Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục - Chương 07

Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục
Chương 7
gacsach.com

Ngay tối đó tôi rời khỏi nhà trọ Ikagin. Lúc tôi đang gói ghém đồ đạc thì bà chủ nhà chạy vào hỏi sao tôi lại dọn đi. Mụ ta còn bảo nếu có chuyện gì khiến tôi phiền lòng thì cứ nói ra, họ sẽ sửa đổi như tôi muốn. Quái lạ nhỉ! Sao trên đời này lại có nhiều người phức tạp đến vậy? Và làm thế nào mà tôi biết được thật sự mụ ta muốn tôi dọn đi hay ở lại? Mụ này đúng là điên. Đôi co với cái loại người đó chỉ tổ làm mất đi tư cách của dân Tokyo đầy lòng tự trọng như tôi, thế nên tôi bước thẳng ra ngoài gọi một chiếc xe kéo và ngay lập tức rời khỏi đó.

Bỏ đi thì dễ rồi đó nhưng vấn đề là bây giờ tôi cũng chưa biết mình sẽ đến ở chỗ nào đây. Bởi vậy, khi người kéo xe hỏi tôi về đâu thì tôi liền bảo hắn cứ yên lặng đi theo tôi khắc biết. Chúng tôi nhanh chóng lên đường. Tôi thấy dễ nhất là trở về nhà trọ Yamashiro, nhưng nghĩ dù sao mình cũng sẽ dọn đi nữa, làm vậy chỉ gây thêm phiền phức sau này nên lại thôi. Nếu tôi cứ dạo loanh quanh khắp nơi thì sớm muộn tôi cũng sẽ tìm được một nhà trọ hay một căn phòng cho thuê nào đó. Một nơi như thế quả thật là món quà mà số phận sẵn dành cho tôi. Tôi tiếp tục đi lòng vòng qua những khu phố trông khá xinh xắn, yên tĩnh và cuối cùng dừng lại ở khu Kajiyacho. Trước đây khu này được dành cho các võ sĩ đạo xây cất dinh thự, hoàn toàn không thích hợp đối với việc tìm kiếm nhà trọ. Trong lúc đang nghĩ có lẽ mình nên trở lại những khu phố đông đúc hơn thì tôi chợt nảy ra một ý tưởng rất hay. Đồng nghiệp Bí Xanh quý mến là người sống cạnh khu này, anh ta lại là dân địa phương và gia đình anh đã cư ngụ ở đây qua nhiều thế hệ nên chắc chắn anh ta biết rõ mọi ngóc ngách trong thị trấn; nếu tôi đến hỏi anh, đương nhiên anh sẽ giúp tôi được nhiều. Rất may là tôi từng đến chơi nhà anh một lần, do đó tôi nhớ rõ đường đi mà không cần mất thời gian lắm. Đến trước ngôi nhà tôi nghĩ là của Bí Xanh, tôi đứng ở cổng hỏi vọng vào hai lần:

- Xin lỗi, có ai ở nhà không?

Một phụ nữ đứng tuổi - độ chừng năm mươi - từ trong nhà bước ra, trên tay cầm chiếc lồng đèn kiểu cổ màu đỏ. Đối với tôi, cảm giác khi gặp một cô gái trẻ cũng tốt thôi, nhưng bất cứ khi nào trông thấy một phụ nữ lớn tuổi cũng đều khiến lòng tôi ấm áp, thân thiết hơn. Tôi cho rằng đó là vì mình quá yêu quý Kiyo nên có tình cảm ấy với tất cả những người phụ nữ lớn tuổi khác mà mình tiếp xúc. Người đang đi đến trông quý phái, búi tóc ngắn vén gọn gàng ra sau theo kiểu quả phụ thời xưa. Gương mặt bà rất giống Bí Xanh nên tôi đoán đó là mẹ của anh ta. Bà nhã nhặn mời tôi vào nhà nhưng tôi giải thích là mình chỉ đến đây hỏi chút việc và nhờ bà gọi anh ta ra. Gặp Bí Xanh, tôi kể cho anh ta nghe hết về hoàn cảnh hiện nay của mình và hỏi xem anh có biết ai cho thuê phòng trọ không. Bí Xanh bảo đây đúng là một tình huống khó khăn rồi đứng ngẩn ra một lúc. Sau đó, Bí Xanh nhớ ra có lần ông bà lão nhà Hagino ở con đường phía sau nhà anh ta đã nói là nếu anh giới thiệu người nào đáng tin tưởng thì họ sẽ cho thuê căn phòng khách còn trống của gia đình họ. Bây giờ anh ta cũng không chắc là nó còn trống không nhưng anh vui lòng dẫn tôi qua đó xem thử.

Kể từ đêm hôm ấy tôi trọ tại nhà Hagino. Nhưng thật đáng kinh ngạc khi biết rằng lúc tôi vừa đi khỏi nhà Ikagin thì Nịnh Hót đã dọn ngay vào đấy và ở trong chính căn phòng tôi từng ở trước đây như một điều hoàn toàn tự nhiên. Nghe tin đó tôi bị kích động mạnh. Tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng thế giới này chỉ toàn những thằng vô lại, luôn cố tìm mọi cách để giẫm đạp người khác. Tôi chán ngấy rồi.

Dù thất vọng cùng cực khi thấy con người ta hóa ra lại quá tồi tệ đến như vậy, nhưng tôi vẫn phải đi tiếp trên con đường đời mà không cho phép bất kỳ ai chà đạp lên mình. Liệu có còn cảm thấy đáng sống nữa không khi thấu rõ sự thật rằng để kiếm được ngày ba bữa thì người ta chỉ còn cách duy nhất là tự biến mình thành kẻ xấu xa như một tên móc túi. Nhưng nếu đi tự sát trong khi bản thân lành lặn, khỏe mạnh thì cũng lại là một nỗi ô nhục trước bàn thờ tổ tiên, chưa kể đến việc làm nhơ danh tiếng của chính mình. Nghĩ lại, tôi thấy phải chi trước đây mình đem quách sáu trăm yên ra làm vốn và bắt đầu một công việc bình thường như giao sữa chẳng hạn thì mọi chuyện có lẽ đã tốt hơn nhiều so với việc đâm đầu vô cái Viện Khoa học Vật lý và hành xác với đủ những thứ vô bổ như toán. Nếu tôi chọn cách đó thì bây giờ Kiyo vẫn được sống cùng tôi, và tôi sẽ chẳng phải lưu lạc đến chốn xa xôi này mà lo lắng cho bà. Lúc còn ở bên cạnh Kiyo, tôi chưa nhận ra, nhưng từ khi đến đây tôi mới hiểu là bà tốt biết bao, dù có đi khắp cả Nhật Bản cũng chưa chắc tìm được một người nào tốt bụng như bà. Hôm tôi rời Tokyo, bà đang bị cảm, không biết giờ thế nào rồi. Nhận được lá thư tôi gởi hẳn là bà vui lắm, đáng lẽ thư hồi âm của bà đã tới rồi chứ…Trong hai, ba ngày, tâm trí tôi cứ đầy ắp và quẩn quanh mãi với những suy nghĩ đó.

Sốt ruột vì chờ đợi, thỉnh thoảng tôi lại hỏi bà chủ nhà thử xem có thư từ Tokyo gởi đến cho mình không, nhưng lần nào bà cũng nhìn tôi với vẻ ái ngại rồi trả lời không có. Gia đình Hagino xuất thân từ dòng dõi võ sĩ đạo, có thể nói đó là những người tốt, khác xa vợ chồng lão chủ nhà trọ khốn kiếp trước đây. Tuy rằng buổi tối ông chủ thường hay luyện tập lời thoại trong những vở kịch Noh bằng cái giọng khó nghe, nhưng ít ra ông ta chả bao giờ chạy đến rủ tôi pha trà, nên tôi thấy dễ chịu hơn nhiều. Bà chủ thì thường ghé phòng tôi nói chuyện cà kê này nọ. Bà thắc mắc sao tôi không mang vợ đến sống cùng rồi mua nhà luôn. Tôi bèn hỏi lại chẳng lẽ trông tôi giống một người đã có vợ lắm à, và cho bà biết là tôi mới có hai mươi ba tuổi thôi. Lập tức bà phản bác bằng cái giọng địa phương đặc sệt:

- Thì đàn ông hai mươi ba tuổi mà có vợ là một chuyện rất bình thường, đúng không nhể?

Để tăng thêm phần thuyết phục, bà dội vào tai tôi một lô một lốc những ví dụ về mấy tay đã kết hôn lúc mười chín tuổi hoặc có đến hai con khi mới chỉ hai mươi mốt gì đấy mà bà từng biết. Tôi hoa cả đầu óc, vội cố bắt chước cái giọng địa phương của bà trả lời rằng hai mươi ba tuổi đúng là có quyền kết hôn rồi và nhờ bà giới thiệu cho một người vợ tốt. Bà hỏi dồn:

- Thầy nói thật không nhể?

- Vâng, vâng! Cháu nói thật đấy chứ. Cháu muốn cưới vợ lắm rồi.

- Tôi biết mà, thầy cũng muốn cưới vợ, nhể. Lúc trẻ thì ai mà chả như thế.

Lời nhận xét này khiến tôi ớ ra, chẳng biết trả lời sao.

- Nhưng mà tôi biết chắc là thầy có vợ rồi cơ. Tôi chỉ nhìn là biết, nhể.

- Ồ, thật vậy sao? Bà tinh ý quá. Nhưng làm thế nào bà biết được cháu có vợ rồi?

- Làm thế nào ấy à? Chẳng phải là ngày nào thầy cũng đau đáu trông ngóng thư từ Tokyo sao?

- Ô, cháu... Bà tinh ý thật.

- Vậy là tôi nói đúng rồi, phải không nhể?

- Hơ! Chắc vậy.

- Nhưng tôi bảo thầy này, con gái bây giờ không phải như ngày xưa đâu. Thầy nên để mắt đến họ, và tốt nhất là hãy luôn đề cao cảnh giác, nhể.

- Sao thế? Ý bà muốn nói là ở Tokyo vợ cháu có người khác à?

- Ồ không. Vợ thầy thì tốt mà, nhưng…

- May quá, nghe bà nói thế cháu cũng an tâm.

Vậy thì cháu còn phải cảnh giác gì cơ chứ?

- À, vợ thầy thì ổn…dĩ nhiên là vợ thầy tốt rồi, nhưng…

- Hóa ra còn có cả những người không tốt nữa sao?

- Có chứ. Ngay ở đây cũng có đầy ra đấy, thầy ạ. Thầy có biết con gái nhà Toyama không?

- Không, cháu không biết cô ấy.

- Thầy không biết cô ấy, phải không nhể? Cô ta là người đẹp nhất vùng này, nhể, đẹp đến nỗi tất cả các giáo viên trong trường đều gọi là Madonna, nhể. Thầy chưa nghe đến tên đó, phải không nhể?

- Rốt cuộc thì Madonna là ai? Cháu cứ tưởng họ nói về một geisha cơ chứ.

- Không, không, không phải đâu, nó là một từ nước ngoài, hình như là từ họ dùng để ám chỉ một cô gái xinh đẹp, nhể.

- À, ra vậy. Trời ạ!

- Tôi nghe nói ông thầy dạy vẽ đã đặt cho cô ta cái biệt danh đó, nhể.

- Ý bà muốn nói là Nịnh...

- Không, thầy Yoshikawa đã gọi cô ấy như thế, nhể.

- Và cái cô Madonna này là người không tốt à?

- Đúng vậy. Madonna này là một Madonna không tốt, nhể.

- Tệ thật, cháu hiểu ý bà. Từ xưa đến giờ chả người phụ nữ nào có biệt danh mà tốt cả.

- Đúng! Đúng vậy đấy, nhể. Chẳng hạn như quỷ Omasu trong kịch Kabuki và cả Ma cà rồng Ohyaku nữa, phải không nhể.

- Và Madonna cũng giống họ sao?

- Madonna ấy à, để tôi kể thầy nghe, nhể. Thầy có biết thầy Koga, ông thầy tốt bụng đã đưa thầy đến đây đấy, vâng, đã đính hôn với Madonna, nhưng sau đó...

- Sao? Thật khó tin. Cháu không thể nào ngờ được Bí Xanh lại may mắn trong chuyện tình cảm như vậy. Đúng là chúng ta không nên đánh giá người khác qua vẻ bên ngoài. Sau này cháu phải cẩn thận hơn mới được.

- Vâng, sau đó cha của thầy Koga qua đời vào năm ngoái. Trước đây gia đình họ rất giàu có, rất nhiều tiền bạc và còn là cổ đông lớn trong ngân hàng nên mọi việc đều suôn sẻ. Nhưng từ khi ông cụ mất đi, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra mà nhà ấy ngày càng sa sút. Thầy Koga thì hiền lành quá nên dễ dàng bị lừa, nhể. Đám cưới bị hoãn lại vì lý do này lý do khác. Rồi bỗng ông thầy hiệu phó nhảy vào và bắt đầu cưa cẩm cô ta, nhể.

- Áo Đỏ à, phải không? Đồ vô lại! Biết ngay hắn không phải tay vừa mà. Rồi sao nữa hả bà?

- Ông ấy nhờ người thay mặt mình đến đánh tiếng với nhà Toyama thì gia đình đó bảo rằng họ không thể trả lời ngay lập tức vì con gái họ còn hôn ước với Koga, nhưng họ sẽ cân nhắc chuyện này, nhể. Thế là Áo Đỏ lại tiếp tục tìm một người khác có thể giúp đưa mình đến chơi nhà Toyama và bắt đầu trở thành vị khách thân thuộc ở đó. Dần dần, ông ta đã xoay xở để chiếm được cảm tình của cô gái trẻ, nhể. Ông Áo Đỏ không tốt, mà cái cô Madonna này cũng chả tốt, bây giờ thì người ta đàm tiếu về cô ấy khắp nơi. Cô ấy đã sắp cưới Koga, nhưng khi thấy có một ông cử nhân theo đuổi mình thì liền ngã về phía ông ta - thật là một sự xúc phạm đến vị thần linh cai quản nhân gian ngày hôm đó.

- Đúng vậy, mà không chỉ xúc phạm đến vị thần linh cai quản nhân gian ngày hôm đó, còn cả ngày hôm sau và hôm sau nữa, tóm lại là xúc phạm đến tất cả các vị thần linh vào tất cả các ngày.

- Thế là thầy Hotta, bạn của thầy Koga, thấy tội nghiệp thầy ấy nên đã đi nói chuyện với hiệu phó về việc này. Theo những gì tôi nghe được thì Áo Đỏ đã trả lời Hotta rằng ông ta không hề có ý định giành lấy người phụ nữ đã đính hôn với người khác. Nhưng nếu hôn ước đó bị hủy bỏ thì ông ta có quyền chinh phục cô gái ấy, còn bây giờ ông chỉ đơn giản là đến chơi nhà Toyama mà thôi, ông không thấy có vấn đề gì khiến cho Koga phải phàn nàn. Áo Đỏ đã nói như thế thì Hotta còn bắt bẻ gì được nữa, chỉ có nước là bỏ về thôi. Người ta nói từ đó hai người thành ra đối nghịch với nhau, nhể.

- Hình như bà biết tất cả mọi chuyện đang diễn ra. Cháu ngạc nhiên thật đấy! Nhưng làm sao mà bà nắm được nhiều chi tiết như vậy?

- Ở cái thị trấn bé tẹo này thì người ta có thể nghe được mọi chuyện, nhể.

Theo tôi thì bà ta biết quá nhiều thật. Kiểu này chắc bà cũng đã biết luôn cả cái sự kiện tempura và bánh bao của tôi rồi. Đây đúng là một nơi khó sống, nhưng nó vẫn có vài ưu điểm: chẳng hạn như giờ đây tôi đã biết Madonna là ai hoặc hiểu thêm mối quan hệ giữa Nhím và Áo Đỏ - điều đó rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, đối với tôi việc xác định Nhím hay Áo Đỏ mới thật sự là người xấu lại trở thành một vấn đề nan giải. Tôi thuộc loại đầu óc đơn giản, nên nếu mọi việc không trắng đen rõ ràng thì tôi không biết đường đâu mà lần.

- À…hai người đó ai tốt hơn nhỉ, Áo Đỏ hay Nhím?

- Nhím nào cơ? Thầy đang nói gì thế?

- Đó là tên cháu dùng để gọi Hotta.

- Ồ, nếu nói về sức mạnh thì thầy Hotta dĩ nhiên là ăn đứt rồi, nhưng ông Áo Đỏ lại là người đã tốt nghiệp đại học, vậy ông ấy là người có năng lực, nhể. Và nếu nói ai tốt hơn, chắc là Áo Đỏ tốt hơn, nhưng tôi lại nghe nói Hotta được học sinh yêu quý hơn, nhể.

- Vậy rốt cuộc thì ai tốt hơn?

- À, người có lương cao hơn sẽ là người tốt hơn, nhể.

Tôi thấy chả còn gì để tiếp tục cuộc nói chuyện này nên dừng lại ở đó. Vài ngày sau, khi tôi từ trường trở về đã thấy bà chủ đứng chờ với nụ cười rạng rỡ:

- A, cuối cùng thầy cũng đã về. - Vừa nói bà vừa đưa cho tôi một lá thư.

Khi bà đi khỏi, tôi xem thì biết đó là thư của Kiyo. Những con dấu trên bì thư cho thấy nó đã được chuyển từ nhà trọ Yamashiro sang Ikagin, rồi từ Ikagin lại chuyển đến Hagino. Tôi cũng nhận ra thư đã bị giữ lại ở nhà trọ Yamashiro khoảng một tuần; chắc đó là nơi hay giam thư và người nhỉ. Mở thư ra, tôi thấy rất dài, được bắt đầu như thế này:

- Cậu chủ yêu quý!

Vừa nhận được thư cậu, tôi đã muốn hồi âm ngay, nhưng khổ nỗi tôi lại bị cảm mất cả tuần nên hôm nay mới viết thư cho cậu được. Tôi xin lỗi cậu nhé. Mà tôi cũng không đọc thông viết thạo như các cô gái bây giờ nên viết được một bức thư sơ sài thế này đã khó khăn lắm cơ. Tôi định nhờ đứa cháu viết giúp cho, nhưng lại nghĩ gởi cho cậu chủ mà không tự tay viết thì thật tệ, vì vậy tôi bèn viết tất cả những gì mình muốn nói ra một tờ giấy, sau đó chép lại thành một bản sạch sẽ. Tôi chỉ mất có hai ngày để chép lại, nhưng phải mất đến bốn ngày mới viết xong bản nháp đầu tiên đấy. Chữ của tôi chắc cậu khó đọc lắm, nhưng tôi đã cố gắng hết sức để viết ra nên cậu chịu khó đọc cho hết thư nhé.

Bức thư được viết trên một mặt giấy, nếu trải ra chắc dài khoảng hơn một mét tư, trong đó bà viết đủ mọi thứ và đúng là nó khó đọc thật. Không phải chỉ chữ viết tay của bà xấu như gà bới không đâu, mà bà còn viết chữ nọ xọ chữ kia, câu này dính câu khác nữa. Tôi phải căng cả đầu óc lên mới mò ra chỗ nào bắt đầu và chỗ nào kết thúc ý bà muốn nói. Tôi là cái loại thiếu kiên nhẫn đến nỗi bình thường chả có cách nào bắt tôi đọc hết một bức thư vừa dài vừa khó như vậy, thậm chí có cho tôi năm yên thì cũng thế. Nhưng lần này tôi tập trung đọc từ đầu đến cuối. Vì tôi cứ phải cố sức tách từng câu từng chữ ra nên tựu trung tôi không thể nào hiểu được gì cả khi gom chúng lại với nhau. Thế là tôi bắt đầu đọc lại một lần nữa. Lúc này, trong phòng đã tối dần khiến tôi càng lúc càng khó đọc hơn. Tôi bèn mang thư ra hành lang, ngồi vào một góc và đọc thật kỹ. Cơn gió đầu thu vi vút thổi, làm xạc xào cả đám chuối trong vườn. Tôi có cảm giác mỗi làn gió lướt qua tôi thì cũng đều ve vuốt bức thư mà tôi đang trải ra và khẽ giơ lên cao trước mặt, nên trong khi tôi đọc bức thư dài hơn một mét tư ấy thì nó không ngừng bay phần phật tạo nên những tiếng sột soạt nhẹ nhàng; tưởng chừng tôi chỉ cần để vuột khỏi tay là nó sẽ bay đến hàng giậu tít tận ngoài sân. Tuy nhiên, nào tôi có để ý đến mấy chuyện ấy đâu vì quá mải mê với những điều Kiyo viết:

- Cậu chủ à, con người cậu rất ngay thẳng, nhưng điều khiến tôi lo lắng cho cậu nhất là cậu nóng tính quá…Cậu đặt biệt danh cho các giáo viên trong trường như vậy có thể khiến họ không bằng lòng với cậu đấy, nên lúc nào gọi mấy cái biệt danh đó cậu phải cẩn thận nhé. Chỉ nên dùng khi viết thư cho tôi thôi... Tôi nghe nói dân nhà quê là kỳ quặc lắm, cậu cố gắng đừng để dính vào những chuyện rắc rối… Mà thời tiết ở đó chắc là tệ hơn ở Tokyo, ban đêm nằm ngủ cậu phải giữ ấm kẻo bị cảm. Thư của cậu ngắn quá, tôi chả thể nào hình dung được hết chỗ đó ra sao, bởi vậy thư sau cậu nhớ viết nhiều nhiều nhé, ít nhất thì cũng phải bằng phân nửa bức thư này...Cậu cho đám người ở nhà trọ năm yên tiền quà thì cũng tốt, miễn là sau đó cậu không hết tiền sớm.

Ở nông thôn hẻo lánh thì thứ duy nhất cậu có thể trông cậy chỉ là tiền thôi, dè sẻn được đồng nào hay đồng nấy phòng khi cần đến... Chắc không có tiền tiêu cậu gặp nhiều khó khăn lắm nên tôi có gởi kèm theo cho cậu chi phiếu mười yên. Tiền này là tôi trích ra từ số năm mươi yên cậu đưa tôi lúc trước đấy, tôi đã đem nó gởi vào quỹ tiết kiệm, định khi nào cậu trở về Tokyo thì tôi sẽ góp thêm vào để giúp cậu mua nhà. Giờ tôi lấy ra mười yên, còn lại bốn mươi yên, vậy cũng ổn rồi…

Tôi phải thừa nhận là phụ nữ cực kỳ tinh ý, có thể nhìn ra và suy nghĩ chu đáo ngay đến cả những chuyện nhỏ nhặt nhất trên đời.

Đọc xong, tôi ngồi ngơ ngẩn một lúc ngoài hành lang, trong tay vẫn cầm lá thư đang bay lất phất theo chiều gió, chợt bà Hagino kéo cửa bước vào để mang cho tôi bữa tối. Bà hỏi:

- Chà, thầy chưa đọc xong, phải không nhể?

- Vâng, đây là một lá thư quan trọng nên cháu phải mở nó ra, để nó bay bay trong gió và đọc một phần trước, sau đó lại cho nó bay bay thêm lần nữa rồi mới đọc tiếp phần còn lại.

Ngay cả chính tôi mà còn chả hiểu mình đang nói cái gì nữa!

Cũng như thường lệ, bữa tối của tôi lại là khoai lang luộc. Gia đình Hagino dĩ nhiên cư xử với tôi tử tế hơn nhà Ikagin. Họ là những người tốt bụng, thanh cao, có điều thức ăn ở đây thì rất tệ. Tối nay là khoai lang, tối trước là khoai lang, kể cả tối hôm trước nữa cũng là khoai lang. Tuy rằng tôi từng bảo mình thích ăn khoai lang thật, nhưng làm sao người ta có thể nuốt trôi khi hết bữa này sang bữa nọ chỉ toàn lang, khoai lang và khoai lang. Trước đây, tôi đã trêu đồng nghiệp của mình là Bí Xanh, không khéo bây giờ lại đến lượt mình cũng nên; nói không chừng tôi sẽ biến thành một tay Khoai Xanh cơ đấy. Phải chi có Kiyo, chắc chắn bà sẽ làm cho tôi vài món ngon mà tôi thích như cá hồi sashimi, bánh cá nướng… Đó là những thứ không thể trông mong khi sống trong một gia đình nghèo, chi tiêu dè sẻn với truyền thống võ sĩ đạo như thế này. Tôi nghĩ ở bên cạnh Kiyo bao giờ cũng là điều tốt nhất, vì vậy nếu tôi dạy lâu dài ở trường này có lẽ tôi sẽ đưa bà rời khỏi Tokyo để đến đây với tôi.

Buồn cười thật! Làm giáo viên là thế này đấy ư? Là không được phép ăn mì, tempura, hay bánh bao gì sất cơ à? Là phải sống trong nhà trọ với cái món khoai lang đã ngấy đến tận cổ mà vẫn phải ăn cho tới lúc vàng cả người ra sao? Vậy thì đây đúng là một nghề nghiệp khắc nghiệt thật - ngay cả một thầy tu theo phái Thiền cũng còn được ăn uống khá hơn! Rửa dĩa xong, tôi bèn lấy ra hai quả trứng cất trong ngăn kéo bàn đập vào miệng bát, lột vỏ rồi nhai nhóp nhép để có đủ sức tiếp tục làm việc. Chứ làm sao tôi chịu đựng nổi khi phải dạy hai mươi mốt tiết một tuần mà không tự bồi dưỡng bằng những quả trứng ấy.

Mải đọc thư của Kiyo nên tôi đến khu suối nước nóng khá muộn. Giờ đây, nó đã trở thành thói quen không thể thiếu đối với tôi, một ngày không đi đến đấy là trong người tôi chả thể nào thoải mái được. Tôi định đi bằng xe lửa, nhưng khi tôi bước vào nhà ga với cái khăn đỏ quen thuộc vung vẩy trên tay thì xe đã khởi hành trước đó vài phút, đành chờ chuyến sau vậy. Tôi đang ngồi hút thuốc. Bỗng tôi trông thấy một người xuất hiện. Đó chẳng phải ai khác mà chính là Bí Xanh. Sau những gì nghe được từ bà Hagino, tôi càng thương cảm cho anh hơn. Mỗi khi bắt gặp cái vẻ dè dặt, sợ sệt như thể mình là một tên tội phạm trên thế giới luôn toát lên từ anh, tôi tội nghiệp anh lắm. Ngoài cảm giác tội nghiệp, tôi còn muốn làm cho anh nhiều hơn thế nữa. Tôi ước mình có đủ quyền lực để tăng lương cho anh gấp đôi, giúp anh ta cưới được con gái nhà Toyama và tặng họ một chuyến du lịch tuyệt vời kéo dài đến một tháng ở Tokyo. Vì thế, thấy anh vừa tới nơi là tôi vồn vã chào đón, hỏi anh đi tắm suối nước nóng à, rồi cố mời anh ngồi vào chỗ của tôi. Chẳng biết có phải vì sợ bất lịch sự hay không mà Bí Xanh chỉ lí nhí một câu với nét mặt như người có lỗi: “Ồ, được, được rồi, không sao đâu ạ, không cần phải để ý đến tôi đâu!” rồi vẫn tiếp tục đứng đó. Tôi lại mời thêm lần nữa, bảo chúng ta sẽ chờ lâu đấy, cứ đứng như vậy anh sẽ mệt mất thôi, chi bằng cứ ngồi xuống đi đã nào. Thật ra chắc có lẽ vì tôi thấy thương anh quá nên muốn anh ngồi cùng tôi hay sao ấy. Mãi anh mới chịu nghe tôi, và nói: “Cảm ơn anh nhiều nhé!”.

Thật là một thế giới phức tạp! Trên đời này đúng là có đủ loại người. Có loại quá phiền phức như Nịnh Hót, chuyên chõ mũi vào chuyện người khác ngay cả khi nó chả liên quan gì đến mình; lại có những tay kiêu căng như Nhím, vênh vênh váo váo tưởng chừng trên mặt khắc sẵn dòng chữ Nhật Bản sẽ không khá lên nổi nếu thiếu hắn, hay như Áo Đỏ - luôn tự hài lòng với chính mình rằng ta đây thật bảnh bao, là tâm điểm của những câu chuyện tình ái và có sức quyến rũ mạnh mẽ. Cũng có kẻ như lão Lửng, không ngừng phô trương với mọi người lão chính là điển hình của cả nền giáo dục, chẳng khác nào một Tinh thần giáo dục sống - một tinh thần giáo dục có hình hài và quấn mình trong chiếc áo choàng! Tất cả bọn họ đều bộc lộ cá tính của riêng mình, hành xử theo cách của mình, nhưng tôi chưa gặp ai như Bí Xanh bao giờ. Anh lặng lẽ và cam chịu đến độ trông như một con rối bị điều khiển hơn là một con người. Đôi khi anh khiến người ta phải tự hỏi liệu anh có tồn tại thật hay không. Mặc dù mặt anh sưng húp, nhưng nếu cô Madonna nọ lại đi rời bỏ một người đàn ông tuyệt vời đến thế để ngã vào vòng tay của Áo Đỏ thì cô ta đúng là đồ ngốc. Ngay cả khi có hàng tá những gã như Áo Đỏ đứng ngay trước mặt, cũng chả ai có hy vọng gì tìm được một người chồng tốt trong số đó. Tôi lên tiếng:

- Anh có sao không? Trông anh có vẻ mệt mỏi…

- Không, không, tôi chả ốm đau gì cả đâu…

- Nghe vậy tôi mừng lắm. Người ta mà bị bệnh thì thật khó chịu, anh nhỉ?

- Trông anh lúc nào cũng khỏe mạnh cả.

- Vâng, tuy tôi gầy thế nhưng tôi khỏe lắm đấy. Chủ yếu là vì tôi không thể nào chịu đựng nổi cái chuyện bị bệnh.

Nghe tôi nói đùa như thế Bí Xanh toét miệng cười.

Vừa lúc đó tôi nghe có tiếng cười của con gái vọng đến từ lối vào. Tôi lập tức quay nhìn, và cái mà tôi trông thấy thật đáng kinh ngạc: đó là một cô gái đẹp lộng lẫy, dáng người cao, da trắng và mái tóc cầu kỳ, đúng với kiểu đang thịnh hành đang đứng ở quầy vé cạnh một phụ nữ có vẻ khá nghiêm trang độ hơn bốn mươi tuổi. Tôi hoàn toàn chẳng giỏi giang gì trong việc miêu tả nét lộng lẫy của một cô gái nên cũng không cố, chỉ biết chắc chắn là cô ấy cực kỳ xinh đẹp. Không hiểu sao khi nhìn cô ấy tôi có cảm giác rất lạ, giống như tôi đang nâng niu một viên pha lê rực rỡ vừa mới hình thành trong lòng bàn tay mình vậy. Người phụ nữ lớn tuổi thấp hơn cô một chút, nhưng gương mặt họ rất giống nhau, chắc là hai mẹ con.

Ngay từ giây phút đầu tiên ngỡ ngàng trước vẻ xinh đẹp tuyệt mỹ ấy, tôi đã không thể nào rời mắt khỏi cô ta. Tôi quên tất cả mọi chuyện về Bí Xanh. Nhưng anh lại khiến tôi ngạc nhiên khi đột ngột đứng dậy và đi về phía hai người phụ nữ đó. Tôi chợt nghĩ cô ấy có thể là Madonna lắm chứ. Cả ba người chào hỏi nhau nơi quầy vé, nhưng vì họ đứng quá xa nên tôi chẳng nghe được họ nói gì.

Tôi xem đồng hồ của nhà ga thì biết còn phải đợi năm phút nữa, nhưng tôi mong xe đến sớm hơn vì chả còn ai để trò chuyện. Lúc đó bỗng có một hành khách vội vã tiến vào sân ga. Hắn chính là Áo Đỏ. Hắn đang khoác trên người chiếc kimono bằng lụa mỏng, cái thắt lưng nhiễu thì buộc một cách cẩu thả, lại thêm sợi dây vàng treo đồng hồ cứ đung đưa lủng lẳng như thường lệ. Sợi dây vàng này là đồ giả. Áo Đỏ tưởng là không ai biết nên thường hay đem nó ra khoe khoang, nhưng làm quái gì hắn lừa được tôi. Vừa xông vào, hắn đã bồn chồn nhìn quanh nhà ga, chỉ đến khi trông thấy ba người kia đang đứng trước quầy vé hắn mới lịch sự cúi đầu chào, tỏ vẻ muốn nói vài lời với họ. Nhưng bỗng dưng hắn chuyển hướng và bước từng bước nhẹ như mèo về phía tôi:

- A, cậu cũng đi đến suối nước nóng à? Tôi sợ mình lỡ chuyến xe nên chạy vội đến đây, nhưng hình như vẫn còn vài phút, không biết cái đồng hồ của tôi có đúng không…

Hắn lôi cái đồng hồ trong túi ra, bảo nó lệch hai phút so với đồng hồ ở nhà ga rồi ngồi xuống cạnh tôi. Áo Đỏ không nhìn lại phía những người phụ nữ lần nào nữa, chỉ ngồi tựa cằm vào chiếc gậy dùng để đi bộ và hướng ánh mắt thẳng về trước. Người phụ nữ lớn tuổi liên tục ngoái nhìn Áo Đỏ, nhưng cô gái trẻ thì chẳng hề ngó tới. Giờ tôi đã chắc chắn cô ấy chính là Madonna.

Cuối cùng tiếng còi cũng cất lên và tàu sắp chuyển bánh. Đám đông trong sân ga xô đẩy nhau leo lên các toa. Áo Đỏ vội nhảy vào hàng ghế hạng nhất. Thật ra, tuy là hạng nhất nhưng cũng chẳng có cảm giác gì cao sang hơn người ta: ví như giá phòng hạng nhất ở khu suối nước nóng là năm xu, trong khi phòng hạng hai là ba xu, chỉ cách nhau có hai xu mà thôi. Ngay cả một người như tôi mà còn có thể sẵn lòng bỏ ra thêm hai xu để có được tấm vé hạng nhất thì cũng có thể hiểu là nó chả đặc biệt gì. Tuy nhiên, dân xứ này đúng là những kẻ keo kiệt, hầu hết đều mua vé hạng hai, chắc cái việc thêm hay bớt hai xu đối với họ là một chuyện rất to tát. Hai mẹ con Madonna theo sau Áo Đỏ đi vào hàng ghế hạng nhất. Bí Xanh thì không bao giờ mơ tới vị trí đó. Anh tần ngần đứng trước lối vào của hàng ghế hạng hai, vẻ do dự ngập ngừng, nhưng vừa nhìn thấy tôi anh vội bước vào ngay. Điều đó khiến tôi xót xa và thương anh vô hạn nên đến ngồi cùng anh. Tôi phát hiện thấy sẽ chẳng ai bận tâm hay phàn nàn khi một người ngồi ở ghế dành cho vé hạng hai với tấm vé của ghế hạng nhất.

Ở khu suối nước nóng tôi lại gặp Bí Xanh lần nữa lúc tôi đã thay áo và chuẩn bị vào bồn tắm. Tôi thấy là mình không thể mở miệng, hoặc luôn lắp ba lắp bắp câu được câu không khi buộc phải phát biểu trong những cuộc họp có tính trang trọng thôi, chứ còn bình thường thì bản chất tôi lại là người ăn nói cởi mở, nên lúc đang ngâm mình trong bồn tắm tôi cũng cố bắt chuyện với anh. Tôi không thể chịu nổi cảm giác trông thấy vẻ đáng thương nơi anh. Với lòng tự tôn của dân Tokyo gốc, tôi nghĩ rằng mình có trách nhiệm phải làm điều gì đó tốt đẹp cho anh, dù chỉ là vài lời an ủi để giúp anh vơi bớt những nỗi đau buồn. Nhưng khổ thay anh lại không hề để ý đến sự quan tâm của tôi. Tôi có ra sức nói gì đi nữa thì cũng chỉ được nghe anh ậm ừ vài tiếng “à”, “ờ”, mà ngay cả để thốt ra những cái “à”, “ờ” như thế với anh cũng là một sự cố gắng. Cuối cùng tôi cũng đành từ bỏ nỗ lực thực hiện thiện ý ấy và chấm dứt cuộc trò chuyện.

Tôi không gặp Áo Đỏ trong phòng tắm. Dĩ nhiên, ở nhà tắm này có biết bao nhiêu phòng. Cho dù chúng tôi đi cùng chuyến xe thì cũng không có nghĩa là chúng tôi sẽ gặp nhau trong cùng một bồn tắm. Lúc tắm xong và rời khỏi đó, tôi chợt nhận ra trăng đêm nay rất đẹp. Hai hàng liễu mọc ven đường càng trở nên thơ mộng, cành lá thướt tha in bóng dưới trăng. Tôi thích thú dạo chơi hóng mát một chút. Tôi đi đến tận cửa Bắc của thị trấn, nơi có một cánh cổng lớn phía bên trái, đó là con đường dẫn vào một ngôi chùa. Tuy nhiên, dọc hai bên đường ấy lại là những ngôi nhà thuộc khu vực đèn đỏ. Đúng là một điều kỳ quặc trước nay chưa từng có. Tôi rất muốn vào xem thử, nhưng biết nếu làm thế rồi đây thể nào cũng sẽ bị lão Lửng đem ra chỉ trích trong cuộc họp hội đồng sắp tới nên tôi quyết định không vào. Ngay sát cánh cổng là ngôi nhà nhỏ với những ô cửa sổ mắt cáo và bức rèm đen treo trước cổng - đó chính là cái tiệm bánh bao đã gây cho tôi biết bao rắc rối đấy. Nó còn có cả một chiếc đèn lồng to tròn với dòng chữ “SÚP ĐẬU NGỌT - SÚP KIỀU MẠCH” treo ngay lối vào, chiếu sáng cả gốc liễu mọc sát hiên nhà. Tôi muốn bước vào quá, nhưng kịp tự ngăn mình và bước vội đi.

Cảm giác không được ăn bánh bao trong khi mình rất muốn ăn quả là khó chịu, nhưng nếu bị hôn thê dứt bỏ tình cảm để chạy theo một người đàn ông khác thì mới thật sự đau khổ tột cùng. Những cái bánh bao thì có ý nghĩa gì - tôi nhận ra rằng dù tôi có nhịn đói suốt ba ngày thì cũng chẳng có gì đáng than phiền nếu so với hoàn cảnh của Bí Xanh. Trên thế giới này con người là những sinh vật không đáng tin cậy nhất! Nếu chỉ nhìn vào gương mặt Madonna, không ai có thể ngờ rằng một cô gái diễm lệ như thế lại nhẫn tâm đến vậy, nhưng cô ấy đã làm điều độc ác đó. Trong khi Koga - với gương mặt sưng húp, nước da xanh xao, vẻ như một quả bí xanh cuối mùa - lại là người đàn ông tốt. Đừng bao giờ xem nhẹ sự cảnh giác, cẩn trọng. Cứ nghĩ rằng Nhím là một người thẳng thắn, chân thành, thì sau đó lại nghe chính hắn đã xúi giục bọn học trò… Khi đang cho rằng hắn xúi giục bọn học trò thì hắn đề nghị hiệu trưởng trừng phạt bọn chúng vì trò quậy phá chúng đã gây ra… Trong khi đang nghĩ Áo Đỏ là một tên nham hiểm thì đột nhiên hắn lại tỏ vẻ rất tốt bụng và cảnh báo ta nên đề phòng những mối nguy hiểm… sau đó ta lại phát hiện hắn đã chinh phục được Madonna bằng những trò hèn hạ. Và rồi chính hắn lại tuyên bố hắn không hề có ý định gì với cô ta trừ khi hôn ước giữa cô và Koga bị hủy bỏ. Gia đình Ikagin ra vẻ rất tiếc khi tôi bỏ đi nhưng ngay sau đó lại đón tiếp Nịnh Hót vào… Nghĩ lại tất cả những chuyện này, người ta chẳng còn biết nên tin vào cái gì nữa. Nếu tôi kể cho Kiyo nghe mọi việc, chắc bà sẽ vô cùng sửng sốt. Có lẽ bà sẽ nói điều này chứng tỏ ở những vùng xa hơn Hakone chỉ toàn là lũ quái vật.

Tôi vốn là một người khoan dung, dễ chấp nhận, và trước giờ tôi cũng ít khi nào để chuyện gì khiến mình lo lắng, phiền não, nhưng từ khi đến thị trấn chỉ mới trong vòng một tháng mà tôi đã nhận ra thế giới này thật đáng sợ. Mặc dù không có chuyện gì quá tệ hại xảy đến với tôi, nhưng tôi thấy dường như mình bỗng già đi chừng năm, sáu tuổi. Tốt nhất là tôi nên nhanh chóng thoát khỏi nơi này và trở về Tokyo… Nghĩ đến đây, tôi chợt nhận ra mình đang băng qua cây cầu đá, rồi đến bên bờ đê dọc theo sông Nozeri. Gọi đó là sông để nghe cho có vẻ lớn lao nhưng thực sự nó chỉ giống như một dòng suối nhỏ, rộng chừng hai mét. Khoảng hơn một cây số dọc theo bờ suối là làng Aioi có ngôi đền thờ Nữ thần may mắn Kannon.

Quay nhìn lại thị trấn, tôi trông thấy những chiếc lồng đèn đỏ đang chiếu sáng dưới ánh trăng, và còn nghe được cả những tiếng trống taiko, có lẽ phát ra từ khu đèn đỏ. Dòng suối tuy không sâu nhưng chảy xiết, cuốn nhanh, tạo nên những gợn ánh sáng lung linh. Tôi cứ tiếp tục lang thang dọc bờ suối, và khi đi khoảng chừng hơn bốn trăm mét thì tôi bắt gặp vài cái bóng mờ ở phía trước. Dưới ánh trăng, tôi trông rõ đó là hai người. Tôi nghĩ đấy chắc là những thanh niên trong làng trên đường trở về nhà từ khu suối nước nóng nên hy vọng trên đường đi họ sẽ hát vài bài nhưng họ vẫn im lặng đáng ngạc nhiên.

Tôi cố bước nhanh hơn họ, và khi tôi đến càng gần thì hai cái bóng càng hiện rõ ra. Một người chắc là phụ nữ. Lúc tôi còn cách họ khoảng mười tám mét thì người đàn ông chợt quay lại. Vì ánh trăng chiếu đến từ phía sau lưng tôi nên tôi trông thấy mặt hắn khá rõ. À há! Cặp ấy lại bước tiếp. Với ý định vừa nảy sinh trong đầu, tôi tiếp tục theo sát họ. Hai người vẫn đi thong thả phía trước, ung dung như lúc ban đầu. Giờ đây tôi không những nghe được những gì họ nói mà gần như còn có thể tiến sát đến bên họ, chạm được vào họ. Con đường dọc theo bờ sông này cũng chỉ rộng đủ cho khoảng ba người đi song song nhau. Tôi đã bắt kịp họ, khẽ chạm vào tay áo của người đàn ông. Khi vượt qua họ hai bước, tôi quay đầu nhìn thẳng vào mặt hắn. Ánh trăng hào phóng chiếu vào gương mặt tôi từ mái tóc ngắn trên đầu cho đến tận cằm bằng những tia sáng rạng rỡ. Người đàn ông chỉ kịp thốt lên một tiếng “A!” bằng cái giọng thì thầm chứng tỏ hắn đã nhận ra tôi rồi quay sang bạn đồng hành nói khẽ: “Chúng ta quay lại thôi” rồi cả hai quay trở lại khu suối nước nóng.

Tôi không chắc là Áo Đỏ cố tình bỏ chạy để chối bay chối biến chuyện này, giả vờ như hắn là người vô tội hay chỉ đơn giản là hắn giật mình, hoảng hốt rồi phản ứng như thế mà chưa kịp nhận ra tôi. Nhưng tôi biết chắc chắn một điều: tôi không phải là người duy nhất phải chịu đựng những phiền toái khi sống trong một cái thị trấn nhỏ bé như thế này.