Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục - Chương 01

Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục
Chương 1
gacsach.com

Với cái tính liều lĩnh bẩm sinh, ngay từ nhỏ tôi đã nghịch không biết bao nhiêu là trò dại dột nguy hiểm đến mức gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Khi còn học tiểu học, có lần tôi phải nằm liệt giường suốt cả tuần do chấn thương vì cú nhảy từ tầng hai xuống sân trường. Hẳn là có người sẽ thắc mắc tại sao tôi lại làm điều ngốc nghếch đến thế. Thật ra cũng không có lý do gì đặc biệt cả, chẳng qua lúc đó tôi đang đứng ở tầng hai của dãy phòng học vừa mới xây thò đầu nhìn xuống thì một đứa bạn cùng lớp nói khích rằng dù tôi có khoác lác và ra vẻ thế nào đi nữa thì cũng không dám nhảy xuống vì tôi nhát như thỏ đế. Thế là tôi nhảy. Khi thấy bác bảo vệ cõng tôi về nhà, cha tôi điên tiết quát rằng ông chưa từng thấy ai chỉ mới nhảy xuống ở độ cao như vậy mà lại không thể đi nổi. Tôi tiu nghỉu trả lời ông lần sau tôi sẽ cố nhảy mà vẫn đi được.

Lần khác, tôi được người họ hàng tặng cho một con dao nhỏ vừa đẹp lại vừa nhiều công dụng. Nhưng trong lúc tôi đang hào hứng khoe khoang cùng lũ bạn, cố ý để lưỡi dao đẹp đẽ thêm lấp lánh dưới ánh mặt trời rực rỡ, chợt một đứa lên tiếng nói con dao này chỉ sáng thế thôi chứ hơi cùn. Tôi vặc lại bằng cách khẳng định tôi sẽ chứng minh cho nó thấy dao cùn hay bén.

- Vậy cắt thử ngón tay mày đi! - Nó thách.

- Ngón tay à? Chẳng là gì cả. Nhìn đây!

Bằng một nhát xiên dứt khoát, tôi cắt vào ngón tay cái của mình. Thật may mắn vì con dao khá nhỏ, hơn nữa xương của tôi cũng đã đủ cứng nên ngón cái đáng thương ấy vẫn còn đây, nhưng một vết sẹo hằn sâu - dấu tích của hành động tai hại đó - lại theo tôi cả cuộc đời.

Tôi vẫn còn nhớ như in, cách vườn nhà tôi chừng hai mươi bước chân về hướng đông là mảnh đất dành để trồng rau củ. Ngay giữa khoảng đất ấy là cây dẻ yêu quý mà tôi vẫn luôn xem nó như người bạn thân thiết nhất trên đời. Mỗi mùa dẻ, cứ sáng sớm tôi lại ba chân bốn cẳng lẻn ra khỏi nhà bằng cửa sau rồi vù đến dưới gốc cây nhặt lấy nhặt để những hạt dẻ rụng đầy mặt đất suốt đêm trước. Nhặt xong, tôi mang vào lớp và tha hồ tận hưởng hương vị thơm bùi của chúng. Thế nhưng thằng nhóc Kantaro - thằng công tử bột cỡ mười ba, mười bốn tuổi, con chủ hiệu cầm đồ Yamashiro có khu vườn nằm tiếp giáp với mảnh đất trồng rau củ ở góc phía tây - lại dám cả gan nhảy qua hàng rào trộm lấy những hạt dẻ quý báu. Một tối nọ, tôi nấp sau cổng rào và bắt quả tang nó. Bị tóm bất ngờ, nó quyết liệt chống trả, vật nhau với tôi cật lực trong tuyệt vọng hòng thoát thân. Kantaro hơn tôi chừng hai tuổi và khá khỏe dù bề ngoài trông có vẻ yếu ớt. Khi bị tôi đấm cho một cú trời giáng, nó lập tức húc mạnh vào ngực tôi nhưng lỡ đà chúi đầu luôn vào ống tay áo kimono tôi đang mặc. Tôi chẳng làm được gì với cánh tay bị vướng víu như thế ngoại trừ việc huơ huơ loạn xạ, còn cái đầu Kantaro thì tiếp tục ngọ nguậy khổ sở trong ống tay áo, và có lẽ vì không thể chịu đựng cuộc chiến đấu nghẹt thở này hơn được nữa, nó bèn cắn vào tay tôi một phát đau điếng. Tôi xô nó đến sát hàng rào rồi khéo léo gạt chân cho nó ngã ngửa ra đất. Bị va đập dữ dội, những thanh chắn hàng rào bằng gỗ và tre gãy tan nát khiến Kantaro rơi bịch về lãnh địa của nó với một tiếng huỵch khủng khiếp vì vườn nhà nó thấp hơn sân bên tôi đến hai mét. Khi té lăn quay, Kantaro kéo rách toạc ống tay áo, nhờ vậy cánh tay tôi mới được giải phóng. Tối hôm đó, sau khi mẹ tôi đến nhà Yamashiro xin lỗi, bà đã xin mang cái ống tay áo vật chứng đó về.

Ngoài ra, tôi còn vô số trò nghịch phá tai hại khác. Tôi đã cùng Kaneko - con trai bác phó mộc, và Kaku - con một gia đình bán cá góp phần làm tan hoang vườn củ cải của ông lão Mosaku hàng xóm. Lũ nhóc bọn tôi xem mảnh đất mà ông gieo hạt củ cải và cẩn thận phủ đầy rơm lên trên như một cái sới rồi thi nhau đấu sumo hàng giờ liền. Vậy là đám củ cải bị giẫm đạp tơi bời. Tôi cũng gây rắc rối với gia đình Furukawa khi bít ống dẫn nước tưới ruộng của họ nữa. Ống dẫn này làm bằng tre dày và rỗng, được chôn dưới đất để truyền nước tưới tiêu đến khắp cánh đồng. Do không hề biết về công dụng quan trọng của nó, nên tôi đã thích thú nhét vào đó một mớ bòng bong nào đá, nào cành cây, que củi chật kín đến nỗi nước không thể chảy qua được nữa. Sau đó, cả nhà tôi phải lãnh trọn cơn thịnh nộ đáng sợ của bác Furukawa trong lúc đang dùng bữa tối khi bác ta bừng bừng tức giận xông vào và tuôn luôn một tràng kết tội kẻ phá hoại. Cha mẹ tôi đành đưa bác ấy một số tiền để bồi thường.

Cha không thương tôi, còn mẹ thì hầu như dành mọi tình cảm và sự quan tâm cho anh trai tôi. Anh trai tôi có vẻ mặt hết sức nhợt nhạt, đặc biệt luôn cháy bỏng một mơ ước buồn cười là được đóng những vai nữ trong các vở kịch Kabuki. Hễ lúc nào cha để mắt đến tôi thì thể nào ông cũng sẽ mắng tôi chẳng được tích sự gì cả. Thêm vào đó, mẹ hay than thở không biết tương lai của tôi sẽ ra sao với cái tính liều lĩnh ngốc nghếch như thế này.

Quả thật, tôi đúng là chẳng làm nên trò trống gì hết. Những ai đã từng biết tôi hẳn sẽ không hề ngạc nhiên trước nỗi lo lắng của mẹ. Tôi để mặc bản thân tự do theo ý thích của mình, như một con chim cố tránh xa cái lồng tù túng.

Ngay trước khi mẹ tôi qua đời vài ngày, tôi vẫn còn khiến bà phiền lòng. Hôm ấy, mẹ tôi bị ốm, còn tôi thì chơi trò trồng cây chuối trong nhà bếp. Loay hoay thế nào tôi lại bị va vào cạnh lò sưởi. Đau kinh khủng. Mẹ giận dữ bảo rằng không bao giờ muốn nhìn thấy tôi nữa. Vì vậy, tôi phải tạm ở nhờ nhà một người bà con. Rồi tôi nhận được tin mẹ mất. Tôi chẳng thể nào ngờ mẹ lại ra đi sớm đến thế. Tôi trở về nhà, lòng ngập tràn ân hận và cảm giác dằn vặt bởi suy nghĩ đáng lẽ mình nên cư xử tốt hơn. Ông anh quý hóa của tôi càng đổ thêm dầu vào lửa khi lên án, chỉ trích tôi là một đứa con bất hiếu, một nỗi hổ thẹn của gia đình, cũng chính vì tôi mà mẹ mất sớm. Đau đớn và phẫn nộ, tôi tát vào mặt anh ta. Điều đó chỉ khiến mọi việc càng trở nên tệ hại.

Sau khi mẹ mất, tôi tiếp tục sống cùng cha và anh. Cha thuộc dạng người chẳng bao giờ làm việc gì nhưng lại thường xuyên chửi mắng tôi là đứa tồi tệ và tôi không hiểu sao ông lại có suy nghĩ đó. Nhưng có điều tôi dám chắc là tôi có nhiều tính cách giống ông. Anh trai tôi mong muốn trở thành một thương gia, vì vậy anh chăm chỉ mài giũa tiếng Anh. Hơn nữa, anh không những có tính giống phụ nữ mà còn là một tên mách lẻo nên chúng tôi hoàn toàn không hợp nhau. Chuyện cãi vã, ẩu đả giữa anh em tôi xảy ra như cơm bữa. Có lần, khi hai chúng tôi chơi cờ, anh ăn một quân của tôi bằng một nước đi gian lận và hể hả ngồi lau chùi nó trong khi tôi bối rối không biết nên đi tiếp thế nào. Bực quá, tôi chộp lấy một con cờ ném thẳng vào anh làm trán anh chảy máu. Anh bù lu bù loa đi méc cha tôi, thế là ông tuyên bố sẽ truất quyền thừa kế của tôi.

Việc tôi bị truất quyền thừa kế là một điều có thể hiểu được, thậm chí tôi còn mong như vậy. Thế nhưng Kiyo - người bảo mẫu đã sống cùng gia đình tôi hơn mười năm nay - lại nói giúp và xin lỗi thay cho tôi. Những giọt nước mắt cũng như lời thỉnh cầu của bà khiến cha tôi phần nào nguôi đi cơn giận. Tuy nhiên, dù trải qua bấy nhiêu chuyện tôi cũng không hề sợ ông mà chủ yếu là cảm thấy tội nghiệp Kiyo. Tôi nghe kể rằng Kiyo xuất thân từ gia đình danh giá, giàu có nhưng bị sa sút trong thời kỳ Đổi Mới Cách Mạng nên bà phải đi giúp việc cho gia đình tôi. Không biết giữa tôi và bà có duyên phận nào không mà bà hết mực yêu thương tôi bằng cả tấm lòng. Thật lạ lùng! Bà dành tình yêu thương gần như mù quáng cho một thằng như tôi - một thằng nhóc mà mẹ nó trước khi chết còn không muốn nhìn thấy mặt, một đứa chuyên đem lại những phiền phức, rắc rối trong mắt cha nó và là một tên phá hoại đáng ghét trong suy nghĩ của những người láng giềng. Tôi đã cam chịu thừa nhận rằng mình không thể nào khiến người khác yêu mến, vì thế cũng không cần bận tâm nếu bị đối xử lạnh lùng, ghét bỏ. Điều đó càng làm cho tôi thêm thắc mắc và khó hiểu trước tình thương của Kiyo. Thỉnh thoảng, lúc nhà bếp không còn ai khác ngoài tôi và Kiyo, bà thường ca ngợi tôi có những đức tính mà bà gọi là “thành thật” và “có một thiên hướng, nhân cách tốt”. Những lúc ấy, tôi không biết phải trả lời thế nào với bà. Nếu tôi thật sự có được những phẩm chất tốt đẹp như Kiyo nói thì hẳn là người khác đã đối xử với tôi tử tế hơn rồi chứ. Thế nên tôi bảo Kiyo rằng tôi không thích những lời tâng bốc đó. Nghe vậy, bà càng khẳng định điều này chứng tỏ giá trị cao quý trong tâm hồn tôi, và nhìn tôi bằng tất cả sự dịu dàng, trìu mến. Dường như bà tự hào về tôi qua một hình ảnh do bà tự tạo nên trong trí tưởng tượng của mình, thêm thắt vào đó những chi tiết, những phẩm chất tốt đẹp, vĩ đại đến tôi cũng phải sởn cả tóc gáy.

Có lẽ vì thương tôi côi cút nên sau khi mẹ tôi mất, Kiyo lại càng yêu thương tôi nhiều hơn. Nhưng đôi lúc, trái tim thơ dại của tôi không thể hiểu được tình cảm đó. Tôi không thích vì nó quá ủy mị và ước gì bà đừng như thế nữa. Nhưng Kiyo vẫn nuông chiều tôi theo cách của bà. Bà thường dúi cho tôi đủ loại kẹo bánh được mua bằng số tiền bà dành dụm riêng. Có những đêm trời rất lạnh, bà len lén ra ngoài mua bột kiều mạch, để rồi khi tôi đi ngủ, bà bất ngờ vào tận giường đặt cạnh gối tôi tô cháo thơm ngon bốc hơi nghi ngút. Hay thỉnh thoảng tôi còn được thưởng thức tô mì nóng hổi bà mua của người bán hàng rong. Tôi nhận được từ Kiyo mọi thứ quà trên đời này, nào đồ ăn thức uống, nào vớ, rồi bút chì, tập sách…thậm chí là số tiền ba yên mà bà nói cho tôi mượn mặc dù tôi chẳng hề hỏi mượn bà. Bà rất nhiệt tình mang đến phòng tôi và bảo rằng tôi sẽ thật khó khăn nếu không có đồng nào để tiêu vặt, và rằng tôi có thể dùng nó để mua bất cứ thứ gì tùy thích. Dĩ nhiên tôi từ chối, tôi nói với bà tôi không cần tiền, nhưng vì bà cứ khăng khăng muốn như thế nên cuối cùng tôi đồng ý nhận. Thật lòng mà nói tôi rất vui khi có được số tiền đó. Tôi cất chúng vào một cái túi nhỏ rồi cẩn thận giấu trong áo, thế nhưng tôi lại đánh rơi cái túi vào hầm xí. Vô vọng, tôi đến kể cho Kiyo nghe. Bà lập tức tìm một sào tre và quả quyết sẽ lấy chúng ra cho tôi. Lát sau, tôi nghe có tiếng khuấy nước ở giếng sau nhà, tôi chạy ra thì thấy bà đang cố khua khua chiếc túi còn treo lơ lửng trên cây sào trong làn nước để làm sạch nó. Tôi mở túi và phát hiện dấu ấn trên các tờ tiền đã chuyển sang màu vàng nhạt còn hình cũng mờ đi. Kiyo hong khô nó trên lửa, rồi đưa tôi xem đã được chưa. Sau khi ngửi mấy tờ giấy bạc, tôi nhận xét là chúng có mùi. Bà đề nghị tôi đưa lại để bà mang đi đổi giúp tôi và không biết bằng cách nào bà đã đổi ra thành ba yên tiền xu. Tôi chẳng còn nhớ mình đã tiêu những đồng xu này vào việc gì, và cũng chưa thực hiện được lời hứa sẽ trả lại bà dù tôi ước mình có thể trả cho bà thêm gấp mười lần.

Điều khiến tôi không hài lòng nhất là bất cứ khi nào Kiyo tặng tôi cái gì cũng đều nhân lúc không có mặt cha và anh tôi ở đó. Tôi ghét việc phải nhận sự quan tâm của người khác trong cảnh lén lút, che giấu. Dù hai anh em tôi không thuận thảo, nhưng như vậy không có nghĩa là tôi thích có được những viên kẹo ngọt ngào hay cây bút chì màu đẹp đẽ mà anh ấy không hề hay biết. Đã có lần tôi hỏi Kiyo vì sao bà lại chỉ cho riêng tôi nhiều thứ như vậy mà không cho anh trai tôi. Bà giải thích một cách qua loa rằng anh ấy đã nhận được tất cả từ cha tôi. Nhận xét này hơi thiếu công bằng. Cha tôi đúng là rất bảo thủ, tuy nhiên ông không hẳn là người quá thiên vị. Nhưng suy nghĩ ấy đã ăn sâu vào tâm trí Kiyo, chắc là vì dành hết tình thương cho tôi nên bà không còn sáng suốt trong những chuyện có liên quan đến tôi. Dù được sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng bà không được hưởng thụ một nền giáo dục đủ để suy xét thấu đáo mọi vấn đề, vậy thì tôi còn có thể nói gì? Rõ ràng, sự thiên vị bà dành cho tôi thật đáng e ngại. Tình cảm bà đối với tôi gần như là một sự sùng bái. Bà đoan chắc như đinh đóng cột là rồi đây tôi sẽ gây dựng được sự nghiệp vẻ vang và trở thành một quý ông đáng kính; còn anh tôi, với cái nước da tái nhợt, sẽ chẳng làm được gì, chẳng đạt được chút thành tựu nào trong cuộc đời cả. Tâm hồn đơn giản ấy có một niềm tin ngây thơ rằng những ai bà yêu quý sẽ thành công, có được cuộc sống giàu sang hạnh phúc, ngược lại, những người bà ghét thì phải chịu nhiều bất hạnh. Đây dĩ nhiên là quan niệm bất di bất dịch của bà. Thật ra, lúc đó tôi chưa có chút hình dung nào về bản thân trong tương lai, nhưng vì Kiyo cứ nhất mực tin tưởng nên dần dần tôi cũng cho những gì Kiyo nói là sự thật. Giờ đây, khi nhớ về tất cả những kỷ niệm xa xưa, trong lòng tôi không khỏi cảm thấy buồn cười trước ý nghĩ trẻ con đó. Có lần, tôi đề nghị bà miêu tả cụ thể tôi sẽ như thế nào nếu là một người thành đạt, nhưng hóa ra bà cũng không thể nói rõ hơn được gì ngoài việc vẽ nên hình ảnh tôi dạo quanh thành phố trên chiếc xe của riêng mình và sở hữu một ngôi nhà nguy nga với cái cổng vào thật tráng lệ.

Hơn nữa, Kiyo còn mơ ước một khi tôi đã có nhà riêng thì bà sẽ ở đó để giúp việc cho tôi và thường xuyên nhắc đi nhắc lại mong muốn này. Suy nghĩ đó của bà ám trong đầu tôi, đến nỗi tôi cũng tin rằng mình chắc chắn có được một ngôi nhà riêng, nên tôi hứa sẽ mời bà ở cùng. Thế là trí tưởng tượng phong phú của bà tiếp tục bay bổng trong một không gian vô tận. Bà hỏi tôi sống ở Kojimachi có thoải mái hơn ở Azabu không, khuyên tôi nên để một chiếc xích đu trong vườn vì như vậy rất dễ thương và nhà chỉ cần có một phòng theo phong cách châu Âu cũng được rồi…cứ thế, bà lập mọi kế hoạch cho tương lai. Vào lúc đó, những thứ như nhà cửa là điều mà tôi ít quan tâm nhất trên đời, dù theo phong cách Nhật Bản hay châu Âu thì cũng không ảnh hưởng gì cả, thế nên mỗi khi Kiyo bắt đầu đề cập chủ đề yêu thích của bà thì tôi liền đáp rằng tôi không thích những đồ vật quá sang trọng, cầu kỳ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi nhận được cả một cơn mưa lời khen từ Kiyo tội nghiệp - nào là tâm hồn tôi thật trong sáng, nào là tôi không chút ích kỷ, tham lam. Dù tôi nói gì, bà cũng tìm ra những ý nghĩa tốt đẹp để khen ngợi tôi.

Sau ngày mẹ mất, cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua chừng năm, sáu năm với những lời chửi mắng, càu nhàu của cha tôi, với những trận đánh nhau liên miên cùng anh tôi và những thứ kẹo bánh cũng như lời ca tụng đầy ảo tưởng của Kiyo. Tôi chẳng mơ ước gì hơn, vì với tôi như vậy là tốt lắm rồi, đến nỗi tôi cứ ngỡ đó cũng là cuộc sống của tất cả những thằng con trai khác. Nhưng vì Kiyo cứ bảo tôi thật đáng thương, thật kém may mắn nên rốt cuộc tôi cũng cảm thấy mình là một đứa trẻ bất hạnh. Tuy nhiên, tôi không cảm thấy lo sợ bất kỳ điều gì cả, ngoại trừ việc cha tôi sẽ không cho tôi một đồng nào.

Mẹ qua đời sáu năm thì anh em tôi gánh chịu thêm nỗi đau mất mát khi cha đột ngột từ trần vào một ngày tháng Giêng sau cơn đột quỵ. Rồi chúng tôi lần lượt ra trường. Tháng Tư năm ấy tôi tốt nghiệp trung học, đến tháng Sáu anh tôi tốt nghiệp trường kinh doanh. Anh nhanh chóng tìm được việc làm tại chi nhánh đặt ở Kyushu của một công ty lớn nên đến đó sống trong khi tôi vẫn ở lại Tokyo tiếp tục việc học. Trước khi chuyển đi, anh thông báo anh sắp bán nhà và toàn bộ tài sản cha mẹ để lại. Tôi bảo anh cứ làm những gì anh muốn, chẳng cần hỏi ý kiến tôi. Dù sao thì tôi cũng không chấp nhận được cái cảm giác dựa dẫm và mang ơn anh. Tôi biết, ngay cả khi anh có chút quan tâm, chăm sóc nào dành cho tôi, thì anh cũng sẽ tranh thủ tìm mọi cơ hội đem chuyện ấy kể công hay chỉ trích tôi trong những trận cãi vã không thể tránh khỏi giữa hai anh em. Tôi nhất định thà vất vả tự nuôi thân bằng sức lao động của chính mình chứ không thể nhún nhường, chịu đựng chỉ để được anh bảo bọc. Quả thật, tôi rất sẵn sàng như thế, kể cả việc phải đi giao sữa thuê hàng ngày. Được tha hồ quyết định theo ý riêng, anh gọi ngay người buôn đồ cũ đến bán tất tần tật những thứ đồ đạc thượng vàng hạ cám từng tồn tại cùng gia đình tôi từ đời này sang đời khác. Còn ngôi nhà, anh chuyển nhượng cho một người giàu có thông qua một tay môi giới nhiệt tình. Có vẻ như anh vớ bở trong vụ mua bán này, nhưng tôi không biết bất kỳ chi tiết nào về cuộc giao dịch và số tiền cụ thể vì trước đó một tháng, tôi đã dọn ra phòng trọ thuộc khu Kanda-ku trong lúc loay hoay tìm đường cho tương lai. Kiyo hết mực đau buồn trước cảnh ngôi nhà bà gắn bó hơn mười năm nay đổi chủ nhưng bà không thể làm gì khác. Bà cứ ngậm ngùi tiếc nuối, than vãn suốt rằng phải chi tôi lớn hơn một chút là tôi sẽ được thừa kế căn nhà. Bà không hiểu nếu trên thực tế tôi được phép sở hữu nó khi trưởng thành thì hẳn nhiên bây giờ tôi cũng có quyền đó chứ. Kiyo nghĩ đơn giản chỉ cần thêm vài tuổi là người ta hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng tài sản của anh trai mình.

Với anh em tôi mọi việc như vậy xem như đã ổn, thế nhưng vẫn còn một vấn đề nan giải là Kiyo sẽ ở đâu. Dĩ nhiên anh tôi chẳng cao quyền đến mức có thể mang bà theo cùng, hơn nữa ngay cả chính Kiyo cũng không hề mong muốn đi đến tận Kyushu xa xôi với anh. Hoàn cảnh tôi thì nào sáng sủa gì cho cam! Tôi phải sống trong một căn phòng trọ rẻ tiền bé tí và không biết lúc nào sẽ bị mời ra khỏi đó. Cả hai chúng tôi đều chẳng làm được gì cho bà. Cuối cùng tôi đành hỏi thẳng bà có dự định giúp việc cho ai chưa. Kiyo trả lời trong khi chờ tôi có khả năng mua nhà riêng và kết hôn, bà tạm thời về ở với người cháu. Cháu bà là một thư ký tòa án, kinh tế khá giả và thường mời bà đến sống chung với gia đình anh ta. Vậy mà Kiyo luôn từ chối vì bà thích nơi đã quen thuộc bao năm qua hơn dù chỉ với thân phận người giúp việc. Nhưng giờ đây bà nghĩ có lẽ nương tựa vào con cháu là lựa chọn tốt nhất thay vì đến làm cho một gia đình xa lạ nào đó trong sự bỡ ngỡ, lo lắng. Bà không quên thúc giục tôi cố gắng nhanh chóng mua nhà, cưới vợ ngay khi có thể để bà được trông nom, chăm sóc chúng tôi. Hẳn là Kiyo còn quý mến tôi hơn cả cháu trai mình dù rằng tôi chẳng phải họ hàng thân thích gì của bà.

Trước khi lên đường đi Kyushu hai ngày, anh tôi tìm đến nhà trọ và đưa tôi sáu trăm yên. Anh bảo tôi có thể tùy ý dùng nó theo cách tôi muốn - để kinh doanh hay để học tiếp - sao cũng được, nhưng từ đây về sau đừng trông mong nhờ vả anh. Đúng là một hành động ấn tượng của ông anh quý hóa! Thật ra, nếu anh không cho tôi số tiền ấy thì tôi cũng chẳng lấy làm phiền, nhưng hài lòng trước cách giải quyết dứt khoát, đơn giản đáng ngạc nhiên của anh, tôi nhận nó và cảm ơn. Rồi anh lại đưa thêm năm mươi yên bảo tôi chuyển cho Kiyo, tôi rất sẵn lòng làm việc này. Hai ngày sau, anh em tôi chia tay nhau ở ga Shinbashi và kể từ đó tôi chẳng còn gặp lại anh nữa.

Nằm dài trên giường, tôi miên man suy nghĩ về cách dùng sáu trăm yên. Với tôi mà nói, công việc kinh doanh chỉ mang đến những âu lo, rắc rối. Rồi tôi sẽ không làm tốt được đâu, mà chắc là cũng khó ai có thể gây dựng một sự nghiệp kinh doanh đáng kể khi người ta chỉ nắm trong tay sáu trăm yên tiền vốn! Giả sử tôi làm được như thế thật, thì mấy ai tôn trọng một người ít học hành như tôi lúc này. Vậy thôi, cứ quên cái chuyện buôn bán đi; tôi quyết định học tiếp, và xem đây là số tiền để trang trải học phí. Nếu chia sáu trăm yên ra làm ba phần, tôi sẽ đủ tiền học trong ba năm với điều kiện mỗi năm tiêu tốn không quá hai trăm yên. Nỗ lực miệt mài trong ba năm, hẳn là tôi sẽ học được cái gì đó chứ. Có hướng đi rồi, tôi bắt đầu chuyển sang nghĩ xem mình nên theo học ngành nào, nhưng trước giờ tôi vốn chẳng thích môn nào hết. Cả ngôn ngữ lẫn văn chương đều chắc chắn nằm ngoài sự lựa chọn. Nói về thơ mới chẳng hạn, một bài dài hai mươi câu tôi chả hiểu nổi lấy một câu. Đang lúc tự nhủ mình đã không thích học thì ngành nào mà chẳng được, tôi vô tình bắt gặp bảng thông báo tuyển sinh khi đi ngang qua một trường Vật lý. Tôi cho rằng số phận sắp đặt như thế nên ngó sơ các quy định của họ và điền ngay tên mình vào, không chút cân nhắc, đắn đo. Giờ đây nghĩ lại tôi thấy đó quả là một sai lầm ngớ ngẩn, xuất phát từ cái tính liều lĩnh ngốc nghếch bẩm sinh của tôi mà ra.

Suốt ba năm, tôi đã cố gắng chăm chỉ học tập như những sinh viên khác, song vì không có năng lực trong lĩnh vực này lắm nên nếu muốn xem thứ hạng của tôi trong lớp thì cứ nhìn từ cuối danh sách lên sẽ đỡ mất thời gian hơn. Lạ một điều là kết thúc ba năm học thì tôi cũng được tốt nghiệp. Bản thân tôi thấy chuyện này thật khó tin, nhưng vì không có gì đáng phàn nàn nên tôi cứ ung dung nhận tấm bằng tốt nghiệp vậy.

Tám ngày sau khi tốt nghiệp, đột nhiên thầy hiệu trưởng muốn gặp tôi. Trên đường đến gặp thầy, tôi cứ thắc mắc không biết có chuyện gì. Thì ra là có một trường trung học dưới vùng Shikoku đang cần giáo viên dạy toán với mức lương bốn mươi yên một tháng, và thầy hỏi tôi có muốn nhận việc này không. Phải nói thật lòng rằng dù đã học ba năm liền nhưng cái ý nghĩ trở thành giáo viên và đi dạy ở vùng nông thôn như thế chưa bao giờ xuất hiện trong tưởng tượng của tôi. Tuy nhiên, vì không hề có lựa chọn nào khác ngoài việc làm giáo viên nên tôi nhận lời ngay. Đây cũng lại là một sai lầm bởi tính liều lĩnh ngốc nghếch bẩm sinh ấy.

Tôi đã đồng ý nhận việc rồi thì dĩ nhiên phải đi đến đó. Suốt ba năm qua, tôi chỉ ru rú trong căn phòng chưa đầy ba mét vuông, không bị ai phàn nàn ca cẩm, cũng không phải đánh nhau với ai. So với cuộc sống trước đây và những năm tháng về sau thì ba năm ấy là quãng thời gian thanh thản nhất trong đời tôi. Nhưng đã đến lúc tôi phải rời xa nó rồi. Từ bé đến giờ, lần duy nhất tôi ra khỏi Tokyo là vào dịp đi chơi đến vùng Kamakura với bạn bè cùng lớp. Chuyến này, tôi phải đến một nơi còn xa xôi hẻo lánh hơn cả Kamakura. Nó như một dấu chấm nhỏ bằng đầu kim khâu trên bản đồ, nằm cạnh bờ biển, chẳng hứa hẹn điều gì thú vị cả. Tôi chẳng biết gì về đường ngang lối dọc hay dân cư ở đó ra sao. Mà không biết thì đã sao, tôi việc gì phải lo lắng, cứ đi là đi thôi. Như mọi thứ khác, lo lắng với tôi cũng là một cảm giác thật khó chịu.

Tôi có đến thăm Kiyo vài lần kể từ lúc chúng tôi rời khỏi ngôi nhà cũ. Hóa ra cháu bà là một người rất tử tế. Mỗi lần tôi ghé thăm, anh đều tiếp tôi chu đáo nếu có ở nhà. Kiyo thì hãnh diện ca ngợi tôi đến tận mây xanh với anh, thậm chí bà còn khoe rằng tốt nghiệp xong, tôi sẽ mua ngay một căn biệt thự ở khu Kojimachi và làm việc trong cơ quan chính phủ. Trong những cuộc trò chuyện mà Kiyo cứ tha hồ huyên thuyên tự vẽ vời cuộc đời tôi theo cách như vậy, tôi chỉ còn biết ngồi trân đó và ngượng chín mặt. Mà nào đâu phải chỉ một hai lần, thỉnh thoảng bà còn kể tới chuyện lúc bé tôi hay đái dầm nữa chứ, đến mức này thì chỉ còn nước chui xuống đất. Tôi không biết cháu bà nghĩ sao về những chuyện ấy nữa. Kiyo thuộc dạng người theo tư tưởng truyền thống, vì vậy bà luôn xem mối quan hệ giữa chúng tôi là mối quan hệ chủ - tớ trong thời đại phong kiến. Bà đinh ninh nếu đã là chủ của bà thì cũng là chủ của cháu bà. Thật buồn cười!

Thu dọn xong nhà cửa, tôi ghé lại thăm Kiyo trước khi lên đường ba ngày. Bà đang bị cảm, nằm trong một căn phòng nhỏ quay về hướng Bắc. Vừa thấy tôi, bà trông có vẻ tươi tỉnh hơn lên, ngồi bật dậy hỏi ngay khi nào thì tôi mua nhà, làm như hễ người ta cứ tốt nghiệp xong là tiền tự chạy vào túi vậy. Bà đã nghĩ tôi là một người trưởng thành, có địa vị chứ không còn là một thằng nhóc nữa thì sao bà vẫn gọi tôi là “cậu chủ nhỏ” nhỉ? Việc nhanh chóng mua một căn nhà đối với tôi nào có dễ dàng gì. Khi biết tôi sẽ đến dạy ở vùng quê, bà hết sức thất vọng, cứ vuốt vuốt mãi mái tóc đã điểm nhiều sợi bạc rối bù của mình. Thấy tội nghiệp, tôi đành an ủi bà.

- Cháu đi vậy thôi, nhưng sẽ về sớm mà. Chắc chắn hè năm sau cháu về.

Dù nghe tôi nói thế nhưng nét mặt bà vẫn chẳng khá hơn. Tôi bèn hỏi:

- Vậy cháu mang quà về cho bà nhé, bà thích quà gì nào?

- Tôi thích ăn kẹo gói lá tre của vùng Echigo.

Tôi chưa bao giờ nghe cái gì gọi là kẹo gói lá tre, và dường như vùng Echigo nào đó cũng nằm ở một hướng hoàn toàn khác với nơi tôi sắp đến. Tôi trả lời bà nó lẽ chỗ tôi dạy không có loại kẹo ấy đâu, bà liền hỏi:

- Cậu đến miền nào?

- Miền Tây ạ! - Tôi đáp.

- Là đã qua khỏi Hakone hay chưa tới Hakone?

Tôi không làm sao giải thích cho hết những câu hỏi của bà.

Buổi sáng hôm tôi đi Shikoku, Kiyo đến phòng tôi từ rất sớm và giúp tôi thu dọn đồ đạc. Bà đưa cho tôi một túi vải thô, đựng lỉnh kỉnh những thứ bà đã mua trong một tiệm tạp hóa trên đường đến đây - nào bàn chải đánh răng, kem đánh răng, rồi cả khăn mặt nữa. Tôi bảo không cần đâu nhưng bà cứ nhất định nài nỉ tôi mang theo. Chúng tôi đến nhà ga bằng hai chiếc xe kéo đi song song cạnh nhau. Tôi lên tàu rồi nhưng bà vẫn đứng mãi ở sân ga, đăm đắm nhìn tôi qua cửa sổ, khẽ nói:

- Chắc là chúng ta sẽ khó gặp lại nhau nữa rồi. Cậu giữ gìn sức khỏe nhé!

Kiyo rơm rớm nước mắt. Tôi cũng sắp khóc, nhưng cố kìm lại. Khi tàu đã đi một đoạn, tôi nghĩ mọi việc chắc đã ổn nên thò đầu ra cửa số ngoái nhìn lại. Bà vẫn còn lặng lẽ đứng đó. Bóng bà thật nhỏ bé, đơn côi.