Đoạn Tình - Chương 10

Đoạn Tình
Chương 10
gacsach.com

Bé Hậu yêu cô Vân. Hồi trưa nó nghe nói sẽ được đi với cô xuống Kỳ Sơn chơi, thì rộn rực trong lòng, ngủ trưa không được. Ăn cơm tối rồi nó liền buồn ngủ, nên nó kêu thiếm xẩm biểu đem nó lên lầu đặng nó ngủ.

Thuần kêu con nhỏ ở biểu nó lo giăng mùng trong phòng khách ở từng dưới cho sẵn đặng cô Vân nghỉ bởi vì đi lên đi xuống Kỳ Sơn hai lần chắc cô mệt, nên phải nghỉ sớm. Thuần lại mắc có việc phải đi Sài Gòn một chút, rồi xin lỗi với cô Vân lên xe mà đi.

Cô Vân ở nhà có một mình cô buồn, nên biểu bồi đóng cửa rồi cô vô phòng đọc sách của Thuần mà ngồi xem nhật báo. Ngồi lâu mỏi lưng, nên nghe đồng hồ gõ 10 giờ, cô bèn tắt đèn vô mùng nằm rồi ngủ quên. Thuần về hồi nào cô không hay.

Sáng bữa sau, lúc ăn điểm tâm, cô Vân hỏi Thuần:

- Hồi hôm anh đi tới mấy giờ anh mới về?

- Tôi về hồi 12 giờ.

- Anh có ghé ngoài Việt Nam Y Viện hay không?

- Có. Tôi ra nói chuyện chơi với nhà tôi trót giờ.

- Hồi hôm em có ý chờ anh về đặng em hỏi ý kiến anh về một việc em đương tính mà làm. Té ra em nằm ngủ quên, anh về em không hay.

- Cô muốn hỏi việc chi?

- Không gấp gì mà vội. Thôi, để tối nay anh có rảnh rồi em sẽ nói cho anh nghe.

- Ðược... Tôi sẽ để xe riêng của tôi ở nhà. Bất luận giờ nào, cô muốn ra y viện mà thăm nhà tôi hay là muốn đi đây, thì cô biểu sớp phơ cầm bánh cho cô đi.

- Còn anh, xe đâu anh đi?

- Tôi có se khác, xe cũ ngoài hãng thiếu gì.

Ăn rồi Thuần lấy xe cũ mà đi. Cô Vân biểu thiếm xẩm thay đồ cho bé Hậu rồi cô cũng dắt nó lên xe mới mà ra Y Viện thăm cô Hoà.

Buổi sớm mai hôm đó đã vậy, mà buổi chiều cũng vậy, cô Hoà thấy cô Vân với bé Hậu thì cô vui vẻ vô cùng, mẹ con mừng nhau, chị em trò chuyện với nhau không dứt.

Tối bữa ấy, ăn cơm rồi, cô Vân thấy Thuần cũng sửa soạn như bữa trước, dường như muốn đi đâu thì cô hỏi:

- Anh muốn đi đâu hay sao? Thuần dụ dự một chút rồi đáp:

- Tôi muốn đi một vòng ra Sài Gòn.

- Ðêm nào anh cũng đi, nếu chị Hoà hay, chắc chị sẽ ghen cho mà coi.

Thuần chau mày suy nghĩ.

Cô Vân cười nói tiếp:

- Em tính tối nay em hỏi thăm anh một việc, té ra anh mắc đi thì thôi.

Thuần kéo ghế ngồi và hỏi:

- Cô muốn hỏi thăm việc gì?

- Việc này phải nói dài lắm, mà có lẽ phải cãi, phải bàn tính, bởi vậy nếu ít giờ thì nói không tiện.

- Việc quan hệ lắm hay sao?

- Quan hệ lắm.

- Tôi đi chơi, chớ không có việc gì gấp. Nếu cô muốn nói chuyện, thì tôi sẽ ở nhà, không hại chi.

- Nếu anh bằng lòng ở nhà, thì anh thay đồ mát cho thong thả, rồi em sẽ nói cho anh nghe.

Thuần ngó cô Vân mà thở dài, rồi đi thay đồ mát.

Cô Vân qua phòng đọc sách mà ngồi có ý muốn Thuần cũng vô đó đặng đàm luận thong thả.

Thuần thay đồ rồi, ở trên lầu đi xuống dòm thấy cô Vân đương ngồi trong phòng khách, nét mặt nghiêm nghị làm cho tướng mạo thanh nhã xinh đẹp càng thêm khả ái, thì chau mày rồi dụ dự không muốn bước vô. Thuần lấy một gói thuốc với một hộp quẹt ra cửa đứng đốt thuốc mà hút dường như cần phải định tâm định trí một chút rồi mới hãng(1) trở vô.

---

(1) Sốt sắng, hăm hở.

Cô Vân chỉ cái ghế dựa bàn viết mà mời Thuần ngồi ngay trưóc mặt cô, đặng nói chuyện cho tiện.

Thuần ngồi ngó cô Vân rồi nghiêm chỉnh hỏi:

- Cô có chuyện chi đâu nói phức cho tôi nghe thử coi.

Cô Vân trầm ngâm một chút, đưa tay vuốt mái tóc xem rất dịu dàng, nhích miệng mà trổ một nụ cười rất hữu duyên rồi chậm rãi nói:

- Bước chân vào thế cuộc ai cũng phải vẽ một cái đường trước cho sẵn để noi theo đó mà đi, nếu may nhằm đường bằng thẳng, hay là rủi gặp đường chông gai, cũng phải ráng đi cho cùng cho tột. Phận em là gái, lúc nhỏ phải tùng quyền cha mẹ, bởi vậy cách năm năm trước má em định căn duyên cho em, nghĩa là vẽ sẵn con đường đời để cho em bước tới, khỏi phải nhọc lòng tìm kiếm. Em nói thiệt, dầu em không có tình gì với người hứa hôn cùng em, nhưng mà căn duyên của mẹ định, thì em phải ghi tâm khắc cốt, bởi vậy trót 5 năm trường em khắc trong trí hình dáng người ấy là bạn trăm năm của em, em rèn lòng tập tính đặng làm vợ người cho xứng đáng. Chẳng dè cách một năm nay người ấy gởi thơ xin hồi hôn!... vì em không có tình trước, nên sự hồi hôn không động tâm loạn trí em được. Tuy vậy mà sự mơ tưởng của em thình lình vỡ tan, cảnh gia đình em toan sắp đặt trước thình lình sập nát, rồi phận em cũng như chiếc thuyền ra giữa biển mà gẫy bánh lái, cái đường đời của em cũng như đã bít ngang. Anh nghĩ đó mà coi cái khổ về phần trí của em đến bực nào!... May em có học thức, mà lại không nhiễm ái tình của người hứa hôn; may em lập tìm xu hướng về mỹ thuật, không kể đến gia đình nữa, nên một năm nay em mới được vui với sự sống mà lo báo hiếu cho mẹ già. Nhưng mà có đêm em ngồi đón gió trăng mà suy nghĩ, thì em thấy đời của em, tuy thư thái, song trống rỗng. Ở đời phải làm cho sự sống có ý nghĩa, phải làm việc gì cho có ích, chớ mà sống mà hưởng gió vui trăng, sống đặng ăn ngon nủ khoẻ, thì sống làm gì, cái đời của chị Hoà có mục đích rõ ràng: chị sống đặng làm vui cho chồng, sống đặng nuôi con cho khôn lớn mà duy trì xã hội. Còn cái đời của em có mục đích gì đâu?

Nẫy giờ Thuần chăm chú ngó cô Vân mà nghe cô nói. Chừng nghe tới đó thì cúi mặt xuống bàn, chống tay lên trán mà thở ra. Cô Vân ngó ngay Thuần mà nói tiếp:

- Nếu khi nào em buồn là buồn ở chổ đó, buồn mà không biết tỏ với ai được. Má em già cả, có hiểu tâm hồn em được đâu mà em nói... Ðêm nọ ở ngoài Long Hải, em được đàm luận việc đời với anh. Trong lúc nói chuyện anh có than rằng đời này con gái xứ mình ham sự giáo dục về trí thức, mà thiếu giáo dục về gia đình, bởi vậy chừng có chồng không biết xây nền móng cho hạnh phúc gia đình vững bền. Anh ước ao người có tiền có chí xướng ra lập nhà trường chuyện dạy con gái cho tánh tình cao thượng, cho biết tôn trọng gia đình, cho biết đường phải mà đi, đường quấy mà tránh. Anh lại tỏ ý muốn cho em ra làm việc ấy, anh nhớ hay không?

Thuần gật đầu, đáp:

- Tôi nhớ. Cô cứ nói tiếp đi.

- Xưa rầy về nhà, em suy nghĩ lại, thiết lập nhà trường mà dạy như vậy, làm một điều hữu ích đệ nhất trong buổi này. Làm việc đó là xây nền hạnh phúc cho tương lai mọi gia đình. Mỗi nhà đều có một người vợ hiền chuyên lo giúp vui, giải buồn, trưởng chí cho chồng, chuyên lo nuôi dưỡng sắc sóc, dạy dỗ con, cho chồng rảnh trí mà cạnh tranh với thiên hạ ở ngoài, nếu gia đình hết thẩy đều được như vậy phong hoá mới thuần mỹ, xã hội mới tấn phát. Em có tỏ việc ấy má em nghe, rồi em xin phép cho em lập thử một nhà trường tại Sài Gòn đặng em giúp ích cho đời và làm cho sự sống của em có ý nghĩa. Má em vui lòng cho phép em rồi. Em mừng lắm. Em lên đây là có ý cậy anh giúp em tánh thành việc ấy. Anh phải giúp em kiếm nhà mua hoặc mướn nhà hay là phố, chỗ nào mát mẻ thanh thịnh để mở nhà trường anh cũng phải giúp em sắp đặt cái chương trình giáo dục cho có thể thức rành rẽ và cần ích đặng đi cho khỏi lạc đường. Phải có anh giúp sức thì em mới làm được. Vậy chớ anh sẵn lòng giúp em hay không?

Thuần biến sắc, đứng dậy đi tới đi lui trong phòng, không dám ngó cô Vân, mà cũng không biết phải trả lời thế nào. Cách một hồi lâu Thuần mới đứng lại mà hỏi:

- Cô đã có tỏ sự cô tính đó cho nhà tôi nghe chưa?

- Không. Chị Hoà không ưa lo việc bao đồng, mà lúc này chị mắc sanh, nếu nói cho chị biết thì rộn trí chị chớ không ích gì. Em muốn tính riêng với anh mà thôi chừng nào xong, rồi sẽ cho chị Hoà hay, nghĩ không muộn gì.

Thuần đốt thuốc mà hút rồi đi tới đi lui nữa, sắc mặt có vẻ lo lắng lắm.

Cô Vân bước ra ngoài mà uống nước rồi rót bưng vô một tách nước trà nóng cho Thuần uống. Thấy Thuần lơ lửng thì cô hỏi:

- Bộ anh không sốt sắng giúp em. Tại sao vậy?

- Cô không hiểu tại cớ nào mà tôi không sốt sắng hay sao?

- Không. Anh nói cho em nghe thử coi.

- Xin cô đừng buộc tôi phải nói... Tôi sợ tôi không có thể giúp cô được, nói bao nhiêu đó thì đủ rồi.

Cô Vân cười mà nói:

- Em đã nhứt định rồi. Dầu anh không chịu giúp em cũng làm. Hễ em làm rồi thì tự nhiên anh phải chỉ bảo, chớ không lẽ anh làm lơ được.

Thuần rùn vai lắc đầu mà nói:

- Khó hết sức! Xin cô để tôi suy nghĩ một vài bữa rồi tôi sẽ trả lời.

Nói dứt lời Thuần liền bước ra ngoài rồi đi thẳng ra sân, dường như muốn tìm cái không khí khác đặng khoẻ trí, muốn nhìn cái quang cảnh khác đặng nhẹ lòng.

Trong ba ngày sau, Thuần cứ lập thế mà lánh không dám ngó cô Vân, mà cũng không muốn nói chuyện với cô. Ðến bữa ăn, phải ngồi chung, thì Thuần ép con lên ngồi đặng chọc con nói hoang đàng cho khỏi phải đàm luận với cô Vân về câu chuyện mình không muốn động đến nữa.

Một đêm, trong nhà vắng hoe, trên dưới im lìm, mà Thuần nằm trằn trọc hoài, không ngủ được. Thuần khoác mùng chun ra, đốt thuốc mà hút rồi nhè nhẹ xuống thang lầu, tính xuống phòng đọc sách kiếm một cuốn sách lên xem đặng dỗ giấc ngủ. Chẳng dè xuống phòng độc sách lại thấy cô Vân đương ngồi tại bàn viết mà viết, cái đèn đứng, bao chụp mầu xanh, để trên bàn rọi mặt cô sáng rỡ. Thuần đứng dụ dự ngoài cửa, dường như muốn thối lui; mà rồi không biết Thuần nghĩ thế nào mà Thuần chay mày hăm hở bước nhầu vô và đứng dựa bàn, gần một bên cô Vân mà hỏi:

- Khuya rồi sao cô chưa ngủ? Cô còn viết giống gì đó? Cô Vân ngó lên, thấy Thuần thì cười mà đáp:

- Em tính đặt cái chương trình giáo dục cho nhà trường của em. Anh không chịu giúp em thì em làm một mình. Ðể em sắp đặt xong rồi em đọc cho anh nghe và cậy anh bình phẩm. Dầu anh không giúp song anh cũng bình phẩm chút đỉnh chớ, phải không?

Thuần không trả lời, bước lại vặn cái đèn plafond(2) bựt cháy lên sáng loà rồi ngồi tại cái divan có lót nệm xanh dựa vách tường mà ngó cô Vân trân trân.

---

(2) Trần nhà.

Cô Vân hỏi:

- Từ hồi hôm tới bây giờ anh đã ngủ hay chưa?

- Chưa.

- Sao anh biết em còn thức mà anh xuống đây? Sự lập nhà trường nó làm rộn trí em ngủ không được. Hồi 10 giờ, em nghe trên lầu im lìm, em tưởng anh đã ngũ rồi, nên em lén vô đây vặn cái đèn nhỏ mà đặt thử chương trình. Em không dè anh còn thức.

- Ðêm nay tôi ngủ không được, tính xuống kiếm một cuốn sách mà đọc đặng gây giấc ngủ. Tôi cũng không dè cô còn thức.

- Anh muốn uống ca phê không? Ðể em kêu con nhỏ ở đây nấu nước rồi em làm cà phê cho anh uống.

- Thôi đừng kêu để cho nó ngủ. Tôi có đèn nấu nước, để tôi lấy mà nấu cũng được.

Thuần đứng dậy bước ra ngoài phòng ăn, mỏo tủ rượu lấy đồ lộp cộp.

Cô Vân đứng ngó cùng trong phòng đọc sách. Cô mặc một bộ đồ mát bằng lụa trắng, vì lụa mỏng nên nó tỏ bày cái hình vóc yểu điệu khả ái của cô càng thêm rõ ràng, vì áo bâu nhỏ nên nó để cho thấy cổ, cái ót của cô trắng trong mềm mại.

Cái phòng đọc sách của Thuần dọn cũng thiệt đẹp, làm cho cảnh với người xứng nhau vô cùng. Phòng rỗng rãi, phía trong để cái bàn viết; phía ngoài mà đối diện với bàn ấy, thì lót cái divan để nghỉ trưa. Dưới cửa sổ, bên tay mặt có để một cái bàn bát giác thấp với hai cái ghế xích đu đặng nằm lúc lắc mà giải trí. Trên vách tường phía sau bàn viết có treo một cái khuôn hình lớn, vẽ bằng dầu, vẽ hình gia quyến của Thuần; cô Hoà ngồi ôm bé Hậu vịn ghế miệng chúm chím cười, tỏ vẻ bảo hộ cho vợ con luôn luôn.

Cô Vân đương đúng mà xem tờ giấy cô đã viết, thì Thuần trở vô, tay bưng một mâm có đủ bình cà phê, bình đường, đèn nấu nước, ve nước với hai cái li lọc cà phê. Thuần để mâm trên bàn bát giác dưới cửa sổ rồi quẹt hộp quẹt đốt đèn nấu nước. Cô Vân bước lại đứng một bên và nói:

- Anh sắm đủ hết.

- Ban đêm tôi hay thức khuya đọc sách. Tôi sắm đồ sẵn đặng làm cà phê, hoặc nấu trà mà uống, khỏi phải kêu đứa ở làm mất giấc ngủ của nó.

- Bữa nay anh để em làm cho.

Cô Vân dành rót nước lạnh vào ấm mà đặt lên cái đèn. Cô ra ngoài lấy cái khăn bàn mà lau ly; cô làm lăng xăng, chờ nước sôi đặng chế cà phê. Thuần lại divan mà ngồi, chống tay trên gối, mắt ngó cô Vân; vóc cô thanh nhã gọn gàng mặt cô sáng rỡ vui vẻ, tay cô dịu nhiễu trắng trong; hình dung đẹp đẽ ấy ở trong thơ phòng thanh nhã này, làm cho rực rỡ. Ngó người, ngó cảnh lòng Thuần ngẩn ngơ, lại thêm đêm khuya vắng vẻ im lìm gây ra không khí chứa chan tình tứ, nên Thuần ngẩn ngơ rồi cảm xúc, Thuần nhớ có nhiều đêm Thuần cũng ngồi tại đây mà đọc sách, cô Hoà cũng vô đây rồi khi thì ngồi, khi thì đứng mà nói chuyện với Thuần, nhưng mà chẳng có lần nào Thuần cảm xức như bây giờ, vừa vui vẻ vừa buồn bực, ngổn ngang trăm mối trong lòng, muốn nói ra, nói không được, muốn xa lánh, xa không nỡ.

Nước sôi, cô Vân xúc cà phê đổ vô ly lọc rồi chế nước vô, mát chăm chú ngó, tay dãnh mấy ngón, cặp mắt rất hữu tình, ngón tay nhỏ mức. Làm xong, cô đứng ngắm nghía rồi kéo một cái ghế phô tơi lại để ngay trước mặt Thuần và nói:

- Ðể cà phê xuống rồi em sẽ bưng lại cho anh uống. Thuần lặng thinh.

Cô Vân trở lại bàn bát giác, cúi dòm hai cái ly coi cà phê nhễu thông hay không và nói tiếp:

- Chị Hoà vẫn phiền anh hoài. Chị than với em nữa. Em xin anh phải thương chị. Nếu anh cứ lơ lãng, làm cho chị không thoã mãn về đạo vợ chồng thì em buồn lắm vậy.

Thuần cũng cứ lặng thinh.

Cô Vân thấy cà phê xuống gần đầy ly, cô mới bưng một ly đem lại để trên ghế phô tơi, trước mặt Thuần, rồi lại lấy bình đường với cái muỗng rồi hỏi:

- Anh muốn mấy miếng đường?

Cô thấy Thuần đương cầm khăn mu soa mà chậm nước mắt, thì cô chưng hửng, đứng ngó Thuần mà hỏi:

- Có chuyện chi mà bữa nay anh buồn dữ vậy? Thuần cứ chậm nước mắt, không trả lời.

Cô Vân để bình đường dựa bên ly cà phê cho Thuần, rồi xây lưng đi lại bàn bát giác, vừa đi vừa nói: “Ở đời việc nào nó cũng có thể làm cho mình chán ngán được hết thảy. Mình phải lấy cặp mắt hiền triết mà khinh thị nó, mà phải lấy lòng đạo đức mà phân xử nó, thì mình mới khỏi buồn”.

- Anh buồn về việc làm ăn hay buồn về việc nhà?

- Về việc làm ăn thì tôi đắc ý lắm, có chi đâu buồn. Tôi buồn là buồn về việc nhà, vì nó không làm cho tôi vui sướng chổ nào hết.

Cô Vân day lại hỏi:

- Té ra anh cũng còn phiền chị Hoà nữa hay sao?

- Tôi không phiền ai hết. Tôi buồn về mạng số của tôi mà thôi.

- Anh buồn về khoản nào? Anh có tỏ cho chị Hoà biết hay không?

- Tỏ làm chi? Nhà tôi có hiểu tâm hồn của tôi đâu mà phải tỏ.

- Vợ chồng ở với nhau đã có hai mặt con, lẽ nào chị Hoà không hiểu tánh ý anh.

- Thiệt nhà tôi không hiểu tâm hồn của tôi, hoặc không muốn hiểu. Cô lên chơi mới vài lần mà có lẽ cô hiểu hơn.

- Phải. Em hiểu lắm. Em tưởng chị Hoà còn hiểu nhiều hơn em chớ.

- Không. Không phải vậy đâu. Cô hiểu tôi, chớ nhà tôi không hiểu.

- Em hiểu anh, vậy thì anh buồn về chỗ nào anh tỏ cho em nghe một chút.

- Khó nói lắm.

Cô Vân bưng ly cà phê lại để gần ly của Thuần rồi cô nhắc một cái ghế phô tơi nữa đem để trước divan mà ngồi và nói:

- Tại chị Hoà không chịu bỏ cái thói ghen, nên anh cực lòng phải không? Thuần bỏ vài miếng đường vô ly cà phê, mà cầm muỗng vừa khuấy vừa đáp:

- Thói ghen đã làm cho tôi bực mình rồi, mà cũng còn nhiều thói khác nữa, chớ không phải ghen mà thôi.

- Chị còn làm sao nữa?

- Tôi đã tỏ với cô hôm nọ, tôi là người chán đời. Tôi phải mượn cảnh gia đình với cuộc làm ăn mà làm chỗ để trốn đặng kéo dài sự sống. Cô nhớ hay không?

- Em nhớ lắm. Em cũng hiểu tại như vậy nên anh để hết tâm chí vào cuộc làm ăn đặng khỏi suy nghĩ về việc khác; tại như vậy nên anh lo xây nền hạnh phúc gia đình đặng vui hưởng mà quên hết việc khác.

- Rõ ràng cô hiểu, còn nhà tôi không hiểu, bởi không hiểu nên cứ theo cằn nhằn về sự tôi ham làm ăn, cứ theo phiền trách đặng.

Thuần bưng ly cà phê uống, cô Vân đưa tay lên vuốt mái tóc mà suy nghĩ, rồi nói giọng rất buồn:

- Tại giáo dục bất đồng, tâm chí bất hiệp nên mới ra như vậy đó.

- Phải. Cô nói phải lắm. Giáo dục đã khác, mà tâm chí cũng khác, bởi vậy tuy vợ chồng ở với nhau đã có hai mặt con, mà không được một dịp nào vui vẻ hết. Chớ chỉ nhà tôi nó có giáo dục như cô, nó tâm chí như cô, thì hân hạnh sung sướng biết chừng nào.

- Về căn duyên anh chẳng nên ăn năn.

- Nói thiệt cho cô nghe, chớ không phải ăn năn. Trong đạo vợ chồng, gặp may thì nhờ, gặp rủi phải chịu, ăn năn sao được. Huống chi đã có con lòng thòng rồi, rứt bỏ sao đành mà ăn năn.

- Khó quá! Gặp chị Hoà thì nghe chị trách anh; gặp anh thì nghe anh trách chị Hoà. Em biết liệu thế nào bây giờ; em phải ở gần, em mới giải lòng nghi kỵ cho hai ông bà được. Vậy thì anh giúp em lập nhà trường cho mau đi, đặng em về Sài Gòn em ở, rồi em lập thế làm cho hai ông bà thuận hoà.

Thuần lắc đầu:

- Xin cô đừng nhắc tới việc đó... Việc đó là việc tôi lo sợ lung lắm.

- Sao vậy...? Anh sợ nỗi gì...?

- Cô gần tôi thì tôi càng buồn nhiều hơn nữa.

Cô Vân đương bưng ly cà phê mà uống, cô nghe Thuần nói như vậy, thì cô lấy làm lạ, nên cô ngó Thuần trân trân. Thuần đốt thuốc hút và hỏi:

- Cô có hiểu tại cớ nào mà tôi không muốn gần cô hay không?

- Không...

- Ðêm ở ngoài Long Hải, cô đàm luận việc đời với tôi, cô làm cho tôi thấy rõ cô cũng là một người chán đời như tôi, cô cũng có cái tâm hồn giống hệt như tôi. Cô với tôi thiệt là đồng tâm đồng chí. Nghe cô nói chuyện rồi tôi sanh mối cảm tình trong lòng. Tại sự cảm tình ấy mà tôi lo sợ, không muốn gần cô, cô hiểu hay không?

Cô Vân biến sắc, ngước mắt ngó ngay Thuần, Thuần cũng ngó cô. Hai người nhìn nhau rồi dường như hổ thẹn, nên Thuần đứng dậy mà đi trong phòng, cô Vân thì cúi mặt, lấy cái muỗng khuấy cà phê mà suy nghĩ.

Thuần đi qua đi lại một hồi rồi nói: “Cô nhớ lại mà coi, từ đêm ấy trở về sau, tôi không dám ngồi một mình với cô, tôi không dám đàm luận với cô nữa. Hiểu tâm hồn nhau, mà không tỏ niềm riêng với nhau được thì ngồi chung với nhau rất khó chịu, đàm luận với nhau rất hiểm nguy. Thấy hình dạng cô, nghe câu chuyện cô nói tự nhiên tôi phải so sánh trong trí. Hễ so sánh thì quấy lắm, hại lắm cô hiểu không?... Tôi sợ lắm, tôi lo lắm, bởi tôi sợ, tôi lo, nên lần trước tôi nài nỉ xin cô lấy chồng... Cô có chồng, thì hoặc may tôi mới yên lòng yên trí được. Bây giờ cô hiểu được ý tôi chưa? Tôi lo sợ nên hôm cô lên lần này tôi không vui; mà hôm nay tôi cứ tránh cô, tôi không dám nói chuyện, tôi không muốn cho cô lập nhà trường, ấy là tại như vậy đó cô hiểu chưa?

Cô Vân xây ghế lại ngồi ngó Thuần mà hỏi:

- Anh có biết những lời anh nói với em nãy giờ nó làm em buồn nhiều lắm hay không?

- Tôi biết lắm chớ. Tuy biết mà tôi phải nói, ấy là vì tôi muốn cho cô hiểu rõ tâm hồn của tôi, đặng chúng ta liệu phương tránh cho khỏi cái hoạ tan nát cửa nhà hư hại danh dự.

- Em phải làm sao bây giờ?...

- Tôi cũng không hiểu tôi phải làm sao!... Phải chung chạ với người không đồng tâm đồng chí, còn phải xa lánh người đồng giáo dục, đồng tâm hồn, sống với cảnh đời như vậy, thì có thú vị gì mà sống! Có lẽ chết là một phương giải thoát hay nhứt...

- Anh Thuần, anh đừng có nghĩ như vậy chớ. Anh quên hai đứa con của anh hay sao?

- Tôi nhớ lắm chớ. Bởi tôi nhớ, nên thà tôi chịu thống khổ về tâm hồn như vầy đây chớ tôi không dám thương người tôi thương. Cô còn muốn cho tôi phải làm nữa?

- Em muốn anh coi em như em ruột của anh: anh đừng nuôi ý gì khác.

- Tôi cũng muốn như vậy lắm, ngặt vì cái bịnh ái tình nó lậm vào trái tìm tôi rồi, làm sao mà đem ra mắt.

Cô Vân bối rối trong trí quá, nên rưng rưng nước mắt. Thuần chau mày mà nói tiếp:

- Tôi với cô là một cặp vợ chồng mới phải. Tại sao trời lại khiến bà già hứa gả cô cho người vô tình bất nghĩa đặng ngày nay cô thất chí chán đời. Tại sao hồi tôi ở bên Tây về, trời khiến tôi lật đật cưới vợ làm chi, nên tôi phải chịu cảnh đời vô vị? Ông trời vô ý lắm! Nếu ông hữu ý, ông biết thương loài người, thì ông lựa cặp đồng tâm đồng chí như tôi với cô đây mà cho kết tóc trăm năm, thì cảnh đời vui vẻ biết chừng nào! Ban ngày tôi ra ngoài lo cạnh tranh cùng thiên hạ, cô ở nhà lo nuôi con lo dạy con, lo sắp đặt việc nhà cho thanh thản, đặng chiều tôi về tôi có sẵn cảnh vui vẻ mà thưỏong thức cho hết mệt trí nhọc lòng. Ban đêm hoặc ngồi chung với nhau trong phòng, rồi tôi đọc sách cho cô nghe, cô ngâm thi cho tôi hứng, vợ chồng luận đàm thế sự bình phẩm nhân tình, hoặc dắt nhau ra hoa viên mà hứng gió xem trăng, rồi cô đờn một hai bài cho tôi nghe, tôi bẻ vài đoá hoa mà thưởng cô giữa đám hoa thơm, chồng mê mẩn thú ái ân, dưới bóng trăng tỏ, vợ nhỏ to lời đạo nghĩa. Gia đình như vậy là gia đình xuất chúng. Cảnh đời như vậy là cảnh đời thần tiên, Tại sao mà ông trời không cho chúng ta lập gia đình ấy, không cho chúng ta hưởng đời ấy? Tức lắm! Tức lắm!

Cô Vân là gái đa tình đa cảm, nghe những lời lãng mạn như vậy thì cô dằn lòng không được, nên cô kêu lớn:

- Anh Thuần, nín đi đừng có nói nữa!

Thuần ngó sững cô rồi biển tình lai láng trong lòng, không còn kể phải quấy gì nữa, nen vội vã bước lại đứng một bên cô mà nói:

- Tức quá, không thể nín được! Ðã không được làm vợ chồng với nhau bây giờ nói chuyện cho hả hơi cũng không được phép hay sao?

Cô Vân xúc cảm quá nên không nói được nữa, cô ngồi ngoẻo đầu nhắm mắt mà giọt lệ chan hoà.

Thuần cũng vừa khoan khoái, vừa cảm động, vừa dan díu, vừa mê mẩn, nên đứng im lìm, không nói một tiếng nào nữa hết.

Cách một hồi lâu, cô Vân mở mắt ra, chợt thấy cái khuôn hình gia đình của Thuần treo trên vách, thấy hình cô Hoà ngồi ôm con trong lòng mà cặp mắt ngó cô trân trân, thì cô vừa kinh khủng, vừa hổ thẹn, tái mặt run tay, cô lật đật xô Thuần dang ra xa, rồi chỉ khuôn hình vừa khóc vừa nói:

- Chết, chết, còn gì, anh Thuần!... chị Hoà ngồi ngó chúng ta kia kìa...! Nhơ nhuốc lắm, xấu hổ lắm!

Thuần cũng ngước mặt nhình khuôn hình, thấy cảnh gia đình của mình sum vầy, thì bủn rủn tay chân, rối loạn tâm thần, nên đứng chần ngần như người mất trí.

Cô Vân đứng dậy bước lại bàn viết rồi lấy khăn lau nước mắt và nói:

- Chúng ta đã quấy nhiều lắm rồi. Anh nên lên trên lầu mà nghỉ đi... Sáng mai em về liền, không thể ở nữa được... Chúng ta phải xa nhau; từ rầy chúng ta phải tránh nhau, nếu còn gần nhau nữa sợ chẳng khỏi mang tai hoạ.

Thuần chau mày suy nghĩ, mà hai hàng nước mắt nhễu ròng ròng, chắc là trong lòng tức giận mà lại đau đớn lắm. Suy nghĩ một hồi lâu rồi Thuần day lại mà nói quả quyết:

- Xưa rày tôi tưởng một mình tôi cảm mến tánh tình tâm chí cô mà tôi, chó tôi không dè cô cũng cảm như tôi vậy. Hôm nay chúng ta biết đưọoc tình của nhau rồi, thế thì chúng ta phải nuôi mối thâm tình ấy, dại gì phải trốn lánh mùi tri kỷ tri âm, đặng mang mãi nỗi sầu nỗi thảm.

- Anh Thuần, đừng nói quấy nữa, anh quên gia đình, anh quên hai đứa con của anh hay sao?

- Gia đình!... Con!... Tôi muốn bỏ hết cảnh đời cũ mà lập cảnh đời mới cho thích hợp với tâm hồn của tôi, đặng tôi hết cực lòng nhọc trí nữa.

- Anh điên rồi hay sao? Hai đứa nhỏ là máu thịt của anh. Chị Hoà là người anh hứa hẹn trăm năm. Anh không được phép khinh rẻ. Em không cho anh phạm điều bất nghĩa ấy. Em khuyên anh có can đảm mà đoạn tình với em đi. Ðạo nghĩa và phong hoá đều buộc anh phải làm như vậy. Cử chỉ của chúng ta hồi nẫy đã trái đạo nghĩa, đã phạm luân lý nhiều lắm rồi. Ðối với chị Hoà em đã hổ thầm không biết chừng nào. Từ rầy em hết dám ngó ngay chị nữa. Nếu anh có chút cảm tình với em, thì xin ráng giữ cho cái tình ấy cao thượng, xin anh tránh để cho danh dự của em vẹn toàn, đừng cho thấp hèn, đừng làm danh dự của em lem luốc. Chúng ta phải quyết định đoạn tình của chúng ta liền bây giờ, đoạn tình đặng làm vững gia đình của anh, đoạn tình đặng bảo hộ danh dự của em. Nếu chúng ta dục dặc không đành xa nhau, thì anh sẽ lỗi đạo vợ chồng, em sẽ phụ nghĩa chị em: mà rồi còn gây tại hoạ khác nữa, là gia đình anh nát tan danh giá em nghiêng ngả. Vì em thương anh lắm, nên em mới khuyên anh như vậy. Nếu anh thương em, thì anh phải nghe lời em.

Thuần đứng trầm ngâm một chút rồi gục gặt đầu mà đáp:

- Tôi rất cám ơn cô về máy lời chánh đáng cô mới nói đó. Thế tôi điên, điên vì tình, nên tôi không kể phải quấy chi hết. Cô nói phải, chúng ta không nên gần nhau, gần nhau ắt chẳng khỏi tai hoạ. Xưa rầy tôi lo sợ hết sức, mà lo sợ rồi cũng không khỏi. Hồi nẫy vì dằn lòng không đậu nên tôi bày tỏ niềm riêng của tôi, rồi làm cho cô cảm động mà phải hổ thầm, hổ với tình nghĩa chị em mà cũng hổ với danh dự nhi nữ. Tôi xin cô tha lỗi cho tôi... Thiệt, tôi không được phép đánh đổ danh dự cao thượng của cô. Vậy tôi vâng lời mà đoạn tình, đọan liền bây giờ... Nhưng mà... trước khi từ biệt nhau, tôi xin tỏ thiệt cùng cô, vì gia đình, vì danh dự nên tôi phải đoạn tình tri kỷ; song tôi sẽ ôm chặt khối tình ấy trong lòng tôi cho tới giờ tôi thở hơi cuối cùng, tôi cũng ôm theo xuống cửu tuyền, không ai làm sao mà gỡ ra được.

Nghe những lời đa tình đau đớn ấy, cô Vân cảm xúc hết sức, nên cô chảy nước mắt mà đáp nho nhỏ.

- Em cũng vậy.

Thuần ngó ngay cô mà nói: “Cám ơn”. Nói có hai tiếng ấy, rồi Thuần cúi đầu xây lưng thủng thẳng bước ra khỏi phòng mà đi lại thang lầu.

Cô Vân ngó theo, mừng vì giữ vẹn danh dự, mà đau vì đoạnmối chung tình, bởi vậy cô ngao ngán trong lòng, rồi tuôn rơi giọt lụy.

Sáng bữa sau. Cô Vân thức dậy thì Thuần đã đi ra ngoài hãng bao giờ rồi cô không hay. Cô thấy bé Hậu xẩn bẩn một bên thì cô ôm nó mà hôn, mà vì hôn này là hôn từ biệt, nên cô ứa nước mắt.

Cô thâu xếp y phục bỏ vào va ly, ăn lót lòng rồi cô dặn thiếm xẩm ở nhà coi em, cô mới kêu sớp phơ biểu đem xe đưa cô ra Việt Nam Y Viện.

Vì hổ thầm nên vừa bước vô thềm thì cô liền nói với cô Hoà rằng cô mới tiếp được thơ ở dưới nhà cho bay bà già cô có bịnh và biểu cô phải về liền, nên cô ra từ giã cô Hoà đặng đi xe lửa về. Cái tin quan hệt ấy là một cớ làm cho cô Hoà hết dám cầm ở được, bởi vậy cô Hoà nhắn lời thăm, song buộc cô

Vân phải để xe hơi đưa cô về Kỳ Sơn cho mau, chớ không chịu cho cô đi xe lửa.

Cô Vân nhận lời rồi tù giã mà đi. Song ra tới cửa phòng cô lại dụ dự một chút rồi trở vô nói với cô Hoà.

- Tôi về sợ bận việc nhà rồi lên nữa không được. Vậy tôi chúc chị với hai cháu ở trên này mạnh giỏi. Tôi khuyên chị phải ráng lấy tính hoà nhã mà đối đãi với anh Thuần, chẳng nên ghen tuông phiền trách mà làm cho anh buồn. Anh là người đứng đắn, chẳng trọng chi hơn gia đình, chẳng thương ai hơn vợ con. Chị đừng nghi kỵ nữa.

Cô Hoà gật đầu mà cười, làm cho cô Vân hổ thầm, nên lật đật ra đi, không kịp hôn em Hảo nằm loi nhoi trong nôi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!