Đại Dương Đen - Chương 05

5

TÔI THẤY MÌNH

CỨ MỤC RUỖNG DẦN

(Uyên, 21 tuổi, sinh viên ngành Kinh tế

Hiển, 21 tuổi, sinh viên ngành Điện ảnh)

1

UYÊN

Từ lớp mười một thì có một nỗi buồn cứ len lỏi vào từng tế bào trong cơ thể tôi. Tôi bắt đầu trầm đi, dần tách mình khỏi chúng bạn và rút khỏi các hoạt động ở trường. Ý nghĩ muốn chết bắt đầu xuất hiện, và điều khiến tôi lo sợ là nhiều khi nó nổi lên mà không cần một lý do hay tác động bên ngoài nào.

Trong các giấc mơ, tôi hay thấy bố đánh mẹ, những khi đó bố vào vai quái vật. Bị hành hạ bởi những cơn ác mộng, tôi bắt đầu rạch tay, đầu tiên là vài vết nhỏ, rồi dần nhiều hơn. Những cơn ham muốn rạch kéo dài mười lăm, hai mươi phút, có cơn lên tới ba mươi phút. Lúc đó, tôi không cảm thấy sợ, thậm chí đầu óc còn có phần phấn chấn. Nhưng khi máu đã chảy nhiều và tôi đã thấm đau thì nỗi sợ hãi dâng lên, tôi rã rời, đầu và toàn thân ê ẩm. Những vết dao lam lan dần từ cánh tay lên hết cả vai và xuống dưới đùi tôi. Đứa trẻ mười sáu tuổi là tôi không thể giải thích được hành vi của mình. Tôi trở nên căm ghét bản thân. Lỗi tại tôi mà, tại sao tôi không mạnh mẽ, không vượt qua được quá khứ như những người khác?

Mẹ đưa tôi tới Bệnh viện Tâm thần sau một hôm tôi rạch nhiều quá, ở trường máu thấm ra ngoài áo đồng phục, tôi bị đưa vào phòng y tế và cô chủ nhiệm nói với mẹ. Ngồi sau mẹ mà tôi thấy có lỗi vô cùng. Ông bác sĩ nghe tôi mếu máo dăm câu, xem qua cái tay của tôi, cho làm trắc nghiệm tâm lý rồi kê một đơn thuốc tốn hai triệu. Rối loạn lo âu tổng hợp và trầm cảm. Tôi uống thuốc một tuần thì dừng vì chỉ thấy buồn ngủ, còn mong muốn rạch tay thì vẫn vậy. Mẹ cũng không hỏi han hay nhắc nhở gì. Mẹ bảo bạn mẹ nói là tôi chả bị làm sao cả, chỉ đơn giản là suy nghĩ nhiều quá và hay phóng đại mọi thứ.

HIỂN

Mẹ Uyên rất xinh, cô ấy cao một mét bảy, là giáo viên thể dục nên giữ người chuẩn, ăn uống lành mạnh. Điều đó làm bố Uyên rất ghen.

UYÊN

Liệu bố có biết không nhỉ? Lần đầu của tôi có lẽ là khi tôi đang thái dở thịt luộc. Tôi và bố cãi nhau về chuyện học hành thì phải, tôi nói là tôi đã bị dằn vặt và muốn chết lắm rồi, bố đừng nói thêm gì nữa. Ngay lập tức, bố nói là có giỏi thì chết đi. Tôi đặt con dao lên cổ tay và cứa nhưng không cứa nổi vì dao cùn và tay tôi nhiều mỡ.

Tôi đã lấy của bố rất nhiều dao lam mà không trả lại. Có lần cái hộp hết dao, tôi phải mở dao cạo râu ra để cậy miếng dao lam đang dùng dở lên. Sau lần mẹ và tôi tới bệnh viện thì cái hộp đựng dao không ở vị trí cũ nữa, nhưng tôi nhanh chóng tìm thấy nó trên nóc tủ quần áo.

Hồi năm hai đại học, có hôm bọn bạn tôi phải tới nhà đưa tôi đi bệnh viện với hai cánh tay và bắp tay đầy máu. Mẹ trách tôi sao lại gọi năm sáu đứa kéo tới đứng đầy trước cửa nhà như vậy, tôi tìm kiếm sự thương hại của chúng và bêu riếu gia đình. Tôi gây rắc rối, tôi bất hiếu, và nếu có chuyện gì xảy ra, nếu mẹ chết thì tôi sẽ phải hối hận.

Bố thì còn độc địa hơn. Sau buổi khám ở bệnh viện thì thỉnh thoảng, khi cãi nhau, bố gọi tôi là con điên, con thần kinh. Bố vốn như vậy. Khi biết tôi có người yêu là nữ, bố chửi tôi là biến thái, và rủa rằng “cái bọn ấy”, tức là những người đồng tính, rồi sẽ bị đào thải khỏi xã hội.

HIỂN

Chúng tôi quen nhau qua Tinder khi hai đứa đều mười chín tuổi. Tôi là bạn trai đầu tiên của Uyên, trước đó nó chỉ toàn yêu nữ. Ngay hôm đầu tôi đã để ý thấy các vết sẹo nhỏ và dài trên tay Uyên; nó cũng không giấu và khuyên tôi nên chuẩn bị tinh thần, khi nó lên cơn thì thường đối phương sẽ rất cuống. Lúc đó nó cũng thường thuyết phục rất giỏi, tôi phải tỉnh táo và cương quyết. Uyên nói sẽ cố gắng thông báo khi cơn hoảng loạn kéo tới. Tôi lên mạng đọc tài liệu nọ kia để chuẩn bị tinh thần cho mình.

UYÊN

Khi cơn của mình lên, thường tôi sẽ thuyết phục được bạn đưa cho mình vật gì nhọn để tự hại. Chắc bộ dạng tôi lúc đó kinh khủng lắm, nên thường chúng không thể khước từ, chúng sẽ đưa cái gì đó rồi ngoảnh mặt đi. Rạch một lúc thì hơi thở của tôi trở lại bình thường và sự căng thẳng dịu xuống.

Có những đợt tay tôi nặng như chì vì các vết cắt đóng vảy, và ngứa ngáy vì các vết thương lên da non. Mùa đông, tôi vào nhà vệ sinh ở trường, nhăn mặt kéo tay áo len lên, đưa cánh tay chằng chịt vết cắt xuống dưới vòi nước lạnh, khiến nó tê rần, rồi quay lại lớp với cánh tay đau rát và đầu óc trống rỗng mơ hồ.

Khi người khác nhìn thấy cánh tay tôi, tôi có thể đọc được ý nghĩ của họ qua ánh mắt. “Trẻ trâu, muốn gây chú ý”. “Lại thất tình rồi.” Người lớn hơn thì bảo, “Mình là con gái, nên giữ gìn cơ thể cháu ạ, cha mẹ đã sinh mình ra.”

Nhiều lúc tôi có cảm giác mình tồi tệ, xấu xa, mình khuyết tật. Nhưng cũng có những khoảnh khắc khác. Đây là những lời hai cánh tay của tôi nói với tôi năm tôi mười tám tuổi:

Chào cậu, lại là mình đây. Kỳ nghỉ lễ của cậu thế nào?

Gần đây mình hơi đau, thế nên mình biết cậu không vui đâu nhỉ? Hôm qua mình chảy nhiều máu, lúc đấy cậu và mình đứng nép sau cánh cửa nhà tắm, máu cứ rỏ từ thân của mình xuống làm loang lổ cái sàn gạch men trắng. Mình thấy cậu khóc, cậu lấy phần bả vai để quệt nước mắt. Mình buồn quá, mình không lau nước mắt cho cậu được vì mình đang chảy máu. Giờ mình lành dần vết thương rồi, cậu đừng lo, mình cũng không làm cậu quá đau nữa đâu. Mình biết cậu che mình dưới lớp áo bò vì sợ người khác phát hiện, không sao đâu, mình hiểu mà. Khi đau đớn, cậu hay khiến mình bị chảy máu. Mình không trách, cậu và mình đều đau đớn.

Cô gái bé nhỏ của mình, cậu thực sự luôn tuyệt vời. Mình sẽ mãi mãi ở gần cậu, thấu hiểu cậu, dù mình không đẹp đẽ và lành lặn.

HIỂN

Mãi tới gần đây, ở lần khám thứ tư hay thứ năm gì đó thì bác sĩ mới chẩn đoán Uyên bị rối loạn lưỡng cực cùng với PTSD - rối loạn căng thẳng hậu chấn thương. Trước đó, họ chỉ nói Uyên bị trầm cảm. Khi hưng cảm thì Uyên rất khác. Có lần, sau một buổi party sinh nhật, Uyên bảo, “Anh ơi, em vui quá, em chỉ muốn ném cái điện thoại ra xa.” Uyên hát rất to, múa trên đường, trêu chọc mọi người và hét lên vì phấn khích. Lúc trên xe thì nó bảo tôi là rất thích đâm vào những xe ngược chiều. Về nhà, đã gần nửa đêm nhưng nó vẫn lao vào dọn dẹp như là muốn tổng vệ sinh, rồi giặt tay một đống quần áo vì máy giặt đang hỏng, rồi quay ra viết lách và làm bài tập. Sáng tôi tỉnh dậy thì thấy tin nó đăng trên Instagram lúc năm giờ sáng.

UYÊN

Giờ tôi mới biết được là hóa ra những cái điên rồ mà tôi làm không phải là do cá tính của tôi, mà là do hưng cảm. Hưng cảm khiến tôi thích ngồi quay ngược đằng sau xe máy, hai tay không bám vào đâu. Nó khiến tôi nửa đêm vô tư về nhà một thằng con trai lạ hoắc mới quen mà không hề lo nghĩ. Hay đột nhiên đang đi bộ buổi tối với Hiển, tôi chạy lên trước, vén váy lên hở hết mông trong khi không mặc đồ lót, mà không quan tâm cách đó một đoạn là một hàng nước. Những lúc đó, mong muốn thử cảm giác mới, muốn trêu chọc người khác vốn có trong tôi được nhân lên gấp vô vàn lần và giết chết phần lý trí ít ỏi còn lại. Những lúc đó, tôi thấy mình không thực sự là mình nữa. Rồi tôi nhận ba bốn dự án liền một lúc, di chuyển giữa các chỗ làm từ sáng sớm tới khuya. Tôi hoạt động hai trăm phần trăm công suất, cho tới khi sập.

HIỂN

Chúng tôi date với nhau được tầm một tháng, đang rất quấn quýt, gần như tối nào cũng gặp nhau, thì Uyên nhắn tin muốn chia tay, khiến tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi gọi lại, nhưng Uyên khước từ nói chuyện và dập máy trong nước mắt.

Chiều hôm sau, tôi đang ở chỗ làm thì bạn Uyên nhắn tin là “Có vẻ nó đang vào cơn đấy”. Tôi bỏ việc, tới chỗ nó, đập cửa. “Uyên ơi, Uyên ơi.” Mãi nó mới đi xuống, mở cửa, rồi lặng lẽ đi lên, sắc mặt rất lạ.

UYÊN

Tôi làm nửa ngày rồi xin phép chiều nghỉ để thực hiện cái ý đồ kia. Thời gian đó, ý nghĩ muốn chết thường trực trong đầu tôi chứ không chỉ bất chợt xuất hiện như trước kia nữa. Thậm chí tôi đã dừng lên kế hoạch cho công việc và học hành. Tôi không tự nhủ là năm nay mình phải làm được cái này cái này nữa.

Ở nhà trọ, tôi viết thư để lại cho bố mẹ, cho Hiển và inbox nhắn nhủ yêu thương cho bạn bè thân. Tôi khóc nhiều rồi thiếp đi một lúc. Tỉnh dậy, tôi nhìn lên trần nhà tìm một thanh ngang nhưng không thấy, rồi ra ngoài ban công tầng bốn. Tôi đặt cái điện thoại đang phát nhạc xuống cái thùng sắt ở góc, thò một chân ra ngoài lan can rồi khóc lóc và cứ loay hoay ở đấy suốt. Tôi muốn ra đi cho nhanh gọn, nhưng đâu đó bên trong đầu, một giọng nói vẫn thì thầm nhắc nhở, “Tỉnh táo lại đi, tỉnh lại đi, mày điên rồi.”

Cuối cùng, tôi quay vào, tìm thứ gì đó để làm đau mình. Điện thoại của tôi đầy thông báo mới. Mấy đứa bạn nhắn tin trả lời, đứa thì cũng gửi lại lời yêu thương vui vẻ mà không nghi ngờ gì, đứa thì chắc hơi đoán đoán ra, “Mày đừng có làm gì đấy nhé” đứa thì gọi lại liên tục vì lo lắng. Tôi cắm bàn là, gí nó vào chân và đùi. Nỗi đau thể xác khiến tôi tỉnh táo hơn chút ít để có thể xuống mở cửa cho Hiển đang đợi ở dưới.

HIỂN

Hai đứa nói chuyện qua lại. Uyên muốn giải phóng cho tôi. Nó bảo, chia tay trước khi nó đi thì sẽ nhẹ nhàng hơn cho tôi vì chúng tôi không phải là người yêu nữa. Tôi bảo, hâm à, thậm chí tôi sẽ còn bị giày vò, đau đớn hơn. Nó trao cho tôi một lá thư, trong đó nó viết là rất tự hào về tôi, rất ủng hộ con đường của tôi, rằng nó rất yêu tôi và xin lỗi là không thể cùng nhau đi tiếp. Nó muốn tôi cố gắng đi nốt, đi cả cho nó nữa.

Tâm trạng Uyên bị kích động dần. Nó tìm cách ra ban công nhưng tôi ngăn lại. Tôi đi quanh nhà, thu lượm kéo, dao, rồi tới bên nó, vỗ về. Tôi đã biết là không nên nói những câu như “cố gắng lên”, hay “quá khứ thì đã qua rồi, mình phải sống tiếp chứ”, nhưng ngoài ra thì chả biết phải nói gì.

UYÊN

Tôi bắt đầu cảm thấy tê dọc người, run rẩy mạnh và khó thở, đầu thì đau dữ dội. Cảm giác sợ hãi lan khắp toàn thân, như đang ăn mòn từng đốt tay, đốt chân và cả từng sợi tóc mới nhuộm đỏ của tôi. Tôi căng thẳng như một quả bóng được bơm sắp quá ngưỡng. Vì Hiển ngăn, tôi không có nỗi đau vật lý nào để làm giảm nỗi đau tinh thần. Đầu và người tôi chìm trong đau đớn. Tôi bắt đầu ném đồ đạc, tôi đâm vào tường, vào tủ, khóc lóc và cào cấu chăn đệm.

HIỂN

Tôi có cảm giác như Uyên đang bị ai đó điều khiển. “Thở sâu vào, hít thở sâu nào..” tôi lặp đi lặp lại như một cái máy. Sau này, Uyên kể lại là lúc đó nó như là đang ở một thế giới khác, tiếng tôi vọng lại từ một nơi rất xa xôi.

UYÊN

Có một điều khiến tôi sau này ghê tởm và sợ hãi chính mình, đó là lần đầu tiên tôi thấy Hiển phiền phức và muốn giết nó. Tôi đã thực sự muốn giết chết người mình yêu và sau đó tự sát. Những ký ức bắt đầu quay về, những cảm xúc của tôi khi mười hai, mười ba tuổi nhấn chìm tôi. Tôi vừa khóc rít lên vừa van xin bố.

HIỂN

Uyên lườm tôi, ánh mắt rất lạnh. Liệu nó có nhận ra người yêu mình trước mắt: “Tao muốn giết chết mày.” Không hoảng loạn, không hoảng loạn, tôi tự nhủ, cả hai cùng bị kích động là hỏng hết. Tôi ôm nó, “Thôi nào, chúng mình yêu nhau cơ mà, đừng có nghĩ như thế đi”. Uyên nhắc lại câu đó vài lần nữa, rồi nó ôm đầu, mắt nhắm nghiền.

Sau một lúc thì nó rên rỉ, “Bố ơi, đừng đánh mẹ nữa. Con xin bố đấy, đừng đánh mẹ nữa.” Tôi ôm nó chặt hơn, “Bố không ở đây đâu, anh ở đây mà, làm gì có ai đánh đâu.” Uyên vẫn van xin, “Đừng đánh mẹ nữa! Ai đó giúp mẹ con đi.” Rồi nó lịm đi.

Tôi ôm Uyên trên tay, đầu rối bời. Thời gian như ngừng trôi, rồi đúng lúc tôi đang tính gọi cấp cứu thì Uyên mở mắt ra, ú ớ tỉnh dần. Nó nhận ra tôi nhưng không nói được. Nó quờ lấy cái điện thoại, viết, “Em không nói được, không nói được tên anh.” Dần dần, Uyên hồi lại. Nó nằm thở. Khi tôi ra về, Uyên hôn tôi, “Em yêu anh. Mai đón em đi làm nhé.” Đứng dưới đường, xung quanh xe cộ nườm nượp, tôi bàng hoàng. Tất cả như một giấc mơ. “Ơ, thế này là như thế nào, thế có bỏ nhau nữa không?”

2

UYÊN

Lớp sáu là lúc thế giới con trẻ đẹp đẽ của tôi, cái hình dung màu hồng về gia đình hạnh phúc của tôi, rạn nứt. Tôi là một đứa trẻ dũng cảm, chưa bao giờ tôi trốn dưới gầm bàn hay gầm giường khi bố đánh mẹ. Ban đầu thì tôi van xin lạy lục, sau thì tôi đánh lại bố và hét ầm ĩ lên. Ban ngày, tôi giấu dao sau khe tủ để bố không tìm thấy. Buổi tối, tôi cầm theo compa để phòng vệ và ngủ ngồi để canh xem bố có dựng mẹ dậy để đánh không. Tôi đã quên nhiều thứ rồi, nhưng không quên được cảnh ba mẹ con ngồi co ro với nhau, đối diện là bố với cái kéo to trong tay. Không quên được hình ảnh bố dùng dao phay ghì mạnh vào cổ mẹ, khiến chỗ đó bị tím bầm. Sau một chập đánh chửi, bố ép mẹ làm tình, xong lại đánh chửi. Một số lần tôi gọi cho nhà nội trong lúc bố tát, đấm, kéo tóc mẹ, nhưng họ bảo không sao đâu, không có vấn đề gì đâu.

Vài năm nay, bố mẹ đã nói chuyện lại với nhau, chứ trước kia thì mẹ gọi bố là Người Lớn, khi nào cần nói gì với bố thì mẹ bảo tôi hay em trai nói với Người Lớn. Giữa tôi và bố thì vẫn hầu như không có giao tiếp gì. Tôi không muốn nghĩ bố là người xấu, và chuyện đã qua gần cả thập kỷ rồi, có lẽ chẳng ai trong nhà còn nhớ chúng, nhưng tôi thì không thể nào quên nổi. Những ký ức cứ ùa về, giày xéo tôi khổ sở. Lần khám gần đây nhất, bác sĩ bảo tôi bị rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.

HIỂN

Tôi và Uyên tìm nhà để ở cùng nhau. Như thế tôi yên tâm hơn, tôi có thể hiểu Uyên hơn, sát sao, chăm sóc Uyên tốt hơn. Tôi đi làm nhiều để cùng đóng tiền nhà, rồi tiền tham vấn tâm lý, tiền thuốc thang của Uyên. Thực ra bố mẹ Uyên có thể giúp được, nhưng đó lại là cả một câu chuyện khác. Uyên rất hay lo sợ là nó làm tôi mệt mỏi, phiền phức. Với người yêu trước, nó đọc được tin nhắn họ viết cho bạn như vậy, nên giờ nó bị ám ảnh. Người trầm cảm đánh mất niềm tin về giá trị của bản thân. “Có phải là em làm quá lên không?” Uyên hay thắc mắc, “Tại sao cũng hoàn cảnh đó mà người khác không bị sao?” Họ đã nghe câu lỗi tại họ nhiều quá, cho tới lúc họ tin vào điều đó. Cái gì xảy ra cũng do họ hết. Uyên cũng sốc, buồn và xấu hổ mãi với câu nói là nó muốn giết tôi, nó thấy ghê sợ chính mình. Tôi phải an ủi là lúc đó nó không phải là nó bình thường nữa.

UYÊN

Tôi không khác biệt. Tôi cũng có ước mơ, cũng có công việc mình muốn làm, cũng muốn hạnh phúc bên người mình yêu thương, cũng có bạn bè, cũng muốn được bộc lộ ra bên ngoài những gì đúng là con người mình, cũng muốn tâm sự, chia sẻ, muốn được thấu hiểu. Như bất kỳ ai khác.

Tôi có một trái tim bình thường, một cái đầu bình thường. Tôi biết đau, biết suy nghĩ, biết sợ hãi, biết khóc thương, biết vui vẻ. Tôi biết chọn lựa làm những điều khiến bản thân hạnh phúc.

Tôi không khác bất kỳ ai cả.

Đó là những điều tôi tự nói với bản thân năm tôi mười chín tuổi, hôm tôi can đảm mặc áo cộc tay, đứng trên sân khấu nhận một giải thưởng gì đó. Trong khoảnh khắc đó, tôi quên đi hai cánh tay đầy sẹo của mình.

Một năm sau, tôi thấy cơ thể mình đáng tởm. Tóc tôi tởm vì xơ xác và nâu đen lờ lợ. Cánh tay tôi tởm vì nó lồi lõm ngang dọc như cành cây. Chân tôi tởm vì sẹo to sẹo nhỏ. Đầu vú tôi tởm vì nó cứ to và xấu xí đi. Vú tôi tởm vì nó cứ xệ ra. Phần dưới của tôi tởm vì nó cứ lắm lông đen sì. Đầu óc tôi tởm vì sự ngu đần. Trái tim tôi tởm vì đầy tiêu cực và đáng bỏ xó. Tôi ghét những gì mình từng trải qua vì nó tởm, mà trải nghiệm quá khứ là điều tạo nên tôi, nên là tôi thấy mình tởm. Tôi thấy mình cứ mục ruỗng dần.

HIỂN

Trầm cảm không phải là một nỗi buồn mà mình có thể xua tan bằng cách cố gắng lên, suy nghĩ tích cực lên. Người trầm cảm không muốn tỏ ra như thế, họ bị như thế, và cần phải được chữa trị. Uyên lên xuống thất thường. Có những lúc đang êm đẹp thì nó bước vào một giai đoạn trầm cảm mà không có một lý do ngoại cảnh nào cả. Uyên buông hết, không còn thiết gì cả, trong khi trước đó nó làm marketing cho ba bốn dự án. Không đi làm, không nói năng, không ra ngoài, không chơi bời gì nữa, nó chỉ nằm trên giường, quay mặt vào tường, bấm điện thoại, xem YouTube.

UYÊN

Hiển bảo những lúc đó trông tôi rất kinh khủng, nếu nỗi buồn là mặt đất thì tôi đào một cái hầm nằm sâu dưới đất cả trăm mét. Cứ mỗi lúc Hiển chuẩn bị đèo tôi đi học, thay xong quần áo là tôi bắt đầu khóc. Hiển dỗ mãi tôi mới chịu ra khỏi nhà, và vẫn tiếp tục khóc trên đường tới trường. Tôi sợ các cuộc tiếp xúc, tới trường là chóng mặt, vào thang máy đúng lúc sinh viên tràn vào chen chúc, thì buồn nôn, khó thở và hoảng sợ. Nhưng tôi biết là nếu ở nhà thì tôi sẽ tự giày vò đến chết mất. Tôi sẽ thấy mình tồi tệ, yếu đuối. Tôi ghét nhất là cảm giác mình thất bại và ngu dốt, nên cứ tỉnh táo một chút là tôi cố làm hay học cái gì đó.

Tới giờ, tôi đã bốn, năm lần gặp chuyên gia tâm lý hay bác sĩ tâm thần. Lần gần đây nhất, tôi tự so sánh với kết quả trắc nghiệm hồi lớp mười một và hiểu là mình đã bị nặng hơn nhiều. Có biểu hiện suy giảm trí nhớ, suy giảm tập trung, người ta ghi vậy và khuyên tôi nhập viện nội trú, nhưng tất nhiên là tôi không nghe. Tôi uống thuốc một tuần và thấy tâm trí có sáng sủa ra, tuy nhiên tôi vẫn dừng lại. Tôi không muốn tạo thêm gánh nặng tiền nong cho Hiển, nó cũng chỉ mới hai mươi thôi. Tôi cũng không muốn xin tiền bố mẹ cho việc này, vì tôi không cảm thấy sự quan tâm, sốt sắng từ họ. Mẹ chẳng bao giờ hỏi, “Ơ, sao bây giờ không đi lấy thuốc nữa à?” Hồi tôi phải vào viện vì một phẫu thuật nhỏ thì mẹ khác hẳn, đưa tôi đi lấy thuốc bổ, hỏi han, nhắc nhở tôi uống. Mẹ quan tâm tới vết mổ đó hơn là tới căn bệnh tâm lý của tôi nhiều.

Tôi đã từng đưa thông tin, tài liệu cho mẹ. Anh tham vấn đã từng gọi cho mẹ. Nhưng qua cái cách mẹ nói chuyện với tôi, tôi không nghĩ mẹ hiểu bệnh của tôi là cái gì. “Cần tiền mua thuốc thì mẹ cho,” mẹ nói, “nhưng chẳng có bác sĩ hay là thuốc men nào cứu được mình đâu, mình phải tự vượt qua thôi.” Mẹ cũng nói với anh tham vấn là bố tôi “không như thế nữa” theo cái ý là tôi không cần phải bị chuyện bố bạo lực ám ảnh nữa, mọi người trong nhà đã bỏ nó sang một bên từ lâu rồi.

HIỂN

Một lần, khi chúng tôi ở nhà bố mẹ Uyên, nó ngỏ ý muốn mẹ đi cùng để chụp não, có đứa bạn cũng bị rối loạn lưỡng cực khuyên vậy. Mẹ nó bảo bệnh này là bệnh tư tưởng, tất cả là do mình, người bị ung thư mà suy nghĩ tích cực thì còn khỏi được cơ mà. Uyên bảo đây là bệnh thật, không phải tưởng tượng, không phải do suy nghĩ tiêu cực. Mẹ nó lại bảo tất cả là ở bản thân mình, mình suy nghĩ tích cực thì nó thành tích cực.

UYÊN

Rồi mẹ nói mẹ phải lo nhiều thứ, mẹ rất bận, phải dạy bù giờ, mẹ bị viêm gan B, răng mẹ yếu, mẹ đau ốm mệt mỏi, thuốc men nhiều tiền.

Tôi bắt đầu khóc lóc và to tiếng chất vấn. Vì sao sau bao nhiêu năm mà mẹ vẫn cho đây là bệnh tư tưởng, vì sao bạn mẹ chưa gặp tôi mà có thể nói là tôi vẫn khỏe mạnh, tôi chỉ phóng đại mọi thứ lên. Mẹ nói khám ở đâu, uống thuốc gì cũng được, nhưng đây là do mẹ chiều đòi hỏi của tôi, chứ không phải vì mẹ nghĩ tôi thực sự cần. Rằng tôi đừng có chấp vặt mấy câu nói của bố mẹ để vin vào đó mà hành hạ người nhà, rằng tôi đang ngồi lên đầu mẹ đấy.

HIỂN

Uyên bắt đầu hoảng loạn, nó gào thét và tự cào tay. Tôi chạy đi tìm giấy, bác sĩ nói là những lúc này có thể cho Uyên vo giấy hoặc cầm đá trong tay, mà nhà thì không có đá. Uyên vớ cái cốc thủy tinh ném vào tường, rồi tiếp tục khóc nấc lên và rên rỉ. Khi Uyên từ từ dịu xuống thì tôi lấy chổi quét các mảnh thủy tinh và các cục giấy vo viên rải rác đầy dưới sàn. Trong cả quãng thời gian đó, ngoài tôi cố gắng vỗ về Uyên thì cả nhà không ai phản ứng gì. Em Uyên ngồi trước cái máy tính ở trong góc. Mẹ Uyên im lặng trên giường, mắt vẫn nhìn điện thoại. Bố Uyên ở phòng bên, chắc chắn bác ấy biết Uyên lên cơn, vì nó hét rất to và ném đồ đạc.

UYÊN

Cảm giác tội lỗi và xấu hổ bao trùm. Đây là lần đầu bố mẹ chứng kiến tôi lên cơn. Trên đường về, tôi cứ day dứt, tôi có khiến bố mẹ cãi nhau không, họ có đổ lỗi gì cho nhau không, tôi có làm em mình khổ không. Tôi sợ bị nói là bất hiếu, là không chín chắn, không thương bố mẹ. Tôi nhờ Hiển nhắn tin rằng mình không kiểm soát được bản thân chứ không muốn giày vò ai, rằng tôi là một đứa trẻ lớn lên với một nhân cách lệch lạc, đáng kinh tởm. Rằng tôi xin lỗi mẹ.

Hồi mẹ còn nhỏ thì bà ngoại bỏ nhà đi, và kỳ lạ là mang theo bác hai và bác ba, nhưng bác cả và mẹ là út thì bà bỏ lại. Ông lấy vợ mới, mẹ và bác cả bị đánh đập nhiều và bị đói. Hai anh em đi tàu trốn vé tìm mẹ, mãi sau thì bốn anh em mới sống cùng với nhau. Trong nhà ngoại, mẹ là người duy nhất có nghề nghiệp ổn định, mẹ thành trụ cột trong họ, lo nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng cho các cháu. Liệu vì thế nên mẹ cho là những thứ mà tôi trải qua chả nhằm nhò gì, sao mà tôi lại phải trầm cảm? Hay mẹ tránh nhắc đến bệnh của tôi vì xấu hổ, mặc cảm là đã đẻ ra một đứa con không lành lặn: Khi cho rằng tôi chỉ phóng đại, muốn gây chú ý và tìm kiếm sự thương xót, mẹ yên tâm về trách nhiệm của mình? Để mẹ vẫn có thể chụp ảnh thật xinh đăng lên Facebook, viết vài bài thơ, chia sẻ dòng tâm trạng để củng cố thêm hình ảnh giáo viên mãn nguyện của mình?

HIỂN

Mẹ Uyên nhắn tin cho tôi, xin lỗi “nếu đã có gì quá lời”, nhưng tôi không thực sự thấy cô ấy hiểu vì sao mình cần xin lỗi. Tôi cũng không rõ tại sao lại phải khó khăn thế. Tôi cũng đã từng không biết gì, nhưng mình chỉ cần lên mạng tìm hiểu thì biết đây là một bệnh như những bệnh khác, nó không phải là một sự tưởng tượng.

Tôi vẫn động viên Uyên thỉnh thoảng về thăm nhà. Lần nào tôi cũng cảm nhận một không khí u tối, nặng nề.

Cả căn phòng chỉ có một bóng đèn trần trụi ở giữa nhà. Không ai cười đùa, pha trò, mẹ Uyên đang nói gì mà bố Uyên nói lại là cô ấy sẽ im luôn. Nó rất khác với sự vui tươi, nhẹ nhõm, mọi người trêu chọc nhau ở nhà tôi. Điều đó khiến Uyên tự ti.

Tôi thực sự cảm thấy sự đơn độc của Uyên trong quá trình chiến đấu chống lại bệnh của mình. Ở mục “Người nhà khi cần báo tin trên y bạ”, Uyên đề tên tôi.

UYÊN

Tôi muốn chữa lành cho mình. Tôi không muốn chết. Tôi thực sự khát khao được khỏe lại, được có những niềm vui, những khoảnh khắc hạnh phúc, chúng đã thật hiếm hoi trong những năm qua. Nhưng mọi thứ hỗn độn, bên trong tôi đang méo mó, hay môi trường bên ngoài tôi đang lệch lạc? Tôi đã mất khả năng đánh giá. Tôi sợ những cơn của mình, chúng xâm chiếm não bộ tôi, nhấn chìm lý trí của tôi, chúng phơi bày sự đau đớn, cô đơn, nỗi sầu thảm suốt những năm tháng niên thiếu của tôi, sự ám ảnh của bạo lực, của lẻ loi, của tức giận vì chẳng được ai giúp đỡ. Trong những giấc mơ, tôi thét lên với mọi người, cố gắng diễn đạt sự sợ hãi và tuyệt vọng của mình, nhưng không ai hiểu. Giờ đây, tôi nhận thấy là ở riêng hay ở cùng bố mẹ, chỗ nào tôi cũng bất ổn. Sự bế tắc cùng nỗi thù ghét bản thân và thế giới của tôi đang lớn dần lên.

HIỂN

Tôi thường xuyên lo lắng vì phòng chúng tôi thuê ở trên cao, dao kéo ở nhà nhiều. Tôi thường xuyên nhắn tin, không thấy Uyên trả lời thì gọi điện, tan làm là vội vàng phóng về nhà. Tôi liên lạc với anh tham vấn để cập nhật tình hình của Uyên, hỏi han tôi phải làm gì. Tôi trở thành đầu mối thông tin cho bạn bè nó. Chúng tôi nuôi hai con mèo và một con chó để Uyên vui khi một mình.

Sống chung với người trầm cảm cần nhiều tình cảm và kiến thức. Tôi không thấy đuối, thấy mệt, tôi không thấy bị phiền, tôi không trách móc, tôi biết bạn gái mình đang không ổn. Quan tâm duy nhất của tôi là làm sao để chăm sóc người mình yêu tốt hơn nữa, làm sao để người yêu không nguy hiểm, để bạn gái mình không kết thúc cuộc sống.

Nhưng Uyên không tin. “Em suốt ngày nói đến chuyện tự tử như thế, làm gì có chuyện không mệt.” Nhưng mình cảm thấy mệt làm sao được khi mình yêu thương người ta nhiều. Mình chỉ cảm thấy rất lo, rất là sốt sắng. Tôi không muốn mất đi thêm một người bạn nữa. Tôi đã mất một đứa bạn rồi, cùng trong nhóm nhạc, khá thân. Tai nạn. Sự ra đi của nó khiến tôi rất sợ, tôi bị ám ảnh đến tận bây giờ. Hồi nó còn sống, có những lúc tôi khá thờ ơ với nó, nó nhắn tin, tôi cũng lười trả lời. Bây giờ, hình ảnh của nó luôn nhắc tôi là đừng để cho người bạn nào của mình ra đi nữa.

3

UYÊN

Tôi và Hiển yêu nhau vì chúng tôi nói chuyện, chia sẻ, kết nối được với nhau rất nhiều. Nhưng giờ đây thì không vậy nữa rồi. Hiển chả nói gì cả nữa, mặt nó cứ lì ra, tối tăm. Không chịu được, tôi sẽ hỏi, mày đang nghĩ gì đấy. Nó bảo nó không nghĩ gì cả. Tôi hỏi thế sao mặt mày sầm sì thế, mày có ổn không. Nó im lặng. Qua lại như vậy cả tiếng đồng hồ. Tôi năn nỉ, tôi khóc lóc, tôi đè nó ra, tôi quát tháo.

HIỂN

Tôi cảm thấy mất kết nối với con người. Tôi từ chối tiếp xúc với người khác. Vốn không phải là người sợ đám đông, nhưng bây giờ, thấy chỗ nào đông người là tôi sẽ lảng đi, tôi không đối mặt được. Tới cửa hàng tiện lợi mà thấy bên trong nhiều người, tôi sẽ bỏ công đi tìm chỗ khác. Hôm trước, tôi tới một sự kiện chiếu phim, Uyên ở trong ban tổ chức và hẹn là sẽ ra đón tôi, nhưng điện thoại của tôi hết pin. Không đủ khả năng đi vào trong tìm nó, tôi quay xe đi về.

Mâu thuẫn thay, tôi tự tách mình ra khỏi mọi người, nhưng cùng lúc đó lại thấy tủi thân, không được quan tâm. Xung quanh tôi, gia đình và bạn bè vẫn đó, nhưng tôi thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Chỉ cần một chi tiết nhỏ, ví dụ thằng bạn cùng làm phim nổi cáu, hay nó không mời tôi nước, cũng khiến tôi có cảm giác bị khước từ, bị ruồng bỏ. Biết mình thật vô lý, nhưng tôi không lý giải được tại sao.

Tôi tạo nên một bầu không khí u tối, tôi lầm lì và không chia sẻ gì với ai nữa, kể cả với Uyên. Nó sợ hãi, sốt ruột, nó cáu, anh làm sao vậy, nói gì với em đi. Nhưng tôi không biết mình phải nói gì, tôi không muốn nói gì. Tôi sợ nếu nói, anh không ổn, mình nói chuyện sau nhé, thì Uyên sẽ bị tổn thương, nên là tôi cứ ì ra. Thế là Uyên lại càng điên lên, và tôi lại càng im lặng. Trong đầu tôi, những đám mây đen tối dịch chuyển làm tôi không nghĩ được gì cả.

Vâng, bạn nói đúng. Trước kia, Uyên vẫn vậy, nhưng tôi còn khỏe mạnh, tôi có thể mỉm cười và nói một điều gì đấy khiến Uyên thấy được kết nối, được chia sẻ, tôi không chỉ ì ra với cái mặt tăm tối như bây giờ.

Uyên tự dằn vặt nó là nguyên nhân của tình trạng của tôi. Nó liên tục hỏi, “Không có em thì anh có bị như thế này không?” Nó hỏi bạn bè tôi về tôi trước kia. Tôi thì lại cho rằng mình đang ảnh hưởng tới Uyên chứ không phải ngược lại.

UYÊN

Tôi cảm thấy vô cùng bối rối và có lỗi. Do quen tôi nên Hiển mới ra ngoài sống và phải cáng đáng về kinh tế. Do muốn dồn sự quan tâm vào tôi, nên nó dần cắt đứt hết quan hệ bạn bè, dù chúng nó vẫn quan tâm, lo lắng, và tôi hoàn toàn không muốn vậy. Nó không ra ngoài, đi chơi, kết nối với bạn bè gì nữa. Chúng tôi cứ dính lấy nhau.

Bố mẹ Hiển rất thương nó và sẵn sàng giúp đỡ, nhưng nó không kể gì cả. Nó sợ bố mẹ lo, nó không muốn là gánh nặng kinh tế và tinh thần cho họ.

HIỂN

Tôi vẫn nhớ cảm giác đói hồi đầu năm nay, khi Uyên bị trầm cảm nặng, lết bết ở nhà, chỉ có mình tôi đi làm kiếm tiền cho cả hai. Sáng tôi đi học, chiều đi làm tới tối muộn rồi lao về nhà nấu ăn. Tôi gầy rộc hẳn đi. Có những lúc tôi không dám vay bảy nghìn mua một cốc mì vì không chắc mình trả nợ được. Có hôm, hai cậu khách trẻ để lại cái bánh cuộn ăn dở. Tôi lén đem nó vào toilet trong gầm cầu thang, cứ đứng lom khom vậy, tọng cái bánh vào miệng, nhồm nhoàm tới phát nghẹn. Tôi khóc vì sung sướng và khóc vì mình đã đến mức như vậy.

Bố mẹ tôi không biết gì. Tôi không dám xin tiền họ nữa, tôi biết là họ đang gặp khó khăn. Bố đã phải bán cái ô tô, bây giờ, sáng sáng mẹ đèo em tới trường rồi quay về, sau đó bố sẽ đèo mẹ tới công ty bảo hành máy tính nơi bố làm việc, rồi mẹ đi xe máy về. Tiền học bố mẹ cho, tôi đã đập vào cái phim ngắn dự thi ở trường vừa rồi mà vẫn phải vay thêm bạn bè. Tôi đã bán một trong hai cái máy ảnh của mình đi. Hôm trước, thầy giáo tôi nói trước lớp là không có tiền thì đừng có đi học, ở trường này, không có tiền thì không học được đâu.

Phim của tôi thất bại rồi. Tôi rất buồn vì đã làm thầy chủ nhiệm thất vọng, thầy nói tôi là niềm hy vọng của khóa. Lúc kết thúc, tôi nghe loáng thoáng một thầy khác nói, “Năm cuối mà không bằng chúng nó.” Bây giờ thì tôi không chắc là mình có khả năng theo đuổi công việc này nữa. Tôi đã tham gia ba cuộc thi nhưng chưa bao giờ được cái gì cả. Tôi bất tài và vô dụng.

Tôi không nhớ bắt đầu từ khi nào, nhưng đầu óc tôi cứ bị cuốn vào những suy nghĩ rối như cuộn chỉ. Một giọng nói xuất hiện trong đầu tôi, nó kéo tôi, kéo tôi vào cái cuộn chỉ bùng nhùng ấy. Nó cứ nói, cứ nói và bắt mình nghe theo.

UYÊN

Không có lý do gì cụ thể để dẫn tới hành động của Hiển hôm đó. Vẫn là những lủng củng như thiếu tiền, phim thất bại, rồi chúng tôi cãi cọ nhau vì nó chẳng nói gì. Buổi tối, khi hai đứa đang học tiếng Pháp (chúng tôi vẫn mơ được đi du học cùng nhau), thì Hiển buông bút, quay mặt vào tường. Một lúc sau thì nó bỏ ra ngoài hút thuốc rồi đi lên sân thượng.

HIỂN

Cách đây một tháng… Tôi tự sát hụt.

Tối hôm đó, tôi mang cái dây xích chó lên sân thượng. À, tôi còn mang theo một cái kéo để rạch tay, nhưng kéo cùn, không rạch được gì cả. Tôi thấy một cái ống chạy ngang khá chắc chắn. Uyên đi lên, lúng búng cái gì đó, rồi đi xuống. Tôi hút một điếu thuốc, vứt nó đi, rồi cởi áo ngoài, tháo kính, bỏ điện thoại sang bên, rồi tôi trèo lên cái bục. Tôi làm một cái thòng lọng. Lúc tôi chuẩn bị vòng cái dây qua cổ thì ở dưới có tiếng gào thét của Uyên, “AAAAH!!! CÓ AI Ở NHÀ KHÔNG?”

Một thằng bạn cùng thuê nhà huỳnh huỵch chạy lên. Nó trèo lên bục, đỡ tôi xuống. Tôi chạy vụt xuống dưới phòng, ngồi thu lu một góc. Uyên chạy theo, vẫn khóc lóc.

Tối hôm đó, tụi cùng thuê nhà bình luận về chuyện của tôi trong nhóm Zalo chung. Một đứa bảo nếu nó ở nhà, nó đã đánh để tôi “tỉnh ra”. Một đứa khác bảo tôi là ngu ngốc. Một đứa khác nữa lên án tôi vì “mới tí tuổi đầu, chưa báo hiếu được gì cho bố mẹ mà đã hành xử vậy”.

UYÊN

Lúc hai đứa ở trong phòng rồi, tôi mới hoảng loạn. Tôi cứ gào lên, “Mày thích chết à? Mày thích chết thì tao chết cùng. Sao hai đứa không cùng chết luôn đi?” Hiển thì cứ im lặng suốt.

Mấy hôm sau, tôi tình cờ thấy trên điện thoại của nó là nó đã từng tìm thông tin về cách làm thòng lọng.

Tôi giục nó đi khám nhưng nó sợ tốn tiền. Chúng tôi cứ trì hoãn. Khi nào thấy rất tệ thì chúng tôi bảo nhau, đi khám thôi, đi khám thôi, nhưng tới lúc đỡ hơn thì chúng tôi lại để đó.

HIỂN

Tại sao nó lại xuất hiện nhỉ? Nó ở đâu ra? Chưa bao giờ tôi lại nghĩ là sẽ có một người khác ngồi trong đầu mình và hai đứa sẽ nói chuyện với nhau như vậy. Tôi ngạc nhiên và bất ngờ lắm.

Cái giọng nói trong đầu tôi, nó thuyết phục vô cùng. Nó phân tích tại sao tôi nên chết. “Chết đi! Không có mày thì mọi người không bị ảnh hưởng, Uyên có thể đi yêu người khác, bố mẹ mày không bị tốn kém thêm.” Nó rất hiểu mình, nó biết các băn khoăn của mình, nó kéo mình đi.

Cái giọng nói đó, nó và tôi là một. Tôi nói chuyện với nó như đang nói chuyện với bạn đây. Chúng tôi cùng lập kế hoạch. Tôi băn khoăn là nên làm ở đâu, nó trả lời luôn cho tôi, phân tích này nọ. Mọi thứ không phải do tôi chọn. Nó chọn, nó thuyết phục. Tôi thấy hợp lý.

Có lúc vào cơn, Uyên bất lực khóc lóc, “Vì sao tao lại phải phải khổ sở về mày? Mày muốn chết? Sao mình không cùng nhau chết đi?” Điều đó lại càng đẩy tôi đi xa hơn. Sáng nay, trong cả quãng thời gian tôi đưa Uyên tới trường rồi tới đây, và cả lúc này đây, cảm giác mất kết nối, ý nghĩ mình làm ảnh hưởng tới người khác, vẫn ở trong tôi, đeo bám. Tôi vẫn đang suy nghĩ về kế hoạch. Ở đâu, như thế nào. Tôi sẽ không làm ở nhà, như thế ảnh hưởng tới Uyên. Tôi biết là tôi không muốn lên báo, nên là sẽ không nhảy cầu hay đâm vào ô tô. Tôi sẽ để lại thư và cái máy ảnh còn lại cho Uyên.

Tôi đủ tỉnh táo để nói với bạn tất cả những điều này.

Không, tôi không muốn đi khám. Vâng, tôi biết, chính tôi là người trước kia giục Uyên tới bác sĩ. Nhưng tôi thì khác, tôi vẫn tin là mình khỏe mạnh, mình chỉ cần cố gắng hơn thôi. Tôi sẽ tự vượt qua được, sẽ tự chữa, tự xử lý được.

Vả lại, nếu như tôi đem về nhà tờ chẩn đoán là tôi có vấn để tâm lý thì Uyên sẽ thấy chính thức được xác nhận về tác động của nó tới tôi. Chừng nào chưa chính thức thì nó không phải đối diện với chuyện đó.

UYÊN

Nửa năm qua, tôi như người đi trên dây, lúc nào cũng có thể ngã, một sự kiện nhỏ, một cú hích nhỏ, đã có thể làm tôi loạng choạng. Tôi ở một trạng thái cân bằng mong manh, được ngày nào biết ngày đó. Những cơn khủng hoảng ít hơn và nhẹ hơn, nhưng cảm nhận về thời gian của tôi thì kém hẳn. Các sự kiện nhanh chóng chìm vào trong sương mù, Hiển toàn phải giúp tôi nhớ lại. Có những lúc tôi còn không nhớ được là chúng tôi yêu nhau đã bao lâu.

Gốc rễ vấn đề của tôi vẫn ở đó. Tôi đã quen với sự độc hại trong nhà tới mức, giờ đây, mỗi khi nhà tôi có một không khí của một gia đình bình thường, bố trêu em trai, mẹ tôi gọt hoa quả, ti vi đang chiếu cái gì đó, thì tôi lại có cảm giác mình xem một thước phim siêu thực.

Tôi vô cùng mong mỏi là chỉ một lần, một lần thôi, bố xin lỗi về những gì đã xảy ra. Tôi đã cố gắng giải thích rằng bạo lực của bố đã ảnh hưởng tới tôi, đã đẩy tôi ra khỏi nhà, nhưng bố không hiểu, bố vẫn cho rằng như thế là tốt cho gia đình. Bố đánh mẹ vì mẹ không bỏ công ra xây dựng gia đình. Bố hơn mẹ nhiều tuổi, bố chỉ là công nhân, còn mẹ tiếp xúc với nhiều người hơn, mẹ xinh xắn, chắc là bố lo sợ. Bố đánh mẹ vì bố cho là tôi hư, đòi ra ở riêng, và đó là lỗi của mẹ. Đánh vợ là cách đàn ông bảo vệ gia đình. “Mày cứ kết hôn đi thì mày sẽ hiểu.” Tôi bế tắc. Sống cùng bố mẹ thì tôi sẽ phát điên, nhưng ở riêng thì tôi sẽ không bảo vệ được mẹ. Em trai tôi thì thờ ơ, nó thây kệ mọi chuyện. Tôi khuyên nó học hành thì nó bảo, “Sống còn không muốn sống, thiết gì việc học.”

Bố cũng coi thường vấn đề tâm lý của tôi. Hôm ở nhà ông bà nội, có cả bố ở đó, tôi và bố lại căng thẳng vì bố đá đểu mẹ cái gì đó. Tôi bắt đầu khóc, người hơi run lên. Sợ tôi lên cơn, bố len lén lỉnh đi, nhưng trước khi lẻn đi, bố nói, “Mày lại bắt đầu làm trò đấy à?”

Tương lai sức khỏe tâm thần của tôi sẽ ra sao? Tôi có thể làm gì cho mình? Tôi không biết, tôi không có dự định gì. Tôi cứ cố sống ngày qua ngày thôi.

HIỂN

Tất cả những chuyện tôi kể cho bạn hôm nay, tôi không thể kể cho Uyên. Nó sẽ làm Uyên thấy tệ hơn. Tôi biết là nó muốn giúp tôi mà chẳng biết làm thế nào. Người không ổn không thể giúp được người không ổn.

Cuộc gặp hôm nay khiến tôi thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy rất an toàn để chia sẻ.

Nhiều lúc tôi muốn làm một phim tài liệu về hai người trẻ có vấn đề tâm lý sống cạnh nhau. Ý định này níu kéo tôi lại một chút, nó đẩy lùi ý nghĩ tự sát của tôi.

Nếu tôi bắt tay vào làm phim này thì nó có thể khiến tôi an toàn trong vài ba năm tới nhỉ?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3