Dám Bị Ghét - Chương 15
Sống như khiêu vũ
Triết gia: Cậu không bằng lòng chỗ nào nào?
Chàng thanh niên: Quan điểm của thầy không chỉ phủ nhận tính kế hoạch trong cuộc đời mà còn phủ nhận luôn cả nỗ lực! Chẳng hạn, từ nhỏ đã mơ trở thành nghệ sĩ violin, chăm chỉ luyện tập để đến một ngày được biểu diễn ở dàn nhạc mình hằng ngưỡng mộ. Hay chăm chỉ học tập để đỗ được kỳ thi tư pháp, trở thành luật sư. Đó đều là những cuộc đời mà nếu không có mục tiêu, không có kế hoạch thì sẽ không thực hiện được!
Triết gia: Nghĩa là họ cứ âm thầm tiến bước hướng tới đỉnh núi?
Chàng thanh niên: Tất nhiên rồi!
Triết gia: Liệu sự thực có đúng vậy không? Biết đâu, những người mà cậu vừa nói, họ chỉ đơn giản là sống "ngay tại đây, vào lúc này" trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời họ thì sao? Nghĩa là họ không sống một cuộc đời "trên đường" mà luôn sống "ngay tại đây, vào lúc này". Chẳng hạn, người ước mơ trở thành nghệ sĩ violin lúc nào cũng chỉ say sưa với âm nhạc ngay trước mắt mình, chỉ tập trung vào một bản nhạc đó, một ô nhịp đó, một nốt nhạc đó.
Chàng thanh niên: Liệu làm như thế có thể đạt được mục tiêu không?
Triết gia: Hãy nghĩ thế này. Cuộc đời là những sát- na tiếp nối mà ta khiêu vũ không ngừng trong từng phút giây. Và khi vô tình nhìn quanh, ta chợt ngỡ ngàng nhận ra, "Sao? Mình đã tới được đây rồi cơ à?" Trong số những người nhảy điệu violin, có lẽ sẽ có người trở thành nghệ sĩ violin chuyên nghiệp. Trong số những người nhảy điệu kỳ thi tư pháp, có lẽ sẽ có người trở thành luật sư. Trong số những người nhảy điệu viết lách, có lẽ sẽ có người trở thành nhà văn. Tất nhiên, cũng có khả năng có những kết quả khác. Nhưng, không cuộc đời nào kết thúc "trên đưòng". Chỉ cần ta khiêu vũ hết mình "ngay tại đây, vào lúc này'' là được.
Chàng thanh niên: Chỉ cần khiêu vũ ngay lúc này là được ư?
Triết gia: Đúng vậy. Trong khiêu vũ, việc nhảy múa chính là mục đích, bởi không ai chủ định tới được nơi nào đó bằng cách khiêu vũ, mặc dù kết quả của khiêu vũ vẫn là đến một nơi nào đó vì khiêu vũ không ở yên một chỗ. Nhưng mục đích theo nghĩa là đích đến thì không tồn tại.
Chàng thanh niên: Làm sao một cuộc đời lại không tồn tại mục đích chứ! Ai lại thừa nhận một cuộc đời phó mặc cho gió cuốn đi như vậy?!
Triết gia: Cuộc đời nhắm đến mục đích mà cậu nói đến có thể gọi là cuộc đời chuyển động (kinesis). Ngược lại, cuộc đời khiêu vũ mà tôi nói đến có thể gọi là cuộc đời ở trạng thái hoạt động hiện thực (energeia).
Chàng thanh niên: Chuyển động và trạng thái hoạt động hiện thực... ư?
Triết gia: Tôi xin trích dẫn giải thích của Aristoteles. Trong chuyển động nói chung - mà ống gọi là kinesis - có điểm xuất phát và đích đến. Chuyển động từ điểm xuất phát tới đích đến đòi hỏi thực hiện một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất trong khả năng có thể. Nghĩa là nếu có thể đi tàu tốc hành thì đâu cần mất công lên chuyến tàu thường dừng lại ở mọi ga.
Chàng thanh niên: Nghĩa là nếu mục đích là trở thành luật sư thì nên thực hiện mục đích đó nhanh chóng và hiệu quả nhất, đúng không nào?
Triết gia: Đúng vậy. Và theo nghĩa đó, nếu chưa đạt đến mục đích thì quãng đường cho đến khi tới đích vẫn là chưa trọn vẹn. Đó là cuộc đời chuyển động.
Chàng thanh niên: Nghĩa là dang dở đúng không?
Triết gia: Đúng vậy. Trong khi đó, energeia là loại hoạt động mà trong đó việc "lúc này đang thực hiện" đã nguyên như vậy mà trở thành việc "đã làm xong rồi".
Chàng thanh niên: Việc lúc này đang thực hiện, đã làm xong rồi ư?
Triết gia: Có thể nói một cách khác là hoạt động "coi quá trình chính là mục đích". Bản chất việc khiêu vũ hay đi du lịch cũng là như vậy.
Chàng thanh niên: Ôi, tôi rối tung hết lên rồi... Sao thầy lại vơ cả đi du lịch vào đây?
Triết gia: Mục đích của hành vi du lịch là gì? Chẳng hạn cậu đi du lịch đến Ai Cập. Khi đó, cậu có muốn nhanh nhanh chóng chóng tới kim tự tháp của Pharaoh Khufu (Cheops) rồi về ngay trong thời gian ngắn nhất không? Cái đó không thể gọi là đi du lịch được.
Ngay từ bước đầu tiên ra khỏi nhà đã là "du lịch", mọi khoảnh khắc trên quãng đường đến đích đều là "du lịch". Và dù không tới được kim tự tháp vì một lý do nào đó thì cũng không phải là chưa đi du lịch. Đó là cuộc đời ở trạng thái hoạt động hiện thực hay energeia.
Chàng thanh niên: Ừm, tôi cũng không biết nữa. Lúc nãy thầy phủ định giá trị của việc hướng tới đỉnh núi nhỉ? Thế nếu ví cuộc đời hoạt động hiện thực đó như việc leo núi thì sẽ thế nào?
Triết gia: Nếu mục đích của leo núi chỉ là "lên đến đỉnh núi" thì đó là hành vi có tính chuyển động, kinesis. Thậm chí lên trực thăng bay tới đỉnh núi, ở đó khoảng năm phút rồi lại lên trực thăng bay về cũng chẳng sao. Và đương nhiên, nếu không lên được tới đỉnh núi, hành trình leo núi đó sẽ thất bại.
Tuy nhiên, nếu mục đích không phải là lên tới đỉnh mà là bản thân hành trình leo núi thì đó là hành vi energeia. Khi đó thì, rốt cuộc, có lên được tới đỉnh núi hay không cũng chẳng sao.
Chàng thanh niên: Lập luận đó chẳng thuyết phục gì cả! Thầy đang mâu thuẫn với chính mình đấy. Trước khi thầy bị mất mặt trước mọi người, tôi sẽ gỡ chiếc mặt nạ của thầy xuống!
Triết gia: Chà, rất cảm ơn ý tốt của cậu!
Hãy rọi đèn chiếu vào cái "ngay tại đây, vào lúc này"
Chàng thanh niên: Khi phủ định thuyết nguyên nhân, thầy đã phủ định luôn việc chìm đắm trong quá khứ, cho rằng quá khứ là thứ hiện không tồn tại, quá khứ chẳng có ý nghĩa gì. Điều đó thì tôi công nhận. Đúng là không thể thay đổi được quá khứ. Nếu có thể thay đổi được gì thì chỉ có thể là tương lai.
Nhưng bây giờ, với việc diễn giải cách sống trong trạng thái hoạt động hiện thực, thầy đang phủ định tính kế hoạch, nghĩa là phủ định cả việc thay đổi tương lai dựa vào ý chí của chính mình.
Thầy vừa phủ định việc nhìn lại phía sau, cũng phủ định luôn cả việc hướng về phía trước. Giống như bảo tôi hãy bịt mắt đi trên con đường không có lối đi vậy!
Triết gia: Cậu không nhìn thấy cả phía sau lẫn phía trước ư?
Chàng thanh niên: Không thấy!
Triết gia: Tất nhiên là thế rồi. Cậu thấy lạ ở chỗ nào chứ?
Chàng thanh niên: Thầy nói gì vậy?!
Triết gia: Hãy tưởng tượng mình đang đứng trên sân khấu. Khi đó, nếu cả hội trường sáng đèn thì cậu có thể nhìn rõ đến cả hàng ghế cuối cùng. Nhưng nếu đèn chiếu cường độ mạnh chỉ tập trung vào chỗ cậu đứng thì chắc chắn cậu sẽ không thể nhìn thấy ngay cả hàng ghế đầu tiên.
Cuộc đời của chúng ta giống hệt như vậy. Chính vì đang chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời nên mới nhìn thấy, hay đúng ra là cảm thấy mình nhìn thấy, cả quá khứ lẫn tương lai. Nhưng nếu rọi đúng đèn chiếu cường độ mạnh vào "ngay tại đây, vào lúc này" thì sẽ không thấy quá khứ và tương lai nữa.
Chàng thanh niên: Đèn chiếu cường độ mạnh ư?
Triết gia: Phải! Chúng ta cần sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này". Cảm thấy mình nhìn thấy quá khứ, cảm thấy mình dự đoán được tương lai là bằng chứng của việc cậu chưa sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này" mà chỉ đang sống trong ánh sáng mờ nhạt.
Cuộc đời là những sát-na tiếp nối, không tồn tại quá khứ cũng như tương lai. Đi nhìn quá khứ và tương lai là cậu đang tìm cách biện hộ cho chính mình. Chuyện đã xảy ra trong quá khứ không còn liên quan gì đến cậu "ngay tại đây, vào lúc này" và tương lai ra sao cũng không phải là việc cậu cần suy nghĩ "ngay tại đây, vào lúc này". Nếu sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này", sẽ chẳng cần nói đến những điều đó.
Chàng thanh niên: Nhưng...
Triết gia: Theo quan điểm thuyết nguyên nhân của Freud thì đời người là một câu chuyên dài dựa trên quy luật nhân quả, sinh ra lúc nào, ở đâu, trải qua thời thơ ấu ra sao, tốt nghiệp trường nào, vào làm việc ở công ty nào, chính những điều đó đã tạo nên bản thân ta như bây giờ và như trong tương lai.
Quả thực ví cuộc đời như một câu chuyện là một cách nhìn thú vị. Nhưng nếu làm thế ta sẽ nhìn thấy "ngày mai lờ mờ" ở phía bên kia câu chuyện. Không những thế, ta còn cố sống theo câu chuyện đó. Ta cho rằng cuộc đời mình thế này nên không thể sống khác, còn xấu xa thì không phải lỗi của ta, mà là tại quá khứ, tại hoàn cảnh. Quá khứ được nêu ra ở đây không là gì khác ngoài một sự bao biện, một lời nói dối cuộc đời.
Nhưng cuộc đời lại là những chấm liên tục, là những sát-na tiếp nối. Hiểu được điều đó thì sẽ không cần câu chuyện nữa.
Chàng thanh niên: Nói như thầy thì lối sống mà Adler nói đến chẳng phải cũng là một câu chuyện sao?!
Triết gia: Lối sống của cậu "ngay tại đây, vào lúc này" có thể thay đổi được bằng ý chí bản thân. Cuộc đời quá khứ có vẻ là một vạch liền chỉ vì cậu không ngừng quyết tâm "không thay đổi" mà thôi. Còn cuộc đời tương lai là một tờ giấy trắng, không kẻ sẵn đường đi. Ở đó không có câu chuyện nào cả.
Chàng thanh niên: Nhưng, đó là chủ nghĩa nắm bắt từng khoảnh khác. Không, là chủ nghĩa khoái lạc xấu xa mới đúng!
Triết gia: Không : phải! Việc rọi đèn chiếu vào duy nhất một chỗ "ngay tại đây, vào lúc này" chính là sống một cách nghiêm túc và trân trọng nhất với những gì ta có thể làm được lúc này.
Lời nói dối cuộc đời lớn nhất
Chàng thanh niên: Sống nghiêm túc và trân trọng ư?
Triết gia: Chẳng hạn, muốn vào đại học nhưng không chịu học. Đó không phải là thái độ sống nghiêm túc "ngay tại đây, vào lúc này". Tất nhiên, có thể kỳ thi còn cách rất xa, cũng không biết phải học đến đâu nên sẽ thấy rắc rối. Tuy nhiên, ta cứ giải phương trình, cứ nhớ từ vựng, mỗi ngày một chút thôi cũng được, nghĩa là cứ không ngừng "khiêu vũ". Cứ thế, chắc chắn ta sẽ có "thành tựu ngày hôm nay". Và vì thành tựu đó mà ngày hôm nay tồn tại. Ngày hôm nay tồn tại không phải vì kỳ thi trong tương lai xa xôi. Hay trường hợp cha cậu cũng vậy, có thể ông đã nghiêm túc "khiêu vũ" trong công việc hằng ngày của mình, chẳng liên quan gì đến mục tiêu lớn hay nhu cầu phải thực hiện mục tiêu đó cả, sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này". Nếu đúng như vậy, chắc chắn ông đã sống một cuộc đời hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Thầy bảo tôi phải chấp nhận cách sống đó, chấp nhận người cha lúc nào cũng chỉ biết có công việc thôi ư...?
Triết gia: Cậu không cần phải miễn cưỡng chấp nhận. Chỉ có điều, đừng nhìn nhận theo thước đo "người kia đã đến được đâu trên đưòng vạch liền đó" mà hãy quan sát xem người đó đã sống khoảnh khắc này như thế nào.
Chàng thanh niên: Quan sát từng khoảnh khắc ư...?
Triết gia: Đối với cuộc đời cậu cũng như vậy. Cậu đặt mục tiêu cho tương lai xa và coi hiện tại là thời gian chuẩn bị cho mục tiêu đó. Cậu luôn nghĩ rằng "Mình muốn làm điều này, đợi có cơ hội sẽ làm". Đây là cách sống trì hoãn. Một khi còn trì hoãn cuộc đời thì chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả mà chỉ sống những tháng ngày tẻ nhạt, đơn điệu. Vì cậu luôn nghĩ rằng "ngay tại đây, vào lúc này" chỉ là thời gian chuẩn bị, là thời kỳ chịu đựng.
Tuy nhiên, cái khoảnh khắc "ngay tại đây, vào lúc này" mà cậu đang học để chuẩn bị cho kỳ thi trong tương lai xa, đã là cuộc đời chính thức rồi.
Chàng thanh niên: Được rồi, tôi thừa nhận! Tôi thừa nhận cần sống hết mình "ngay tại đây, vào lúc này" cũng như không nên vẽ ra một vạch liền không có thực. Nhưng tôi chưa nhìn thấy cả ước mơ lẫn mục tiêu của mình, thậm chí còn chẳng biết phải "khiêu vũ" điệu gì. Với tôi "ngay tại đây, vào lúc này" chỉ là những khoảnh khắc hoàn toàn vô nghĩa!
Triết gia: Đâu cần phải có mục tiêu. Bản thân việc sống một cách nghiêm túc "ngay tại đây, vào lúc này" đã là khiêu vũ rồi. Không cần nghiêm trọng hóa mọi chuyện. Đừng nhầm lẫn giữa nghiêm túc với nghiêm trọng.
Chàng thanh niên: Nghiêm túc nhưng không nghiêm trọng ư?
Triết gia: Đúng vậy. Cuộc đời luôn đơn giản, không có gì nghiêm trọng cả. Chỉ cần sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc thì sẽ không có gì khiến ta phải nghiêm trọng hóa cả.
Và hãy nhớ thêm một điều nữa. Khi đứng trên quan điểm "trạng thái hoạt động hiện thực" thì cuộc đời lúc nào cũng là trọn vẹn.
Chàng thanh niên: Lúc nào cũng trọn vẹn ư?
Triết gia: Cả cậu và cả tôi, dù cuộc đời có kết thúc "ngay tại đây, vào lúc này" thì cũng không gọi là bất hạnh. Cuộc đời kết thúc ở tuổi 20 cũng như cuộc đời kết thúc ở tuổi 90 đều là cuộc đời trọn vẹn, cuộc đời hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Ý thầy nói rằng nếu tôi sống nghiêm túc "ngay tại đây, vào lúc này" thì mỗi khoảnh khắc đều là trọn vẹn ư?
Triết gia: Đúng như vậy. Từ đầu đến giờ tôi đã nhiều lần sử dụng cụm từ "lời nói dối cuộc đời". Cuối cùng tôi sẽ nói cho cậu biết "lời nói dối cuộc đời lớn nhất" là gì.
Chàng thanh niên: Xin hãy cho tôi biết!
Triết gia: Lời nói dối cuộc đời lớn nhất, đó là không sống "ngay tại đây, vào lúc này" mà chỉ chìm đắm trong quá khứ, mơ mộng về tương lai, chiếu ánh sáng mờ nhạt vào cả cuộc đời, tưởng rằng mình đã thấy gì đó. Từ trước đến giờ, cậu vẫn luôn bỏ qua cái "ngay tại đây, vào lúc này" mà chiếu đèn vào quá khứ và tương lai vốn không tồn tại. Cậu đã lừa dối chính cuộc đời mình, đánh mất những khoảnh khắc không thể thay thế.
Chàng thanh niên: ...Chà!
Triết gia: Nào, hãy xua tan lời nói dối cuộc đời, can đảm rọi đèn chiếu cường độ mạnh vào cái "ngay tại đây, vào lúc này". Cậu nhất định có thể làm được.
Chàng thanh niên: Tôi... tôi có thể làm được điều đó sao? Thầy nghĩ rằng tôi đủ can đảm không bấu víu vào lời nói dối cuộc đời, có thể sống một cách nghiêm túc, hết mình "ngay tại đây, vào lúc này" sao?
Triết gia: Cả quá khứ lẫn tương lai đều không tồn tại, nên ta hãy nói chuyện hiện tại nào. Thời khắc quyết định không phải hôm qua, cũng không phải ngày mai mà là "ngay tại đây, vào lúc này".
Hãy mang lại "ý nghĩa" cho cuộc đời vô nghĩa
Chàng thanh niên: ... Ý thầy là gì?
Triết gia: Có lẽ cuộc tranh luận của chúng ta đã đi tới bên dòng nước. Uống nước hay không là tùy vào cậu.
Chàng thanh niên: Ôi, tâm lý học của Adler và triết học của thầy, có lẽ sẽ thay đổi con người tôi. Có lẽ tôi sẽ từ bỏ sự ngoan cố quyết "không thay đổi" để chọn một lối sống mới... Nhưng... Nhưng hãy cho tôi hỏi một điều cuối cùng!
Triết gia: Điều gì nào?
Chàng thanh niên: Khi cuộc đời là những khoảnh khắc tiếp nối, khi cuộc đời chỉ tồn tại "ngay tại đây, vào lúc này", thì ý nghĩa thực sự của cuộc đời là gì? Thầy bảo tôi sinh ra, vượt qua cuộc sống đầy khổ đau này rồi đón nhận cái chết để làm gì? Tôi không hiểu lý do của điều đó.
Triết gia: Ý nghĩa của cuộc đời là gì? Con người sống để làm gì? Khi có người hỏi câu này, Adler đã trả lời rằng "Cuộc đời nói chung không có ý nghĩa".
Chàng thanh niên: Cuộc đời không có ý nghĩa ư?
Triết gia: Ví dụ như, trong thế giới chúng ta đang sống luôn đầy rẫy những điều phi lý như chiến tranh hay thiên tai. Và chắc chắn một điều là ta không thể nói tới "ý nghĩa cuộc đời" bên cạnh những đứa trẻ bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh và mất đi sinh mạng. Thế nghĩa là, cuộc đời không tồn tại một thứ ý nghĩa có thể xác định chung cho tất cả.
Tuy nhiên, chứng kiến những bi kịch phi lý như vậy mà không hành động gì thì cũng đồng nghĩa với thừa nhận những bi kịch đó. Dù ở hoàn cảnh nào, chúng ta cũng cần phải có một hành động gì đó. Chúng ta phải cưỡng lại xu hướng mà Kant đã nói.
Chàng thanh niên: Đúng vậy, đúng vậy!
Triết gia: Vậy, nếu gặp phải thiên tai nặng nề thì việc nhìn lại quá khứ và tự hỏi "Tại sao lại xảy ra chuyện này?" theo kiểu thuyết nguyên nhân, liệu có ý nghĩa gì không?
Chính những lúc gặp khó khăn, chúng ta lại càng cần nhìn về phía trước và nghĩ xem, "Tiếp theo đây mình có thể làm được gì?"
Chàng thanh niên: Đúng là như vậy!
Triết gia: Bởi vậy mà, sau khi trả lời "cuộc đời nói chung không có ý nghĩa", Adler đã nói tiếp thế này: "Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại".
Chàng thanh niên: Tự mang lại ư? Nghĩa là sao?
Triết gia: Trong chiến tranh, ông tôi bị một vết bỏng nặng trên mặt do bom cháy gây ra. Đây là một tai họa vô cùng phi lý, phi nhân đạo. Đương nhiên, nếu bị như thế, ông cũng có thể sẽ lựa chọn cách sống coi "thế giới là một nơi kinh khủng" và "mọi người đều là kẻ thù". Nhưng tôi được biết, mỗi lần ông lên tàu điện để đến bệnh viện, đều có những hành khách khác nhường chỗ cho ông. Chuyện này tôi nghe mẹ kể lại nên không biết ông thực sự đã nghĩ gì. Nhưng tôi tin rằng ông đã lựa chọn lối sống coi "mọi người là bạn, và thế giới là một nơi tuyệt vời".
Đó chính là điều mà Adler đã nói tới. "Ý nghĩa cuộc đời là điều mà bản thân mỗi người tự mang lại". Cuộc đời nói chung không có ý nghĩa. Tuy nhiên, cậu có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời. Không ai khác ngoài chính cậu có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của cậu.
Chàng thanh niên: ... Vậy, thầy hãy chỉ cho tôi! Tôi phải làm thể nào để mang lại ý nghĩa xứng đáng cho một cuộc đời vô nghĩa? Tôi vẫn chưa có được sự tự tin đó!
Triết gia: Cậu đang hoang mang trước cuộc đời mình. Tại sao cậu lại hoang mang? Đó là vì cậu đang muốn chọn "tự do", nghĩa là chọn con đường của riêng mình mà không sợ bị người khác ghét, không phải sống cuộc đời của người khác.
Chàng thanh niên: Đúng vậy! Tôi muốn chọn hạnh phúc, chọn tự do!
Triết gia: Khi người ta muốn chọn tự do thì việc hoang mang lạc lối cũng là điều đương nhiên thôi. Vì vậy, tâm lý học Adler đã đưa ra một "ngôi sao dẫn đường" làm định hướng dẫn đến cuộc đời tự do.
Chàng thanh niên: Ngôi sao dẫn đường ư?
Triết gia: Giống như người lữ hành phải dựa vào sao Bắc Cực, cuộc đời của chúng ta cũng cần có "ngôi sao dẫn đường". Đây là luận điểm quan trọng của tâm lý học Adler. Lý tưởng lớn đó là: Chỉ cần không đánh mất định hướng, kiên định nhằm thẳng hướng đó mà đi thì chắc chắn sẽ có hạnh phúc.
Chàng thanh niên: Ngôi sao đó là gì?
Triết gia: Cống hiến cho người khác.
Chàng thanh niên: ... Cống hiến cho người khác!
Triết gia: Cho dù cậu trải qua những khoảnh khắc như thế nào, cho dù có người ghét cậu, chỉ cần cậu không đánh mất ngôi sao dẫn đường là "cống hiến cho người khác", thì cậu sẽ không lạc lối và làm gì cũng được. Hãy cứ sống tự do, ai ghét mình thì cứ để họ ghét.
Chàng thanh niên: Chỉ cần nhìn theo ngôi sao cống hiến trên bầu trời thì sẽ luôn hạnh phúc, luôn có bạn bè!
Triết gia: Và hãy trân trọng sống trong từng sát-na "ngay tại đây, vào lúc này". Không nhìn lại quá khứ, không nhìn về tương lai. Hãy sống từng khoảnh khắc trọn vẹn, như đang khiêu vũ vậy. Không cần ganh đua với ai, cũng chẳng cần đích đến. Cứ khiêu vũ, chắc chắn rồi sẽ tới một nơi nào đó.
Chàng thanh niên: Một "nơi nào đó" mà không ai biết!
Triết gia: Cuộc đời trong trạng thái hoạt động hiện thực là thế đấy. Bản thân tôi, dù có nhìn lại phần đời đã qua thì cũng không thể giải thích rõ được tại sao lại có tôi "ngay tại đây, vào lúc này".
Tôi định học triết học Hy Lạp, vậy mà không biết từ lúc nào đã học luôn cả tâm lý học Adler, và giờ thì đang tâm sự với một người bạn không thể thay thế là cậu như thế này. Điều này, không gì khác, chính là kết quả của việc đã khiêu vũ trong từng khoảnh khắc. Ý nghĩa cuộc đời đối với cậu sẽ chỉ sáng tỏ khi cậu khiêu vũ hết mình "ngay tại đây, vào lúc này".
Chàng thanh niên: ... Sẽ sáng tỏ phải không? Tôi, tôi tin thầy!
Triết gia: Vâng, hãy tin tôi. Nhiều năm sống cùng với tư tưởng của Adler, tôi đã dần dà nhận ra một điều.
Chàng thanh niên: Điều gì vậy?
Triết gia: Đó là "sức mạnh của một con người rất lớn", mà không, phải nói rằng "Sức mạnh của tôi lớn đến mức không thể đo đếm được".
Chàng thanh niên: Ý thầy là gì?
Triết gia: Nghĩa là, nếu "tôi" thay đổi, "thế giới" sẽ thay đổi. Thế giới không phải là nơi ai đó thay đổi cho tôi mà chỉ có thể thay đổi do "tôi". Thế giới trong con mắt tôi sau khi đã biết đến tâm lý học Adler không còn là thế giới như trước nữa.
Chàng thanh niên: Nếu tôi thay đổi, thế giới sẽ thay đổi. Ngoài tôi ra, chẳng ai thay đổi thế giới cho tôi cả...
Triết gia: Điều này cũng giống như cú sốc của người cận thị lâu năm lần đầu đeo kính. Những đường viền nhạt nhòa của thế giới bỗng trở nên sắc nét, đến cả màu sắc cũng trả nên rạng rỡ hơn. Không những thế, không chỉ một phần tầm nhìn trước mặt trở nên rõ ràng mà toàn bộ thế giới ta nhìn thấy đều sáng rõ hơn. Cậu sẽ hạnh phúc biết mấy nếu có được trải nghiệm như thế.
Chàng thanh niên: ... Ôi, tôi tiếc quá! Tiếc vô cùng!! Giá mà tôi biết sớm hơn mười năm, mà không, chỉ năm năm thôi cũng được. Nếu tôi của năm năm trước, tôi từ trước khi đi làm biết đến tư tưởng của Adler thì...!
Triết gia: Không, không phải vậy. Cậu ước rằng "Giá mình biết từ mười năm trước" chính là vì tư tưởng Adler đã cộng hưởng với "cậu của hiện tại". Không ai biết cậu của mười năm trước sẽ cảm thấy thế nào. Cho nên câu chuyện này, cậu phải nghe vào chính lúc này!
Chàng thanh niên: ... Đúng vậy, đúng là phải như vậy!
Triết gia: Một lần nữa, tôi xin tặng cậu câu nói của Adler. "Phải có ai đó đi bước đầu tiên. Dù những người khác không hợp tác cũng chẳng liên quan đến cậu. Lời khuyên của tôi thế này. Cậu cần phải đi bước trước. Đừng nghĩ đến chuyện người khác có hợp tác hay không."
Chàng thanh niên: Tôi không biết có phải tôi đã thay đối, và từ đó thế giới tôi nhìn thấy cũng thay đổi hay không. Nhưng, tôi có một niềm tin vững chắc, rằng "ngay tại đây, vào lúc này" đang tỏa sáng rực rỡ. Đúng vậy, chói lòa đến mức không nhìn thấy chút gì của ngày mai nữa!
Triết gia: Tôi tin rằng cậu đã uống nước. Nào, hỡi người bạn trẻ đi đằng trước, chúng ta hãy cùng bước đi nhé.
Chàng thanh niên: ... Tôi cũng tin thầy. Hãy tiến bước, cùng nhau! Và cảm ơn thầy đã dành nhiều thời gian cho tôi.
Triết gia: Chính tôi cũng phải cảm ơn cậu.
Chàng thanh niên: Và, xin thầy hãy cho phép tôi lại được tới căn phòng này! Với tư cách là một người bạn không thể thay thế. Tôi sẽ không nhắc gì đến chuyện phản bác nữa đâu!
Triết gia: Ha ha ha. Cuối cùng thì cậu đã nở một nụ cười đúng là của một chàng trai trẻ. Ồ, muộn lắm rồi. Chúng ta hãy chia tay để về với đêm của riêng mình, rồi đón một bình minh mới nhé.
❄❄❄❄❄❄❄❄❄
Chàng thanh niên thong thả buộc dây giày, rời khỏi nhà Triết gia. Bên ngoài khung cửa, tuyết đã phủ kín mặt đất từ lúc nào. Ánh trăng rằm vành vạnh soi xuống tuyết dưới chân anh. Bầu không khí thật trong trẻo. Và ánh sáng thật chói lòa. Mình đang giẫm lên tuyết đầu mùa mà đi bước đầu tiên. Hít một hơi thật sâu, rồi vuốt nhẹ những sợi râu mới nhú, khẽ thì thầm từng tiếng rõ ràng, “Thế giới đơn giản, và cuộc đời cũng vậy.”