc Pháp bằng sự nô dịch nhiều quốc gia dân tộc lớn ở châu Âu đã hình thành từ lâu và còn tồn tại, thì những cuộc chiến tranh dân tộc Pháp biến chất thành chiến tranh đế quốc, và đến lượt mình, chiến tranh đế quốc đẻ ra chiến tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc Na-pô-lê-ông". Lê-nin hiểu chủ nghĩa đế quốc ở đây là sự cướp bóc các nước khác nói chung và chiến tranh đế quốc là "một cuộc chiến tranh giữa bọn diều hâu để chia nhau một miếng mồi nào đó". Người đã giải thích như vậy ở một chỗ khác, vẫn khi nói về thời đại Na-pô-lê-ông, nhưng vấn đề được nhìn nhận trên một khía cạnh khác.
Trong cuộc đấu tranh ác liệt và không nhân nhượng chống địch thủ của mình là chủ nghĩa tư bản Pháp mà lực lượng bành trướng quá nhanh, giai cấp tư sản Anh có về phía mình một nền kỹ thuật cao, những nguồn lợi tài chính vô cùng dồi dào, nhiều thuộc địa béo bở và quan hệ thương mại của họ toả khắp mặt địa cầu. Trong cuộc vật lộn này, nước Anh đã sử dụng lâu dài và tuyệt khéo những sự giúp đỡ và viện trợ cho các nước quân chủ nửa phong kiến, lạc hậu về mặt kinh tế, và đã xuất tiền trang bị cho quân đội của các nước ấy bằng vũ khí của mình. Khi con của Uy-liêm Pít tung ra hàng triệu đồng, với danh nghĩa viện trợ cho Nga, áo hoặc Phổ, để đặt họ đối địch với cách mạng Pháp hoặc Na-pô-lê-ông, là hắn đang làm đúng như bố hắn đã làm 40 năm trước đây: viện trợ cho người I-rô-qua và những bộ lạc ấn Độ khác để lôi họ vào cuộc đấu tranh chống lại cũng những người Pháp ấy ở Ca-na-đa. Dĩ nhiên, quy mô của các hoạt động nói trên và đối tượng tranh giành nhau có khác.
Tại sao hoà bình do nước Anh quyết định ở A-miêng vào tháng 3 năm 1802, chỉ là một cuộc ngừng chiến một năm? Bởi vì khi niềm vui do chấm dứt được một cuộc chiến tranh gian khổ đã tan biến đi thì nhiều phần tử trong giai cấp tư sản và quý tộc địa chủ nhìn thấy rõ rằng chúng đã thua thiệt trong cuộc chiến tranh này và Bô-na-pác đã thắng. Không những Bô-na-pác không cho phép hàng hoá Anh nhập vào những thị trường rộng lớn đặt dưới quyền của ông ta, mà còn vì nắm được nước Bỉ và Hà lan trong tay thì bất cứ lúc nào Bô-na-pác cũng có thể uy hiếp trực tiếp bờ biển nước Anh; và nhất là từ năm 1802, Bô-na-pác đã không gặp khó khăn gì trong việc bắt ép nhiều quốc gia coi như "độc lập" phải liên minh với mình bằng cách trực tiếp uy hiếp các nước đó.
Khi ký được hoà ước A-miêng, Bô-na-pác còn đáng sợ và nguy hiểm hơn cả Lu-i XIV vào thời kỳ cực thịnh, vì lẽ tất cả những cuộc thôn tính của Lu-i XIV trên tả ngạn sông Ranh chỉ là một trò chơi trẻ con so với việc Bô-na-pác đã làm chủ phần đất đai đó của nước Đức. Sự củng cố nền bá chủ của chế độ chuyên chính quân phiệt Pháp trên lục địa châu Âu có thể dùng làm tiền đề cho cuộc xâm lược nước Anh.
Nên nói rằng Na-pô-lê-ông đã rất khéo lợi dung hoà ước ngắn ngủi A-miêng để dẹp cuộc khởi nghĩa của những người da đen ở Xanh Đô-manh-gơ, nơi mà dưới thời Viện Đốc chính, người thủ lĩnh nổi tiếng của nhân dân da đen là Tút-xanh Lu-véc-tuya đã xây dựng thành căn cứ vững chắc. Người thủ lĩnh này vừa công nhận về danh nghĩa nền đô hộ của Pháp ở trên đảo lại vừa xử sự như ông vua độc lập.
Về vấn đề thuộc địa, Na-pô-lê-ông hoàn toàn tán thành những quan điểm của các điền chủ Pháp, bọn này dứt khoát không thừa nhận luật giải phóng nô lệ dã được ban bố trong thời kỳ Hội nghị Quốc ước cách mạng. Na-pô-lê-ông đã thu hồi, theo hoà ước A-miêng, những thuộc địa Pháp bị nước Anh chiếm đóng (Xanh Đô-manh-gơ, quần đảo Ăng-ti, Mét-ca-re-nhơ, Guy-an). Na-pô-lê-ông không dám phục hồi lại chế độ nô lệ ở những nơi nào mà chế độ đó bị thủ tiêu, nhưng ông ta công nhận nó ở tất cả những nơi nào mà nó còn tồn tại sau cuộc chiếm đóng tạm thời của Anh. Để đàn áp cuộc khởi nghĩa của Tút-xanh Lu-véc-tuya, năm 1802, Na-pô-lê-ông chuẩn bị một hạm đội và một đội quân 10.000 người. Bị gian kế của Pháp dụ vào trận địa Pháp, Tút-xanh Lu-véc-tuya bị bắt ngày 7-6-1802 và bị đưa sang Pháp. Lu-véc-tuya vừa tới Pháp, Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh tống giam người anh hùng đấu tranh giải phóng cho dân tộc da đen vào hầm tối trong xà lim thánh Giu. Khí hậu gay gắt của vùng sơn cước ẩm ướt đó và sự giam cầm khắc nghiệt: không cho phép gặp thân nhân, không được đi dạo, sự hành hạ vô nhân đạo trong 10 tháng trời đó đã giết chết mất Tút-xanh Lu-véc-tuya.
Na-pô-lê-ông đã có những chương trình nhằm tổ chức và bóc lột các thuộc địa. Nhưng việc tiếp diễn cuộc chiến tranh chống nước Anh vào mùa xuân năm 1803 đã buộc Na-pô-lê-ông phải từ bỏ đường lối chính sách lớn về thuộc địa. Vì không có khả năng giữ được những khoảng đất xa xôi trên triền sông Mít-xi-xi-pi, do đường giao thông trên mặt biển đã bị gián đoạn hoàn toàn, nên Na-pô-lê-ông cũng đã phải bán lại cho Mỹ (3-4-1802) phần đất đai thuộc Pháp ở xứ Lu-i-di-an.
Bộ phận (quan trọng nhất) của giai cấp tư sản Anh, vào mùa xuân năm 1803, khi lớn tiếng đòi huỷ bỏ hoà ước A-miêng thì một trong vô số lý do của họ còn là: phải ngăn cản không cho Na-pô-lê-ông giữ những thuộc địa cũ của Pháp và chiếm thêm những thuộc địa mới.
Nhưng hoà ước A-miêng không phải chỉ bị phá từ Luân Đôn mà còn từ Pa-ri nữa. Na-pô-lê-ông tin rằng khi ký hoà ước A-miêng là người Anh đã thực tế không can thiệp vào những công việc của châu Âu và cam chịu đứng nhìn Na-pô-lê-ông xác lập bá quyền của mình trên lục địa, bây giờ đột nhiên sự việc xảy ra không phải như vậy, và nước Anh không chịu khoanh tay đứng nhìn việc làm của Bô-na-pác ở châu Âu.
Các cuộc đàm phán ngoại giao rất phức tạp bắt đầu. Cả hai bên đều không muốn và không thể nhân nhượng lẫn nhau, và đôi bên đều cùng hiểu rất rõ như vậy. Ngay từ đầu năm 1803, các cuộc đàm phán ấy đã đi vào một bước ngoặt đợi chờ sự tan vỡ. ở Luân Đôn cũng như ở Pa-ri, người ta do dự. Các bộ trưởng Anh không nhất trí được với nhau rằng đất nước đang sắp lao vào một cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm, và ít ra thì cũng là trong những ngày đầu nước Anh đơn độc, không có đồng minh, vì lúc đó Pháp đang sống hoà bình với tất cả các cường quốc. Về phần Bô-na-pác, ông hiểu giới tư sản thương mại Pa-ri và Li-ông, cũng như các nhà công nghiệp sản xuất xa xỉ phẩm đã bị những đề nghị và những đơn đặt hàng đầy sức hấp dẫn của người Anh lôi cuốn đến mức độ nào; Bô-na-pác hiểu trong những tháng đầu sau khi ký hoà ước A-miêng, việc 15.000 khách du lịch giàu có người Anh đến thăm đã làm nền thương nghiệp Pháp phấn chấn đến mức nào; Bô-na-pác cũng biết rằng tuy có khả năng không cho nhập hàng hoá Anh vào Pháp, kể cả trong thời bình, nhưng làm như vậy về phương diện lợi ích của các nhà công nghiệp Pháp mà nói thì cuộc chiến tranh với nước Anh trước mắt chẳng mang lại một cái gì mới. Thực ra, nếu chiến tranh bùng nổ, người ta có thể áp dụng gay gắt phương pháp cấm vận củng cố và phát triển phương pháp ấy sang các nước khác, và Na-pô-lê-ông đặt hy vọng lớn vào điều đó.
Màn kịch thịnh nộ nổi tiếng mà Na-pô-lê-ông đóng ở điện Tuy-lơ-ri trong cuộc yết kiến của viên đại sứ Anh đã đẩy thẳng hai cường quốc vào cuộc chiến tranh, trong đầu óc Na-pô-lê-ông là một thử thách cuối cùng, một âm mưu thị uy tối hậu.
Nhân chuyện ấy, cũng nên nói một chút về cái đặc điểm riêng biệt ấy của Na-pô-lê-ông đã luôn luôn làm cho những nhà quan sát ngạc nhiên. Rõ ràng rằng cái bản chất hống hách, lầm lì, dễ nổi nóng và khinh thị hầu hết mọi người ấy thường hay đưa đến những cơn điên dại kinh khủng. Nhưng cũng nên nhận xét thêm rằng: nói chung Na-pô-lê-ông tự chủ được một cách đặc biệt Na-pô-lê-ông đã nêu cho nghệ sĩ nổi tiếng là Tan-ma những sự giả tạo trong diễn xuất của diễn viên bi kịch khi họ muốn diễn đạt những tình cảm lớn; ở gần Tan-ma, Na-pô-lê-ông đã học hỏi được nhiều và vì thế mà Na-pô-lê-ông đối xử với Tan-ma rất tốt. Vị hoàng đế ấy đã giúp cho Tan-ma thấy rằng đôi khi hoàng đế đến triều đình, hoàng đế thấy ở đó có những nàng công chúa mất tình nhân, những bậc đế vương mất nước, những vị vua chúa bị truất ngôi do chiến tranh, những tướng lĩnh cầu mong được khen thưởng hoặc đang khẩn khoản xin khen thưởng. Ông ta có thể quan sát thấy quanh mình sự lạm dụng lòng tự ái, một cảnh tranh giành ác liệt, các tai biến, mối ưu sầu, giấu kín trong tâm can, nỗi đau đớn để lộ ra ngoài. Ông hoàng đế nói thêm rằng: triều đình của ông ta đầy rẫy những tấn bi kịch và bản thân ông ta là nhân vật bi thảm nhất của thời đại. Thế nhưng - Na-pô-lê-ông hỏi - Na-pô-lê-ông và những diễn viên khác của những tấn bi kịch đó có giơ tay lên trời không? Họ có nghiên cứu động tác của họ không? Họ có lấy tư thế, thái độ oai phong lẫm liệt không? Họ có kêu la không? Không dứt khoát là họ nói một cách tự nhiên như tất cả nhưng con người bị quyền lợi hoặc dục vọng khích động. Tất cả những người xuất hiện trên sân khấu lớn của thế gian đã làm như vậy và đã đóng một tấn bi kịch ở trên ngai vàng. Và hoàng đế khuyên nghệ sĩ hãy nghiền ngẫm những thí dụ ấy.
Hầu như lúc nào Na-pô-lê-ông cũng tự chủ được. Nỗi bực bõ duy nhất của ông là những cơn giận dữ mà ông không biết làm thế nào để chế ngự được. Những cơn thịnh nộ đó rất dữ dội và làm xung quanh hoảng sợ. Vào những lúc đó, ông ta làm cho những người vững vàng nhất, can đảm nhất cũng phải sợ. Nhưng cũng có lúc, trong trường hợp đã tính trước và vì những lý do đã suy nghĩ chín chắn (và những trường hợp, lý do ấy không liên quan đến bản chất hay nổi nóng của ông ta) thì Na-pô-lê-ông đã đóng những màn kịch thịnh nộ tuyệt hay, với một nghệ thuật giả vờ điêu luyện và đặc sắc đến nỗi chỉ những người thấu hiểu Na-pô-lê-ông mới có thể ngờ rằng ông ta đóng kịch, nhưng không phải lúc nào cũng dám ngờ, vì ngay bản thân họ cũng thường hay bị nhầm.
Uých-oóc, đại sứ mới của Anh ở Pháp, ngay từ buổi đầu đã không bao giờ tin rằng có thể sống hoà bình với Bô-na-pác được, không phải chỉ vì nước Pháp có lợi nhiều trong hoà ước A-miêng, mà còn vì sau đó vị Tổng tài thứ nhất đã hoạt động trên phần đất đai châu Âu ở sát biên giới nước Pháp như thể đất ấy đã thuộc quyền ông ta. Chẳng hạn, mùa thu năm 1802, Na-pô-lê-ông đã báo cho nước Thụy Sĩ biết rằng ông ta muốn lập hiến pháp mới ở Thụy Sĩ và đưa một chính phủ "bạn của nước Pháp" lên cầm quyền. Viện lý rằng nước Pháp và nước ý chư hầu của Pháp ở bên cạnh Thụy Sĩ, rằng trên bản đồ Thụy Sĩ nằm giữa Pháp và ý, và dựa vào những lý do địa lý ấy, Na-pô-lê-ông đã tập trung ở biên giới Thuỵ Sĩ một quân đoàn 30.000 người do tướng Nây chỉ huy. Thuỵ Sĩ quy phục và sau đó tỏ ra ngoan ngoãn tuyệt đối. Suýt soát cùng lúc ấy Na-pô-lê-ông tuyên bố hợp nhất hẳn vương quốc Pi-ê-mông vào nước Pháp. Những quốc gia nhỏ và những tiểu vương Đức, mà sau hoà ước Luy-nê-vin năm 1801, không thể hy vọng vào sự giúp đỡ của nước áo được nữa, run sợ trước Na-pô-lê-ông và cư xử với Na-pô-lê-ông như những kẻ tôi đòi, theo đúng nghĩa của danh từ ấy. Rồi cuối cùng là Hà Lan nắm chắc chắn trong tay Na-pô-lê-ông; rõ ràng là Hà Lan sẽ không thể thoát và không thể tự giải thoát được.
Nước Anh không thể và không muốn như vậy. Ngày 18-2-1803, trong buổi hội kiến long trọng đầu tiên, bằng cách giả vờ nổi giận và phun ra những lời doạ nạt, Na-pô-lê-ông đã la lối om sòm. Ông ta phô phang sự hùng cường của mình và tuyên bố rằng nếu Anh dám gây chiến thì đó sẽ là "một cuộc chiến tranh tiêu diệt", rằng Anh đứng hòng phỉnh phờ các nước liên minh, rằng nước áo "đã thôi không tồn tại" là một cường quốc lớn nữa. Na-pô-lê-ông nói bằng một giọng như vậy và hét to đến nỗi Uých-oóc viết thư về cho cấp trên của y, ngài bộ trưởng ngoại giao Ô-két-biu-ry rằng: "Tôi tưởng như đang đứng nghe một viện đại uý kỵ binh nói chứ không phải người đứng đầu một trong những quốc gia mạnh nhất ở châu Âu". Na-pô-lê-ông một mực tin rằng có thể nạt nộ được Anh và như vậy vừa giữ được hoà bình, vẫn vừa làm chủ được châu Âu. Nhưng ông ta đã gặp phải đối phương mạnh. Tuy có những bất đồng nghiêm trọng đã làm cho giai cấp tư sản và quý tộc Anh lúc đó không thống nhất với nhau trên nhiều quan điểm, nhưng bọn họ lại nhất trí về một điểm là không để nhà độc tài Na-pô-lê-ông chinh phục châu Âu. Với sự doạ nạt của Na-pô-lê-ông về việc tập trung một đội quân nửa triệu người, chính phủ Anh đối lại bằng cách tăng cường hạm đội của họ và dùng nhiều biện pháp quân sự quan trọng.
Ngày 13 tháng 3, trong khi đóng một màn kịch mới và màn kịch cuối cùng, Na-pô-lê-ông đã tuyên bố rằng: "Các ông nhất định chiến tranh hả? Các ông còn muốn đánh nhau trong 15 năm nữa và các ông buộc tôi sẽ phải tham chiến". Ông ta đòi lại đảo Man-tơ mà Anh đã chiếm từ trước hoà ước A-miêng và đã cam kết giao trả cho dòng họ Kỵ sĩ, nhưng Anh trì hoãn việc thực hiện bằng cách tố cáo những hành động trái với hòa ước của Bô-na-pác, Na-pô-lê-ông lớn tiếng tuyên bố rằng: "Người Anh muốn chiến tranh, nhưng nếu họ là những ngưừi đầu tiên rút kiếm ra thì tôi sẽ là người sau cùng tra gươm vào vỏ. .. Các ông muốn chuẩn bị vũ khí, tôi cũng sẽ chuẩn bị vũ khí. Có lẽ các ông có thể giết chế được nước Pháp, nhưng đừng hòng doạ dẫm nó. Tai hoạ sẽ đến với những kẻ không tôn trọng hiệp ước! Nếu họ thích giữ đảo Man-tơ thì chiến tranh là cần thiết", Na-pô-lê-ông giận dữ thốt ra như vậy và bỏ phòng họp giữa cuộc tiếp kiến các đại sứ và các quan đại thần.
Uých-oóc rời Pa-ri vào những ngày đầu tháng 5 năm 1803; như vậy là cuộc chiến tranh giữa Na-pô-lê-ông và nước Anh bắt đầu và nó chỉ kết thúc khi triều đại Na-pô-lê-ông kết thúc.