Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục - Chương 10

Cuộc Nổi Loạn Ngoạn Mục
Chương 10
gacsach.com

Chiến tranh kết thúc, trường cho học trò nghỉ học để tham gia buổi lễ hội ăn mừng chiến thắng được tổ chức ở thao trường của thị trấn. Lão Lửng dẫn đầu cả đoàn học trò diễu hành rầm rộ trên đường đến đó. Vì là giáo viên nên tôi cũng phải đi cùng. Ở khắp các khu phố, chúng tôi trông thấy quốc kỳ Nhật Bản tung bay phấp phới, quang cảnh rực rỡ lóa cả mắt.

Đoàn chúng tôi có đến khoảng tám trăm học sinh, được sắp xếp thành hàng ngay ngắn theo từng lớp dưới sự tổng chỉ huy của giáo viên thể dục, đồng thời còn thêm một hoặc hai giáo viên khác đi ở giữa mỗi hàng để giúp trông coi chúng. Trên lý thuyết thì kế hoạch này nghe có vẻ hiệu quả, hợp lý thế đấy, nhưng thực tế tình hình lại diễn ra cực kỳ hỗn loạn. Bọn học trò không chỉ còn quá trẻ con, mà còn là những đứa trẻ ngỗ nghịch, xấc láo, vì vậy chúng sẽ cảm thấy rất xấu hổ nếu thất bại trong những trò quậy phá. Dù có bao nhiêu giáo viên ra sức giữ cho chúng ngay hàng thẳng lối, đội ngũ trật tự đi nữa thì đó vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi. Đầu tiên chúng bỗng dưng gào lên bài quân hành ca mà chẳng theo yêu cầu của ai cả; rồi hát xong thì chúng liền hét vang những tiếng kêu inh ỏi đầy kích động trong các cuộc quyết chiến, như thể chúng là một đám samurai nổi loạn ngạo nghễ đang dọa dẫm thị trấn vậy. Còn lúc không hò hát hay la hét, chúng đua nhau khua môi múa mép, nói năng ồn ào ngậu xị như bầy ong vỡ tổ. Tôi chẳng hiểu nổi tại sao chúng không thể yên lặng đi theo hàng của mình, nhưng người Nhật bẩm sinh vốn lắm điều nên có quở trách, mắng mỏ chúng cũng chả khác nào nước đổ đầu vịt. Và chúng đâu chỉ buôn đủ thứ chuyện bình thường, chúng còn tìm cơ hội bôi nhọ, nói xấu sau lưng các giáo viên nữa, thật là một lũ mất dạy.

Tôi nhớ lại việc mình đã từng buộc được chúng phải xin lỗi sau khi nhà trường giải quyết xong vụ trực đêm. Tuy nhiên, sự thật bên trong lại khác xa vẻ bề ngoài. Nói theo cách của bà chủ nhà thì chúng làm vậy để che mắt tôi vì tính tôi thẳng thắn, đơn giản. Bọn chúng sẽ xin lỗi - tất nhiên là thế - nhưng không phải bởi chúng thật lòng hối hận về trò chơi khăm ác ý ấy mà chỉ do hiệu trưởng ra lệnh nên chúng đến gặp tôi, cúi đầu xuống một cách máy móc, và đó hoàn toàn là những hành động vô nghĩa, không chút cảm xúc. Giống với cái kiểu của bọn bán hàng luôn khúm núm cúi chào ta trong khi đang toan tính lừa gạt ta cho bằng mọi cách, những thằng ranh này dù có xin lỗi cũng chẳng thể nào khiến chúng ngừng gây rối. Nghĩ vậy, tôi thấy cả xã hội chỉ toàn những kẻ như chúng. Thế nên, nếu ai đó tin vào những lời xin lỗi và chấp nhận mong muốn được tha thứ của người khác thì đúng là chân thật đến mức ngốc nghếch. Chúng ta nên xem cả việc xin lỗi lẫn tha thứ đều là những hành động mang tính hình thức, giả vờ. Để nhận được một lời xin lỗi xuất phát từ tận đáy lòng của ai đó, ta phải ra sức đấu tranh cho đến lúc bản thân họ cảm thấy ăn năn thực sự.

Trong lúc trông chừng đám học trò, tôi có thể nghe đó đây vang lên những câu úp mở về tempura này, bánh bao nọ râm ran không ngớt, nhưng bọn chúng quá đông đúc nên tôi không thể tóm được đứa nào đã nói mấy câu đó. Giả sử tôi có bắt được chúng, rốt cuộc cũng sẽ chỉ chứng kiến cái cảnh chúng kêu ca, chối cãi rằng mình không nói gì cả, rằng tôi nghe như vậy đều là do tưởng tượng hay thậm chí là do thần kinh suy nhược mà ra và hàng mớ những lý lẽ vớ vẩn khác. Sự hèn nhát vốn đã là một tính cách cố hữu của bọn người ở đây đã được lưu truyền từ thời đại phong kiến đến giờ, vì vậy bất kể có giáo dục, thuyết giảng hay trách phạt chúng thế nào cũng không thể chữa trị nổi căn bệnh tệ hại đó. Nếu phải sống ở một nơi như thế này trong chừng một năm thì ngay đến cả người ngay thẳng, trung thực như tôi cũng sẽ bị lây nhiễm và cư xử giống hệt họ.

Tất nhiên, tôi không việc gì phải để cho người khác bêu xấu, nhạo báng mình rồi sau đó gân cổ lên chối cãi để lẩn tránh trách nhiệm. Chẳng lẽ tôi thì không phải là con người như chúng à? Tuy chúng chỉ là học sinh, là những đứa trẻ, nhưng chúng đã cao lớn, vạm vỡ hơn tôi nhiều, thế nên tôi mà không trừng phạt được chúng thì đúng là tôi chả còn chút giá trị gì. Nhưng nếu tôi cứ áp dụng những biện pháp thông thường thì chắc chắn chúng sẽ cho tôi nếm mùi gậy ông đập lưng ông. Ngược lại, nếu tôi bảo thẳng với chúng là chúng đã làm những chuyện sai quấy và đáng nhận lãnh hình phạt thì bọn chúng sẽ lôi ra ngay hàng đống lý lẽ đã được chuẩn bị sẵn để hùng hồn tuyên bố mình vô tội. Không những thế, chúng còn làm ra vẻ như chúng thật sự rất ngoan ngoãn, trung thực và tiếp tục tấn công tôi bởi tôi đã động đến chúng. Điều này cho thấy tôi chỉ có cơ hội trừng trị bọn chúng khi chứng minh được những hành vi sai trái mà chúng gây ra; và cũng có nghĩa là, một khi chúng công kích tôi trước rồi khiến cho mọi người tin rằng chính tôi mới là kẻ khơi mào vụ việc thì xem như tôi rơi vào tình thế rắc rối nan giải, chẳng khác nào dính vào bẫy. Còn trong trường hợp tôi cứ mặc kệ chúng, cố ngậm bồ hòn làm ngọt và thể hiện thái độ dễ dãi, chúng sẽ được đằng chân lân đằng đầu, càng lúc càng lộng hành - nhìn ở góc độ rộng hơn thì đó là lý do mà cả xã hội chẳng khá lên được đấy.

Rốt cuộc, về căn bản tôi chả còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những mưu ma chước quỷ của đối phương rồi tìm cách trả đũa chúng mà không để bị nắm thóp. Thật sự, khi nào hoàn cảnh đẩy tôi tới mức phải sử dụng kế sách như vậy thì đó cũng chính là lúc đặt dấu chấm hết cho lòng tự tôn của dân gốc thủ đô mà tôi luôn kiêu hãnh. Tuy nhiên, tôi chỉ là một con người bình thường, vì vậy nếu trong khoảng thời gian một năm mà tôi cứ bị mắc mãi những trò tai quái của chúng thì dù có ném đi lòng tự trọng hay gì gì đấy tôi vẫn sẽ làm thế để giành chiến thắng. Con đường duy nhất giúp tôi thoát khỏi cái mớ bòng bong hỗn độn này là trở về Tokyo và sống vui vẻ, bình yên bên cạnh Kiyo ngay lập tức. Tôi đã hiểu thấu rằng cố gắng tiếp tục giam mình ở chốn quê mùa, hẻo lánh như bây giờ chẳng khác nào tự đày ải bản thân, tự chôn mình vào một hố sâu không lối thoát. Nó còn tệ hơn cả việc đi giao báo nữa.

Khi tôi vừa lê bước cùng đoàn diễu hành vừa nghĩ ngợi lung tung như thế thì chợt nhận ra phía trước dường như có chuyện gì đó rất ồn ào, lộn xộn. Và rồi cả đoàn đột nhiên dừng lại. Từ phía cuối hàng, tôi bước sang phải để quan sát sự việc thế nào. Thì đây, ở ngay ngã rẽ từ đường Otemachi sang Yakushimachi, đám diễu hành bị dồn lại thành đống, chật cứng như hộp cá mòi vì có một số học sinh đang quyết liệt xô đẩy một nhóm khác. Giáo viên thể dục vội vã chạy như bay đến đó, la hét khản cả cổ yêu cầu chúng hãy bình tĩnh. Tôi hỏi có việc gì vậy thì anh ta trả lời là học sinh trường mình vô tình lấn sang hàng của sinh viên trường sư phạm ở góc đường.

Tôi thường nghe nói học sinh trường trung học và sinh viên trường sư phạm ở bất cứ tỉnh nào cũng gây chiến với nhau như chó với mèo. Tôi chả hiểu tại sao nhưng có vẻ như chúng luôn đối nghịch nhau đến nỗi việc nhỏ nhặt gì cũng có thể dẫn tới ẩu đả. Chắc là vì chúng chán sống ở xó xỉnh chật hẹp thế này nên kiếm đủ thứ chuyện để giết thời gian. Giờ tôi cũng đang rất muốn đánh nhau, bởi vậy nghe có tiếng cãi cọ ầm ĩ là tôi chạy đến xem ngay. Tôi nghe thấy mấy đứa đứng đầu hàng hét to:

- Tránh đường cho tụi tao đi, hỡi bọn trường công thất bại.

Và đám phía sau phụ họa:

- Đẩy chúng ra. Đẩy chúng ra!

Vừa lúc tôi đến gần ngã rẽ có bọn học trò đang cản đường thì nghe tiếng ai đó ra lệnh một cách cứng rắn, mạnh mẽ:

- Vào hàng ngay, tiếp tục diễu hành!

Thế là đám sinh viên trường sư phạm lập lại trật tự và tiến về phía trước. Vấn đề tâm điểm gây nên sự việc lộn xộn vừa rồi - tức là cái chuyện ai sẽ đi trước đấy - xem như đã được xác định quá rõ ràng: trường trung học phải nhường đường. Theo như quan điểm phổ biến thì trường sự phạm đứng trên trường trung học trong bảng xếp hạng.

Buổi lễ diễn ra với những nghi thức rất đơn giản. Đầu tiên, sư đoàn trưởng đọc diễn văn chúc mừng, sau đó đến tỉnh trưởng cũng phát biểu một bài tương tự và đám đông còn lại thì hò hét vài lời “muôn năm”, thế là xong. Nghe nói buổi chiều sẽ có chương trình giải trí, nên trong khoảng thời gian đó tôi trở về nhà để viết thư cho Kiyo. Tôi đã dự định làm việc này từ hôm đọc thư của bà. Bà bảo tôi hãy kể thật tỉ mỉ về cuộc sống của mình nên tôi sẽ cố gắng viết thật chi tiết. Thế nhưng, đến khi cầm giấy viết trên tay tôi lại không biết bắt đầu từ đâu dù trong đầu tôi đầy ắp những điều cần chia sẻ cùng bà. Tôi muốn viết về chuyện này, nhưng thấy nó rối rắm quá; tôi muốn kể về việc kia, nhưng lại thấy nó thật chán. Tôi cố vắt óc tìm một cái gì đó để có thể đặt bút viết trôi chảy mà không khiến tôi quá căng thẳng và còn là chuyện Kiyo thích nghe nữa, nhưng quả tình tôi chẳng moi ra được một thông tin hay chủ đề nào như vậy. Tôi khuấy nghiên mực, nhúng bút vào, nhìn chằm chằm vào tờ giấy, rồi lại nhìn chằm chằm vào tờ giấy, nhúng bút và khuấy nghiên mực một lần nữa. Sau khi đã lặp đi lặp lại mấy động tác đó hàng đống lần tôi chỉ còn nước đi đến kết luận mình không thể viết nổi một lá thư đúng nghĩa và đem cất nghiên mực đi. Viết thư phiền phức thật! Chỉ cần chạy thẳng về Tokyo và trực tiếp kể cho bà nghe thì mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Dĩ nhiên không phải tôi không quan tâm đến sự lo lắng của Kiyo nhưng việc viết một bức thư như bà mong muốn còn khó khăn hơn là nhịn đói suốt ba tuần.

Tôi ném cả viết lẫn giấy sang một bên rồi nằm dài trên sàn, vòng tay kê đầu và ngó ra vườn trong lúc vẫn tiếp tục nghĩ về chuyện lá thư viết cho Kiyo. Rồi tôi cũng nhìn nhận sự việc theo hướng này: miễn là tôi vẫn quan tâm đến bà thì dù chúng tôi có cách xa nhau bao nhiêu đi nữa bà chắc chắn cũng sẽ cảm nhận được tình cảm trong lòng tôi; và chỉ cần bà cảm nhận được như vậy thì tôi không cần phải gởi cho bà bất cứ thứ gì, kể cả thư. Nếu tôi không gởi thư cho bà, bà sẽ hiểu là tôi vẫn ổn. Người ta thường chẳng gởi thư cho đến khi nào có chuyện trọng đại gì đó xảy ra, ví dụ như bị bệnh hay chết chẳng hạn.

Mảnh vườn tôi đang nhìn ra là một khoảng đất rộng chừng sáu mét vuông, trồng vài loại cây tạp, chỉ riêng có một cây quýt là đáng kể. Nó cao đến nỗi ngọn vượt hẳn tường rào, giống như một cột mốc đánh dấu ngôi nhà. Tôi rất thích ngắm cây quýt này sau mỗi buổi ở trường về. Đối với một người chưa từng ra khỏi Tokyo như tôi thì cảm giác được ngắm nhìn những quả quýt đu đưa trên cành thật thơ mộng, thư thái. Tôi chắc rằng lúc chín, những quả xanh sẽ chuyển sang màu vàng rất đẹp, nhìn rất thích mắt. Có vài quả đã bắt đầu hơi đổi màu rồi đây này. Bà chủ nhà còn bảo chúng thơm ngon và mọng nước lắm, khi nào chín, tôi có thể thoải mái ăn bao nhiêu tùy thích. Thế là tôi cứ mong đợi đến khi đấy để được thưởng thức vài quả mỗi ngày. Tôi tự nghĩ chừng khoảng ba tuần nữa là sẽ có nhiều quả chín rồi, chắc tôi không bỏ đi trước thời gian đó đâu nhỉ.

Bất ngờ, Nhím xuất hiện, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi về những quả quýt. Hắn bảo hôm nay là ngày ăn mừng chiến thắng, chúng tôi cũng nên tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ cho riêng mình, vì vậy hắn đã ra ngoài mua một ít thịt bò. Nói rồi hắn lôi từ ống tay áo kimono ra một cái gói làm bằng tre và ném xuống sàn nhà, sát bên chỗ tôi. Vì tôi đã quá ngán ngẩm với món khoai lang, đậu hũ ở nhà mà lại còn không được đến những nơi như tiệm mì hay tiệm bánh bao nữa nên đây thật là một bữa ăn quý giá, đáng hoan nghênh. Tôi liền chạy đi mượn nào chảo, nào đường của bà chủ để nhanh chóng bắt tay vào công việc nấu nướng.

Nhím, mồm ngậm đầy thịt bò, vừa nhai rào rạo vừa hỏi tôi có biết Áo Đỏ là khách hàng quen thuộc của một geisha nào đó không. Tôi trả lời:

- Tôi biết chứ. Có phải cô ta là một trong những người tham dự bữa tiệc chia tay hôm ấy phải không?

Hắn bảo tôi đã đoán đúng, chính là cô ta đấy và khen tôi tinh mắt, có thể phát hiện ra chuyện đó trong khi hắn chẳng nghe phong thanh gì cho đến tận bây giờ.

Hắn lên án Áo Đỏ:

- Thấy hắn chưa, mở miệng ra toàn thứ đao to búa lớn, nào là “nhân cách” này, rồi thì “thư giãn để nâng cao giá trị tinh thần” nọ, nhưng lại lén la lén lút ra ngoài vui chơi với các geisha. Hắn làm tôi phát ốm. Mà việc đấy cũng không quá tệ hại nếu hắn chấp nhận cách vui chơi giải trí của người khác. Nhưng nào hắn có làm vậy đâu. Giống như trường hợp của cậu đấy - cậu chỉ mới bước vào tiệm mì hay tiệm bánh bao thôi mà hắn đã đàm tiếu với hiệu trưởng rằng cậu đang tạo ra một tấm gương xấu…

Nghe thế, tôi liền nói luôn một mạch:

- Đúng đấy, chắc hắn nghĩ việc mua vui cùng mấy ả geisha - nói theo kiểu những người thích đùa

- là thú giải trí hàm chứa các giá trị tinh thần, còn ăn tempura và bánh bao thì chỉ là những trò mang tính vật chất tầm thường. Nếu nó đúng là giải trí tinh thần sao hắn không dám công khai chuyện đó chứ? Nhớ cái cách hắn lẩn trốn không - đứng dậy và biến ngay khi thấy cô ả geisha thân thiết của mình xuất hiện trong phòng. Hắn nghĩ là hắn có thể qua mắt người ta mãi cơ đấy. Hắn từng làm thế với tôi rồi. Khi có ai đó vạch trần hắn thì hắn leo lẻo: “Tôi chả biết cậu đang nói cái gì” hoặc tung hỏa mù đối phương bằng cách xổ một tràng vô nghĩa về văn chương Nga hay lảm nhảm chuyện thể thơ haiku đang trở thành mốt thịnh hành. Mà hắn cũng không phải là một thằng đàn ông nữa, hắn là đồ lại cái chết tiệt. Hắn chắc là do một ả nữ tì lắm mưu nhiều kế nào đó trong cung cấm đầu thai; hay có lẽ cha hắn là một thái giám ở lăng mộ Yushima.

- Gì cơ? Thái giám ở lăng mộ Yushima là gì?

- À, họ là những người bị hoạn, họ không hẳn là đàn ông, anh hiểu ý tôi chứ... Ơ, miếng thịt đó chưa chín, không nên ăn đâu, anh sẽ bị bệnh giun sán đấy.

- Vậy sao? Tôi thấy ăn được tất. Người ta còn nói Áo Đỏ lẻn đến khu suối nước nóng để gặp geisha của mình ở Kado.

- Kado à? Cái nhà trọ đó sao?

- Ừ, nó là nhà trọ mà cũng là tiệm ăn nữa. Cách tốt nhất để làm cho hắn hết đường chối cãi chính là bắt quả tang chuyện hắn đến đó cùng cô geisha của mình và mắng vào mặt hắn một trận.

- Bắt quả tang hắn ư? Bằng cách nào chứ? Anh định theo dõi hắn à?

- Đúng vậy. Cậu biết nhà trọ Masu ở ngay đối diện với nhà trọ Kado không? Tôi có thể thuê một gian phòng mặt tiền trên tầng hai, khoét một lỗ nhỏ trên giấy vách phòng và theo dõi.

- Anh tin là hắn sẽ thật sự đến đó trong lúc mình theo dõi sao?

- Tôi nghĩ vậy. Tất nhiên, nếu chỉ một đêm thì không đủ, vì thế tôi sẽ phải theo dõi hắn trong khoảng hai tuần hoặc hơn.

- Như vậy sẽ mệt lắm đó. Tôi nhớ lúc cha tôi mất, tôi phải thức đêm để canh chừng ông cả tuần liền. Khi xong đám tang, tôi mụ cả người đi, đầu óc choáng váng, thật sự là tôi đã bị kiệt sức.

- Tôi thì mệt một chút cũng chả sao. Nếu cứ để một tên xỏ lá như hắn tha hồ nhởn nhơ mà không chịu sự trừng phạt nào thì đúng là nỗi sỉ nhục của nước Nhật. Tôi quyết định sẽ trở thành người thực thi công lý.

- Nghe tuyệt quá. Nếu anh thực hiện kế hoạch đó tôi sẽ là đồng minh của anh. Anh bắt đầu theo dõi ngay từ tối nay chứ?

- Không, tối nay thì chưa. Tôi chưa thuê phòng ở Masu mà.

- Vậy anh tính khi nào thì làm?

- Sẽ sớm thôi. Dù thế nào tôi cũng sẽ báo với cậu, hy vọng cậu giúp tôi một tay khi thời cơ đến.

- Tôi luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào. Tôi không giỏi mấy chuyện bày ra kế hoạch, tính toán phương án này nọ đâu nhưng nếu có xảy ra đánh nhau tôi cũng giúp ích được nhiều lắm đấy.

Đang lúc tôi và thím cùng thảo luận các chi tiết của kế hoạch thì bà chủ bước vào.

- Thầy Hotta, có một học sinh đến đây và nói muốn gặp thầy, nhể. Cậu ấy bảo đã qua nhà thầy nhưng thấy thầy đi vắng nên nghĩ chắc thầy đến đây, thế là cậu ấy chạy đến đây xem thử.

Bà quỳ gối trước cửa rất lịch sự, chờ Nhím trả lời.

- Để tôi xem. - Hắn trả lời rồi bước ra cửa.

Khi trở vào, hắn bảo là có một học sinh đến mời mình cùng đi xem chương trình giải trí ăn mừng chiến thắng. Nghe nói có một đoàn vũ công từ Kochi đến biểu diễn một vũ điệu đặc biệt rất hiếm khi được xem, hắn hăng hái giục tôi đi cùng.

Ở Tokyo, tôi đã xem qua rất nhiều điệu nhảy vì trong lễ hội thường niên tổ chức tại ngôi miếu của vùng thường có những vũ công nhảy múa trên các sân khấu di động, rồi sau đó họ di chuyển khắp vùng. Đó chính là dịp mà tôi được xem vũ điệu

“Người thu gom muối” (1) cũng như tất cả các vũ điệu còn lại. Tôi không có hứng thú đi xem một nhóm nhà quê từ Kochi đến diễn trò vớ vẩn, nhưng vì Nhím rủ nên tôi nghĩ thôi thì nhận lời hắn vậy. Đứa học trò đến mời Nhím hóa ra không phải ai khác hơn mà chính là em trai Áo Đỏ. Giữa bao nhiêu là học sinh, sự chọn lựa người đem đến lời mời này thật lạ lùng!

-----

(1) Vũ điệu của Nhật Bản nói về hình ảnh một cô gái dùng nước biển tạo thành muối. Tên tiếng nhật là Shiokumi.

Không gian nơi diễn ra chương trình biểu diễn như khoác lên một chiếc áo sinh động, rực rỡ với vô số cờ phướn và biểu ngữ tung bay trên đỉnh những cây cột được dựng lên khắp nơi. Sự trang hoàng hoành tráng này khiến tôi nhớ đến quang cảnh của giải vô địch sumo ở thủ đô hay đại lễ tưởng niệm đức Phật tại đền Honmon ở Tokyo. Tôi còn trông thấy không biết cơ man nào là cờ xí mắc đầy vào những sợi dây thừng giăng giăng phía trên đầu, cứ mãi phấp phới vẫy gọi theo chiều gió, đủ màu đủ kiểu làm người ta có cảm giác chúng được mang đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ở góc phía đông, có một sân khấu tạm mới được dựng lên dành cho vũ đoàn Kochi biểu diễn. Cách sân khấu khoảng hơn năm mét về phía bên phải là khu vực triển lãm nghệ thuật cắm hoa được bao quanh bởi những tấm mành bằng sậy. Ai cũng có vẻ rất hể hả, sung sướng trước khung cảnh và không khí nhộn nhịp này, nhưng riêng tôi chả thấy ấn tượng hay thú vị gì cả. Say sưa, hào hứng với mấy cái thứ cỏ cây vớ vẩn hay tre nứa, lau sậy này nọ thật chẳng khác nào đi vênh váo tự hào khi có một người yêu gù lưng hoặc một người chồng què quặt.

Ở phía đối diện với sân khấu đang có bắn pháo hoa. Một quả pháo vừa nổ bùm liền tung ra một quả bóng với dòng chữ “NHẬT BẢN MUÔN NĂM”, rồi quả bóng bay đến ngọn thông, vượt qua lâu đài sau đó rơi xuống giữa trại lính. Tiếp theo sau là tiếng nổ lốp bốp và rồi một quả pháo đen bay theo hình vòng cung vút lên cắt ngang bầu trời thu và nổ tung ngay phía trên đầu tôi. Dòng khói xanh xịt ra tạo thành hình chiếc ô rồi dần dần tan biến vào không khí. Một quả bóng đỏ xuất hiện mang dòng chữ trắng “BỘ BINH VÀ HẢI QUÂN MUÔN NĂM”. Cuốn theo chiều gió, nó bay bay qua khu suối nước nóng và hướng về phía làng Aioi. Không biết chừng nó sẽ rơi xuống sân đền thờ nữ thần may mắn cũng nên.

So với buổi lễ chào mừng chiến thắng lúc sáng thì bây giờ khắp nơi đông đúc hơn nhiều. Nhìn cái

khối khổng lồ những con người này, tôi không khỏi ngạc nhiên tự hỏi sao một vùng nông thôn nhỏ bé như vậy mà lại có thể chứa lắm con người ta đến thế. Đông thì đông, nhưng có soi khắp cả cũng chẳng bói ra được một gương mặt giỏi giang, xuất chúng nào. Tuy nhiên, ngay cả những tên ngốc cũng có thể góp phần tạo nên một đám đông thôi mà. Cuối cùng thì vũ điệu đến từ Kochi được trông đợi là sẽ rất ấn tượng cũng bắt đầu. Tôi vẫn nghĩ đó là một điệu múa thông thường, di chuyển theo hàng giống như Fujima hay những bài biểu diễn quen thuộc khác, nhưng tôi đã đoán sai.

Các vũ công đứng thành ba hàng trên sân khấu, mỗi hàng mười người, tất cả đều trông rất ấn tượng với dải băng quấn đầu gắn nơ đỏ phía sau và mặc kimono có dây buộc chặt ở đầu gối. Điều khiến tôi kinh ngạc là mỗi người đều cầm một thanh gươm tuốt trần. Khoảng cách giữa mỗi hàng chừng năm tấc, còn giữa những người đứng cùng hàng với nhau thì hầu như không có khoảng cách nào. Đặc biệt, có một vũ công đứng riêng lẻ ở một góc sân khấu. Người này cũng mặc kimono nhưng không mang dải quấn đầu màu đỏ và thay vì cầm gươm thì trong tay anh lại là một cái trống, giống như cái trống người Trung Hoa dùng trong múa lân. Anh này bắt đầu hô to: “Yaah! Haah”, ngay lập tức những câu hát với giai điệu lạ lùng bỗng trỗi lên hòa theo nhịp trống ba-da-bum, ba-da-bum.

Toàn bộ âm thanh nghe rất kỳ lạ, không hề giống với bất kỳ thứ âm thanh nào mà tôi đã từng nghe trước đây. Có thể tưởng tượng đó là sự pha trộn giữa điệu rộn rã vui tươi của những khúc ca mừng xuân mới với âm não nuột của bài kinh kệ mà những tín đồ Phật giáo vẫn thường tụng niệm.

Bài hát cứ kéo dài, ngang ngang, đều đều, không ra một âm điệu rõ ràng, giống như giọt xi-rô dùng trong một ngày hè - cứ loang ra rồi nhập lại, không có một hình dạng xác định nào. Nhưng ít ra thì người đánh trống vẫn ngắt âm theo nhịp ba-da-bum, ba-da-bum nên người nghe có thể xác định được nhịp điệu. Các vũ công vung gươm sáng lòa theo những nhịp điệu đó vừa nhanh vừa chính xác đến nỗi chỉ cần nhìn thôi cũng đã đủ toát mồ hôi. Họ chỉ cách người đứng hàng bên cạnh khoảng năm tấc, còn ở ngay sau lưng cũng là một con người đang sống - nên họ phải xoay gươm theo cùng một nhịp điệu chính xác giống nhau, nếu họ chỉ múa lỡ một nhịp thì sẽ làm bạn diễn của mình bị thương ngay. Nó cũng sẽ không quá nguy hiểm nếu họ chỉ đứng một chỗ và múa gươm lên xuống, tới lui, nhưng cả ba mươi người phải đồng loạt bước đi, đổi hướng, quay lại thành vòng và quỳ gối xuống cùng một lúc. Chỉ cần người bạn diễn đứng bên cạnh nhanh hay chậm hơn một giây thì mũi của người kia có thể bị bay mất hoặc bị chém vào đầu. Mỗi thanh gươm tự do vùng vẫy trong khoảng không gian đã được giới hạn là bốn tấc vuông; đồng thời phải được múa lên cùng hướng, cùng tốc độ với thanh gươm phía trước, phía sau và hai bên phải trái một cách tuyệt đối.

Với tôi, đây đúng là một khám phá mới mẻ. Những vũ điệu thông thường như “Người thu gom muối” hay “Cổng trời” (2) hầu như không thể so sánh nổi. Tôi nghe người ta bảo rằng muốn được như vậy cần phải cực kỳ khéo léo; tập luyện để có được những động tác đồng bộ đến mức đó không phải dễ dàng gì. Họ còn nói thật ra công việc khó khăn nhất lại thuộc về người phụ trách tấu lên bản nhạc kỳ quặc và nhịp trống ba-da-bum kia. Mỗi một động tác của ba mươi vũ công còn lại - cho dù là bước chân, cách vẫy kiếm hay lắc hông - đều chỉ phụ thuộc vào một thứ duy nhất: nhịp điệu của người đánh trống. Lạ thật, người đánh trống trông có vẻ nhàn nhã nhất sân khấu, có thể hô lên yaah-haah bất cứ khi nào mình thích lại là người có trách nhiệm nặng nề nhất, phải đặt hết sự tập trung, khả năng của bản thân vào đó.

-----

(2) Vũ điệu Nhật Bản. Tiếng Nhật là Sekimoto.

Khi tôi và Nhím đang hồi hộp theo dõi buổi biểu diễn, hoàn toàn bị cuốn hút vào điệu múa thì thình lình nghe thấy một tiếng gầm thật lớn ở cách đó chừng năm mươi mét. Đám đông vui chơi khắp các khu vực khác nhau giờ đổ dồn về phía xảy ra vụ lộn xộn. Tôi vừa nghe ai đó thét lên: “Có đánh nhau, đánh nhau rồi!” thì thấy ngay em trai Áo Đỏ chen chúc giữa một rừng tay áo kimono, nói to:

- Thưa thầy, lại có đánh nhau nữa rồi. Học sinh trường trung học muốn trả đũa sinh viên trường sư phạm vì vụ việc sáng nay. Họ bắt đầu đánh nhau để giải quyết mọi chuyện đấy ạ! Thầy đến đó ngay đi.

Nói rồi nó biến vào đám đông mất hút.

- Cái gì, chúng lại đánh nhau hả? Chẳng có được tích sự gì ngoài việc gây rối. Một lũ côn đồ. Hư hỏng cũng hoàn hư hỏng thôi!

Nhím vội vã chạy đi, luồn lách qua biển người đang di tản khỏi chỗ đó. Chắc là hắn thấy không thể đứng ngoài cuộc mặc kệ cho cuộc ẩu đả tiếp diễn. Dĩ nhiên tôi cũng không hề có ý định bỏ đi nên tôi liền theo sau gót Nhím. Lúc chúng tôi đến nơi, trận ẩu đả đang diễn ra hết sức dữ dội. Trong đám đánh nhau có khoảng năm mươi đến sáu mươi sinh viên trường sư phạm, còn về phía học sinh trung học thì nhiều gấp ba lần số đó. Sinh viên sư phạm vẫn đang mặc đồng phục, trong khi phần lớn học sinh trung học đã thay kimono sau buổi lễ rồi nên rất dễ phân biệt hai phe, nhưng vì chúng đứng lẫn vào nhau, túm chặt nhau rồi xô đẩy liên tục nên tôi không biết làm sao mà tách chúng ra được hay phải làm gì trước tiên. Nhím đứng đó, quan sát đám hỗn loạn này bằng ánh mắt tức giận trong vài giây rồi quay sang bảo tôi:

- Không còn cách nào khác, chúng ta không thể để cho cảnh sát chứng kiến cảnh này, hãy xông vào và can chúng ra thôi.

Không cần trả lời, tôi nhảy ngay vào giữa nhóm đang đánh nhau dữ dội nhất và hét lên:

- Dừng lại, dừng lại ngay! Các trò đang sỉ nhục trường mình đấy. Tôi bảo các trò hãy dừng ngay lập tức.

La hét đến khản cả cổ, tôi cố len lỏi đến ranh giới của hai phe nhưng thật khó khăn, chỉ mới đi được vài chục mét thì đã bị kẹt cứng giữa đám đông. Trước mặt tôi là một đám sinh viên sự phạm đang túm lấy một học sinh trung học khoảng mười lăm, mười sáu tuổi.

- Tôi đã bảo dừng ngay thì phải dừng ngay. - Tôi quát.

Tôi chộp lấy vai tên sinh viên sư phạm, cố kéo nó ra. Nhưng ngay lúc đó tôi bị một đứa ngáng chân nên mất thăng bằng, vuột tay khỏi vai tên sinh viên và té nhào xuống đất, rồi có người mang cả đôi giày nặng nề giẫm thật mạnh lên lưng tôi. Chống cả hai tay và đầu gối xuống đất, tôi dùng hết sức bật người vào thằng sinh viên, tống nó bay về phía bên phải. Tôi đứng dậy và thấy Nhím đang ở phía sau cách tôi hơn nửa mét, lọt thỏm giữa đám học sinh sinh viên vây quanh, không ngừng bị đẩy tới đẩy lui, nhưng miệng vẫn quát thét: “Dừng lại ngay! Không được đánh nhau!”. Tôi gào lên: “Chẳng tác dụng gì với chúng đâu” nhưng không thấy hắn trả lời, chắc là hắn không nghe được.

Đột nhiên có một hòn đá bay đến đập vào gò má tôi đau điếng, rồi kẻ nào đấy dùng gậy đánh vào lưng tôi từ phía sau. Tôi nghe thấy tiếng kêu:

- Đánh hắn! Đánh hắn đi! Giáo viên mà làm trò gì lộn xộn ở đây thế?

Đứa khác phụ họa theo:

- Có hai tên, một to khỏe và một bé tí. Ném đá vào họ á.

Tôi cố sức quát lại:

- Lũ ranh con chết tiệt! Chúng mày nghĩ chúng mày là ai?

Giận điên lên, tôi đấm vào mặt một thằng sinh viên trường sư phạm đang đứng gần đấy. Lại có một hòn đá khác bay sượt qua đầu tôi ở phía bên phải rồi rớt xuống ngay sau lưng. Tôi không còn biết Nhím ra sao rồi nữa. Không còn cách nào khác. Lúc đầu là tôi muốn can ngăn để chúng không đánh nhau, giờ thì chính tôi lại bị đánh, mà còn bị ném đá vào đầu nữa chứ. Tôi sẽ thật nhục nhã nếu bỏ chạy trước cái lũ ngốc khốn kiếp này.

- Chúng mày có biết đang đối đầu với ai không hả? Tao thấp bé thật nhưng thuộc dạng được tôi luyện nhiều ở Tokyo đấy, mà ở đó luôn có những tên chuyên đánh nhau sừng sỏ đấy.

Vừa la hét inh ỏi, tôi vừa xông vào chúng như một tên điên, tấn công tới tấp và cũng bị đánh trả tới tấp cho đến khi tôi nghe có người hét lên: “Cảnh sát đến, cảnh sát đến kìa!”.

Từ nãy đến giờ tôi thấy muốn di chuyển trong cái đám đông này cũng là cả một vấn đề, đến nỗi tôi có cảm giác như mình đang nằm giữa một khối bột nhão, dính chặt nhau không làm sao dứt ra được, thế nhưng vừa nghe có cảnh sát bỗng xung quanh trở nên trống trải, vắng vẻ một cách bất ngờ, và trước khi tôi nhận biết điều này thì tất cả - bạn cũng như thù - đang ào ào trên đường thoát thân. Bọn chúng có thể quê mùa thật, nhưng khi đánh nhau rồi tháo chạy, chúng đúng là chuyên gia cừ khôi, có lẽ ngay cả tướng Kuropatkin (3) cũng nên học hỏi chúng.

-----

(3) Tổng chỉ huy quân đội Nga, đã thất bại trong chiến tranh Nga - Nhật.

Tôi đưa mắt nhìn quanh tìm Nhím thì thấy hắn đang chùi mũi, chiếc áo khoác ngoài kimono có thêu gia huy của hắn rách tơi tả. Hắn bảo có đứa nào đã đánh trúng mũi của hắn nên giờ nó đang chảy máu đầm đìa. Giờ nó bị đỏ lên và sưng tấy trông rất đáng sợ. Tôi mặc chiếc kimono bình thường hơn nên dù nó có dính đầy bùn thì cũng chẳng mất mát nhiều như cái áo khoác ấy. Còn vết thương trên má tôi tuy cũng đau thật đấy nhưng so với cái mũi đang bị chảy máu của Nhím thì chả thấm tháp vào đâu.

Đội cảnh sát đến hiện trường có đến mười lăm, mười sáu người, nhưng vì đám học trò đã bỏ chạy hết rồi nên họ chỉ bắt được tôi và Nhím. Sau khi chúng tôi nêu rõ nhân thân và trình bày cặn kẽ đầu đuôi sự việc, họ bảo tốt nhất chúng tôi nên về đồn cảnh sát. Ở đó cả hai chúng tôi khai báo, cung cấp đầy đủ bằng chứng trước sự có mặt của viên chỉ huy rồi trở về nhà.