Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 06 - Phần 2
Trên mái nhà, đứa bé lên sáu gối đầu lên hai cánh tay, thoải mái ngả lưng trên lớp ngói âm dương, ngửa cổ nhìn vầng trăng tròn trịa trên bầu trời mang màu lam sáng. Nó lẩm nhẩm đọc lại bài thơ mình vừa dùng để luyện chữ, thoáng cau mày. Vẳng đưa lại là tiếng gõ mõ đều đều, tiếng tụng kinh trầm bổng của các sư thầy và mấy bà vãi già vào ngày có khóa lễ. Những thanh âm này Tư Thành nghe quen từ khi còn nhỏ, là nghe người khác đọc, là nghe chính mẹ mình đọc nhưng trong lòng luôn thấy hờ hững. Mỗi lần đi học về qua cửa chùa, đứa bé đều đứng lại, chắp tay vái vọng tam bảo một cái rồi mới cất bước đi tiếp. Ai nhìn cảnh tượng ấy cũng nói thằng bé hiểu chuyện, lễ nghĩa đều không thiếu nhưng chẳng có ai trông thấy ánh mắt của nó. Ấy là kiểu nhìn chỉ để mà nhìn. Cái thành kính sáng lên trong đáy mắt như khi lật giở những trang sách thánh hiền hay như khi vái lạy tượng Khổng Tử ở Văn Miếu tuyệt nhiên không hề có.
Mây lướt qua trăng như tấm vải sa mỏng rồi tan ngay khi gió thổi tới. Bài học đã xong, hiểu cũng đã hiểu nhưng trong lòng Tư Thành vẫn có chút băn khoăn. Thế nào là “yểu điệu thục nữ”, thế nào là “quân tử hảo cầu” thằng bé vẫn thấy thật mơ hồ. Dù gì nó cũng mới sáu tuổi. Gạch bỏ khỏi đầu việc gán sự yểu điệu cho mấy cung nữ nó từng tiếp xúc, Tư Thành lại miên man nghĩ đi đâu với ham muốn đã đọc là phải hiểu đến tận cùng.
- Cậu chủ? Cậu chủ? Cậu lại đi đâu rồi?
Tiếng đôi guốc gõ lộc cộc trên sàn gạch truyền đến cũng tiếng gọi lễ phép ngay phía dưới nhưng Tư Thành không đáp. Thằng bé nhẹ nhẹ tay cuộn lại sợi dây để thu con diều về rồi vẫn dán lưng trên mái nhà. Trong không khí là mùi cháo gà chị bếp nấu, chẹp miệng một cái, nó vẫn dằn lòng xuống cho đến khi có tiếng gọi quen thuộc vang lên:
- Tư Thành?
Bám hai tay vào hàng ngói ngoài cùng làm điểm tựa để thò đầu xuống nhìn, thằng bé cười ngay khi thấy dáng người thanh nhã của Ngọc Dao. Người hầu ban nãy đã dời đi nên thằng bé mới an tâm đu mình xuống đứng ngay ngắn trên nền nhà, đưa tay phủi sạch áo xong xuôi mới thưa:
- Mẹ tìm con?
- Con xem… – Ngọc Dao cau mày, đưa tay nhặt chiếc lá khô vương trên mái tóc của con trai, nói – …có thân vương nào như con không? Hở ra một cái lại trèo lên mái nhà là sao?
Miệng nhoẻn cười, đứa bé trai không đáp, lẳng lặng mở liễn cháo múc một bát dâng mẹ rồi mới ngồi xuống ghế. Người thiếu phụ đưa mắt nhìn nó định nói thêm gì rồi lại thôi. Lắm lúc Ngọc Dao cũng không hiểu nổi trong đầu đứa con trai của mình thực ra đang nghĩ cái gì. Gió thổi tới mát lành nhưng thời tiết đã mấy tháng nay không có lấy một giọt mưa. Mới chớm hè đã thế không hiểu lúa má, mùa màng sẽ ra sao nữa.
- Con học xong bài khóa hôm nay rồi nên mới dám đi chơi? – Nàng gác chiếc thìa sứ lên miệng bát, thuận tay rút ra một quyển sách, lật ngẫu nhiên một trang rồi đưa cho Tư Thành – Đọc cho mẹ nghe đoạn này xem nào.
- Dạ! – Tư Thành dùng hai tay đỡ lấy quyển sách, e hèm mấy tiếng lấy giọng rồi lắc lư cái đầu đọc vanh vách mà không cần liếc mắt xuống trang giấy thêm lần nào nữa, trong lòng có chút tự ái vì quyển sách này bản thân cậu đã học thuộc lòng như cháo chảy từ lâu – Nhân chi sơ tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn. Cẩu bất giáo, tính nãi thiên. Giáo chi đạo, quí dĩ chuyên. Tích Mạnh mẫu, trạch lân xử…[4].
[4] Trích từ Tam tự kinh (Sách được dùng để dạy học cho học sinh mới đi học).
Nó đọc nhưng mắt vẫn lén nhìn về phía cửa sổ mở rộng, kín đáo đề phòng nhỡ may có ai lại nghe thấy những điều này. Tư Thành biết ngôi nhà cạnh chùa Huy Văn của mình luôn nằm trong sự giám sát của những gia nhân do Hoàng thái hậu cử đến, trong bụng đang ngầm xếp đặt xem làm thế nào để tống cổ đám người đó đi.
- Nói cho mẹ hai câu đầu nghĩa là gì? – Nàng nhìn con, nghiêm giọng hỏi không khác gì các thầy dạy ở Kinh Diên khảo bài đám học sinh.
Ngồi thẳng lưng trên ghế, khoanh hai tay trước ngực, đứa bé thưa:
- Hai câu đó nghĩa là: Người sinh ra bẩm sinh lương thiện. Bản tính này ai cũng như ai nhưng do tập quán ở từng nơi khiến con người xa nhau, xa khỏi chữ “thiện” ban đầu.
Ngọc Dao khẽ gật đầu, hỏi tiếp:
- Còn câu: Tích Mạnh mẫu, trạch lân xử?
- Câu này nghĩa là: Mẹ Mạnh Tử chọn láng giềng, lấy từ điển tích thân mẫu của Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để lựa cho con trai môi trường tốt. Ý là… – Mắt thằng bé sáng rực, trả lời trôi chảy nhưng đến cuối cùng lại ngưng lại, nhìn mẹ đăm đăm. Nó chợt hiểu ra ẩn ý của nàng khi tự nhiên đưa ra câu hỏi ấy.
- Con lại đây! – Ngọc Dao gọi khẽ, kéo đứa bé vào lòng mình – Tư Thành, giờ con lớn rồi, mẹ chỉ xin con hai chữ “bình an”, cả đời bình an mà sống. Cổ nhân nói: Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý[5], nhớ lấy câu đó mà sống thật đàng hoàng, ngay thẳng, hiểu không con?
[5] Trích từ Tam tự kinh. Nghĩa là: Ngọc (dù quý) nhưng không mài giũa thì không thành đồ vật (có ích). Người không học thì không hiểu đạo lý.
Ngầm đoán sau những lời ấy mẹ sẽ chuyển qua nói chuyện Bang Cơ nên thằng bé cười nhẹ, nghiêm túc gật đầu tỏ vẻ đã lĩnh hội được lời dạy của Ngọc Dao. Đoạn, nó lảng ngay sang chủ đề khác – Mẹ ơi, tại sao con lại có một vết sẹo thế này?
Dưới ánh nền bập bùng soi tỏ vầng trán của đứa bé, quả nhiên trên đó là một vết tích mờ mờ đã có từ rất lâu. Tư Thành vốn cũng có chút thắc mắc nhưng không đến nỗi buộc phải biết, chỉ vì hôm nay không muốn phải nghe điều mình không thích nên mới lôi chuyện cũ ra. Đứa bé ngẩng mặt lên nhìn mẹ, tay xoa xoa lên trán, làm bộ như chờ đợi.
- Là do hồi nhỏ con nghịch ngợm, bị ngã nên có cái sẹo đó. – Ngọc Dao nheo mắt, cốc nhẹ lên trán thằng bé.
- Con cũng nghĩ vậy! – Tư Thành nhún vai, ngắm nghía cổ tay của mình đã được ngự y trong cung bó thuốc, quấn băng trắng. Tuy cử động còn có chút khó khăn như ít nhất cũng đỡ đau hơn mấy bữa trước.
- Mẹ đùa đấy! – Ngọc Dao cười, đưa tay vuốt tóc con trai, nhẹ nhàng thủ thỉ: – Là có câu chuyện thế này. Hồi xưa khi mẹ mang thai con có nằm mơ thấy mình lên Thiên cung gặp Ngọc hoàng thượng đế. Người ban một tiên đồng xuống làm con trai mẹ, nhưng vị tiểu thần tiên đó bướng bỉnh, nhất quyết không chịu hạ phàm khiến Ngọc đế cả giận, dùng cái hốt ngọc mà ném, để lại cái vết trên trán. Lúc con sinh ra mẹ mới rõ, Lê Tư Thành của mẹ chính là vị tiên đồng ngang bướng ấy. Còn gì nữa nhỉ… à, tiên đồng xin có bạn đồng hành, xin cả người giúp việc nên Ngọc đế đã chỉ định một ngọc nữ rất xinh đẹp đi cùng, còn ban cả một tiểu tiên đồng khác theo hầu. Mẹ nghĩ đó là một câu chuyện hay… Không biết sau này con có gặp được ngọc nữ ấy không nhỉ?
Nhìn đôi mắt ôn hòa của mẹ, đứa bé cười khì khì:
- Con thấy vị tiên đồng đó thật là khôn ranh. Con thì con vẫn nghĩ cái sẹo này là do mình nghịch phá gì hồi còn nhỏ ý.
- Cái thằng bé này… – Ngọc Dao cốc nhẹ lên trán con rồi đứng dậy – Muộn rồi, con đi ngủ đi, mai còn phải đi học sớm.
Tà áo lụa của nàng mới khuất sau cánh cửa khép hờ đã nghe thấy tiếng gọi giật sau lưng.
- Mẹ ơi! – Tư Thành ló mặt ra – Con nghe nói Hoàng thái hậu đã hạ lệnh sai Thái úy Trịnh Khả đến xã Cổ Châu rước tượng Phật Pháp Vân từ Diên Ứng tự về Báo Thiên tự ở kinh thành để cầu đảo xin trời mưa[6]. Mẹ dẫn con đi xem lễ rước cho biết nhé! Chắc là vui lắm nhỉ?
[6] Theo Đại Việt sử kí toàn thư. Phật Pháp Vân là một trong Tứ Pháp, được thờ ở Diên Ứng tự (tức chùa Dâu, tại Luy Lâu, Bắc Ninh). Xem thêm sự tích, tài liệu liên quan đến Phật Mẫu Man Nương, Tứ Pháp chúa Dâu.
Ngọc Dao dừng bước, cau mày cất tiếng dò hỏi:
- Xưa nay con không hứng thú với kinh kệ Phật pháp, lần này là có ý gì đây?
- Là tò mò ạ! – Thằng bé cười rồi khẽ khàng lui về buồng mình.
Lôi bát hồ, mấy thanh tre và giấy ra, Tư Thành nghiêng ngó xem có ai nhìn mình không rồi mới chọn một chỗ sáng nhất ngoài hiên, cẩn thận vót từng nan, uốn uốn một hồi để làm khung. Mường tượng vẻ mặt của Bang Cơ lúc nó giơ con diều này ra cho hoàng huynh xem rồi kể những chuyện bản thân sẽ chứng kiến trong lễ rước tượng Phật, Tư Thành không khỏi cảm thấy khoái chí. Hoàng huynh luôn muốn biết cuộc sống bên ngoài là thế nào, giờ sức nó chưa thể giúp người trốn khỏi hoàng cung nhưng kể chuyện thì có thể. Đấy là chưa nói đến bản thân thằng bé cũng vừa tò mò, vừa ngờ vực quyền năng của Đức Phật. Từ xưa đã nghe rằng Phật Pháp Vân vô cùng linh thiêng, thời Lý vua quan đã nhiều lần tới cầu đảo đều linh ứng cả, cầu mưa được mưa, cầu tạnh được tạnh, mưa thuận gió hòa, nên lần này nó quyết tâm mục sở thị cho biết.
Gọt gọt chỉnh chỉnh một hồi, ép nhẹ ống sáo trúc lên bờ môi, Tư Thành thổi thử trước khi buộc lên con diều. Âm thanh thoát ra vi vút, trong trẻo, từng âm đều rất hoàn mỹ. Hẳn nhiên điều ấy làm thằng bé vô cùng tự hào.
***
Năm Lê Tư Thành sinh ra, ba họ nhà Hành khiển Nguyễn Trãi lâm vào cảnh đầu rơi máu chảy. Vì cưu mang đứa cháu này, Đình thượng hầu Đinh Liệt cùng gia quyến phải vào tù ra tội.
Năm Lê Tư Thành lên ba, được phong Bình Nguyên vương, đến tháng mười năm đó, Nhập nội đô đốc Nguyễn Xí phải tội nhưng do thân là nguyên lão ba triều, lại có công hồi đầu năm đi đánh Chiêm Thành nên được hưởng luật bát nghị[7], chỉ bãi bỏ chức tước. Không ai rõ Nhập nội đô đốc mắc phải tội gì khiến Hoàng thái hậu tức giận đến mức phải ra lệnh đó. Người biết chuyện từ thời Thái Tông thì ngầm hiểu rằng, việc phong vương cho Hoàng tử Tư Thành chắc chắn phải đi cùng với sự cảnh cáo những người từng ngáng trở kế hoạch của Tuyên Từ Hoàng thái hậu lúc người còn là Nguyễn Thần phi. Nguyễn Trãi và Thị Lộ đã bị diệt, sau đó là Đinh Liệt bị tống giam, giờ đến Nguyễn Xí bị bãi chức cũng là lẽ thường tình. Ván cờ này là Hoàng thái hậu nắm thế thượng phong, tước vương kia cũng là người ban cho Lê Tư Thành, hoàn toàn chẳng phải sự thỏa hiệp hay nhượng bộ bất kì ai.
[7] Tám loại người được chiếu cố, nghị xét giảm tội.
Năm Thái Hòa thứ sáu (1448), cục diện dần dần lại đổi khác.
“Hoàng thái hậu giá đáo!”
Tiếng thông báo ấy vọng vào buồng giam tối tăm, nguồn sáng duy nhất là ô cửa sổ vuông nhỏ xíu trổ trên bức tường đá xám dày ba tấc. Bụi bay lơ lửng trong dải nắng hạ.
“Cung nghênh Hoàng thái hậu. Hoàng thái hậu thiên tuế, thiên tuế, thiên thiên tuế”.
“Không cần đa lễ!” – Một giọng nữ thanh thanh đáp lại, vang lên tiếp sau là tiếng xiêm áo, tiếng những món đồ trang sức va khẽ vào nhau tạo thành những âm thanh đinh đinh đang đang. Mùi phấn sáp thoảng qua trong không khí ẩm mốc, bí bách.
Đinh Liệt quỳ trên sàn đá lạnh, ánh mắt đen lặng chạm đến mũi hài thêu chim phượng của người phụ nữ đáng tuổi con gái ông.
“Chẳng hay hôm nay lệnh bà di giá đến chỗ lao ngục này là có điều gì dạy bảo tội thần cùng gia quyến ạ?”
“Đình thượng hầu quá lời rồi. Ta vẫn nghĩ chuyện nào đi chuyện ấy”. – Tuyên Từ cất tiếng cười lanh lảnh nghe như tiếng bạch ngọc va vào nhau trong gió đông – “Bay đâu, cởi xiềng cho các hạ.”
Bàn tay quen cầm đao kiếm bao năm nay bị gông cùm đột nhiên trút được một gánh nặng khiến người đàn ông tóc hoa râm, gương mặt khắc khổ không khỏi ngạc nhiên.
“Tội chết có thể tha, tội sống ta không thể không tính. Luật pháp vốn không phải trò chơi, điều này hẳn nhiên các hạ đường đường là khai quốc công thần không thể không hiểu. Thời gian ngươi ở đây như vậy là đủ rồi, nên lấy công chuộc lỗi thì hơn. Lần này là Trịnh Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan làm đơn khẩn khiết van xin quan gia nên mới có cái lệnh này. Nên cử xử, đền đáp về sau thế nào, hẳn Đình thượng hầu đã có tính toán”.
Quỳ xuống hành lễ tạ ơn, người đàn ông không lạ gì từng cái gai trong lời nói người đàn bà trước mặt. Bàn tay đeo vòng ngọc trắng mở rộng, đưa một đường hoa mỹ về cánh cửa phòng giam giờ không còn đóng kín:
“Đình thượng hầu, mời. Ta đã chuẩn bị nước thơm, y phục để tẩy trần cho ngài. Phủ đệ cũng đã bỏ dấu niêm phong, quét tước sạch sẽ đợi chủ nhân trở về”.
“Hoàng thái hậu quá hậu đãi lão thần rồi!” – Đinh Liệt chắp tay, cúi mình.
“Giang sơn xã tắc của quan gia từ nay về sau trông cậy cả vào sự tận tụy, trung thành và tài năng của những bậc khai quốc công thần như ngươi” – Tuyên Từ cười, đỡ người đàn ông đứng thẳng dậy – “Giờ Hoàng tử thứ tư của Tiên đế đã được phong làm Bình Nguyên vương. Việc học văn chương, lễ nghĩa thánh hiền, ta an tâm giao hoàng tử cho các quan ở Kinh Diên. Nhưng còn chuyện này khiến ta rất băn khoăn. Thái Tổ lấy lại sơn hà từ trên lưng ngựa, con cháu người không thể lơ là việc binh cách, càng không thể không biết võ thuật. Ta giao Bình Nguyên vương cho khanh và Thiếu bảo Nguyễn Xí mới được phục chức. Mong hai khanh sẽ dốc sức bồi dưỡng điện hạ để nước nhà có thêm một nhân tài”.
Với mối quan hệ giữa Đinh Liệt với Ngọc Dao cùng Tư Thành, chuyện dạy dỗ ấy chẳng sớm thì muộn cũng diễn ra. Tuyên Từ biết thế nên đã nhanh tay đi nước cờ này, để mọi chuyện phải công khai trước cặp mắt của mình, mọi động thái dù là nhỏ nhất phàm phạm vào lẽ quân – thần đều lập tức trở thành bằng chứng để xử tội chết cho những kẻ đó. Người đàn ông mỉm cười lấy lệ, cúi đầu tuân chỉ nhưng mắt liếc nhìn nhanh về phía sau, về phía những chấn song sắt khép kín.
“Hiềm một nỗi…” – Tuyên Từ Hoàng thái hậu thở dài, ra vẻ ái ngại, cặp mắt phượng sáng long lanh chăm chú nhìn biểu cảm trên gương mặt người đối diện – “Lần này quan gia xuống chỉ không hề nói đến gia quyến của Đình thượng hầu. Ta rất muốn để gia đình khanh được đoàn tụ, sum vầy nhưng lực bất tòng tâm, đành để phu nhân và các con khanh chịu khổ thêm một thời gian nữa vậy”.
Quan gia xuống chỉ, quan gia không đề cập đến… Tất cả những lời lẽ đó chỉ là bao biện, không hơn. Đinh Liệt biết rõ việc buông rèm nhiếp chính trao quyền trị nước cho ả đàn bà trước mặt, tất cả dù đều mang tiếng Hoàng đế chỉ thị, ra lệnh nhưng thực chất là chủ ý của người đàn bà ngồi sau tấm rèm sa mỏng ấy. Trong mắt Tuyên Từ, Bình Nguyên vương hãy còn nhỏ tuổi nhưng cũng như Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân, luôn là mối lo canh cánh cần phải đề phòng. Đằng ngoại của Bình Nguyên vương[8] không quá đáng sợ. Cái khiến Nguyễn Thị Anh lo lắng chính là họ ngoại của Ngọc Dao, là dòng họ Đinh, là Đinh Liệt. Ả sợ người đàn ông này sẽ dùng ảnh hưởng của mình để mưu đồ thoán nghịch, tôn đứa bé kia lên ngôi Thiên tử thay con trai mình nhưng ả lại không thể không dùng ông, không thể không dùng Nguyễn Xí nếu muốn củng cố giang sơ cho Hoàng đế trẻ con kia. Giam gia quyến Đinh Liệt trong lao tù chẳng qua là giữ con tin để không kẻ nào dám bạo gan làm phản. Bàn tay gân guốc trong một thoáng siết lại rồi buông ra ngay, người đàn ông cúi đầu:
“Thần xin nghe theo sự xếp đặt của quan gia và Hoàng thái hậu!”
[8] Ám chỉ gia đình của Ngô Từ – Thân phụ của Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao.
Những chuyện ấy hẳn nhiên lúc này Lê Tư Thành hoàn toàn không hề hay biết.
Trong những cơn gió đông lạnh buốt thổi tới, chiếc áo mỏng dán lên tấm thân ấy nhưng đứa bé vẫn thản nhiên xuống tấn, thực hiện từng đòn đấm, đá vững chãi, mạch lạc.
- Điện hạ, tốt lắm! – Đinh Liệt gật đầu tỏ ý hài lòng, đưa tay vuốt chòm râu của mình.
Đứa bé cười cười, thưa:
- Các hạ quá khen, ta còn phải học hỏi nhiều. Ơ… ta thấy quan lại trong thành hay bên ngoài, phẩm trật từ thấp đến cao đều tấp nập ngựa xe mang quà cáp đến mừng hôn lễ của Vệ Quốc trưởng công chúa với Lê Quát. Sao trong phủ của Đình thượng hầu lại yên ắng suốt mấy hôm nay như vậy?
Số là thế này. Vệ Quốc trưởng công chúa là chị cả của Hoàng đế Bang Cơ, năm nay mới mười tuổi, lại bị câm được gả xuống cho con trai Thái úy Lê Thụ là Lê Quát. Lê Thụ trong triều cũng thuộc vào hàng trọng thần khai quốc nên nhân hôn sự này, lắm kẻ muốn cầu cạnh mà ngoi lên, tranh nhau cúng của cải để mưu phú quý đến nỗi gấm thêu, lĩnh là, vóc lụa ngoài phố đều bị mua hết nhẵn. Lê Thụ còn bắt quan lại các trấn, lộ, huyện phải sắm đủ trâu, dê các thứ. Quan dưới vì muốn làm đẹp lòng quan trên lại nhè xuống đầu dân chúng mà đòi.
- Điện hạ đừng giễu thần. Một kẻ như thần nào dám qua lại chỗ Thái úy quyền cao chức trọng. – Người đàn ông cất lời vẻ như xa cách nhưng ánh mắt lại chăm chú quan sát biểu cảm trên gương mặt đứa trẻ – Kiểu vào luồn ra cúi đó không phải cung cách của người xuất thân ở cửa nhà binh.
Tư Thành khoác chiếc áo gấm lên vai, ngẩng mặt lên, chầm chậm cất lời:
- Lời người từng chinh chiến nói ra nghe như dao chém đá, hy vọng ngài nói được cũng làm được. Đừng để đầu voi đuôi chuột như Đài quan Hanh Phát, lúc lên triều thì tâu hặc việc hối lộ công khai này rất gay gắt nhưng sau lại mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ, khiến cả thiên hạ được dịp chê cười. Quan gia và Hoàng thái hậu rất không hài lòng vì chuyện ấy. Quan gia ra sức chống việc ăn của đút lót, giữ gìn triều cương ngay ngắn nhưng tiếc là những kẻ có mặt trong cái danh sách chẳng lấy gì làm hay ho ấy lại toàn là những bậc đại quan đứng đầu triều đình. Quan lại là phụ mẫu, là tấm gương của dân chúng, gây ra những việc như vậy thì còn ra thể thống gì nữa! Lời ta nói là theo ý của Hoàng đế, hơn nữa giữa ta và ngài vừa là nghĩa thầy – trò, cũng là máu mủ ruột già. Mong Đình thượng hầu hiểu cho.
Người đàn ông đăm đăm nhìn đứa bé chỉ đứng cao đến hông mình, bị từng chữ thốt ra từ cái miệng hãy còn hôi sữa ấy làm cho sửng sốt, cuối cùng mới cúi đầu:
- Điện hạ, thần xin lĩnh ý!
Mùa đông năm ấy, Lê Tư Thành mới hơn sáu tuổi.