Đại Dương Đen - Chương 10
10
TÔI RẤT CÔ ĐƠN
TRONG HÀNH TRÌNH
CỦA MÌNH VỚI CON.”
(Thanh, 19 tuổi, sinh viên ngành công nghệ thông tin
Liên, 48 tuổi, nhân viên văn phòng, mẹ Thanh)
LIÊN
Trong mắt họ hàng thành đạt nhà tôi, nó là một thằng thất bại. Đến bây giờ vẫn vậy. Thỉnh thoảng, khi nó nổi hứng lên chia sẻ cái gì từ cuộc sống của nó, thì họ sẽ quăng ra một câu, “Đừng có tưởng thế mà hay!” Còn tôi thì đã từ lâu gác lại các giấc mơ của mình về con rồi. Thành tích này, du học kia, để sang bên hết rồi. Vậy mà hồi đầu tôi nuôi nó dễ lắm, nó hiền lắm, tình cảm lắm, bạn bè ai cũng bảo như nó thì họ nuôi mười đứa cũng được.
THANH
Tôi nghĩ những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện lúc tôi học cấp hai. Hồi đó, tôi có nhiều vấn đề, nhưng chuyện lớn nhất là tôi phải chuyển trường sau khi làm rách tay thằng bạn. Hôm đó, tôi mang cái mô hình nhựa đang lắp dở tới trường, và cả con dao rọc giấy để cắt bớt phần nhựa thừa. Thằng kia lấy con dao ra nghịch. Tôi nhìn thấy, giật lại, con dao rạch một vết sâu vào tay nó, máu rỏ dọc lối đi xuống phòng y tế. Mẹ bị gọi lên trường vì tôi “hành hung bạn”. Đó là lần thứ hai, lần thứ nhất mẹ bị gọi lên do tôi và thằng bạn (vẫn là thằng kia) trốn học đi mua Lego, mà lại còn bằng tiền lấy trộm của mẹ.
LIÊN
Hôm đó cô giáo của Thanh giật giọng gọi điện cho tôi, “Chị tới trường đi, con chị dùng dao cắt tay bạn.” Đến nơi, tôi thấy nó ngồi thu lu trong góc phòng có hiệu phó, bộ dạng như một tên tội đồ. Tôi đòi xem camera, vì tôi không bao giờ tin thằng nhà tôi lại là đứa hung hăng như vậy. Cô giáo thì sợ nhà kia kiện, rồi sợ bị mất điểm thi đua. Hai bên qua lại căng thẳng. Sau đợt đó tôi phải cho Thanh chuyển trường.
THANH
Sang trường mới, tôi lạc lõng, bọn trong lớp thì đã quen nhau hết từ mấy năm rồi. Tôi vốn hướng nội, không hòa nhập được. Điểm của tôi không tốt, thầy chủ nhiệm khó chịu với tôi ra mặt. Đó cũng là quãng thời gian mà bỗng nhiên tôi trở nên rất cáu bẳn, dù tôi vốn là đứa hiền lành. Mẹ đi làm về, thậm chí tôi không xuống dắt xe, cất đồ cho mẹ như mọi khi nữa, vì mẹ chỉ cần nói một câu là hai mẹ con lại cãi nhau. Tôi bắt đầu mất ngủ, đêm cứ thức tới ba, bốn giờ sáng. Hôm trước ngày nhập học lớp mười thì tôi không ngủ được một tí gì, bởi quá căng thẳng. Ngay cả cái trò gundam, một dạng mô hình robot mà tôi say mê từ bé, tôi cũng chả thiết nữa. Rồi dần dần tôi không muốn ra ngoài, không muốn gặp ai nữa, chỉ quanh quẩn ở nhà, game cũng chả sờ tới. Ông ngoại bảo tôi, “Thằng tự kỷ!” Tôi nghĩ người ta không nên nói vậy với một đứa trẻ. Thật ra thì tôi rất quý ông, hồi bé tôi còn mơ ước sau này làm thầy giáo giống ông để được nhiều học sinh ngưỡng mộ. Hồi cấp một, ông là người đón tôi từ trường về, tôi sống với ông bà nhiều hơn với mẹ. Nhưng bây giờ thì tính ông đã khác quá rồi. Có lần ông không bật được cái máy tính. Nhà của mẹ con tôi và nhà ông bà sát vách nhau, chung nhau một cái sân nhỏ. Đứng dưới nhà gọi mãi không được, ông trèo lên tận phòng tôi, bật hết đèn, giật hết chăn, dựng tôi dậy, bắt tôi sang giúp, mà lúc đó tôi mới ngủ được có một, hai tiếng. Tôi không nhớ đã phản ứng như thế nào, nhưng ông nhìn tôi và bảo, “Mày cứ như thằng điên ấy!” rồi bỏ đi.
Bà ngoại thì khá là cô đơn, bởi ông không muốn nói chuyện với bà. Bà nói gì ông cũng sẽ nổi cáu. Bà cần có người bên cạnh, nhưng nếu quan tâm không đúng ý bà thì bà sẽ chửi như là gọi mồ mả mình lên ấy, dù khi đi ra ngoài thì bà ngoan như một con mèo. Có lần, tôi được giao việc nấu cơm trưa. Hôm đó năm giờ sáng tôi mới ngủ được, mà chín giờ bà đã sang, hỏi tôi đã đặt cơm chưa, đã hái lá mơ để bà ăn cho khỏi táo bón chưa. Tôi bảo cứ từ từ, tôi sẽ làm, tôi sẽ làm, nhưng bà thét lên là tôi phải làm ngay. Tôi không nhớ đã phản ứng như thế nào, nhưng bà quát, “Tao không có đứa cháu như mày, từ nay về sau đừng gọi tao là bà nữa.”
Những người xung quanh tôi là như vậy đó. Tôi chỉ có mỗi mẹ để chuyện trò.
LIÊN
Hồi lớp tám, cứ sáng dậy chuẩn bị đi học là nó đau bụng quằn quại, hoặc là đau ngực, đau đến độ nằm rũ ra. “Mẹ ơi, con mệt lắm,” nó bảo, “con không thể đi học được.” Các cô ở trường làm loạn lên, lớp nó là lớp chọn, nó nghỉ thì sẽ bị ảnh hưởng. Tôi xách con đi khám khắp nơi, không giải quyết được gì cả. Mọi người cứ bảo, hay là nó làm trò? Tôi cũng bán tín bán nghi, nhưng chả lẽ nó đóng kịch giỏi vậy? Hồi đó tôi cũng thiếu hiểu biết, chỉ thấy mặt mũi nó nặng nề, khổ sở, đầu tóc bù xù. Giờ thì tôi biết đó là biểu hiện của rối loạn lo âu. Thời điểm đó, hai mẹ con rất căng thẳng với nhau, buổi tối nhiều khi cãi nhau mấy tiếng đồng hồ, rồi nó thức trắng đêm.
THANH
Hồi tôi năm tuổi, bố mẹ tôi ly dị. Mỗi tuần tôi được gặp bố một lần. Bố hay hứa đưa tôi đi câu, điều tôi rất là thích, nhưng thay vào đó, bố đưa tôi ra quán net rồi đi đâu mất. Toàn bộ cấp một của tôi, cuối tuần nào tôi cũng được đi chơi net. Có những lần bố đón tôi từ trường và đưa tôi thẳng tới quán net luôn.
Bây giờ thì tôi và bố cũng như hai người bạn thôi. Thích làm chủ, không thích làm nhân viên, nên bố bỏ việc ở công ty bảo hiểm để mở một quán nhậu. Tôi nghĩ là bố cũng bị trầm cảm. Lúc nào bố cũng rất căng thẳng, do dịch Covid mà cái quán nhậu này cũng sắp phải chuyển nhượng lại. Trước đó, bố chung với bạn mở một quán gà vịt, nhưng cũng phải đóng cửa và vay tiền mẹ để trả nợ. Có những đêm bố chỉ ngủ có hai tiếng và tâm trạng thì thất thường. Đang vui vẻ với khách nhưng bố có thể nổi xung, thậm chí đuổi họ đi, chỉ vì một câu họ nhỡ miệng. Bố mua về một hệ thống phun sương, hì hục lắp nhưng không được vì không có hướng dẫn. Thế là bố đập phá, làm sập hẳn một cái bàn. Hiện bố chạy thêm xe ôm công nghệ. Mọi thứ khá là mờ mịt cho bố, nhưng tôi không biết phải làm gì.
LIÊN
Michael, anh tư vấn viên người Singapore, nói với tôi về Thanh, “Tôi chưa từng gặp một người trẻ đã phải chịu đựng nhiều chấn thương tâm lý như thế.” Anh ấy đã làm việc nhiều với các thiếu niên lạc lối Singapore, anh ấy từng trải, có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, là người chuyên nghiệp, chừng mực, không phóng đại. Vậy mà anh ấy nói vậy. Tôi đã khóc cả một buổi. Tôi không thể hình dung những đau khổ mà Thanh đã trải qua.
Hồi nhỏ, cuối tuần thằng bé cứ chờ cả buổi chiều, mong ngóng bố tới đón. Tới mức tôi phải bảo nó, mẹ nói thì bố không nghe đâu, nhưng bố nghe con, con nói với bố là bố tới muộn vậy thì con khổ. Nó bảo, nhưng con nói thế thì bố buồn. Đi chơi với bố về nó cũng chả kể gì cả, tôi hỏi tại sao, nó bảo, kể về bố thì sợ mẹ buồn. Từ bé nó đã luôn sợ người khác buồn. Còn nỗi buồn của nó, cảm giác bị bỏ rơi, nó cứ giữ trong lòng.
Mà không ai trong gia đình tôi có thể hiểu được cảm giác đó của nó đâu. Mọi người luôn nghĩ là nó được thương nhất, được quan tâm nhất. Nhưng nó chịu một sức ép khổng lồ. Phải nhìn gương ông bà là nhà giáo lớn này, nhìn các bác là giáo sư, tiến sĩ này, rồi nhìn con các bác đi du học này. Đó cũng là một lý do khiến nó ghét học và sợ trường.
THANH
Tôi sợ hãi việc đến trường tới mức có những ngày tôi đến được cổng trường, thậm chí vào được bãi gửi xe rồi, nhưng sau đó thì không thể đi tiếp. Người tôi cứ run bắn lên, ngực thì thắt lại khiến tôi ngạt thở. Trước đây, khi ở nhà, mình bình thường, đánh răng rửa mặt, thậm chí còn tươi tỉnh. Nhưng đến gần trường thì tay bắt đầu run. Bọn nó có chấp nhận mình không? Bảo vệ có cho mình vào không? Thầy cô giáo sẽ nhìn mình như thế nào? Những thứ đấy ập đến và rốt cuộc là tôi không nhúc nhích được. Xung quanh tôi, bọn học sinh vẫn đi băng băng.
Năm lớp mười hai thì mẹ đưa tôi đi khám tâm thần. Tôi hợp tác vì tôi thực sự muốn giải quyết chuyện ngủ của mình. Năm đó tôi bị mất ngủ nặng tới mức mẹ phải chạy vạy xin giấy đặc cách để tôi được đến trường muộn mà không làm ảnh hưởng tới thi đua của lớp. Nhiều hôm tôi ở nhà hoàn toàn. Ông hay vặn vì sao tôi không đi học. Tôi bảo, tôi có những vấn đề mà chắc ông không hiểu được. Ông bảo, “Chả có cái gì mà tao không hiểu được, tao lớn hơn mày bao nhiêu tuổi, còn cái gì mà tao không biết?” Nhưng tôi biết ông không chấp nhận bệnh tâm lý là bệnh. Không có mặt ở lớp nhiều nên tôi lại càng cô độc.
LIÊN
Tôi nói chuyện với cô chủ nhiệm về hiện trạng của Thanh, xin cho nó có thể đến muộn mà không bị ghi tên vào sổ. Cô ấy nhìn tôi, ánh mắt như muốn nói, “Ai biết đây là đâu, chị? Làm sao em biết là chị không chiều nó, là nó không đóng kịch?” Tôi lên gặp hiệu trưởng. Thở ra mùi rượu, ông ấy bảo, “Chị về chữa cho cháu đi, bao giờ chữa xong thì đi học.” Tôi giải thích, cái bệnh này không dứt điểm được như là sốt hay gãy chân, gãy tay. Ông ấy bảo, “Cơ chế là cơ chế.” Tôi cậy cục nhờ người quen tác động, ông hiệu trưởng nói tôi xuống gặp hai cô hiệu phó, hai cô hiệu phó bảo tôi gặp lại cô chủ nhiệm. Vòng quanh đèn cù, cuối cùng thì họ đồng ý. Từ đó, họ coi nó như cái bình vôi, đến và đi lúc nào không ai quan tâm. Thằng bé lại càng mặc cảm. Lũ trẻ cùng lớp thì đâu có đủ kiên nhẫn với một thằng bé thu mình. “Chúng nó có coi con là thành viên trong lớp đâu.” Câu nói của nó làm tôi đau lòng quá.
Thế đấy, trường lớp ở Việt Nam không dành cho những đứa trẻ không vừa khuôn. Tự kỷ, rối loạn cảm xúc, hoàn cảnh đặc biệt nọ kia, trường không dành cho những đứa trẻ đó.
Chỉ có hai người khiến tôi đặc biệt xúc động, đó là cô giáo tiếng Anh và cô giáo Văn. Tiếng Anh thì rõ rồi, cô ấy quý vì nó giỏi tiếng Anh mà chả cần tới lớp. Nhưng môn Văn thì Thanh có giỏi đâu, mà trước những hôm kiểm tra là nó bị căng thẳng, không thể đến trường được, làm gì có bài để mà cô chấm. Hiểu ra chuyện, cô ấy nghĩ ra cách là không báo trước, mà hay bất ngờ gọi nó xuống phòng giáo viên và bảo nó, “Ngồi xuống, đề kiểm tra đây, em làm đi.”
THANH
Mẹ và tôi tới một phòng khám, bệnh nhân ra vào nườm nượp, ngồi san sát nhau, chuyện của ai mọi người cũng nghe được. Với người tái khám, ông bác sĩ chỉ nói dăm ba câu, rồi bảo, “Thuốc đây, về đi.” Tôi được cho làm test, ông ấy nói chuyện với hai mẹ con, chỉ cần mười lăm phút tổng cộng, rồi nhìn vào kết quả test và bảo, ồ, không ổn rồi, thằng này bị trầm cảm rồi, và kê đơn thuốc.
Sau một tháng uống thuốc, tình hình tôi vẫn không khá hơn.
LIÊN
Năm ngoái, tự nó nói, “Mẹ giúp con với.” Tôi chọn một phòng khám tư, ông này là trưởng phó khoa gì đó của một bệnh viện lớn, chỉ khám sau năm giờ chiều. Hôm đó rất đông. Tác phong của ông ấy vô cùng thương mại, dửng dưng, không hề có sự quan tâm, chia sẻ. Ông ấy nhìn Thanh, sự nghi ngờ lộ rõ, “Có thật như thế không đấy: Cậu có làm quá lên không đấy?” Khi có chẩn đoán là trầm cảm rồi, họ bắt mua luôn thuốc dùng trong ba tháng, không được mua ít hơn. Tôi tra ra thì là thuốc Ấn Độ, chi phí tới bốn, năm triệu.
Lúc tái khám, tôi bảo tình hình không tốt lên, thì ông ấy bảo, “Ờ, không sao đâu, không sao đâu. Cứ uống đi! Cái này phải mất thời gian,” rồi quay sang người tiếp theo. Còn lần đầu thì nội dung và kết quả test tôi không được biết. Ông ấy giữ kín, tất cả rất huyền bí. Tôi là người được học hành, có thể tự tìm hiểu, chứ một người không có nhiều thông tin, thấy một phòng khám bóng lộn, rực rỡ, nhân viên ra vào rầm rập như thế thì chắc bị ấn tượng lắm, thuốc gì mà chả uống, bảo gì mà chả nghe. Nhưng mình thấy thiếu hẳn cái nhân văn, mà đây lại liên quan tới sức khỏe tinh thần. “Không vấn đề gì đâu, thế này là bình thường mà.” Họ coi đơn giản quá, như uống thuốc cảm, thuốc giun. Tôi thấy sợ.
THANH
Chúng tôi tìm tới Bệnh viện Bạch Mai, gặp một anh bác sĩ trẻ rất quan tâm, cởi mở, mẹ con tôi rất có thiện cảm. Anh ấy hỏi chuyện tôi tới cả tiếng đồng hồ. Nhưng thuốc của anh ấy lại khiến tôi bị ngủ li bì, tỉnh dậy thì người đờ đẫn và vẫn mệt bã ra, không thể để đi học được. Tối hôm trước ngày thi tốt nghiệp, tôi chỉ ước hôm sau mình không thức dậy nữa, tôi sợ đến như vậy. Đến giờ tôi vẫn không hiểu làm sao mà sáng hôm đó tôi có thể mò ra được khỏi nhà. Đợt đó nóng kinh khủng, vì Covid nên phòng thi không được bật điều hòa, tôi lại ngồi đúng chỗ quạt trần hỏng. Về nhà thì tôi bị sập nguồn, ngủ li bì một ngày rưỡi.
LIÊN
Còn một lần thứ ba nữa chúng tôi tới bệnh viện, lần này là Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Cũng lại chỉ một cuộc nói chuyện mười phút, cũng lại một đơn thuốc mà tôi không mua. Bệnh viện trong rất nghèo nàn. Bệnh nhân ở đây rất nặng, nhiều người không tỉnh táo. Ám ảnh nhất là hình ảnh các bà mẹ già đưa con trai đã tuổi trung niên đi tái khám để lấy thuốc. Không có một người cha nào đi cùng.
THANH
Tôi được như thế này là nhờ Michael. Cả năm vừa rồi tôi hay gặp chú ấy, mỗi lần gặp sẽ điểm lại những gì đã xảy ra từ lần gặp trước, chia sẻ những vấn đề tôi đang có, rồi xem những chấn thương tuổi thơ của tôi có thể đóng vai trò gì. Chú ấy lắng nghe tôi là chính, chỉ thỉnh thoảng hỏi lại xem hiểu như thế có đúng không, ý tôi có phải là như vậy không. Michael giúp tôi gỡ rối, từ từ, từ từ, từng đoạn một. Chuyện của tôi chắc cũng không nặng nề hơn chuyện của những đứa trẻ kém may mắn khác, nhưng tôi không có ai để nói ra, tôi chỉ có con chó, mà nó có nói được tiếng người đâu, nên mọi thứ cứ chồng chất lên theo thời gian. Michael nói là mỗi người có một giới hạn chịu đựng riêng.
LIÊN
Thực ra tôi vốn dị ứng với các nhà tư vấn. Hồi Thanh nhỏ, tôi cho nó tới một chuyên gia tâm lý và phát hiện ra nó mấy lần lấy tiền của mẹ. Một lúc sau, anh này kéo tôi ra một góc, “Chị phải cẩn thận, thằng bé có biểu hiện tính cách của người sau này là tội phạm.” Thanh thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với người nước ngoài, lại được nói tiếng Anh, nên nó đồng ý gặp Michael. Nhưng anh ấy cũng cảnh báo, “Tôi không có phép mầu đâu, tôi không thể hứa với chị được là sau vài tháng mọi việc sẽ tốt lên.” Tôi bảo, “Cái đấy anh không cần nói tôi cũng hiểu.”
Sau gần một năm thì đến giờ Michael hiểu về cuộc sống của hai mẹ con tôi hơn cả người thân của tôi. Vốn có nền tảng công tác xã hội, anh ấy không chỉ gặp Thanh ở văn phòng, mà còn tới nhà tôi tìm hiểu cuộc sống của Thanh, rồi để xuất biến cái kho thành cái xưởng để nó có chỗ khoan đục, lắp robot nọ kia. Có hôm nó khoe anh ấy nhờ nó sửa cái kéo cho vợ anh. Michael cho Thanh cảm giác mình có giá trị. Rồi anh ấy biết Thanh thích món gì, hai chú cháu hẹn nhau đi ăn trưa. Tôi không bao giờ được biết nội dung chuyện trò của hai người, trừ phi Thanh cho phép Michael kể lại. Thanh nhận ra lòng chân thành của anh ấy, nó tin tưởng hoàn toàn. Nó thấy được tôn trọng, được lắng nghe.
Michael giúp tôi nhận ra những phản xạ theo thói quen của mình, do mình kỳ vọng không thực tế, do mình bị stress. Khi Thanh nói, hôm nay đi học con thấy mệt quá, tôi học được cách lắng nghe và ghi nhận cảm xúc của con, thay vì nói, “Đi học thế là thường, ai mà chả bị vậy hả con.” Cái Thanh cần không phải là các lời khuyên, nó đủ nhận thức và thông minh để biết nên làm gì. Cái nó cần là được thông cảm. Michael khuyên tôi nên chào đón và ghi nhận tất cả các thay đổi của Thanh, từ cái nhỏ nhất. Trước kia, tôi vô cùng sốt ruột và tức tối khi thấy cả buổi tối nó ngồi chơi game. Giờ đây, tôi hiểu nó cần làm một cái gì đấy để quên đi những lo lắng của nó, và suy nghĩ mình có thể giúp nó thế nào. Michael giúp tôi hiểu, nó làm vậy không phải là vì nó hư, nó xấu. Nó có lý do, và mình phải tin tưởng là nó biết nghĩ, biết lo cho mẹ, nó có trách nhiệm với bản thân. Gia đình tôi thì nhảy dựng hết cả lên, “Phải cấm game! Phải cấm vape!” Nhưng tôi thì nhìn nó hút vape trước mặt và nghe nó giải thích về các loại tinh dầu khác nhau. Tôi rất cô đơn trong hành trình của mình với con.
THANH
Chú Michael cũng giúp tôi nhận ra những cảm xúc đang diễn ra bên trong mình, cáu bẳn với mẹ này, rồi những sợ hãi này. Nhận ra rồi thì mình có thể tự hỏi, ừ, mình có cần phải lo âu như thế không, khả năng chuyện đó xảy ra là thế nào. Michael cũng khuyên tôi không nên tự sỉ vả, hành hạ khi mình không làm được cái gì đó. Điều đó sẽ chỉ khiến mình thấy rất tệ và muốn bỏ cuộc hoàn toàn. Chú ấy cũng làm việc với mẹ để mẹ đỡ căng thẳng hơn, mẹ đỡ căng thẳng thì tôi sẽ đỡ căng thẳng. Thực sự là tôi thấy may mắn khi gặp được Micheal. Không phải ai cũng có thể kiên nhẫn nghe chuyện của người khác mà không bình phẩm hay khuyên răn như vậy. Đó là một điều vô cùng khó.
LIÊN
Thanh giống như là tấm gương phản chiếu tôi, tôi có tác động trực tiếp đến nó. Nó hay nhìn mặt tôi và lo lắng khi thấy mẹ không vui. Nó rất sợ nhìn thấy tôi khóc. Đó cũng là vấn đề lớn, đôi khi tôi muốn lánh đi đâu đó vài ngày một mình để nghỉ ngơi, nhưng lại không yên tâm. Tôi đồng ý với Michael, Thanh cần trở thành người độc lập, tự lập. Đã quá lâu rồi, tôi là cọc bám duy nhất của Thanh trong thế giới của nó.
Tôi không nhớ mình đã sống sót qua những ngày trước khi Thanh thi tốt nghiệp phổ thông như thế nào. Vì quá căng thẳng và lo sợ, Thanh lao vào chơi game ròng rã. Tôi chỉ muốn trốn đi đâu đấy để không phải nhìn thấy cảnh đấy. Liệu nó đã đầu hàng? Tôi đã cố gắng, rất cố gắng để không quay lại những suy nghĩ tôi có trước khi gặp Michael, rằng tôi đang bị chính con trai mình cưỡi lên cổ, rằng nó đang thao túng tôi. Nhưng rồi tôi tự nhủ rằng, thực ra Thanh cũng không hạnh phúc, nó đang rất khổ sở.
Michael gửi một bản thánh ca để giúp tôi làm dịu tâm trí. Tôi đã vui mừng với những biến đổi rất nhỏ của con, nhưng trước kỳ thi trước mắt, tôi lại sốt ruột và căng thẳng. Tôi có đang đặt kỳ vọng quá cao? Sáu giờ hôm trước, nó vẫn bảo, “Mai mẹ pha nước con mang theo nhé.” Hai mẹ con ra ngoài ăn tối để nó thư giãn, vui vẻ. Tám giờ, nó bảo, “Mẹ ơi, ngày mai con không sẵn sàng. Tinh thần con không có, kiến thức con không có, con không thi được.” Tôi gần phát điên lên. Hai mẹ con nói chuyện với nhau cả tối, tới một giờ rưỡi sáng thì nó bảo, “Vâng, con đi thi.” Thực sự tôi cũng chả biết cuối cùng điều gì đã làm nó xuôi.
THANH
Tôi và mẹ vẫn có những trận cãi nhau, điều mà tôi không thích một chút nào cả. Nếu cả hai cùng kiềm chế một tí thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nhưng hôm vừa rồi, tôi còn chả nhớ hôm đó cãi nhau về cái gì, chắc chắn là một chuyện vớ vẩn nào đấy, mẹ tát tôi. Biết là mẹ mất bình tĩnh, tôi đẩy mẹ bằng được vào phòng của mẹ, bắt mẹ ngồi xuống, rồi về phòng mình. Mẹ ra đập cửa phòng tôi, bắt tôi mở. Ok, tôi mở. Mẹ nói cái gì đó rồi xuống bếp khóa cửa lại mà không để tôi trả lời. Đến lượt tôi điên lên, chạy xuống dưới và phá cửa bếp. Thực ra tôi biết cách cậy khóa, nhưng đây không phải lúc tôi đủ bình tĩnh để mà cậy khóa. Kết quả là đêm hôm đó tôi không ngủ được tí gì, và hôm sau thì một bên gọng kính của tôi gần gãy rời ra, mẹ cố dán lại bằng băng dính. Đeo thì nó cứ lệch như thế này, đi trên đường rất tệ.
Nhưng cái tát không làm cho tôi buồn bằng việc mẹ đã đập cái cốc tôi mua cho mẹ làm quà sinh nhật. Tôi đã dành thời gian, tôi tự chọn nó, tôi mua bằng tiền mình tự kiếm, và mẹ đã đập nó. Mẹ đã từng tỏ ra rất là quý nó, rất trân trọng nó, và mẹ đập nó chỉ trong một phút giận dữ. Thậm chí có vẻ như mẹ không cảm thấy quá tệ về chuyện đó, không như tôi.
LIÊN
Sau một năm làm việc với Michael, nói thật là tôi tránh nhìn vào tài khoản để khỏi phải thấy cái chi phí tư vấn. Buốt ruột lắm, nhưng rõ ràng là cuộc sống của hai mẹ con tiến triển tốt hơn. Giờ đã có những thời điểm tôi và nó nói chuyện được với nhau, cho dù cách đây chưa lâu cái cửa phòng bếp đã bị đập nát. Và Thanh vẫn rất buồn là tôi đập vỡ cái cốc nó tặng. Tuần trước, Michael gợi ý hai mẹ con cùng đi mua một cái cốc khác tặng mẹ.
Nhưng đêm qua, gần hai giờ mà nó vẫn chơi game. Nó cần làm cái gì đó thật mệt thì mới ngủ được. Tôi đứng bên ngoài, bên trong vọng ra các âm thanh của trò chơi. Tôi đã cố gắng quá lâu, đã bị căng thẳng quá lâu, giống như cái dây cao su bị kéo căng triền miên, cứ bở dần, nứt dần. Bỗng nhiên tôi bật khóc vì sợ hãi. Tôi sợ quay lại những ngày trước kia, những buổi sáng không thể gọi nó dậy, sợ lại rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tôi sợ mình không đủ sức để lặp lại chặng đường ấy một lần nữa. Nếu tôi đứt, tất cả những nỗ lực của tôi từ trước đến giờ sẽ phí hoài hoàn toàn.
Tôi biết là người trầm cảm hay cho là mình vô dụng, vô giá trị, nên họ cần một cái ôm, một bờ vai để tựa vào, một cái tai để lắng nghe. Tôi biết là mình không được sốt ruột, không được nóng giận, trách móc mày ích kỷ, mày vô tích sự, hay rao giảng con phải thế này, con phải thế kia. Nhưng thực tế mới khó khăn làm sao. Sự căng thẳng khiến tôi dễ mất bình tĩnh, dễ khóc, hay quên, đầu óc như trong sương mù. Mình nổi nóng, rồi mình lỡ nói sai, lỡ làm sai, rồi mình lại dằn vặt bản thân. Một vòng luẩn quẩn.
“Bạn làm được…” Không đúng đâu, Michael ạ, tôi cảm thấy thật sự hết sức lực rồi. Ban nãy, tôi bảo Thanh, “Mẹ muốn nói với con là mẹ hết sức rồi.” Nó trả lời, “Con cũng thế, những lúc con cần giúp đỡ, mẹ cũng có giúp được nữa đâu.” Trong thâm tâm, tôi muốn gào lên: “Tại sao lúc nào cũng là tôi? Vậy còn tôi thì sao, có ai quan tâm tới tôi không?”
THANH
Đến giờ tôi vẫn không thể tin được là mình đã đỗ đại học, ngành công nghệ thông tin. Một phần tôi rất vui, nhưng một phần tôi cũng rất lo. Lần nào chuyển sang môi trường mới tôi cũng không thành công lắm. Liệu tôi có vượt qua được thách thức này không, nó có quá sức tôi không? Đây là trường bán công, mẹ sẽ tốn bao nhiêu cho tôi, nếu tôi thi trượt nhiều? Nếu tôi thất bại, đời tôi sẽ ra sao?
LIÊN
Mấy tuần đầu sau khi nhập học, nó hứng khởi, ngưỡng mộ thầy giáo, gửi ảnh thư viện sáng đèn buổi tối về, “Thích cực mẹ ạ! Con vẫn đang ở trường.” Thanh bắt đầu lên một loạt các kế hoạch tham gia phòng thí nghiệm này, câu lạc bộ kia. Nhưng chỉ một tuần sau, nó suy sụp. Việc học cả sáng lẫn chiều, rồi phải tham gia hoạt động này nọ thì mới vào được câu lạc bộ, với bạn bè cùng lứa là bình thường, nhưng với Thanh lại là quá nhiều. Di chuyển nhiều trên đường ồn ào làm nó đau đầu. Ngồi đợi mấy tiếng để đến giờ sinh hoạt câu lạc bộ khiến nó mệt mỏi. Đêm về nó mất ngủ. Thanh đâm ra nản và quay ra căm ghét bản thân vì không được như các bạn.
Thỉnh thoảng lại có một chuyện trên trời rơi xuống, khiến bao nhiêu công sức bị đổ xuống sông xuống biển. Thanh hay đeo tai nghe khi đi đường vì tiếng ồn làm nó bị căng thẳng. Hôm trước nó bị công an giữ lại. Với người khác thì đó chỉ là một chuyện khó chịu nho nhỏ, nhanh chóng trôi qua. Nhưng khi bị bắt, Thanh rất căng thẳng và mất bình tĩnh. Nó cần được chia sẻ với tôi nhưng tôi lại đang họp, không thể nghe máy. Thanh làm loạn lên, nhắn tin khủng bố tôi là nó đang đau đầu, đau tay, buồn nôn và cần người nói chuyện ngay lập tức. Rồi nó ngủ thiếp đi, và hôm sau thì sợ hãi không dám đi xe máy ra đường nữa. Nó nằm bẹp ở nhà, mọi kế hoạch thi tuyển vào câu lạc bộ bị bỏ xó.
THANH
Có những lúc tôi nghĩ tới cái chết. Cái này tôi chỉ nói với bạn, tôi còn chưa nói với Michael. Tôi tự hỏi, chết thì sẽ như thế nào nhỉ. So với việc cố gắng để sống tử tế thì tôi thấy chết là một thứ gì đấy vô cùng dễ. Tôi hiểu vì sao nhiều người lại coi nó là một lối thoát. Ngoài ra, đã từng có một khoảng thời gian, chắc mẹ cũng chả biết đâu, tôi tự cắt tay. Cắt trên mu bàn tay. Tôi mệt quá, nhưng tôi không muốn đập phá đồ dạc bởi việc đấy sẽ ảnh hưởng tới người khác.
Nói chung, tôi đã nhiều lần nghĩ tới chuyện làm thế nào để chết. Tôi tự hỏi mình ở trong cái nhà này để làm gì, và tôi đã quá mệt mỏi với việc tới trường. Tôi đã từng có những kế hoạch, nhưng thực tế là tính tôi khá cẩn thận, nên tôi không ghi chép lại ở đâu cả. Làm sao tôi biết được là không có ai khác ngoài tôi đọc được? Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, đội tuyển Việt Nam vào chung kết. Hôm đó cả trường ra sân xem bóng đá, mà cái đứa tôi thích thì lại ngồi cạnh bạn trai nó. Tôi thấy rất tệ, mà tôi chả có ai để chia sẻ cả. Tôi nghĩ, ờ, hay hôm nay là cái ngày đó nhỉ. Tôi đi xe điện lên cầu Nhật Tân. Nhiều người có thể bảo, tại sao không làm ở nhà. Nhưng thực tế mà nói nếu làm chuyện đó ở nhà thì sẽ khổ những người còn lại, người ta sẽ kỳ thị, không muốn đến nhà mình nữa. Tôi không thích thế. Tôi đứng trên cầu, nhìn quanh. Xung quanh có quá nhiều người, mà tôi lại rất ghét gây ra sự chú ý, tôi muốn nếu mình làm thì ở một nơi kín đáo. Tôi đi ra chỗ khác, rồi chỗ khác, cứ như thế, tới khi xe hết điện và tôi phải dắt bộ về nhà. Đến nhà thì ông sai tôi làm cái gì đó, thế là tôi không ra ngoài được nữa.
LIÊN
Tôi đang không ổn, rất không ổn. Môi trường ở công ty kiểm toán đầy áp lực, mà tôi không được phép tụt lại, tôi cần cái thu nhập này. Ở nhà thì be bét. Nhiều năm nay rồi, tôi là người chăm sóc chính cho bố mẹ già, vậy mà hôm trước mẹ nói là do tôi ăn ở tệ bạc nên cuộc sống của tôi mới như thế này. Còn Thanh, đến bao giờ thì nó có thể tự sống được, tự lo cho tương lai của mình? Nói ra thì nghe thật là ngu, nhưng đến tuổi này tôi cũng không biết mình sinh ra trên đời này, sống trên đời này, để làm cái gì.
Đầu óc tôi mấy ngày nay luôn nhớ đến hình ảnh Anthony Bourdain. Nhà đầu bếp lừng danh ấy rất đẹp, rất tài năng, rất truyền cảm hứng, nhưng rồi ông ấy đã tự kết liễu cuộc sống của mình. Tôi nghĩ là mình hiểu ông ấy, càng sống người ta càng thấy mệt mỏi và cạn kiệt dần năng lượng.
Liệu tôi có đang ở tình trạng của những ca mà tôi nghe được lâu nay, người ở cùng và chăm sóc người trầm cảm lâu ngày cũng thành trầm cảm? Hôm trước, Thanh chở tôi đi qua sân vận động Mỹ Đình. Nhìn xe cộ đi lại đan xen, bỗng trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ, nếu nó lái không chắc tay, hai mẹ con cùng nằm đó, thì tốt hay là không tốt? Tôi biết suy nghĩ đó là điên rồ, nhưng nó tự nảy ra trong đầu tôi, sáng lên như một giải thoát cho những gánh nặng của cuộc đời này.