Dám Bị Ghét - Chương 02

Cậu không phải mãi "như thế này" mà được

Triết gia: Vậy chúng ta hãy trở lại cuộc tranh luận. Cậu muốn trở thành người vui vẻ giống như Y phải không?

Chàng thanh niên: Nhưng thầy đã gạt phăng đi, nói rằng đó là việc rất khó khăn. Thực tế đúng là như vậy. Tôi chỉ hỏi để làm khó thầy thôi, chứ tự tôi cũng biết là mình không thể trở thành một người như thế.

Triết gia: Tại sao cậu lại : nghĩ vậy?

Chàng thanh niên: Đơn giản thôi. : Vì đó là sự khác nhau về tính cách, hay nói cụ thể hơn là sự khác nhau về khí chất.

Triết gia: Haha

Chàng thanh niên: Chẳng hạn như thầy đang sống giữa cả rừng sách như thế này. Thầy liên tục đọc những cuốn sách mới, tiếp thu những tri thức mới. Nói cách khác, thầy đang không ngừng tích lũy tri thức. Càng đọc nhiều sách, lượng tri thức càng tăng. Thầy có giá trị quan mới, liền cảm thấy bản thân mình thay đổi.

Nhưng, thưa thầy. Tiếc là dù có tích lũy bao nhiêu kiến thức thì nền tảng là khí chất và tính cách cũng sẽ không thay đổi! Nếu nền móng vốn đã nghiêng lệch, kiến thức cũng chẳng ích lợi gì. Những tri thức tích lũy cũng sẽ nghiêng theo mà đổ ụp, đến lúc nhận ra thì đã trở lại thành mình như trước! Tư tưởng Adler cũng giống vậy. Dù tích lũy bao nhiêu tri thức về học thuyết của ông ta thì tính cách của tôi cũng sẽ không thay đổi. Kiến thức được tích lũy, rồi sẽ lại bị gạt bỏ thôi.

Triết gia: Vậy, để tôi hỏi câu này. Rốt cuộc tại sao cậu lại muốn trở thành người như Y? Dù là Y hay ai đi nữa, tóm lại là cậu muốn trở thành một người khác. "Mục đích" của việc đó là gì vậy?

Chàng thanh niên: Lại là chuyện "mục đích" sao? Lúc nãy tôi đã nói rồi, tôi quý Y và cho rằng nếu mình trở thành người giống như cậu ấy thì sẽ hạnh phúc.

Triết gia: Cậu cho rằng nếu trở thành người giống như cậu ấy thì sẽ hạnh phúc. Nghĩa là bây giờ cậu không hạnh phúc à?

Chàng thanh niên: Chuyện đó...!!

Triết gia: Giờ cậu không thấy hạnh phúc, bởi vì cậu không yêu chính bản thân mình. Và cậu mong muốn "biến thành người khác" như một phương tiện để có thể yêu bản thân. Vì mục đích đó, cậu muốn trở thành người giống như Y, và từ bỏ bản thân mình của hiện tại. Tôi nói vậy có đúng không?

Chàng thanh niên: ... Vâng, đúng là như vậy! Tôi thừa nhận là tôi ghét chính mình! Tôi ghét cái bản thân ngay lúc này đang thích thú đàm luận về một thứ triết học lỗi thời với thầy! Tôi cũng ghét cái bản thân không thể không làm điều đó.

Triết gia: Không vấn đề gì. Chẳng mấy ai được hỏi có yêu bản thân mình không, mà lại có thể hãnh diện trả lời là "yêu" đâu.

Chàng thanh niên: Còn thầy thì sao? Thầy có yêu bản thân mình không?

Triết gia: Ít ra tôi cũng không muốn trở thành người khác, tôi chấp nhận "bản thân của hiện tại".

Chàng thanh niên: Chấp nhận "bản thân của hiện tại"?

Triết gia: Nghe này, dù cậu có muốn trở thành Y đến thế nào thì cậu cũng không thể tái sinh thành Y được. Cậu không phải là Y. Cậu cứ là cậu là được rồi.

Nhưng tôi không nói cậu phải mãi như thế này. Nếu cậu không thấy hạnh phúc, chắc chắn không thể cứ "như thế này" mà được. Cậu không được đứng yên mà cần phải không ngừng tiến lên phía trước.

Chàng thanh niên: Quả là những lời khó nghe nhưng đúng là như vậy. Chắc chắn không thể cứ thế này được. Tôi cần phải tiến lên phía trước.

Triết gia: Tôi lại xin dẫn lời của Adler. Ông ấy nói thế này. "Điều quan trọng không phải anh được trao cho cái gì, mà là anh sử dụng cái đó như thế nào." Cậu muốn trở thành Y hay trở thành một ai đó là vì cậu chỉ để tâm đến "mình được trao cho cái gì". Đừng làm vậy, mà hãy tập trung nghĩ xem "mình sẽ sử dụng cái được trao cho như thế nào".

Cậu bất hạnh là bởi tự mình chọn lấy "bất hạnh"

Chàng thanh niên: Không, không, điều đó là không thể.

Triết gia: Tại sao lại không thể?

Chàng thanh niên: Tại sao ư? Vì có những người được sinh ra trong gia đình có cha mẹ hiền lành, khá giả, cũng có những người sinh ra trong gia đình có cha mẹ ác độc, nghèo khổ. Đó là cuộc sống. Ngoài ra, tôi thật không muốn nói thế này, nhưng thế giới này vốn dĩ chẳng công bằng, sự phân biệt chủng tộc, quốc tịch, dân tộc vẫn là vấn đề khó mà giải quyết được. Tập trung vào vấn đề "mình được trao cho cái gì" là điều hiển nhiên thôi!

Chàng thanh niên: Thưa thầy, những lời của thầy chỉ toàn là học thuyết trên bàn giấy, hoàn toàn bỏ qua thế giới hiện thực!

Triết gia: Người : không : nhìn đến hiện : thực chính là cậu. Mải mê chấp nhất chuyện "mình được trao cho cái gì" thì liệu hiện thực có thay đổi không? Chúng ta không phải là cỗ máy có thể thay thế được. Điều chúng ta cần không phải là thay thế mà là đổi mới.

Chàng thanh niên: Đối với tôi thay thế hay đổi mới cũng giống nhau! Thầy đang lảng tránh phần quan trọng. Thầy nghe này, trên đời có cái gọi là nỗi bất hạnh từ thuở lọt lòng. Trước hết, xin thầy hãy công nhận điều đó.

Triết gia: Tôi không công nhận.

Chẳng hạn, bây giờ cậu không thấy hạnh phúc. Đôi lúc, cậu còn cảm thấy cuộc sống đầy đau khổ, thậm chí mong muốn trở thành người khác. Thế nhưng, giờ phút này cậu bất hạnh là bởi cậu tự mình chọn lấy "bất hạnh", chứ không phải cậu sinh ra đã có số bất hạnh.

Chàng thanh niên: Tự mình chọn lấy bất hạnh? Thầy bảo tôi làm sao tin được điều đó đây?

Triết gia: Đây không phải phát biểu gì ghê gớm lắm đâu. Đó là cách nói đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Cậu có biết câu nói "Chẳng ai muốn làm ác" không? Đó là một mệnh đề nổi tiếng, một nghịch lý của Sokrates.

Chàng thanh niên: Chẳng phải có cả núi người muốn làm ác hay sao? Những kẻ cướp của, giết người đã đành, rồi chính trị gia, quan chức làm những hành vi bất chính cũng đầy rẫy. Tìm người liêm khiết, trong sạch không muốn làm ác có khi còn khó hơn.

Triết gia: Đúng là cái ác trong hành vi còn tồn tại vô số. Nhưng dù là tội gì, không ai phạm tội ác chỉ vì muốn làm việc ác. Tất cả những kẻ tội phạm đều có "lý do tương ứng" nội tại của hành vi phạm tội đó. Chẳng hạn, một kẻ giết người do tranh chấp tiền bạc. Đối với bản thân kẻ đó, đấy là hành vi có "lý do thích hợp", nói cách khác là hành vi "thiện". Tất nhiên không phải là việc thiện xét trên phương diện đạo đức mà là thiện với ý nghĩa "có lợi cho bản thân".

Chàng thanh niên: Có lợi cho bản thân?

Triết gia: Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ "thiện" (agathon) không hề có sắc thái ý nghĩa đạo đức. Chỉ có nghĩa là "có lợi". Mặt khác, từ "ác" (kakon) cũng có nghĩa là "không có lợi". Thế giới này đang lan tràn vô số các hành vi xấu xa như hành động bất chính, phạm tội. Nhưng lại chẳng có một ai muốn làm điều "ác = không có lợi" trong ý nghĩa đơn thuần của nó.

Chàng thanh niên: ... Chuyện đó thì có liên quan gì tới tôi?

Triết gia: Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời cậu đã chọn "bất hạnh". Đó không phải là do cậu sinh ra trong hoàn cảnh bất hạnh hay rơi vào tình cảnh bất hạnh, mà vì cậu đã cho rằng đối với bản thân mình "bất hạnh" là một dạng "thiện".

Chàng thanh niên: Tại sao? Để làm gì cơ chứ?

Triết gia: "Lý do thích hợp" của cậu là gì? Tại sao cậu lại tự mình chọn lấy "bất hạnh"? Tôi cũng không thể biết được những điều chi tiết như vậy. Có lẽ chúng sẽ dần dần sáng tỏ trong cuộc đối thoại này chăng.

Chàng thanh niên: ... Thưa thầy, thầy định bẫy tôi phải không! Thầy vẫn không thừa nhận ư?! Tôi tuyệt đối không chấp nhận thứ triết học đó!

❄❄❄❄❄❄❄❄❄

Chàng thanh niên bất giác đứng phắt dậy, tức giận nhìn chằm chằm vào Triết gia. Ông ấy còn nói mình đã chủ động lựa chọn cuộc đời bất hạnh này? Đó là điều "thiện" đối với mình sao? Cách lý luận này thật điên rồ! Mà tại sao ông ấy lại nhạo báng mình như thế? Mình đã làm gì cơ chứ? Nhất định mình sẽ bẻ gãy lý lẽ của ông ấy. Mình sẽ khiến ông ấy phải bái phục mình. Khuôn mặt Chàng thanh niên đỏ gay.

Con người thường quyết tâm "không thay đổi"

Triết gia: Cậu hãy ngồi xuống đi! Cứ thế này thì hai bên trò chuyện không ăn nhập với nhau cũng chẳng có gì là lạ. Ở đây tôi xin giải thích một cách đơn giản cơ sở của cuộc tranh luận, tức là vấn đề tâm lý học Adler hiểu con người như thế nào.

Chàng thanh niên: Xin hãy giải thích ngắn gọn! Thật ngắn gọn!

Triết gia: Lúc nãy cậu nói "tính cách và khí chất của con người không thể thay đổi". Tâm lý học Adler thì giải thích tính cách và khí chất của con người qua từ "lối sống" (lifestyle).

Chàng thanh niên: Lối sống?

Triết gia: Đúng vậy. Là xu hướng suy nghĩ và hành động trong cuộc đời mỗi người.

Chàng thanh niên: Xu hướng suy nghĩ và hành động?

Triết gia: Người đó nhìn nhận "thế giới" như thế nào, nhìn nhận "bản thân" như thế nào. Ta hãy dùng "lối sống" như một khái niệm khái quát những "cách thức đi tìm ý nghĩa" này. Ở nghĩa hẹp, có thể coi nó là tính cách; còn theo nghĩa rộng hơn, từ này thậm chí bao hàm cả thế giới quan và nhân sinh quan của một người nào đó.

Chàng thanh niên: Thế giới quan?

Triết gia: Chẳng hạn, có người sầu khổ vì "Mình có tính cách bi quan". Ta hãy thử đổi cách nói khác, rằng "Mình có Iối sống bi quan" xem sao. Tôi cho rằng vấn đề không phải ở tính cách mà là ở thế giới quan. Có lẽ từ "tính cách" mang lại cảm giác không thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu là thế giới quan thì lại có thể thay đổi được.

Chàng thanh niên: Hừm, hơi khó nhỉ. Lối sống mà thầy nói đó có phải gần giống như "cách thức sống" không?

Triết gia: Có thể diễn đạt như thế. Nếu nói chính xác hơn một chút thì là "trạng thái của cuộc đời". Chắc chắn cậu nghĩ rằng khí chất và tính cách là những điều không thể dùng ý chí mà thay đổi. Nhưng tâm lý học Adler cho rằng lối sống là kết quả do mình chủ động lựa chọn.

Chàng thanh niên: Kết quả do mình chủ động lựa chọn?

Triết gia: Đúng vậy.

Chàng thanh niên: Có nghĩa là tôi không chỉ lựa chọn "bất hạnh" mà còn tự lựa chọn cả tính cách lệch lạc này sao?

Triết gia: Tất nhiên rồi.

Chàng thanh niên: Ha ha, luận điệu này của thầy thật vô lý. Đến lúc tôi nhận ra thì tính cách đã thành ra thế này rồi. Tôi không hề nhớ là mình đã chọn. Thầy cũng vậy còn gì? Có thể tự do chọn tính cách của mình, chuyện này rõ là quá vô lý!

Triết gia: Tất nhiên, không phải là cậu đã ý thức lựa chọn "mình như thế này". Có lẽ lựa chọn ban đầu là hành vi vô thức. Hơn nữa, trong quá trình lựa chọn, các nhân tố tác động bên ngoài như cậu vẫn nhắc đi nhắc lại, tức là chủng tộc, quốc tịch, văn hóa, hoàn cảnh gia đình, cũng có ảnh hưởng lớn. Dù vậy, người lựa chọn "mình như thế này" chính là cậu.

Chàng thanh niên: Tôi không hiểu ý thầy. Tôi đã chọn vào lúc nào?

Triết gia: Tâm lý học Adler cho rằng có lẽ vào khoảng lúc trên dưới 10 tuổi.

Chàng thanh niên: Vậy thì cứ cho là tôi sẽ nhường thầy 100 bước, mà không, nhường 200 bước mà công nhận tôi lúc 10 tuổi đã vô thức chọn lối sống đó. Nhưng như thế thì sao nào? Dù gọi là tính cách, khí chất hay lối sống thì đằng nào tôi cũng đã trở thành "tôi như thế này" mất rồi. Tình hình đâu có thay đổi được.

Triết gia: Không đâu. Nếu lối sống không phải là bẩm sinh mà do tự mình lựa chọn thì chắc chắn mình cũng có thể tự chọn lại.

Chàng thanh niên: Chọn lại?

Triết gia: Có lẽ trước giờ cậu không hiểu lối sống của mình. Có lẽ thậm chí không biết đến cả khái niệm lối sống. Tất nhiên, không ai có thể chọn lựa xuất thân của mình. Sinh ra ở đất nước này, thời đại này, là con của gia đình này không phải những điều ta có thể tự chọn lựa. Hơn nữa, những nhân tố này đều có sức ảnh hưởng khá lớn. Về xuất thân của mình, có lẽ cậu không hài lòng, mỗi lần nhìn người khác lại có cảm giác "giá mà mình được sinh ra trong hoàn cảnh như vậy".

Nhưng sự việc không thể dừng lại ở đó. Vấn đề không phải là quá khứ mà là "lúc này". Bây giờ, vào lúc này cậu đã hiểu được lối sống của chính mình. Nếu vậy, từ giờ sẽ làm gì là trách nhiệm của cậu. Tiếp tục chọn lối sống như từ trước đến giờ hay chọn lại một lối sống mới, tất cả đều phụ thuộc vào cậu.

Chàng thanh niên: Vậy, thầy bảo tôi làm thế nào để chọn lại đây? Đâu phải chỉ một câu nói "Chính cậu đã chọn lối sống đó, nên giờ hãy chọn lại ngay đi", là có thể thay đổi ngay được!

Triết gia: Không, không phải cậu không thay đổi được. Bất cứ lúc nào hay dù ở trong hoàn cảnh nào con người cũng có thể thay đổi. Cậu không thể thay đổi là vì cậu đã hạ quyết tâm "sẽ không thay đổi".

Chàng thanh niên: Thầy nói gì cơ?

Triết gia: Con người lựa chọn lối sống cho mình ở mọi thời điểm. Ngay cả trong những khoảnh khắc ngồi cạnh nhau nói chuyện như bây giờ ta cũng đang lựa chọn. Cậu nói mình là người bất hạnh. Nói muốn thay đổi ngay lập tức. Thậm chí còn mong muốn trở thành người khác. Mặc dù vậy, cậu không thể thay đổi là vì sao? Đó là vì cậu không ngừng quyết tâm không thay đổi lối sống của mình.

Chàng thanh niên: Không, không. Những lời thầy nói không hợp lý chút nào. Tôi muốn thay đổi. Đây là mong muốn thực lòng của tôi. Vậy tại sao tôi lại quyết tâm không thay đổi?!

Triết gia: Có lẽ vì cậu cho rằng dù có hơi bất tiện, thiếu tự do nhưng lối sống bây giờ vẫn tốt hơn, cảm thấy không thay đổi sẽ thoải mái hơn là thay đổi này" thì từ kinh nghiệm vốn có cậu có thể phán đoán được cần xử lý những việc trước mắt như thế nào và điều gì sẽ xảy ra. Giống như lái một chiếc xe quen thuộc. Dù hỏng hóc ít nhiều nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, có thể lái thành thạo.

Trong khi đó, nếu lựa chọn lối sống mới, cậu không biết điều gì sẽ xảy ra với con người mới của mình, cũng không biết phải xử lý những việc diễn ra trước mắt bằng cách nào. Tương lai trở nên khó dự đoán, cuộc sống đầy nỗi bất an, biết đâu một cuộc sống khó khăn hơn, bất hạnh hơn đang đợi cậu ở phía trước. Nghĩa là dù người ta có nhiều điều bất mãn nhưng vẫn cho rằng giữ nguyên hiện trạng thế này lại dễ dàng, an tâm hơn.

Chàng thanh niên: Ý thầy là muốn thay đổi nhưng lại sợ thay đổi?

Triết gia: Khi muốn thay đổi lối sống, chúng ta cần rất nhiều can đảm. Giữa "sự bất an" do thay đổi và "sự không hài lòng" dai dẳng vì không thay đổi, chắc chắn cậu đã chọn vế sau rồi.

Chàng thanh niên: ... Giờ thầy lại dùng từ "can đảm" à?

Triết gia: Đúng vậy. Tâm lý học Adler là tâm lý học của lòng can đảm. Cậu bất hạnh không phải do quá khứ và hoàn cảnh, càng không phải do thiếu năng lực. Cậu chỉ thiếu "can đảm" mà thôi. Nói một cách khác, cậu không đủ "can đảm dám được hạnh phúc".

Cuộc đời cậu được quyết định "ngay tại đây, vào lúc này"

Chàng thanh niên: Can đảm dám được hạnh phúc..

Triết gia: Cậu cần tôi giải thích thêm không?

Chàng thanh niên: Không, khoan đã. Đầu óc tôi loạn hết cả rồi. Đầu tiên, thầy nói rằng thế giới này rất đơn giản. Rằng cảm thấy thế giới phức tạp là do chủ quan của "tôi" khiến ra như vậy. Không phải cuộc đời phức tạp mà là "tôi" làm cuộc đời phức tạp và vì thế khiến cho việc sống hạnh phúc trở nên khó khăn.

Và thầy cũng nói rằng cần phải suy nghĩ theo quan điểm của thuyết mục đích chứ không phải là thuyết nguyên nhân của Freud. Không được tìm kiếm nguyên nhân trong quá khứ, hãy phủ định sang chấn tâm lý, con người không phải là dạng tồn tại bị chi phối bởi những nguyên nhân trong quá khứ mà hành động để đạt được mục đích nào đó.

Triết gia: Không sai.

Chàng thanh niên: Không chỉ có thế, thầy còn nói thuyết mục đích xây dựng trên tiền đề chính là "con người có thể thay đổi", và con người ở mọi thời điểm đều đang tự chọn lối sống của mình.

Triết gia: Đúng như vậy.

Chàng thanh niên: Tôi không thể thay đổi là vì chính bản thân tôi quyết tâm "không thay đổi". Tôi không đủ can đảm lựa chọn lối sống mới. Nghĩa là, tôi thiếu "can đảm dám được hạnh phúc". Chính vì vậy mà tôi mới bất hạnh. Tôi hiểu như vậy có sai không?

Triết gia: Không hề.

Chàng thanh niên: Nếu như thế thì, vấn đề là biện pháp cụ thể: "làm thế nào để thay đổi lối sống". Thầy vẫn chưa nói rõ điều đó.

Triết gia: Đúng vậy. Lúc này điều cậu cần làm trước hết là gì? Đó là quyết tâm từ bỏ lối sống hiện nay.

Lúc nãy cậu đã nói "Nếu trở thành người như Y, tôi sẽ hạnh phúc". Cứ sống trong giả thiết kiểu "nếu như thế này thì" sẽ không thể thay đổi được. Bởi vì "nếu trở thành người giống như Y" chính là cái cớ để cậu không thay đổi bản thân.

Chàng thanh niên: Cái cớ để không thay đổi bản thân?

Triết gia: Trong số những người bạn trẻ của tôi, có một người ước mơ trở thành tiểu thuyết gia nhưng mãi mà chẳng viết được tác phẩm nào. Cậu ấy bảo bận việc không có thời gian để viết nên không thể hoàn thành tác phẩm, cũng không tham gia một cuộc thi nào cả.

Tuy nhiên, có đúng như vậy không? Thực ra là, cậu ấy muốn để ngỏ khả năng "nếu làm sẽ được" bằng việc không dự thi. Cậu ấy không muốn bị phơi bày cho người khác đánh giá, và lại càng không muốn đối diện với sự thực là tác phẩm của mình không được giải vì quá chán. Cậu ấy muốn sống trong cái khả năng "chỉ cần có thời gian mình sẽ làm được, chỉ cần có điều kiện mình cũng viết được, mình có tài năng đó". Có lẽ năm, mười năm nữa, cậu ấy sẽ bắt đầu sử dụng những lý lẽ bao biện khác, như mình không còn trẻ nữa" hay "mình đã có gia đình rồi".

Chàng thanh niên: ... Tôi hiểu đến đau đớn cảm giác của anh ấy.

Triết gia: Dự thi rồi trượt thì cũng phải làm. Như thế có thể sẽ trưởng thành hơn hoặc có thể sẽ hiểu ra rằng mình cần phải đi theo con đường khác. Dù thế nào cũng có thể tiến lên phía trước. Thay đổi lối sống hiện tại chính là như vậy đó. Nếu cứ mãi không gửi bản thảo dự thi, sẽ chẳng tiến lên được.

Cũng có thể giấc mơ sẽ bị đập tan nát! Nhưng thế thì có sao chứ? Cậu không cho rằng cứ đưa ra đủ các "lý do không thể làm được" để đáp lại một vấn đề đơn giản - một việc cần phải làm - là một cách sống khổ sở sao? Trường hợp của cậu bạn mơ trở thành tiểu thuyết gia ấy chính là "bản thân" làm cho cuộc đời phức tạp, làm cho việc sống hạnh phúc trở nên khó khăn.

Chàng thanh niên: ... Gay gắt quá! Triết học của thầy gay gắt quá!

Triết gia: Đúng vậy, có lẽ là một liều thuốc mạnh. Đúng là liều thuốc mạnh!

Nhưng, nếu muốn thay đổi cách nhìn nhận thế giới và bản thân (lối sống), sẽ buộc phải thay đổi cách đối xử với thế giới, thậm chí là cả hành vi nữa. Đừng quên điểm này: sẽ cần phải thay đổi. Cậu vẫn cứ là "cậu", nhưng phải chọn lại lối sống. Có thể gay gắt thật nhưng cũng đơn giản lắm.

Chàng thanh niên: Không phải vậy. Tôi nói gay gắt với ý khác cơ! Nghe những điều thầy nói tôi lại có cảm giác bản thân mình từ trưóc tới nay đang bị kết tội rằng "không hề có cái gọi là sang chấn tâm lý, hoàn cảnh cũng chẳng liên quan gì. Tất cả đều là bản thân có vấn đề, nên bất hạnh của cậu là do cậu cả"!

Triết gia: Không. Không phải tôi kết tội cậu. Thuyết mục đích của Adler nói rằng "Cho dù phần đời từ trước tới nay có xảy ra chuyện gì chăng nữa cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của phần đời từ nay trở đi". Người quyết định cuộc sống của cậu chính là bản thân cậu đang sống ngay tại đây, vào lúc này.

Chàng thanh niên: Cuộc đời của tôi được quyết định ngay tại đây, vào lúc này?

Triết gia: Đúng vậy. Vì không có cái gọi là quá khứ.

Chàng thanh niên: ... Được rồi. Không hẳn là tôi đồng ý 100% với quan điểm của thầy. Có nhiều chỗ tôi chưa chấp nhận, nhiều điểm muốn phản bác. Nhưng đồng thời, quả thật những lời của thầy cũng rất đáng suy nghĩ và khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về tâm lý học Adler. Đêm nay, tôi xin dừng lại ở đây, và tuần sau tôi xin phép lại tới làm phiền thầy. Nếu không đầu tôi sẽ nổ tung mất.

Triết gia: Được thôi. Có lẽ cậu cần thời gian suy nghĩ một mình. Tôi lúc nào cũng ở đây nên cậu hãy đến lúc nào cậu muốn. Cảm ơn cậu đã cho tôi một khoảng thời gian thú vị. Tôi rất mong đợi cuộc tranh luận tiếp theo.

Chàng thanh niên: Cuối cùng còn một điều này nữa. Hôm nay do cuộc tranh luận diễn ra quyết liệt quá mà tôi đã có những lời thất lễ. Mong thầy bỏ qua cho.

Triết gia: Đừng bận tâm. Cậu nên đọc cách Đối thoại của Platon. Các học trò của Sokrates đều thảo luận với ông bằng những lời lẽ và thái độ thẳng thắn đến kinh ngạc. Đó là tư thế cần thiết của đối thoại.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3