Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 05 - Phần 2
Giữa trưa, đám gia nhân dọn cơm nước lên nhà trên xong xuôi mới xoay ra thu vén nốt chuyện của mình. Vài anh nô dẫn mấy nhóc người ở trong nhà đứa nào cũng nửa thân trên để trần ra vườn, xoa lưng lên cây chuối. Cứ thằng cu nào ho he thắc mắc là bị họ cốc đầu, bảo làm thế cho hết rôm sảy. Rôm sảy hết đâu thì chưa biết nhưng mấy lời bông đùa, trêu ghẹo đã bay ra khỏi đầu môi. Mấy cô hầu gái đang khom lưng kiểm tra lại cẩn thận những loại lá thuốc được hái trong vườn từ sớm, định đem đi phơi khô trước khi mang cất để dành hãm nước uống cả năm, nhìn cảnh ấy cứ liếc nhau cười khúc khích mãi.
- Cha bố mấy anh mấy chị, có nhanh tay nhanh chân lên không thì bẩu đây? – Bà vú già ngồi dưới mái hiên nhà ngang, miệng nói, mắt nhìn mà tay vẫn bổ cau têm trầu thành thạo. Khóe môi đỏ màu trầu thuốc nhếch lên vờ mắng mỏ đám trai gái nhưng trong bụng lại thấy vui vui.
- Bà ơi, một năm mới được một ngày, một ngày mới được một giờ. Mà chúng cháu cũng làm theo nếp các cụ cả đấy chứ! – Có anh lảnh lót cười hí hí đáp lại.
- Chúng mày chim chuột gì nhau tao không quan tâm. Đứa nào muốn lấy đứa nào thì sắp lễ lên có nhời với bà lớn chứ đừng đi qua đi lại đong đưa trước mặt làm tao ngứa cả mắt.
- Cháu còn bé lắm bà ơi! – Có cô gái nũng nịu ngồi xuống cạnh bà, giả vờ thẹn thùng.
- Bé bỏng cái nỗi gì? Lũ chúng mày ý… – Bà vuốt miệng nhai trầu rồi chỉ mặt mấy đứa con gái đứng xúm xít xung quanh – …sướng không biết đường sướng. Các cụ đã bẩu rồi: Còn duyên kén cá chọn canh. Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ. Còn duyên kén những trai tơ. Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng nghe chửa? Giờ thì chưa sáng mắt ra đâu, cứ để đấy xem.
Đào nghe đến đấy cười ngất, đặt thau nước nhuộm móng tay cho mấy đứa trẻ xuống thềm, vỗ nhẹ lên vai Phùng:
- Cô ơi, sao cái Huyên chưa về. Còn sớm sủa gì nữa đâu?
- Cô cũng không biết – Người phụ nữ đứng dậy, chùi tay vào chiếc váy đụp thì thấy một bóng áo lụa chạy vụt vào.
Gò má Lam Ninh đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm trên trán, chảy xuống hai bên thái dương. Có bé há miệng ra để thở, tay chân không ngừng khua khoắng nhưng chẳng ai hiểu.
- Tiểu thư, có chuyện gì ạ? – Đào cau mày, cúi xuống lễ phép.
Nhắm hai mắt lại, miệng nhệch ra bực bội vì mình không thể nói cho những người trước mặt hiểu, cô bé liền nắm tay Phùng và Đào lôi tuột đi, guống chân chạy thật nhanh
Cái lần ấy định mệnh lại lật giở số phận của đứa bé tên Nguyễn Hải Triều sang trang khác, để từ đó về sau lưu trên giấy không phải chỉ có mùi mực tàu, hương son phấn, không chỉ vương sợi dây tơ mà dường như đâu đâu cũng luôn thấy bóng hình một chữ “thủy”.
Là nước, là sông, là mưa, là lệ…
***
Chuyện thực ra cũng chẳng có gì, là chút cãi vã trẻ con giữa Hải Triều với Trinh cùng đám bạn của con bé ấy. Lam Ninh đi trước nên chỉ nghe loáng thoáng sau lưng đứa hầu tên Trinh mắng mỏ thư đồng của mình, cái gì mà không biết thân biết phận, phách lối rồi bợ đỡ. Vừa định quay lại thì tai nghe thấy tiếng đồ vật bị liệng xuống nước, sau mới rõ là giấy bút của Hải Triều. Cô bé chưa kịp định thần thì lại nghe thấy một tiếng “tùm” khác lớn hơn hòa trong tiếng cười hả hê của đám trẻ. Nhưng tràng cười ấy không kéo dài được lâu mà chuyển sang xôn xao. Chẳng mấy chốc đám trẻ ranh nháo nhào bỏ chạy hết, không đứa nào dám ngoảnh lại. Về sau tra xét ra, cái Trinh chỉ khai trong lúc to tiếng có du đẩy Hải Triều, lại thêm mấy bậc tam cấp dẫn xuống giếng làng mọc rêu trơn trượt nên con bé mất thăng bằng ngã xuống. Cả đám đều tưởng đứa bé biết bơi nên chẳng làm gì, một hồi sau mới biết là không phải nhưng vì sợ quá, tụi nó bỏ chạy hết. Bà quản gia cũng có gặng hỏi nhưng Hải Triều chỉ đáp qua loa nên sự việc đến đó rồi thôi, chẳng ai bàn tán gì thêm nữa.
Giờ nghĩ lại, nghe có vẻ hơi điên nhưng bầu trời nhìn qua mặt nước thực sự rất đẹp, trong vắt, xa vời. Hải Triều đã từng nghĩ mãi không hiểu những con cá thấy thế giới bên ngoài ra sao, có thấy trời xanh, có thấy nắng vàng, có thấy cánh hoa muôn sắc hay không. Khi nó chìm mãi, chìm mãi xuống cái giếng sâu giữa làng, cuối cùng cũng có thể tìm thấy lời đáp cho đến khi bàn tay ai đó kéo mạnh nó về phía trước, về phía bầu trời. Phùng bảo có một đứa bé trai đang chơi gần đó, tri hô mấy tiếng rồi tự mình nhảy xuống, không những cứu được Hải Triều mà còn gom trả lại mấy tờ giấy cùng chiếc bút lông. Hình ảnh người đó ra sao, con bé không chút ấn tượng nhưng lại nhớ rất rõ trong lúc mê sảng hình như mẹ có ôm lấy nó khóc rất thảm thiết. Từng giọt, từng giọt nước mắt to tròn rơi tí tách xuống mặt, xuống cổ, xuống áo Hải Triều. Phùng nói rất nhiều, vừa như tự mắng chửi mình, vừa tựa như van xin, hối lỗi với ai đó.
“Con không được chết, nhất định không được chết! Con làm sao thì u biết ăn nói thế nào với thầy con? Thầy con… phải làm sao đây?”
Những lời ấy chỉ lướt qua trong cơn mộng mị chẳng rõ hư thực nhưng lại in hằn vào đầu óc con bé những vết rất sâu. Đêm tết Đoan Ngọ trời đổ mưa rào. Sớm hôm sau, gà mới gáy, nền trời đã ửng hồng sạch sẽ, không có lấy một gợn mây. Nếu không phải vẫn còn những giọt nước nhỏ xuống từ mái hiên tí tách, tưởng như tất cả chỉ là một giấc mơ. Nước rơi xuống từ những miếng sành vỡ úp trên tường rào bằng đất, tuy chỉ nhìn thấy qua song cửa nhưng lại khiến Hải Triều trở nên lặng lẽ hơn cả bản thân nó xưa nay. Những lời mẹ nói không phải chỉ có thế. Con bé còn nghe bà gọi rất khẽ, rất khẽ nhưng rõ ràng bên tai cái tên một người xa lạ. Hai từ “Hải Triều” ấy cứ lặp đi lặp lại như thế trong tiếng van vỉ khổ sở.
Đó đâu phải tên của nó, càng chẳng phải ai quen thuộc.
Một chiếc lá nhỏ mong manh rơi xuống cổ làm đứa bé gái giật mình, dứt bản thân ra khỏi những hồi tưởng. Hải Triều nhè nhẹ xoay lưng lại, đưa tay gạt đám lá mọc lan trên bờ dậu ra để ghé mắt nhìn. Người đàn ông đứng đối diện Phùng là gia đinh của nhà quan lớn, thường chăm lo cho mấy con ngựa quý của quan ngài rồi quan xuyến những việc nặng nhọc như cất thêm dăm ba dãy nhà, đốn gỗ thay cột hay khiêng đá lát quanh giếng. Con bé thích chú ấy lắm bởi tiếng cười sảng khoái, vô tư; bởi cái hồi nó lên năm, chẳng hiểu sao lại bị hai con chó nhà hàng xóm đuổi chạy mấy vòng, nếu không phải người đàn ông đứng ra xua đuổi đám thú dữ ấy, dám con bé đã bị cắn rồi. Hải Triều không có cha, cũng chưa từng bận tâm đến chuyện đó nhưng lần ấy là lần đầu tiên con bé chợt nghĩ trong đầu, “cha” là người đàn ông mạnh mẽ đứng chắn trước mặt nó khỏi những điều đáng sợ, là người có thể xoa đầu con bé rồi mỉm cười trấn an mà chẳng cần nói thêm điều gì.
Đã có lúc Hải Triều thủ thỉ với chị Đào chuyện nó nghe lén được người đàn ông ướm lời, nói thích mẹ, còn mua tặng mẹ một chiếc lược gỗ rất đẹp bọc trong một tấm lụa màu quan lục nhã nhặn. Nhưng chẳng có đám cưới nào diễn ra, con bé vẫn là một đứa trẻ không cha và chiếc lược kia không bao giờ được trao cho người nữa. Từ sau lần ấy, Phùng có ý tránh mặt nhưng lần này lại chủ động mở lời nhờ vả trước.
- Chị muốn nhờ tôi dạy võ cho Huyên? – Người đàn ông lặp lại, trong giọng nói không tránh khỏi ngạc nhiên.
- Thật ngại quá! – Người phụ nữ cúi đầu, thở dài. – Cái đận lần trước con bé ngã xuống giếng làm tôi rất lo, không hiểu sau này người như nó sẽ xoay sở thế nào mà sống. Tôi nghe nói năm xưa anh từng đi lính nên… chỉ dám phiền anh dạy con bé vài thứ hữu ích để nó có thể tự bảo vệ bản thân là đủ. Ơn này tôi nhất định ghi lòng tạc dạ!
- Những chuyện bảo vệ ấy không phải nên để đám đàn ông chúng tôi làm hay sao? – Những lời không kiềm chế được mà vuột ra khỏi đầu môi. Người đàn ông có chút lúng túng khi nhìn vào đôi mắt đen trùm phủ những lớp sương mờ của Phùng rồi lảng sang chỗ khác – Điều chị nhờ… Chị cứ giao cháu cho tôi. Con bé thông minh lắm, sẽ không có vấn đề gì đâu.
Bóng người đi khuất. Cuối cùng chỉ còn lại mình Phùng trên con đường đất vắng vẻ giữa trưa. Ấy là lúc Hải Triều thực lòng mong giá như ngày trước mẹ nhận cây lược ấy, đồng ý để ai đó bước qua bậu cửa nơi trái tim bà thì thật tốt. “Hạnh phúc” với đứa trẻ chỉ vỏn vẹn là không còn một mình. Cái gọi là nhân duyên, là quyến luyến, day dứt, là vay, là nợ, nó đều chẳng hiểu.
- Huyên, u đã nói thế nào rồi? Con gái con đứa gì mà lại đi rình rập như vậy? – Phùng nghiêm giọng nói, liếc mắt nhìn qua bờ dậu xanh rì – Nồi nước bồ kết u nói con phải ngồi trông giờ sao rồi?
- Chết! – Con bé chỉ kịp vọt ra một từ ấy trước khi đưa tay bụm miệng, vội vội vàng vàng co chân chạy về phía nhà bếp.
Hòa thêm nước lạnh vào thùng nước màu nâu vàng, Hải Triều chầm chậm dùng cái gáo dừa múc nước giúp mẹ gội đầu. Miệng nó mỉm cười, ánh mắt chăm chú nhìn nước thấm ướt mái tóc đen nhánh, mượt mà của Phùng.
- Huyên, nghe u dặn. – Người phụ nữ ngơi tay vò tóc, liếc mắt nhìn đứa bé – Sau này, khi nào u chết, con không được giữ lại bất kì đồ đạc nào của u. Quần áo, tư trang phải đốt sạch. Nhất là… cây đàn bầu… phải đập vỡ. U chết rồi con cũng không được chơi loại đàn đó nữa. Tiếng đàn bầu không tốt lành, đừng để nó vận vào người.
Chiếc gáo rơi bõm xuống làm nước bắn tóe ra xung quanh. Hải Triều ngồi ngây ra đó nhìn mẹ mà chẳng nói được tiếng nào. Mắt nó ráo hoảnh, khóe miệng giật giật cố cười như thể điều Phùng nói ra chỉ là một câu chuyện tiếu lâm:
- U nói gì vậy? Sao tự dưng lại nói chết? Con không chịu, con không làm!
Những ngón tay xương xương của người đàn bà nắm lấy cổ tay nhỏ nhắn của đứa bé. Bà trầm giọng, từng lời thốt ra đều nặng nề dù đã cố làm như chẳng có việc gì hệ trọng:
- Huyên, con rất ngoan kia mà. Là u xin con, là u nhờ con làm giúp u chỉ chuyện này thôi!
Đôi mắt đen mênh mông thăm thẳm của đứa bé lên sáu đăm đăm nhìn người phụ nữ nó yêu thương nhất, dưới ánh sáng dường như loang loáng nước. Trong đáy mắt ấy có gì? Phùng chỉ nhìn ra sự bàng hoàng, sững sờ, một thoáng ương ngạnh lóe lên rồi tắt ngấm hệt như lúc người ta đóng sầm cánh cửa lại.
Hải Triều gật đầu.
***
Đám mục đồng chí chóe nhau đuổi theo một quả bưởi lăn lông lốc trên bãi cỏ. Với đám trẻ con nhà quê, như vậy đã đủ vui rồi. Mấy con trâu phe phẩy đuôi, vẫy vẫy đôi tai như chiếc lá mít nhìn cảnh tượng ấy rồi điềm nhiên trệu trạo nhai cỏ tiếp, vẻ như khinh thường lắm. Trời đẹp, cỏ ngon, gió mát, chỉ có đám trẻ ranh là không biết hưởng thụ, đang yên đang lành đâm đầu đá qua đá lại, tranh cướp nhau một quả bưởi.
Là lũ trâu thông minh.
Và cái đứa bé đang vắt vẻo nằm giữa chạc cây, nón úp lên mặt, nhàn hạ ngủ trưa cũng thông minh như trâu.
Nói là ngủ thì không đúng, nó chỉ vờ nhắm mắt, vắt chân chữ ngũ, ngón cái nhịp nhịp theo một điệu nhạc không vang lên từ chỗ nào đó trên cánh đồng, dưới mặt đất hay trên tán cây. Là khúc nhạc của bầu trời. Trên nền xanh dương tươi sáng không một gợn mây, chan hòa ánh mặt trời mùa hạ là những cánh diều cong cong như vành trăng mới nhú chao lượn trong cơn gió mát lành thổi từ bờ sông vào. Những cánh diều làm rất khéo, vẽ những hình lạ mắt nhưng thứ hay nhất chính là trên thân từng con diều đều gắn những ống sáo để khi gió luồn qua sẽ tự dệt nên những thanh âm ngẫu nhiên, tươi đẹp. Bất chợt, ngón chân cái của đứa bé không ngọ nguậy nữa giữa lúc khúc nhạc đương vang lên.
- Một ống sáo bị lệch âm rồi! – Giọng nói nhàn nhạt, dửng dưng đưa đến. Đứa con gái nói ra câu ấy giống như đang tự lẩm bẩm với mình, không hề nghĩ đứa bé chủ nhân của những con diều sáo ấy lại quá thính tai, nghe thấy vậy liền nhỏm dậy, trông xuống.
Phe phẩy mê nón rách trong tay, Hải Triều tựa lưng vào gốc đa, điềm nhiên ngẩng lên đón nhận ánh mắt không chút bực dọc của thằng bé tóc còn để chỏm ấy. Nó không những không tự ái mà dường như còn thấy hào hứng hơn bao giờ hết.
- Thằng Tèo nó làm rơi quả bưởi xuống hố rồi chúng mày ơi! – Có đứa con trai hô lên.
- Mẹ kiếp! Tèo, mày đi nhặt ngay nó lên trả cho chúng ông, không thì nhừ đòn! – Một đứa tròn người, da màu bánh mật hằm hè đe dọa.
- Cái hố vừa hẹp vừa sâu, tao xuống lấy thế quái nào được? – Có tiếng cự lại.
- Tao đếch biết. Mày cứ thử không lấy nó lên xem?
- Ầy, lại sắp có đánh nhau rồi! – Một giọng người lớn vang lên chen vào tiếng cãi cọ của đám nhóc con nhí nhố làm cả Hải Triều và thằng bé kia ngoảnh lại. Đó là một ông bác độ ngũ tuần vừa đặt đôi quang gánh hai đầu là hai cái bu gà chí chóe nhau ỏm tỏi xuống đất nghỉ mệt, nheo nheo mắt nhìn đám trẻ.
- Cái lũ này, có mỗi thế mà cũng cãi nhau được. – Thằng bé ngồi vắt vẻo trên chạc cây “hừ” một cái, khoanh tay trước ngực ra vẻ ông cụ non, tỏ rõ mình không phải cá mè một lứa với cái đám ranh ấy. – Lấy có quả bưởi thì có gì khó?
Người đàn ông nghe thấy thế cất tiếng cười khà khà, cất giọng:
- Chú nhóc, cái hố ấy vừa hẹp vừa sâu, nhảy xuống không được, lấy que chọc cũng không xong đâu!
- Cháu nói thật mà! – Thằng bé lễ phép thưa.
- Vậy ta đánh cược đi. Nếu chú nhóc lấy được quả bưởi lên thì bác sẽ tặng chú một con gà mái mơ ngon nhất trong đám này! – Người đàn ông lấy chân đá nhẹ vào cái bu gà dưới đất làm đám gà qué im bặt rồi đưa mắt ngắm nghía đứa trẻ – Hôm nay bác ế ẩm, muốn mua chút chuyện vui.
- Quân tử nhất ngôn! – Nó thò cổ xuống, mắt sáng lên.
- Bác là nông dân, thôi cứ cho là thế đi. Người lớn không nói dối trẻ con! Có cô bé xinh xắn đây làm chứng rồi, nhỉ?
Hải Triều đưa mắt nhìn cả hai người rồi nhún vai, chẳng rõ là đồng tình hay phản đối nhưng thằng bé kia đã tóm lấy mấy cái rễ đa lòng thòng đu mình xuống. Nó lấy cái gầu nước để gần đấy rồi chạy ra mương xách về bao nhiêu là nước đổ vào cái hố ấy. Đám nhóc bu quanh nó càng lúc càng đông, rì rầm bàn tán.
- Có được không? – Một đứa thắc mắc.
- Thằng này giỏi lắm, cứ để xem xem thế nào!
Người đàn ông kiễng chân nhìn về phía ấy, gật gù rồi hỏi đứa bé gái đứng cạnh:
- Sao cháu không ra xem?
Đáp lại là một đôi mắt đen trong veo bình thản đến mức khiến ông bác thấy ngượng như thể mình vừa hỏi điều gì ngớ ngẩn lắm. Hải Triều thưa:
- Có gì phải xem đâu ạ. Đổ nước vào hố, quả bưởi tự khắc sẽ nổi lên thôi.
Cô bé vừa dứt lời, đám con trai sau lưng đã ồ lên trầm trồ khi thấy cậu bé ban nãy vui miệng đọc xong một bài vè là quả bưởi đã nằm gọn trong tay. Chúng vỗ tay rồi hùa vào đọc lớn:
- Bưởi ơi bưởi
Nghe tao gọi
Lên đi nào
Đừng quên lối
Đừng bỏ tao…
Đúng như lời hứa, người đàn ông lấy ra một con gà mái mơ đưa cho thằng bé, tấm tắc khen:
- Bác thua rồi. Nhưng người thông minh nghĩ ra cách đó không phải chỉ có mình thằng cu này! Cô bé, cháu cũng rất giỏi.
Thằng nhóc cúi đầu lễ phép cảm ơn rồi đưa tay nắm chặt hai chân con gà, dốc đầu con vật xuống đất. Nó không tránh khỏi tò mò khi nghe điều người đàn ông nói nên len lén đưa mắt dòm con bé một cái. Đội nón lên đầu, Hải Triều cười nhẹ rồi xin phép ra về, trên tay đung đưa cái bị không sau khi đi giao ít đồ giúp thân mẫu của Lam Ninh ở làng bên.
- Chúng mày đâu, đi kiếm rơm về nướng gà với tao! – Thằng bé bắc loa tay gọi lớn rồi giơ chiến lợi phẩm đang đập cánh phành phạch lên vẻ như tự hào lắm.
- Đông như vậy thì một con gà đủ không? – Ông bác cười. – Hay ta đố thêm một câu nữa nhé, phần thưởng vẫn như cũ. Là… ừm… xem nào… Trời, ruộng rộng thế, sao thu được vào lòng bàn tay?
- Bạn trả lời được không? – Thằng bé chăm chú nhìn Hải Triều, thành thực hỏi.
Con bé ngần ngừ một lúc rồi cũng đáp:
- Trời, ruộng dù rộng nhưng thu lại chỉ trong một chữ “thiên”, một chữ “điền”. Vậy là có thể nắm trong tay được rồi. Cháu nghĩ thế thôi, không biết đúng sai thế nào.
- Cháu biết chữ nên mới nghĩ vậy? – Người đàn ông nheo mắt nhìn đứa bé ăn mặc tầm thường, miệng cười cười.
- Một chút ạ!
Người đàn ông hành xử kì lạ, dùng hai con gà để mua chút chuyện vui vào giữa trưa hè cuối cùng cũng quẩy gánh hàng đi mất. Hải Triều ấn con vật đang quang quác trong tay mình vào tay thằng bé đứng cạnh, bảo:
- Bạn cầm lấy đi. Mình phải về bây giờ.
- Sao thế được? – Đứa trẻ kia lắc đầu từ chối – Ở lại cùng ăn đã! Tụi nó mang rơm về rồi, loáng cái là xong ấy mà. Này… đằng ấy sau cái lần ngã xuống giếng đó đã học bơi chưa đấy?
Hóa ra người vớt được con bé lên chính là thằng nhóc đứng trước mặt. Cái làng này quanh đi quẩn lại mới thấy thật là nhỏ. Đứa bé kia cũng có ý hỏi cái Trinh có bị phạt không nhưng Hải Triều không đáp, thoáng nghĩ đến cái mặt chị ta mà không nén được nụ cười nhẹ trên môi. Là nó không muốn dây dưa với bà quản gia họ hàng nhà con bé ấy, để bà ta phải tự tay phạt cháu mình thì sớm muộn gì cũng có lúc bà ý soi mói mẹ con Hải Triều, chi bằng để sự việc êm êm trôi qua thì hơn. Nhưng con bé cũng đã kịp nói nhỏ vào tai Trinh mấy câu rằng: “Việc chị làm thì chị tự biết, đừng để lần sau chính tôi phải cho chị uống no nước. Tiểu thư Lam Ninh nhìn rõ việc chị đã làm, chị biết đấy, ông bà chủ không thích những nô tì không biết phép tắc như vậy!”.
Gà được cắt tiết, vặt lông, làm thịt một cách thành thạo, bọc trong lá sen. Chưa kể đám con trai còn đi xin ở đâu về một đống đất sét để bao ra ngoài lớp lá xanh ấy rồi mới vùi cả hai con gà vào đống rơm khô to đùng. Xong xuôi đâu đấy chúng mới châm lửa đốt. Có thằng giả vờ sụt sùi:
- Chúng tao hóa kiếp cho mày. Kiếp sau nhớ đừng làm gà.
- Lộc ăn hôm nay là nhờ công của thằng Vinh nhớ! – Có đứa vỗ bộp lên vai thằng bé, cười hỉ hả.
- Không dám. Được ăn có khác! – Thằng bé liếc mắt một cái rồi cặm cụi cuộn lại sợi dây diều – Con gà còn lại phải cảm ơn bạn này cơ.
Đám trẻ con lom lom nhìn đứa bé gái, dường như ngờ vực lắm nhưng rồi cũng gật đầu tỏ ý cảm ơn. Con bé khoanh chân ngồi bệt xuống nền cỏ, thong thả nhìn ngắm bầu trời và tuyệt nhiên im lặng.
- Bạn biết chữ? Con gái biết chữ là lạ lắm nhé! – Đứa bé trai tên Vinh e hèm mấy tiếng, hỏi.
- Không tốt sao? – Hải Triều e dè hỏi lại.
- Tốt chứ, tốt chứ! – Vỗ vỗ hai tay vào nhau, Vinh nói đơn giản. – Càng nhiều người biết chữ thì càng tốt. Đức Khổng Tử đã dạy: “Hữu giáo vô loại”[3] mà!
[3] Trích Luận ngữ của Khổng Tử, nghĩa là: giáo dục không phân biệt loại người, lý lịch.
Mười đầu ngón tay gõ nhẹ lên hai bên má bầu bầu đột nhiên dừng lại, Hải Triều khịt mũi một cái định đế thêm vào: “Đúng là hữu giáo vô loại nhưng chẳng phải Khổng Tử cũng nói trên đời có hai loại người không thể dạy được là tiểu nhân và đàn bà sao?” nhưng rồi lại thôi. Mùi khói rơm đưa đẩy theo gió thơm ngào ngạt khiến hai cái dạ dày cùng sôi réo.
- Lúc nãy bạn nói có thể dùng con chữ để thu cả thiên hạ vào bàn tay. Khẩu khí này… giá cậu là con trai thì tốt. Ý mình là… nếu là con trai thì mới được đi thi, mới được ra làm quan – Đứa bé trai gật gù tiếc rẻ, tay bắt đầu nghịch mấy cái lá đa nó gom được.
- Chữ cũng tốt nhưng vẫn phiền quá, vẫn cần quá nhiều nét mà chẳng phải ai cũng có thể hiểu được! – Con bé nghiêng đầu, ánh mắt nhìn xa tít đến tận bên kia sông – Có thể chỉ dùng một thứ thôi mà tạo được non sông, trời đất, tạo được cả lòng người nông sâu.
Cau mày một cái, Vinh ngầm đoán trong đầu nhưng vẫn ướm lời hỏi trước:
- Là thứ gì mà hay vậy?
- Một sợi dây đàn – Hải Triều cười toe toét – Họa sư thì dùng bút với giấy, văn nhân thì dùng bút lông, mình muốn dùng một sợi dây đàn.
- Là đàn bầu sao? – Thằng bé hơi chồm người về phía cô nhóc mới quen, mắt sáng bừng – Tên chữ là độc huyền cầm? Bạn biết chơi hả? Mình biết thổi sao, biết chơi đàn nhị đấy!
- Thật hả? – Con bé ngờ vực hỏi, miệng nhoẻn cười.
- Nhưng cái tên cây đàn đó nghe buồn nhỉ? “Độc” là một, là độc nhất hay là cô độc? Mà thôi, bỏ đi, cầm lấy này!
Vẻ mặt mới lúc trước còn phảng phất sự ưu tư, lúc sau đã quay trở về vẻ lanh lợi vốn có, Vinh hồ hởi đặt vào tay Hải Triều con trâu lá đa làm rất khéo với đôi sừng cong cong trông ngồ ngộ, tựa như con vật đang nghênh nghênh đầu nhìn lại đứa bé.
- Bạn tên gì? – Thằng nhóc hỏi.
- Mình tên Huyên, là Nguyễn Thị Huyên. Còn đằng ấy?
- Mình họ Lương, tên Vinh. Là Lương Thế Vinh!