Dám Bị Ghét - Chương 06

ĐÊM THỨ BA: Bỏ qua nhiệm vụ của người khác

Sau hai tuần ngẫm nghĩ, lại tới thư phòng của Triết gia. Tự do là gì? Tại sao con người, tại sao mình lại không thể tự do? Thứ đang bó buộc mình là gì? Bài tập dành cho quá khó. Anh không thể có câu trả lời thuyết phục. Càng nghĩ anh càng nhận ra mình thiếu tự do.

Phủ định nhu cầu được thừa nhận

Chàng thanh niên: Thầy đã nói là hôm nay sẽ thảo luận về tự do nhỉ?

Triết gia: Đúng vậy, cậu đã nghĩ xem tự do là gì chưa?

Chàng thanh niên: Tôi đã nghĩ nát óc rồi.

Triết gia: Cậu rút ra được kết luận chưa?

Chàng thanh niên: Tôi vẫn chưa có câu trả lời. Tuy nhiên, tôi đã tìm thấy ở thư viện một câu thế này: "Tiền bạc là tự do đúc thành khối”. Đó là câu nói trong tiểu thuyết của Dostoyevsky. Thầy thấy sao, câu nói "tự do được đúc thành khối" nghe thật hay phải không. Tôi cho rằng câu này vô cùng sâu sắc, thể hiện đúng bản chất của đồng tiền.

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Đúng là nếu khái quát về bản chất của những thứ mà đồng tiền mang lại thì có thể gọi đó là tự do. Đúng là một câu nói thâm thúy. Nhưng, từ đó có thể nói rằng "tự do nghĩa là tiền bạc" không?

Chàng thanh niên: Thầy nói hoàn toàn chính xác. Có sự tự do mua được bằng tiền bạc. Và chắc chắn tự do đó lớn hơn chúng ta hình dung nhiều. Trên thực tế, tất cả nhu cầu ăn, mặc, ở đều được đáp ứng nhờ tiền bạc. Dù vậy, có phải chỉ cần giàu có là con người có được tự do không? Tôi không nghĩ thế và cũng muốn tin là không phải như thế. Tôi muốn tin rằng giá trị của con người, hạnh phúc của con người không thể mua bằng tiền bạc.

Triết gia: Vậy, giả sử cậu đã có được tự do về tiền bạc, nhưng vẫn không thể hạnh phúc. Lúc này, cậu còn lại phiền muộn gì, thiếu tự do gì?

Chàng thanh niên: Đó là tự do trong quan hệ với người khác, điều mà thầy đã nhắc đi nhắc lại năm lần bảy lượt. Tôi cũng đã suy nghĩ kỹ về điều đó. Chẳng hạn, có một cuộc sống giàu sang nhưng không có người yêu. Không có ai gọi là bạn thân, bị mọi người ghét bỏ. Đó là một bất hạnh lớn. Còn một điều nữa cứ lởn vởn trong đầu tôi là "gông cùm". Tất cả chúng ta đều đang vật lộn mà sống giữa các loại "gông cùm". Phải giao thiệp với những người mình không thích, phải lấy lòng cấp trên mình không ưa. Thầy hãy tưởng tượng mà xem, nếu được giải thoát khỏi mối quan hệ phiền phức giữa người với người thì sẽ dễ chịu đến mức nào!

Nhưng chẳng ai làm được điều đó. Chúng ta là những cá nhân trong xã hội, đi đâu cũng bị người khác bủa vây, sống trong sự ràng buộc với người khác. Làm cách nào cũng không thể thoát khỏi tấm lưới bền chắc dệt từ quan hệ giữa người với người. Quan điểm "mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người" mà Adler nói quả là chính xác. Rốt cuộc tất cả đều dẫn tới đó.

Triết gia: Đây là điều quan trọng. Hãy đào sâu suy nghĩ hơn một chút nữa nhé. Điều gì trong mối quan hệ giữa người với người là thứ tước đoạt tự do của chúng ta?

Chàng thanh niên: Chính là điểm này đấy! Hôm trước, thầy đã nói đến chuyện coi người khác là "kẻ thù" hay "bạn". Rằng nếu có thể coi người khác là "bạn", chắc chắn cách nhìn thế giới cũng sẽ thay đổi. Điều này thì tôi công nhận là đúng. Hôm trước ra về tôi đã hoàn toàn chấp nhận quan điểm này. Nhưng, nghĩ kỹ thì quan hệ giữa người với người còn có cả những yếu tố không thể giải thích chỉ bằng cách đó.

Triết gia: Chẳng hạn là gì vậy?

Chàng thanh niên: Dễ thấy nhất là vai trò của bố mẹ. Đối với tôi, nghĩ gì thì nghĩ, bố mẹ không phải là "kẻ thù". Đặc biệt là hồi tôi còn nhỏ, họ là những người giám hộ quan trọng đã nuôi nấng, bảo vệ tôi. Về điểm này, tôi rất biết ơn họ.

Chỉ có điều bố mẹ tôi cực kỳ nghiêm khắc. Lần trước tôi cũng đã nói rồi, họ thường so sánh tôi với anh trai, không công nhận tôi. Và họ liên tục can thiệp vào cuộc đời tôi. Kiểu như hãy học chăm nữa vào, đừng có giao du với loại bạn đó, ít ra thì cũng phải học ở trường đại học này, làm công việc này. Những đòi hỏi đó thật là áp lực lớn, đúng là "gông cùm".

Triết gia: Rốt cuộc, cậu đã làm thế nào?

Chàng thanh niên: Tôi nghĩ là mãi tới khi vào đại học tôi vẫn còn chưa thể phớt lờ mong muốn của bố mẹ, nên luôn phiền muộn và khó chịu. Nhưng sự thật là không biết từ lúc nào tôi đã vô thức điều chỉnh mong muốn của mình cho khớp với mong muốn của bố mẹ. Chỉ có mỗi công việc là tôi tự chọn.

Triết gia: Nói đến mới nhớ. Cậu làm việc gì nhỉ?

Chàng thanh niên: Tôi làm thủ thư tại thư viện trường đại học. Có vẻ bố mẹ tôi muốn tôi tiếp quản công việc ở nhà máy in giống như anh tôi. Vì thế mà kể từ khi tôi đi làm, quan hệ của chúng tôi có rạn nứt ít nhiều. Nếu đối phương không phải bố mẹ, mà là những người giống như "kẻ thù" thì tôi đã chẳng phải nghĩ ngợi rồi. Vì mặc cho họ định can thiệp như thế nào đi nữa, tôi chỉ cần phớt lờ là xong. Nhưng đối với tôi, bố mẹ không phải "kẻ thù". Là bạn hay không hãy khoan bàn đến, ít ra họ không phải là những người đáng gọi là "kẻ thù". Một mối quan hệ quá gần gũi, không thể chỉ phớt lờ mong muốn của họ là xong được.

Triết gia: Khi chọn trường theo mong muốn của cha mẹ, cậu có cảm xức như thế nào đối với họ?

Chàng thanh niên: Phức tạp lắm. Sự thật là tôi vừa có cảm giác hờn giận, nhưng mặt khác cũng vừa có cảm giác an tâm. An tâm rằng nếu vào trường này thì có lẽ sẽ được bố mẹ thừa nhận.

Triết gia: Được thừa nhận là sao?

Chàng thanh niên: Chà, xin hãy dừng ngay những câu hỏi dẫn dụ vòng vo như thế. Chắc chắn thầy hiểu mà. Cái gọi là "nhu cầu được thừa nhận" ấy. Những phiền muộn trong mối quan hệ giữa người với người đều tập trung cả ở đấy. Con người chúng ta luôn sống mà cần đến sự thừa nhận của người khác. Chính vì đối phương không phải là "kẻ thù" đáng ghét nên ta mới mong muốn được người đó thừa nhận! Đúng vậy, tôi muốn được bố mẹ thừa nhận!

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Về điều này, tôi xin đưa ra một tiền đề lớn của tâm lý học Adler. Tâm lý học Adler phủ định nhu cầu được thừa nhận.

Chàng thanh niên: Phủ định nhu cầu được thừa nhận?

Triết gia: Không cần phải được người khác thừa nhận. Đúng hơn là không được mong muốn người khác thừa nhận. Ở đây tôi phải nhấn mạnh điều này.

Chàng thanh niên: Không, không, thầy nói gì vậy? Nhu cầu được thừa nhận là nhu cầu phổ quát thúc đẩy con người vươn lên cơ mà!

Không được sống để đáp ứng mong đợi của người khác

Triết gia: Đúng là được người khác thừa nhận thì rất đáng vui mừng. Nhưng được người khác thừa nhận có thật sự là điều cần thiết không, thì tuyệt đối không. Vốn dĩ tại sao cậu lại muốn được thừa nhận? Nói thẳng thắn hơn thì tại sao lại muốn được người khác khen?

Chàng thanh niên: Đơn giản thôi. Khi được người khác thừa nhận, chúng ta có thể cảm thấy "mình có giá trị". Thông qua sự thừa nhận của người khác, chúng ta có thể xua đi cảm giác tự ti, và thấy tự tin hơn vào bản thân. Đúng vậy, đây đúng là vấn đề "giá trị". Lần trước thầy cũng đã nói cảm giác tự ti là vấn đề đánh giá giá trị. Chính vì không được bố mẹ thừa nhận nên tôi mới sống mãi trong tự ti đấy.

Triết gia: Giờ ta hãy nghĩ đến một ví dụ gần gũi. Chẳng hạn, cậu thấy rác bẩn ở chỗ làm việc bèn nhặt vứt đi. Dù vậy, những người xung quanh hoàn toàn không để ý. Hoặc giả có để ý thì cũng chẳng ai tỏ ra biết ơn, cũng chẳng nói một lời cảm ơn. Cậu sẽ tiếp tục nhặt rác chứ?

Chàng thanh niên: Một tình huống khó khăn thật. Nếu không ai tỏ lòng biết ơn thì có lẽ tôi sẽ không làm nữa

Triết gia: Tại sao?

Chàng thanh niên: Tôi nhặt rác là vì mọi người. Vất vả vì mọi người mà chẳng nhận được một lời cảm ơn. Thế thì cũng chẳng còn muốn làm nữa,

Triết gia: Nhu cầu được thừa nhận nguy hiểm ở chính chỗ đó đấy. Tại sao con người lại mong muốn được người khác thừa nhận? Nhiều trường hợp, đó là ảnh hưởng của nền giáo dục thưởng-phạt.

Chàng thanh niên: Nền giáo dục thưởng-phạt ư?

Triết gia: Nếu hành động đúng đắn sẽ được khen thưởng. Nếu hành động không đúng sẽ bị phạt. Adler phê phán gay gắt nền giáo dục thưởng-phạt như thế. Nền giáo dục thưởng-phạt sẽ sản sinh ra lối sống sai lầm "nếu không có khen sẽ không làm hành động đúng" hoặc "nếu không bị xử phạt sẽ làm cả hành động không đúng". Mục đích muốn được khen có trước nên mới dẫn đến hành động nhặt rác. Và rồi nếu không được ai khen thì sẽ bực bội, quyết định không bao giờ làm việc như thế nữa. Cách nghĩ này thật lạ phải không?

Chàng thanh niên: Không phải! Tôi mong thầy đừng thu hẹp vấn đề này! Tôi không bàn luận về nền giáo dục. Nhu cầu được người mình yêu quý thừa nhận, được những người gần gũi mình chấp nhận là nhu cầu rất tự nhiên!

Triết gia: Cậu đang ngộ nhận rồi. Nghe này, chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác.

Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?

Triết gia: Cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Tôi cũng không sống để đáp ứng mong đợi của người khác. Chúng ta không cần đáp ứng mong đợi của người khác.

Chàng thanh niên: Không, quan điểm thế này thì quá vị kỷ! Thầy đang bảo tôi cứ sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thôi sao?

Triết gia: Trong giáo lý của Do Thái giáo có câu như thế này: "Nếu mình không sống cuộc đời mình vì chính bản thân mình thì ai sẽ sống vì mình."

Cậu sống cuộc đời của riêng cậu. Nếu hỏi cậu sống vì ai thì tất nhiên là vì cậu rồi. Và nếu cậu không sống vì bản thân mình thì ai sẽ sống vì cậu? Xét cho cùng, chúng ta đều đang sống vì chính bản thân mình. Chẳng có lý do gì mà chúng ta không được nghĩ như thế cả.

Chàng thanh niên: Thầy, quả nhiên là thầy đã rơi vào chủ nghĩa hư vô rồi! Xét cho cùng chúng ta đang sống vì chính bản thân mình ư? Thầy nói như vậy cũng được sao? Thật là một suy nghĩ nhỏ nhen!

Triết gia: Đây không phải là chủ nghĩa hư vô. Ngược lại là đằng khác. Nhu cầu được người khác thừa nhận, suốt đời để ý đến đánh giá của người khác, cuối cùng sẽ thành ra sống cuộc đời của người khác.

Chàng thanh niên: Thầy nói vậy nghĩa là sao?

Triết gia: Quá mong muốn được thừa nhận thì sẽ sống theo cách người khác mong đợi "cậu là người như thế này". Nghĩa là vứt bỏ bản thân thực sự mà sống cuộc đời của người khác.

Và hãy nhớ, nếu cậu không sống để đáp ứng mong đợi của người khác thì người khác cũng không sống để đáp ứng mong đợi của cậu. Nếu đối phương hành động không như mình muốn, cũng không được tức giận. Vì đó là điều hiển nhiên.

Chàng thanh niên: Không phải! Nếu cứ theo quan điểm đó sẽ đảo lộn hoàn toàn xã hội của chúng ta! Chúng ta có nhu cầu được thừa nhận. Nhưng để được người khác thừa nhận thì trước hết phải thừa nhận người khác. Chính vì thừa nhận người khác, thừa nhận giá trị quan khác mà bản thân mình cũng sẽ được thừa nhận. Và chúng ta xây dựng nên "xã hội" chính là nhờ dựa vào mối quan hệ thừa nhận lẫn nhau đó!

Thầy, quan điểm của thầy đẩy con người tới sự cô lập, thậm chí đối lập, và là một tư tưởng nguy hiểm cần đánh đổ! Một sự quyến rũ quỷ quyệt, chỉ tổ kích động lòng bất tín và nỗi hoài nghi!"

Triết gia: Ha ha ha, cậu có vốn từ vựng quả là thú vị. Không cần phải cao giọng đâu. Hãy cùng nhau suy nghĩ nào. Nếu không được thừa nhận sẽ đau khổ. Nếu không được người khác thừa nhận, không được bố mẹ thừa nhận sẽ không tự tin. Liệu có thể nói cuộc sống như vậy là lành mạnh không?

Chẳng hạn, nghĩ rằng "Chúa đang dõi theo nên phải làm điều thiện". Nhưng mặt trái của ý nghĩ đó lại chính là rơi vào thuyết hư vô: "Chúa không tồn tại nên có thể chấp nhận mọi hành động xấu". Cho dù Chúa không tồn tại, cho dù không được Chúa thừa nhận thì ta cũng phải sống cuộc đời này. Để vượt qua được tư tưởng hư vô trong một thế giới không có Chúa, cần phải phủ định sự thừa nhận của người khác."

Chàng thanh niên: Tôi chẳng quan tâm chúa chiếc ra làm sao cả! Hãy nghĩ một cách thẳng thắn hơn, trực diện hơn về tâm lý của những người đang sống trong cuộc đời này. Chẳng hạn, nhu cầu được thừa nhận, tức là muốn được xã hội thừa nhận. Tại sao con người lại muốn thành công trong một tổ chức? Tại sao lại muốn có địa vị và danh tiếng? Đó là bởi mong muốn được xã hội coi là người quan trọng, tức nhu cầu được thừa nhận!

Triết gia: Vậy, cậu có thể nói là nếu được thừa nhận rồi thì sẽ thực sự hạnh phúc không? Những người có địa vị xã hội có cảm thấy hạnh phúc không?

Chàng thanh niên: Không, chuyện đó thì...

Triết gia: Khi mong muốn được người khác thừa nhận, hầu hết mọi người đều nhờ vào biện pháp "đáp ứng mong đợi của người khác", đúng theo quan điểm của nền giáo dục thưởng-phạt là hành động đúng đắn sẽ được khen thưởng.

Nhưng, nếu mục đích chính của công việc là "đáp ứng mong đợi của người khác" thì công việc đó hẳn sẽ trở nên khá khó khăn. Vì khi đó, lúc nào cũng phải để ý đến ánh mắt người khác, sợ những đánh giá của người khác, ức chế cái "bản thân" của mình.

Có thể cậu sẽ thấy bất ngờ, nhưng trong số những người đến xin tư vấn hầu hết không có ai là người vị kỷ cả. Họ là những người đang khổ sở vì muốn đáp ứng mong đợi của người khác, mong đợi của cha mẹ, giáo viên. Nói cách khác là không thể hành động như ý mình, tuy là theo nghĩa tích cực.

Chàng thanh niên: Vậy là thầy bảo tôi hãy hành động vị kỷ?

Triết gia: Không : phải là hành động vì mình bất chấp người khác. Để hiểu được điều này, cần phải biết đến quan điểm "phân chia nhiệm vụ".

Chàng thanh niên: Phân chia nhiệm vụ? Lại là một thuật ngữ mới nhỉ. Tôi nghe đây.

❄❄❄❄❄❄❄❄❄

Sự sốt ruột của đã lên tới đỉnh điểm. Bảo mình phủ định nhu cầu được thừa nhận ư? Không được đáp ứng mong đợi của người khác ư? Hãy sống theo ý mình ư? Vị này nói gì vậy? Nhu cầu được thừa nhận chẳng phải là động cơ lớn nhất để con người giao tiếp với người khác, hình thành nên xã hội sao? Nếu quan điểm "phân chia nhiệm vụ" đó mà không thuyết phục được mình thì... có lẽ suốt đời mình sẽ không chấp nhận được người này và cả ông Adler kia nữa.

"Phân chia nhiệm vụ" là gì?

Triết gia: Chẳng hạn, có một đứa trẻ không chịu học. Trong giờ học không nghe giảng, chẳng làm bài tập, sách vở cũng bỏ lại luôn ở trường. Nếu cậu là cha đứa trẻ, cậu sẽ làm gì?

Chàng thanh niên: Tất nhiên là tôi sẽ tìm mọi cách bắt đứa trẻ học rồi. Bắt nó đi học thêm, thuê gia sư, dù có phải xách tai nó vào bàn học. Đó là trách nhiệm của cha mẹ còn gì. Mà tôi cũng đã được nuôi dạy như thế. Hôm nào chưa làm xong bài tập thì hôm ấy chưa được ăn cơm.

Triết gia: Vậy cho tôi hỏi thêm một câu nữa. Khi bị bắt ép học như vậy, cậu có thích học không?

Chàng thanh niên: Tiếc là tôi không thể thích học được. Học vì nhà trường và thi cử thì chỉ học đối phó thôi.

Triết gia: Tôi hiểu rồi. Vậy tôi xin bắt đầu từ quan điểm cơ bản của tâm lý học Adler. Chẳng hạn, mỗi khi gặp một nhiệm vụ như "việc học", tâm lý học Adler sẽ suy nghĩ từ khía cạnh: "Đây là nhiệm vụ của ai?"

Chàng thanh niên: Là nhiệm vụ của ai?

Triết gia: Trẻ học hay không học. Trẻ đi chơi với bạn hay không đi. Đó vốn là nhiệm vụ của trẻ, không phải là nhiệm vụ của cha mẹ.

Chàng thanh niên: Nghĩa là việc đứa trẻ cần làm?

Triết gia: Nói dễ hiểu thì là thế. Bố mẹ có học thay trẻ thì cũng chẳng có ý nghĩa gì phải không?

Chàng thanh niên: Thì đúng là vậy.

Triết gia: Việc học là nhiệm vụ của trẻ. Việc bố mẹ ra lệnh "hãy học đi" là hành vi can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Điều này không thể tránh dẫn đến xung đột. Chúng ta cần phân chia nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ của người khác nhờ câu hỏi đây là nhiệm vụ của ai?

Chàng thanh niên: Phân chia rồi để làm gì?

Triết gia: Không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác. Chỉ vậy thôi.

Chàng thanh niên: ... Chỉ vậy thôi sao?

Triết gia: Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân. Chỉ cần biết phân chia nhiệm vụ, quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi rõ rệt.

Chàng thanh niên: Hừm, tôi không hiểu rõ lắm. Làm thế nào để phân biệt được "đây là nhiệm vụ của ai"? Thực ra theo quan điểm của tôi, tôi cho ràng việc bắt con học là trách nhiệm của cha mẹ. Bởi vì hầu như chẳng có đứa trẻ nào thích học cả và nói gì thì nói, bố mẹ là người giám hộ mà.

Triết gia: Cách phân biệt nhiệm vụ của ai đơn giản lắm. Chỉ cần nghĩ "Ai là người cuối cùng thụ hưởng kết quả đo lựa chọn đó mang lại?

Khi đứa trẻ lựa chọn "không học" thì người cuối cùng phải chịu kết quả do quyết định đó mang lại - chẳng hạn như không theo kịp bài học, không vào được trường theo đúng nguyện vọng - không phải bố mẹ mà chắc chắn là đứa trẻ. Nghĩa là việc học là nhiệm vụ của trẻ.

Chàng thanh niên: Không, hoàn toàn không phải! Để trẻ không rơi vào tình trạng như thế, bố mẹ, những nguòi đi trước trong cuộc sống, người giám hộ cho trẻ phải có trách nhiệm yêu cầu "hãy học đi" chứ. Đó là nghĩ cho con chứ không phải hành vi can thiệp. Có thể "việc học" là nhiệm vụ của con nhưng "việc bắt con học" lại là nhiệm vụ của bố mẹ.

Triết gia: Đúng là các ông bố bà mẹ trên đời này thường hay dùng câu "đấy là bố mẹ nghĩ cho con". Nhưng rõ ràng họ đang làm vậy để thỏa mãn mục đích của mình, mục đích ấy có thể là thể diện, hư vinh hoặc mong muốn chi phối con cái. Nghĩa là không phải "vì con" mà là "vì mình", và chính vì cảm nhận được sự giả dối đó mà trẻ phản ứng lại.

Chàng thanh niên: Vậy theo thầy, nếu trẻ hoàn toàn không chịu học thì cũng cứ mặc kệ vì đó là nhiệm vụ của trẻ sao?

Triết gia: Ở đây cần lưu ý, tâm lý học Adler không khuyến khích thái độ vô trách nhiệm. Vô trách nhiệm là thái độ không biết trẻ đang làm gì và không hề muốn biết. Chủ trương của tâm lý học Adler không phải như thế, mà là biết trẻ đang làm gì để dõi theo chúng. Nếu vấn đề là việc học thì hãy nói cho trẻ biết đó là nhiệm vụ của trẻ, và cũng cho trẻ biết rằng khi trẻ muốn học thì mình luôn sẵn sàng hỗ trợ, nhưng không can thiệp vào nhiệm vụ của trẻ. Không được nhúng tay vào khi không có yêu cầu.

Chàng thanh niên: Điều đó không chỉ giới hạn trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái?

Triết gia: Tất nhiên. Chẳng hạn, phương pháp tư vấn của tâm lý học Adler cho rằng người đến tư vấn có thay đổi hay không không phải là nhiệm vụ của nhà tư vấn.

Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?

Triết gia: Sau khi được tư vấn tâm lý, người đến tư vấn sẽ quyết định như thế nào? Thay đổi lối sống hay không thay đổi? Đó là nhiệm vụ của người đó, nhà tư vấn tâm lý không thể can thiệp.

Chàng thanh niên: Không, sao có thể chấp nhận một thái độ vô trách nhiệm như thế chứ!

Triết gia: Tất nhiên nhà tư vấn sẽ hỗ trợ hết sức. Nhưng không thể can thiệp vào những điều xảy ra sau đó. Có một câu tục ngữ là "Có thể dẫn con ngựa tới dòng nước nhưng không thể bắt nó uống nước". Hãy nghĩ quan điểm tư vấn và hỗ trợ người khác nói chung trong tâm lý học Adler cũng giống như vậy. Phớt lờ mong muốn của người đó, bắt người ta "thay đổi" thì chỉ tổ phản tác dụng mạnh mẽ mà thôi.

Chàng thanh niên: Nhà tư vấn tâm lý không thay đổi cuộc đời của người đến tư vấn sao?

Triết gia: Chỉ mình mới có thể thay đổi được mình thôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3