Dám Bị Ghét - Chương 08

Nhu cầu được thừa nhận dẫn tới mất tự do

Chàng thanh niên: Từ xưa tôi đã thấy bất mãn việc đó rồi! Người lớn tuổi trên đời đều khuyên thanh niên "Cứ làm gì mình thích!", hơn nữa còn nói với nụ cười đầy vẻ thông cảm, tỏ ra mình đứng về phe thanh niên. Nhưng đó chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi, nói với những thanh niên xa lạ, chẳng có quan hệ gì với mình, mình cũng chẳng cần có trách nhiệm gì với họ mà thôi!

Trong khi đó, bố mẹ và giáo viên đưa ra những yêu cầu cụ thể chán ngắt như "Phải vào trường đó" hay "Phải tìm một công việc ổn định", đó không phải đơn thuần là can thiệp, trái lại còn cho thấy họ có trách nhiệm. Chính vì là người gần gũi với họ nên họ mới nghiêm túc nghĩ cho tương lai của người đó, không thốt ra những lời vô trách nhiệm như "Cứ làm gì mình thích"!

Chắc hẳn thầy cũng sẽ khuyên tôi với bộ dạng thông cảm đó, rằng "Cứ làm gì mình thích". Nhưng tôi không tin những lời này của người lạ đâu! Đó là những lời nói quá vô trách nhiệm, như gạt đi con sâu bướm trên vai vậy! Cho dù thiên hạ có giẫm nát con sâu bướm đó thì chắc thầy cũng thản nhiên nói "Không phải nhiệm vụ của tôi" rồi bỏ đi mà thôi! Cái gì mà phân chia nhiệm vụ chứ?! Thầy thật vô cảm.

Triết gia: Ha ha ha. Cậu dễ mất bình tĩnh nhỉ!

Tóm lại là, ở một mức độ nào đó cậu muốn người khác can thiệp, hoặc muốn người khác quyết định hộ con đường của mình phải không?

Chàng thanh niên: Nói thẳng ra thì có lẽ là thế! Đoán xem người khác mong đợi gì ở mình thì không khó. Trong khi đó, sống theo ý thích của mình lại rất khó. Mình mong muốn điều gì? Muốn trở thành người ra sao, sống một cuộc sống như thế nào? Những điều này đều rất khó hình dung cụ thể. Nếu nghĩ rằng ai cũng có ước mơ và mục tiêu rõ ràng thì thầy nhầm to rồi. Lẽ nào thầy không hiểu cả điều đó sao?!

Triết gia: Đúng là sống để đáp ứng mong đợi của người khác là cách sống dễ dàng thật. Vì như thế đã phó mặc cuộc đời của mình cho người khác, giống như chạy theo đúng con đường cha mẹ đã vạch sẵn vậy. Dù có ít nhiều bất mãn nhưng hễ còn chạy trên con đường đó thì sẽ không bị lạc. Nhưng nếu tự quyết định con đường của mình, đương nhiên sẽ có khả năng lạc đường, thậm chí có khi còn lâm vào ngõ cụt "phải sống như thế nào?"

Chàng thanh niên: Lý do tôi mong muốn được người khác thừa nhận chính là ở chỗ đó! Lúc nãy thầy đã nhắc đến Chúa, nếu vào thời đại con người còn tin có Chúa thì có lẽ việc "Chúa đang dõi theo" có thể trở thành thước tấc đưa mình vào khuôn phép. Có lẽ chỉ cần được Chúa thừa nhận thì sẽ không cần người khác thừa nhận nữa. Nhưng thời đại đó đã kết thúc lâu rồi. Như vậy thì chỉ còn cách đưa mình vào khuôn phép nhờ "người khác đang quan sát". Sống một cuộc đời đàng hoàng để được người khác thừa nhận. Đôi mắt của người khác chính là biển chỉ đường cho tôi.

Triết gia: Chọn sự thừa nhận của người khác hay chọn con đường tự do không được thừa nhận, đó là vấn đề quan trọng, chúng ta hãy cùng suy nghĩ nào. Việc sống mà phải để ý ánh mắt của người khác, luôn thăm dò sắc mặt của người khác, sống để đáp ứng mong đợi của người khác có lẽ sẽ có biển chỉ đường cho cuộc đời thật, nhưng đó là cách sống vô cùng mất tự do.

Vậy tại sao lại chọn cách sống mất tự do đó? Cậu đã sử dụng cụm từ "nhu cầu được thừa nhận", nhưng có lẽ ý cậu là không muốn bị ai ghét phải không?

Chàng thanh niên: Làm gì có người nào cố tình muốn bị ghét chứ!

Triết gia: Đúng vậy. Đúng là không có ai mong muốn bị ghét cả. Nhưng, hãy nghĩ thế này. Phải làm thế nào mới không bị ai ghét? Câu trả lời chỉ có một. Luôn thăm dò sắc mặt người khác, đồng thời cam kết trung thành với tất cả mọi người. Nếu xung quanh có mười người thì sẽ trung thành với cả mười. Làm được như vậy thì trước mắt sẽ không bị ai ghét. Tuy nhiên, lúc này một mâu thuẫn lớn đang đợi cậu phía trước. Chính từ tâm nguyện không muốn bị ghét nên trung thành với cả mười người. Điều này giống như chính trị gia rơi vào chủ nghĩa dân túy, hứa "làm được" cả những điều không làm được, nhận cả những trách nhiệm mà mình không gánh được. Tất nhiên, những lời nói dối đó sẽ sớm bị lật tẩy, và sau đó lòng tin sẽ mất, khiến cuộc đời càng khốn khổ hơn. Dĩ nhiên, áp lực vì phải tiếp tục nói dối cũng lên đến ngoài sức tưởng tượng.

Ở đây cậu hãy hiểu rõ. Sống để đáp ứng mong đợi của người khác và phó mặc cuộc đời mình cho người khác, đó là cách sống lừa dối bản thân, đồng thời lừa dối cả những người xung quanh mình.

Chàng thanh niên: Vậy thầy bảo tôi hãy sống ích kỷ và tùy tiện ư?

Triết gia: Phân chia rành rọt các nhiệm vụ không phải là ích kỷ. Đúng ra, chính can thiệp vào nhiệm vụ của người khác mới là một lối nghĩ ích kỷ. Cha mẹ bắt con cái học hành, can thiệp cả vào kế hoạch tương lai và đối tượng kết hôn. Những điều này đều là suy nghĩ ích kỷ.

Chàng thanh niên: Vậy thì con cái cứ sống tùy thích, không cần để ý đến mong muốn của cha mẹ phải không?

Triết gia: Chẳng có lý do gì khiến mình không được sống cuộc đời theo ý thích của mình cả.

Chàng thanh niên: Ha ha! Thầy, thầy vừa theo chủ nghĩa hư vô vừa theo chủ nghĩa vô chính phủ, đồng thời cũng theo chủ nghĩa khoái lạc. Tôi thấy buồn cười hơn là ngạc nhiên đấy!

Triết gia: Những người lớn đã chọn cách sống mất tự do sẽ phê phán những thanh niên đang sống tự do, nắm lấy khoảnh khắc này là "sống theo chủ nghĩa hưởng thụ". Tất nhiên đây là lời nói dối cuộc đời được thốt ra để người lớn ấy thuyết phục bản thân mình chấp nhận cuộc sống mất tự do đang có. Nếu là những người lớn đã chọn tự do thực sự sẽ không thốt ra những lời đó, có khi còn ủng hộ hãy sống tự do.

Chàng thanh niên: Được rồi, tóm lại thầy đã bảo xét cho cùng vấn đề cần bàn đến là tự do phải không? Vậy chúng ta hãy chuyển sang phần chính đi. Từ nãy đến giờ từ "tự do" đã xuất hiện quá nhiều lần, vậy thì tự do theo thầy nghĩ là gì? Chúng ta làm thế nào mới trở nên tự do?

Tự do thực sự là gì

Triết gia: Vừa rồi cậu thừa nhận "không muốn bị ai ghét" và nói rằng "chẳng có người nào lại cố tình muốn bị ghét".

Chàng thanh niên: Vâng.

Triết gia: Tôi cũng vậy. Tôi không muốn bị người khác ghét. Có thể nói "chẳng có người nào lại cố tình muốn bị ghét" là một nhận xét sắc sảo.

Chàng thanh niên: Đó là nhu cầu phổ quát mà!

Triết gia: Tuy nhiên, bất kể chúng ta nỗ lực đến đâu thì cũng có người ghét tôi và cũng có người ghét cậu. Đó cũng là sự thật. Khi bị ai đó ghét hoặc khi nhận thấy mình bị ghét thì cậu sẽ cảm thấy thế nào?

Chàng thanh niên: Có thể gói gọn trong hai chữ "khổ sở". Cứ mãi day dứt, dằn vặt tại sao mình lại bị ghét, hành động và lời nói của mình có chỗ nào chưa được, về sau phải thay đổi cách tiếp cận với người khác ra sao.

Triết gia: Không muốn bị người khác ghét. Đây là một nhu cầu rất tự nhiên, một thôi thúc không kiềm chế được. Immanuel Kant, người khổng lồ của triết học cận đại đã gọi những nhu cầu như vậy là "xu hướng (Neigung)".

Chàng thanh niên: Xu hướng?

Triết gia: Đúng vậy. Đó là nhu cầu mang tính bản năng, nhu cầu không kiềm chế được. Vậy thì việc sống thuận theo xu hướng, thuận theo nhu cầu và thôi thúc không kiềm chế được, sống như hòn đá lăn xuống dốc có phải là tự do hay không, thì tôi xin trả lời là không. Cách sống đó chỉ là làm nô lệ cho nhu cầu và thôi thúc. Tự do thực sự là đẩy bản thân đang lăn như vậy ngược lên dốc.

Chàng thanh niên: Đẩy ngược lên dốc?

Triết gia: "Sỏi đá thì vô lực. Một khi đã bắt đầu lăn xuống dốc sẽ tiếp tục lăn do các định luật tự nhiên như trọng lực và quán tính. Nhưng chúng ta không phải là sỏi đá. Chúng ta là những tồn tại có thể cưỡng lại xu hướng, ngăn đà lăn của bản thân, leo ngược lên dốc.

Có lẽ nhu cầu được thừa nhận đúng là một nhu cầu tự nhiên. Thế thì để được người khác thừa nhận, chúng ta cứ thế lăn xuống dốc sao? Lẽ nào phải tự mài mòn mình giống như hòn đá lăn, cho đến khi đánh mất hình dạng cũ, trở nên tròn trịa? Hình cầu được tạo ra bằng cách đó, có thể nói đó "thực sự là mình" không? Không thể!

Chàng thanh niên: Ý thầy nói rằng việc cưỡng lại bản năng và thôi thúc chính là tự do?

Triết gia: Như tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, tâm lý học Adler cho rằng "Mọi phiền muộn đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người". Nghĩa là chúng ta mong muốn tự do là mong muốn được giải thoát khỏi mối quan hệ giữa người với người. Nhưng chắc chắn con người không thể sống một mình trong vũ trụ. Nếu nghĩ đến đây, cũng đồng nghĩa với việc đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi "tự do là gì?

Chàng thanh niên: Đó là gì vậy?

Triết gia: "Tự do là bị người khác ghét".

Chàng thanh niên: Thầy nói sao cơ?

Triết gia: Việc cậu bị ai đó ghét là bằng chứng cho việc cậu đã thực thi tự do của mình, cậu đang sống tự do. Là biểu hiện của việc sống theo phương châm của chính mình.

Chàng thanh niên: Không, nhưng...

Triết gia: Đúng là bị ghét thật là khổ sở. Nếu được, tôi muốn sống mà không bị ai ghét, muốn thỏa mãn nhu cầu được thừa nhận nhiều nhất có thể. Nhưng, xoay xở để không bị ai ghét là một cách sống vô cùng mất tự do, đồng thời cũng bất khả thi.

Nếu muốn thực thi tự do thì phải trả giá. Và cái giá của tự do trong mối quan hệ giữa người với người, chính là bị người khác ghét.

Chàng thanh niên: Không phải! Tuyệt đối không phải! Thứ đó không phải là tự do! Đó là tư tưởng tà ma dụ dỗ con người "hãy trở thành kẻ xấu"!

Triết gia: Chắc chắn cậu vẫn hình dung tự do là "thoát khỏi tổ chức". Rằng, được rời khỏi gia đình, trường học, xã hội hay quốc gia tức là được tự do. Nhưng cho dù rời khỏi tổ chức, cậu cũng không có được tự do thật sự. Chừng nào còn chưa trả cái giá là không để ý đến nhận xét của người khác, không sợ bị người khác ghét, không tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác, thì cậu còn chưa được theo đuổi trọn vẹn cách sống của mình, tức là không có được tự do.

Chàng thanh niên: ... Thầy bảo tôi "hãy để người khác ghét mình" sao?

Triết gia: Tôi chỉ nói cậu đừng sợ bị ghét.

Chàng thanh niên: Nhưng điều đó...

Triết gia: Không phải tôi bảo cậu hãy cố tình chọn cách sống làm người khác ghét hay hãy làm chuyện xấu xa. Đừng hiểu nhầm điều này.

Chàng thanh niên: Không, không, vậy để tôi hỏi cách khác. Liệu con người có chịu được gánh nặng của tự do không? Con người thật sự mạnh mẽ đến mức đó ư? Có thể một mình bất chấp, cho dù bị cha mẹ ghét cũng không sao ư?

Triết gia: Không phải là sẵn sàng ở một mình, cũng không phải là bất chấp. Chỉ là phân chia nhiệm vụ thôi. Dù có người không ưa cậu thì đó cũng không phải là nhiệm vụ của cậu. Và cả ý nghĩ rằng "Họ phải quý mến mình mới đúng" hay "Mình đã cố gắng đến mức này mà vẫn không ưa thì lạ quá" cũng là một dạng tư duy theo lối đền đáp, can thiệp vào nhiệm vụ của đối phương.

Không sợ bị ghét mà cứ tiến lên phía trước. Không sống như hòn đá lăn xuống dốc mà gắng leo lên con dốc trước mặt. Đó chính là tự do đối với con người.

Nếu trước mặt tôi có hai lựa chọn "cuộc đời được tất cả mọi người yêu mến" và "cuộc đời có những người ghét mình", tôi sẽ không hề băn khoăn mà chọn cuộc đời sau. tôi quan tâm tới việc mình như thế nào hơn là mình được mọi người đánh giá ra sao. Cũng có nghĩa là tôi muốn sống tự do.

Chàng thanh niên: ... Hiện giờ thầy có tự do không?

Triết gia: Có chứ. Tôi tự do.

Chàng thanh niên: Tuy thầy không muốn bị ghét nhưng có bị ghét cũng không sao?

Triết gia: Đúng vậy. "Mong muốn không bị ghét" có thể là nhiệm vụ của tôi, nhưng "ghét tôi hay không" lại là nhiệm vụ của người khác. Cho dù có người không ưa tôi thì tôi cũng chẳng can thiệp được. Giống như câu thành ngữ vừa nhắc đến lúc trước thì tôi sẽ chỉ nỗ lực "dẫn con ngựa tới dòng nước", còn uống hay không lại là nhiệm vụ của con ngựa.

Chàng thanh niên: ... Thật là một kết luận khó nghĩ.

Triết gia: Lòng can đảm dám hạnh phúc bao gồm cả "can đảm dám bị ghét" nữa. Khi có được can đảm đó thì mối quan hệ với người khác của cậu sẽ nhẹ nhõm hẳn.+

Lá bài "mối quan hệ với người khác" luôn do bản thân mình nắm giữ

Chàng thanh niên: Tôi không thể ngờ rằng tới thư phòng của thầy lại được thuyết giáo về việc "bị ghét" đấy.0

Triết gia: Tôi cũng biết đó không phải là điều dễ tiếp nhận. Chắc chắn cũng cần có thời gian để nghiền ngẫm và thẩm thấu. Có lẽ hôm nay có nói thêm nữa cậu cũng sẽ không vào đầu. Vì vậy, trước khi kết thúc buổi trò chuyện lần này, tôi sẽ kể một câu chuyện liên quan đến việc phân chia nhiệm vụ của chính tôi.

Chàng thanh niên: Vâng.

Triết gia: Đây cũng lại là mối quan hệ với cha mẹ.

Từ nhỏ, quan hệ giữa hai cha con tôi đã không được tốt lắm. Chúng tôi chẳng lần nào nói chuyện với nhau cho ra hồn mãi cho đến khi mẹ mất lúc tôi ở độ tuổi hai mươi, sau đó quan hệ giữa cha con tôi chỉ ngày càng tệ hơn. Đúng vậy, cho tới khi tôi tình cờ gặp được tâm lý học Adler và hiểu được tư tưởng của Adler.

Chàng thanh niên: Tại sao quan hệ của hai cha con thầy lại không tốt vậy?

Triết gia: Trong ký ức tôi có lưu lại hình ảnh từng bị cha đánh. Tôi không nhớ cụ thể mình đã làm gì mà bị như thế, chỉ nhớ tôi nấp dưới gầm bàn để trốn cha, song vẫn bị ông lôi ra đánh rất đau, không chỉ một lần.

Chàng thanh niên: Nỗi sợ hãi đó trở thành sang chấn...

Triết gia: Tôi cũng nghĩ như thế cho đến khi gặp được tâm lý học Adler. Vì cha tôi là người ít nói, tính tình thất thường. Nhưng cho rằng "Vì từng bị đánh nên quan hệ trở nên xấu đi" là cách nghĩ theo thuyết nguyên nhân của Freud. Nếu đứng trên quan điểm thuyết mục đích của Adler thì cách lý giải quy luật nhân quả lại đảo ngược hoàn toàn. Nghĩa là, "tôi không muốn gây dựng quan hệ tốt với cha nên đã gọi ra ký ức bị đánh".

Chàng thanh niên: Thầy nói rằng thầy có "mục đích" không muốn quan hệ tốt với cha trước ư?

Triết gia: Đúng là như thế. Đối với tôi, không cải thiện mối quan hệ với cha thì sẽ thuận tiện hơn. Tôi có thể bao biện rằng cuộc đời mình không suôn sẻ là tại người cha đó. Cách nghĩ đó là điều "thiện" đối với tôi, có lẽ cũng có phần "trả đũa" người cha phong kiến.

Chàng thanh niên: Đó chính là điều tôi muốn hỏi! Kể cả quy luật nhân quả đảo ngược, ví như trường hợp của thầy, có thể tự phân tích ra được ý nghĩ của mình "Không phải vì bị đánh nên quan hệ với cha không tốt, mà là vì không muốn quan hệ tốt với cha nên gọi ra ký ức bị đánh", thì trên thực tế có gì khác chứ? Sự thật là hồi nhỏ thầy bị đánh, điều đó đâu có thay đổi?

Triết gia: Điều này có lẽ nên suy nghĩ từ góc độ lá bài của mối quan hệ giữa người với người. Một khi còn nghĩ theo thuyết nguyên nhân là "vì bị đánh nên quan hệ với cha mới tệ", thì tôi bây giờ chẳng làm gì được nữa. Nhưng, nếu nghĩ "vì không muốn quan hệ tốt với cha nên mới gợi ra ký ức bị đánh", thì sẽ thành ra tôi là người nắm lá bài "cải thiện mối quan hệ". Vì chỉ cần tôi thay đổi "mục đích", sẽ giải quyết được vấn đề.

Chàng thanh niên: Có thật là sẽ giải quyết được không?

Triết gia: Tất nhiên.

Chàng thanh niên: Liệu có thể nghĩ vậy từ tận đáy lòng không? Về lý trí thì tôi hiểu, nhưng về cảm xúc thì không chấp nhận được.

Triết gia: Vì thế mới phải phân chia nhiệm vụ. Đúng là quan hệ giữa hai cha con tôi từng rất phức tạp. Trên thực tế, cha tôi là người ngoan cố, tôi không hề nghĩ có thể dễ dàng thay đổi được suy nghĩ của ông ấy. Không chỉ có thế, nhiều khả năng ông ấy đã quên cả việc từng đánh tôi.

Nhưng, khi tôi đã quyết tâm cải thiện mối quan hệ, thì những điều như lối sống của cha tôi như thế nào, ông nghĩ gì về tôi, ông sẽ tỏ thái độ như thế nào khi tôi tiếp cận, đều không liên quan đến tôi. Cho dù ông không có ý định cải thiện mối quan hệ cũng chẳng sao cả. Vấn đề là mình có quyết tâm hay không, và lá bài của mối quan hệ luôn do bản thân mình nắm giữ.

Chàng thanh niên: Lá bài của mối quan hệ luôn do bản thân mình nắm giữ...?

Triết gia: Đúng vậy. Nhiều người cho rằng lá bài của mối quan hệ với người khác là do người khác đó nắm giữ. Chính vì thế mới băn khoăn "người đó nghĩ thế nào về mình nhỉ?" rồi chọn cách sống đáp ứng mong đợi của người khác. Nhưng nếu biết phân chia rạch ròi các nhiệm vụ thì sẽ nhận ra mình đang nắm giữ tất cả các lá bài. Đây là một phát hiện mới.

Chàng thanh niên: Vậy thì trên thực tế, cha thầy đã thay đổi do thầy thay đổi?

Triết gia: Tôi không thay đổi để thay đổi cha mình. Đó là suy nghĩ sai lệch nhằm thao túng người khác.

Khi tôi thay đổi, người thay đổi chỉ là "tôi".

Tôi không biết kết quả đối phương sẽ trở nên như thế nào, và đó không phải là điều tôi can thiệp được. Đây cũng là phân chia nhiệm vụ. Tất nhiên, cùng với sự thay đổi của tôi - chứ không phải do sự thay đổi của tôi - cũng có khi đối phương sẽ thay đổi. Nhiều trường hợp đối phương buộc phải thay đổi, nhưng đó không phải mục đích của tôi và cũng không phải là kết quả chắc chắn sẽ đến. Dù sao thì, thay đổi bản thân nhằm làm phương tiện thao túng người khác rõ ràng là một quan điểm sai lệch.

Chàng thanh niên: Không được thao túng người khác, cũng không thể thao túng người khác?

Triết gia: Mọi người luôn hình dung mối quan hệ giữa người với người là "mối quan hệ giữa hai người" hoặc "mối quan hệ với nhiều người", nhưng thật ra trước hết là bản thân mình. Bị bó buộc bởi nhu cầu được thừa nhận thì suốt đời sẽ bị người khác nắm giữ "lá bài của mối quan hệ giữa người với người". Phó mặc lá bài của cuộc đời cho người khác, hay chủ động nắm lấy? Về nhà, cậu hãy thử suy nghĩ lại về phân chia nhiệm vụ và về tự do. Tôi sẽ đợi cậu đến lần sau.

Chàng thanh niên: Vâng. Tôi sẽ thử nghĩ một mình.

Triết gia: Vậy thì…

Chàng thanh niên: Thầy, cho phép tôi được hỏi một câu cuối cùng.

Triết gia: Cậu muốn hỏi gì?

Chàng thanh niên: ... Rốt cuộc, mối quan hệ giữa hai cha con thầy có cải thiện được không?

Triết gia: Tất nhiên là có. : Tôi nghĩ thế. Lúc về già, cha tôi bị bệnh, mấy năm cuối đời ông cần tôi và gia đình chăm sóc.

Một hôm, khi tôi đang chăm sóc ông như mọi khi, ông liền nói với tôi "cảm ơn". Vốn không hề biết trong vốn từ vựng của cha mình cũng có từ đó nên tôi vô cùng ngạc nhiên và biết ơn những ngày tháng đã qua. Chăm sóc ông một thời gian dài, tôi cho rằng mình đã làm điều mình có thể làm được, nghĩa là đưa cha tới bên dòng nước. Và cuối cùng ông đã uống nước. Tôi nghĩ vậy.

Chàng thanh niên: ... Cảm ơn thầy. Vậy lần tới, tôi sẽ đến vào giờ này.

Triết gia: Hôm nay tôi đã có một quãng thời gian vui vẻ. Cảm ơn cậu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3